Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XXIV
PHU ĐẨY GOÒNG

Nghề làm mỏ không phải là một nghề làm hại sức khỏe. Trừ một vài bệnh sinh bởi thiếu khí trời và thiếu ánh sáng lâu ngày làm cho người xanh xao, người thợ mỏ vẫn được lành mạnh như người nông phu ở trên đồng ruộng. Người thợ mỏ còn hơn người làm ruộng ở chỗ không phải bị dầm mưa dãi gió hay bị nắng cháy da, rét cắt ruột. Tuy nhiên, người thợ mỏ thường gặp nhiều nguy hiểm như đất sụt, khí nổ, hầm lụt cùng những tai nạn do việc làm vụng về, bất cẩn gây nên.
Trước hôm tôi định từ giã Văn-Xá, chiều hôm đó, An-Sinh đi làm về, bàn tay phải bị sưng vù và một ngón tay bị giập. Anh đã vô ý để một khối than đè phải.
Thầy thuốc của Công Ty đã đến ngay chỗ làm và băng bó cho anh. Bệnh tình không nặng lắm, tay anh sẽ lành, ngón tay cũng thế, nhưng anh cần phải nghỉ ngơi.
Ông An-Thiện có tính gặp sao chịu vậy, không buồn rầu mà cũng không bực tức. Duy có điều làm cho ông nóng ruột là thiếu An-Sinh việc làm của ông bị ngăn trở. Khi ông thấy nói An-Sinh phải nghỉ vài hôm, ông kêu trời! Ai làm thay cho An-Sinh bây giờ? Không có ai cả. Nếu phải có người thay vĩnh viễn thì tìm được, chứ cần người làm giúp một vài ngày thì không kiếm đâu ra.
Ông chạy khắp nơi để mượn người nhưng lại về không. Ông đứng ngồi không yên. Nếu không tìm được ai thay An-Sinh thì bắt buộc ông cũng phải nghỉ. Ông mà nghỉ nữa thiệt cho quỹ gia đình đã chẳng dồi dào.
Đứng trước cảnh tình đó, trước nghĩ âu cũng là một dịp để đền ơn biệt đãi mà ông đã dành cho tôi, tôi liền hỏi ông:
- Việc đẩy goòng có khó lắm không?
- Không gì dễ hơn. Chỉ có việc đẩy cái xe cho nó chạy trên đường sắt.
- Xe có nặng lắm không?
- Không nặng lắm vì An-Sinh có thể đẩy được.
- Con làm được không?
Ông cười lớn rồi nghiêm trang bảo tôi:
- Nếu con vui lòng. Con có thể làm được.
- Con rất vui lòng vì có thể giúp ích cho ông.
- Con là đứa trẻ có tâm địa tốt. Được rồi. Sáng mai con sẽ cùng ta vào mỏ. Con giúp việc cho ta thực đấy, nhưng may ra cũng có ích cho con. Con sẽ làm quen với nghề và thích nghề, còn hơn là nay đây mai đó, thất thểu trên đường; ở mỏ lại không phải sợ chó sói.
Khi tôi tạm thay An-Sinh xuống mỏ thì Mã-Tư sẽ làm gì? Không lẽ để anh ngồi nhà ăn hại ông An-Thiện, tôi hỏi anh có thể hàng ngày cùng Lãnh-Nhi đi quanh phố diễn trò không, anh ưng thuận ngay. Anh vui vẻ nói:
- Tôi rất sung sướng được đi kiếm tiền một mình, thêm vào để mua bò.
Đã ba tháng nay chúng tôi chung sống với nhau, anh được ở nơi thoáng khí. Mã-Tư trông không giống nữa, đứa trẻ còm cõi, buồn rầu mà tôi gặp ở cửa nhà Thờ Thánh Mê-Đa hôm nào, và càng không giống nữa, cái quái thai ốm yếu mà tôi trông thấy lần thứ nhất ở bếp nhà Phú-Lợi, vừa ngồi canh nồi súp, vừa ôm cái đầu bị thương. Mã-Tư bây giờ hết đau đầu, hết buồn bã, hết còm gầy. Nếu cái vựa cỏ ở phố Lục-Sinh đã làm cho anh hao mòn; thì ánh sáng và khí trời nơi khoáng đãng đã đem lại lành mạnh và vui tươi cho anh.
