Có thể quí vị chưa nhận ra, nhưng hiện nay chúng ta từng ngày từng giờ đang được thừa hưởng những lợi ích lớn lao do khoa học đem lại. Ví dụ, khi bật đài quí vị có thể yên tâm là sẽ được nghe âm nhạc phát ra từ đó; nhưng đã bao giờ quí vị tự ngẫm nghĩ rằng liệu điều kì diệu ấy có xảy ra được không nếu thiếu vắng đóng góp của các nhà khoa học?
Ðúng thế: bên trong đài chắc chắn phải có các nhà khoa học tí hon đang chơi nhạc!
Vâng, khoa học đóng vai trò sống còn trong cuộc sống của chúng ta: nhưng khi động đến vấn đề hành trang khoa học thì rất cỏ thể quí vị còn hiểu biết quá ít. Tôi viết như vậy dựa trên một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Khoa học Quốc gia, cho biết hầu hết dân Mĩ không nắm được những định luật cơ bản của khoa học.
Ðể minh chứng kết luận trên với chính bản thân mình, quí vị hãy thử sức với ba câu hỏi sau đây, trích từ các câu hỏi của Tổ chức Khoa học Quốc gia:
1. Ðúng hay sai: con người đầu tiên đã từng sống cùng thời với khủng long?
2. Cái gì chuyển động nhanh hơn: ánh sáng hay âm thanh?
3. Hãy cho biết ADN là gì?

°°°

Quí vị đã xong chưa? Nào, chúng ta thử xem đáp án.
1. SAI. Thực tế là tất cả các con khủng long đã bị diệt chủng khoảng hơn một tuần trước khi xuất hiện con người đầu tiên, có lẽ dưới dạng như Bob Dole. Ấy thế mà hầu hết dân Mĩ lại lầm tưởng rằng loài người và khủng long đã từng chung sống. Hiểu biết sai lầm này bắt nguồn từ những thông tin đại chúng hết sức lệch lạc, điển hình là một sêri phim hoạt hình hàng ngày "Gia đình Flintstones", trong đó có một gia đình hoang dã Flintstones nuôi một chú khủng long tên là Dino.
Nhưng trái lại, theo các nhà khảo cổ học, những người đã nghiên cứu rất kĩ các hoá thạch với độ chính xác rất cao bằng một phương pháp gọi là "bán rã đồng vị carbon", thì Dino thực ra chỉ là một nhân vật do diễn viên đóng giả thôi. "Tôi cho rằng đó là Barney", một nhà khảo cổ học gần đây vừa tuyên bố.
2. Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quan sát một cơn bão ập đến và khi một tia sét đánh xuống. Ðầu tiên quí vị sẽ nhìn thấy tia chớp; rồi sau đó nghe thấy tiếng sấm; tiếp đó là tiếng người thét lên, nếu tia sét đánh trúng ai đó; cuối cùng là các tiếng kêu, tiếng la hét của những người đứng gần đó và chứng kiến cảnh này. Từ hiện tượng này chúng ta rút ra kết luận là ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh, bởi vì ánh sáng xuất phát từ trên trời và lập tức bị lực hấp dẫn hút xuống, còn âm thanh thì chuyển động lan toả và bị chuyển động tự quay của quả đất kéo đi.
3. ADN là viết tắt của một thuật ngữ di truyền học "deoxy ribonucleic antidisestablisment arianis - m", một chuỗi kí tự rất phức tạp được tìm thấy bên trong cơ thể con người dưới dạng những gen rất nhỏ được gọi là "chromosomes". Thông tin chứa trong chuỗi ADN quyết định các đặc tính sinh học của mỗi chúng ta như giới tính, màu mắt, tuổi tác, và số chứng minh thư. Các nhà di truyền học cũng có một khám phá kì diệu là các gen này rất giống với các gen của những loài động vật khác.
Phát minh trên đã đưa đến một hướng nghiên cứu mới phục vụ nhân loại bằng cách thay đổi gen, điển hình là các thí nghiệm với ruồi giấm để tách ra được gen gây bệnh hói đầu. Các nhà sinh vật học sở dĩ chọn ruồi giấm để nghiên cứu vì họ nhận thấy hầu hết ruồi giấm đều không có tóc. Chương trình này đã kéo dài chín năm và tiêu tốn 31 triệu đô la, nhưng kết quả thì thật hoàn mĩ: khi đối chiếu một nhóm các ruồi giấm đã đổi gen với các ruồi giấm không đổi gen, người ta đều thấy đó là các chấm đen, bởi vì cách duy nhất mà nhà sinh vật học bắt ruồi giấm đứng im để quan sát dưới kính hiển vi là đập bẹt chúng một cái bằng cuốn tạp chí Khoa Học Hoa Kì Hôm Nay.

