Buổi chiều, lúc năm giờ tôi thường tới trường đón Quỳnh Vi về. Bé khoe: -Ông nội ơi, hôm nay con có gặp một bạn trai dễ thương lắm. -Dễ thương như thế nào? -Bạn ấy rất đẹp. Mắt đẹp, mũi cũng đẹp. Nói chuyện có duyên lắm. Từ trước đến giờ con chưa thấy có người nào hoàn hảo đến như vậy. Bạn có tin đó là lời của một cô bé mười hai tuổi học lớp Bảy không? Nó giống ai mà mê trai sớm vậy? Chắc giống mẹ nó? Nhưng cái kiểu lãng mạn quá sớm như vậy cũng có thể là gen của tôi! Tôi cười thầm, hỏi: -Bạn cùng lớp hả? -Không phải. Con gặp bạn ấy ở hồ bơi trong sân golf. -Sao con lại vào hồ bơi đó? -Vì thầy Prewitt cho cả lớp đi bơi. -Nó bơi có giỏi khộng? -Giỏi lắm. Chỉ có hai đứa con là bơi liên tục ba vòng hồ. Sáng chủ nhật tôi rủ bé đi bơi, mục đích là để xem mặt “chàng trai” đó. Nó là một thằng bé trắng trẻo, mặt tròn quay và môi đỏ như con gái. Một đứa trẻ không có gì đặc biệt vì thế tôi để cho chúng tự do bơi với nhau. Hôm đó không có thầy Prewitt nhưng lại có cô giáo Rosemary quê ở Seattle và một thầy giáo người Philippines tên là Marlon. Thấy tôi đi với bé Vi cả Marlon và Rosemary đều đến làm quen. Tôi hỏi: -Quỳnh Vi học hành thế nào? -Fantastic! Ông có một cô cháu nội tuyệt vời. Tiếng Anh của bé rất chuẩn. Thực ra nếu xưng hô bằng tiềng Việt thì tôi phải gọi họ bằng “con” vì họ còn ít tuổi hơn ba của bé Vi. Nhưng tôi vẫn xem họ như là bạn. Ngày nọ Marlon gọi điện cho tôi: -Bác ơi, giúp tụi cháu với. Họ có bốn người, đều là Phi, họ muốn thuê một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng để đi dạy cho gần nhưng họ không giao tiếp được bằng tiếng Việt với chủ nhà, và cũng không biết trong hợp đồng thuê nhà nói gi. Tôi giúp họ thuê căn nhà ấy và thế là có thêm hai người bạn nữa. Từ đó hai ông cháu thường đi lại chơi đùa với các thầy cô trẻ. Dọn nhà xong, họ làm một bữa tiệc nhỏ. Bé Vi nói như chim, đùa giỡn với thầy cô như bạn bè. Tôi ngồi uống rượu với Marlon, người lớn tuổi nhất trong đám. Tôi hỏi: -Các cháu tốt nghiệp đại học sao không làm việc ở Manila mà sang đây dạy học? -Bên đó khó tìm việc làm lắm, bác ạ. Dân Phi thất nghiệp rất nhiều. Sang đây tụi cháu kiếm mỗi tháng cũng được hai ngàn đô. -Cháu thấy Việt Nam thế nào? -Xã hội ổn định. -Nhưng là cái ổ tham nhũng đấy. -Bên nước cháu cũng vậy thôi. Tổng thống Ferdinand Marcos từng tham nhũng một trăm tỉ đô la. Chính quyền của bà Arroyo hiện nay cũng không khá gì hơn. Đầy dẫy bất công, nghèo nàn, lạc hậu. Philippines là câu trả lời cho những ai vẫn tin rằng theo Mỹ là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. -Nhưng ít ra ở đó còn có báo đối lập, có quyền biểu tình, có tự do sáng tác. Còn Việt Nam thì tuyệt đối không. Chính quyền coi đất nước này là tài sản riêng của họ. Họ muốn làm gì thì làm. Tôi nhìn quanh. Quỳnh Vi đang nghịch cát với thằng bé. Đó là thứ cát trắng người ta mua từ Nha Trang về để tạo một chút thiên nhiên cho cái bể bơi xinh xắn này. Chúng đang cùng nhau đắp những quả núi và những hang động. Đến đây, tôi gặp một bé Vi khác, linh hoạt và hiện đại. Về sau này, có một lúc đi ngang qua phòng nó, nghe nó đang nói chuyện với ai đó bằng tiếng Anh rất hào hứng. Dường như chúng đang cãi nhau, đang tranh luận với nhau, chọc ghẹo nhau. Tôi bước vào phòng. Chỉ có bé Vi và chiếc ti-vi đang phát chương trình Teen Titans. Con bé không xem chương trình ấy như một khán giả. Nó tham dự vào cuộc chơi, nó tranh luận với các nhân vật trong phim, nó trả lời chất vấn và đặt câu hỏi, say mê đến nỗi tôi bước vào mà nó không hay. Một bữa nọ, trên đường từ trường về, nó hỏi: -Ông nội ơi, con ốc sên có răng không? -Chắc là không. Nó chỉ có cái lưỡi mềm dùng để di chuyển và để nuốt thức ăn. -Không phải đâu. Nó có răng đó. -Con đọc ở đâu vậy? -Con xem trên đài Discovery. Người ta nói trong lưỡi của con ốc sên có hai hàng gai, đó chính là răng của nó, dùng để bắt những con côn trùng trên đường nó di chuyển. Bé ngồi sau xe, lấy mấy ngón tay sờ tóc trên đỉnh đầu tôi. Lại nói: -Tóc ông nội rụng nhiều quá. Sắp hói rồi đó. -Đó là tuổi già đấy con ạ. -Tại sao vậy? -Tại vì tạo hóa chậm hiểu lắm. -Tạo hóa kém thông minh sao? -Ừ, kém thông minh. Tạo hóa không biết rằng con người khác xa với cây cỏ, khác xa cầm thú. Con người biết thay đổi thế giới và sáng tạo ra thế giới, con người có ý thức về sự sống và sự chết. Sao lại bắt con người chịu chung một quy luật giống như cây cỏ và cầm thú? Sao lại bắt con người phải chết? Tôi cảm nhận một sự im lặng khác lạ sau lưng tôi. Nó kéo dài. Như có một cái gì đó đang ngừng lại. Tôi dừng xe, ngoái nhìn bé, thấy trên má nó có hai giọt nước mắt. Tôi hỏi: -Sao con khóc? -Một ngày nào đó con cũng sẽ chết sao? Câu hỏi của đứa bé mười hai tuổi bắn vào tim tôi như một mũi tên bất ngờ. Tôi nhìn thấy cái bóng của thời gian như một vùng sương mù xám xịt đang lởn vởn trên ngọn cây, làm tôi hoảng hốt. Tôi dựng xe, bế bé lên và ôm nó vào lòng. Nó òa khóc.