Chương 22

- Mình gặp nhau như vậy quá trễ phải không Tịnh?
Tịnh ngồi đối diện với Nhung trong góc một quán cà phê ở phi trường, hai tay Tịnh đan vào nhau mắt vẫn không rời Nhung, người bạn gái khi xưa mà sắc đẹp dường như không chịu tàn phai theo năm tháng.
- Có gì lạ lắm sao anh nhìn hoài vậy? Nhung nheo mắt nhìn lại Tịnh.
- Cũng hơi lạ nhưng có điều tôi vẫn thắc mắc tại sao Nhung lại mất tin tức ở nhà.
- Không phải riêng em mà nhiều người cũng ở trong hoàn cảnh đó. Chẳng những xáo trộn lòng dân mà còn xáo trộn luôn cả đường phố. Anh xem tất cả phường khóm quận đều đổi mới, đường lớn đường nhỏ đều mang một cái tên lạ hoắc. Mà thôi mình đừng nói chuyện đó. - Nhung chép miệng - Cũng như em có hỏi anh qua Mỹ từ hồi nào đâu. Gặp nhau là quên hết chuyện ngày xưa. Hãy nói chuyện ngày nay, chuyện của bây giờ đi Tịnh.
Ngừng lại một phút cho đỡ xúc động, Nhung đẩy ly cà phê sang Tịnh:
- Anh uống kẻo nguội. Chắc mệt lắm phải không?
- Thật buồn cười, kẻ đi xa lại lo sức khỏe cho người ở nhà.
Bỏ ít cream vào ly cho mình, Nhung ngắm nghía Tịnh một lát trong nụ cười âu yếm:
- Anh gầy hơn xưa nhưng người lớn và chững chạc hơn.
- Hơn bốn mươi mà còn trẻ con với ai. Tuổi này mà chịu chức tân linh mục là trễ rồi đó.
Nhìn chiếc mini sutan Tịnh mặc trên người Nhung tư lự:
- Anh Tịnh, có phải em đến muộn quá không?
- Chuyến bay xuống đúng giờ đó chứ!
- Em muốn nói chuyện của chúng mình.
Tịnh trả lời lấp lửng:
- Không sớm mà cũng không trễ.
- Nghĩa là vừa đúng lúc. Nghĩa là ngày chịu chức linh mục vẫn có thể hủy bỏ?
- Sao lại hủy bỏ? Tịnh ngạc nhiên.
- Anh đừng giả vờ thơ ngây. Em muốn hỏi anh có còn yêu em không?
- Trước sau như nhất.
- Như vậy đủ rồi - Nhung reo trong niềm vui - Có khi nào anh có ý định lập gia đình với em không Tịnh?
Tịnh biến sắc, mặt chàng trắng bệch:
- Sao lại hỏi như vậy trong khi vài ngày nữa tôi sẽ là linh mục?
- Anh trả lời em đi, mình nên thẳng thắn trong lúc này.
Đưa tách cà phê lên môi, Tịnh lắc đầu:
- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó.
- Em biết - Nhung buồn bã - Em biết anh sẽ trả lời như thế. Mộng ước đi tu của anh có từ lâu nên quyết theo đuổi tới cùng nhưng cha nào chẳng là chạ Cha của con chiên hay cha của những đứa con do vợ mình sanh ra; cả hai có khác gì nhau đâu!
Tịnh rùng mình nhưng vẫn nhắc nhở:
- Nên nhớ, Nhung đang có chồng đấy nhé!
- Anh Tịnh, em không còn ngu muội như ngày xưa để dễ tin và dễ bị lừa dối. Anh đi tu chắc không lạ gì về giáo luật. Phép hôn phối trong Công Giáo buộc nhưng đối với trường hợp hôn nhân không thành vẫn có thể bị hủy bỏ; nhất là trong trường hợp em, bị sống khổ sở không có hạnh phúc lại vừa bị anh ấy phản bội, vợ nọ con kia. Hôn nhân của em thành lúc cưới nhưng chính cuộc sống gia đình đã làm nó không thành.
Tịnh lặng người, Nhung đã học được giáo luật ở đâu mà hiểu rành mạch như thế?
