Dịch giả: Nguyễn Phan Quế , Luyện Xuân Thiều, Luyện Xuân Thu
CHƯƠNG 9
BƯỚC VÀO CAO TRUNG, TUỔI ĐỜI ĐỘ CHÍN
(Lưu Vệ Hoa kể)

Tốt nghiệp sơ trung, Đình Nhi vượt qua một cách nhẹ nhàng cuộc thi khắc nghiệt chỉ lấy 50% thí sinh để vào lớp cao trung của Trường Chuyên ngữ, đúng với nguyện vọng của mình. Chúng tôi quyết định ngay một mục tiêu xa hơn, đó là Trường Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh). Theo nguyên tắc vượt lên chính mình, chúng tôi còn có một mục tiêu bí mật nữa, đó là khích lệ Đình Nhi đoạt "trạng nguyên."
Do chính sách tuyển sinh có chủ trương phân phối bình quân theo khu vực, cùng một ngành nghề, thí sinh ở Bắc Kinh chỉ 600 điểm là đỗ, còn Tứ Xuyên đạt 630 điểm cũng không hy vọng gì. Trước tình trạng đó, Đình Nhi cũng có một suy nghĩ rất chín chắn: "Khi điều kiện đã không thay đổi được, thì chúng ta sẽ thích ứng với nó!"
Có thể hình dung, cuộc sống và học tập ở cao trung sắp tới là vô cùng căng thẳng!
CHƯA KHAI GIẢNG, HÃY "NẠP ĐIỆN" ĐÃ
Để đón ba năm gian khổ sắp tới, chúng tôi quyết định tạo cho Đình Nhi một kỳ nghỉ thoải mái, một tháng về Hồ Bắc thăm bà ngoại, cậu mợ và anh chị em họ hàng bên ngoại, rồi nhân trên đường đi, làm một cuộc lữ hành du ngoạn sơn thuỷ. Mặt khác, đi vạn dặm đường cũng là một cơ hội tốt để quan sát xã hội, hơn nữa qua cuộc đi này, Đình Nhi có thể tích luỹ được nhiều tri thức hơn nữa liên quan đến môn ngữ văn của mình. Trước khi lên đường, Đình Nhi đã chủ động đề xuất với tôi, trên đường về thăm nhà, giúp cháu rèn luyện môn làm văn, phát hiện tư liệu ban đầu, đào sâu chủ đề và bố cục đề cương, sử dụng ngôn ngữ. Ba Trương Hân Vũ còn nói, để nâng cao hiệu suất học tập, cần phải rèn luyện thêm tập làm văn miệng.
Hành trình của chúng tôi là một chuyến du lịch đầy hấp dẫn: Từ Thành Đô - Trùng Khánh - Tam Hiệp - Vũ Hán - Tây An về Thành Đô. Trên đường đi gặp biết bao sự việc, tiếp xúc rất nhiều loại người khác nhau, Đình Nhi cũng phát hiện được nhiều tư liệu. Tôi yêu cầu cháu tập dùng 4 đoản ngữ để trình bày sơ lược một câu chuyện hoàn chỉnh, từ đó luyện cho cháu năng lực "tạo thành bài". Do miệng nói nhanh hơn tay viết nhiều, nên trong cuộc đi này, ít ra chúng tôi cũng đã làm được khoảng hơn chục bài văn miệng. Trong đó có những bài như "Nỗi đau của dòng sông mẹ" nói về sự ô nhiễm nghiêm trọng của Trường Giang; bài khâm phục gương một công nhân bình thường, phấn đấu trở thành một chuyên gia máy tính; gương "Đại cửu tự học thành tài" đảm nhận chức vụ Xưởng trưởng một xí nghiệp cỡ quốc gia, hay bài "Một du học sinh nông dân đến từ Pháp" phản ánh sự ngạc nhiên trước một nông dân Pháp xuất thân là thạc sĩ, nhưng vì rất yêu thư pháp nên đến du học tại Trung Quốc, hay bài "Tổng giám đốc liêm khiết'' ca ngợi chú Lưu Dì Thạch không lợi dụng quyền thế để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Sau khi trở về Thành Đô, vừa lúc tờ báo Hoa Tây phát hành 100.000 bản, mới mở mục "Thiếu niên, tầm nhìn muôn phương", Đình Nhi liền chọn ra 3 đề tài tâm đắc nhất viết thành bài văn gửi tới mục "Trong ngoài nhà trường". Báo Thành phố Hoa Tây đăng liền hai bài của Đình Nhi (Ở đây chỉ trích dịch một phần).
