Con đường từ Mộng-Trang đến Văn-Xá ở về phía nam dẫy núi Xê-Viên, thoai thoải về biển Địa-Trung-Hải. Nếu đi thẳng đường thì chỉ mất 5, 6 trăm cây số. Nhưng chúng tôi phải đi quanh co vào các làng lớn hay các thị trấn diễn trò nên tính ra có tới trên ngàn cây số. Chúng tôi phải đi ròng rã ngót ba tháng trời mới tới nơi. Khi gần đến Văn-Xá đếm tiền lại, chúng tôi rất sung sướng vì đã không uổng phí thì giờ; trong túi đã dành được 128 phật-lăng. Như vậy chỉ còn thiếu 22 phật-lăng nữa là mua được bò biếu bà Bảo-Liên. Mã-Tư cũng vui như tôi. Anh không kém hứng thú vì đã chung sức gây nên món tiền đó. Thực vậy, phần công anh rất lớn, nếu không có anh, không có cái kèn của anh, riêng tôi và Lãnh-Nhi không khi nào kiếm được 128 phật-lăng như thế. Còn từ Văn-Xá đến Tả-Văn-Ông, kiếm thêm 22 phật-lăng nữa cũng không khó. Một trăm năm về trước, Văn-Xá là sào huyệt của bọn Tân-giáo khởi loạn sau khi sắc lệnh Nantes bị bãi, địa thế hiểm trở, dân cư nghèo nàn. Đến năm 1750, một thân sĩ có tuổi, say mê nghiên cứu về khoáng vật học, đã tìm ra mỏ than đá Văn-Xá. Từ đó Văn-Xá nổi tiếng là một miền lắm than, đủ sức cung cấp cho Nam-phần nước Pháp và có cơ cạnh tranh với than nước Anh trên thị trường Địa-Trung-Hải. Khi thân sĩ khởi công đào bới, công chúng đều chê cười, nhạo báng. Đào sâu tới 150 mét, chẳng thấy gì, người ta cho ông là điên và vận động để giam nhốt ông lại. Gia sản ông phải chăng sẽ bị vùi sâu trong những hố đào vô nghĩa. Văn-Xá có mỏ sắt mà người ta còn chưa tìm thấy, huống chi là than thì có đến đời chết cũng chẳng bới đâu ra. Thân sĩ giả điếc, chui xuống hầm, ăn ngủ ở đó không thò lên nữa để tránh nghe những la ó của nhân dân. Có chăng ông chỉ chịu sự ngờ vực của bọn thợ ở cạnh ông thôi. Mỗi một nhát cuốc, bọn thợ lại so vai lên. Nhưng kích thích bởi lòng tin tưởng sắt đá của chủ nhân, bọn thợ cố bổ thêm nhát nữa, nhát mới nữa rồi cứ thế giếng một ngày một sâu, cho tới 200 mét, bọn thợ reo mừng, họ đã bập vào một lớp than! Vị thân sĩ già kia không phải là người điên nữa. Ông là một người có đặc tài. Chỉ hôm trước hôm sau, ông đã biến thành một vĩ nhân! Ngày mà chúng tôi đến, Văn-Xá là một thành phố có 12 ngàn dân, một thành phố có tương lai sáng lạn về kỹ nghệ và cũng như mỏ A-Lai, mỏ Bách-Xa là nguồn hy vọng của Nam phần nước Pháp. Cái đã gây và sẽ gây nền thịnh vượng cho miền Văn-Xá này đều nằm ở dưới mặt đất chứ không ở trên mặt. Thực vậy, ở trên mặt đất cảnh tượng trông buồn làm sao! Toàn thị là những bãi hoang lương. Trừ một vài cây dẻ, cây đậu, cây ô-liu còm cõi, ngoài ra không có cây to. Đất không trồng trọt được, đâu đâu cũng thấy đá xám hay đá trắng. Một vài chỗ lớp đất hơi sâu và thấm nước nẩy lên cây cỏ um tùm làm cho cảnh hoang vu bớt phần khô khốc. Vì núi non trơ trụi không cây cỏ, nên mùa mưa đến, nước chảy trên sườn núi xuống như chảy trên vỉa hè. Những dòng suối ngày thường cạn khô, lúc mưa nước chảy cuồn cuộn và đầy sát bờ các sông con trong thung lũng, nhiều khi nước tràn cả ra ngoài sinh ra ngập lụt: chỉ trong vài phút người ta thấy mực nước ở lòng sông lên tới ba, bốn, năm mét, có khi cao hơn nữa. Thành phố Văn-Xá nằm ngang trên một con sông con tên gọi Đinh-Giang, có hai dòng suối đổ vào là Thụy-Khê và An-Khê. Thành phố gồ ghề và không được đẹp đẽ lắm; suốt ngày những goòng chở quặng sắt và than đá lăn rầm rập trên đường rầy giữa thành phố không lúc nào ngớt, tung lên những bụi đỏ, bụi đen tối mù. Trời mưa, những bụi đó đọng thành bùn nhão và sâu như bãi lầy. Trái lại, những ngày nắng ráo, gió cuốn những bụi đó bay lầm trên thành phố. Nhà cửa, cái nào cũng đen thủi từ đầu xuống đến chân; đen vì bùn, bụi trát từ chân lên đến mái; đen vì khói từ các lò, tỏa từ ống khói xuống tới mặt đường. Trước mặt một màu tối đen: đất đen, trời đen, cả đến nước sông cũng đen. Những người đi đường còn đen hơn cảnh vật chung quanh; ngựa đen, xe đen, lá cây cũng đen. Người ta có thể nói được rằng, một đám mây mồ hóng đã đổ xuống thành phố hôm nào hay một trận lụt hắc ín đã có lần dâng lên tới nóc mọi nhà. Phố sá không làm ra để cho xe ngựa hay khách bộ hành đi, mà cốt để cho xe hỏa và các toa của mỏ. Trên mặt đất chỗ nào cũng thấy đường sắt với bánh xe quay: trên đầu, nào cầu treo, nào dây kéo, nào trục truyền chạy ầm ầm điếc tai. Những nhà máy lớn mà chúng tôi đi ở ngoài tường thấy rung chuyển tới chân móng. Nếu người ta nhìn qua cửa sổ hay cửa lớn, sẽ thấy gang nấu trong lò chảy ra như những dòng bạc; những búa, chày nện xuống, tàn lửa tóe ra như mưa; chỗ nào cũng thấy những cần pít-tông lên xuống đều đặn như cán bể thợ rèn. Không có lâu đài, không có vườn hoa, không có tượng đồng ở công trường. Chỗ nào cũng giống chỗ nào: những công thự đều làm theo một kiểu là hình khối vuông: Tòa án, nhà thương, trường học, nhà thờ, những khối vuông có trổ hoặc ít nhiều cửa tùy theo nhu cầu. Khi chúng tôi tới gần Văn-Xá thì đồng hồ đã chỉ ba giờ chiều. Mặt trời sáng chói trên nền trời xanh. Nhưng chúng tôi càng gần tới tỉnh thì trời càng tối dần. Ở khoảng giữa trời và đất có một lớp mây khói nặng nề đùn lên từ những ngọn ống khói cao. Đã hơn một giờ, chúng tôi nghe thấy những tiếng ầm ầm như sóng biển đang lên, đó là tiếng máy quạt, tiếng búa, tiếng chày. Tôi biết chú anh An-Sinh là thợ mỏ tỉnh Văn-Xá, ở lò Thụy-Khê và chỉ biết có thế thôi. Ông ta ở ngay trong tỉnh hay ở ngoại ô, tôi không biết. Khi vào tỉnh tôi hỏi dò đường đến lò Thụy-Khê thì người ta trỏ tôi sang tả ngạn sông Đinh-Giang, rồi đến một thung lũng, đấy là mỏ Thụy-Khê; lấy tên con suối chảy qua đó. Cảnh tượng thành phố đã buồn, cảnh tượng thung lũng lại tẻ ngắt. Một vòng đồi trọc không cây, không có bao quanh như một hàng rào bằng đá xám liên lu, thỉnh thoảng chen vào một lườn đất đỏ. Ở lối vào thung lũng có dựng những nhà xây, những kho chứa, những chuồng ngựa, những văn phòng, những ống khói của nhà máy chạy bằng hơi nước, và chung quanh ngổn ngang những đống than, đống đá. Khi chúng tôi đi đến gần sở mỏ, có một người đàn bà vẻ lơ láo, tóc xõa ngang lưng, tay kéo một đứa trẻ, đến