CON GÁI CÀNG ĐẸP, SỰ NGUY HIỂM CÀNG TĂNG Đình Nhi càng lớn càng xinh, điều này đã thể hiện rõ từ khi cháu còn nhỏ tuổi. Có nhiều người cho rằng sắc đẹp là kho của cải vô tận của người con gái. Câu nói đó đúng là trong khá nhiều trường hợp. Có điều, sự thực ngoài đời lại mách bảo cho chúng tôi biết rằng, trong nhiều trường hợp lại không phải như vậy. Có nhiều cháu gái nét xinh vẻ đẹp lại đồng nghĩa với một tương lai trắc trở và bất hạnh. Nhất là trong nền kinh tế thị trường, những cảnh ngộ như vậy càng nhiều hơn. Nói chung, người đẹp ít thành tài, bởi vì sự xinh đẹp thường được nhiều người nuông chiều yêu quý, dễ làm cho các cháu vừa kiêu căng vừa lười biếng. Về cơ bản điều đó đã tước bỏ đi khả năng thành tài của các cháu. Không có thực tài tất yếu sẽ dẫn đến một điều khá nguy hiểm, đó là bắt buộc phải dựa dẫm vào người khác. Sắc đẹp cũng chỉ là một "nguồn tài nguyên hữu hạn", tuổi thọ không dài, một khi nhan sắc tàn phai, hoa tàn nhuỵ rữa thì biết dựa vào đâu để tồn tại. Sắc đẹp nhiều khi cũng là nguyên nhân của rất nhiều tai hoạ. Những cảnh ngộ bi thương này ta có thể thấy nhan nhản khắp nơi. Vậy nên ngay từ nhỏ, chúng tôi đã tìm đủ mọi cách không để cho Đình Nhi quá chăm lo đến sắc đẹp của mình: Một là, chính tôi (Trương Hân Vũ), một người cha của cháu, thường xuyên khen cháu đẹp để cháu làm quen với những lời khen ngợi của những người khác giới, sau này có được nghe những lời tán dương tâng bốc có dụng ý của những người con trai khác, cháu sẽ không đến nỗi phải ngất ngây không còn biết đến trời đất là gì trước những lời đường mật đó. Hai là, cứ phải nói thẳng cho Đình Nhi hiểu rằng, dù có đẹp mấy cũng không được cộng thêm điểm trong các kỳ thi cử, bởi vậy, muốn nên người, phải biết dồn hết tâm sức vào việc học tập, rèn luyện tài năng của chính mình. Ba là, ăn mặc phải thật giản dị, tóc tai không kiểu cách, không phấn son loè loẹt, đi đứng nói năng luôn đúng mực... Tránh nổi trội để người khác phải trông vào, như vậy độ an toàn càng được đảm bảo. Chiến lược này quả thật rất có hiệu quả. Có điều Đùnh Nhi càng lớn, mà chỉ dựa vào mấy biện pháp trên thôi thì chưa đủ. Nhất là sau khi vào ở nội trú trong trường, càng học lên cao, tên tuổi Đình Nhi càng xuất hiện nhiều hơn trên bảng vàng thi đua của nhà trường, "tiếng tăm" càng nổi trội hơn. Nhất là sau khi tham gia đóng bộ phim truyền hình nhiều tập "Trời xanh". Đã có nhiều bạn học sinh lớp dưới luôn coi Đình Nhi là một tấm gương phấn đấu của chính mình, rồi lại có nhiều con mắt của các bạn trai đắm đuối nhìn theo. Bạn bè gặp nhau, có nhiều người phải thốt lên: "Đình Nhi ạ, cậu càng lớn càng xinh!" Trong những tấm thiệp chúc mừng năm mới, nhiều bạn trai gọi Đình Nhi là "người đẹp", và đến năm học cuối bậc sơ trung, Đình Nhi được các bạn đặt cho cái tên là "nàng tiên cá xinh đẹp". Cứ thế này chẳng mấy chốc Đình Nhi rất có thể sẽ sinh ra kiêu căng và lười biếng. Một khi mầm bệnh này đã ăn sâu bám rễ, rất khó lòng mà dứt ra được. Sáng suốt hơn cả vẫn là sử dụng biện pháp ngăn chặn từ trước, phòng ngừa từ xa. Nếu những biện pháp trước đây