- Nếu Nhung muốn ly dị với Tùng thì tùy em, đừng vì tôi mà phải nói ra điều đó vô ích.
- Anh Tịnh, - Nhung òa lên khóc - Đừng dại dột như vậy, chúng mình yêu nhau mà.
- Và cần có nhau - Tịnh tiếp lời - Tôi đang cần Nhung giúp tôi làm tròn trách nhiệm Thiên Chúa đã giao phó.
- Không!
Nhung gục đầu trên bàn, đôi bờ vai rung theo từng tiếng nấc làm lòng Tịnh đau xót. Nhung ơi, tôi biết em tha thiết yêu tôi, em yêu tôi với bản ngã bình thường của một con người muốn yêu và muốn được yêu vì tôi chẳng may được sinh ra trùng hợp với người trong mộng của em. Dĩ nhiên, người trong mộng nào không đẹp, nhưng chỉ nên để trong mộng, chỉ nên yêu trong mộng như một bóng mát tâm tư, một năng lực giúp mình đối diện với cuộc đời chứ chẳng nên giữ tôi làm của riêng vì tôi không muốn thuộc về riêng ai. Tôi yêu em chân thành bằng tất cả con tim nhưng tôi không chọn cuộc sống gia đình; cuộc đời trước mặt còn thăm thẳm và tôi muốn khai phá; tôi không muốn trở thành của riêng ai; tôi muốn là cánh chim không lệ thuộc, gò bó. Tôi không muốn bị giam giữ trong vòng luẩn quẩn bình thường của kiếp nhân sinh mà phải là cái gì khác cho một lối sống khác. Em thương tôi hãy để tôi là chính tôi vì bất cứ sự ràng buộc nào càng khắt khe bao nhiêu càng đẩy tôi xa lìa em bấy nhiêu... Xin em đừng khóc nữa; em khóc, lòng tôi tan nát nhưng tôi đã chọn con đường để theo, sao em không giúp mà lại muốn tôi phải đổi. Bao nhiêu năm rồi chứ không phải chỉ một hoặc hai năm, tôi không giữ được với lòng thì nói gì đến giữ được với em... hãy giúp tôi chân thành với lời hứa, và có thể nói, chết với lời hứa của tôi. Tôi không thể chấp nhận trở thành người nuốt lời hứa vì như thế hèn lắm; thà tôi chết chứ không thể mang tâm tư khinh tởm chính mình. Lòng Tịnh quặn thắt theo từng nhịp rung của đôi vai người yêu nhưng cố lấy giọng tự nhiên đẩy đĩa bánh ngọt về phía Nhung trong khi tay kia nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nàng:
- Ăn một chút cho khỏe đi Nhung, đừng khóc nữa người ta nhìn kìa. Họ đang bảo ông cha có con bồ khó tính đấy.
- Không, em chẳng có gì xấu mà phải che đậy.
- Vậy thì ngồi đó khóc cho thỏa lòng. Tôi về đây.
- Đừng - Nhung hốt hoảng đứng lên - Sao lại tàn nhẫn với em như vậy. Anh biết cả ngày qua đến giờ em chưa được miếng gì trong bụng. Em đói và mệt mỏi vô cùng. Tịnh ạ! Tình yêu nuôi em bao tháng ngày nhưng cũng sẽ giết em chết. Đừng bỏ lỡ cơ hội. Chẳng khi nào dịp may đến hai lần.
Nhung nhìn Tịnh, khuôn mặt đầy nước mắt, vẻ héo hắt và tuyệt vọng hằn rõ trong đôi mắt.
- Em cần nghỉ. Nếu không quen ai ở đây tôi sẽ gửi em đến nhà người quen nghỉ cho khỏe. Mai sáng đáp chuyến bay về cho sớm.
Hai chiếc vali nằm kềnh càng choán lối. Gia tài suốt 7 năm chỉ có thế và bây giờ lại sắp mất Tịnh. Không, Nhung không thể để tất cả vuột hết. Nàng nghẹn ngào:
- Đưa em đến bất cứ nơi nào miễn có anh hiện diện. Đừng trốn chạy em nữa Tịnh ạ!
