Ông thợ gốm dừng xe lại, hạ kính cả hai bên cửa xuống, và chờ người đến ăn cướp hàng của mình. Chẳng có gì là lạ trong một số hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng, bị mất tinh thành, bị chầm bập trong suốt cuộc sống đã làm cho một số nạn nhân đi đến những quyết định bi thảm như thế này, có khi còn tệ hại hơn nữa. Có lúc người bị sốc hoặc quá buồn phiền bỗng nghe ong ong trong đầu mình tiếng nói. Bị mất vì mươi, bị mất vì một trăm, và lúc đó tuỳ theo hoàn cảnh và nơi cụ thể mà người đó đang có mặt, có thể là đã tiêu hết sạch số tiền đã có trong xổ số, hoặc vừa đặt lên bàn chơi bài chiếc đồng hồ gia bảo của bố mình và hộp đựng thuốc lá bằng bạc do mẹ tặng, hoặc đặt cược vào màu đỏ mặc dù đã nhìn thấy nó xuất hiện liên tục đến năm lần, hoặc một mình nhảy lên chiến hào lưỡi lê tuốt trần xông vào ổ súng máy của địch, hoặc dừng chiếc xe hòm lại vặn kính của hai cánh cửa xuống, mở toang các cửa xe ra, và chờ đợi con dao kề cổ và những thứ lý lẽ thông thường là do nhu cầu cuộc sống, những người trong khu nhà ổ chuột chạy ào đến cướp hàng. Nếu những kẻ bán hàng không muốn thì cũng mong những người này mang đi hộ. Đó là ý nghĩ cuối cùng của Cipriano Algor. Mười phút trôi qua mà chẳng thấy ai bén mảng đến ăn cắp, một phần tư giờ đã trôi qua mà thậm chí cũng không có đến một con chó hoang nào trèo lên xa lộ đái vào lốp xe và ngửi xem trên đó có hàng hoá gì, và mãi khi sắp qua nửa giờ mới có một người đàn ông bẩn thỉu mặt mũi cau có hỏi người thợ gốm, Ông gặp chuyện gì thế, có cần giúp đờ không, tôi sẽ đẩy xe giúp cho, có lẽ là hỏng ắc quy đấy. Chà, ngay đến những người có tâm hồn cứng rắn nhất cũng có lúc không cưỡng lại nổi sự mềm yếu, chính là lúc thể xác không đáp ứng được đòi hỏi của tinh thần, nên ta sẽ không ngạc nhiên thấy Cipriano Algor xúc động mạnh đến nỗi lệ trào ướt đẫm khoé mắt trước ước nguyện muốn giúp đỡ của người mang dáng vẻ của kẻ cướp kia, Không, xin cảm ơn ông, tôi không cần giúp đỡ đâu, Cipriano Algor nói, nhưng ngay sau đó khi người hảo tâm kia vừa quay lưng đi, ông liền nhảy ra khỏi xe hòm, chạy đến mở tung cửa sau của xe, và gọi tíu tít,, Ơi, ông ơi, ông ơi, quay lại đây nào. Không, không phải vậy. Thế thì sao, Mời ông đến đây. Người đàn ông đi đến tận nơi và Cipriano Algor nói, Mời ông lấy hết số đĩa còn lại này, ông cứ mang về nhà cho vợ dùng, đó là quà tặng của tôi, và cầm thêm sáu chiếc nữa này, đó là tô đựng soup đấy. Nhưng tôi đã làm gì cho ông đâu, người đàn ông ngại ngùng nói. Ông đừng ngại, ông cứ coi như đã làm giúp tôi nhiều việc rồi ấy mà, và nếu ông cần ấm đựng nước thì có đây này. Thực ra mang được chiếc ấm về nhà cũng tốt đấy. Thế thì ông cầm về đi, cầm đi nào. Người thợ gốm xếp lại những chiếc đĩa đầu tiên là những chiếc đĩa bằng, rồi đến những chiếc đĩa sâu, rồi xếp loại thứ hai chồng lên loại thứ nhất, để lên trên cánh tay tráico lại của người đàn ông, và vì tay phải của ông ta đang cầm chiếc ấm, nên không thể ra hiệu cảm ơn được đành chỉ nói lời cảm ơn thông thường, đương nhiên cũng hết sức chân thành, và đáng kinh ngạc hơn chính là động tác cúi đầu chẳng ăn nhập gì với