chỉ mang tính chất "phòng bệnh là chính" có chiều hướng né tránh, đến bây giờ phải ra sức sử dụng đến con dao phẫu thuật của bác sĩ ngoại khoa, cắt bỏ các ung nhọt có liên quan đến "căn bệnh sắc đẹp" để Đình Nhi có thể toàn tâm toàn ý lao vào việc học hành và rèn luyện. Bằng những điều tai nghe mắt thấy đã nhiều năm, tôi bắt đầu phân tích nguyên nhân nội tại của hiện tượng "hồng nhan bạc mệnh" ở những người con gái đẹp có "căn bệnh hồng nhan" đã phát sinh nảy nở như thế nào, nó sẽ tạo thành những thói xấu gì, để rồi từng bước huỷ hoại cả đời mình. Tôi đã viết những điều tự mình tổng kết ấy vào một mảnh giấy, đem dán ngay cạnh trước gương soi. Đây là biện pháp "nói chuyện gián tiếp" tôi thường sử dụng khi Đình Nhi bước vào lứa tuổi "thích chống đối". Làm như vậy để ĐÌnh Nhi mỗi lần chải tóc soi gương đều có thể nhìn thấy và suy nghĩ: "Hồng nhan thường bạc mệnh, chủ yếu tự trách mình Quen nuông chiều từ nhỏ, ích kỷ lại kiêu căng Thích ăn ngon mặc đẹp, biếng học lại biếng làm Thực tài thì không có, nhưng lại thích giàu sang Kiến thức thì nông cạn, lại không chịu luyện rèn Việc gì cũng không biết, chỉ ăn diện là quen. Dựa dẫm và mánh khoé, chỉ cốt được an nhàn. Thích tâng bốc phỉnh nịnh, chối bỏ mọi lời khuyên Ý chí thì bạc nhược, mê lạc thú thấp hèn Khó khăn thường nản chí, thất bại gục ngã lăn Muốn chữa căn bệnh hồng nhan, Thực tài thực lực phải luyện rèn, Bao nhiêu ham muốn thấp hèn, Quyết tâm gạt bỏ, gắng lên bằng người. Lời cha mẹ nói không sai, Cá không ăn muối, cá thời sẽ ươn." Trong khoảng hơn một năm sau đó, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở cháu chuyện này, hơn nữa còn dẫn chứng ra hàng loạt chuyện người thực việc thực để khắc sâu ấn tượng cho cháu. Rèn luyện cho mình có thực lưcj, thực tài đó là mục tiêu chiến lược mình Đình Nhi luôn phấn đấu. Sau này, những nghề nghiệp mà cháu luôn mơ ước đã có nhiều lần thay đổi, khi muốn làm một nhà khoa học, lúc lại muốn trở thành cô giáo... nhưng những mục tiêu chiến lược kia không bao giờ thay đổi. CÓ ĐƯỢC PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP TỐT, ĐÌNH NHI LUÔN ĐỨNG ĐẦU TRONG CÁC CUỘC CẠNH TRANH Với chế độ thi cử hiện nay, kết quả thi tốt luôn là một điều tối quan trọng trong việc thực hiện lý tưởng của cuộc đời. Ngay cả trong các nước phát triển, kết quả thi tốt vẫn có một ảnh hưởng quan trọng đối với tiền đồ của học sinh. Bởi vậy, khả năng và thành tích học tập luôn chiếm một tính yếu trọng nhất định trong việc giáo dục tố chất cho học trò. Muốn để cho Đình Nhi có được một kết quả học tập thật tốt trong giai đoạn học sơ trung, có thể có hai cách được lựa chọn như sau: Một là áp dụng biện pháp “thúc đẩy”, bài tập nào khó, ba mẹ giúp Đình Nhi gợi ý, giảng giải để cháu hiểu và làm được, môn nào yếu sẽ tạo mọi điều kiện để cho cháu vươn lên. Cha mẹ luôn sẵn sàng như một “đội cứu hoả”, ở đâu có hoả hoạn là xông đến đó ngay. Biện pháp này tuy có giúp Đình Nhi nhanh chóng đạt kết quả cao, song lại thiếu cơ sở vững chắc, một khi lực thúc đẩy không còn nữa, kết quả học tập khó mà giữ vững được. Biện pháp lý