NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 26 (Ru-tơ 3:10-11)

Càng ngày càng tăng dần, khi tiếp tục học sách Ru-tơ chúng ta khám phá đây thật là một ẩn dụ lịch sử tuyệt vời. Trong những bài học đầu chúng ta đã thấy Chúa Giê-xu chỉ nói bằng những thí dụ, "Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ" (Mác 4:34). Thí dụ là những câu chuyện thuộc về đất mang ý nghĩa thuộc về trời. Trong sách Ru-tơ chúng ta có một câu chuyện thật đã xảy ra trong lịch sử tại thành Bết-lê-hem cách nay hơn 3.000 năm. Câu chuyện nầy được chép lại để chúng ta có một cái nhìn sâu hơn vào tính chất lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, theo đó là gia phổ của Chúa Giê-xu và nhiều việc khác nữa. Nhưng cũng khám phá ra một cách rất đẹp là qua câu chuyện lịch sử nầy Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu sắc tuyệt vời, bày tỏ cho chúng ta biết tính chất tự nhiên của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta.
Bây giờ chúng ta đến chương 3 câu 9, Ru-tơ đã bị Bô-ô phác giác ra khi nàng đang nằm dưới chân của ông, "Bô-ô hỏi: Ngươi là ai? Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi"°. Chữ "bà con" như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần trong bài học nầy là một chữ cùng nghĩa với chữ "người cứu chuộc". Khi nghe chữ nầy được dùng ở đây, ngay tức thì chúng ta thấy Bô-ô được dùng làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu bởi vì Ngài là Ðấng Cứu Chuộc. Hãy ôn lại tại sao Bô-ô là người bà con quan trọng đối với Ru-tơ.
Ru-tơ là đàn bà góa, nàng đã thành hôn với Mạc-lôn, con trai của Ê-li-mê-léc, nhưng Mạc-lôn và Chi-li-ôn qua đời không người nào có con. Cho nên dòng dõi của Ê-li-mê-léc sẽ bị cắt đứt, không có người thừa hưởng cơ nghiệp trong dòng dõi của ông. Chỉ có cách duy nhất để duy trì dòng dõi nầy là hai người đàn bà góa phải lập gia đình với người bà con gần để đứa con đầu lòng của người bà con đó được sanh ra cho người anh em đã chết. Chúng ta đọc trong Phục-truyền luật-lệ-ký 25:5,6 "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên". Ðó là luật pháp mà Ðức Chúa Trời đã đặt ra.
Vì Ru-tơ là vợ của Mạc-lôn, ngay cả nàng người bị rủa sả, người Mô-áp, đáng lý nàng không được lập gia đình với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng thực tế nàng đã lập gia đình với một người Y-sơ-ra-ên nên nàng có quyền khiếu nại về việc nầy. Cách duy nhất để dòng dõi của Mạc-lôn được lưu truyền mãi thì một người bà con phải cưới Ru-tơ, đó là tại sao Ru-tơ dám đến cùng Bô-ô để xin ông cưới nàng. Hiển nhiên, Bô-ô chưa lập gia đình, rất có thể ông đã già, là anh hay em của Ê-li-mê-léc. Ông đã đối xử tử tế với Ru-tơ, và ông là cách duy nhất để nàng có thể tìm được giải pháp cho nan đề của nàng trong việc lưu truyền dòng giống cho Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Ðây là lý do chúng ta đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta, cách duy nhất để chúng ta có được sự sống, cách duy nhất để chúng ta có được sản nghiệp, cách duy nhất để tên của chúng ta không bị tuyệt mất. Kinh Thánh dùng ngôn ngữ khi nói về những người không được cứu, "không ai còn nhớ đến họ nữa". Ði vào điạ ngục và ở trong đó đời đời có nghĩa là không có phần gì trong sự thừa hưởng sản nghiệp.