địa vị xã hội của ông ta, điều này chứng tỏ nếu như chịu khó nghiên cứu những mâu thuẫn trong cuộc sống thì chúng ta sẽ biết nó phức tạp ra sao chứ đừng nên mất thời gian vào việc định nghĩa và phân chia nó ra thành từng loại. Khi người đàn ông mang dáng vẻ kẻ cướp nhưng thực ra là không phải kiểu người đó, hoặc là trong trường hợp này ông ta không muốn là kẻ cướp, biến mất khỏi nơi này và đi vào khu nhà ổ chuột, Cipriano Algor liền nổ máy cho chiếc xe hòm lên đường. Dù nhìn tinh đến đâu chắc chắn cũng không thể nhận ra sự thay đổi trong hệ thống giảm xóc và trên những chiếc lốp xe khi lấy đi mười hai chiếcđĩa và một chiếc ấm bằng sứ, sức nặng của chúng quá nhỏ nhoi đối với một chiếc xe tải, dù đó chỉ là hạng trung bình, khác xa với việc đặt lên trên đầu người yêu hạnh phúc mười hai bông hồng bạch và một bông hồng đỏ thắm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ta cũng dùng từ hạnh phúc để nói về cảm giác của Cipriano Algor, người mà giờ này có ai nhìn thấy cũng không thể hình dung được là mới cách đó ít lâu ông chỉ bán được có một nửa lô hàng cho Trung tâm. Cảm giác buồn chán sẽ chỉ trở lại khi ông chợt nhớ lại sự thất bát trong thương vụ vừa rồi lúc xe đã chạy được hai cây số và đi vào Vành đai Công nghiệp. Nhìn các ống khói to lớn đang nhả những cột khói lên trời, ông tự hỏi không biết cái nào trong những nhà máy kia đang sản xuất ra những chiếc đĩa nhựa lừa đảo ngu ngốc, những thứ bắt chước hàng gốm sứ, Làm sao chúng có thể giống được từ tiếng ngân đến độ nặng của sản phẩm gốm sứ chứ, ông tự nhủ, và hơn nữa mối quan hệ giữa nhìn bề ngoài và cảm giác khi tiếp xúc mà ta đã đọc đâu đó trong một quyển sách, cái nhìn qua những ngón tay khi sờ vào đồ gốm sứ, và những ngón tay, dù không đụng chạm đến đồ sứ, vẫn cảm thấy được cảm giác do mắt nhìn thấy tạo nên. Và dường như nỗi đau chưa dừng ở đó, vì Cipriano Algor bỗng nhớ đến những chiếc lò nung gốm xưa cũ của mình, biết bao nhiêu chiếc đĩa, những chiếc khay, bát, chén, tách được những chiếm máy mất dạy kia phun ra trong một phút, bao nhiêu những thứ được chúng làm ra để thay cho những chiếc ấm, những chiếc bình. Những câu hỏi này và nhiều cật vấn khác đã làm cho gương mặt của ông thợ gốm tối sầm lại, và từ đó trong suốt quãng đường đi còn lại, Cipriano Algor băn khoăn trăn trở về tương lai khó khăn đang chờ đón gia đình mình. Trung tâm cứ tiếp tục chỉ coi trọng các loại sản phẩm mới, mà nạn nhân đầu tiên có lẽ là ngành gốm sứ. Nhưng thật đáng khâm phục là không lúc nào Cipriano Algor hối hận vì cử chỉ hào phóng của mình đối với người đàn ông định ăn cắp hàng nếu những lời đồn đại về khu nhà ổ chuột là đúng. Ở cửa ngõ của Vành đai Công nghiệp còn có những nhà xưởng xuềnh xoàng mà người ta không hiểu nổi tại sao chúng vẫn sống sót được trước sự bành trướng tham lam về không gian của những nhà máy khổng lồ sản xuất các mặt hàng hiện đại, nhưng việc chúng vẫn đứng ở đó và được nhìn thấy chúng mỗi khi đi qua đây cũng đã là một niềm an ủi đối với Cipriano Algor nhất là ở những thời khắc băn khoăn lo lắng nhất trong đời trước viễn cảnh tương lai của ngành nghề mình. Sẽ không kéo dài được lâu đâu, ông nhủ thầm, đấy là ý nghĩ của ông về các nhà xưởng, chứ không phải về tương lai của các hoạt động gốm sứ, nhưng đấy là vì ông chưa động não đầy đủ thời gian, chuyện vẫn thỉnh thoảng xảy ra, là ta tin rằng đã có thể khẳng định một sự thật mà không cần chờ đợi những kết luận cuối cùng mặc dù mới đi được nửa đường dẫn đến chân lý ấy. Cipriano Algor đi nhanh qua Vành đai Xanh, thậm chí không nhìn những cánh đồng, cảnh tượng đơn điệu với những hình khối quái dị kéo dài đến vô tận và hết sức bẩn thỉu vốn luôn làm cho ông kinh tởm thì trong lúc tâm trạng nặng nề như thế này ông càng cảm thấy khó chịu hơn nữa trước cảnh đồng không mông quạnh ấy. Giống như kẻ muốn kéo váy áo dài của tượng nữ thần nữ thánh trên bàn thờ lên xem phía dưới đó có đôi chân của con người không haychỉ là hai chiếc cọc sơ sài, đã từ lâu, ông thợ gốm cũng đã từng muốn tò mò dừng xe lại và nấp vào chỗ rình xem có đúng là bên trong những mái che kín kia thực sự có cây cối mọc hay không, có đúng là chúng cho những thứ sản vật có thể ngửi, sờ và cắn được hay không, chúng có những chùm lá, chùm củ và mầm có thể nấu, nêm gia vị và bày lên đĩa, hay chỉ là cảnh buồn thảm bên ngoài đang che đậy đi cái nhân tạo gì đó bên trong, dù gì đi nữa thì cũng nên xem. Sau Vành Đai Xanh, ông thợ gốm rẽ vào một con đường nhánh, đi qua khu vực có dấu tích bẩn thỉu của cánh rừng xa xưa, những mảnh ruộng manh mún, những con sông nhỏ nước đục ngầu và dơ bẩn, sau khúc quanh của con đường xuất hiện những phế tích của ba căn nhà nay đã mất hết cửa và cửa ra vào, mái đã gần như đổ sụp và bên trong mọc đầy cây cỏ dại, những thứ chuyên môn ngốn ngấu các đống đổ nát, cứ như chúng đã từng ẩn mình chờ đợi tới khi người ta đặt nền móng cho đến thời khắc được vươn lên. Cách đó khoảng trăm mét là đến thị trấn nơi con đường chạy xuyên qua ở chính giữa, cắt mấy dãy phố, một quảng trường nho nhỏ ở về hẳn một bên đường, ở đó còn có một chiếc giếng đã bị đóng kín lại với chiếc máy bơm và một chiếc bánh xe bằng sắt lớn nằm khuất dưới bóng hai cây chuối cao. Cipriano Algor chào một số người đang ngồi tán gẫu, nhưng trái với lệ thường khi trở về sau chuyến chở hàng gốm sứ lên Trung tâm, lần này ông không dừng lại, vào những lúc như thế này chẳng ai nghĩ là ông thích chuyện trò, dù là với những người quen biết. Xưởng gốm và căn nhà nơi ông sinh sống cùng con gái và con rể ở về phía đầu kia của thị trấn, giữa đồng, cách xa những căn nhà cuối cùng. Khi vào đến thị trấn, Cipriano Algor đã giảm tốc độ, nhưng bây giờ thì phải đi chậm hơn nữa, con gái ông chắc đã nấu xong bữa trưa, và cũng đã đến giờ ăn rồi. Mình làm gì đây, nên nói trước hay sau bữa ăn nhỉ, ông tự hỏi, Có lẽ nên nói sau bữa ăn thì hơn, mình sẽ để xe ở kho củi, con bé chắc sẽ không đến xem mình mang gì về đâu, hôm nay đâu phải ngày mua bán, như thế hai bố con sẽ điềm tĩnh ngồi ăn uống, tức là con bé sẽ được bình tĩnh ăn, rồi cuối bữa mình sẽ kể cho nó nghe mọi chuyện xảy ra hôm nay, hoặc mình để đến giữa buổi chiều khi cả hai bố con đang làm việc, nói chuyện trước hay sau bữa ăn thì con bé cũng sẽ khổ sở như