Trên đường trường, khí sắc anh lúc nào cũng vui vẻ, nhìn mọi vật bằng con mắt lạc quan, gặp cái gì cũng đùa, điều nhỏ mọn cũng đắc ý, khôi hài, cười cợt luôn. Đã bao lần tôi mệt mỏi, tôi lo buồn, nếu không có anh ở bên cạnh thì tôi đã trở nên thế nào?
Tính nết của chúng tôi không giống nhau, có lẽ vì khí chất, vì bản lãnh của mỗi người mà có lẽ cũng vì dòng giống, vì chủng tộc nữa.
Anh là người Ý. Anh lúc nào cũng hòa nhã, vô tâm, cần cù làm những việc khó không nóng nảy và phát khùng, khác xa với người nước tôi hay có tính phản kháng và chống đối lại.
Chắc quý độc giả muốn hỏi tôi:
- Thế em là người nước nào? Em cũng có quê hương, xứ sở à?
Tôi sẽ xin trả lời sau vì hiện giờ tôi chưa biết. Và tôi chỉ muốn nói rằng Mã-Tư và tôi, hai người không giống nhau. Tuy nhiên chúng tôi rất bằng lòng nhau, cả những khi tôi dạy anh “nốt” nhạc hay học chữ. Về âm nhạc, anh học rất dễ dàng, nhưng về tập đọc, thì khó khăn quá, lắm lúc tôi không giữ được bình tĩnh và khoan dung như các nhà giáo huấn. Nhưng chẳng bao giờ xảy ra sự xích mích cả. Mặc dầu nhiều lần tôi tỏ ra bất công, Mã-Tư không hề oán giận tôi.
Chúng tôi đã ấn định rằng ngày mai tôi đi làm mỏ, Mã-Tư sẽ đi diễn trò để kiếm tiền thêm. Tôi cũng cắt nghĩa cho Lãnh-Nhi nghe, nó hiểu ý và ve vẩy đuôi.
Sáng hôm sau, người ta cho tôi mặc quần áo An-Sinh. Sau khi dặn dò Mã-Tư và Lãnh-Nhi lần nữa, tôi theo ông An-Thiện vào mỏ.
Ông trao cho tôi cái đèn và bảo:
- Phải cẩn thận! Con theo bước chân ta, khi xuống thang, phải nắm chắc bậc sau thì mới buông bậc trước ra.
Chúng tôi xuống hầm, ông đi trước, tôi theo sau. Ông dặn tiếp:
- Nếu trượt chân ở trên bậc đá, phải cố níu lại đứng để lăn đi vì đáy hầm sâu lắm đấy.
Tôi không cần phải nghe câu nói đó mới hồi hợp, vì từ lúc bước chân vào hang tối, tôi đã rờn rợn rồi. Tự nhiên, tôi chùn bước ngay và quay lại phía sau, nhưng chúng tôi đã vào quá sâu rồi. Ánh sáng cửa hầm xa trông tròn tròn và trăng trắng khác như mặt trăng hiện trên nền trời đen tối và không sao. Tôi hơi xấu hổ về cái cử chỉ nhút nhát đó và tôi mạnh dạn theo sau ông An-Thiện.
Chợt ông bảo tôi:
- Đến bậc đá rồi.
Chúng tôi đứng trước một cái lỗ đen ngòm, sâu thăm thẳm, tôi trông thấy những đốm sáng lung lay, trước còn to, sau tiến xa và nhỏ dần đi, đó là ánh đèn của những người thợ đã xuống trước chúng tôi. Tiếng họ nói chuyện nghe rầm rì không rõ. Một luồng khí nóng đưa lên, tạt vào mặt chúng tôi, tôi ngửi thấy một mùi hăng hắc như là mùi ê-te và ét-săng trộn với nhau.