Ngón độc chiêu của Thành Quỷ
Mùa hè năm nay, mẹ đưa tôi đi du lịch Tam Hiệp, trên đường đi, hàng loạt ngón độc chiêu của ngành du lịch khiến người ta vừa giận vừa buồn cười. Lúc mua vé ở cảng Trùng Khánh, giá vé rõ ràng cao hơn rất nhiều giá vé mà chúng tôi được biết, nhưng không một lời giải thích. Trong nắm vé ném ra cửa sổ, trừ vé đi thuyền còn kèm theo một vé vào cửa: "Dạ độc thành - quỷ quốc đệ nhất quan" (cửa thành nổi tiếng nhất của nước quỷ) và phiếu bảo hiểm du lịch. Cũng vì kiểu phục vụ "cưỡng bức" đó, họ còn thu thêm 10% cái gọi là phục vụ phí. Tôi rất không đồng tình với những việc này, nhưng mẹ tôi nói: "Dù sao du lịch Thành Quỷ cũng được con ạ". Không ngờ rằng chính tâm lý thoả hiệp đó đã làm nhiều du khách chưa bước vào cửa đã bị lừa rồi. Thuyền đến Phong Đô, chúng tôi đến trước phố quỷ âm phủ, giống như cửa vào Thành Quỷ, một ông già gầy đét, luôn miệng cười cười nói nói mời mọc: "Các vị quý khách, đây là nơi đi vào Thành Quỷ". Chúng tôi thấy vé của ông này không giống vé của chúng tôi đã mua nên rất lo sợ đã mua nhầm vé, sợ không được vào thành. Ông già đã lập tức kéo chúng tôi lại một chỗ, rồi thúc giục: "Đều như nhau, đều như nhau, đi nhanh lên!" Trong phố âm phủ đầy rẫy những tượng bằng gỗ hoặc bằng đất xấu xí, bày la liệt hai bên góc động dài hẹp và tối om. Người thuyết minh với vẻ mặt như tượng, giọng thê thảm, nói liền một tràng: "Không phải lo, chỉ cần các vị đặt một ít tiền ở đây, thì có thể làm cho linh hồn người thân đã mất của các vị được miễn những hình phạt này". Hình như, ở đây đã không tồn tại "tiền âm phủ" mà là nhân dân tệ, thật là mượn lời ma quỷ để lừa tiền! Ra khỏi "phố phủ", chúng tôi mới phát hiện đây chẳng phải là cửa vào thành quỷ mà chỉ là một điểm dừng ngắm phong cảnh trên đường đi mà thôi. Đi qua góc phố mới là "Dạ độc hành", nơi chúng tôi đã bị lừa mua vé vào cửa, mỗi chiếc vé vào cửa 8 tệ, đã bị phố âm phủ này lừa mất 6 tệ.
Nơi du lịch chính của Thành Quỷ là "Quỷ quốc thần cung" (Cung thờ thần nước quỷ) mô phỏng theo kiến trúc cổ, giá vé tới 40 nhân dân tệ. Tôi và mẹ thực không thấy hứng thú gì với những tượng thần quỷ bằng đất ấy, liền trèo lên núi Song Quế cây rợp bóng mát. Đang đi lại gặp một điểm bán vé chắn ngang, bày biển bán vé vào cửa núi, mấy khách du lịch lại đang bị lừa mua vé vào động quỷ, còn chúng tôi đã biết tỏng chiêu lừa đó nên đàng hoàng bước vào cửa núi.
