- Nguyệt ơi! Vinh ơi! Về tắm rửa ăn cơm chứ chiều rồi đó!Đang kéo địch thủ không cho nó cứu đồng bọn, thằng bé mặc áo tay ngắn, quần cụt chợt buông tay ra nói với cả bọn:- Má tao kêu về rồi, tao không chơi nữa đâu!Con Nguyệt, em của nó, nằn nì:- Chơi cho hết “biền” này đã anh Vinh!Con Hồng bàn ra:- Thôi tao cũng không chơi nữa đâu. Tao phải về! Đi về Hoa!Con Hoa lắc đầu nguầy nguậy:- Chơi chút nữa đi chị Hồng! Chơi vui quá mà!- Chiều mai chơi tiếp. Bây giờ trễ rồi! Má và chị Loan về không thấy mình ở nhà, la mình cho coi!Con chị nói với con Hồng:- Tụi mày giúp tao đỡ em tao lên bức thành này đã rồi về.- Sao mày không đỡ em mày lên?- Tao phải leo vào trong trước để đón em tao. Mày giúp tao đỡ nó lên bức thành, tao ở phía trong mới đón nó xuống được.Thằng Mẫn nói:- Để tao phụ con Hồng đỡ em mày lên cho, leo vô trước đi.Con chị vừa nhón người lên, nó cảm thấy như bức tường thành chao đảo. Lắc lư trên mặt thành, nó ngần ngại không chịu leo xuống.Thằng Mẫn hỏi:- Mày bị sao vậy?- Tao thấy chóng mặt quá. Tao thấy mặt đất ở dưới như đang xoay xung quanh bức tường.Thằng Vinh nói:- Tại mày “găng” quá mà! U nhiều hơi là vậy!Con Hồng hối:- Leo xuống mau đi, coi chừng té đó!Nghe lời con Hồng, con chị đặt chân trong cái lỗ hốc của thành rồi xoay người bước xuống mặt đất. Tiếng con Hồng vang lên từ bên kia bức thành:- Tụi tao đỡ em mày lên thành rồi nè. Đón nó xuống đi!Con chị ngước lên. Nó thấy bầu trời và những đám mây quyện vào nhau thành những cơn lốc hung dữ xoay tròn vùn vụt xung quanh con em. Vội vàng gập đầu xuống và nhắm mắt một lúc, nó xoay người tựa đầu vào vách thành. Khi nó mở mắt ra, nó nắm ngay bàn chân phải của con em đút vào hốc thành, và bảo con nhỏ này xoay người lại để tuột xuống. Cố gắng hết sức để đỡ toàn thân con em xuống cho đến khi bàn chân con nhỏ này chạm đất, nó kề mặt vào lỗ hốc nói với mấy đứa hàng xóm:- Tụi tao vô được rồi. Tụi mày về đi!- Ừ! Tụi tao về đây, mai mình ra chơi nữa nghe.Không trả lời bạn, nó tựa toàn thân người vào bức thành và giương đôi mắt hoảng loạn nhìn cảnh vật xung quanh đang nhòa nhạt dần dần. Nhìn khuôn mặt tái xanh của nó, con em hốt hoảng:- Chị Hạ làm sao vậy?Con chị lắc đầu, víu vào vai con em:- Không sao cả, cho chị vịn Vy một tí.Con em đi chầm chậm để chị đi theo cùng bên. Nó càu nhàu:- Ai biểu chị Hạ chơi hăng làm chi! Cứu hai đứa bị tù của bên chị là “ngon” lắm rồi, cứu nhiều chi cho hết hơi?Con chị không trả lời. Nó cố gắng tập trung đôi mắt để mong tìm được những hình ảnh yên định và bình thướng như đã từng nhìn thấy trước đây. Loạng choạng trên bậc tam cấp, nó vội mở cửa nhà và bước nhanh đến giường. Trong mơ màng, nó nghe con em hỏi một câu gì đó. Mơ hồ điều em hỏi, nó nói vọng ra ngoài trước khi thiếp đi:- Vy ăn cơm đi!... Chị ngủ...không ăn đâu.Mê man và bất động trên giường qua đêm cho đến tận trưa ngày hôm sau mà con chị không thể nào tỉnh giấc. Những tiếng kêu loáng thoáng, và những tiếng khóc bất chợt xung quanh khiến nó cố gắng hé mở đôi mi. Ánh sáng chập chờn làm đôi mắt nó buốt nhức dữ dội. Nhăn mặt