Bích nô cô không còn thấy cái vòng nặng nề và nhơ nhuốc đè lên cổ nữa, nó sung sướng chạy băng qua cánh đồng một mạch để đến con đường đưa thẳng tới nhà bà tiên. Khi đến con đường lớn rồi, nó ngoảnh lui để nhìn cánh đồng, nó nhận thấy khu rừng mà nó đã rủi ro gặp phải con Chồn và con Mèo. Trong lùm cây nó nhìn thấy đọt cây sồi mà nó đã bị treo cổ. Nó đưa mắt nhìn khắp tứ phía, nhưng không sao tìm thấy nhà bà tiên tóc xanh. Nó bỗng thấy một cảm giác buồn rầu tràn ngập tâm hồn nó. Nó chạy rất nhanh đến chỗ mà trước kia cái nhà trăng trắng đã dựng lên. Nhưng nhà đã không còn nữa. Trên một phiến đá cẩm thạch có khắc mấy hàng chữ đau đớn như sau: Ở đây Nàng tiên tóc xanh Đã âu sầu mà chết Vì thằng em là Bích nô cô Đã bỏ nàng trơ trọi một mình Các em thử nghĩ lúc mà nó lẩm bẩm đọc được mấy dòng chữ ấy thì nó sẽ ra sao? Nó úp mặt xuống phiến đá, hôn lấy hôn để tấm đá trên mồ và khóc nức nở. Nó khóc đến nỗi cạn cả suối lệ. Tiếng than khóc của nó vang lên khiến đồi núi chung quanh vang động những tiếng dội. Nó vừa khóc vừa nói: - Nàng tiên thân mến của tôi ơi! Sao chị lại chết? Sao em không chết để thay chị? Em thì độc ác mà chị thì hiền lành. Bố em hiện nay ở đâu? Nàng tiên ơi! Em tìm bố em ở đâu bây giờ? Em muốn luôn luôn ở với bố em và không muốn xa người nữa. Không bao giờ! Không bao giờ xa người nữa. Nàng tiên ơi! Nàng chưa chết phải không? Nàng hãy nói với tôi như thế! Nếu quả thật chị yêu thương em, chị yêu mến đứa em em bé nhỏ của chị thì chị hãy sống lại. Trông thấy em một thân một mình bị đời ruồng bỏ, chị không đau lòng sao? Nếu bọn cướp trở lại, chúng treo cổ em lên cành cây sồi lần nữa thì em phải chết mà thôi. Một mình trên cõi đời, em biết làm thế nào bây giờ? Giờ đây em mất cả bố lẫn chị, ai sẽ nuôi dưỡng em? Hay hơn, trăm lần hay hơn là em cũng chết theo chị. - Vâng em muốn chết ….hu … hu … hu … Than khóc như thế, Bích nô cô đưa tay lên bức tóc, nhưng những sợi tóc của nó bằng gỗ nên nó không thể nào luồn tay vào. Trong lúc ấy một con bồ câu bay ngang trên đầu nó, cặp cánh giương rộng ra, đứng lại trên cao và hỏi: - Ngươi làm gì ở đây vậy? - Ngươi không thấy sao? Ta đang khóc đây? Bích nô cô nghe nói, ngẩn đầu lên nhìn và đưa tay áo để lau nước mắt. Bồ câu lại nói: - Trong đám bạn bè của ngươi, hoặc giả có người nào biết thằng người gỗ tên Bích nô cô không? Thằng người gỗ vội vàng đứng dậy. - Bích nô cô là ta đây ! Nghe trả lời thế, Bồ câu hạ cánh xuống đất. No to bằng cả một con gà Tây. Bồ câu lại hỏi : - Ngươi có biết ông Gia Bích không ? - Biết lắm chứ ! Bố của ta đấy ! Chắc ông có nói chuyện ta với ngươi chứ ? Ông vẫn còn sống chứ ? Khổ quá ! Ngươi hãy trả lời cho ta biết ! Ông vẫn còn sống chứ ? - Tôi đặt ông ta xuống bờ biển đã được ba hôm nay rồi. - Lúc đó ông ta làm gì ? - Ông ta làm một chiếc ghe con để vượt ra biển. Tội nghiệp cho ông ta ! Đã bốn tháng nay, ông tìm người khắp nơi. Vì tìm chưa được ngươi nên trong trí ông định tìm ngươi ở cả những xứ xa xôi hơn, tận bên tân thế giới. Bích nô cô lo lắng hỏi : - Từ đây đến bờ biển đó mất bao nhiêu cây số ? - Hơn một nghìn. - Bồ Câu ơi ! Một nghìn cây số ! Nếu có được cặp cánh như ngươi thì sung sướng biết bao nhiêu ! - Nếu ngươi muốn đi với ta, thì ta chở