trước mặt chúng tôi và đứng dừng lại. Bà ta hỏi: - Con đường mát ở đâu? Em làm ơn chỉ giúp. Tôi đứng sững người kinh ngạc. Bà ta nói tiếp: - Con đường có cây, có bóng râm, bên cạnh có suối reo, có chim hót ấy mà! Rồi bà ta huýt một điệu sáo vui vui. Bà ta thấy tôi không trả lời và có lẽ không biết tôi kinh ngạc, lại nói: - Em không biết con đường ấy à? Đáng tiếc. Vậy nó hãy còn xa? Ở tay phải hay tay trái? Em hãy bảo ta. Ta kiếm mãi không thấy. Bà ta nói liến láu, một tay khoa lên, một tay xoa đầu đứa con trai. - Ta hỏi em con đường ấy vì ta chắc gặp Mạc-Lư ở đó. Em có biết Mạc-Lư không? Không à? Mạc-Lư là cha đứa con ta. Khi anh bị khí nổ trong lò than đốt bỏng, anh chạy ra con đường đó cho dịu vết thương. Anh biết con đường đó, ta không biết. Vì thế đã sáu tháng nay ta tìm anh không thấy. Sáu tháng rồi, dài quá, dài quá, cho những người yêu nhau. Sáu tháng, sáu tháng rồi, trời ơi! Bà ta quay vào sở mỏ, vẻ mặt căm thù, xỉa tay vào những ống đang nhả từng cuộn khói lên trời và thét lên: - Việc làm dưới đất! Việc làm dưới âm phủ! Ngươi hãy trả Mạc-Lư cho ta! Trả chồng ta đây! Rồi bà ta quay ra bảo tôi: - Em không phải là người ở đây phải không? Trông áo da cừu kia ta biết em ở xa mới đến. Em thử vào nghĩa địa kia xem. Em đếm một, hai, ba, một hai, ba đếm đi! Tất cả những người nằm đó đều chết vì mỏ cả. Rồi bà ta kéo con lại, ôm chặt vào cánh tay, nhìn lũ ống khói và nói: - Còn thằng Thạch, con ta đây, ta quyết không khi nào để ngươi bắt được đâu… Nước ngọt, nước mắt! Con đường đó ở đâu?... À thế mày không biết à? Mày cũng như những đứa khác cứ nhe răng cười à? Sao mày lại bắt ta đứng đây? Mạc-Lư đang chờ ta! Xong bà ta ngoắt mình lại, vừa đi vừa huýt sáo một cách tự nhiên. Tôi hiểu ngay đó là một người đàn bà hóa điên vì chồng mới chết bởi một tai nạn ở mỏ. Dưới bầu trời u ám, trong khung cảnh buồn thiu, việc gặp người đàn bà điên vì đau khổ này, ở ngay cửa mỏ làm cho chúng tôi chán ngán vô cùng. Người ta chỉ lối cho chúng tôi đến nhà ông An-Thiện, chú cậu An-Sinh. Ông ở gần mỏ, trong một phố ngoằn ngèo và dốc đi từ sườn đồi ra phía bờ sông. Đến nơi, tôi hỏi một bà đứng tựa lưng vào cửa đang nói chuyện với một bà hàng xóm cũng đứng tựa lưng vào cửa bên cạnh, bà ta cho tôi biết là tan tầm sáu giờ ông mới về. Bà hỏi: - Em muốn hỏi ông ấy việc gì? - Tôi đến thăm anh An-Sinh. Bà liền nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi lại nhìn Lãnh-Nhi, bà hỏi: - Em là Lê-Minh phải không? An-Sinh thường nhắc đến em và có ý đợi em. Và bà ta trỏ Mã-Tư: - Còn em này là ai? - Thưa bà, bạn tôi. Đó là thím cậu An-Sinh, tôi tưởng thế nào bà cũng mời chúng tôi vào nhà nghỉ vì chân chúng tôi lấm láp và mặt chúng tôi cháy nắng đã quá biểu lộ vẻ mệt nhọc của chúng tôi. Nhưng bà tôi không mời gọi gì cả. Bà chỉ nhắc lại rằng 6 giờ An-Sinh mới về, khác nào như đuổi chúng tôi. Người ta đã không mời thì chúng tôi cũng chẳng xin. Tôi cảm ơn bà ta rồi kéo nhau ra phố tìm hàng bánh mì, vì chúng tôi đã đói bụng, ăn từ sáng đến giờ rồi còn