Con người được dựng nên để sống trên đất nầy, để sống trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời, đây là trường hợp của A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen. Nhưng vì cớ tội lỗi, con người trở nên xa lạ với Ðức Chúa Trời, bị truất khỏi và sẽ phải ở trong địa ngục đời đời. Sản nghiệp của con người đã bị cất mất, không còn tương lai gì cho con người. Cách duy nhất để con người có thể tìm lại được sản nghiệp là phải đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu, phải đến với Ngài một cách khiêm nhường và kêu xin sự thương xót của Ngài. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể đứng được với Ðức Chúa Trời, chỉ lúc đó chúng ta mới được trở nên con cái của Ngài và thừa hưởng tất cả những gì Ngài đã hoạch định cho con người. Ðó là điều được ám chỉ ở đây khi nàng nói: "vì ông là người bà con gần của tôi".
Chúng ta đã thấy đây là một kế hoạch rất nguy hiểm, Bô-ô có thể có phản ứng ngược lại. "Sao nàng dám đến để gạ gẫm ta cách nầy? Sao nàng dám đưa một đề nghị kỳ quặc như vậy? Vâng, có thể ta là bà con gần với nàng, nhưng nàng là người đàn bà bị rủa sả, nàng nên đi tìm câu trả lời một nơi nào khác". Nhưng, hãy chú ý sự đáp lại một cách nhân từ của Bô-ô trong câu 10, "Người nói: Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Bạn thấy không? Bô-ô yêu Ru-tơ, Bô-ô động lòng và sẽ bày tỏ lòng thương xót trên Ru-tơ. Bô-ô là hình bóng của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi chúng ta đến với Ngài với tất cả tội lỗi của chúng ta, với tất cả sự đau khổ của con người, với tất cả bản tánh chống nghịch.
Khi chúng ta nhìn lại tất cả những tội lỗi xấu xa mà chúng ta đã làm trong đời sống của chúng ta và trình dâng lên Ðức Chúa Trời: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì tôi là kẻ có tội", Ðức Chúa Trời không nói rằng,"Hãy xem lại, ngươi là một kẻ dơ dáy, bẩn thỉu, thối nát, tội lỗi, đừng đến với sự hiện diện thánh khiết của ta, ta không có gì liên hệ đến ngươi, sao ngươi dám đến để đòi hỏi điều gì đó nơi ta?" Không! không! đó không phải là cách mà Ðức Chúa Trời phản ứng lại khi chúng ta đến với Ngài trong tấm lòng tan vỡ, trong sự đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Ðức Chúa Trời phán rằng: Hỡi con, phước cho những kẻ nghèo khó về thuộc linh, phước cho kẻ than khóc, than khóc vì tội lỗi của họ.
Ở đây, Bô-ô nói: "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Hỡi con gái ta! Hỡi con gái ta! Bạn có thấy sự quan trọng trong ngôn ngữ đó không? Bô-ô được nhận diện giống như Ru-tơ, ông đã không nói: Ngươi là đàn bà bị rủa sả, khách lạ, dòng dõi của ngươi không thể vào trong đền thờ đến 10 đời. Nhưng ông nói: "Hỡi con gái ta", ta với con có sự gắn bó chặt chẽ, ta nhận con là một người trong gia đình của ta. Ðó là điều xảy ra khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài nói: Hỡi con trai, con gái ta. Khi được sanh lại, chúng ta trở nên con cái của Ðức Chúa Trời, được nhận làm con nuôi trong gia đình của Ðức Chúa Trời, trở nên kẻ kế tự với Chúa Giê-xu. Ðức Chúa Trời gọi Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu: "Nầy là con yêu dấu của Ta" và Ngài cũng đến với chúng ta là những kẻ nghèo, đau khổ, tội nhân lạc mất trong địa vị mà gọi rằng: Hỡi con trai, con gái ta. Ôi! lạ lùng làm sao tình thương chiếu cố của Ðức Chúa Trời, thật ngọt ngào và nhân từ! "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Ðây là phản ứng mà chúng ta nhận được khi chúng ta đến tại chân thập tự giá.