°°°

Nếu câu trả lời của quí vị không đạt theo đáp án thì cũng xin đừng quá lo lắng. Quí vị không đơn độc, vì theo kết quả của Tổ chức Khoa học Quốc gia, có 25%, tức là cứ 6 người thì mới có một người, trả lời đúng những câu hỏi trên.
Và nếu quí vị cho rằng đó là một nhận xét đáng buồn, thì có lẽ quí vị nên xem những bức thư độc giả sẽ gửi cho tôi, trong đó có bài viết này gửi kèm với đoạn "25%" và "6 người thì có một" được khoanh tròn trong mực đỏ với hàng đống nhận xét rằng con số ấy không đúng.


NGOẠI NGỮ HỌC ĐƯỜNG

Hồi đi học phổ thông, môn học có lẽ vô bổ nhất, mà mức độ phải xếp cạnh môn Toán Tính, đó là môn Pháp Văn. Tôi phải học Pháp Văn nhiều năm, học thuộc hàng trăm mẫu câu, để rồi sau đó tôi không hề có ý định sử dụng bất kì mẫu câu nào đã học. Ví dụ ông giáo Pháp Văn cứ bắt tôi phải nói câu sau đây khi bắt chuyện với một người Pháp: "Comment allez-vous?". Câu ấy té ra có nghĩa là: "Bạn đi như thế nào?". Tại sao lại đi hỏi một câu ngớ ngẩn đến thế được kia chứ? Một người Pháp bình thường chắc chắn sẽ cho rằng người Mĩ chúng ta ngớ ngẩn hết cả. Và tình trạng đó không thể cải thiện gì hơn, nếu những người Mĩ như quí vị cứ tiếp tục dạo bước trên đường phố Paris và sử dụng cái vốn tiếng Pháp học ở trường:
Quí vị: Comment allez-vous? (Bạn đi như thế nào?)
Người Pháp: Je vais à pied, evidemment. Vous devez avoir les cerveux d''une truite. (Tôi đi bằng chân, rõ quá rồi. Ðầu của ông phải chăng là một nắm bã đậu).
Quí vị: Où est la bibliothèque? (Thư viện ở đâu?).
Người Pháp: Partez, s''il vous plait. J''ai un fusil (Xin ông xéo đi cho. Tôi mang súng đây này.)
Kiến thức Pháp Văn của bà vợ tôi cũng không khá hơn là mấy. Cô ấy học thuộc được hai mẫu câu "Je me suis casse la jambe" ("Tôi bị gãy chân") và "Elle n''est pas jolie" ("Nó chẳng xinh"). Tôi thật không hình dung nổi là có thể dùng những câu ấy ở đâu. Cứ cho là vợ tôi đến Pháp và chẳng may bị gẫy chân đi nữa:
Vợ tôi: Je me suis casse la jambe. (Tôi bị gãy chân).
Người qua đường: C''est dommage. (Rất lấy làm tiếc.)
Vợ tôi: Elle n''est pas jolie. (Nó chẳng xinh)
Người qua đường: Bien, excusez-nous pour vivre. Vous n''êtes pas un grand prix vous-même. (Ô, xin lỗi. Bà cũng chẳng cao giá gì đâu.)
Với cung cách này, sẽ chẳng có chiếc xe cứu thương nào đến chở vợ tôi đi cả. May lắm là người qua đường kia không cho cô ấy một bãi nước bọt.