Đi hết bậc đá đến thang gỗ, hết thang gỗ lại đến bậc đá. Ông An-Thiện bảo tôi:
- Chúng ta đến tầng thứ nhất rồi.
Tôi nhìn thấy một đường hầm, khung tò vò, hai bên tường thẳng và xây gạch. Khung vòm cao hơn đầu người, nhưng cũng có chỗ phải cúi mình mới đi qua được hoặc vì vòm tụt xuống, hoặc vì đất đùn lên.
Ông An-Thiện nói:
- Đó là sức đẩy ép của đất. Vì thân núi chỗ nào cũng đục rỗng, đất tìm những chỗ trống tràn vào, khi nào đất nặng quá, nó đè bẹp đường hầm.
Trên mặt đất có những đường sắt xe hỏa và suốt dọc đường hầm có một dòng suối con.
Ông bảo tôi:
- Suối này do nước thấm vào sinh ra, hợp với những suối khác thành một dòng lớn chảy ra giếng cửa lò. Tính ra có tới một ngàn hay ngàn hai mét nước mà máy bơm mỗi ngày phải đưa lên mặt đất và trả về sông Đinh-Giang. Nếu máy đó ngừng hoạt động thì mỏ sẽ đầy nước ngay. Nói tóm lại, hiện giờ chúng ta đang đứng ở gầm sông Đinh-Giang.
Tự nhiên tôi chực quay lại, ông cười to và bảo:
- Đáy sông còn cách đây hơn 50 mét. Sợ gì nó dội vào đầu.
- Nếu có lỗ dò thì sao?
- Phải, có thể lắm. Cũng có những mỏ phải đề phòng nạn lụt, nhưng ở đây thì không. Ở đây chỉ có khí nổ và đất sụt, nhưng ít khi xảy ra.
Lát sau đến công trường, ông An-Thiện chỉ dẫn việc làm cho tôi. Khi toa than của chúng tôi đầy, ông đẩy cùng tôi và dạy cách đẩy ra cửa lò, cùng cách rẽ sang đường tránh khi gặp những toa khác tiến đến.
Tôi có thể nói được đó không phải là một nghề khó khăn. Chỉ trong một, hai giờ, nếu tôi không thạo lắm thì tôi cũng tạm được. Phàm làm nghề gì cũng phải khéo tay và có tập quán thì mới đạt được. Tôi thiếu hai yếu tố đó, phải dùng sức cố gắng để thay vào, nên việc làm ít mà mệt thì nhiều. May sao cái đời sống cần lao trong mấy năm nay và nhất là cuộc lữ hành trong ba tháng vừa qua đã luyện cho tôi tính nhẫn nại nên tôi đã khắc phục được mệt nhọc và không phàn nàn gì. Ông chú khen tôi là một đứa trẻ đủ điều kiện thành một người thợ mỏ tốt.
Nhưng, tôi muốn xuống hầm mà tôi không muốn ở đó vì tôi có tính hiếu kỳ chứ tôi không có chí hướng.
Muốn sống dưới hầm phải có nhiều đặc tính mà tôi không có. Phải có tính ưa yên lặng, thích vắng vẻ và tĩnh tâm. Phải quen sống những giờ, những ngày dài đằng đẵng với khối óc thu hẹp lại, không trao đổi một lời nào, không giải trí một phút nào. Mà tôi thì quen sống cái đời khoáng đãng, suốt ngày chỉ có đi với hát, không sở trường về cái phương diện nói trên, nên cảm thấy buồn lắm. Buồn thực! Suốt ngày đẩy xe trong hang tối, ngoài ánh sáng le lói của chiếc đèn tay, không còn ánh sáng nào khác, ngoài những tiếng bánh xe lăn, tiếng lội nước bì bõm, thỉnh thoảng lại nghe mìn nổ trong vắng lặng làm cho âm khí nặng nề thêm.
Riêng việc xuống hầm, lên hầm cũng đã vất vả, không kể phải làm ở đó suốt 12 tiếng đồng hồ. Buổi ăn trưa ở mỏ, buổi tối mới được về nhà.
