Nguyễn Lan Đồng dịch
Phần 1 - Chương 1
Phần 1- Đất thánh
Chương 1

Sáng hôm đó Ăngtoan Xécvê không tự mình tiến hành phẫu thuật. Mấy hôm trước anh bị dao mổ khía vào ngón tay, ngón trỏ sưng tấy lên, nên anh đã thận trọng không dám mó vào da thịt đang bị hoại của người tội phạm bị hành hình mà tử thi đang đặt trên bàn mổ. Trời nóng làm cho thi thể chóng rữa kèm theo hai hậu quả là gây mùi hôi thối khó chịu trong giảng đường giải phẫu và tăng thêm nguy cơ bị thương phẫu thuật cho người tiến hành và những người phụ mổ.
Phía dưới bục giảng cao mà nhà giải phẫu học trẻ tuổi đang đứng, giáo trình ngày hôm ấy để trước mặt các sinh viên đang xúm quanh người tiến hành phẫu thuật là cụ Ghintêriut, những ngón tay sứt sẹo biến dạng vì dao mổ, đang thong thả thao tác. Vốn quen với những động tác nhanh và chính xác của Ăngtoan, các sinh viên có vẻ sốt ruột, động đậy luôn. Ánh sáng chói chang rọi qua khung kính trên mái làm loé sáng ánh thép của con dao mổ trong bàn tay chậm chạp vụng về của người thợ cạo già kiêm phẫu thuật viên.
Một làn gió nhẹ lùa qua khung cửa sổ ở phía sau Ăngtoan và vuốt ve chiếc gáy nóng hổi, nhớp nháp mồ hôi dưới chiếc cổ áo dày cộm của bộ y phục giáo sư. Làn gió lật lung những trang sách giáo khoa đặt trước mặt anh, lần lượt mở ra những bức vẽ tuyệt tác của Canca, những bức tranh khắc gỗ in đối diện với trang chữ La tinh ngắn gọn và cô đọng mà Ăngtoan đã thuộc lòng từ sáu năm nay, khi anh đến trường Đại học Pađu(1) để vừa học giáo luật vừa học ngành y. Thuộc đến nỗi anh có thể đọc lại những câu có âm thanh vang vang ấy mà không cần nhìn sách.
Một tờ giấy bằng da cừu được đặt bên cuốn sách, với bàn tay có vẻ như lơ đãng nhưng khéo léo, Xécvê phóng những nét bút mềm mại phác họa chỗ cụ Ghintêriut đang tiến hành giải phẫu. Trên bức phác họa này, các bắp thịt được đánh bóng nhẹ, những dây chằng tô đậm hơn, dây thần kinh và huyết quản hằn lên thành những đường nổi đậm.
Ăngtoan ngắm nghía bức phác hoạ bằng cặp mắt phê phán, lông mày cau lại và trong khoảnh khắc, anh ngừng giọng đều đều đọc giáo trình. Ngay tức thì, giảng đường giải phẫu trầm lặng hẳn. Thực ra, khó có thể gọi căn phòng nhỏ ngổn ngang đồ đạc này là “giảng đường giải phẫu”. Ở đây, ngoài bục giảng, bàn mổ và các chậu đất ở bốn góc phòng để đựng các mảnh thịt và xương, thùng dấm ở một góc để ngâm các bộ phận dị thường, đáng giữ lại nghiên cứu sau này, còn lại rất ít chỗ dành cho học sinh. Họ đứng chen chúc nhau, mồ hôi nhễ nhại và thở có vẻ khó khăn.
Ngạc nhiên vì sự im lặng đột ngột, các sinh viên ngẩng nhìn về phía Ăngtoan, những gương mặt sáng sủa nổi trên các bộ áo màu sẫm.
Hai con người lúc đó đang bận giải phẫu với những danh vị khác nhau trong căn phòng nhỏ bé này đại diện cho lịch sử y học ở nửa phần cuối thế kỷ XVI sáng ngời trí tuệ.
Ăngtoan hai mươi lăm tuổi, người cao lớn, chắc nịch, lại càng có vẻ cao lớn hơn trong chiếc áo chùng dành cho các giáo sư, các nhà giải phẫu học và các nhà bào chế. Đầu anh cân đối, tóc đen và hơi quăn, da nâu hơi ánh vàng, hai má đôi khi thoáng ửng đỏ, tất cả những điều đó chứng tỏ cha anh là người Tây Ban Nha và mẹ anh là người Ý. Nhưng cái làm cho ta đặc biệt chú ý là cặp mắt màu nâu thẫm rực cháy nhiệt tình và sự tận tuỵ của nhà bác học chân chính, nhà khoa học bẩm sinh, của con người luôn nhìn sâu vào tương lai. Đôi môi linh hoạt, hay mỉm cười, làm sinh động gương mặt đầy nhân đạo và cởi mở nồng nhiệt. Những ngón tay cầm bút chì khoẻ và thon, anh có đôi tay nhạy cảm của một người nghệ sĩ, vừa của một nhà phẫu thuật.