tưởng hơn là, phải bồi dưỡng để Đình Nhi chủ động tạo ra một động lực thúc đẩy, tức là để Đình Nhi có đầy đủ khả năng tự giải quyết được mọi vấn đề trong học tập, và một quyết tâm giành thắng lợi trong mọi cuộc cạnh tranh. Chúng tôi đã chọn biện pháp này. Để đạt được mục đích như mong muốn, chúng tôi tập trung bồi dưỡng cho Đình Nhi mấy loại khả năng sau: Trước hết là khả năng tự học Từ bậc sơ trung, học sinh đã phải dựa vào khả năng tự học của mình, và càng ngày khối lượng tự học càng phải gấp bội. Nếu biết nhìn xa hơn chút nữa, sẽ thấy rằng trong thời đại kinh tế tri thức này, sự lạc hậu và đổi mới tri thức đang phát đạt đến tốc độ kinh người. Có thể những tri thức bạn vừa học được ở năm thứ nhất bậc đại học, không đợi đến khi bạn tốt nghiệp, những tri thức ấu đã trở thành lạc hậu, lỗi thời rồi. Đối với khá nhiều người, việc học tập đã trở thành nhiệm vụ suốt đời. Điều đó đặt ra một yêu cầu khá cao đối với khả năng tự học. Có lần, cô giáo yêu cầu mỗi học sinh hãy tập viết một đoạn văn ứng dụng. Từ trước đến nay, Đình Nhi chưa viết thể loại này bao giờ, cháu cứ loay hoay cắn bút, lúng túng như gà mắc tóc, không biết nên viết thế nào. Hồi lâu, cháu chạy đến tìm tôi, tôi không giảng giải cho cháu một lời nào, chỉ lẳng lặng rút ra từ trên giá sách xuống quyển “Khái luận về thể loại văn ứng dụng” đưa cho cháu. “Ôi! Ba không nhầm đấy chứ!” Vừa cầm lấy cuốn sách, Đình Nhi đã hốt hoảng kêu lên – “Đây là sách dùng cho sinh viên đại học, con mới học sơ trung, ba không nhớ à?” “Chính vậy, ba đang muốn đặt ra yêu cầu rất cao đối với con, chẳng lẽ quyển sách này không đáng để con đọc một chút hay sao?” – Tôi mỉm cười khích lệ con. Bị chọc tức như vậy, Đình Nhi cắm cúi đọc luôn. Đầu tiên, có vẻ như bị bắt buộc, sau dần cháu đã hiểu được đôi phần, rồi ngày càng hứng thú hơn. Ồ! Thì ra việc tự học chẳng có gì ghê gớm lắm. Cháu đã thấy vững tin hơn với khả năng tự học của mình. Sau này còn nhiều lần như thế nữa, khả năng tự học của Đình Nhi đã tiến bộ hơn nhiều. Điều này có thể có tác dụng rất lớn đối với việc nâng cao thành tích học tập của cháu sau này. Thứ hai là khả năng ghi nhớ Việc học tập ở bậc sơ trung có một sự khác biệt rất lớn so với thời tiểu học. Đó chính là lượng tri thức bắt buộc phải ghi nhớ tăng lên gấp bội. Lên cao trung, rồi lên đại học, cứ mỗi lần leo lên một bậc, đương nhiên việc ghi nhớ càng phải tăng cao. Nếu không nắm được kỹ năng ghi nhớ một cách có hệ thống và khoa học, chắc chắn việc học tập sẽ vất vả hơn nhiều mà hiệu quả không cao. Ngay từ khi học lớp năm, lớp sáu bậc tiểu học, Đình Nhi đã bước đầu nắm được một số kỹ năng ghi nhớ. Thế nhưng bước vào bậc sơ trung, những cách ghi nhớ đó không còn phù hợp. Vì vậy, tôi giành khá nhiều thời gian để từng bước giảng giải cặn kẽ cho cháu về nguyên tắc lý luận, về thực hành cụ thể những kỹ xảo ghi nhớ mà tôi chắt lọc trong cuộc sống và công tác của mình. Không những vậy, tôi bắt Đình Nhi phải ghi chép cẩn thận, thứ nhất là để chóng nhớ và thứ hai là thực hành nếu có quên, thì giở ra xem, cho đến khi thành thục. Từ đó về sau, Đình