Cạnh công trường của ông An-Thiện, tôi có một người bạn đẩy xe, đáng lẽ là một đứa trẻ như tôi, lại là một ông râu bạc; khi tôi nói râu bạc, xin quý độc giả hiểu cho rằng: bộ râu chỉ trắng trong ngày chủ nhật vì được tẩy rửa, còn từ thứ hai đến thứ bảy nó cứ xám dần thành sắc đen. Ông già năm nay hơn 60 tuổi. Ngày còn trẻ, ông làm nghề thợ mộc cho một sở mỏ, chuyên việc đóng gỗ chống hầm. Một hôm đất sụp, ba ngón tay ông bị kẹp nát, vì thế phải bỏ nghề. Công ty mỏ đó cho ông một khoản lương dưỡng cấp vì ông đã can đảm cứu ba người bạn mà bị què. Ông lĩnh tiền cấp dưỡng được ba năm thì Công ty đó bị vỡ nợ. Ông thành ra túng thiếu, phải xin vào làm chân đẩy goòng ở sở Thụy-Khê. Người ta quen gọi ông là “Giáo-sư”, tức là thầy học trường làng vì ông biết nhiều hơn các thợ mỏ, có khi hơn cả những thầy mỏ và nhất là vì ông thích nói và rất tự hào về kiến thức của ông.
Tôi được quen ông trong bữa ăn trưa. Ông cũng tỏ ý mến tôi. Tôi là một đứa trẻ hay hỏi, ông là một người hay nói. Chúng tôi rất tương đắc. Trong hầm người ta có tính ít nói, thấy chúng tôi nói nhiều người ta gọi chúng tôi là kẻ đa ngôn.
Những chuyện An-Sinh đã nói cho tôi nghe chưa thỏa mãn tính hiếu kỳ của tôi. Và những câu ông An-Thiện trả lời tôi cũng vẫn còn mờ nghĩa. Đại khái tôi hỏi ông:
- Than đá là gì?
Ông trả lời:
- Là một thứ than rắn như đá.
Ông Vỹ-Tiên ngày trước đã dạy tôi: phàm biết cái gì thì phải biết cho đến nơi đến chốn. Vì thế tôi lại đem câu hỏi trên hỏi Giáo-sư, thì Giáo-sư lại trả lời khác hẳn.
Giáo-sư nói:
- Than đá chỉ là một thứ than củi. Than củi là do những cây người ta đốn về, đắp lò và hầm âm ỉ cho thành than. Than đá cũng là cây, nhưng những cây ở rừng thuở xưa sập xuống và do sức tạo hóa biến ra than, ta muốn nói những rừng cháy, những núi lửa, những động đất thiên nhiên.
Thấy tôi nhìn ông bằng đôi mắt ngạc nhiên, ông nói:
- Bây giờ ta không có thì giờ nói dài vì còn phải đẩy xe. Đến mai, chủ nhật, con đến nhà ta, ta sẽ cắt nghĩa kỹ cho con nghe. Ta có đủ những mảnh than và mảnh đá, nó giúp con hiểu kỹ bằng mắt những điều con nghe thấy bằng tai. Họ trêu và gọi ta là “Giáo-sư” nhưng con sẽ biết Giáo-sư cũng có ích phần nào. Cuộc sống của con người ta không hoàn toàn chỉ ở trong tay người ta mà còn ở trong đầu óc nữa. Khi ta còn nhỏ, ta cũng có tính tò mò như con. Ta sống trong mỏ, ta muốn hiểu tất cả những sự vật ta trông thấy hàng ngày. Ta hỏi các kỹ sư và ta đọc sách. Sau ngày bị nạn ta phải nghỉ việc, ta dùng thì giờ để học. Khi người ta có mắt để nhìn, khi người ta có kính để đeo trên mắt để xem sách mãi mãi rồi người ta cũng phải biết. Bây giờ ta không có thì giờ đọc sách, không có tiền mua sách, nhưng ta vẫn còn có mắt, vẫn chú ý học hỏi.