.........
Lần thu hoạch "trực tiếp nạp điện" này, Đình Nhi lại lần nữa đăng bài của mình lên báo chí (lần đầu là học sinh năm thứ nhất sơ trung, cô giáo Lý giúp Đình Nhi nộp bản thảo. Đó là bài làm văn ở lớp "Một sự việc mới mẻ", đăng trên tờ báo cấp tỉnh "Học sinh trung học đọc và viết", chủ đề chính là phê bình chủ nghĩa hình thức trong hoạt động học tập Lôi Phong. Bài này không lâu sau, được tờ báo phát hành trên toàn quốc "Báo tuyển chọn các bài viết của học sinh trung học" đăng lại. Thời gian đó, Đình Nhi còn nhận được thư của học sinh trung học khắp nơi trên toàn quốc gửi đến, không thể trả lời được hết, nhân đây cũng gửi theo lời chân thành cáo lỗi).
 
NHẰM MỤC ĐÍCH CAO TRUNG,
SỚM TÌM CÁCH ĐI VÀ TRẢI NGHIỆM
Theo lời giới thiệu của các phóng viên về giáo dục, nhiều bậc cha mẹ học sinh đến năm thứ ba cao trung mới bắt đầu quan tâm đến việc học tập của con cái. Như vậy là rất muộn. Kinh nghiệm của chúng tôi là, "phải lo trước một bước". Lý Hưởng, con một bạn đồng nghiệp của tôi, sử dụng cuốn "Sách hướng dẫn vào cao trung" để đăng ký nguyện vọng; cậu bé dùng xong, tặng lại chúng tôi. Lúc ấy Đình Nhi mới bước vào năm thứ ba sơ trung, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu  quy luật "đỗ" của kỳ thi vào cao trung. Nhờ vậy Đình Nhi đã sớm có suy nghĩ, đối với loại thành tích nào thì được vào trường đại học nào, sự chăm sóc và nhắc nhở của ba mẹ thực sự đã có hiệu quả. Học tập kinh nghiệm của người khác đã giúp ích rất nhiều cho Đình Nhi. Để thi vào cao trung thành công, chúng tôi đã nhiều lần tìm hiểu kinh nghiệm tốt của nhiều người khác, dần hình thành đối sách hữu hiệu cho chính mình. Như phần trước đã nói, từ thời tiểu học, mỗi kỳ nghỉ hè tôi đều dẫn Đình Nhi đến chơi nhà người bạn đồng sự, tìm hiểu qua người vợ của ông là cô giáo Ngô về kinh nghiệm và điều tâm đắc nhất của họ,cậu con trai Lý Hưởng, học tập và phẩm hạnh rất tốt. Năm 1995, trong kỳ thi tốt nghiệp cao trung đã đạt tối ưu, đứng thứ ba toàn tỉnh Tứ Xuyên về môn văn. Nguyện vọng thứ nhất của cháu đăng ký vào trường Bắc Đại, thì ở Tứ Xuyên chỉ được phân hai chỉ tiêu và đã lấy người khác, nhưng các thầy cô chiêu sinh của Trường Bắc Đại cho rằng bài làm của cháu rất ưu tú, nên Tứ Xuyên được đặc cách từ các chỉ tiêu tỉnh khác bổ sung thêm một chỉ tiêu nữa, làm cho cả hai bên đều mãn nguyện.