nhau thôi. Ở cuối thị trấn, con đường lượn một khúc quanh lớn, khi vượt qua căn nhà cuối cùng sẽ thấy một câu dâu lớn cao ít nhất cũng phải trên mười mét, ở đó có xưởng gốm. Rượu vang sẽ được bay ra, phải uống thôi, Cipriano Algor với nụ cười mệt mỏi tự nhủ và nghĩ giá mà nôn được nó ra khỏi miệng thì tốt hơn. Ông lái xe quặt sang bên trái, theo con đường hơi dốc dẫn đến nhà mình, đến giữa đoạn đường, ông bóp còi ba lần để bảo mình đã về đến nó, đó là dấu hiệu như mọi khi, con gái ông sẽ ngạc nhiên nếu hôm nay ông không làm việc này. Căn nhà và xưởng gốm được xây dựng trên một khu đất rộng, có lẽ vốn là khu đất chung của làng mà ở ngay chính giữa lô đất ông nội của Cipriano Algor cũng làm nghề gốm và cũng mang tên như vậy, vào một ngày xa xưa không ai còn nhớ rõ nữa, đã quyết định trồng một cây dâu. Lò nung được xây hơi xa một chút chính là công trình hiện đại hoá mà bố của Cipriano Algor, người cũng mang chính cái tên này, đã làm thay cho chiếc lò nung cổ lỗ trước đây, và nếu nhìn bên ngoài, nó có hình dạng hai khúc gỗ hình chóp chồng lên nhau, cái trên bé hơn cái ở dưới, và cũng không ai nhớ nổi nó có từ bao giờ. Trên nền móng cũ người ta xây lên chiếc lò nung hiện nay chính là nơi làm ra các sản phẩm mà Trung tâm chỉ muốn tiêu thụ có một nửa, và hôm nay, lò đã nguội, nên đang chờ đợi một mẻ nung mới. Cipriano Algor đỗ xe ở kho củi, giữa hai đống củi khô, sau đó tính phải qua khu lò nung một lát để kéo dài thêm thời gian, nhưng chẳng có lý do gì, không như nhiều lần trước đây khi lò còn đang nung ông còn có cớ để đến nhìn vào lò, ước lượng nhiệt độ bên trong qua màu sắc của đồ gốm, xem chúng đã chuyển từ màu đỏ sẫm sang màu đỏ tươi hoặc từ màu đỏ tươi dang màu da cam hay chưa. Ông dừng lại ở đóng củi như hồn vía còn lưu lạc trên đường chưa về kịp, nhưng chính tiếng gọi của con gái đã buộc ông phải đi tiếp. Tại sao bố lại không vào, bữa trưa đã dọn ra rồi. Lo lắng vì sự chậm trễ của bố, Marta ra tận cửa, Bố vào đi, nhanh lên nào kẻo thức ăn nguội mất. Cipriano Algor bước vào nhà, hôn con gái và vào ngay buồng tắm, một căn phòng được xây từ khi ông còn trẻ và từ lâu đã cần phải được nới rộng và thêm tiện nghi. Ông nhìn vào gương, không thấy có thêm nếp nhăn nào trên mặt, Nếp nhăn lặn vào trong lòng mình rồi, chắc vậy, ông tự nhủ, sau đó mở vòi nước, rửa hai tay rồi đi ra. Hai bố con dùng bữa ngay trong bếp, ngồi bên chiếc bàn lớn nơi họ đã từng trải qua những ngày rất hạnh phúc và những cuộc hội ngộ đông đảo hơn. Giờ đây, sau cái chết của người mẹ, Justa Usasca, người mà có lẽ chúng ta sẽ không nói nhiều trong phần còn lại của câu chuyện này, bà ta chỉ còn để lại tên và họ, hai bố con ngồi về một phía bàn, bố ngồi ở đầu bàn, con gái ngồi ở chỗ người mẹ đã để lại, và phía bên kia bàn là chỗ của Marçal Gacho khi có mặt ở nhà. Công việc của bố sáng nay ra sao ạ, Marta hỏi. Tốt thôi, vẫn như mọi khi, người cha trả lời, đầu cúi xuống đĩa thức ăn, Anh Marçal gọi điện thoại về, À, tốt thôi, và thế nó muốn gì, Anh ấy nói là đã nói chuyện với bố về việc sẽ chuyển về sống ở Trung tâm khi chính thức được nhận vào biên chế bảo vệ nội