Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XXI
TAN-TÁC

Có những ngày rỗi rãi, ngồi một mình, tôi nghĩ ngợi rồi tự nhủ:
- Minh ơi! Minh sung sướng lắm rồi! Chẳng được thế mãi đâu!
Cái tai họa nó sẽ xảy ra thế nào, tôi không đoán được. Nhưng tôi chắc chắn rằng từ phía này hay từ phía kia thế nào nó cũng đến.
Điều đó làm cho tôi buồn, nhưng cũng làm cho tôi hết sức chăm lo công việc vì tôi sợ rằng lỗi tại tôi mà tai họa xảy đến.
Lỗi không phải tại tôi, tôi đoán nhầm.
Nhưng tai họa có xảy ra, tôi đoán đúng.
Trên kia tôi đã nói rằng chủ nhân chuyên nghề trồng lan tử-la. Đó là một thứ hoa rất dễ trồng nên những thợ trồng hoa ở ngoại thành Ba-Lê đều thành công cả: cứ xem những thân cây xanh mập có hoa từ gốc đến ngọn, người ta đem vào bán ở các chợ trong thành phố vào tháng Tư và tháng Năm thì biết. Tuy nhiên có một điều rất cần thiết cho người thợ trồng hoa tử-la là phải biết chọn trồng những hoa kép vì theo mốt mới người ta không thích hoa đơn. Khốn nỗi những hạt giống đem gieo thường mọc lên những hoa kép, hoa đơn lẫn lộn nhau. Như vậy, nếu không biết chọn những cây kép và loại ngay những cây đơn ra thì phải “nuôi nợ” những cây này, có tới 50%, trong một năm trời cho đến khi chúng thò hoa đơn ra mới biết mà vứt đi thì đã muộn rồi. Vì thế người ta phải biết cách “lọc hoa”, nghĩa là biết quan sát những đặc tính hiện ra ở gân lá, ở cách lá mọc mà giữ hay nhổ những cây non đi. Công việc này không phải dễ. Vì thế rất ít người biết thuật “lọc hoa” và cũng vì thế thuật đó được giữ bí truyền trong một vài gia đình. Khi những thợ làm vườn cần chọn cây, bắt buộc họ phải nhờ đến những bạn đồng nghiệp biết nghề; lúc đó những người này được trọng đãi không khác chi những bác sĩ hay chuyên viên được thỉnh giáo.
Ông An-Thanh là một xảo thủ trong nghề lọc hoa ở Ba-Lê. Hễ đến vụ này là ông vắng nhà luôn. Chúng tôi, nhất là Yến-Chi rất buồn. Trong cuộc gặp gỡ nhau, các bạn trồng hoa không thể không dùng rượu, ít ra một chai, có khi hai chai, ba chai. Vì thế, sau khi đi thăm hai hay ba ông bạn về, chủ nhân thường mặt đỏ, tay run miệng nói líu ríu.
Không bao giờ Yến-Chi đi ngủ trước khi cha về, lắm hôm cô đợi rất khuya. Tiếng động làm tôi tỉnh thức. Ở buồng tôi, tôi nghe rõ tiếng nói chuyện:
Người cha hỏi:
- Sao con chưa đi ngủ?
Cô Yến-Chi đáp:
- Con thức để xem cha có sai bảo gì không.
- Thế ra cô Cảnh sát định dò xét tôi à?
- Nếu con không thức thì cha về nói chuyện với ai?
- Con xem, cha bước vẫn thẳng. Nhìn đây, cha có thể theo đúng hàng gạch vào buồng ngủ các em.
Tôi nghe có tiếng bước loạng choạng vào bếp rồi lại trở ra.
Người cha lại hỏi:
- Lệ-Hoa ngoan chứ?
- Vâng. Em con ngủ rồi. Cha đừng làm động em dậy.
- Cha có làm động đâu. Cha bước thẳng. Cha phải bước thẳng thắn vì các cô gái hay đổ vạ cho cha. À! Không thấy cha về ăn bữa tối, Lệ-Hoa có nói gì không?
- Không. Em cứ nhìn chỗ cha ngồi.
- A! Nó nhìn chỗ ta?
- Vâng.
- Nhiều lần? Có phải nó nhìn nhiều lần không?
- Nhìn luôn luôn.
- Thế nó nói gì?
- Đôi mắt em nói rằng cha không có ở đấy.
- Nó có hỏi cha đi đâu, con có bảo nó là cha đến nhà các ông bạn không?
- Em không hỏi gì và con cũng không nói gì vì em biết rõ cha ở đâu rồi.
- Nó biết à, biết là… Bây giờ nó ngủ kỹ rồi chứ?
- Không. Vừa mới ngủ được mươi phút vì em thức mãi để đợi cha.
- Thế con, con muốn gì?
- Con muốn em con không trông thấy lúc cha về.
Người cha im một lúc rồi lại nói:
- Yến-Chi con ơi! Con là một đứa con gái tốt. Con nghe cha nói. Ngày mai cha phải đến nhà bác Lương nhưng thế nào cũng về ăn bữa tối với các con. Cha không muốn các con phải đợi. Cha không muốn Lệ-Hoa phải đi ngủ băn khoăn.