Đình Nhi coi Lý Hưởng là tấm gương học tập của mình, sau khi Lý Hưởng thi đỗ vào Trường Bắc Đại, Đình Nhi càng coi trọng việc trao đổi kinh nghiệm với Lý Hưởng. Trong thời kỳ sơ trung, kinh nghiệm của Lý Hưởng có thể tóm tắt vào ba chữ "bài can nhiễu", tức là phải trừ bỏ mọi mê hoặc của thế giới bên ngoài và tâm trạng ổn định. Kinh nghiệm của Lý đã truyền cho Đình Nhi thêm sức mạnh trong ba năm học tập ở sơ trung. Trước khi về thăm nhà ở Hồ Bắc, chúng tôi rất muốn đến nhà Lý Hưởng để tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm, tạo điều kiện xây dựng "quy hoạch chiến lược" cao trung. Điều không may là, kỳ nghỉ hè này, Lý Hưởng còn ở Bắc Kinh chưa trở về nhà, nên đành hẹn với mẹ của cháu là khi nào chúng tôi trở lại, mong cháu thu xếp thời gian cho chúng tôi gặp một đôi lần. Thật bất ngờ, lúc đang đi trên du thuyền ở Tam Hiệp, sông Trường Giang, chúng tôi gặp Đường Tường, bạn cùng lớp với Lý Hưởng ở Trường Bắc Đại, là "trạng nguyên" môn văn thi cao trung năm 1995 tỉnh Tứ Xuyên, bạn cùng trường với Đình Nhi. Có điều Đường Tường không biết Lưu Diệc Đình, Đình Nhi cũng ngại chủ động  bắt chuyện với Đường Tường. Lúc đó, mẹ lại phát huy vai trò của mình, thế là Đình Nhi nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội học hỏi kinh nghiệm này và còn được một đề tài làm văn thú vị:
Cuộc gặp đầy may mắn với "trạng nguyên"
Tháng bảy thật là mùa du lịch đẹp, lúc từ biệt sông Đại Ninh ở Vu Sơn chỉ có 5 du thuyền đi về Vũ Hiệp. Chỗ của chúng tôi vốn lên lầu hai của chiếc thuyền hiệu Đằng Long nhưng vì muốn ngắm trọn núi Thần Nữ nổi tiếng, chúng tôi lên lầu ba phía đuôi thuyền. Dưới cái nóng chói chang chính ngọ làm tan lớp mây mỏng như lụa bao quanh Nữ thần, dường như làm mất đi vẻ thần bí và huyền ảo.
Lúc tôi vô tình quay đầu lại, vừa thấy một sinh viên mặc áo phông trắng, tay cầm sách bước qua, dáng giống như Đường Tường, trạng nguyên môn văn kỳ thi cao trung vừa qua của Tỉnh Tứ Xuyên, Chủ tịch Hội học sinh trước đây của trường chúng tôi. Tôi rất xúc động nói với mẹ. Trong các buổi toạ đàm của phụ huynh học sinh, mẹ tôi đã nhiều lần nghe tiếng Đường Tường, biết anh ấy học tập rất cần cù chăm chỉ, chưa tốt nghiệp cao trung, số lượng từ đơn tiếng Anh đã vượt qua nghiên cứu sinh. Tôi còn biết anh sống rất giản dị, cả năm anh hầu như chỉ mặc quân phục cũ. Mẹ nói với tôi: "Con sắp vào năm thứ nhất cao trung, có muốn học hỏi kinh nghiệm của trạng nguyên không?" Tôi rất thích nhưng chưa dám khẳng định người mặc áo phông trắng là Đường Tường. Mẹ nói không ngại, để mẹ hỏi cho. Anh chính là Đường Tường, hiện học ở khoa Thương mại quốc tế Trường Bắc Đại, hè năm nay anh ấy và một vài người bạn chủ động xin đi khảo sát một huyện nhỏ, vùng sâu tỉnh Thiểm Tây, nhân đó đi một vài nơi nữa sau mới về thăm nhà. Cũng rất may là khi ở Vu Sơn, họ lên đúng chiếc thuyền hiệu Đằng Long của chúng tôi để đến Ba Đông vào thám hiểm khe núi Thần Hữu, nếu không khó có dịp. Chỉ một giờ nữa là đến Tam Hiệp, làm sao gặp thêm được nữa đây?