Tịnh xách vali xuống cầu thang máy. Nhung chạy vội theo:
- Để em xách phụ cho anh một chiếc.
- Cái gì trong này mà nặng dữ vậy? Tịnh hỏi sau khi đưa cho Nhung chiếc nhẹ hơn.
- Gia tài của em đó. 7 năm nơi đất Mỹ chỉ có thế!
- Hả! - Tịnh hốt hoảng kêu lên - Gia tài! Em dọn cả nhà đi hay sao?
- Vâng, em đã trả nhà cho chủ, quit luôn cả job, và bây giờ tất cả tương lai chỉ có mỗi mình anh.
Tịnh bỏ vali xuống dậm chân than thầm... Liều lĩnh, ngu xuẩn quá... thật đúng là đàn bà...
- Bây giờ Nhung tính sao? Mình chia tay ở đây hay về nhà bạn tôi?
- Nhìn Tịnh nhăn nhó, Nhung phì cười; nàng lấy lại vui vẻ như lúc đầu mới gặp:
- Không chia tay cũng chẳng về nhà bạn. Kiếm nhà hàng Việt Nam nào cho em ăn cái đã rồi tính sau.
- Nhà hàng không thiếu nhưng tự dưng tôi lại vác cục nợ đi rẽo khắp đường phố thế này?
- Cha dắt con chiên đi ăn trước ngày chịu chức đâu có sao!
Nhung cười được Tịnh cũng thấy lòng bớt nặng nề đay nghiến:
- Ai bảo con chiên, con nợ ấy. Bây giờ tính ăn gì đây?
- Cháo chim câu - Nhung buột miệng - và nhớ đút em mới chịu ăn.
Tịnh xụ mặt và lầm lì bước ra ngoài cửa:
- Đứng chờ ở đây tôi đi lấy xe.
- Anh Tịnh! Nhung gọi giật lại.
- Gì đó?
- Đừng giận em.
- Chẳng hơi đâu giận người điên.
Tịnh băng qua đường sang khu gửi xe và khuất dần sau những dãy xe dài... Trời mùa hè ở đây quá nóng, Nhung phải lấy hai tay bưng lấy mặt. Hơi nóng phà vào mũi làm nàng ngột ngạt khó chịu. Nóng gì mà nóng ghê hồn, nóng cháy da cháy thịt, lại thêm gió lùa theo không khác gì hơi lửa tạt vào. Nhung nhấp nhỏm chờ đợi, mặt nàng đã bắt đầu căng rát, mồ hôi rịn ra ướt trán.
- Lên xe đi Nhung để tôi xếp đồ vào sau.
Nhung giật mình quay lại. Tịnh đang đứng lù lù sau xe mở cốp. Chẳng hiểu tại Nhung lơ đãng không nhìn thấy khi Tịnh vừa trờ đến hay tại cái xe quá cũ kỹ phong trần. Lớp sơn thứ nhì màu xám loang lổ tróc để lộ màu nâu lợt bên trong trông như con chó ghẻ lở.
- Trời ơi, cha gì cao bồi vậy? Nhung la lên.
- Khẽ chứ, đây đâu phải cái chợ.
- Nhưng mà sao anh lại đi xe này?
- Không nhưng với nhị gì cả. Có lên xe không thì bảo. Trời nóng như thiêu mà cứ đứng lải nhải.
Nhung đưa tay gãi đầu ngập ngừng:
- Em chờ mở cửa xe.
- Chờ ai? Tịnh vờ nhìn quanh quẩn.
- Chờ người bạn đường; Nhung đùa cợt.
Tịnh đóng cốp sau và đi vòng về phía tay lái:
- Đã vậy đứng đó mà chờ bạn đường còn không thì kêu taxi đuổi theo nhé.
Nhung hốt hoảng mở cửa xe leo lên. Ai chứ Tịnh dám làm thật lắm.
- Trời ơi toàn mùi thuốc lá không à! - Nhung lại kêu rêu. - Em cứ tưởng anh bỏ từ dạo đó. Kể cũng lạ nhỉ - Nhung chậm rãi - Người yêu thì bỏ được mà thuốc lá thì không.