Nhưng lời hứa đó không thực hiện. Hôm sau ông lại về khuya hơn mọi ngày vì nể bạn uống say. Ở nhà thì ông nghĩ đến Lệ-Hoa nhưng ra ngoài thì ông quên mất.
Lúc về ông lại phân trần rằng:
- Con xem, người ta thường uống cốc thứ nhất không nghĩ ngợi gì vì nể bạn, uống cốc thứ hai vì đã uống cốc thứ nhất. Người ta nhất định không uống cốc thứ ba nhưng vì đã uống hai cốc rồi thành khát. Thế rồi hơi men bốc lên đầu. Người ta chếch choáng, người ta quên hết nỗi buồn, quên cả chủ nợ, người ta thấy mọi vật đều tươi sáng và hồn người ta thấy nhẹ nhàng như bay bổng sang một thế giới thần tiên, sở dĩ người ta uống nhiều là vì thế.
Cũng may, việc uống rượu của ông rất hãn hữu. Và vụ lọc hoa cũng không lâu. Một khi vụ đó hết rồi, ông chẳng còn lý do gì để ra ngoài nữa. Mà ông cũng không đi đâu nữa. Ông không phải là người bê tha nơi tửu quán, cũng không phải là người lười biếng thích chơi.
Mùa tử-la đã hết, chúng tôi sửa soạn để trồng hoa khác, và theo phương thức của nhà trồng hoa thì không lúc nào được để vườn trống, lượt hoa này bán hết phải trồng lượt hoa khác thay vào.
Kỹ thuật của người làm vườn là phải trồng làm sao cho có hoa vừa đúng lúc những ngày lễ trọng trong năm như lễ các Thánh Phê-Rô, Ma-Ri, Lộ-Y, hoa sẽ đắt. Biết cơ man nào là người mang tên Phê-rô, Ma-ri, Lộ-y, do đó biết cơ man nào là bó hoa, chậu hoa sẽ cần thiết để chúc mừng một người bạn hay một người bà con. Ai ai cũng biết quang cảnh các phố ở Ba-Lê hôm trước ngày lễ đó: trăm thứ hoa bày rực rỡ tại các chợ, ở các cửa hàng, ở vĩa hè, ở đầu phố, không một chỗ nào là không bán hoa.
Sau mùa tử-la nhà ông An-Thanh trồng các thứ hoa khác để bán vào tháng Bảy, tháng Tám là vụ có những lễ các thánh Ma-Ri và Lộ-Y. Vì thế chúng tôi đang gây hàng ngàn gốc thúy cúc, dương hồng, hùng quế dưới các giàn kính và trong các nhà gương. Các cây hoa này phải nở đúng ngày đã định, nếu nở muộn quá thì nụ bán cho ai. Ai cũng biết rằng muốn nuôi hoa như thế thực là việc rất khó, vì người không phải là mặt trời, không phải là thời tiết mà muốn sao được vậy. Ông An-Thanh lại rất tài về nghề này; hoa của ông không bao giờ nở sớm, và cũng không bao giờ trổ muộn. Nhưng được thế, cũng lắm công phu.
Vụ hoa này của chúng tôi có nhiều hứa hẹn. Hôm ấy là ngày mồng 2 tháng Tám, các thứ hoa trong vườn đều sai nụ. Những bông thúy cúc hàm tiếu rung rinh trước gió. Dưới giàn, trong nhà kính, những cây dương hồng, hùng quế mọc tốt như bụi gai hay thành những Kim-tự-tháp nhỏ, nụ ra mơn mởn từ đầu đến chân, trông rất đẹp. Thỉnh thoảng chủ nhân lại ra ngắm nghía, xoa hai bàn tay vào nhau, ra chiều đắc ý.
Ông lại bảo các con:
- Ta được mùa hoa!
Ông mừng thầm và nhẩm tính số hoa lợi sắp thu về.
Cho được kết quả đó, chúng tôi phải làm việc luôn tay, cả ngày chủ nhật không giờ giải trí. Để đền bù công khó nhọc của mọi người, chủ nhân định tới chủ nhật mồng 5 tháng 8 này cho cả nhà đi dự bữa cơm chiều ở nhà ông bạn ở làng Ích-Cương gần đó. Con Lãnh-Nhi cũng được phép đi. Hôm đó mọi người sẽ làm việc gấp cho đến 3 hay 4 giờ. Xong việc, người ta sẽ khóa cửa đi chơi. Độ 5 hay 6 giờ tới Ích-Cương, ăn xong phải trở về ngay để khỏi ngủ muộn và có thể sáng thứ hai dậy sớm làm việc được khỏe khoắn nhẹ nhàng.
Một dịp vui sướng biết bao!
Như lời đã định, trước bốn giờ độ vài phút, chủ nhân khóa cửa ngoài.
Ông vui vẻ bảo:
- Các con lên đường!
Tôi cũng nói:
- Lãnh-Nhi! Tiến lên!
Rồi tôi cầm tay, dắt Lệ-Hoa chạy, Lãnh-Nhi theo sau và kêu những tiếng vui vẻ. Nó nhảy chung quanh chúng tôi, nó tưởng lại được đi lâu trên đường dài vì bị giam chân ở nhà mãi, nó buồn vì tôi ít thì giờ săn sóc nó, nó thèm đi với tôi lắm.