bộ. Ừ, bố và nó có nói chuyện với nhau về việc này, Anh ấy bực mình vì một lần nữa bố nói không đồng ý, Bố chỉ bảo là sẽ suy nghĩ kỹ hơn, bố tin là sẽ có giải pháp tốt cho cả hai, Chuyện gì đã xảy ra với bố, đột nhiên bố lại thay đổi ý kiến như vậy, Có lẽ con không muốn làm thợ gốm trong phần còn lại của đời mình nữa phải không, Không, mặc dù con thích công việc con đang làm, Con phải đi với chồng mình, sau này con còn con cái, ba đời ăn nhờ vào đồ gốm là quá đủ rồi, Thế bố có đồng ý đi với chúng con đến sống ở Trung tâm không, từ bỏ luôn nghề làm gốm đấy, Marta hỏi, Bỏ nghề này ư, không bao giờ, đó là chuyện khác, Thế có nghĩa là bố một mình làm tất cả, đào đất, nhào nặn, nặn hình trên bàn và trên bàn xoay, vác vào lò và nung, dỡ ra, tháo khuôn, lau chùi sau đó đưa lên xe và mang đi bán, con nhắc bố là mọi chuyện ngày càng khó đấy, chắc bố cũng biết sự giúp đỡ của anh Marçal là đáng aquý lắm dù anh ấy chỉ ở đây rất ít thời gian, Bố sẽ tìm được người giúp một tay, trong thị trấn còn khối người, Bố quá biết là chẳng ai muốn làm thợ gốm nữa cả, không có việc đồng áng thì người ta liền ra tìm việc ở các nhà máy trên Vành đai Công nghiệp, chẳng ai muốn rời đất đai rồi đến với đất bùn, Đó cũng là một lý do nữa để con đi phải không, Bố đừng nghĩ là con sẽ để bố ở đây một mình, Thỉnh thoảng con về thăm bố là được rồi, Bố à, xin bố hiểu cho là con đang nói nghiêm túc đấy, Thì bố cũng vậy, con gái ạ. Marta đứng dậy để đổi dĩa và múc xúp cho cả hai bố con, theo đúng thói quen của gia đình bao giờ cũng ăn món xúp cuối cùng. Người cha nhìn con gái và nghĩ, Thế là qua cuộc nói chuyện này mình đã để mọi chuyện trở nên phức tạp quá rồi, tốt hơn hết là kể ngay cho nó biết luôn thể. Ông đã không làm điều này, và đứa con gái bỗng quay về với thời chỉ mới lên tám tuổi để ông nói với nó, Con chú ý nhé, con phải làm như mẹ nhào bột làm bánh mì ấy. Mẹ nhào bột lên phía trước rồi ra phía sau, ấn mạnh xuống rồi kéo dài ra bằng phần sau của lòng bàn tay, đập thật mạnh xuống bàn, ngắt nó ra thành từng cục, ấn mạnh chúng xuống bàn, làm lại như vậy từ đầu, một lần, lần khác nữa, lần nữa, Tại sao phải làm như vậy, con gái hỏi, Để đất thật nhuyễn, không còn vón cục, không còn tạp chất và các bong bóng ở bên trong vì chúng sẽ làm hỏng sản phẩm. Để ống nén đất sang một bên, nó bắt đầu dùng tay nhào. Con đã bắt đầu học được rồi đấy, ông nói, nhưng ngay sau đó ông lại hối hận. Thôi con ra ngoài chơi đi, đi đi nào, trong này lạnh lắm, nhưng đứa con gái trả lời là không muốn đi chơi, rằng nó đang muốn dùng số đất đang còn dính vào các ngón tay làm một con búp bê, mà sao đất này nhão quá, Đất ấy chưa dùng được đâu, con thử làm với đất này xem nào, chắc là được đấy, người bố nói. Marta băn khoăn nhìn bố, thường không bao giờ ông cúi gằm mặt xuống trong khi ăn, dường như ông cố che giấu gương mặt để giấu đi nỗi lo lắng nào đó, có lẽ là tại vì cuộc nói chuyện với Marçal chăng, nhưng về chuyện này hai cha con vừa trao đổi với nhau rồi mà có thấy điều gì hiện trên gương mặt bố đâu, hay là bố bị ốm, mình thấy bố suy sụp, héo hắt hẳn đi, nhớ hôm nào mẹ nói với