Nhi đã biết tự điều chỉnh và sắp xếp việc học tập theo nguyên tắc ghi nhớ khoa học. Ví dụ, việc ôn tập bài vở có cần thiết đến 16 giờ để tránh mọi sự lãng quên. Gặp hàng loạt những thuật ngữ giống nhau phải biết phân loại và rút gọn, tránh việc chiếm dụng một cách vô ích khoảng không gian ghi nhớ quý báu ở trong đầu. Gặp một bài thật dài, phải biết phân đoạn và tìm ra những đặc trưng khác nhau của từng đoạn, tránh nhớ máy móc, đọc ra rả như cuốc kêu mà kết quả chẳng được là bao… Quỹ thời gian của mỗi người là có hạn. Nếu bạn có biện pháp ghi nhớ khoa học, tất một phút của bạn có thể tác dụng bằng cả giờ. Vì vậy, nếu biết sử dụng thời gian có hiệu quả, đương nhiên quỹ thời gian của bạn cũng được tăng lên. Bạn không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình, mà còn tiết kiệm được khá nhiều thời gian để làm những công việc khác cần thiết cho đời. Bởi vậy, nắm chắc kỹ năng ghi nhớ, có thể coi là một biện pháp có ý nghĩa chiến lược. Thứ ba, học có trọng điểm cũng là một phương pháp học tập khoa học. Tôi đã thực nghiệm, một quyển giáo trình kinh tế chính trị học dầy khoảng 200 trang, một người lớn có trí nhớ tốt cũng phải mất 20 ngày mới đọc xong. Nhưng đến khi gấp sách, nhắm mắt nhớ lại, có khi chẳng nhớ được tí gì, mà chỉ còn một số ấn tượng lơ mơ. Nhưng nếu học theo cách có trọng tâm, trọng điểm, bước thứ nhất chỉ cần đọc kỹ phần mục lục, để nắm được kết cấu của toàn bộ giáo trình; bước thứ hai, đọc tiếp những tiêu đề nhỏ và đọc kỹ những đoạn in đậm của từng phần, để hiểu được nội dung chính của từng phần ấy. Cộng nội dung của cả hai phần đấy, nếu viết ra cũng chưa đầy ba bốn trang sách. Cho dù một người có trí nhớ rất tồi, cũng vẫn nhớ được những trọng tâm đó một cách dễ dàng. Cuối cùng mới đọc kỹ từng chương tiết, để nắm được sự lập luận và dẫn chứng của nó. Kết quả chỉ mất khoảng chục hôm, bạn có thể hiểu và nhớ được những nội dung chính của cuốn giáo trình này, bạn có thể yên tâm dự thi và điểm thi chắc chắn cũng không phải là thấp. Tại sao cách học có trọng tâm trọng điểm này lại có hiệu quả cao như vậy? Vì, ở đây đã áp dụng phương pháp học tập theo nguyên lý “ngăn tủ thuốc bắc”. Ví như, nếu bạn đem tất cả đồ vật, của cải của một gia đình vứt bề bộn trên nền nhà, tất cả ngăn nhà đó trông rất đáng sợ. Bạn muốn tìm một thứ gì trong đống đồ vật ấy, chắc sẽ mệt vô cùng, càng lục lọi càng rối rắm hơn. Thế nhưng nếu bạn biết phân biệt các loại các đồ vật ấy rồi sắp xếp theo thứ tự từng hạng mục, cái nào đáng để hòm, cái nào đáng để tủ… Thứ nào ra thứ ấy, khi cần dùng đến, đỡ mất công lục lọi. Cách nhớ có trọng tâm, gần giống như cách nhớ của người bốc thuốc bắc, trước tiên phải ghi nhớ vị trí của các ô ngăn kéo trong một chiếc tủ tường có đến hàng trăm ô. Sau đó nhớ đến từng khu vực đựng các loại thuốc gì, rồi nhớ đến chủng loại thuốc đựng trong từng ô ngăn kéo. Cuối cùng mới nhớ đến tính năng, xuất xứ, số lượng, chất lượng của từng loại thuốc trong mỗi ô ngăn kéo. Ngoài việc học ngoại ngữ phải ghi nhớ máy móc ra, các môn học khác trong chương trình trung học và đại học