gì. Nghĩ sự tiếp đãi của bà thím kia làm tôi xấu hổ vì tôi thấy Mã-Tư như có ý nghĩ ngợi. Vượt hơn ngàn cây số đến đây chả hóa ra vô ích lắm sao? Hình như Mã-Tư có một ý tưởng không được tốt đẹp về các bạn của tôi. Mã-Tư sẽ không tin tôi nữa. Tôi cố giữ sao cho anh khỏi vì thế mà bỏ lòng thiện cảm đối với Lệ-Hoa. Thái độ nhạt nhẽo của thím cậu An-Sinh làm cho tôi không muốn trở lại nữa. Chúng tôi định trước sáu giờ sẽ đến đợi An-Sinh ở cửa mỏ. Sở mỏ Thụy-Khê gồm có ba lò: lò Thánh Duy Liên, lò Thánh An-phong, lò Thánh Phan-Cát. Theo tục của dân mỏ, khởi đào ngày nào thì xem lịch lấy tên thánh ngày đó đặt tên lò, một là đã làm lễ động thổ, hai là để nhớ ngày hưng công. Những lò đó là lò kéo than, lò thông khí và lò rút nước chứ không phải là chỗ để thợ lên xuống. Muốn lên, xuống, người ta đã có một đường hầm riêng, đi từ nhà chứa đèn xuống đến tầng khai than thứ nhất rồi ở đó lại chia ra làm nhiều lối thông với các phần khác. Đi đường riêng như thế lợi được hai điều. Trước hết người ta không sợ đứt dây hoặc thùng vất vào thành lò mà quẳng người xuống một cái hố sâu hơn hai ba trăm mét. Người ta còn tránh cho thợ những sự di chuyển bằng máy quá nhanh đang ở đáy hầm nóng thình lình lên chỗ lạnh dễ mắc chứng sưng màng phổi hoặc bệnh phế viêm. Tôi đứng đợi ở cửa hầm với Mã-Tư và Lãnh-Nhi. Sáu giờ điểm xong độ vài phút, nhìn xuống hầm sâu thẳm và tối mò, tôi thấy những điểm sáng lắc lư và lớn dần ra. Đó là những thợ mỏ làm việc xong, xách đèn lên mặt đất. Họ đi thong thả, bước nặng nề hình như bị nhức gối. Tại sao họ đều như thế? Về sau tôi mới biết vì chính tôi có dịp xuống tầng hầm cuối cùng bằng thang. Mặt họ lọ lem như trát mồ hóng, quần áo và mũ dính đầy than hay những vẩy bùn còn ướt. Khi qua nhà đèn, người nào cũng treo đèn của mình vào một cái đinh. Tôi nhìn ngang nhìn ngửa chẳng thấy An-Sinh đâu. Chợt có người chạy đến ôm lấy cổ tôi, tôi mới biết là anh. Anh đen từ chân lên đến đầu khác hẳn với anh bạn ngày nào chạy tung tăng trong vườn, áo sơ-mi cụt tay và cổ bẻ trông rõ làn da trắng mịn, nên khó mà nhận ra. Cậu quay lại nói với một người đàn ông trạc độ 40 tuổi đi bên cạnh cậu, khuôn mặt tươi tỉnh và hiền lành giống hệt cha cậu, điều này không khiến tôi lấy làm lạ vì hai ông chính là anh em ruột: - Thưa chú, đây là anh Minh. Tôi hiểu đó là ông An-Thiện. Ông nói: - Chúng ta đợi em đã lâu. - Đường từ Ba-Lê về đây xa lắm. Ông cười và nói: - Mà chân em thì ngắn, phải không? - Vâng, chính thế. Lãnh-Nhi được gặp An-Sinh cũng mừng lắm, cắn tay áo anh mà lôi. Tôi giới thiệu Mã-Tư với ông An-Thiện: anh là một người bạn tốt, một đoàn viên của tôi, tôi quen biết đã lâu, vừa mới gặp lại anh, thổi kèn rất giỏi. Ông nói: - Còn Lãnh-Nhi kia, phải không? Mai là chủ nhật, lúc nào rỗi, hai anh sẽ diễn trò cho chúng tôi coi. An-Sinh khoe rằng con chó này khôn như người, có khi hơn người. Tôi chán bà thím bao nhiêu thì tôi lại ưa ông chú bấy nhiêu. Ông thực xứng đáng là em ông An-Thanh. - Hai cậu cứ nói chuyện với nhau đi, chắc là lắm