mình, Cẩn thận đấy con gái ạ, đừng cố quá đấy, và mình đã trả lời mẹ, Công việc này cần sức mạnh của đôi cánh tay và bả vai thôi, các bộ phận khác trong cơ thể chỉ nhìn ngó, Chớ nói điều đó với mẹ, mẹ thấy đau nhức đến tận chân tơ kẽ tóc chỉ sau một giờ nhào nặn đất đấy con ạ. Chắc là gần đây mẹ hơi bị mệt mỏi rồi đấy, Có lẽ tại mẹ bắt đầu già nua rồi, Xin mẹ bỏ ngay những ý nghĩ đó đi, mẹ chưa già tí nào đâu, nào mình đâu có ngờ, chỉ hai tuần lễ sau cuộc nói chuyện đó, mẹ đã ra đi vĩnh viễn, đó chính là những điều bất ngờ mà cái chết đem đến cho cuộc đời. Bố đang nghĩ gì nhỉ. Cipriano Algor dùng khăn lau miệng, cầm ly lên định uống nhưng lại để ngay xuống bàn thậm chí chưa đưa gần đến mối. Bố nói đi, nói điều gì đi chứ, con gái giục, và để mở đường thoát cho những lúng túng, cô gái hỏi, Bố vẫn băn khoăn vì lỗi lầm của Marçal à hay bố có chuyện buồn gì khác. Cipriano Algor lại cầm ly lên, uống một hơi hết số rượu còn lại, và trả lời nhanh, cứ như ngôn từ đang đốt cháy lưỡi của mình vậy. Họ chỉ nhận có một nửa lô hàng thôi, họ nói rằng hiện nay ít người mua đồ gốm sứ, rằng đã bán được nhiều đĩa chén bằng nhựa giả gốm sứ, và rằng bây giờ khách hàng đang ưa chuộng loại hàng này hơn. Chẳng có gì bất ngờ cả, trước sau gì thì chuyện đó cũng xảyra, đồ sứ dễ sứt mẻ, hơi đụng mạnh là vỡ, trong khi đồ nhựa bền hơn, không bị vỡ, Cái khác chính là đồ sứ giống như con người luôn luôn cần được giữ gìn cẩn thận, Đồ nhựa cũng vậy thôi, nhưng đỡ hơn, Thế nhưng điều tệ nhất lại là họ bảo bố không được mang đồ sứ đến nữa, cho đến khi nào họ yêu cầu, Thế thì ta ngừng công việc lại thôi, Ngừng ư, không được đâu, khi hợp đồng đến ta phải có hàng để chuẩn bị sẵn để giao ngay trong ngày, chứ không lúc đó mới cuống cuồng đốt lò lên thì làm sao kịp được, Thế trong lúc này chúng ta sẽ làm gì, Chờ, phải kiên nhẫn thôi, ngày mai bố thử đi một vòng xem liệu có bán được gì hay không, Bố nhớ lại đi, cách đây hai tháng bố đã từng đi tìm mối tiêu thụ mà chẳng có mấy ai chịu mua cả, Con đừng làm bố nản chí nữa, Con chỉ muốn nhìn sự việc đúng như nó có mà thôi, chính bố vừa nói với con là ba thế hệ làm đồ gốm đã quá đủ rồi đúng không nào, Sẽ không có thế hệ thứ tư nữa, con sẽ đến sống ở Trung tâm với chồng rồi còn gì, Con sẽ đi, đúng thế, nhưng bố cũng sẽ phải đi với con, Bố đã nói là không bao giờ con thấy bố sống ở Trung tâm đâu, Thì chính Trung tâm đã nuôi chúng ta từ bấy lâu nay rồi, nó mua sản phẩm của chúng ta, nó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta khi hai bố con mình đến sống ở đó dù ta chẳng có gì để bán, Nhờ vào tiền lương của Marçal chứ gì. Chẳng có gì đáng xấu hổ nếu con rể nuôi bố vợ cả, Cái đó còn tuỳ thuộc vào ông bố vợ là người thế nào, Bố ơi, tự hào đến mức đó thì chẳng tốt nữa đâu bố ạ, Đó không phải là tự hào, Thế là cái gì, Bố không thể giải thích cho con hiểu, nó phức tạp hơn sự tự hào, nó là chuyện khác, một thứ thể diện, một thứ xấu hổ, nhưng xin lỗi nhé, bố thừa nhận là đáng lý không nên nói ra những gì bố đã nói, Điều con mong muốn là không để bố phải thiếu thốn, Có thể bắt đầu bán cho những thương nhân trong thành