hi 103 trèo lên phía trên cặp đùi thì năm Ngón Tay dài đã tiến lại gần, đặt xuống và chặn đường nó trước khi nó kịp tới bẹn. Chuyến thăm viếng kết thúc. 103 rất sợ bị nghiền nát. Nhưng không, các Ngón Tay vẫn ở đó, ung dung như thể chờ gặp con kiến. Rõ ràng lũ kiến Giou-li-kan có lý, các Ngón Tay này không phải kẻ xấu. Nó vẫn còn sống. Nó đứng lên trên chân sau và giơ bức thư lên phía trên. Laetitia chậm rãi đưa những móng tay dài của mình, với ngón cái và ngón trỏ được quét sơn, lại gần con kiến và dùng hai ngón đó như cái kẹp kẹp lấy tờ giấy gấp nhỏ. 103 ngần ngại rồi mở rộng hàm trên ra và buông cái gánh nặng cao quý. Đã có biết bao con kiến bỏ mạng vì khoảnh khắc thần kỳ này. Laetitia Wells đặt tờ giấy vào lòng bàn tay. Nó bằng một phần tư con tem nhưng có thể nhìn thấy rõ những chữ viết trên hai mặt giấy. Chữ viết nhỏ tới nỗi những thứ được viết trở nên gần như khó đọc, nhưng dù vậy vẫn có thể nhận ra được đó là chữ viết của con người. - Em nghĩ con kiến này mang thư cho chúng ta, Laetitia vừa nói vừa cố gắng đọc mảnh giấy bé xíu. Jacques Méliès chạy đi tìm chiếc kính lúp có đèn của mình. - Dùng cái này chắc là sẽ dễ đọc hơn đấy. Họ đặt con kiến vào một lọ thủy tinh nhỏ, mặc quần áo rồi nghiêng đầu xuống tờ giấy với cái kính lúp trong tay. - Anh thấy khá rõ, Méliès khẳng định, đưa cho anh một cái bút, anh sẽ ghi lại những từ anh nhìn được rồi mình sẽ cố hình dung ra những từ còn thiếu. 183. BÁCH KHOA TOÀN THƯ MỐI: Tôi từng có lần gặp những nhà bác học chuyên nghiên cứu về mối. Họ nói với tôi rằng lũ kiến của tôi thú vị thật đấy nhưng chúng còn chưa làm được một nửa những gì lũ mối của họ đã làm. Đúng vậy. Mối là loài côn trùng mang tính xã hội duy nhất, chắc chắn là những con vật duy nhất tạo ra được một “xã hội hoàn hảo”. Loài mối được tổ chức theo nền quân chủ tuyệt đối, nơi cá thể nào cũng hạnh phúc vì được phục vụ mối hậu của mình, nơi tất cả các cá thể đều hiểu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, nơi không một cá thể nào nuôi lấy một chút tham vọng hay những mối bận tâm ích kỷ. Chắc chắn là từ “đoàn kết” phát huy mạnh mẽ nhất ý nghĩa của nó trong xã hội loài mối. Có lẽ bởi mối là động vật đầu tiên dựng xây thành phố, chuyện vốn xảy ra cách nay đã hơn hai trăm triệu năm rồi. Thế nhưng, ngay trong sự thành công của mình, loài mối cũng phải chịu hình phạt nhất định. Bởi theo định nghĩa, những gì hoàn hảo sẽ không thể cải thiện được nữa. Thành phố mối không hề phải trải qua bất cứ quá trình xét lại nào, bất cứ cuộc cách mạng nào hay bất cứ bất đồng nội bộ nào. Đó là một tổ chức lành mạnh hoạt động tốt đến mức nó chỉ có mỗi việc là tận hưởng hạnh phúc của mình giữa những hành lang được xây công phu bằng thứ xi măng cực kỳ vững chãi. Ngược lại, loài kiến lại sống trong một hệ thống xã hội vô chính phủ hơn rất nhiều. Chúng tiến bộ bằng cách phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác trong mọi việc chúng làm. Chúng không bao giờ hài lòng với những gì mình có, chúng nếm náp mọi thứ ngay cả khi những thứ ấy có thể làm hại đời chúng. Tổ kiến không phải là một hệ thống ổn định mà là một xã hội thường xuyên dò dẫm tìm tòi, thử nghiệm mọi giải pháp, thậm chí là những giải pháp điên rồ nhất, để đôi khi phải trả giá bằng chính sự suy sụp của mình. Với tôi, đây là lý do tại sao tôi lại quan tâm đến kiến nhiều hơn là đến mối. Edmond Wells, Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II. 184. GIẢI MÃ Sau nhiều phút giải mã, cuối cùng Méliès cũng có được một bức thư dễ hiểu. “Cứu với. Chúng tôi có mười bảy người bị kẹt trong một tổ kiến. Con kiến mang cho bạn lá thư này phục vụ cho chúng tôi. Nó sẽ chỉ cho bạn đường đến cứu chúng tôi. Có một phiến đá hoa cương lớn ở phía trên chúng tôi, hãy đến đó với búa đục và cuốc xẻng. Hãy hành động thật nhanh. Jonathan Wells.” Laetitia nhảy dựng lên: - Jonathan! Jonathan Wells! Chính anh họ Jonathan của em đang kêu cứu! - Em biết anh ta à? - Em chưa bao giờ gặp anh ấy nhưng dù sao đó cũng vẫn là anh họ em. Em cứ ngỡ anh ấy chết rồi, biến mất trong căn hầm trên phố Sybarites... Anh có nhớ vụ căn hầm của bố em