Đến Ba Đông chỉ còn 20 phút nữa, tôi tranh thủ thời gian "thỉnh giáo" luôn Đường Tường một loạt vấn đề học tập. Đường Tường rất nhiệt tình giải đáp từng vấn đề một, từ phương pháp học tập các môn đến việc sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Anh nói tất cả cảm nhận của mình rất tỉ mỉ. Những kinh nghiệm quý báu đó đã gợi ý rất sâu sắc cho tôi. Ví dụ, để nâng cao năng lực khẩu ngữ, trong thời gian học cao trung, Đường Tường mỗi ngày để một giờ đọc to tiếng Anh (lúc ấy Lý Dương, người giỏi nhất tiếng Anh còn chưa ai biết đến); hãy tập trung thời gian cho học tập. Lúc học cao trung, trừ thời gian tham gia công tác Hội học sinh, thường ngày anh đều giảm bớt giao tiếp xã hội, hết sức tránh dùng thời gian vào các cuộc nói chuyện phiếm vô bổ.
Ra sức học tập kinh nghiệm thành công của người đi trước, thói quen tích cực học tập chỗ vượt trội nhất của người khác này đã làm cho Đình Nhi ít phải đi đường vòng. Về sau, Đình Nhi càng chín chắn hơn và từ người đi học kinh nghiệm trở thành người truyền thụ kinh nghiệm và luôn sẵn sàng hướng dẫn người khác.
Sau khi từ Tây An trở về, tôi nhiều lần khuyên Đình Nhi tiếp tục đến học tập Lý Hưởng. Lý Hưởng căn cứ vào thực trạng của Đình Nhi góp ý với cháu, ở năm thứ nhất và năm thứ hai cao trung nên tập trung chủ yếu vào môn Toán học, năm thứ ba đột phá các môn Lịch sử và Chính trị. Vì những người học giỏi văn đều dựa vào Toán học và tiếng Anh để kéo xa khoảng cách, hơn nữa muốn giỏi cả Toán học và tiếng Anh phải tích luỹ nhiều thời gian hơn. Kinh nghiệm của Lý Hưởng là: "Học trước hết tất cả các môn, kỳ thi nào cũng đỗ".
ĐÌnh Nhi làm theo lời khuyên của Lý Hưởng, các định được kế hoạch học tập ở cao trung. Để thực hiện chiến thuật học Toán học trước hết, Đình Nhi đã thi vào lớp Toán học Olympic cao trung, nghe thầy giáo xuất sắc nhất tỉnh Tứ Xuyên về dạy Toán học ở cao trung giảng bài. Trong số 12 lần thi chính thức giai đoạn học cao trung, Đình Nhi vào tốp 10 người đứng đầu của lớp, hơn kém nhau về tổng số điểm không đáng kể, họ thay nhau đứng đầu lớp. Quy luật cơ bản ở đây là, người nào phát huy mạnh ở môn toán học, vị trí đứng đầu bảng là thuộc về người đó. Đình Nhi quyết tâm khổ luyện môn toán học nên cháu đã hai lần được xếp thứ nhất về tổng số điểm, mấy lần xếp đầu về thành tích môn học. Chủ nhiệm lớp và lãnh đạo trường đều lấy Đình Nhi làm "hạt giống trạng nguyên", do đó có thể thấy tính chất quan trọng của việc sớm tìm cách đi và học học tập kinh nghiệm vừa qua.