phố, vấn đề là Trung tâm phải cho phép, nếu mua ít đi thì Trung tâm không có quyền cấm bố bán hàng cho người khác, Bố biết rõ hơn con là những thương nhân trong thành phố đang khó khăn lắm mới tồn tại được, tất cả mọi người đều mua hàng ở Trung tâm, Bố thì không hề muốn, Thế bố sẽ làm gì nếu Trung tâm không mua đồ gốm sứ của chúng ta nữa và mọi người chỉ dùng rặt đồ nhựa thôi, Bố hy vọng mình sẽ chết trước khi điều đó xảy ra, Mẹ đã chết trước khi chuyện đó xảy ra rồi, Mẹ con chết khi làm việc, mong sao bố cũng được như vậy, Xin đừng nói đến chuyện chết chóc nữa, bố ơi, Trong khi còn sống thì ta phải nói đến chuyện chết, còn khi chết rồi còn nói gì nữa. Cipriano Algor uống thêm tí rượu vang nữa, dứngdậy, lấy mu bàn tay chùi miệng cứ như thói quen lịch duyệt sau khi ăn đã trở nên lỗi thời vậy, và nói, Bố phải đi đào đất mới đây, số cũ sắp hết rồi, ông sắp đi ra khỏi phòng thì con gái gọi giật lại, Bố ơi, con có ý này, Ý gì, Vâng, gọi điện thoại cho anh Marçal bảo anh ấy nói chuyện với tay trưởng phòng cung ứng dò hỏi xem ý đồ thực sự của Trung tâm trong việc hạn chế mua hàng là lâu dài hay trong một thời gian ngắn, bố biết rằng Marçal được cấp trên khá tín nhiệm đấy, Ít ra thì đó cũng là điều nó nói với chúng ta, Anh ấy nói đúng đấy, Marta sốt ruột cãi lại và nói thêm, Nhưng nếu bố không muốn thì con không gọi đâu, Con chưa gọi đi, ừ, cứ gọi đi, đó là ý tốt đấy, hiện tại đó làcách tốt nhất, mặc dù bố ngại rằng tay trưởng phòng của Trung tâm chẳng sẵn lòng làm việc này đâu, không dưng hắn chịu giải thích cho một anh chàng bảo vệ hạng hai biết lý do mà cấp trên của hắn đưa ra ư, bố biết được lòng dạ của lũ người này, chúng cứ tưởng mình là vua của cả vũ trụ, hơn nữa một tay trưởng phòng chỉ là một chỉ huy cấp thấp, phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, thậm chí còn có thể đánh lừa chúng ta bằng những lời giải thích tào lao chỉ để ra vẻ mình là người quan trọng. Marta lắng nghe bài thuyết giảng dài dòng đến cùng, nhưng không nói lại câu nào. Vâng, đương nhiên thôi, cha phải là người có lời cuối cùng, con gái không thể tranh giành quyền uy đó của ông được. Nhưng khi ông đi ra ngoài, Marta liền nghĩ thầm, Mình phải thông cảm với bố, đặt mình vào địa vị của bố, thử hình dung xem bỗng nhiên mất việc làm, phải rời xa ngôi nhà, rời xa nghề làm gốm, xa lò nung, xa rời cuộc sống. Cô nói to lại mấy chữ cuối, Xa rời cuộc sống, và lúc đó hai mắt tối sầm lại, Marta đã ở vào cương vị của bố và đau nỗi đau mà bố đang phải chịu đựng. Cô nhìn xung quanh và lần đầu tiên nhận ra mọi vật đều bao phủ bằng đất sét, không phải vẻ dơ bẩn của đất, mà chỉ có màu của đất, là thứ màu của tất cả các màu sắc ở khu khai thác đất sét quyện lại, màu mà hết ngày này qua tháng khác cả ba thế hệ đã nhuốm đẫm hai bàn tay, và ngoài ra còn màu của tro rực cháy trong lò nung, của tro lúc lò còn ấm sau khi lấy hết sản phẩm ra như trong một căn nhà khi những người chủ đã ra đi nhưng nó vẫn kiên nhẫn chờ đợi, và ngày mai khi mọi việc chưa kết thúc vĩnh viễn, một lần nữa củi lại được đốt lên, niềm an ủi nóng bỏng đầu tiên lại trùm lên những sản phẩm