không? Anh ấy là một trong các nạn nhân! - Dường như anh ta vẫn còn sống, nhưng bị cầm tù cùng một nhóm người dưới một tổ kiến! Méliès xem xét tờ giấy nhỏ. Bức thông điệp ấy giống như một cái chai vứt xuống biển. Nó được soạn bởi một bàn tay run run. Con kiến này đã mất bao lâu để vận chuyển bức thư nhỉ? Theo như anh biết, lũ côn trùng này di chuyển rất chậm. Một câu hỏi khác khiến anh băn khoăn. Rõ ràng lá thư được viết trên một tờ giấy gấp có khổ bình thường, được giảm đi nhiều lần nhờ một máy photocopy. Vậy chẳng lẽ dưới đó họ được trang bị đầy đủ đến mức có cả máy photocopy và điện sao? - Em có tin là thật không? - Em không hình dung ra kịch bản nào khả dĩ hơn có thể lý giải được chuyện một con kiến khệ nệ mang theo một lá thư! - Kể cả vậy, nhưng đẩy con vật này đến đúng nhà em thì quả là tình cờ quá. Rừng Fontainebleau rất rộng lớn, thành phố Fontainebleau còn rộng lớn hơn gấp nghìn lần so với thế giới loài kiến thế mà con kiến đưa tin này lại tìm ra đúng nhà em, căn hộ nằm trên một tầng bốn nào đó... Em không thấy hơi quá đáng à? - Không, đôi khi có một số điều vẫn xảy ra với tỷ lệ may mắn là một trên một triệu, vậy mà chúng vẫn xảy ra. - Nhưng em có thể tưởng tượng được cảnh có những người bị kẹt dưới một tổ kiến, những người mà cuộc sống phụ thuộc vào lòng tốt của loài kiến không? Thật khó tin, một tổ kiến thì chỉ cần đá gót một cái là nó lật nhào! - Họ nhắc đến một phiến đá hoa cương phong tỏa họ. - Nhưng làm sao ta có thể sống chen chúc dưới một tổ kiến được cơ chứ? Chắc đó là một kẻ điên và đây là một trò đùa cợt! - Không. Đây là một bí ẩn, đây là câu đố về cái hang bí ẩn của bố em, cái hang đã nuốt gọn tất cả những ai dám liều đi xuống. Vấn đề lúc này là phải cứu những người bị kẹt. Chúng ta không nên chần chừ nữa và em thấy chỉ có một thứ giúp được chúng ta mà thôi. - Là gì? Cô chỉ vào cái lọ thủy tinh nơi 103 đang giãy giụa. - Là nó. Bức thư nói rằng nó có thể dẫn chúng ta đến chỗ anh họ em và các bạn đồng hành của anh ấy. Họ phóng thích con kiến khỏi nhà tù thủy tinh. Họ không có chất phóng xạ trong tay để đánh dấu nó. Nên Laetitia Wells phải quệt một giọt nhỏ sơn móng tay màu đỏ của mình lên trán con côn trùng để chắc chắn nhận ra được nó giữa những con kiến khác. - Đi nào anh bạn bé nhỏ, hãy chỉ đường cho chúng tôi! Nhưng không như mong đợi, con kiến không cử động nữa. - Em có nghĩ là nó chết rồi không? - Không, râu nó vẫn động đậy mà. - Thế tại sao nó không bước đi? Jacques Méliès dùng Ngón Tay đẩy nó. Không thấy phản ứng gì. Chỉ có những cử động râu càng lúc càng căng thẳng. - Có vẻ nó không muốn dẫn chúng ta đến đó, Laetitia Wells nhận xét. Em thấy chỉ còn cách duy nhất là... nói chuyện với nó. - Đúng vậy. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để xem cỗ máy “Đá Hoa thị” của Arthur Ramirez tốt bụng hoạt động thế nào. 185. MẢNH ĐÂT CẦN GÂY DỰNG Con 24 không biết bắt đầu mọi chuyện thế nào. Tạo ra một cộng đồng liên loài viễn tưởng, quả là đẹp thật. Thực hiện điều đó với sự giúp đỡ của một loài cây và sự bảo vệ của sông nước thì còn đẹp hơn nữa. Nhưng làm sao để tất cả các loài thông hiểu và hòa hợp với nhau? Lũ kiến hữu thần chỉ chăm chăm dành thời gian cho việc tái tạo tượng của chúng thành những hình nguyên khối và đòi được sở hữu một góc đất để chôn cất những đồng loại qua đời của mình. Lũ mối tìm được một mẩu gỗ khô lớn và ở lỳ luôn trong đó. Lũ ong xây một cái tổ nhỏ trên cành cây keo. Về phần mình, lũ kiến sửa sang một căn phòng thành vườn trồng nấm. Mọi thứ hoạt động bình thường; tại sao con 24 lại phải nhọc công mong mỏi lập lại trật tự mọi thứ chứ? Ai làm việc người nấy thích trong góc riêng của họ, miễn là việc ấy chẳng ảnh hưởng phiền hà đến ai. Buổi tối, các thành viên trong cộng đồng nhóm họp ở một phòng trên cây keo và kể cho nhau nghe những câu chuyện về thế giới của mình. Khoảnh khắc nhàm chán này, khoảnh khắc mà tại đó lũ côn trùng thuộc đủ loài khác nhau giương râu lên để lắng nghe những câu chuyện tỏa mùi của đám ong chiến binh hay đám mối kiến trúc sư, chính là sợi dây kết nối đầu tiên của cộng đồng. Cộng đồng Cornigera gắn bó