- Ngày mai, con sẽ đến chơi, ta rất sung sướng dạy con biết quan sát chung quanh con. Người ta không biết rằng một lời nói rơi vào cái tai lương hảo có thể bắt rễ nẩy mầm. Chính vì ta được dẫn đường cho nhà Đại bác học Bồng-Nha (Brongniart) trong mỏ than Bét-Xe (Bességes) và được nghe ông giảng giải nhiều điều hay, cho nên bây giờ ta biết nhiều hơn các bạn đồng nghiệp của ta đôi chút. Thôi! Để đến mai, con ạ.
Hôm sau, tôi xin phép ông An-Thiện để tới thăm Giáo-sư.
Ông An-Thiện cười và bảo tôi:
- A! Con đã tìm được người để nói chuyện. Con cứ đi vì lòng con muốn. Con có thể biết được nhiều cái hay lắm đấy. Nhưng có điều con nên nhớ là nếu nhờ Giáo-sư, con biết thêm chút gì, con đừng vì thế mà kiêu hãnh. Chính Giáo-sư, nếu Giáo-sư không mắc tật đó, thì đã là một người hoàn toàn.
Giáo-sư không ở trong thành phố như phần đông những người thợ khác. Ông ở một xóm nghèo ngoài thành phố. Nơi này, sườn núi có nhiều hang hốc. Người ta cho ông thuê lại một căn lều, trong đó ông kê một chiếc giường vào chỗ cao ráo hơn hết. Nói là cao ráo, nhưng cao ráo tương đối trong căn lều thôi, vì dưới bốn chân giường đều có nấm mọc. Tuy nhiên, đối với một người thợ mỏ quen dẫm chân dưới bùn, dưới nước, quen chịu những giọt nước lạnh rỏ trên lưng, điều đó không lấy gì làm quản ngại. Sở dĩ ông thích ở khu này là vì gần hang núi, tiện việc sưu tầm của ông và tha hồ trữ những mảnh than, mảnh đá còn mang những dấu tích và những vật hóa thạch.
Rồi tôi đến nhà Giáo-sư. Ông vui vẻ chạy ra đón và nói:
- Ta đã bảo dầm ít hạt dẻ để thết con, vì nếu thanh niên, có tai, có mắt, thanh niên cũng còn có dạ dầy nữa chứ! Cái phương tiện hay nhất để tỏ tình thân ái không gì hơn là làm thỏa mãn được ba điều đó một lúc.
Hạt dẻ dầm nghĩa là hạt dẻ rang lên rồi ngâm vào rượu vang trắng để ăn, đó là một món ăn rất thú vị của người dân miền Xê-Viên.
Giáo-sư nói tiếp:
- Sau tiệc hạt dẻ, chúng ta sẽ nói chuyện và ta cho con xem những bộ sưu tập của ta.
Ông nhấn mạnh hai tiếng “sưu tập” bằng một giọng tự mãn, giọng nói đó đã chứng minh lời diễu cợt của bạn bè. Bộ sưu tập của ông thật súc tích, bày la liệt khắp nhà: những vật nhỏ thì xếp trên giá, trên bàn; vật lớn thì xếp dưới đất. Đã hai mươi năm nay, ông góp nhặt tất cả những thứ lạ ông tìm thấy trong khi làm việc. Những mỏ miền này có rất nhiều thảo vật hóa đá, cho nên những mẫu Giáo-sư kiếm được rất quý đối với các nhà địa chất học và thiên nhiên học.
Vì tôi muốn chóng được hỏi và được nghe, nên tiệc ăn hạt dẻ chấm dứt rất nhanh.
Ông nói:
- Vì con muốn biết thế nào là than đá, ta cắt nghĩa qua cho con nghe. Ta nói một vài điều sơ lược để con có đủ ý thức xem những vật liệu sưu tập của ta, nó sẽ giúp con hiểu hơn về ta. Vì tuy người ta có gọi ta là Giáo-sư thực, nhưng ta nào phải là nhà bác vật, cái gì cũng biết.