Tịnh lầm lì sang số, chiếc xe giựt lui rồi lại chồm tới thật nhanh làm Nhung sợ hãi thắt belt:
- Lái xe kiểu cao bồi. Anh thích cảm giác mạnh lắm hả?
- Có muốn chết không thì bảo? Đúng là dân Mỹ có khác. Tán đàn ông không thua ai.
- A ha - Nhung cười lớn. - Vậy ra cũng có nhiều người tán tỉnh anh hả Tịnh?
- Không phải nhưng đừng đùa quá trớn như vậy.
- Em thích vui, anh xem chỉ còn có hai ngày nữa thôi. Sao mình không có với nhau những kỷ niệm đẹp. Tịnh, em không hiểu anh còn cứng lòng đến bao giờ.
- Cho đến muôn đời - Tịnh gắt gỏng - Tôi ghét đàn bà là vậy, cứ lải nhải cả ngày chỉ mãi một câu.
Nhung ngồi im không thèm trả lời. Trong xe nàng thấy yên bình và hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào. Tiếng máy lạnh kêu hơi lớn nhưng được cái mát vừa đủ. Nàng dựa vào thành ghế lim dim đôi mắt... mặc dù cũ nhưng chiếc xe 8 máy nên khá đằm; bốn bánh lăn nhanh trên đường vá đắp lem nhem. Nhìn ra hai bên, nhà cửa nghèo nàn cũ kỹ. Những thành phố ở miền nam trông dơ bẩn và xấu xí hơn ở miền bắc nhiều.
- Bao lâu nữa mới được ăn hả anh?
- Khoảng hơn nửa giờ. Này vào quán ăn làm ơn bỏ lối xưng hô giết người đó đi.
- Chỉ còn có hai ngày nữa anh cho em kêu tự do nhé! - Giọng Nhung nửa nũng nịu nửa van nài - Em hứa chỉ hai ngày nữa thôi, sau đó sẽ gọi "cha" xưng "con" đàng hoàng.
Tịnh cười dễ dãi:
- Vậy chừng nào về để tôi còn biết lối...
- Biết lối để tính chuyện hẹn hò - Nhung vui vẻ - Không ngờ cha Tịnh đa tình quá cỡ.
- Đừng xuyên tạc nữa, hất cổ xuống đường bây giờ.
- Em đố đó, khi xưa anh bảo em là ếch mà. Cua lé sao bắt nạt được ếch.
Tịnh lặng người và không dám nhìn Nhung. Mỗi kỷ niệm là mỗi yêu thương. Không ngờ Nhung có thể nhớ dai như thế! Một lúc lâu, Tịnh cất giọng run run:
- 7 năm rồi Nhung còn yêu tôi như vậy sao?
- Còn hơn gấp trăm lần. Nhiều khi tủi thân khóc vì em cứ nghĩ đã mất anh vĩnh viễn.
Tịnh chặc lưỡi:
- Giá Nhung là con trai thì khối cô khổ.
- Tiếc rằng là gái nên khổ mỗi mình anh.
- Khổ quá đi đấy chứ. Tu mà cứ bị cản hoài. Trốn sang đến bên này ai ngờ trái đất lại vẫn tròn.
- Chạy trời không khỏi nắng. Ghét của nào trời trao của nấy.
- Nói ngoa, thương quá chứ đâu có ghét nhưng đâu phải cứ thương là phải gần nhau...
Tịnh dừng lại trước một nhà hàng khá lịch sự:
- Xuống đi, nhớ ăn cho lẹ, nửa tiếng sau tôi trở lại đón.
Nhung ngẩn người:
- Em tưởng anh vô với em?
- Thiên hạ dị nghị chết.
- Bởi vậy hồi xưa em bảo anh sợ dư luận thì cứ dãy lên.
- Vào quán ăn có gì mà sợ với chẳng sợ nhất là bên Mỹ này. Nhưng có điều tính tình Nhung hơi bất thường, vui buồn lẫn lộn,đang cười đó rồi lại òa lên khóc lúc nào không haỵ Thử hỏi những người chung quanh họ sẽ nghĩ gì? Làm cha cụ mà như thế sau này nói ai thèm nghe. Đôi khi gặp người lý sự họ lại bảo chẳng thèm xưng tội với ông cha tội lỗi hơn mình.