ĐỌC NHẬT KÝ, BÁO HIỆU ĐỘ CHÍN
Sau khi vào học cao trung, tối thứ bảy hàng tuần Đình Nhi mới có thể về nhà. Tắm giặt thoải mái xong, Đình Nhi vừa ăn vừa nói chuyện với chúng tôi, giọng đầy hứng thú kể về các thầy giáo và các bạn học. Tôi linh cảm thấy Đình Nhi đã thực sự thay đổi. Năm thứ nhất cao trung vừa qua được hai tháng, Đình Nhi đã làm một việc khiến tôi hết sức bất ngờ. Cháu đưa quyển nhật ký vốn trước đây chỉ đưa cho cô chủ nhiệm xem, đặt trước mặt tôi nói: "Mẹ rất muốn đọc nhật ký con viết ở trường phải không?" Tôi đã ba năm nay không được xem nhật ký của Đình Nhi, tâm trạng lúc này thật vui mừng. Tuy chúng tôi biết Đình Nhi giờ đây đã thay đổi như biến thành một người khác, nhưng được xem nhật ký Đình Nhi viết từ hồi sơ trung đến nay, không còn gì hạnh phúc hơn, thấy rõ Đình Nhi từ trong nội tâm đã lĩnh hội được phương pháp giáo dục của chúng tôi. Nói chuyện với Đình Nhi tôi có cảm giác là con suối nhỏ với nhiều lực cản trở thời sơ trung nay đã biến thành dòng sông lớn tuôn trào ngàn dặm. Mỗi lần nói chuyện như vậy thường kéo dài 2, 3 giờ không hết. Chủ đề rộng, sâu sắc và đồng cảm, khiến cho tôi cảm thấy hầu như không phải nói chuyện với đứa con bé bỏng của mình. Đình Nhi đã bước vào độ chín của tuổi đời.
Sau này, lúc nhà trường yêu cầu Đình Nhi giới thiệu kinh nghiệm trưởng thành của mình, Đình Nhi đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của những buổi nói chuyện với bố mẹ:
Theo tôi được biết rất nhiều học sinh trung học khi về nhà thường đóng cửa lại, cho rằng không có tiếng nói chung với bố mẹ, bố mẹ nhắc nhở không để lọt tai. Đó là một sự lãng phí thời gian, mà lãng phí thời gian tức là lãng phí lớn về nguồn của cải. Bố mẹ là kho báu lớn nhất của mỗi người. Giao lưu nhiều lần và sâu sắc với bố mẹ là chùm chìa khoá mỏ kho báu đó. Giao lưu của bố mẹ, mặt khác phải có thái độ “được nghe bố mẹ nói làm niềm vui của mình”. Lời phê bình của bố mẹ thường là tổng kết kinh nghiệm của cuộc đời họ nên có thể giúp chúng ta ít phải đi đường vòng. Dùng lời nói trong gia đình tức là: “không nên bắt đầu từ trò chơi trẻ con ấy nữa”.
Đình Nhi rất ghét sự cạnh tranh độc ác và không hề đố kỵ với người khác. Lúc học năm thứ ba cao trung, chúng tôi cùng với bố mẹ Lý Hải Bối thuê chung một căn phòng trước cửa trường để hai cháu có điều kiện yên tĩnh ôn tập bài vở. Trong hơn nửa năm ở cùng nhà, từ hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt đã trở thành đôi bạn tri âm. Lý Hải Bối sau khi thi đỗ vào đại học, trong bài "gửi người bạn thân ở Mỹ" đăng trên báo "Gió thế kỷ" của trường đã có một chi tiết thật xúc động:
… Chúng tôi cùng nhau thảo luận triết lý nhân sinh, tranh luận về ý nghĩa cuộc sống. Chúng tôi muốn là chim đại bàng tung cánh. Chính là bạn, đã làm cho tôi vứt bỏ được tính cao ngạo… Còn nhớ một lần, tôi vô tình ngẩng đầu lên, vừa lúc gặp ánh mắt bạn đang nhìn tôi đăm đăm, bạn nói, tôi đang cười, bạn nói bạn yêu tiếng cười của tôi. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên được ánh mắt ấm áp của bạn, tượng trưng bao nhiêu ý nghĩa. Nó luôn cổ vũ tôi, mang lại cho tôi niềm tin, sức mạnh, từ đó về sau tôi hay cười, và còn rực rỡ như ánh mặt trời!
Những ví dụ như thế còn rất nhiều. Cách suy nghĩ của Đình Nhi là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Cái gì mình không muốn không nên làm cho người khác), cái mình muốn thì làm cho người khác. Mình cần giúp đỡ, mình nên giúp người khác. Có thể dùng thái độ rất chín chắn đó để đối xử với người khác, đương nhiên sẽ trở thành người được mọi người mến thương.