Những ca khúc của Trịnh Công Sơn thành công trong những năm 1960, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới. Lúc đó Việt Nam đang có chiến tranh, nhiều nhà báo nước ngoài đến Việt Nam để theo dõi tin tức; họ cùng nghe nhạc Trịnh Công Sơn và giới thiệu bài hát của Trịnh Công Sơn cho độc giả của nước mình. Bên Mỹ cũng như bên Pháp, các nhà báo nói về Trịnh Công Sơn, giới thiệu bài hát với lời dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ở hai nước này có số Việt kiều đông nên đã phần nào giúp nhiều độc giả quan tâm đến Trịnh Công Sơn. Sự thành công của Trịnh Công Sơn, tôi có thể nói rằng, lớn nhất sau Việt Nam phải là Nhật Bản. Chỉ có ở Nhật Bản, bài hát của Trịnh Công Sơn mới được dịch ra tiếng Nhật, do ca sĩ Nhật hát bằng tiếng Nhật và được nghe trong cả nước qua Radio phát mỗi đêm khuya: đó là bài Ngủ đi con do ông Asai Takashi - một nhà báo của Mainichi Broadcasting Television – thu băng ở Sài Gòn mang về Nhật vào tháng 7/1968. Ngủ đi con được giới thiệu qua lời dịch và tiếng hát của ca sĩ Takaishi Tomoya, và bán ra bằng đĩa 45 tours vào tháng 2/1969, bài này tên tiếng Nhật là Boya Okiku Naranaide (Đừng có lớn lên, con ơi), gặt được thành công rất lớn ở Nhật Trịnh Công Sơn được nhận "Golden Disc Prix" (Giải Đĩa Vàng) năm 1969 tại Nhật. Vào năm 1970, nhân dịp Triển lãm Quốc Tế tại Osaka, nữ ca sĩ Khánh Ly qua Nhật và giới thiệu bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Bài này được giới thiệu lại trong phim truyền hình của Đài NHK "Sài Gòn Kara Kita Tsuma To Musume" (Vợ và con gái tôi từ Sài Gòn đến) năm 1979, rất thành công qua tiếng hát Khánh Ly. Phần đầu là tiếng Nhật, phần cuối bằng tiếng Việt. Hiện nay ở Nhật, nhiều người tuổi trên 50 không liên quan gì trực tiếp với Việt Nam, vẫn nhớ hai bài nói trên của Trịnh Công Sơn, và trong giới nhà báo, học giả, những người vận động cho hòa bình ở Việt Nam hồi xưa, v.v... Trịnh Công Sơn cùng các bài hát cũng được họ biết đến rất nhiều. Tôi đã từng cố gắng nghiên cứu tại sao Trịnh Công Sơn lại thành công đặc biệt lớn đến vậy ở Nhật Bản, mặc dù số người gốc Việt Nam ở Nhật chỉ là thiểu số so với kiều dân khác. Về sự thành công của Trịnh Công Sơn vào năm 1969 thì có thể trả lời rằng, lúc đó, Nhật Bản có khả năng kinh tế lớn nhất trong khu vực châu á nên dễ dàng gửi nhiều nhà báo nhất đi Việt Nam. Còn trong nước lúc đó, phong trào vận động cho hòa bình, chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam rất mạnh nên những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được yêu thích. Trịnh Công Sơn đã có lần qua Nhật và biểu diễn tại Osaka vào năm 1995. Nghe nói, lúc ở Nhật, Trịnh Công Sơn thấy buồn, không thích ở lâu vì không có thân nhân hoặc bạn bè như ở Mỹ hoặc Pháp. Như vậy, sự yêu thích của người Nhật với Trịnh Công Sơn chỉ là một phía, như là tương tư. Vừa rồi, khi được tin Trịnh Công Sơn mất, tờ báo Nhật nào cũng đăng tin buồn đó, và Radio phát lại bài Diễm xưa theo yêu cầu của thính giả. Hy vọng, dù đã về trời, Trịnh Công Sơn vẫn thỉnh thoảng nhớ đến những người Nhật chưa nguôi còn tương tư mình. Sài Gòn 10/06/2001.