Chúng tôi ai nấy đều diêm dúa trong bộ quần áo đẹp để đi ăn cỗ. Nhiều người quay lại nhìn chúng tôi. Tôi không biết người tôi lúc đó thế nào nhưng Lệ-Hoa với cái mũ cói trắng, chiếc áo dài xanh và đôi giầy vải xám, trông rất linh động và xinh tươi, trong làng ít ai sánh kịp.
Thời giờ đi nhanh quá, tôi chẳng để ý đến. Tôi chỉ biết lúc ăn xong, An-Sinh nhìn lên trời, về phía tây có đám mây đen. Vì tiệc bày ở gốc cây mộc hương ngoài sân, nên mọi người nhận thấy có một cơn giông sắp sửa đến.
Ông An-Thanh bảo:
- Các con ơi! Mau về trại đi!
Các con đều kêu:
- Đã về kia à?
Lệ-Hoa không nói gì nhưng phụng phịu chưa muốn về.
- Gió làm vỡ kính mất. Về đi!
Ông không cần phải nói dài, chúng tôi đều biết rằng những tấm kính là tất cả tài sản của những thợ trồng hoa, vạn nhất mà vỡ thì tuyệt nghiệp.
Ông nói:
- Ta và An-Sinh, Bằng-Mai rảo chân về trước. Còn Lê-Minh cùng Yến-Chi và Lệ-Hoa đi sau.
Nói xong ông và hai con trai bước thật nhanh, chúng tôi theo sau không kịp, vừa đi vừa đợi Lệ-Hoa.
Ai nấy im lặng. Bây giờ không là lúc cười nói, chạy nhảy như lúc đi.
Trời đen dần. Trên đường gió cuốn, cát bụi bay lên từng đám lớn như mây. Đang đi mà gặp làn bụi đó, người ta phải đứng lại, quay lưng về chiều gió, lấy hai tay bưng mắt cho khỏi bụi vào; lại phải nín thở, nếu không người ta thấy mồm đầy một vị như sỏi.
Sấm động ở đằng xa rồi đến gần với những tiếng nổ chói tai.
Yến-Chi và tôi, mỗi người dắt một tay Lệ-Hoa và kéo đi. Cô lê từng bước nên chúng tôi muốn đi nhanh mà không được.
Không biết chúng tôi có về kịp cơn mưa không?
Ông An-Thanh và hai anh đã về đến nơi chưa?
Công việc của chúng tôi rất tầm thường là cốt tránh sao cho khỏi bị mưa ướt.
Còn công việc của ông An-Thanh và hai con ông rất quan trọng, là phải đóng các cửa kính ở vườn cho kịp, nếu không gió lay quật sẽ làm vỡ hết.
Mây đen kéo dầy đặc làm cho tối sầm hẳn lại. Thỉnh thoảng, gió xẻ những đám mây, người ta nhìn thấy bên trong sâu thẳm một sắc đồng. Nhất định, trong giây lát nữa những đám mây đó sẽ đổ xuống.
Sấm ù ù mỗi lúc một nhiều hơn. Rồi có những tiếng ầm ầm dữ dội đi về phía chúng tôi như tiếng thiên binh vạn mã ào ào chạy gấp để tránh mưa. Nhưng vô lý! Vì làm gì có kỵ binh kéo đến vùng này?
Thình lình mưa đá bắt đầu. Một vài hạt nhỏ tạt vào mặt chúng tôi. Rồi trong chớp mắt, một trận to đổ xuống. Chúng tôi phải chạy vào ẩn ở một cái cổng gần đó.
Đó là một trận mưa đá dữ dội nhất người ta chưa từng thấy bao giờ. Mới mưa một lúc mà đường phố đã phủ một lớp trắng ngần như về giữa mùa đông. Những viên đá to bằng quả trứng bồ câu rơi xuống lộp độp làm kính vỡ loảng xoảng. Những hột mưa đá ở mái nhà rơi xuống cùng với mảnh ngói, vữa vụn, mảnh đá đen thành từng đống trên hè.
Yến-Chi kêu:
- Còn gì là những cửa kính của nhà ta nữa?
Tôi cũng sực nghĩ đến điều đó liền nói:
- May ra ông về kịp.
- Dù có về trước cơn mưa cũng không sao đóng kịp tất cả các cửa kính hoặc che rèm. Thế là tan nát cả!
- Người ta bảo mưa đá chỉ mưa từng chỗ thôi.
- Trận mưa này gần nhà ta quá, nên khó lòng thoát được. Trời ơi! Cha tôi sẽ hết nghiệp! Cha tôi đã đặt bao nhiêu hy vọng vào tiền bán hoa. Bây giờ lấy gì để trả nợ?
Tôi không biết rõ giá các vật. Nhưng nghe thấy người ta nói rằng cứ 100 khung kính là 1500 hay 1800 phật-lăng. Nếu 5.600 tấm kính nhà tôi bị mưa đá tàn phá, thật là một thảm họa cho chúng tôi, đó là chưa kể đến nhà gương và các cây hoa bị hư nát nữa.
Tôi muốn hỏi Yến-Chi, nhưng mưa đổ ầm ầm, nói không nghe rõ. Và Yến-Chi cũng không buồn nói, cô nhìn mưa đá rơi, thất vọng như những người đứng nhìn nhà mình đang cháy.
