Tôi hay đi xem xi nê lắm Tôi bắt đầu xem nhiều khi còn ở Fresno, cái thuở bé xíu chạy ton ton bán dạo tờ The Evening Herald, và được các chú soát vé cho xem chùa, khỏi mất tiền, đến khi về San Francisco lại tiếp tục xem nhiều hơn. Phim ảnh đã giáo dục tôi một phần, chẳng phải chúng luôn hay ho gì lắm, nhưng vì chúng là những gì đang xảy ra, hàng triệu con người đang sống trong đó giữa những đấu trường đầy thực tại và cả phi thực tại. Một hôm, tôi xem thấy một cảnh hỗn loạn trong phim thời sự, nó khiến tôi phải viết truyện này. Cái gã trong cảnh hỗn loạn đó rõ ràng là một tài tử xi nê, chứ không phải là một người thợ đình công. Có điều là tài năng của gã không được khám phá ra thôi, không bao giờ, nhưng hắn vẫn là một tài tử dưới mắt tôi và, trong truyện này. Cô Garbo thân mến, Rất hy vọng là cô sẽ để ý thấy tôi trong cuốn phim thời sự về bạo động ở Detroit mới đây, trong đó tôi bị đánh vỡ đầu. Tôi chẳng bao giờ làm cho hãng Ford, nhưng một tên bạn nói với tôi về cuộc đình công, và cũng vì hôm đó chẳng có việc gì để làm nên tôi đi với hắn đến nơi xảy ra bạo động. chúng tôi tụ thành những nhóm nhỏ, nói năng tầm phào các thứ, nhiều chuyện cũng quá khích dữ lắm, nhưng tôi cũng chẳng hơi đâu mà để ý đến. Cứ nghĩ là chắc chẳng có gì xảy ra, nhưng khi thấy các xe quay phim thời sự chạy đến, thì trong đầu tôi loé lên một ý nghĩ, chà, đây là dịp cho mình xuất hiện trên màn ảnh như vẫn thường mong muốn, nên tôi đeo dính quanh đó để đợi dịp. Tôi vẫn cho rằng mình có bộ vó đóng phim tạm được, và lên màn ảnh coi không đến nỗi nào, và tôi rất hài lòng với lối diễn xuất của mình, cho dù cái tai nạn nhỏ đó đã khiến tôi nằm nhà thương hết một tuần. Tuy thế, khi ra khỏi nhà thương tôi phóng ngay đến một rạp chiếu bóng nhỏ gần nhà, để coi xem mình hiện lên trên màn ảnh như thế nào. Tôi thấy họ đang cho chiếu đoạn phim thời sự có tôi tham dự. Trông cũng hùng vĩ quá đi chứ, và nếu cô để ý một chút, cô không thể nào không thấy tôi, tôi là người thanh niên mặc bộ đồ len sọc xanh, mũ rơi ngay khi bắt đầu hỗn loạn. Cô nhớ chứ? Tôi cố ý quay lại đến ba bốn lần để người ta quay ngay mặt tôi, và tôi chắc cô thấy tôi cười. Tôi muốn nhìn xem nụ cười của mình trên phim ra sao, nói là nói thế thôi, chứ tôi cho là tôi cười hấp dẫn lắm. Tôi tên là Felix Otria, người Ý, tốt nghiệp trung học và nói tiếng Mỹ không thua gì người bản xứ, trôi chảy như tiếng mẹ đẻ. Tôi hơi giống Rudolph Valentino và cả Ronald Colman, quả là tôi muốn gnhe rằng chính Cecil B. De Mille hay một ông bự nào đó chú ý đến tôi, và thấy rằng tôi đóng phim cũng đáo để lắm chứ. Các khúc đoạn bạo động mà tôi bị lỡ mất, ấy bởi họ đánh hăng quá và tôi văng ra ngoài, thôi thì âu đó cũng là những việc thường. Nhưng tôi xem phim thời sự này đến mười một lần trong vòng ba ngày, và tôi dám đoan chắc rằng không một người nào khác, cả thường dân lẫn cảnh sát, có thể nổi bật giữa đám đông như tôi, tôi chẳng hiểu cô có sẵn lòng đem vấn đề này tiến cử tôi với hãng cô làm không, và biết đâu họ chẳng cho mời tôi đến đóng thử. Tôi biết tôi sẽ đóng ngon lành lắm, và cô Grabo ạ, tôi xin đội ơn cô cho đến chết mới thôi. Tôi có giọng nói mạnh, có thể đóng vai một người tình khả ái, nên tôi hy vọng cô ban cho một ân huệ nhỏ. Biết đâu, một ngày nào đó rất gần, tôi sẽ đóng vai người hùng trong một phim cùng với cô. Nay kính, Felix Otria