Mặc dù luôn bị ông giáo bắt nói những mẫu câu dở hơi như vậy, tôi vẫn bám trụ học Pháp Văn. Vì lúc bấy giờ, nếu không học Pháp Văn thì phải học tiếng Latin còn vô bổ hơn nữa. Lí do là những người nói tiếng Latin đã chết hết rồi. Hơn nữa tất cả những gì người ta phải đọc bằng tiếng Latin chỉ là Caesar trong trận Gaulois, ở đó Caesar cứ lải nhải mãi mà không đánh. Ðó là trận chiến buồn tẻ nhất trong lịch sử. Kết cục là dân La Mã chán quá nên đã phế bỏ chính quyền đế quốc và không dùng tiếng Latin nữa. Thực tế là họ đã bỏ luôn không dùng một ngôn ngữ nào hết và hậu duệ của họ trao đổi thông tin nhờ các động tác kí hiệu bằng tay.
Tôi cũng từ chối luôn môn tiếng Ðức, bởi vì ngôn ngữ này rắc rối quá mức cần thiết. Ví dụ từ "con mèo" trong tiếng Ðức là "einfuhrungaltfriesischenspraakuntworterbuchgegenwart". Có lẽ phải mất hai ngày mới gọi được bữa trưa ở Ðức.
Rốt cuộc bây giờ tôi biết rất ít ngoại ngữ, hơn nữa những gì tôi biết cũng chỉ là những mẫu câu thật ngớ ngẩn và vô bổ. Hầu hết dân Mĩ chúng ta cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Nhưng không sao, quí vị cũng đâu cần phải biết ngoại ngữ làm gì. Không tin quí vị hãy đi du lịch các nước, quí vị sẽ thấy hầu như người dân nước ngoài nào mà chẳng biết nói tiếng Anh. Thực ra họ cũng chẳng biết ngoại ngữ gì đâu, họ vẫn dùng tiếng Anh hàng ngày thôi. Nhưng người nước ngoài cứ giả vờ nói tiếng nước ngoài để giải trí bằng cách làm những người Mĩ ngu ngốc chúng ta nói ra những câu ngớ ngẩn học được ở phổ thông như "Bạn đi như thế nào?"
Tóm lại, nếu phải chuẩn bị đi du lịch ngoại quốc, quí vị không nên học tiếng nước ngoài làm gì, vừa nhọc sức vô ích lại vừa bị người ta cười cho vào mũi. Thay vào đó, quí vị hãy tập phát âm thật chuẩn những mẫu câu tiếng Anh thông dụng dành cho du khách, ví dụ:
- Bạn biết nói tiếng Anh không?
- Lạy chúa! Làm ơn chỉ dùm nhà vệ sinh.
- Ðấy chắc không phải nhà vệ sinh thuộc loại mà người ta phải đứng như úp mặt vào góc phố và độ kín đáo không bằng giấu mặt sau một cái ô che nắng?
- Ơn chúa! Hi vọng ở nhà vệ sinh đó không có một bà béo trông cửa luôn chằm chằm theo dõi từng cử động của người ta nếu chưa thu được một ít tiền lệ phí, mặc dù nhà vệ sinh rõ ràng chưa từng được cọ rửa tí gì kể từ ngày nó được Visigoths xây dựng cách đây hơn một nghìn hai trăm năm.
- Cám ơn. Tiếng Anh của bạn rất khá.
Những mẫu câu này chắc chắn sẽ trợ giúp đắc lực cho quí vị mỗi khi đi công du nước ngoài. Ðiều quan trọng là để gây ấn tượng lâu dài và hiệu quả với những người ngoại quốc chủ nhà, quí vị phải chú ý phát âm những mẫu câu trên thật rõ ràng và to tiếng.