Trận mưa đá ghê gớm đó không lâu, độ 5 hay 6 phút thôi. Nó chợt tạnh cũng như nó chợt bắt đầu. Mây kéo về phía Ba-Lê. Chúng tôi có thể rời chỗ trú được.
Ngoài đường, những hạt mưa đá tròn và lăn lạo xạo dưới chân chúng tôi như những hòn sỏi ở bãi biển và ngập tới mắt cá chân.
Lệ-Hoa không lội trong đá lạnh bằng giầy vải được, tôi phải cõng cô. Mặt cô lúc đi tươi thế; bây giờ buồn thiu, tôi thấy những giọt nước mắt lã chã trên vai tôi.
Không bao lâu chúng tôi đã về đến nhà. Cửa ngoài mở rộng. Chúng tôi vào ngay trong vườn.
Một cảnh tượng tàn phá bày ra trước mắt; khung cửa, hoa, mảnh kính, hạt đá, thành một hỗn hợp, một đống lộn xộn không ra hình thể gì. Thửa vườn ban mai tốt tươi thế, xinh đẹp thế, bây giờ thành ra những tàn vật không tên.
Chủ nhân đâu?
Chúng tôi kiếm mãi, không thấy. Sau chúng tôi vào nhà gương lớn mà không một miếng kính nào nguyên vẹn, thấy ông ngồi rũ trên một cái ghế đẩu, trong đám vụn vỡ ngổn ngang, An-Sinh và Bằng-Mai cũng đứng đó yên lặng.
Nghe tiếng chân giẫm trên đống kính vụn, ông biết chúng tôi đã về. Chúng tôi vừa bước vào, ông ngửng đầu lên bảo:
- Các con ơi! Các con khốn nạn của cha ơi!
Rồi ông ôm lấy Lệ-Hoa mà khóc, không nói thêm một câu nào.
Ông sẽ nói những gì?
Đó là một thiên tai, nhìn trước mặt, ta chỉ thấy lớn lao thôi, nhưng ta không tưởng tượng được cái hậu quả của nó ghê gớm đến thế nào!
Sau đó Yến-Chi và An-Sinh cho tôi biết rằng cách đây 10 năm, ông An-Thanh đã tậu thửa vườn này và dựng ngôi nhà chúng tôi đang ở. Chủ đất cho ông vay một món tiền lớn để sắm sửa vật liệu về nghề trồng hoa. Ông phải trả góp trong 15 năm; mỗi năm một kỳ. Từ trước đến giờ ông đã trả được 10 kỳ rồi với bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Những kỳ tiền phải trả đều đặn, nếu chậm trễ chủ đất sẽ tịch thâu luôn cả nhà, đất lẫn vật liệu và cố nhiên mất hẳn 10 kỳ tiền đã trả. Đó là một lối đầu cơ của chủ nợ thời đó nếu con nợ sòng phẳng, họ vẫn có lời, rủi cho con nợ không trả được thì nghiễm nhiên họ được lợi to. Vì thế chủ nợ chỉ mong có một ngày con nợ không trả được.
Ngày đó đã đến, nhờ trận mưa đá.
Thế rồi việc xảy ra như thế nào!
Chúng tôi không phải phấp phỏng lâu la gì. Ngày hôm sau hạn trả nợ mà ông An-Thanh không có tiền trả, có một người ăn mặc đồ đen đến, thái độ không được lịch sự lắm đưa cho chúng tôi một tờ giấy có dán tem trong có mấy chữ viết vào dòng để trống.
Đó là ông Thừa phát lại.
Rồi từ đó, ông ta lại đến luôn luôn đến nỗi quen cả tên chúng tôi. Ông ta nói:
- Chào em Lê-Minh! Chào em An-Sinh! Cô Yến-Chi vẫn mạnh đấy chứ?
Rồi ông trao tờ giấy có tem cho chúng tôi, tươi cười như nói với bạn:
- Các em chơi nhé!
- Chơi cái con mèo!
Ông An-Thanh không hay ở nhà. Ông thường ra Ba-Lê. Để làm gì? Tôi không biết, thời thường ông rất cởi mở, bây giờ ông chẳng hề hé răng. Ông đến nhờ các phòng biện sư hoặc hầu tòa.
Nói đến tòa tôi lại ghê người. Ông Vỹ-Tiên chẳng đã ra tòa và kết cục thế nào tôi đã rõ.
Về phần ông An-Thanh, kết quả còn phải đợi. Không có tiền sửa sang gây dựng lại giàn kính và nhà gương, chúng tôi phải bới đất trồng rau hoặc vài thứ hoa không cần che kính để sinh sống cho qua mùa đông và cũng để có việc làm.
Một buổi chiều kia, ông An-Thanh trở về rầu rĩ hơn ngày thường.
Ông gọi các con bảo:
- Các con ơi! Thế là hết cả!
Tôi định ra ngoài, vì tôi biết có chuyện biến gì đây và ông chỉ gọi các con ông thôi nên tôi không nên ở lại.
Nhưng một cái vẫy tay, ông giữ tôi lại, ông nói:
- Con không phải là người trong gia đình hay sao? Dù con chưa đến tuổi để nghe lời ta nói, nhưng cái biến cố xảy đến đã xúc động lòng con phần nào và làm cho con hiểu: Các con ơi! Ta sắp từ biệt các con!