vì cái đầu nặng như bị đá đè và tứ chi rã rời như đang vở ra thành từng mảnh, nó muốn kêu lên vài tiếng để than vãn với con em; tuy nhiên, càng cố gắng kêu em, cổ nó khô khốc và nghẽn cứng như bị nút chặt. Vô vọng với trạng thái chưa từng trải qua, nó nằm im cố gắng nuốt nước bọt để làm dịu cổ họng và nghe ngóng động tĩnh. Đôi cánh tay của người nào đó bất chợt nâng bổng thân hình nó lên và đưa nó bồng bềnh từ nơi này đến nơi khác. Ánh nắng chói chang hắt vào mặt. Nó hấp háy đôi mắt nhìn những cành mận chơm chớp và lờ mờ trên nền trời. Rướn đầu lên nhìn người đang bế nó trong lòng tay, nó bàng hoàng sung sướng kêu lên:- Má! Má về với con đó hả má?Bà mẹ ghì chặt nó hơn trong đôi cánh tay, vừa chạy vửa nói hổn hển:- Má đây con! Má đang đưa con đến trạm Y Tế đây!Nó bật khóc nức nở:- Má đừng bỏ con đi nữa nghe má!Bà mẹ lắc đầu, nói trong nước mắt:- Không! Má không bỏ tụi con đi đâu nữa đâu! Má sẽ đưa con trị bệnh và ở nhà luôn với con.Ông bác sĩ độ năm mươi tuổi ngoài, mặc áo choàng trắng tiếp hai mẹ con trước ngưỡng cửa phòng khám. Ông vồn vã nói:- Tôi nghe cô y tá báo tình trạng của cháu nên tôi chuẩn bị tiếp cháu ngay.Đảo mắt nhìn những bệnh nhân đang chờ đợi, bà mẹ gật đầu biết ơn:- Dạ cảm ơn bác sĩ. Xin cho tôi biết là tôi để cháu ở đâu?Ông bác sĩ đưa tay ra hiệu:- Bà đi theo tôi!Hướng dẫn bà mẹ vào căn phòng nhỏ có chiếc giường phủ ra trắng, ông bảo:- Bà cho cháu nắm xuống đó đi!Con chị lặng lẽ nhìn mẹ khi bà đặt nó ngay ngắn trên chiếc giường nệm trắng. Khuôn mặt hốc hác và đầy lo lắng của bà đã làm cho nước mắt nó tuôn rơi ràn rụa không ngừng trên đôi má. Nó quên hết những lời trách móc đã chuẩn bị sẵn mà nó định tuôn ra không ngừng khi gặp lại mẹ; thay vào đó, niềm yêu thương mẹ dâng cao và đầy ắp trong tâm hồn của nó. Qua màn lệ, nó giương ánh nhìn biết ơn. Sự hiện diện của mẹ nó đã hoàn toàn xóa tan những nỗi âu lo và khủng hoảng tinh thần của nó trong những ngày chờ đợi tuyệt vọng.Sau khi buông cái ống nghe xuống trước ngực, ông bác sĩ cẩn thận khám người và tay chân của nó. Ông nhíu mày hỏi:- Vì sao cháu bị muỗi đốt nhiều vậy bà?Bà mẹ cúi đầu:- Dạ thưa bác sĩ tôi không biết ạ.Ông bác sĩ ngước mặt lên nhìn bà mẹ ngạc nhiên. Ông toan hỏi một điều gì đó nhưng chỉ ậm ừ vài tiếng vô nghĩa trong miệng rồi tiếp tục cúi xuống xem xét. Nâng cánh tay phải của con chị lên và chòng chọc nhìn vết phỏng, đôi chân mày của ông như muốn nối lại với nhau:- Còn vết bỏng này? Có lẽ cháu mới bị đây thôi phải không?Bà mẹ dán chặt mắt vào vết phỏng của con chị, nơi mà ông bác sĩ cẩn thận kéo lớp da gần đó ra xem xét, lúng túng trả lời:- Dạ... dạ tôi cũng không biết nữa bác sĩ!Để giải thích cho đôi mắt bất bình và khó chịu của ông bác sĩ, bà mẹ ấp úng nói tiếp:- Tôi...tôi không có ở gần cháu trong hơn hai tháng qua. Tôi phải đi làm ăn xa để lấy tiền nuôi sống các cháu. Chồng tôi đã mất nên chỉ có một mình tôi...