Muốn vào Trường trung học Hàn Thuyên là phải giàu có và có tài. Nhà tôi không giàu nhưng rõ ràng là tôi có tài: tôi đã thừa điểm trúng tuyển!... Thầy tôi, chú Xếp và u tôi bàn chuyện đến khi trăng xế sau vườn. Tôi nằm trong nhà, không ngủ, hồi hộp. Chú Xếp: - Tôi còn bộ cưa, đục, tràng; bán đi lấy tiền cho nó học. U tôi: - Tôi cứ nghe bác Ký nói là đúng: học đến thế thôi. Nó giỏi nhất cái tổng này rồi. Thôi bây giờ cho nó đi học nghề. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Chữ mấy nghĩa mà làm gì. Mài chữ ra mà ăn à! Tiền đâu, mà trọ học xa những bốn năm! Thầy tôi: - Cả nhà phải dồn cho một đứa học được. Hằng tháng u mày với thằng Thả gánh gạo lên cho nó. Tôi mang cả cần câu, cả bộ đồ cắt tóc theo nó, nuôi nó. Cả họ cho một đứa học. Thật giỏi, thật cao... Trường sơ tán về Cầu Rô - Bắc Lý. Quê xa mù mịt. Làm cách nào u đã gánh được gạo lên? Một gói tép khô, một lọ muối với mấy chục đồng. U dặn: "Ăn dè con nhá". Nhà trọ nghèo, tốt bụng: ông Miên, chị Gái, thằng Bẹt, thằng Mẩu... Ông cụ ăn rồi chỉ đọc sách nho. Cụ bảo tôi là hàn sĩ bần sĩ... Tôi cứ thui thủi đi, về nấu cơm, bò ra giường học bài... Giặc Pháp chiếm lại thị xã Bắc Ninh. Trường đi xa hơn: Chỉ Long, Ngô Xá. Tôi trọ ở một nhà nghèo quá: ông Chịu, có cô Đựng. U vẫn gánh gạo lên được. U nói: "Đêm phải vượt qua chỗ địch đóng. Nó biết, nó bắn. Khối người bị chết giữa đường" - Nhìn u, tôi rưng rưng. Hạt gạo nhòe ra. May, nó chưa nhuốm máu. Tây đóng đồn lù lù ở núi Voi, núi Mỏ Thổ. Thầy trò chạy dài đến tận Hoàng Vân. Đứng ở đây không còn nhìn thấy núi quê như trước nữa. Toàn rừng! Bác Long, đầu trọc tếch, da màu chì, vết ghẻ đầy người. Bác nói bao nhiêu chuyện ở nhà tù Côn Lôn. Bác vừa ra tù. Thằng Long, con bác mới mười tuổi cũng ghẻ lây. Bác sống bằng nghề đan rổ rá. Bác gái làm vườn. Tôi ở nhà bác. Thầy xuất hiện đột ngột (từ rừng vào). Thầy hốc hác. Trước kia vất vả một, bây giờ vất vả mười cộng với sự đau lòng không biết bao giờ nguôi: Qua các cuộc càn quét, u đã bị giết. Qua các cuộc chống càn, anh Thả hy sinh.Bây giờ hằng tháng thầy chạy tiền để nuôi tôi ăn học. Thầy đưa tiền ít dần, ít dần. Đêm ấy tôi vừa khóc vừa nói với thầy: - Con xin nghỉ học đi kiếm ăn, nuôi em cùng thầy. Lâu lắm tôi mới được ngủ với thầy. Phảng phất mùi mồ hôi thương nhớ, mùi khói thuốc lào quen thuộc. Thầy nói: - Thầy bảo cứ học là cứ học! Nghiến răng mà học. Thầy còn lo được. Học mãi! Học để lớn lên mà dùng chữ. Có cuộc tòng quân. Bạn bè đi vãn cả trường: Bạn Đài đi rồi. Bạn Chính đi rồi… Tôi trằn trọc đến quá nửa đêm. Gió ào ào. Mưa rừng, rét thấu da. - Rồi một đêm khác, có tiếng gọi ngoài cổng vườn (thông ra rừng). Bước chân vào, thầy vừa rét run, vừa nói: - Con đun cho thầy nồi nước sôi, pha muối vào: Đến đoạn Chọi, Đại Lâm, toàn xác chết, không hiểu xác Tây hay ta, thối rữa, thầy giẫm bầy nhầy, thối khẳn lên. Phải rửa nhanh. Sáng hôm sau tôi xin nghỉ một buổi học để tiếp thầy. - Thầy cho con tòng quân! Con nghĩ mãi rồi. - Con đủ tuổi đâu mà đi! - Con mười lăm tuổi rưỡi, trông lại lớn. Con xin được. Khối đứa bé hơn con... con còn bé bỏng gì nữa đâu? Mọi lần thầy chối từ ngay. Lần này thầy gật gù, nhưng buồn lắm, không nói gì...