Các con đều kêu trời!
Lệ-Hoa chạy vào ôm lấy cha và nức nở khóc.
- Có phải cha tự ý bỏ các con đâu! Ai lại nỡ bỏ những đứa con thảo như các con, ngoan như Lệ-Hoa?
Rồi ông ôm chặt lấy Lệ-Hoa nói tiếp:
- Vì cha không có tiền để trả nợ, người ta sẽ bán tất cả chỗ này. Nhưng cũng không đủ số tiền nợ, người ta sẽ bỏ tù cha trong 5 năm. Không trả được bằng tiền, ta phải trả bằng thân ta, bằng tự do của ta.
Chúng tôi đều khóc òa lên.
Ông nói:
- Phải. Buồn lắm. Các con ạ. Nhưng không thể cưỡng với pháp luật vì là pháp luật. Năm năm! Trong thời gian đó các con sẽ như thế nào?
Đó là điều đau khổ.
Im lặng một lúc, ông lại nói:
- Ta cũng nghĩ đến điều đó và liệu sao cho các con khỏi phải bơ vơ sau ngày cha bị bắt.
Lòng tôi nở chút hy vọng.
- Lê-Minh, con viết thư cho bà Cát-Tường, em gái ta ở làng Mộc-Văn quận Đơ-Di, trình bày cảnh huống nhà ta và mời bà đến ngay. Bà là người sáng suốt và thông thạo, có thể thu xếp mọi việc cho các con.
Thực là lần đầu tiên tôi cầm bút và viết một bức thư, bức thư đó ngán nỗi lại báo một tin buồn.
Mặc dầu việc đó còn bấp bênh nhưng cũng cho chúng tôi một tia hy vọng. Và trong hoàn cảnh của chúng tôi lúc ấy, hy vọng cũng là đã hay rồi! Còn biết làm gì hơn nữa?
Chúng tôi hy vọng. Bà Cát-Tường sắp đến. Bà là một người thạo việc, rất mừng cho những đứa trẻ thơ ngây và nhỏ dại như chúng tôi. Đối với người thạo việc, trên đời này còn có việc gì khó khăn nữa?
Nhưng than ôi! Bà không đến sớm như lòng chúng tôi mong đợi. Và những người cảnh sát Tư-pháp đã đến sớm trước bà.
Hôm ấy, ông An-Thanh cho tôi cùng đi để đến thăm một người bạn. Chúng tôi vừa ra khỏi cửa thì gặp mấy người cảnh sát kéo đến quây lấy chúng tôi. Ông An-Thanh không lẩn tránh, ông thất sắc như người bị đau. Ông nghẹn ngào xin với mấy người cảnh sát đó được trở vào hôn các con.
Một người cảnh sát có lòng nhân từ bảo:
- Ông đừng lo. Tù nợ không khổ lắm đâu. Trong ấy cũng lắm người tử tế.
Chúng tôi vào nhà, bọn cảnh sát theo sau. Tôi vội ra vườn gọi các con trai ông. Khi chúng tôi trở vào thì thấy ông đang bế Lệ-Hoa, cô bé khóc sướt mướt. Người cảnh sát nói trên ghé vào tai ông, nói nhỏ câu gì tôi không nghe rõ, nhưng thấy ông trả lời:
- Vâng, thầy nói phải đấy. Phải thế mới được.
Rồi ông vụt đứng dậy, đặt Lệ-Hoa xuống đất. Nhưng cô cứ bám chặt lấy ông không chịu buông ra.
Đoạn ông lần lượt hôn Yến-Chi, An-Sinh và Bằng-Mai.
Tôi đứng một góc, nước mắt ràn rụa. Ông gọi tôi:
- Minh, không lại hôn ta à? Con không phải là con ta hay sao?
Chúng tôi lúc bấy giờ cuống quít cả lên.
Ông nghiêm sắc mặt bảo:
- Các con ở lại. Không được nhốn nháo.
Rồi ông cầm tay Lệ-Hoa đặt vào tay Yến-Chi và ra thẳng.
Tôi toan theo ông, nhưng vừa ra đến cửa thì Yến-Chi ra hiệu cho tôi đứng lại.
Lúc đó chúng tôi như những kẻ mất hồn, ngồi tụm trong bếp, bưng mặt khóc như di. Không ai tìm được câu gì để nói. Nói gì? Chúng tôi vẫn biết rằng ngày một ngày hai thế nào cha cũng bị bắt. Chúng tôi chắc có bà Cát-Tường ở đó để bảo vệ chúng tôi. Nhưng bà Cát-Tường không ở đó.
Một giờ sau khi ông An-Thanh đi rồi, bà Cát-Tường mới đến. Bà thấy chúng tôi ở cả trong bếp và chẳng ai nói một câu gì. Người mà xưa nay vẫn bảo ban nâng đỡ chúng tôi, bây giờ cũng mất hết tinh thần rồi. Thực vậy, cô Yến-Chi ngày thường khỏe mạnh và can đảm như thế, nay thấy mềm yếu hơn chúng tôi. Cô không khuyên bảo gì nữa vì mất hết nghị lực, hết sáng kiến, hoàn toàn chìm đắm trong đau khổ, có gượng được chút nào là chỉ để dỗ Lệ-Hoa thôi. Người hoa tiêu đã rơi xuống biển rồi.
