Lúc đến bờ biển, Bích nô cô liền đưa mát nhìn ra ngoài khơi, nhưng nó không trông thấy con Nhám Xà đâu cả. Biển phẳng lỳ như một tấm gương. Nó ngoảnh mặt nhìn mấy đứa bạn, hỏi: - Con cá Nhám đâu rồi? Một đứa trong bọn cười đáp: - Nó đi ăn rồi. Một đứa khác: - Nó lên giường nằm để đánh một giấc rồi. Nói xong, chúng nó cười rộ lên. Nghe những câu trả lời dối trá, những tiếng cười chế nhạo, nó biết bọn kia đã chơi đểu bằng cách đánh lừa nó. Nó giận, nó hỏi một giọng gay gắt: - Chúng bây thích thú gì mà đem chuyện Cá Nhám để đánh lừa tao! Bọn vô lại ấy đồng thanh trả lời: - Lẽ tất nhiên là chúng tao thích thú lắm. - Thích thú gì? - Thích thú vì đã làm cho mày bỏ học mà đi theo chúng tao. Mày lúc nào cũng đi đúng giờ và chăm chỉ học tập, mày không biết hổ thẹn à? - Tao chăm học thì có quan hệ gì đến chúng bây? - Quan hệ lắm chứ! Vì mày khiến chúng tao bẻ mặt với thầy giáo. - Vì sao? - Vì những đứa học trò chăm học làm lộ những đứa kém, những đứa không thích làm việc như chúng tao chẳng hạn. Nhưng chúng tao lại không thích kém ai vì chúng tao cũng có lòng tự ái. - Thế thì tao phải làm thế nào cho chúng bây bằng lòng? - Mày cũng phải có một mối ác cảm đối với nhà trường, với bài vở, với thầy giáo. Đó là ba kẻ thù của chúng ta. - Nhưng nếu tao vẫn chăm lo học hành như trước? - Thì chúng tao sẽ không xem mày vào đâu, và sẽ trừng trị mày. - Rõ chúng bây làm cho tao phải bật cười. Bích nô cô vừa nói, vừa hất cái đầu lên. Một thằng trong bọn đứng chắn ngang trước mặt nó và nói: - Ê Bích nô cô! Mày không nên đến đây mà giở lối làm phách. Mày không sợ chúng tao thì chúng tao cũng không sợ mày. Mày nên biết rằng mày chỉ có một mình mà bọn tao đến những bảy đứa. - Bảy như là bảy đại tội đấy à? ( Bảy đại tội là: Ngạo mạn, keo lẫn, ghen ghét, dâm dật, giận dữ, tham ăn, lười biếng. Lời chú thích của dịch giả). - Anh em có nghe không? Nó chửi cả bọn chúng mình đấy. Nó gọi chúng mình là bảy đại tội. - Bích nô cô! Mày phải xin lỗi chúng tao, không thì nguy cho mày đấy! - Cúc cu! Thằng người gỗ lấy ngón tay gõ vào đầu chót mũi nó để chế nhạo bọn kia. - Bích nô cô! Mày sẽ gặp kết quả không hay cho mà xem! - Cúc cu! - Chúng tao sẽ đả cho mày một trận như đả một con lừa! - Cúc cu! Một thằng táo bạo nhất trong bọn nói: - Mày hãy xem đây! Mày hãy nhận lấy món nợ của tao trả và hãy giữ lấy để dùng vào bữa cơm tối! Nói thế, nó đánh ngay một đòn vào đầu Bích nô cô. Lẽ cố nhiên là thằng này lập tức choảng lại một đòn khác. Và từ đó khởi đầu một cuộc loạn đả hăng hái. Bích nô cô tuy chỉ một mình, nhưng đã chống cự một cách anh dũng. Cặp chân của nó bằng thứ gỗ rất cứng, đã sai sử một cách khá nhanh nhẹn khiến kẻ địch không lại gần được. Chân nó đưa đến chỗ nào tức thì gây nên thương tích