đều thích hợp với cách ghi nhớ này, nhất là đối với các môn đòi hỏi sự phân tích và suy luận nhiều. Đình Nhi đã sử dụng khá hiệu quả cách học này. Thứ tư, thường xuyên lấp lỗ hổng, cũng là một phương pháp học tập có hiệu quả. Dù là học sinh giỏi, cũng không tránh khỏi có những lỗ hổng về kiến thức trong quá trình học tập. Nếu cứ mở sách giáo khoa ra để dò tìm lỗ hổng, việc này chẳng khác gì mò kim đáy bể, chắc chắn sẽ tìm không thấy mà chỉ tổ làm mình mất thời gian. Bởi vì các lỗ hổng trong kiến thức thường là tản mạn và không nhiều, chỉ đến khi dùng đến mới thấy mình bị hổng. Bởi vậy, biện pháp mở chiến dịch để dò tìm là không thích hợp. Chúng tôi yêu cầu Đình Nhi phải có một cuốn “Sổ tay ghi lỗ hổng” bất kỳ lúc nào, môn học nào hễ thấy chỗ nào chưa nắm chắc phải ghi ngay lại. “Trí nhớ có tốt mấy cũng không bằng một mẩu bút chì”, tất cả các lỗ hổng về kiến thức rải rác trong hàng chục cuốn sách giáo khoa dày cộp, đều tập trung trong một cuốn sổ con. Có nó rồi ta sẽ tiến hành phân loại và tìm cách san lấp. Như vậy sẽ thuận lợi hơn nhiều. Đình Nhi đã sử dụng hiệu quả biện pháp học tập này. Cũng cần phải nói thêm là, việc áp dụng tất cả những phương pháp trên, đều có một cơ sở rất quan trọng: sự say mê học tập, khao khát vươn lên của chính bản thân Đình Nhi. Chính nhờ nó mà Đình Nhi đã mạnh dạn áp dụng mọi biện pháp trong học tập. Ý chí và nghị lực ấy của Đình Nhi khiến chúng tôi chỉ cần áp dụng “chính sách khen thưởng nhẹ nhàng” đối với mọi thành tích học tập của Đình Nhi. Ngay cả những thành tích có tầm quan trọng như đoạt giải nhì trong kỳ thi vật lý toàn quốc, chúng tôi cũng chỉ mua cho cháu một hộp băng video và một cặp cầu lông làm kỷ niệm. Bởi vì, tinh thần là một sự đền đáp xứng đáng nhất đối với công lao học tập của Đình Nhi, nó đem lại cho cháu sự sung sướng và thoả mãn, không một thứ vật chất nào có thể so sánh được. Ngoài ra, đối với các vấn đề còn tồn tại trong quá trình học tập các bộ môn cụ thể của Đình Nhi, về cơ bản chúng tôi áp dụng phương châm “không dẫm chân vào vườn cải của người khác”. Vì rằng, bản thân nền giáo dục Trung Quốc đang ở trong quá trình thăm dò và cải cách, năm nào cũng có những thay đổi nhất định. Nếu không trực tiếp nằm trong ngành giáo dục, rất khó mà nắm vững được những thay đổi tinh vi và tế nhị của nó. Nếu cứ mù quáng mà phụ đạo hoặc bắt bẻ học sinh theo nếp cũ của mình, tránh sao khỏi những sự trật khớp đối với công việc giảng dạy ở nhà trường, làm cho con cái thêm lúng túng, không biết nên theo ai cho phải, như vậy là phản giáo dục. Điều quan trọng hơn nữa là, đội ngũ giáo viên trong Trường Chuyên ngữ là một đội ngũ giỏi về chuyên môn, vừa giàu kinh nghiệm trong quản lý. Sự say sưa học hỏi của Đình Nhi, cộng với những phương pháp học tập mà chúng tôi đã trang bị cho cháu, Đình Nhi có đủ sức để giải quyết tất cả mọi vấn đề học tập ngay tại lớp. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể tập trung toàn bộ sức lực suy nghĩ cho việc bồi dưỡng nhiều tố chất khác cho Đình Nhi, ngoài học tập, để Đình Nhi phát triển toàn diện và lành mạnh.