đất sét khô và sau đó, dần dần, cơn bão khí, cuồng phong, bình minh rực lửa tràn ngập trong lò nung. Ta sẽ không bao giờ nhìn thấy cảnh tượng này nữa khi chúng ta đi khỏi đây, Marta nói và tự thấy tim mình thắt lại như khi phải đưa tiễn người thân yêu nhất,mà lúc này chưa biết nói về ai, phải chăng là người mẹ đã mất, hoặc người bố đang buồn khổ, hay người chồng, Ừ, cũng có thể là người chồng lắm chứ, đương nhiên trên cương vị người vợ của anh ấy. Marta nghe thấy tiếng vồ đập đất như đang vang lên từ trong lòng đất, nhưng hôm nay sao cô thấy tiếng động khác quá, có lẽ vì nó không còn là tiếng thúc giục đi làm việc, mà là nỗi bực dọc của kẻ đã mất việc làm. Mình phải đi gọi điện ngay, Marta nhủ thầm, trong lòng phấp phỏng sợ chuyện này cũng có kết cục buồn mất. Cô rời bếp đi đến phòng ngủ của bố. Ở đó, trên chiếc bàn nhỏ, nơi Cipriano Algor vẫn ngồi tính toán mọi thu nhập và chi tiêu của lò gốm, có chiếc điện thoại kiểu cổ lỗ. Cô quay số tổng đài và xin được nối với bộ phận an ninh, gần như ngay tức khắc vang lên tiếng đàn ông khô khốc, Đây là bộ phận an ninh, việc kết nối và trả lời nhanh chóng không làm cô ngạc nhiên vì ai cũng biết bất cứ chuyện gì liên quan đến an ninh, dù nhỏ nhặt nhất cũng được ưu tiên giải quyết trong giây lát. Tôi muốn nói chuyện với nhân viên bảo vệ hạng hai Marçal Gacho, Marta nói, Ai ở đầu dây đó ạ, Tôi là vợ của anh ấy, tôi gọi từ nhà, Nhân viên bảo vệ hạng hai Marçal Gacho lúc này đang trực, không bỏ vị trí được, Thế thì làm ơn chuyển hộ anh ấy lời nhắn, Cô là vợ anh ấy, Vâng tôi là vợ anh ấy, tôi tên là Marta Algor Gacho, ông có thể kiểm tra lại ở đó, Thế thì cô chớ quên là chúng tôi không truyền đạt lời nhắn gửi, chỉ ghi lại tên ai đã gọi đến mà thôi. Tôi chỉ nhắn anh ấy gọi ngay về nhà càng sớm càng tốt, Khẩn ư, tiếng nói hỏi lại. Marta phải suy nghĩ lại hai lần, khẩn cấp, không khẩn, chảy máu thì không phải, vấn đề nghiêm trọng ở lò nung cũng không phải, đẻ non lại càng không phải, nhưng cuối cùng cô vẫn trả lời, Vâng ạ, thực tế cũng hơi khẩn một chút, Tôi đã ghi đây rồi, người đàn ông nói, và cúp máy. Marta thở dài nhẫn nhục, bỏ ống nghe xuống, không có việc gì khác để làm nữa, An ninh không tồn tại nếu không lên mặt với mọi người, kể cả trong những trường hợp vớ vẩn như bây giờ, quá bình thường, chuyện hàng ngày, một người phụ nữ gọi điện đến Trung tâm vì cần nói chuyện với chồng mình, cô không phải là người đầu tiên và chắc chắn cũng chẳng phải là người cuối cùng. Khi Marta ra ngoài sân thì thấy tiếng vồ không còn như từ lòng đất vọng lên nữa mà biết chắc là vọng đến từ chỗ góc khuất của xưởng gốm nơi cất đất sét lấy từ mỏ về, cô đi lại phía cửa, nhưng không đi qua ngưỡng cửa, Con đã gọi điện thoại, cô nói, họ đồng ý sẽ nhắn lại với anh ấy, Chúng ta hy vọng là họ sẽ làm như thế, người cha trả lời, và không nói thêm lời nào nữa rồi tiếp tục đập thật mạnh, vỗ vào tảng đất to nhất phía trước. Marta quay lưng đi ra vì biết là không nên vào nơi đã được bố chọn để ở một mình, và bản thân cô cũng có việc phải làm, hơn chục chiếc ly lớn, nhỏ đang chờ cô ghép quai. Cô đi vào cửa gian bên cạnh