- Đi bên nhau như vầy mà anh cho là tội lỗi sao?
- Ma quỷ cám dỗ mãi thì cũng phải có ngày sa ngã.
- Có nghĩa là anh sẽ yếu lòng?
- Ai cũng là con người thôi. Tôi nghĩ tránh trước thì hay hơn. Ăn xong tôi đưa Nhung đến nhà người bạn còn bây giờ phải đi tìm điện thoại công cộng gọi cho họ trước đã.
- Vậy thì mình cùng đi, em không thích ăn một mình.
Tịnh cảm thấy ái ngại. Cả một ngày Nhung không ăn, bây giờ lại tỏ thái độ bất cần như thế.
- Ừ thì tôi vào nhưng phải hứa không được "dở quẻ" nữa.
- Em đâu có que có gọng đâu mà dở quẻ được.
Biết Nhung ngạo, Tịnh chỉ mỉm cười nhưng vẫn còn dặn dò:
- Phải gọi cha cụ cho đàng hoàng.
- Em sẽ câm luôn, anh gọi gì cho em cũng được. Ngồi bên anh là thấy hạnh phúc rồi, ăn sâu ăn bọ vẫn thấy ngon.
Tịnh lại cười khiến Nhung được dịp trêu chọc:
- Cần em mở cửa cho anh và dìu anh vào chỗ ngồi không?
- Đủ rồi, đừng để tôi nổi cáu lên mà có chuyện. Ăn nói trước đám đông liệu hồn đấy.
Dầu đã quá trưa nhưng quán khá đông. Vài người biết Tịnh cúi đầu chào. Nhung đi đàng sau Tịnh thấy mặt nóng bừng vì những con mắt ngạc nhiên nhìn theo. Lỡ rồi, nàng tỏ vẻ ngoan hiền và khép nép bên Tịnh. Có khác gì cha con đâu. Tịnh gọi cho Nhung một đĩa cơm tấm bì sườn chả, một ly sâm bửu lượng còn cho Tịnh mỗi ly cà phệ Nhung nhìn dò hỏi nhưng không dám mở lời vì sợ mọi người chú ý. Bữa cơm tuy im lìm nhưng không kém phần vui vẻ vì Tịnh luôn nhìn thấy ánh mắt Nhung có nụ cười...
Tịnh hỏi khi chiếc xe chạy trên highway:
- Sao, ăn no chưa? Bây giờ đủ sức đi nữa hay về nghỉ?
- Khi nào anh đến đón em nữa Tịnh?
- Từ đây tới ngày chịu chức tôi bận rộn lắm. Chắc chẳng có giờ ghé nữa đâu. Có tính về lại St. Paul thì tôi nhờ người đưa ra phi trường.
- Nếu anh muốn tránh né thì thôi - Giọng Nhung buồn bã - Bỏ em xuống đây cũng được. Từ bây giờ, thân ai người đó lo.
- Nhung còn tiền không?
- Đừng hỏi chuyện quá nhỏ nhoi đó. Anh cần phải hỏi sinh mạng em sẽ như thế nào khi mất anh.
Tịnh thở dài, người hơi run làm tay lái đảo nhanh. Nhung la lên:
- Cẩn thận nào, em chưa muốn chết đâu.
- Nhung làm tôi lo quá chẳng còn lòng dạ nào phấn đấu nữa.
- Tịnh, anh không phủ nhận mình yêu nhau chứ!
-...
- Bữa cơm vừa xong chứng minh điều đó, đâu phải cứ ôm ấp, bỡn cợt hay thề thốt mới là yêu nhau đâu. Đôi khi chỉ được ngồi bên anh em cũng thấy quá đủ. Cuộc đời em chẳng mơ ước gì ngoài được có anh.
- Nhung à! Nếu tôi là cha tôi vẫn có thể ngồi ăn cơm với Nhung được vậy.