Tôi có dịp nói chuyện với nhiều người và trong câu nói của họ ám chỉ rằng: "Tôi phạm tội, tôi đã làm những chuyện thật khủng khiếp, làm sao mà Ngài có thể chiếu cố đến để đáp lại với tôi một cách nhân từ, làm sao Ngài có thể tha thứ tội lỗi của tôi được". Không ai xa lạ đối với Ðức Chúa Trời hơn là Ru-tơ xa lạ với Bô-ô, bởi vì nàng là đàn bà bị rủa sả, người Mô-áp. Nàng là người mà dân Y-sơ-ra-ên không bao giờ được lập gia đình với dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Bây giờ Bô-ô nói với Ru-tơ "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Ðó là cách mà Chúa Giê-xu đến với chúng ta. Khi chúng ta đến với Ngài với lòng đau thương thống hối, Ðức Chúa Trời hứa trong Thi Thiên 51:17, "Ðức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu". Nếu bạn đến với Chúa bằng tấm lòng tan vỡ, nếu bạn kêu xin sự thương xót của Ngài, Ngài sẽ trút sự nhân từ của Ngài xuống trên bạn.
Chúng ta tiếp tục trong câu 10, "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu". Trước hết hãy xem xét về sự kiện lịch sử, Bô-ô có ý gì khi nói câu nầy? Chữ nhơn từ trong tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là thương xót. Khi Ru-tơ lập gia đình với Mạc-lôn, nàng đã tỏ lòng thương xót đối với Mạc-lôn qua sự tự nguyện làm vợ và giao thác đời nàng cho Mạc-lôn. Khi Mạc-lôn chết nàng đã tự nguyện theo Na-ô-mi, bỏ xứ Mô-áp để đi đến Bết-lê-hem là quê hương của Mạc-lôn và Na-ô-mi.
Ru-tơ có thể lập luận, tôi không thiếu nợ gì với Mạc-lôn cả, anh ta cưới tôi như là một người vợ trong tội lỗi, bây giờ anh đã chết thì tôi có thể lập gia đình với bất cứ ai mà tôi muốn. Có nhiều người trai trẻ trong vòng những con gặt, một số cũng rất đẹp trai, một vài trong bọn họ cũng bày tỏ sự quan tâm đến tôi, tôi nên theo đuổi một người trong bọn họ. Không, Ru-tơ vẫn luôn quan tâm đến mối liên hệ với Mạc-lôn, Mạc-lôn chết không con nối dõi. Cách duy nhất mà Ru-tơ có thể bày tỏ lòng thương xót trên Mạc-lôn đó là nàng phải chắc rằng nàng sẽ lập gia đình với một người bà con gần. Một người nào đó, dưới cái nhìn hợp pháp của Ðức Chúa Trời có thể cung cấp một đứa con để dòng dõi của Ê-li-mê-léc được tiếp tục.