chuyện lắm, để tôi tiếp chuyện bạn nghệ sĩ có tài về môn thổi kèn này. Chuyện chúng tôi kể đến một tuần không hết. An-Sinh hỏi tôi về cuộc hành trình, tôi hỏi anh về đời sống mới. Hai người chỉ kịp hỏi nhau và kịp trả lời nhau. Chúng tôi đi chậm lại. Những đám thợ đi sau vượt qua chúng tôi đi thành hàng dài chật cả phố. Người nào trông cũng đầy bụi đen như bụi ở mặt đường. Khi gần về đến nhà, ông An-Thiện bảo chúng tôi: - Mời các anh về ăn súp với tôi. Lời mời đó làm tôi rất vui, vì trong khi đi đường, tôi cứ băn khoăn, lúc tới cửa có nên vào không, vẻ lãnh đạm của bà thím đã làm tôi mất cả nhuệ khí. Đến nhà, ông giới thiệu với bà vợ: - Đây là em Minh và người bạn nhỏ. - Tôi đã biết vì các em đã đến ban nãy. - Thế thì hay lắm. Tối nay cho các em ăn súp. Tôi rất sung sướng được ngồi ăn và nói chuyện với anh An-Sinh tối nay và thật ra tôi cũng rất sung sướng sẽ được ăn súp. Từ ngày rời Ba-Lê, chúng tôi ăn đường, ăn chợ, khi ăn bánh nóng, khi bánh khô, không bao giờ ăn ra bữa, và được ngồi ghế với đĩa súp trên bàn. Với số tiền kiếm được, chúng tôi rất có thể vào tiệm ăn uống đàng hoàng nhưng chúng tôi phải tiết kiệm mua bò cho ông Hoàng. Mã-Tư cũng là người tốt, rất sung sướng khi nghĩ đến việc tậu bò. Tiếc thay, tối hôm đó, cái món ăn ao ước ấy chỉ là vật vô hình. Tôi ngồi vào bàn, đợi mãi không thấy súp dọn ra. Ở đây, công ty Mỏ đã mở những hãng lớn bán đủ thứ thực phẩm, với giá vốn cho thợ thuyền. Cái lợi thực hiển nhiên. Người thợ mua được thức ngon, mà giá hạ, tiền không phải trả ngay, sẽ tính trừ vào kỳ lương. Do đó, họ không phải mua sỉ ở các hiệu buôn nhỏ, chém rất nặng và tránh được công nợ. Tuy nhiên, tất cả những việc hay, có cái lợi thì cũng có cái hại. Ở Văn-Xá, các bà vợ công nhân có cái tập quán ăn không ngồi rồi trong khi chồng làm lụng vất vả ở dưới hầm than. Họ sang nhà này nhà nọ lấy cà-phê và bánh ngọt về ăn uống với nhau, họ ngồi lê đôi mách, đến khi chồng đi làm về, họ không kịp nấu súp. Lúc đó, họ chạy ra hãng lấy dồi, lấy thịt về ăn. Không phải nhà nào cũng thế, nhưng kiểu này rất nhiều. Cũng vì bà thím áp dụng kiểu này nên bữa đó, chúng tôi không có súp. Bà có tật lười biếng, bép xép, lắm mồm. Mãi sau tôi mới biết trong sổ mua chịu hàng của bà chỉ độc có hai khoản: khoản cà-phê, sô-cô-la và khoản ba-tê và xúc-xích. Ông chú là người dễ tính, thích yên tĩnh. Ông chịu ăn mãi xúc-xích và không kêu ca gì. Đôi khi ông nói rất nhẹ nhàng. Ông cầm cốc rượu bảo: - Tôi không thành người nghiện rượu vì tôi có đức tính. Chiều mai cố làm súp ăn. - Thì giờ đâu? - Thì giờ ở trên mặt đất ngắn hơn thì giờ ở dưới hầm hay sao? - Ai vá cho? Ông vận hại quần áo quá! Lúc đó, ông nhìn vào quần áo ông, lem luốc những than và sờn rách nhiều chỗ. Ông nói: - Chỉ vì ta ăn mặc sang quá ông Hoàng. Bữa ăn chấm dứt rất chóng. Ông chú bảo tôi: - Con! Con ngủ với An-Sinh. Rồi quay ra Mã-Tư: - Còn con, con cùng ta xuống bếp, dọn ổ cỏ nằm rất tốt. An-Sinh và tôi, chúng tôi cùng nhau qua một đêm trắng để chuyện trò. Ông An-Thiện làm thợ cuốc nghĩa là ông có công việc dùng cuốc để vạc những khối than mỏ. An-Sinh giữ chân đẩy goòng trên đường sắt ở dưới hầm. Khi than đã chất đầy, An-Sinh phải đẩy ra đến cửa lò, đến đó, người ta móc dây cáp vào và cho máy trục kéo lên mặt đất. Tuy mới làm thợ mỏ, An-Sinh đã yêu nghề và thích mỏ. Anh cho mỏ Thụy-Khê là một mỏ đẹp nhất và lạ nhất. Anh khéo kể lại, ai nghe cũng lấy làm thú. Muốn xuống mỏ, trước hết phải qua một đường hầm khoét trong đá. Đi độ 10 phút đến một cái bệ có nhiều bậc dốc, chân bệ nối với một cái thang dài bằng gỗ, chân thang này lại có một cái bệ nhiều bậc, cũng nối với một cái thang gỗ nữa, thì đến tầng hầm thứ nhất, cách mặt đất 50 mét. Muốn xuống tầng hai, sâu 90 mét và tới tầng ba sâu 200 mét, người ta cũng phải qua một hệ thống thang như trên. Tầng ba này là chỗ làm việc của An-Sinh. Như vậy, muốn tới công trường của anh, anh phải đi gấp ba lần đường hơn người lên tháp chuông nhà thờ Đức Bà ở Ba-Lê. Không những thế, cầu thang tháp chuông nhà thờ sáng sủa và có những bậc đều đặn, lên xuống dễ. Cái thang xuống hầm không thế. Những bậc phải đẽo theo lườn đá nên có bậc cao, có bậc thấp, có chỗ rộng, có chỗ hẹp rất khó đi. Ngoài ánh sáng ngọn đèn xách ở tay không còn ánh sáng nào khác. Lối đi lúc nào cũng ướt vì nước trên trần thấm xuống, rỏ từng giọt, đôi khi rơi vào mặt lạnh toát. Xuống sâu 200 mét cũng khá dài, nhưng chưa hết. Người thợ còn phải theo những đường khác để đến chỗ làm việc. Tất cả đường hầm và các chi nhánh ở mỏ Thụy-Khê tổng cộng lại có tới từ 35 đến 40 cây số. Dĩ nhiên là một người không phải đi khắp 40 cây số đó. Chỉ đi một đoạn cũng đủ mệt rồi. Nhất là những chỗ phải lội. Nước ở hai bên khe đá rỉ ra, chảy vào giữa đường thành suối, đến cửa lò đã có máy bơm lên mặt đất. Đường nào được đào trong đá thì vững vàng như những tụy đạo (hầm) xe lửa. Những đường phải xuyên qua những chỗ đất dễ lở phải có gỗ đỡ trần và chăn vách. Mặc dầu người ta đã dùng rất nhiều khúc gỗ thông để chống đỡ cho đất khỏi sụp, nhưng nhiều chỗ sức ép của đất nặng quá làm oằn cả gỗ khiến cho những lối đi thu hẹp lại hoặc sụt xuống chỉ còn khe để lách hoặc bò. Những trần và vách gỗ đâm ra những nấm, những rêu xốp và trắng như bông. Gỗ lên men, xông ra một mùi hăng hắc. Trên những nấm, những rêu, những cây không tên, người ta thấy những thứ ruồi, nhện và bướm, hình thù khác hẳn với những con cùng giống ở trên mặt đất. Có rất nhiều chuột chạy nhanh như biến và những con dơi hai chân bám chặt lấy trần, đầu lộn xuống đất. Những đường hầm giao nhau, nhiều chỗ như những ngã tư ở thành phố Ba-Lê. Cũng có những khoảng rộng đẹp như ở các đại lộ, cũng có khoảng thấp và hẹp như trong các ngõ hẻm. Tuy nhiên cái thành phố ở dưới đất này không được soi sáng bằng những thành phố trên đất về ban đêm, vì không có những cột đèn lồng hoặc ánh đèn gaz, chỉ có những đèn tay lí tí của thợ mỏ. Trong hầm, dù thiếu ánh sáng nhưng những tiếng động đã nói lên rằng đấy không phải là xứ của người chết. Ở công trường sở than người ta