- Trái đất mà chúng ta đang ở bây giờ không phải là từ xưa đến nay vẫn thế. Nó đã chịu bao sự biến thiên mà người ta gọi là sự chu chuyển của địa cầu. Đã có thời, nước ta mọc đầy những thứ thảo mộc mà bây giờ chỉ xứ nóng mới có. Thế rồi một trận biến thiên xảy đến, lớp thảo mộc đó bị thay thế bằng một lớp khác, rồi lớp khác lại phải nhường chỗ cho một lớp khác nữa. Hết lớp này đến lớp khác, cứ luân lưu như thế trong khoảng hàng nghìn, hàng vạn, triệu năm không biết chừng. Những lớp cây đó chồng chất lại, đè ép lên nhau, biến đổi dần mà thành những lớp than. Nếu con không tin, lát nữa ta cho con xem những mảnh than và rất nhiều mảnh đá ngầm ở dưới hầm. Những miếng than, hoặc đá đó còn giữ nguyên những di tích cành lá như người ta ép những bông hoa trong tập bách-thảo vậy.
- Như trên đã nói, than đá phát sinh ra bởi sự chồng chất của cây cỏ ở dưới đất: nó chỉ là gỗ biến nát và bị lèn nén lại. Chắc con muốn hỏi: sự chồng chất của cây cối đó xảy ra như thế nào? Điều này thực khó trả lời. Thiết tưởng cả đến những nhà bác học cũng không sao cắt nghĩa dứt khoát được vì các vị đó cũng bất đồng ý kiến về sự phát sinh của than đá. Có những vị cho rằng: tất cả những cây cối đó bị nước cuốn đi thành những bè lớn chảy ra biển rồi bị hải lưu làm cho lắng xuống đáy sâu. Những vị khác lại nói rằng: những lớp than đá sinh ra bởi sự sụt đọng âm thầm của cây cối, hết lớp này đến lớp khác lần lượt bị chôn vùi ngay chỗ chúng mọc. Về điểm này các nhà bác học đó đã làm các con tính khiến ta phải chóng mặt. Các vị đó tính rằng mỗi mẫu tây rừng rú nếu chặt hết và đặt nằm trên đất, chất gỗ tản ra cho đều thì chiều dầy chỉ đo được 8 ly. Lớp mỏng đó nếu biến ra than thì chỉ còn có 2 ly. Nay có những lớp than đá nằm ở dưới đất dày 20 đến 30 mét, vậy phải mất bao nhiêu thì giờ để cho những lớp đó biến thành than? Con phải biết một cánh rừng không thể mọc lên trong một ngày được. Ít nhất trong 100 năm mới thành. Như vậy muốn có một lớp than dày 10 mét, phải có 5.000 cánh rừng mọc một chỗ, kế tiếp nhau sụt xuống đất và phải đợi trong thời gian là 500.000 năm. Đó là một con số làm cho ta kinh ngạc, phải không? Tuy vậy, con số đó cũng chưa hẳn là đúng, vì những cây cối đó không thể lớp này chết đi, lớp khác mọc ngay lên đều đặn như thế được. Muốn cho một lớp cây mới mọc lên chỗ lớp cây cũ, cần phải có một thời kỳ biến thái để cho lớp cây này thối nát hoặc đổi thể mới đủ nuôi lớp cây mới. Tất nhiên, con nhận thấy 500.000 năm cũng chưa đủ, còn phải nhiều năm nữa. Độ bao nhiêu? Ta cũng không ước đoán được, vì ta không phải là nhà chuyên môn để nghiên cứu vấn đề đó.
- Điều cốt yếu là ta muốn con có một ý thức về than đá, để có thể xem và hiểu những tài liệu của ta. Bây giờ ta chỉ dẫn con xem.
Cuộc triển lãm kéo dài đến tối, và mỗi miếng đá, mỗi dấu cây, Giáo-sư lại giảng thuyết một hồi dài. Nhờ đó mà tôi hiểu được tất cả những điều trước kia làm cho tôi thắc mắc.