Ghintêriut thuộc công hội đã có từ lâu của những người vừa làm thợ cạo vừa làm nghề mổ xẻ. Phần lớn họ là những người vô học, chỉ mù quáng làm theo những quy tắc mà Galiêng(2) và một số vị lão thành khác đã đề ra, họ chưa thể thấy rằng trong đà phát triển mới của khoa học, nghệ thuật, văn học, ngành y nhảy lên hàng đầu với tư cách là giai đoạn mới và quan trọng của kiến thức loài người.
Còn Ăngtoan Xécvê, anh thuộc những người kiên quyết đoạn tuyệt đoạn tuyệt với những tập quán cũ, sự đoạn tuyệt bắt đầu từ Paraxen, Cácđăng (3)với mấy người nữa và thể hiện rõ rệt nhất ở Ăngđơrê Vêdan, mà văn bản của ông ta đang đặt trên giá trước mặt anh. Vê đan đã dám mổ thi thể con người. Các phát minh của ông đe doạ sẽ đốt thành tro bụi những nền móng cũ đang lung lay mà một số nhà bào chế và thợ cạo vẫn còn đang dựa dẫm để thay bằng những tri thức mới đầy sức mạnh, làm cho ngành y vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật.
Làn gió đã ngỗ ngược lật hết các trang sách. Cúi nhìn xuống Xécvê chỉ còn thấy trang tên sách, nhưng trí nhớ của anh không hề phản bội anh, anh vẫn tiếp tục đọc không thiếu một câu. Và như ở trong toà lâu đài cổ có phép lạ của truyện tiên, tất cả đều linh hoạt lên ngay: Hai tay cụ Ghintêriut hoàn thành nốt động tác đang làm dở, các sinh viên lại cúi xuống tiếp tục theo dõi vết rạch của con dao mổ.
Trên những trang đầu của cuốn sách lớn ấy, màu đen nổi bật trên nền trắng ở chỗ có chữ in trên giấy: Ăngđơrê Vêdan, giáo sư đại học, về cấu tạo cơ thể con người.
De Humani Corporis Fabrica, những từ ấy thấm vào óc Ăngtoan một cách dễ dàng. “Cấu tạo cơ thể học con người ”, đây là một văn bản chính thức đầu tiên về giải phẫu người kể từ buổi sơ khai của lịch sử. Galiêng, uy quyền duy nhất trong hơn mười thế kỷ về vấn đề này đã mổ xẻ lợn, đôi khi mổ một con khỉ của nước Cathay(4), nhưng hiếm có trường hợp mổ cơ thể người… Cho nên, không có gì là lạ khi con dao mổ chú ý và tìm tòi của Vêdan vạch ra bao nhiêu sai lầm mà Galiêng đã mắc phải. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các học thuyết của Galiêng bớt bám chắc tư tưởng của các thầy thuốc và giới tăng lữ. Mười bảy năm sau khi cuốn Fabrica của Vêdan xuất bản, cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn. Vêdan đã tạo ra một thời kỳ mới trong lĩnh vực nghiên cứu về cơ thể con người ở ngay đây, ở Pađu này cũng như một số lớn nhà trường trên thế giới. Nhưng Rôma(5) và các trường trực thuộc vẫn gắn bó với các học thuyết lỗi thời của Galiêng, vì vậy giữa các trường ấy và các trung tâm học đường tự do như ở Pađu, cuộc luận chiến bền bỉ vẫn diễn ra gay gắt. Có khi luận chiến vượt qua lĩnh vực ngôn ngữ chuyển thành hành động. Chẳng hạn như hôm các sinh viên trường Đại học Pađu xung đột dữ dội trong những phố hẹp của thành phố với sinh viên trường Đại học giáo sĩ dòng Tên ở gần đấy.
Ăngtoan biết rõ mọi chi tiết của cuộc tranh cãi nổ ra chung quanh Vêdan sau khi cuốn Fabrica được xuất bản. Người chiến sĩ tiên phong lớn của khoa giải phẫu học ấy đã từng giảng ở bục giảng này, chính chiếc bục mà hiện anh đang đứng giảng – hay nói cho đúng hơn là ông đã đứng ở chỗ cụ Ghintêriut đang đứng, vì rằng Vêdan luôn luôn tự tay mình hoàn thành các phẫu thuật – về vấn đề này Ăngtoan cũng nghĩ như người thầy của mình.