Chúng tôi, lũ trẻ con, từ nay không người bẻ lái, không ngọn hải đăng dẫn đường, không có cách gì để vào bến, và cũng không biết có một bến nào để ghé lên, chúng tôi thật bơ vơ trong biển của đời, bềnh bồng theo sóng gió, không sao có một hành động hay một ý kiến gì để giải thoát, chỉ có lo sợ và thất vọng mà thôi.
Bà Cát-Tường là một người có kinh nghiệm và sẵn ý chí. Bà từng làm vú nuôi ở Ba-Lê trong mười năm cho 5 chủ khác nhau. Bà hiểu biết những khó khăn trong đời và theo lời bà, bà biết khắc phục những trở lực đó. Sự có mặt của bà thật là một mối an ủi lớn cho chúng tôi. Chúng tôi đã tìm được chỗ bám. Chúng tôi lại đứng thẳng mình được trên đầu gối chúng tôi.
Đối với một người đàn bà, cưu mang một ổ gần 5 đứa trẻ, đứa lớn nhất chưa đến 17 tuổi và đứa bé nhất lại câm, thực là một trách nghiệm nặng nề, chính những người đảm đang nhất cũng phải lo ngại, làm gì cho những đứa trẻ bây giờ? Nuôi chúng được chăng khi mà chính người ta cũng phải ăn bữa sáng lo bữa chiều?
Một chủ cũ của bà ở Ba-Lê làm nghề Thừa phát lại. Bà đến đó để nhờ chỉ giáo. Những lời khuyên của ông này sẽ định đoạt số phận của chúng tôi. Rồi bà lại vào khám để bàn định với ông An-Thanh. Bà không hề nói gì về việc vận động và ý kiến của bà với chúng tôi. Tám hôm, sau ngày bà đến Ba-Lê, bà cho chúng tôi biết quyết định của bà. Vì chúng tôi còn bé quá không thể đi làm lấy mà nuôi nhau được. Mỗi đứa phải đến ở nhờ một người trong họ.
Lệ-Hoa ở với cô Cát-Tường ở làng Mộc-Văn.
An-Sinh ở với chú làm thợ mỏ ở Văn-Xá, thuộc Xê-Viên.
Bằng-Mai ở với ông chú khác, thợ trồng rau ở Lan-Thành.
Còn Yến-Chi ở với một người cô lấy chồng ở miền Sa-Lăng ở miền duyên hải Yến-Nam.
Tôi nghe bà phân phối và đợi đến lượt tôi.
Nhưng bà Cát-Tường cắt đặt đến Yến-Chi thì thôi không nói nữa. Tôi liền tiến lại và hỏi:
- Thưa còn tôi nữa?
- Mày à? Mày không phải người nhà.
- Tôi sẽ làm cho bà.
- Mày không phải con cháu.
- Bà hỏi An-Sinh, hỏi Bằng-Mai xem có phải tôi rất chăm làm.
- Chăm cả ăn bánh mì nữa phải không?
Hai anh đều nói:
- Phải, phải. Minh cũng là người nhà.
Lệ-Hoa lại trước mặt bà Cát-Tường, chắp tay và trỏ vào tôi, ý kêu van cho tôi cùng đi.
Bà Cát-Tường bảo:
- Cháu ơi! Cô hiểu lắm. Cháu muốn cho Minh cùng đi. Nhưng cháu nên biết ở đời lắm lúc người ta không thể làm được những điều người ta muốn. Cháu là cháu cô. Đến khi về nhà cô, chồng cô có ra bộ không bằng lòng thì cô có thể nói rằng: “Nó là cháu, nếu ta không thương nó thì ai thương nó?”. Gia đình các cô, các chú khác cũng thế. Người ta chỉ có thể rước những người họ, không ai nuôi người ngoài. Người ta bớt bánh vì con cháu chứ không ai bớt bánh cho cả mọi người.
Tôi nhận thấy tôi không thể làm gì hơn, nói gì hơn nữa. Những điều bà Cát-Tường vừa nói thực quá phải. “Tôi không phải người nhà”. Tôi không vì lẽ gì để đòi hỏi nữa, còn kêu xin tức là ăn mày, tôi không muốn thế. Dù không phải là con một nhà, tôi cũng yêu các con ông như tình ruột thịt. An-Sinh, Bằng-Mai há chẳng phải là các anh tôi sao! Yến-Chi, Lệ-Hoa há chẳng phải là chị là em tôi sao! Các anh và chị lớn yêu tôi như yêu Lệ-Hoa. Và Lệ-Hoa cũng yêu tôi như yêu các anh Bằng-Mai hay An-Sinh.
Bà Cát-Tường không hề thay đổi ý kiến một khi bà đã định làm. Bà cho chúng tôi biết trước là ngày mai chia tay nhau và bây giờ thì đi ngủ cả đi. Chúng tôi vừa vào buồng thì mọi người đã quây lấy tôi, Lệ-Hoa ôm lấy tôi mà khóc. Tôi rất cảm động, nghĩ rằng mặc dầu gia đình tan tác, anh em phải xa lìa nhau, mà họ thương tôi trước nhất, tôi há chẳng phải là người em hay sao? Tức thì một ý tưởng rọi sáng trong óc rối bời của tôi, đó là một nguồn linh cảm tự nhiên phát từ trái tim lên óc tôi. Tôi bảo các anh chị:
- Các anh chị ơi! Nếu các cô chú không nhận tôi, các anh chị cứ cho tôi là con một nhà có được không?