Chúng ta đoán rằng Bô-ô có lẽ đã già khi ông nói nhiều lần: "Hỡi con gái ta". Có ai muốn lập gia đình với một người lớn mình ba, bốn mươi tuổi không? Có thể có những lý do khác khiến Ru-tơ không muốn lập gia đình với Bô-ô. Nhưng bởi vì tình thương của nàng dành cho Mạc-lôn, Ê-li-mê-léc, Na-ô-mi, nàng biết rằng nếu có thể được, nàng phải lập gia đình với Bô-ô là người bà con gần. Vì vậy Bô-ô nói: "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy lại còn trọng hơn lần trước" nghĩa là, con vẫn còn quan tâm đến những người đã chết, những người mà con có mối liên hệ qua việc lập gia đình với Mạc-lôn, "vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu", con không chú ý đến những người trai trẻ để tìm giải đáp của sự ích kỷ riêng, con chỉ nghĩ đến những người mà con có mối liên hệ với, vì vậy cầu xin Chúa ban phước cho con. Cũng giống vậy, Chúa Giê-xu tuyên bố: "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót". Bạn có thấy sự giống nhau trong câu nầy? Ru-tơ được Bô-ô khen ngợi ở đây là có lòng rất thương xót vì vậy nàng cũng sẽ nhận được sự thương xót. Ðây là điều sẽ xảy ra khi Ðức Chúa Trời kéo chúng ta, chúng ta sẽ có lòng thương xót đến những người xung quanh chúng ta. Chúng ta quan tâm đến sự phúc lợi của họ, chúng ta động lòng trắc ẩn đối với họ. Khi chúng ta là con cái của Chúa, cảm giác thương xót người khác, ý thức giúp đỡ người khác được phát triển ra trong đời sống của chúng ta, bởi vì chúng ta vui hưởng sự thương xót của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Sự thương xót nầy được nhìn thấy rõ ràng khi chúng ta dâng đời sống của mình trong công việc hầu việc Ngài, sẵn sàng đem dâng tất cả nơi bàn thờ của Ngài để Tin Lành có thể được rao giảng ra khắp thế gian. Bởi vì quyền lợi lớn nhất mà chúng ta có thể đem đến cho những người trên thế gian là để họ cũng trở nên con cái của Ðức Chúa Trời, để họ cũng được sanh lại, để họ cũng có được sự sống đời đời. Vì vậy, khi chúng ta chia xẻ tài sản, tiền bạc, sức lực, đời sống của chúng ta, lúc đó chúng ta bày tỏ sự thương xót đối với những người thế gian. Chúng ta bước theo dấu chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng bày tỏ lòng thương xót đối với chúng ta. Ðó là hình ảnh mà chúng ta có ở đây, một khía cạnh khác trong tính chất căn bản của sự cứu rỗi, "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!" (Ma-thi-ơ 5:7).
Ru-tơ thật sự bắt đầu kinh nghiệm được sự thương xót của Bô-ô khi ông tuyên bố rằng nếu có thể được, ông sẽ cưới nàng. Rồi ông nói trong câu 11: "Vậy bây giờ, hỡi con gái ta". "Hỡi con gái ta!" Ô! tôi thích nghe câu nầy quá. Câu nầy nhắc cho tôi nhớ rằng tôi là con cái của Ðức Chúa Trời. Ngài đã làm cho tôi trở nên con cái của Ngài, tôi không xứng đáng gì cả, nhưng Ngài nhìn tôi và gọi rằng: Hỡi con trai ta. Ngài có nhìn bạn và gọi bạn rằng: Hỡi con trai ta, hỡi con gái ta không? Nếu bạn là con cái của Ðức Chúa Trời, nếu bạn được sanh lại, nếu bạn đến với ngôi ân điển một cách khiêm nhường thì trường hợp nầy cũng đúng với bạn.
"Vậy bây giờ, hỡi con gái ta chớ sợ chi". Trước khi được cứu chúng ta sợ nhiều điều: sợ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta, sợ Sa-tan vì nó cai trị trên chúng ta, sợ hậu quả của tội lỗi. Sự sợ hãi ở khắp mọi nơi, nhưng khi chúng ta ở dưới sự gìn giữ, chăm sóc của Chúa Giê-xu, khi Ðức Chúa Trời giang cánh Ngài trên chúng ta, khi Ngài che đậy tội lỗi của chúng ta bằng sự công bình của Ngài thì chúng ta không còn sợ hãi nữa. Chúng ta không còn sợ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, không sự Sa-tan vì nó là kẻ thù đã bị đánh bại. Chúng ta không sợ sự sống, không sợ sự chết vì chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời không bao giờ lìa, không bao giờ bỏ chúng ta. Thi Thiên 23:4, "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi". Ðây là điều xảy ra khi chúng ta được cứu, không còn gì để cho chúng ta sợ nữa.