chỗ ấy. Bọn trẻ tức giận vì không thể địch với Thằng người gỗ nổi, định lấy đổ để ném. Chúng đã ném sách vần, sách mẹo, sử ký, địa dư và các thứ sách khác. Bích nô cô nhờ cặp mắt tinh anh và lanh lợi nên tránh được cả. Những quyển sách vụt ngang qua đầu nó đều rơi tòm xuống xuống biển, bầy cá thích thú lắm. Chúng tưởng sách là một thức ăn ngon nên đua nhau lội vào bờ. Nhưng sau khi đã nuốt thử vài tờ, chúng liền khạc ra ngay, mồm nhăn lại như có ý bảo: -“Đối với chúng mình thứ này chẳng có gì là ngon cả. Chúng mình quen ăn những thức ngon hơn kia!”. Cuộc đấu mỗi lúc mỗi dữ dội hơn, thì vừa có một con cua bể nhô đầu lên khỏi mặt nước, bò trên cát mà đi đến, cất giọng ồ ồ trít trít nói với bọn trẻ: - Hãy ngừng lại! Chúng bây là một tụi ranh con đê tiện. Con nít mà ấu đả nhau thì bao giờ cũng xảy ra tai biến. Tội nghiệp cho con Cua. Lời giảng dạy của nó đã bay theo gió. Chính Bích nô cô cũng gờm gờm nhìn nó và nói một giọng thô bỉ: - Cua ơi! Mầy hãy im mồm đi! Đồ khả ố! Mày hãy lo nút mấy cái nhựa rêu cho lành bệnh đau cổ có phải hơn không? Hãy đi nằm đi! Và mày cố làm sao cho toát mồ hôi để mau lành bệnh nghe không. Bọn trẻ đã ném hết cả những quyển sách của chúng, khi thấy gần đấy có chồng sách của Thằng người gỗ, vèo một cái, chúng lấy sạch cả. Trong những quyển sách này, có quyển toán pháp bìa cứng, gáy và bốn góc bằng da, tuy thế cũng không nặng gì hơn những quyển kia. Một đứa trẻ chụp lấy quyển sách ấy, nhắm đầu Bích nô cô mà ném một cái rất mạnh. Sách không trúng Thằng người gỗ, lại trúng vào đầu một đứa trẻ khác. Thằng này mặt tái đi, chỉ kêu được mấy tiếng: - Mẹ ơi, mẹ! Cứu con với kẻo con chết mất! Rồi thì nó ngã song sượt trên bãi cát bờ biển. Trông thấy đứa trẻ gần chết này, bọn kia hoảng sợ chạy mất cả. Chỉ vài phút sau là không thấy tăm dạng chúng đâu nữa. Bích nô cô một mình ở lại, vừa đau khổ, vừa lo sợ, chết điếng trong lòng. Nó chạy đi lấy khăn thắm nước biển, phả vào mang tai của bạn nó. Nó khóc nức nở và trong cơn thất vọng nó tấm tức gọi tên thằng kia mà bảo: - Âu Diên ơi! Âu Diên! Hãy mở mắt ra mà nhìn tôi ! Sao bạn lại không trả lời hử? Không phải tại tôi bạn có biết không? Không phải tôi làm cho bạn đến nông nỗi này! Bạn nên tin rằng không phải tại tôi! Âu Diêm, nếu bạn cứ nhắm nghiền hai mắt như thế thì bạn cũng làm cho tôi chết mất! Trời ơi! Làm thế nào để trở về nhà bây giờ! Làm sao đủ can đảm nhìn mặt bà mẹ hiền từ của mình bây giờ? Rồi đây mình sẽ ra sao? Trốn vào đâu? Núp vào đâu? Giá mình đi đến trường có phải là trăm nghìn lần hơn không? Vì nghe theo bọn bạn bè hư đốn nên mình mới đến nông nỗi này:Thầy giáo nói thật đúng quá và mẹ mình cũng đã nhiều lần răn bảo: “Hãy coi chừng! Hãy tránh xa bạn xấu!” Nhưng mình là một đứa cứng