với nhau thông qua một loạt những truyền thuyết và truyện kể. Những câu chuyện tỏa mùi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Tôn giáo của lũ kiến hữu thần chỉ là một trong số nhiều câu chuyện khác. Và không loài nào cho phép mình đánh giá thế là đúng hay sai, tiêu chí quan trọng nhất là tôn giáo ấy khiến chúng được mơ ước. Khái niệm chúa trời khiến chúng được mơ ước... Con 24 đề nghị tập hợp lại tất cả những truyền thuyết hay nhất về loài kiến, loài ong, loài mối hoặc loài bọ hung rồi để vào những cái thùng ủ giống những cái thùng trong Thư viện hóa học. Màn đêm xanh thẫm lọt qua khe cây keo, sáng bừng dưới ánh trăng tròn dát bạc. Tối nay, trời khá nóng, lũ côn trùng quyết định kể cho nhau nghe những câu chuyện về bãi biển. Một con phát ra pheromon: ... mối vua đang quay được hai vòng quanh phòng của mối hậu thì đột nhiên các nhóm đào cây thông báo có một con bọ đồng hồ tử thần làm rối loạn các xung năng yêu của mối hậu... Một con khác: ... chính lúc đó một con ong vò vẽ màu đen xuất hiện. Nó lao vào tôi, ngòi nó chĩa về phía trước. Tôi chỉ kịp... Tất cả đều rùng mình sợ hãi như con ong Askoleïn. Xung quanh, hương hoa thủy tiên bấc và tiếng nước ì oạp vỗ bờ khiến chúng cảm thấy thật thanh thản. 186. LỜI PHÁN XÉT CUỐI CÙNG Arthur Ramirez nồng nhiệt tiếp đón họ, ông đã khỏe hơn nhiều. Ông cảm ơn họ vì đã không tố cáo ông với cảnh sát. Bà Ramirez không ở đó, bà đang đi nhận tiền từ chương trình “Bẫy suy tưởng”. Cô phóng viên và anh cảnh sát giải thích với ông rằng vừa có một sự kiện mới xảy ra: thật khó mà tin được, một con kiến đã tới và mang cho họ một bức thông điệp viết tay. Họ cho ông xem lá thư và ngay lập tức Arthur Ramirez hiểu ra vấn đề. Ông dứt dứt chòm râu bạc trắng rồi chấp nhận khởi động cỗ máy “Đá Hoa thị”. Ông dẫn họ lên kho, bật nhiều máy tính cùng lúc, chiếu sáng các lọ nước hoa sản xuất pheromon và lắc lắc những cái ống trong suốt để chất trong đó không bị lắng thành cặn. Hết sức thận trọng, Laetitia đưa 103 ra khỏi cái lọ, Arthur đặt nó dưới một quả chuông thủy tinh. Từ quả chuông này có hai cái ống thò ra: một ống hút pheromon tỏa mùi từ con kiến, ống còn lại truyền cho nó các pheromon nhân tạo dịch các bức thông điệp của con người. Ramirez ngồi trước bàn điều khiển, điều chỉnh nhiều bánh xe, kiểm tra các thiết bị chiếu sáng và quay các thế điện kế. Mọi thứ đều đã sẵn sàng. Chỉ còn việc khởi động chương trình biến ngôn từ con người thành mùi hương loài kiến nữa thôi. Cuốn từ điển Pháp-kiến này hiểu được một trăm nghìn từ và một trăm nghìn sắc thái pheromon. Viên kỹ sư đứng trước micro và thận trọng nói: Phát: Xin chào. Ông ấn vào một cái nút và màn hình video biến từ đó thành công thức hóa học, công thức này ngay lập tức được truyền đến các lọ nước hoa được làm rỗng dần theo liều lượng chính xác của cuốn từ điển tin học. Mỗi từ lại có một mùi đặc trưng. Đám mây nhỏ chứa bức thông điệp được đẩy vào hệ thống đường ống nhờ một cái bơm khí và chảy vào cái chuông. Con kiến động đậy râu. Xin chào. Bức thông điệp đã được nhận. Một chiếc quạt gió lau mọi vết bám trên cái chuông để câu trả lời có thể được tiếp nhận một cách rõ ràng. Các cần cảm giác rung rung. Đám mây câu trả lời bay ngược lên cái ống trong suốt, đi đến tận chỗ phổ kế khối lượng và máy sắc ký đóng vai trò phân rã từng phân tử một để đạt được kết quả là mỗi giọt chất lỏng tương ứng với một từ. Một câu nói dần dần xuất hiện trên màn hình máy vi tính. Cùng lúc ấy là một máy tổng hợp giọng nói đọc câu đó lên. Tất cả mọi người đều nghe thấy câu trả lời của con kiến. Nhận: Các bạn là ai? Tôi không hiểu pheromon của các bạn lắm. Laetitia và Méliès ngất ngây thán phục. Thực sự là cỗ máy của Edmond Wells đang hoạt động! Phát: Cô đang ở bên trong một cỗ máy có thể được sử dụng để giao tiếp giữa người và kiến. Nhờ cỗ máy này, chúng tôi có thể trò chuyện với cô và hiểu cô mỗi khi cô phát một pheromon. Nhận: Người ư? Người là gì? Một loài Ngón Tay à? Rõ là kỳ lạ, con kiến chẳng bị ấn tượng gì trước cỗ máy của họ. Nó trả lời không chút kiểu cách, thậm chí còn có vẻ biết những người mà nó gọi là “Ngón