Ông bác sĩ không chú tâm đến những lời nói dài dòng của bà mẹ, ông kéo mi mắt dưới của con nhỏ chị ra và nói một cách trang nghiêm:- Cháu bị thiếu máu khá trầm trọng. Tình trạng sức khỏe của cháu hiện nay nguy kịch lắm.Hấp tấp bước ra khỏi phòng, ông bác sĩ bỏ lại bà mẹ ngồi cong lưng như tôm và khóc oà như một đứa trẻ:- Xin bác sĩ cứu giúp dùm cho con tôi. Xin bác sĩ thương tình!Con chị chết lặng trước bất ngờ rồi nức nở theo tiếng khóc của mẹ:- Má đừng khóc nữa! Con không bị chết đâu!Bà mẹ lấy tay lau nước mắt cho nó, nghẹn ngào:- Hạ ơi, lỗi tại má! Má sẽ nhờ bác sĩ chữa trị cho con hết bệnh! Nhất định má sẽ cứu sống con! Săm soi vết phỏng rồi kỳ cọ những dấu mực tròn xung quanh những dấu muỗi đốt trên tay con chị, bà nói trong nức nở:- Má không đi xa nữa đâu! Má không bỏ các con đi nữa đâu!Nhớ đến em, con chị lo lắng:- Vy đâu rồi hả má?- Nó đi học rồi con à!Con chị hốt hoảng- Vậy còn con thì sao? Ngẩng lên toan gượng người ngồi dậy, nó chợt khựng lại, nhắm mắt, và buông đầu trở lại trên chiếc gối. Mắt nó hoa lên như bị muôn vàn con đom đóm bay quanh, và đầu nhức như bị hàng ngàn cây đinh đâm vào. Bất lực với cảm giác lạ lùng nhưng vẫn không tin rằng đang có bệnh, nó rên rỉ không thôi:- Con không muốn nghỉ học đâu! Con bị học dở rồi! Con không muốn nghỉ học đâu!Cô y tá bước vào, đưa tay ngăn:- Cháu nằm yên đi! Đang yếu nói nhiều không tốt đâu.Nhẹ nhàng ngồi cạnh chân con chị, cô y tá quay sang bà mẹ nói nhỏ:- Thưa bà, bác sĩ muốn nói chuyện riêng với bà. Xin bà đến phòng bác sĩ ngay ạ!Nhìn theo mẹ, con chị giữ ánh mắt chằm chằm ngoài hành lang sau cái cửa gỗ đang mở rộng. Nó hoàn toàn mất tự nhiên khi phải nằm ngửa trước người lạ. Một cô y tá, dù có dịu dàng bao nhiêu, cũng giống như một cô giáo, một người lớn, một thế giới nghiêm khắc và đầy luật lệ; người ấy không thể nào xóa được cái khoảng cách xa lạ mà lần đầu tiên nó tiếp xúc cận kề trong không gian nhỏ hẹp của phòng bệnh. Không biết mở đầu cuộc nói chuyện ra sao, nó mơ màng những hình ảnh dạn dĩ và cởi mở của những đứa bà con. Con Tín, con Hạnh và thằng Đức thường làm cho những người bạn của cô chú Bảy Mỹ cười thích thú bằng những câu nói hồn nhiên. Chúng đã làm cho những người lớn thích lắng nghe và đối đáp lại chẳng khác gì ngang trương ngang tuổi thì chắc hẵn chúng sẽ líu lo bao nhiêu điều thú vị khi gặp cô y tá này. Ôn lại những lời đối thoại của những đứa bà con mà nó đã từng nghe, nó thở dài nhè nhẹ. Nó không tài nào tìm được câu khởi đầu cho cuc đối thoại với người mà nó gặp lần đầu tiên này. Nó ý thức được rằng nhờ trình độ học vấn của ba mẹ và sự ảnh hưởng văn hóa Tây phương mà những đứa nhỏ bà con của nó có phong cách tự nhiên, cởi mở; còn chị em nó chỉ có một người mà chúng có thể gần gũi và cởi mở duy nhất trên đời là mẹ của chúng mà thôi. Nhưng, cũng qua lối dạy dỗ của mẹ nó, nó luôn luôn được nhắc nhở rằng: “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, là phận nhỏ, con nên im lặng và lắng nghe hơn là nói leo chuyện người lớn!” cho nên im lặng trước người lớn trở thành cố tật của nó mà không thể nào thay đổi được. Phá tan không khí im lặng, cô y tá hỏi:- Cháu có muốn uống sữa không cô sẽ khuấy cho cháu một ly?Con chị trả lời yếu ớt:- Dạ không, cháu...Chưa nói được lý do từ chối thịnh tình của cô y tá, con chị bỏ lửng câu trả lời vì nó sửng sốt nhìn cái kim dài và ống nước thuốc đỏ như máu trong tay của ông bác sĩ. Bà mẹ đi sau, đến cạnh giường, giúp nó nằm úp mặt xuống. Nó cảm nhận chiếc dây thun quần của nó được kéo trệ xuống một phía, chỗ mông phơi bày được chà sát bởi vật ẩm ướt và mát lạnh, rồi một cái chích bất thần trên cái chỗ vừa được chà ướt kia. Nó giật nẩy mình, nhưng cố lấy bình tĩnh bằng cách nghĩ đến ống thuốc ngừa mà nó đã được chích trong trường. Mỗi lần chích ngừa, đám học trò trong trường phải xếp hàng theo từng lớp, chuẩn bị vén tay áo và đưa vai trần ra để sẵn sàng nối đuôi nhau đến trước mặt những người mặc áo choàng trắng có những ống chích trên tay. Những lúc các lớp phải xếp hàng đi chích ngừa, con chị thường đứng ở đầu hàng của lớp nó. Bởi vì cái kim chích ngừa của nhân viên y tế đâm vào và rút ra nhanh như muỗi đốt khiến nó tự tin và thường tỏ ra “anh hùng” trước những đứa bạn cùng lớp khi mà những đứa này luôn luôn tranh nhau đùn về phía sau chứ nhất định không chịu đứng đầu hàng. Mũi kim chích mà ông bác sĩ đâm vào mông của nó hoàn toàn khác với những mũi chích ngừa mà nó đã từng trải qua. Nó yên vị trong lớp thịt của con chị một lúc rồi từ từ truyền thuốc vào. Cảm thấy tê buốt và đau đớn, con chị bật lên khóc nức nở:- Đau quá má ơi! Chích thuốc đau quá má ơi!Bà mẹ xốn xang, vỗ về:- Chịu khó chút đi con! Chích thuốc xong con mới đi được!Dường như hiểu rõ phản ứng của loại thuốc và cách tiêm của mình, ông bác sĩ liên tục xoáy mạnh núm bông gòn gần nơi mũi kim chích. Ông căn dặn:- Bà phải đưa cháu đến chích thuốc mỗi ngày cho đến khi cháu khỏi bệnh. Tình trạng sức khỏe của cháu hiện giờ rất xấu. Cháu chỉ có thể đi học lại khi sức khỏe hoàn toàn bình phục.- Dạ- Tôi sẽ ghi toa cho bà mua thêm thuốc cho cháu uống. Ngoài ra, tôi sẽ ghi những thứ thức ăn cần thiết để bà mua tẩm bổ cho cháu. Bà mẹ ngập ngừng- Thưa bác sĩ, hoàn cảnh gia đình tôi rất đơn chiếc và khó khăn. Tôi có thể để cháu ở nhà và đi bán được không? Nếu không...Ông bác sĩ ngẩng đầu lên:- Bà muốn nói là bà sẽ đi xa nữa hả?- Dạ không, Tôi chỉ đi bán ở chợ Đầm vào lúc buổi sáng thôi. Ông bác sĩ:- Sau này thì được, còn hiện tại bà nên gần gũi cháu ít nhất là cả tuần. Ông bác sĩ nói thêm:- Còn chi phí bà có thể trả cho tôi sau khi cháu điều trị. Tôi thông cảm cho hoàn cảnh của bà nên ưu tiên cho bà chi trả theo cách đặc biệt này.Bà mẹ lắc đầu:- Dạ không, hôm nay tôi có thể trả tiền cho bác sĩ được.Ông bác sĩ nói chậm rãi:- Điều quan trọng lúc này là bà cần gần gũi và chăm sóc cháu cẩn thận. Mỗi ngày nhớ đưa cháu đến đây chích thuốc. Ông rút mũi kim chích ra khỏi mông con chị nhưng nó không có cảm giác được phóng thích. Nước thuốc đọng cứng vào chỗ tiêm làm cho phần thịt trên mông của nó bị tê cứng lại và làm cho nó đau đớn tột cùng. Tuy nhiên lời đối thoại giữa bà mẹ và ông bác sĩ đã làm cho nó đau lòng nhiều hơn. Nghĩ đến những ngày không được đi học và những mũi tiêm sắp tới, nó sụt sùi khóc vùi trên mặt gối.