- Ngồi ăn như cha và con. Em không muốn như vậy.
- Không muốn thì thôi vì em không thể tham lam quá đáng. Em không thể giành giựt ghen hờn với giáo dân của tôi.
- Em không ghen hờn với họ mà em ghen với Chúa.
- Trời ơi - Tịnh hoảng hốt la lên - Tại sao có thể ăn nói dại dột như vậy chứ!
- Em ghen chỉ vì Chúa không năn nỉ mời gọi, không theo đuổi khóc lóc mà vẫn có anh. Còn em, hơn 7 năm trời được gì? Anh tính lại xem - Nhung bật khóc - Chúa bất công vì Ngài có bao nhiêu môn đệ mà còn tham lam muốn có cả anh; trong khi em, anh nhìn xem. Tịnh ơi em chỉ có mình anh. Anh tàn nhẫn lắm; anh độc ác lắm...
Nhung khóc như đứa trẻ vòi vĩnh quà - 37 tuổi, có ai ngờ em lại trẻ con như thế hả Nhung! - Tịnh rót vào tai nàng những lời thí dỗ ngọt ngào, những van xin tha thiết nhưng mục đích chính vẫn là đẩy Nhung ra khỏi cuộc đời mình.
- Anh không có trái tim, không có tình cảm. Em hiểu rồi, trước sau mình cũng phải xa nhau. Bỏ em xuống tiệm rượu. Em cần rượu để uống cho saỵ Em cần khóc để quên đi nhung nhớ. Tịnh ơi, em chết mất!
Tịnh lái xe như người mất hồn mặc lời phiền trách của Nhung. Nói được nàng sẽ nguôi ngoai, khóc được nàng sẽ nhẹ nhõm. Nếu cần phải quên,hãy cứ mượn rượu mà uống. Rượu tuy có hại nhưng lại giúp cho những người không còn nghị lực, suy yếu thần kinh quên đi một thoáng đau buồn mất mát. Tịnh cho xe vào exit và dừng lại ở tiệm rượu cho Nhung mua một chai Henessy.
- Anh muốn cùng em uống không?
- Đừng hỏi điên nữa. Với chai rượu này tôi không biết sẽ bỏ Nhung xuống đâu. Chắc chắn không dám gửi trên bạn tôi rồi. Vừa phiền cho họ lại vừa mất tự nhiên cho Nhung. Mà bỏ Nhung ở motel thì tôi không nỡ. Khi buồn người ta dễ làm bậy. Nhung; - mặt Tịnh thật thiểu não - tôi lo lắng cho em vô cùng.
- Lo hay không lo thì đời em cũng chẳng có anh. Thôi nói đãi bôi làm gì. Anh cứ để em xuống nếu không...
- Hay là - Tịnh buột miệng - tôi đưa em ra một công viên nào đó để em uống. Sau khi tỉnh tôi lại chở em về nhà người bạn học được không?
- Sao mà khổ vậy chứ - Nhung lại khóc - trời nóng như thiêu mà anh cứ phải vì em. Thôi, đừng lo cho em nữa Tịnh, em hứa không uống rượu, không khóc lóc. Cho em xuồng motel nào gần đây nhất.
Tim Tịnh muốn ngừng đập khi Nhung thốt lời đó. Chẳng hiểu nàng sẽ bày ra những án phạt nào để đày đọa chính bản thân!
- Hứa đừng buồn chiều mai tôi sẽ gọi lại.
- Vâng em hứa; mình chẳng còn với nhau bao nhiêu giờ nữa. Em không làm anh buồn nữa đâu.
- Nhung - Giọng Tịnh xúc động - Em hiểu tôi yêu quý em vô vàn nhưng tôi không thể bỏ Chúa được. Cả đời tôi chưa có mơ ước nào dài lâu và chung thủy cho bằng mơ ước trọn đời đi tụ Nếu em yêu tôi phải hiểu điều này.
- Vâng, em hiểu. Tịnh, đừng nói nữa anh.
Cả hai im lặng, Nhung cũng lau khô nước mắt và chiếc máy lạnh vẫn sè sè kêu như cố níu kéo chiếc xe không cho rời khách sạn.