Tay” này. Vậy là có thể thiết lập cuộc đối thoại được rồi. Arthur Rimbaud siết chặt micro. Phát: Phải, chúng tôi là phần nối dài của các Ngón Tay. Câu trả lời vang lên trên chiếc loa đặt phía trên máy vi tính. Nhận: Ở chỗ chúng tôi các bạn được gọi là Ngón Tay. Tôi thích gọi các bạn là Ngón Tay hơn. Phát: Tùy cô. Nhận: Các bạn là ai? Tôi nghĩ chắc các bạn không phải Tiến sĩ Livingstone... Cả ba người đều hết sức sửng sốt. Làm sao một con kiến lại có thể từng nghe nhắc đến Tiến sĩ Livingstone và câu nói trứ danh: “Tôi nghĩ chắc các bạn không phải Tiến sĩ Livingstone” được nhỉ? Thoạt tiên họ nghĩ đó là do lỗi điều chỉnh của máy phiên dịch hoặc một sự cố rối loạn máy từ điển Pháp-kiến. Không ai trong số họ có ý bật cười hay tưởng tượng ra mình đang được diện kiến một con kiến hài hước. Mà tất cả họ cùng tự hỏi vị Tiến sĩ Livingstone ấy là ai mà lại biết loài kiến. Phát: Không, chúng tôi không phải “Tiến sĩ Livingstone”. Chúng tôi là ba con người. Ba Ngón Tay. Tên chúng tôi là Arthur, Laetitia và Jacques. Nhận: Các bạn học cách nói tiếng Trái đất như thế nào? Laetitia thì thào: - Ý nó là: làm sao chúng ta lại nói được ngôn ngữ tỏa mùi của loài kiến. Rõ ràng chúng cứ tưởng chúng là những cư dân Trái đất điển hình đích thực... Phát: Đó là điều bí mật mà chúng tôi tình cờ có được. Còn cô, cô là ai? Nhận: 103 683, nhưng đồng đội thích gọi tôi một cách ngắn gọn là 103 hơn. Tôi là kiến vô tính thuộc đẳng cấp lính trinh sát. Tôi đến từ Bel-o-kan, đô thị lớn nhất thế giới. Phát: Làm sao cô lại mang được bức thông điệp này đến cho chúng tôi? Nhận: Các Ngón Tay sống dưới thành phố của chúng tôi nhờ chuyển kiện hàng này đến cho các bạn. Họ gọi đây là “nhiệm vụ Sao Thủy”. Vì tôi là con kiến duy nhất từng tiếp cận các Ngón Tay nên các chị em tôi nghĩ rằng tôi cũng là con kiến duy nhất có thể hoàn thành nhiệm vụ. 103 tránh nhắc đến chuyện nó cũng là con kiến dẫn đầu đoàn quân thập tự chinh chống lại tất cả các Ngón Tay trên Trái đất. Cả ba người, ai cũng có những câu hỏi riêng muốn đặt cho con kiến nói nhiều, nhưng Arthur Ramirez vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát cuộc trò chuyện. Phát: Trong lá thư cô đưa cho chúng tôi có viết là có những người, xin lỗi, những Ngón Tay, bị kẹt dưới đô thị của cô và cô là kiến duy nhất có thể dẫn chúng tôi đến chỗ họ để cứu họ. Nhận: Chính xác. Phát: Thế thì hãy chỉ đường cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đi theo cô. Nhận: Không. Phát: Không là thế nào? Nhận: Trước tiên tôi phải biết rõ các bạn đã. Nếu không làm sao mà biết được liệu tôi có thể tin tưởng ở các bạn không? Ba con người ngạc nhiên tới mức không biết phải trả lời thế nào. Dĩ nhiên, họ rất mến, thậm chí là yêu quý con kiến, nhưng dù sao nghe một trong số những con vật ấy thẳng thắn nói “không” như vậy cảm giác cũng thật khác lạ. Cái cục màu đen bé xíu đứng dưới cái chuông kia đang giữ mạng sống của mười bảy con người giữa mấy cái cẳng chân nó. Họ có thể nghiền nát nó chỉ bằng một cú di tay nhẹ nhàng, thế mà nó dám từ chối giúp họ với cái cớ là chưa biết gì về họ! Phát: Tại sao cô lại muốn biết chúng tôi rõ? Nhận: Các bạn to lớn và khỏe mạnh, nhưng tôi lại không biết các bạn có ý tốt hay không. Liệu các bạn có phải quỷ sứ như kiến chúa Chli-pou-ni của chúng tôi vẫn tưởng không? Hay các bạn là các chúa trời toàn năng như con số 23 vẫn nghĩ? Các bạn có nguy hiểm không? Các bạn có thông minh không? Các bạn có man dại không? Các bạn có đông không? Công nghệ của các bạn đã phát triển tới đâu? Các bạn có biết sử dụng các công cụ không? Tôi phải biết rõ các bạn trước khi quyết định xem cứu một vài người trong số các bạn có đáng công đáng sức bỏ ra không. Phát: Cô có muốn một trong ba chúng tôi kể lại đời mình cho cô nghe không? Nhận: Tôi không muốn biết ba người các bạn mà cả giống loài các bạn. Laetitia và Méliès nhìn nhau chòng chọc. Bắt đầu từ đâu bây giờ? Chẳng lẽ buộc phải kể cho con kiến nghe về các nền văn minh Trung cổ, thời kỳ phong kiến, thời kỳ Phục hưng và các Thế chiến ư? Arthur có vẻ rất thích thú với cuộc tranh luận này. Phát: Nào, hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời và giải thích cho cô thế giới của chúng tôi. Nhận: Thế thì quá dễ dàng. Các bạn phải giới thiệu thế giới của các bạn theo cách dễ hiểu nhất, không phải chỉ để cứu sống các Ngón Tay bị cầm tù dưới đô thị của chúng tôi. Nên hãy tìm cách nào để tôi biết được thông tin một cách khách quan ấy. Con kiến 103 này mới cứng đầu làm sao! Ngay cả Arthur cũng không biết phải nói gì để thuyết phục nó tin họ nữa. Về phần mình, Méliès nổi cáu. Anh giận dữ quay sang Laetitia tuyên bố: - Được rồi. Chúng ta sẽ cứu anh họ em và các bạn đồng hành của anh ta mà không thèm nhờ đến sự giúp đỡ của con kiến ngạo mạn này. Arthur, ông có bản đồ rừng Fontainebleau không? Có, ông có một tấm, nhưng rừng Fontainebleau trải dài trên diện tích mười bảy nghìn hecta và ở đó chẳng thiếu gì tổ kiến. Tìm ở đâu bây giờ? Từ phía Barbizon, dưới những phiến đá Apremont, gần ao Franchard hay trên bãi cát vùng cao Solle? Họ có thể mất tới vài năm để lục lọi. Và họ sẽ chẳng bao giờ tìm được ra Bel-o-kan theo cách của mình. - Dù sao cũng không thể để một con kiến hạ nhục chúng ta! Méliès tức giận. Arthur Ramirez biện hộ thay cho vị khách của họ. - Tất cả những gì nó muốn chỉ là trước khi dẫn chúng ta đến tổ nó thì hiểu chúng ta hơn thôi mà. Nó có lý đấy. Ở vị trí nó tôi cũng hành xử tương tự. - Nhưng làm thế nào để mang lại cho nó cách nhìn “khách quan” về thế giới chúng ta cơ chứ? Họ suy ngẫm. Lại một câu đố nữa! Cuối cùng Jacques Méliès thốt lên: - Tôi có ý này! - Ý của anh là gì? Laetitia hỏi, mấy ý tưởng hăng hái của anh đội trưởng luôn khiến cô nghi ngờ. - Truyền hình. Tr-u-y-ề-n-h-ì-n-h! Đúng vậy, với truyền hình, chúng ta có thể kết nối được với toàn thể nhân loại, chúng ta có thể bắt mạch được toàn thể nhân loại. Truyền hình chỉ cho chúng ta thấy mọi mặt của nền văn minh chúng ta. Khi xem truyền hình, 103 sẽ đánh giá được chúng ta là ai và giá trị của chúng ta ra sao bằng cả tâm hồn và ý thức của nó. 187. PHEROMON TRUYỀN THUYẾT MYRMÉCÉEN: Được phép giải mã Pheromon ký ức số 123 Chủ đề: Truyền thuyết Kiến tiết dãi: Kiến chúa Chli-pou-ni Đây là truyền thuyết về hai cái cây. Hai tổ kiến thuộc loài thù địch nhau sống trên hai cái cây khác nhau. Hai cái cây ấy lại ở cạnh nhau. Thế mà một ngày kia, một cành ở cây này bắt đầu mọc dần lên lan sang cả cây kia, mỗi ngày, cái cành lại tiến sát gần hơn một chút. Hai loài kiến biết rằng ngay khi cái cành vượt quá ngưỡng không gian ngăn cách hai cái cây, chiến tranh sẽ bùng nổ. Nhưng không loài nào tấn công trước. Chiến tranh chỉ bắt đầu vào ngày cái cành chạm lướt cây bên cạnh. Hai loài giao đấu không chút thương tiếc. Câu chuyện này cho thấy luôn tồn tại một khoảnh khắc chính xác để tiến hành mọi việc. Trước là quá sớm, mà sau lại quá muộn. Theo bản năng, mỗi loài sẽ tự biết đâu là thời điểm thích hợp. 188. TRỌNG LƯỢNG NGÔN TỪ, CÚ SỐC HÌNH ẢNH Họ đặt 103 trước một cái ti vi màu nhỏ màn hình tinh thể lỏng. Màn hình quá to so với con kiến, họ phải đặt một chiếc kính lúp thu nhỏ hình ảnh xuống một trăm lần. Như vậy con kiến mới xem được tốt hơn. Về phần âm thanh, Arthur Ramirez đã nối dàn loa ti vi với micro của cỗ máy “Đá Hoa thị”. Thế là con kiến trinh sát Bel-o-kan có thể vừa xem được hình ảnh vừa nhận biết được âm thanh-tỏa mùi từ chiếc ti vi của các Ngón Tay. Dĩ nhiên nó không thẩm thấu được âm nhạc hay tiếng ồn nhưng bằng cách này, nó sẽ hiểu được ý chính của các lời bình luận và các đoạn hội thoại. 103 tiết ra một giọt nước bọt để ghi lại các quan sát của mình về phong tục của các Ngón Tay. Rồi nó đưa ra những kết luận xứng đáng. Arthur Ramirez bật ti vi. Ông bấm một phím bất kỳ trên điều khiển từ xa. Kênh 341: “Với Krak Krak, bạn có thể dễ dàng xua đuổi được...” Jacques Méliès nhảy dựng lên và đổi kênh ngay lập tức. Sáng kiến tuyệt vời của anh cũng không tránh được nguy cơ! Nhận: Cái gì thế? 103 hỏi. Ba con người lo lắng. Họ vội vàng trấn an nó. Phát: Chỉ là một đoạn quảng cáo thức ăn thôi. Không có gì hấp dẫn cả. Nhận: Không, thứ ánh sáng phẳng dẹt kia là cái gì cơ? Phát: Là cái ti vi, phương tiện giao tiếp phổ biến nhất của chúng tôi. Nhận: Không phải lửa phẳng và lạnh đấy chứ? Phát: Cô biết lửa à? Nhận: Dĩ nhiên, nhưng không phải thứ lửa này. Các bạn giải thích đi! Arthur Ramirez thấy khó mà giải thích được cho một con kiến nguyên tắc hoạt động của cái ti vi. Ông bèn thử so sánh: Phát: Đây không phải là lửa. Thứ này tỏa sáng và rất rõ ràng nhưng đó là bởi nó là một cái cửa sổ, qua đó hiển thị tất cả những gì xảy ra trong nền văn minh của chúng tôi. Nhận: Làm thế nào mà những hình ảnh kia đến được tận đây? Phát: Chúng bay trong không khí. 103 không hiểu công nghệ này của các Ngón Tay nhưng nó biết mình sẽ được thấy thế giới của họ theo kiểu cùng lúc nó được ở nhiều nơi trong đô thị họ sống. Kênh 1432. Thời sự. Tiếng súng máy lẹt đẹt. Tiếng ngoài hình: “Người Syrie đã sản xuất ra một loại khí có khả năng giết...” Arthur vội vàng đổi kênh. Kênh 1445. Hoa hậu Hoàn vũ. Những cô gái yểu điệu diễu qua. Nhận: Những con côn trùng lê bước trên hai chân sau kia là gì vậy? Phát: Đó không phải côn trùng. Những động vật ấy là con người, là các Ngón Tay như các bạn vẫn gọi. Và kia là các con cái của chúng tôi. Nhận: Ồ thế đấy, một Ngón Tay nhìn tổng thể, cũng bằng với các bạn à? Con kiến gí sát mắt phải vào cái kính lúp và chiêm ngưỡng hồi lâu những dáng hình cử động trên màn ảnh nhỏ. Nhận: Như vậy các bạn có hai mắt và một miệng, nhưng chúng lại được đặt ngay trên đỉnh cơ thể các bạn. Phát: Cô không tin à? Nhận: Tôi cứ nghĩ các bạn chỉ là một khối màu hồng. Các bạn không có râu. Vậy làm thế nào mà các bạn nói chuyện được với tôi? Phát: Chúng tôi sử dụng một phương tiện giao tiếp thính giác không dùng đến râu. Nhận: Và các bạn còn thiếu hai chân nữa chứ. Các bạn chỉ có mỗi bốn chân thôi! Làm sao các bạn lại đi được? Phát: Chúng tôi chỉ cần hai chân sau là đi được rồi, nhưng chúng tôi cũng phải trải qua một quãng thời gian để có thể làm điều này mà không bị ngã. Còn hai chân trước, chúng tôi sử dụng để mang đồ vật chẳng hạn. Không giống như ở loài các bạn, tất cả các chân đều được dùng để bước đi. Nhận: Những kẻ có lông dài trên đầu kia, họ bị ốm à? Phát: Một số con cái để lông mọc dài để dễ quyến rũ con đực hơn. Nhận: Sao con cái của các bạn lại không có cánh? Phát: Không Ngón Tay nào có cánh cả. Nhận: Kể cả con hữu tính à? Phát: Kể cả con hữu tính. 103 chăm chú theo dõi màn hình. Nó thấy những Ngón Tay cái thực sự rất xấu. Nhận: Các bạn thay màu vỏ giống tắc kè hoa à? Phát: Chúng tôi không có vỏ. Da chúng tôi màu hồng và trần trụi, chúng tôi bảo vệ da bằng quần áo đủ màu sắc và họa tiết. Nhận: Quần áo á? Có phải đó là một loại hóa trang để những kẻ săn các bạn không nhận ra không? Phát: Không hẳn là thế, đúng hơn là cách để chống lạnh và chứng tỏ bản thân. Đó là những sợi thực vật đan vào nhau. Nhận: Ồ, chúng được dùng trong những cuộc gặp gỡ yêu đương giống ở loài bướm chứ gì? Phát: Có thể nói thế cũng được. Chắc chắn là có những lúc,“con cái” của chúng tôi hấp dẫn con đực hơn vì ăn mặc theo một cách nào đó. 103 hỏi nhiều nhưng tiếp thu cũng rất nhanh. Có nhiều câu rất khó trả lời cho thỏa đáng. Chẳng hạn như: “Tại sao mắt của các Ngón Tay lại cử động?” hay “Tại sao các cá thể cùng thuộc một đẳng cấp lại không có kích cỡ như nhau?” Ba con người cố gắng trả lời tốt nhất có thể, bằng cách sử dụng thứ từ vựng tối giản và rõ nghĩa. Họ gần như buộc phải tái tạo ngôn ngữ tiếng Pháp vì từ ngữ trong thứ tiếng này đôi khi đa nghĩa và tinh tế đến mức lần nào họ cũng phải định nghĩa lại để giúp con kiến hiểu. Rốt cuộc, 103 cũng chán ngấy đám con người cái diễu qua diễu lại. Nó muốn thấy thứ khác. Méliès đổi kênh. Khi hình ảnh khiến nó chú ý, con kiến bèn phát ra tín hiệu “dừng lại”. Nhận: Dừng lại. Đó là gì vậy? Phát: Là một phóng sự về giao thông trong các thành phố lớn. Tiếng ngoài hình: “Tắc nghẽn giao thông là một trong số những vấn đề đáng ngại nhất của các thành phố lớn hiện nay. Nghiên cứu của các trung tâm chuyên môn cho thấy càng nhiều đường sá quốc lộ được xây dựng, người dân càng mua nhiều ô tô và tắc nghẽn giao thông càng gia tăng.” Trên màn hình ti vi, hàng dãy dài ô tô đứng bất động giữa làn khói bụi xám xịt. Cảnh quay lùi