- Có! Có! Minh bao giờ cũng là em chúng tôi!
Lệ-Hoa không nói được, nhấn mạnh câu đó bằng cái bắt tay quá chân thành khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi nói:
- Tôi sẽ là em anh chị, một đứa em hết lòng. Tôi sẽ chứng minh điều đó.
Bằng-Mai hỏi:
- Thế anh định đi làm đâu?
Yến-Chi nói:
- Có một chỗ làm ở nhà ông Bích-Niên. Anh có muốn tôi hỏi giúp không?
- Tôi không muốn đi làm thuê. Nếu tôi làm thuê ở Ba-Lê, tôi sẽ không bao giờ được gặp các anh chị và Lệ-Hoa nữa. Tôi sẽ lại khoác mảnh áo da cừu, tôi sẽ hạ cây đàn mà tôi đã treo ở kia, tôi sẽ đi từ Lan-Thành đến Văn-Xá, từ Văn-Xá đến Yến-Nam và từ Yến-Nam đến Mộc-Văn. Tôi sẽ lần lượt thăm hết anh chị Lệ-Hoa. Và do tôi các anh chị và Lệ-Hoa sẽ được liên lạc với nhau luôn. Tôi còn nhớ các bản “Tình-ca” và vũ khúc. Tôi sẽ mưu sinh được.
Nét mặt mọi người đều tươi hẳn lên. Và trong cơn phiền muộn, lòng tôi thấy nhẹ nhàng. Chúng tôi nói chuyện rất lâu, hết chuyện dự định, chuyện chia tay, đến chuyện tái ngộ, chuyện quá khứ, chuyện tương lai.
Đêm đã khuya, Yến-Chi giục chúng tôi đi ngủ. Nhưng suốt đêm đó chẳng ai chợp mắt được, nhất là tôi.
Sáng sớm hôm sau, Lệ-Hoa dắt tôi ra vườn, tôi hỏi cô có điều gì muốn nói.
- Cô muốn nói chuyện phải không?
Cô gật đầu.
- Cô buồn vì anh em xa cách. Cô không phải nói, tôi đã thấy rõ ở đôi mắt cô và tôi đã cảm thấy ở trong lòng tôi.
Cô ra hiệu rằng không phải vấn đề đó.
- Trong 15 ngày nữa, tôi sẽ đến Mộc-Văn thăm cô.
Cô lắc đầu.
- Cô không muốn tôi đến Mộc-Văn?
Muốn nói chuyện với cô, thường đặt những câu hỏi để cô trả lời “có” hay “không”.
Cô muốn tôi đến Mộc-Văn lắm, nhưng cô giơ tay về ba phía cho tôi hiểu rằng tôi hãy thăm hai anh và chị cô trước.
- Cô muốn tôi đi đến Văn-Xá, Yến-Nam và Lan-Thành trước?
Cô mỉm cười, sung sướng vì tôi đã hiểu ý cô.
- Tại sao cô lại không muốn tôi đến thăm cô trước?
Tay cô và mắt cô đã nói lên như sau:
- Để cho anh biết tin tức chị Yến, anh An và anh Bằng trước, rồi khi về Mộc-Văn, anh sẽ kể lại cho tôi nghe những điều anh trông thấy và những lời các anh chị đã gửi anh.
Cô Lệ-Hoa đáng thương!
Bốn anh chị sẽ phải khởi hành hồi 8 giờ. Bà Cát-Tường đã thuê một chiếc xe ngựa đưa các con ông An-Thanh vào khám để từ biệt ông, rồi ra ga, mỗi người một gói lên tàu về các nơi đã định.
Lúc đó 7 giờ.
Đến lượt cô Yến-Chi đưa tôi ra vườn:
- Chúng ta sắp xa cách nhau, tôi muốn lưu cho anh một kỷ niệm. Đây là cái hộp khâu trong đó có đủ kim, chỉ và kéo mà trước kia người cha đỡ đầu đã cho tôi. Anh cầm lấy. Đi đường, anh sẽ cần đến các thứ này để đính cúc hoặc vá áo. Tôi sẽ không có đấy để giúp anh. Khi cầm đến cái kéo, anh sẽ nhớ đến chúng tôi.
Trong khi Yến-Chi nói chuyện với tôi, An-Sinh cũng lượn quanh tôi. Khi cô trở vào, tôi đang cảm động không nói được câu nào thì An-Sinh lại gần tôi bảo tôi:
- Tôi có 2 đồng 5 xu. Tôi biếu anh một đồng, anh nhận thì tôi thích lắm.
Trong bọn năm người chúng tôi, An-Sinh là người quý tiền hơn cả. Chúng tôi thường chế riễu anh luôn. Anh góp nhặt từng xu một. Khi đổi được đồng 10 xu hay đồng 20 xu mới thì luôn tay đem ra ngắm nghía cái mặt lóng lánh của nó hay rê lên để nghe tiếng kêu leng keng thì lấy làm thú lắm.