ngươi đi ! - Sao ? - Cỡi lên lưng ta như cỡi ngựa. Nhưng ngươi có nặng lắm không ? - Nặng à ? Không. Tôi nhẹ như một ngọn lá. Không đợi Bồ câu nói gì thêm. Bích nô cô nhảy lên lưng, bỏ bên này một chân, bên kia một chân, như những người cỡi ngựa, và sung sướng la lên : - Ê ngựa phi mau ! ta muốn đến nơi cho chóng. Bồ câu cất cánh bay, và chỉ trong khoảnh khắc thì đã cao vút đến từng mây. Vì bay cao một cách lạ lùng, Bích nô cô tò mò muốn ngoảnh nhìn lui cho biết, nhưng nó sợ quá và ngợp quá. Muốn cho khỏi té, nó lấy tay quàng cổ Bồ câu … Chiều lại Bồ câu nói : - Tôi khát quá ! Bích nô cô tiếp lời : - Còn ta đói quá. - Chúng ta hãy dừng lại ít lâu ở chuồng bồ câu này rồi hãy đi. Ngày mai, lúc rạng trời, chúng ta sẽ đến bờ biển. Chúng vào trong một cái chuồng bồ câu bỏ trống, chỉ có một cái chậu đầy nước và một cái hộc đựng đậu xanh. Bích nô cô vốn không ưa thứ đậu ấy, chỉ nghe nói đến cũng đủ khiến nó lộn ruột và khó chịu ở bao tử rồi. Nhưng hôm đó nó ăn đến kềnh hông. Ăn sắp xong, nó ngoảnh lại nói với bồ câu : - Ta không ngờ thứ đậu này lại ngon đến thế ! - Nên biết rằng : khi cơn đói nổi lên và không có gì để ăn thì đậu xấu cũng hóa ngon. Những kẻ đói không biết gì là kén chọn, không biết gì là món nọ món kia. Cả hai đánh một giấc ngủ ngăn ngắn rồi lại khởi hành. Qua ngày mai, chúng đến cạnh bờ biển. Bồ câu đặt Bích nô cô xuống đất, và không cần đợi nghe lời cảm tạ, đối với hành vi tốt đẹp của nó, liền vỗ cánh bay đi. Trên bờ biển người rất đông, đang nhìn ra ngòai khơi mà khoa tay múc chân và hò hét. Bích nô cô hỏi một người đàn bà : - Có việc gì thế hử bà ? - Một ông bố đáng thương vừa lạc mất đứa con. Ông ta muốn đi trên một chiếc ghe bé nhỏ, vượt bể ra khơi để tìm nó. Nhưng vì bể sóng lớn quá nên ghe đã chìm. Kìa kìa ! Em có trông thấy không ? Ngay đầu ngón tay của ta đó. Bà già chỉ một chiếc ghe con vì xa quá nên trông chỉ còn bằng vỏ trái bồ đào, trong thuyền có một người hết sức nhỏ. Bích nô cô trông theo, và khi đã nhìn kỹ, đu đớn kêu lên : - Bố tôi ! Chính bố tôi ! Chiếc ghe bị sóng đáng trồi lên dập xuống. Bích nô cô dựa mình vào mỏm đá, miệng gọi bố không ngớt. Nó kiếm đủ cách để ra hiệu, dùng tay, dùng mùi xoa, lại dùng cả mũ nữa. Gia Bích mặc dù đã ra xa, nhưng vẫn biết con đang gọi mình, nên ông cũng đưa mũ để chào lại và cố ra dấu cho con biết là mình muốn trở vào bờ, nhưng sóng to quá nên không thể nào chèo trở vào được. Bỗng một ngọn sóng lớn nổi lên và chiếc ghe biến mất tăm dạng. Mọi người chờ chiếc ghe trồi lên mặt nước, nhưng không bao giờ ghe còn trồi lên nữa. Những người trên bờ đồng thanh nói : - Rõ tội nghiệp cho ông ta ! Họ đọc một bài kinh cầu nguyện, đoạn ai về nhà nấy. Nhưng họ nghe một tiếng kêu la thất vọng. Khi quay lại thì thấy một đứa bé từ trên mỏm đá vừa la vừa nhảy xuống biển : - Tôi muốn đi cứu bố tôi ! Bích nô cô vì bằng gỗ nên nổi một cách dễ dàng. Nó lội như cá. Khi thì ngọn sóng nhận chìm nó xuống, khi nó trồi nên khỏi mặt nước một cánh tay, hoặc một cái chân, nhưng rất xa bờ ! Thế rồi người ta không trông thấy nó nữa. Nó không còn nổi lên mặt nước như trước. - Tội nghiệp cho thằng bé ! Những người đánh cá trên bờ biển la lên thế. Họ đọc một bài kinh cầu nguyện rồi ai về nhà nấy.