về phía sau: rải khắp nhiều cây số là những chiếc caravan, những chiếc xe tải, ô tô và xe buýt dính bết vào mặt đường. Nhận: Ồ, tắc nghẽn giao thông tại các thành phố lớn là vấn nạn có thể thấy ở mọi nơi! Thứ khác đi. Chuỗi hình ảnh liên tiếp. Nhận: Dừng lại. Đó là cái gì? Phát: Một bộ phim tài liệu về nạn đói trên thế giới. Những cơ thể trơ xương, những đứa trẻ mắt đầy ruồi bâu, những em bé sơ sinh quắt queo bám lấy bộ ngực mềm nhão và kiệt sữa của các bà mẹ mặt mày nhớn nhác, những con người không tuổi ánh mắt đăm đăm... Tiếng ngoài hình cất lên đầy thờ ơ: “Hạn hán tiếp tục tàn phá Ethiopia. Nạn đói đã hoành hành được năm tháng và hiện lại thêm sự xâm hại của châu chấu nữa. Trước mắt, các bác sĩ thuộc tổ chức cứu trợ quốc tế chỉ biết sử dụng những phương tiện thô sơ nhất để cứu chữa cho người dân địa phương.” Nhận: Bác sĩ là gì? Phát: Là các Ngón Tay giúp đỡ những Ngón Tay khác khi những Ngón Tay này bị ốm hay có nhu cầu, dù họ ở đâu và có cùng màu da hay không. Không phải Ngón Tay nào cũng có màu hồng, trên thế giới có cả những Ngón Tay màu đen và những Ngón Tay màu vàng. Nhận: Ở loài chúng tôi cũng vậy, màu sắc cũng có thể khác nhau. Và đôi khi thế là đủ để gây ra thù ghét. Phát: Loài chúng tôi cũng có hiện tượng tương tự. Kênh 1227, 1226, 1225. Dừng lại. Nhận: Đó là gì vậy? Méliès nhận ra ngay hình ảnh: - Chúng ta vừa bật phải kênh mã hóa. Đây là một bộ phim... sex. Thật không may. Ramirez đã cố giải thích hết sức mình. Nhưng 103 vẫn đòi biết sự thật. Nhận: Đó là gì vậy? Phát: Đó là những phim cho biết cách các Ngón Tay sinh sản... Con kiến xem những hình ảnh trên phim một cách chăm chú. Bình luận của 103. Nhận: Các bạn làm chuyện đó bằng đầu à? Phát: Ờ, không, không thực sự như vậy, Laetitia nói, cô khá là bối rối. Trên màn hình, cặp tình nhân thay đổi tư thế và quấn chặt vào nhau. Bình luận của 103. Nhận: Thực tế thì các bạn làm tình như lũ ốc sên vậy: cứ vặn đi xoắn lại vào nhau trên nền đất. Hẳn làm thế chẳng dễ chịu gì cho lắm. Vì cứ phải cọ xát khắp nơi. Laetitia khó chịu chuyển kênh. Kênh 1224. Những chấm nhỏ màu đen lúc nhúc. Nhận: Dừng lại. Đó là gì vậy? Thật không may. Đó là một bộ phim tài liệu về côn trùng! Phát: Một... một phóng sự về “kiến”. Nhận: Kiến là gì? Họ do dự khi phải bình luận những hình ảnh không oai hùng cho lắm về loài kiến đang bị biến thành một nhúm lúc nhúc trên màn hình. Nhận: Kiến là gì? Phát: Ờ, quá phức tạp để có thể giải thích được. Ramirez lưỡng lự một lúc rồi thú nhận: Phát: Kiến chính là... các bạn. Nhận: Chúng tôi á? 103 giương cổ ra. Ngay cả khi nhìn cận cảnh, nó cũng không nhận ra nổi các chị em mình, hình ảnh nó thấy có hình cầu còn hình ảnh con người thấy là hình phẳng. Nó lờ mờ nhận ra cảnh một trận bay giao phối. Những con kiến công chúa và kiến đực bay lên. 103 lắng nghe người dẫn chương trình và học được rất nhiều về loài mình. Nó không biết rằng trên Trái đất loài kiến rất đông đúc. Nó cũng không biết rằng các loài kiến ở Australia mang tên “kiến lửa” được trang bị một thứ axit formic có nồng độ đậm đặc đặc tới nỗi bào mòn được cả gỗ. 103 ghi chép rồi lại ghi chép. Nó không thể rời mắt khỏi cái cửa sổ kia, nơi không biết bao nhiêu thông tin lý thú đang diễu qua nhanh chóng. Những giờ tiếp đó được dành cả cho liệu pháp truyền hình liều cao này. Ngày thứ ba, 103 được xem một buổi biểu diễn của các danh hài. Rất nhiều danh hài giành nhau micro và kể những câu chuyện khiến cả một căn phòng phá lên cười ha hả. Một người đàn ông béo trục béo tròn và nom rất vui vẻ đứng ra hô hào cử tọa: “Các vị có biết đâu là sự khác biệt giữa một phụ nữ và một chính trị gia không? Không à? Thế thì đây. Khi một người phụ nữ nói không, điều đó có nghĩa là có lẽ; khi một người phụ nữ nói có lẽ, thì điều đó có nghĩa là có, và khi người phụ nữ nói có, thì cô ta bị coi là kẻ đĩ điếm. Còn khi chính trị gia nói có, thì điều đó có nghĩa là có lẽ; khi chính trị gia nói có lẽ, thì điều đó có nghĩa là không và khi chính trị gia nói không thì ông ta bị coi là tên vô lại!” Cả phòng cười rộ lên. Con kiến cọ cọ râu. Nhận: Tôi chẳng hiểu gì cả... Phát: Chỉ để chọc