nghe thấy tiếng thuốc nổ ù ù và ngửi thấy mùi khét, mùi khói do luồng hơi đưa đến. Trong đường hầm, tiếng goòng chạy ầm ầm. Trong lò sâu, những tiếng thùng than kéo lên, cọ vào đường dây kêu ken két. Cuối cùng là những tiếng ình ình của các máy bơm nước ở tầng thứ hai. Chỗ đáng chú ý nhất là ở các ngánh, nghĩa là những đường đục theo sườn mạch than. Ở đó thợ mỏ phải cởi trần, nằm nghiêng mình hay quỳ gối để cuốc than. Những than này được đưa xuống nền để xếp lên goòng đẩy ra cửa lò kéo than. Đó là cảnh tượng những ngày làm việc trong mỏ. Tuy nhiên một đôi khi cũng xảy ra tai nạn. Hai tuần trước sau khi An-Sinh đến Văn-Xá, anh đã mục kích một tai nạn mà suýt nữa anh cũng bị hại: khí ghi-du nổ! Ghi-du là một thứ khí cháy được, có rất nhiều ở dưới hầm than, hễ gặp lửa là nổ bùng ra. Không gì ghê gớm bằng nạn hơi nổ đó; nó đốt hết, làm tan vỡ hết bất cứ thứ gì ở trên luồng nó đi. Người ta có thể ví nó như kho súng phát nổ. Chỉ một ngọn đèn bỏ ngỏ hay một que diêm cháy đưa đến chỗ có khí ghi-du, lập tức tất cả khu hầm đó, khí cháy bùng và nổ như tiếng bom. Nó phá mọi thứ trong mỏ và làm tung cả những mái lò nữa. Một đôi khi, nhiệt độ cao quá, đốt cháy than thành xỉ. Sáu tuần lễ trước đây, nạn nổ đó đã giết chết 10 người. Vợ một nạn nhân thương chồng quá hóa điên. Đó là người đàn bà mà tôi đã gặp, bà ta dắt con đi tìm con đường mát. Người ta đã dùng mọi cách để đề phòng tai nạn đó. Việc cấm thợ thuyền hút thuốc là quan trọng. Các viên kỹ sư đi tuần thường bắt họ hà hơi vào mặt mình để kiểm xem ai đã trái lệnh. Rồi đến việc dùng đèn Đa-Vy, một thứ đèn do nhà Bác học nước Anh tên là Đa-Vy phát minh ra. Đèn này có cái chóp kín đan bằng sợi kim loại rất sít, ngọn lửa không thể bốc ra được. Như vậy dù có đem đến chỗ có khí ghi-du, khí cháy lọt vào chỉ nổ bên trong đèn thôi, không lan ra ngoài được vì lưới kim loại đã làm nguội phần nào sức nóng của lửa nổ phát ra. Đèn tắt, người ta biết ngay chỗ đó có ghi-du, phải quạt mạnh cho thông khí đi. Những điều An-Sinh kể lại khích tính hiếu kỳ của tôi đã có sẵn từ khi mới đến Văn-Xá, tôi chỉ ước ao được xuống mỏ xem. Hôm sau tôi ngỏ ý đó cho ông An-Thiện biết, ông bảo không được vì chỉ có ai làm ở mỏ mới được phép xuống thôi. Rồi ông lại cười và bảo tôi: - Nếu con muốn làm thợ mỏ, rất dễ. Lúc đó tha hồ mà xem. Vả chăng nghề làm mỏ không phải là mạt nghệ. Nếu con sợ mưa nắng, việc này rất thích hợp với con. Dù sao, cũng còn hơn đi hát rong. Con sẽ ở với An-Sinh, ý con thế nào? Mã-Tư cũng sẽ có việc làm, mà không phải là việc thổi kèn đâu! Không phải là vì mỏ mà tôi tìm đến đây. Tôi còn có một phận sự khác, một mục đích khác, cần cho tôi hơn là suốt ngày chỉ có việc đẩy goòng than ở tầng nhì hay tầng ba của mỏ Thụy-Khê. Tôi đành bỏ sự ao ước của tôi. Mai mốt tôi đi. Tôi đành biết mỏ Thụy-Khê qua câu chuyện của An-Sinh kể lại và những điều ông An-Thiện đã bảo tôi. Nhưng do một trường hợp xảy ra rất ngẫu nhiên, tôi lại được đóng vai một người thợ mỏ và do đó mắc một tai nạn ghê gớm ở dưới hầm.