đầu, cứng cổ, chỉ hành động theo ý kiến riêng, ai nói gì cũng bỏ qua cả. mình làm thì mình chịu phải rồi! Từ khi ra đời đến nay thật mình không có lấy một khắc đồng hồ ăn ở cho phải đạo nữa! Trời ơi! Rồi biết có việc gì không? Bích nô cô đang kêu gào than khóc, lấy tay tự đánh vào đầu và gọi tên của Âu Diên thì bỗng nghe có tiếng chân đi đến. Đó là hai người cảnh sát. - Thằng kia ! mày làm gì mà cúi nhìn xuống đất thế ? - Tôi săn sóc cho bạn tôi. - Có việc gì không hay xảy đến phải không ? - Chừng như thế. Một người cảnh binh cúi mặt xuống nhìn kỹ Âu Diên rồi nói : - Không phải chuyện chơi đâu ? Thằng bé này bị thương ở mang tai. Đứa nào làm nó bị thương thế ? Bích nô cô như mất hết tinh thần, lí nhí đáp : - Không phải tôi. - Nếu không phải mày thì là ai ? Bích nô cô lặp lại : - Không phải tôi. - Người ta đã dùng vật gì để đánh nó thế ? - Quyển sách này. Bích nô cô lượm ở dưới đất quyển toán pháp bìa cứng, gáy da đưa cho viên cảnh binh xem. - Quyển sách này của ai ? - Của tôi. - Thế là đủ rồi ! Ngoài ra tao chẳng cần biết gì hơn nữa. Đứng dậy mà đi với chúng tao ! Trước khi ra đi, hai viên cảnh sát gọi mấy người đánh cá trong lúc ấy đi ghe gần bờ biển : - Chúng tôi giao đứa trẻ này cho các ông. Nó bị thương trên đầu. Các ông đem nó về săn sóc cho nó với ! Qua ngày mai chúng tôi sẽ trở lại. Quay qua phía Bích cô nô, hai người cảnh sát kèm hai bên và ra lệnh cho nó : - Bước mau ! bước ! Nếu không hãy coi chừng chúng tao ! Bích nô cô đi theo con đường nhỏ chạy thẳng đến trong làng, nhưng nó không hiểu hiệu nó đang ở trong một thế giới nào. Nó ng’ơ mình nằm một giấc mơ. Một giấc mơ mới đau đớn làm sao ? Nó không tự chủ được nữa. cái gì mắt nó cũng trông thấy thành hai,, chân nó run lẩy bẩy, lưỡi líu lại, không nói được một lời. Trong lúc nó đang sững sờ như ngây, như dại, thì bỗng nghĩ đến việc nó phải đi ngang qua cửa sổ nhà bà tiên, giữa hai người cảnh sát. Nó có một cảm giác đau đớn như ai lấy gai chích vào tim và nó chỉ muốn chết. cả ba sắp đi vào trong làng thì vừa có một cơn gió thổi tung cái mũ trên đầu Bích nô cô văng xa ra hơn mươi bước. Bích nô cô nói với hai người cảnh sát : - Hai ông cho tôi chạy lại lượm cái mũ. - Được ! Nhưng mau lên. Bích nô cô lượm mũ xong, đáng lẽ đội lên đầu, thì nó lại cắn vào răng và vụt chạy ra ngã bờ biển. Nó chạy như bay. Hai ngưòi cảnh sát nghĩ cũng khó lòng mà chạy kịp nó, nên đã thả ra một con chó từng chiếm giải nhất trong các cuộc đua, để đuổi bắt Thằng người gỗ. Bích nô cô chạy đã mau, nhưng chó lại chạy mau hơn. Dân chúng đều chạy ra cửa và kéo nhau ra đường để xem. Ai cũng muốn biết kết quả cuộc đua sôi nổi ấy. Nhưng chó và Thằng người gỗ tung bụi lên mịt mù cả đường, chỉ trong vài phút là không ai trông thấy gì cả.