cười thôi mà, Arthur Ramirez giải thích. Nhận: Cười là gì? Laetitia cố gắng giải thích tính hài hước ở các Ngón Tay. Cô ra sức kể cho nó nghe câu chuyện về một kẻ điên sơn lại trần nhà nhưng vô ích. Và còn kể thêm nhiều chuyện cười khác. Nhưng không có điểm tương đồng văn hóa thì tất cả chỉ là công cốc. Phát: Trong thế giới của các bạn không có gì khiến các bạn cười à? Jacques Méliès hỏi. Nhận: Trước hết tôi phải biết cười là gì đã, tôi thực sự không hiểu ý nghĩa của nó là gì. Họ cố gắng nghĩ ra một câu đùa kiểu kiến: “Đây là chuyện về một chú kiến sơn lại trần nhà mình...”, nhưng kết quả không khả quan cho lắm. Chắc là phải biết rõ điều gì đóng vai trò quan trọng điều gì không trong mắt một cư dân tổ kiến. Giờ thì 103 vẫn chịu không hiểu nổi, nó chỉ ghi vào pheromon động vật học của nó là: “Các Ngón Tay có nhu cầu kể những câu chuyện kỳ quặc gây ra các hiện tượng tâm lý. Họ thích bôi bác mọi thứ.” Họ chuyển kênh. “Bẫy suy tưởng”. Bà Ramirez xuất hiện, đối mặt với câu đố về sáu hình tam giác được dựng từ sáu que diêm. Bà vẫn tỏ ra không biết gì về câu trả lời, nhưng Laetitia và Jacques đã hiểu bà nắm được mọi câu trả lời từ lâu lắm rồi. Họ chuyển kênh. Phim về cuộc đời Albert Einstein. Giải thích dưới dạng truyền bá các lý thuyết thiên văn học của ông. 103 thấy hấp dẫn bất ngờ. Nhận: Thoạt tiên tôi không phân biệt nổi Ngón Tay này với Ngón Tay kia. Nhưng giờ cứ nhìn mãi khuôn mặt các Ngón Tay tôi đã nhận thấy sự khác biệt. Chẳng hạn ông ấy là con đực, đúng không? Tôi nhận ra vì lông ông ấy ngắn. Phóng sự về bệnh béo phì. Giải thích về chứng chán ăn và bệnh béo phì. Con kiến phản đối. Nhận: Mấy cá thể kia ăn uống bậy bạ gì thế chứ! Ăn là hành động đơn giản nhất và tự nhiên nhất trần đời. Ngay cả một ấu trùng cũng biết cách ăn thế nào. Khi một con kiến chứa thức ăn phồng lên vì đựng căng thức ăn, thì đó là vì điều tốt lành cho cộng đồng và nó tự hào về cơ thể dày cộm của nó, chứ không như những con cái ở các Ngón Tay, ai lại đi than phiền vì mình bất lực trong việc hạn chế ăn uống cơ chứ! 103 tỏ ra là một khán giả truyền hình không biết mệt mỏi. Gia đình Ramirez đã đóng cửa cửa hàng đồ chơi. Laetitia và Jacques ngủ lại trong phòng dành cho bạn bè. Mọi người thay nhau làm hài lòng con kiến. 103 khát khao thông tin đủ thể loại. Cái gì cũng khiến nó thấy thú vị: luật chơi bóng đá, tennis, chiến tranh giữa các Ngón Tay, nền chính trị của các quốc gia, giao phối ở các Ngón Tay. Phim hoạt hình thì lôi cuốn nó nhờ những hình ảnh đơn giản và rõ ràng. Nó hứng khởi hết sức khi xem phim Chiến tranh giữa các vì sao. Nó không hiểu hết kịch bản phim nhưng một vài đoạn khiến nó nhớ lại trận chiến với Tổ ong vàng. Nó ghi lại tất cả vào pheromon động vật học. Các Ngón Tay thật quá giàu trí tưởng tượng! 189. BÁCH KHOA TOÀN THƯ SÓNG: Mọi thứ, đồ vật, ý tưởng, con người, đều có thể quy tụ về một loại sóng. Sóng hình dạng, sóng âm thanh, sóng hình ảnh, sóng mùi vị. Các sóng này chắc chắn sẽ giao thoa với các sóng khác nếu chúng không nằm trong vùng chân không bất tận. Nghiên cứu về sự giao thoa giữa các sóng-đồ vật, ý tưởng, con người luôn rất thú vị. Chuyện gì xảy ra khi người ta kết hợp nhạc rock&roll với nhạc cổ điển? Chuyện gì xảy ra khi người ta kết hợp triết học với tin học? Chuyện gì xảy ra khi người ta kết hợp nghệ thuật châu Á với công nghệ phương Tây? Khi ta đổ một giọt mực vào nước, hai chất sẽ có mức thông tin rất thấp, rất đồng nhất. Giọt mực màu đen và cốc nước trong suốt. Mực rơi vào nước sẽ gây ra sự biến dạng. Trong sự tiếp xúc này, khoảnh khắc thú vị nhất là khoảnh khắc những hình dáng hỗn độn xuất hiện. Khoảnh khắc trước khi có sự hòa tan. Sự tương tác giữa hai yếu tố khác nhau tạo ra một hình dáng mới rất phong phú. Nào là những hình cuồn cuộn phức tạp, nào là những hình dáng quay cuồng và mọi thể loại đường thớ dần dần tan đi khiến nước biến thành màu xám. Trong thế giới đồ vật, rất khó để cố định hình dạng phong phú này nhưng trong thế giới sinh vật, một cuộc gặp gỡ cũng có thể được khắc ghi mãi mãi trong ký ức. Edmond Wells, Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II.