Các cuộc công kích gay gắt, hùng hồn đến nỗi nhà giải phẫu học ấy chán chường vì những phê phán bất công của nhà thờ, trong một hành động nông nổi vì tức giận, đã đốt cháy phần lớn các tác phẩm của mình trước khi trốn khỏi Pađu để trở thành thầy thuốc riêng cho Hoàng đế Sáclơ Canh, rồi mới đây, cho hoàng tử kế vị là Philíp II của Tây Ban Nha.
- Bác sĩ Xécvê!
Ghinteriut ngẩng lên, rời mắt khỏi vết mổ ở cánh tay tử thi.
- Hình như ở chỗ này có cái gì khác thường.
Ăngtoan bước xuống dưới bục giảng, các sinh viên giãn ra nhường chỗ cho anh xuống gần bàn. Mùi thịt đang thối rất khó chịu, nặng nề chỉ thoang thoảng ngửi thấy ở chỗ bục giảng bốc đến buồn nôn ở chỗ bàn này, thứ hơi độc ấy gần như sờ thấy được vì dày đặc quá. Vốn quen với mùi cơ thể thối, Ăngtoan không cảm thấy gì cả
- Cái tĩnh mạch này đây, - Ghinteriut đưa mũi dao mổ chỉ - nó sẽ đi vào tĩnh mạch sâu phải không?
Ăngtoan lấy tay gạt khối bắp đã thâm và gần nát sang một bên nhưng sực nhớ đến ngón tay đang viêm, anh ngừng lại.
- Giáo sư Phalôpiut đã nói đến một dị trạng loại này – anh thừa nhận như miễn cưỡng vì anh cảm thấy như bất kính mỗi khi anh tìm thấy ở một cơ thể nào đó một chi tiết mà Vêdan chưa nói đến – Vấn đề là đáng lẽ chảy vào tĩnh mạch sâu thì nó lại nhập với tĩnh mạch nông.
- Tôi nhớ ra điều đó rồi đấy – Ghinteriut nói và cụ hài lòng cầm lại dao mổ.
Ăngtoan về chỗ mình, cầm lại bút chì vẽ cái tĩnh mạch ở vị trí bất bình thường và hoàn thành bức phác hoạ. Khi kết thúc, anh giơ bức vẽ lên ngang tầm mắt rồi lắc đầu, cắn môi lại, vẻ bực bội. Các cấu tạo giải phẫu rất đúng vị trí, được vẽ một cách điêu luyện nhưng bức phác hoạ chưa thể hiện được đầy đủ sự cân xứng và sức sống như anh muốn truyền đạt cho nó.
Ghintêriut đã mổ xong và lúc ấy trời đã trưa, Ăngtoan cho sinh viên ra về.
Bài giảng ngày hôm nay của anh thế là kết thúc, anh có thể tự do trở về tu viện Đôminích dưới bóng Thành Mác, nơi anh ở và làm nhiệm vụ thủ thư để trả tiền ăn. Đã năm năm nay, anh sống ở đây cuộc sống êm ả của nhà bác học giữa những cuốn sách bụi bặm và các tập bản thảo. Lánh mình trong tu viện, cuộc sống tu hành hay gần như tu hành của anh, giữa những cuốn sách và xa cách mọi người, có những hấp dẫn khiến anh gần như quyết định sẽ chọn cuộc sống này. Anh dự định sẽ thụ giới vào mùa thu, nhưng quyết tâm không để cho nhiệm vụ giáo sĩ đó cản trở tiền đồ giảng dạy của mình, vì rằng nhiều giáo sư thực thụ cũng đồng thời là giáo sĩ.
Ở đây, việc tìm tòi kiến thức được coi trọng hơn tất cả, việc tìm tòi này đã được thành phố đỡ đầu thừa nhận và khuyến khích, thành phố ấy là Vơnidơ, là đất thánh, nữ hoàng của miền Ađơriatích.
Tuy vậy, gần đây, sự yên tĩnh của thư viện, mùi thơm thoảng thoảng và tiếng sột soạt êm ái của những trang giấy thân mến đã mất đi một phần nào sức quyết rũ đối với anh. Đây là một cảm giác khó tả nhưng có thật.
Sự luyện tập và trình độ y học của anh bảo rằng đó là tội của những ám khí đã tích tụ trong anh suốt mùa đông. Theo Hypôcơrát và Arixtốt(6) thì một liều thuốc tẩy sẽ chấn chỉnh lại tình trạng ấy. Nhưng trong thâm tâm anh, Ăngtoan nghi ngờ rằng, lần này các phương thuốc của những vị thầy xưa kia sẽ không có tác dụng gì hết đối với mình.