Đồng tiền biếu bất ngờ làm cho tôi vô cùng cảm xúc. Tôi không muốn lấy nhưng anh nài tôi và bỏ vào tay tôi đồng tiền sáng loáng và đẹp quá. Do đó, tôi nhận thấy anh quý tôi hơn tiền, vật mà anh thích nhất trên đời.
Bằng-Mai cũng không quên tôi. Anh cũng muốn lưu cho tôi một kỷ niệm. Anh không có gì cả, chỉ có một con dao, anh đem đổi cho tôi lấy một xu vì người ta thường kiêng cho nhau dao: “lưỡi dao hay cắt tình thân”.
Giờ phút đi nhanh chóng. Chỉ còn 15 phút nữa, rồi 5 phút nữa, chúng tôi sẽ xa nhau. Lệ-Hoa không nhớ tôi hay sao?
Giữa lúc xe ngựa lạch cạch đến cửa, Lệ-Hoa ở buồng bà Cát-Tường ra, gọi tôi theo cô ra vườn.
Bà Cát-Tường gọi giật lại:
- Lệ-Hoa!
Nhưng cô không trả lời, cứ ra thẳng vườn.
Trong vườn còn sót một gốc hồng giống Băng-Gan ở góc giậu. Lệ-Hoa bẻ lấy một cành có hai nụ hàm tiếu, cô chia cho tôi một nhánh.
Ôi! Lời nói ở miệng không hùng hồn bằng lời nói ở mắt. Tiếng nói không nồng nàn, đằm thắm bằng khóe mắt!
Bà Cát-Tường gọi gấp:
- Lệ-Hoa! Lệ-Hoa!
Đồ đạc xếp cả lên xe ngựa rồi.
Tôi vác đàn và gọi Lãnh-Nhi. Lãnh-Nhi trông thấy nhạc khí và bộ áo của tôi năm xưa, nó nhảy nhót vui mừng. Chắc nó biết rằng nó sắp được chạy nhảy tự do trên đường cái, sung sướng hơn là bị giam hãm ở xó vườn. Lúc phân kỳ đã đến. Bà Cát-Tường muốn làm vắn tắt. Bà gọi Yến-Chi, An-Sinh, Bằng-Mai lên xe và bảo tôi đỡ Lệ-Hoa lên lòng bà.
Rồi thấy tôi đứng ngây ra, bà đẩy nhẹ tôi ra và đóng cửa xe lại.
Tôi kêu với theo:
- Các anh hôn cha cho tôi với, vì…
Tôi nghẹn ngào không nói được.
Bà Cát-Tường giục người đánh xe:
- Đi đi!
Xe bắt đầu chuyển bánh.
Qua làn nước mắt, tôi thấy Lệ-Hoa nghiêng đầu ra cửa xe và thò tay vẫy tôi. Rồi xe chạy nhanh, đến chỗ ngoẹo, tôi chỉ còn thấy một đám cát bụi bay mù.
Thôi thế là hết!
Hai tay tì trên cây đàn, dưới chân con Lãnh-Nhi nằm đợi, tôi đứng đó rất lâu nhìn đám bụi tan dần.
Một người hàng xóm giữ việc nhận nhà và khóa cửa cho chủ nợ, lên tiếng gọi làm tôi giật mình và trở về thực tại.
Ông ta nói:
- Em có muốn ở lại đây không?
- Không. Tôi đi.
- Đi đâu bây giờ?
- Thẳng đằng trước mặt tôi.
Có lẽ ông còn chút từ tâm nên giơ tay và bảo tôi:
- Nếu em muốn ở, ta sẽ nuôi em nhưng không có tiền vì em còn bé quá. Rồi sau sẽ hay.
Tôi cám ơn ông ta và chối từ.
- Cái đó tùy ý. Ta thương em nên bảo thế thôi. Chúc em lên đường may mắn.
Rồi ông trở vào.
Xe đã đi xa rồi. Nhà đã khóa rồi. Tôi đeo đàn lên vai. Các tác động quen thuộc đó làm cho Lãnh-Nhi chú ý. Nó đứng dậy, ngửa mặt nhìn tôi.
- Đi đi, Lãnh-Nhi.
Nó hiểu, nhảy lên trước và kêu “gâu gâu”.
Tôi ngoái nhìn lần cuối cùng ngôi nhà mà ở đấy tôi đã nương náu hai năm trời, ở đấy tôi vẫn tưởng sống suốt đời, bây giờ bước ra không khỏi ngậm ngùi.
Mặt trời đã lên cao. Trời trong sáng không một vẩn mây. Khí trời ấm áp khác hẳn với đêm tuyết giá năm xưa tôi đã ngã gục ở cửa vườn kia. Hai năm trời chỉ là một độ nghỉ. Nghỉ xong, tôi phải lên đường.
Độ nghỉ đó đã mát mẻ biết bao!
Nó đã cho tôi sức khỏe, và điều đáng quý hơn sức khỏe ở thân thể tôi là tình hữu ái đang chứa chan ở trong trái tim tôi.
Tôi không cô quạnh ở trên đời nữa.
Đời tôi chỉ có một mục đích: giúp đỡ và làm vui lòng những người yêu tôi và tôi yêu.
Tôi bắt đầu bước vào cuộc sống mới. Tôi nhớ lại thầy tôi, tôi tự nhủ:
- Tiến lên!