ồi 103 683 trấn tĩnh. Nó đã đeo đuổi con mồi của mình một cách vô ích. Con bướm xinh đẹp mới chào đời không quay trở lại. Nó đưa cái chân lông lá lên cọ cọ đầu bụng dưới rồi đi về phía đầu cành để thu hồi cái vỏ kén bị bỏ lại. Đây là loại vật dụng luôn có ích trong một tổ kiến. Nó có thể được dùng làm vò đựng mật sâu cũng như bình nước di động. 103 683 lau chùi râu rồi rung chúng với vận tốc 12 000 dao động/giây để phát hiện xem liệu còn gì khác thú vị vảng vất quanh đó không. Không thấy bóng dáng của con mồi nào. Kệ vậy. 103 683 là một con kiến đỏ hung thuộc thành phố liên bang Bel-o-kan. Nó đã một tuổi rưỡi, tương ứng với bốn mươi tuổi ở loài người. Nó thuộc đẳng cấp lính trinh sát vô tính. Nó giương cặp râu cuộn lại lên khá cao. Dáng cổ cùng dáng lồng ngực cho thấy nét tính cách ngày càng trở nên quả quyết ở nó. Một trong những bộ phận lau cựa ở đốt ống của nó đã gãy nhưng tổng thể các bộ phận trong nó vẫn ở tình trạng vận hành hoàn hảo, dù trên mình nó ngoằn ngoèo những vết rạch. Đôi mắt nhỏ hình bán cầu của nó nhìn xét mọi vật qua cái màng rây của những ô nhãn cầu. Nhìn ở góc rộng. Nó có thể đồng thời thấy được phía trước, đằng sau và ở trên. Không có gì động đậy xung quanh. Chẳng nên mất thời gian ở đây nữa. Nó bò xuống khỏi cái cây con bằng cách sử dụng lớp lông mềm nằm dưới đầu các chân. Đám lông nhỏ xíu loằng ngoằng này tiết ra một thứ chất dính giúp nó di chuyển trên những bề mặt vô cùng láng bóng, thậm chí di chuyển theo chiều thẳng đứng và thậm chí cả trong tư thế lộn ngược. 103 683 đi theo một con đường tỏa mùi thơm và tiến về phía thành phố mình. Quanh nó, cỏ vươn lên thành những cây đại thụ xanh cao. Nó gặp rất nhiều kiến thợ Bel-o-kan đang chạy trên cùng những con đường tỏa mùi như nhau. Đôi chỗ, các công nhân kiến đã đào đường ngầm để đồng loại đi qua không bị khó chịu dưới ánh mặt trời. Một con sên vô ý băng qua đường của bầy kiến. Đám kiến lính đuổi nó khỏi đó ngay lập tức bằng cách dùng đầu hàm dưới chích vào nó. Sau đấy, chúng lau sạch đống dãi mà con sên nhả ngang đường. 103 683 gặp một con côn trùng rất kỳ quặc. Nó chỉ có một cánh và bò sát mặt đất. Nhìn gần hơn thì đó chỉ là một con kiến đang mang một cái cánh chuồn chuồn. Chúng chào hỏi nhau. Con kiến săn mồi này may mắn hơn nó. Bởi trở về trong tình trạng trắng tay hay mang được về một cái vỏ kén bướm chẳng khác nhau là mấy. Bóng Cấm Thành bắt đầu hiện ra. Rồi bầu trời hoàn toàn biến mất. Chỉ còn lại một khối những cành con dày đặc. Đây chính là Bel-o-kan. Được tạo lập bởi một kiến chúa đi lạc (Bel-o-kan có nghĩa là “Cấm Thành của kiến đi lạc”), bị đe dọa bởi các cuộc chiến tranh liên-kiến, các cơn lốc xoáy, mối, ong vò vẽ, chim, thành phố Bel-o-kan tự hào vẫn trụ vững được từ hơn năm nghìn năm nay. Bel-o-kan, tổng hành dinh của kiến đỏ hung trong rừng Fontainebleau. Bel-o-kan, lực lượng chính trị lớn nhất vùng. Bel-o-kan, tổ kiến khai sinh phong trào tiến hóa Myrmécéen. Mỗi mối đe dọa lại khiến thành phố thêm vững chãi. Mỗi cuộc chiến tranh lại khiến thành phố thêm thiện chiến. Mỗi lần thất bại lại khiến cư dân thành phố thêm thông minh. Bel-o-kan, thành phố ba mươi sáu triệu con mắt, một trăm lẻ tám triệu cái chân, mười tám triệu bộ não. Sống động và huy hoàng. 103 683 biết hết mọi ngõ ngách, mọi cây cầu ngầm trong Cấm Thành. Thời thơ ấu, nó từng đến thăm những căn phòng trồng loài nấm trắng, những căn phòng vắt sữa rệp và những căn phòng nơi có các cá thể chứa nước im lìm bất động, treo mình trên trần. Nó từng chạy khắp các hành lang Cấm Thành, xưa kia vốn được lũ mối đào sâu trong gỗ của một gốc thông. Nó chứng kiến toàn bộ quá trình đổi mới dưới thời tân kiến chúa Chli-pou-ni, người bạn trước đã cùng nó phiêu lưu khắp chốn. Chính Chli-pou-ni là con kiến phát minh ra “phong trào tiến hóa”. Nó đã từ chối danh hiệu tân Belo-kiu-kiuni để tạo lập vương triều riêng của mình: vương triều của các kiến chúa Chli-pou-ni. Nó thay đổi đơn vị đo không gian: không còn là đầu (3 milimét), mà là bước chân (1 xentimét). Bởi các cư dân Bel-o-kan ngày càng đi xa hơn nên phải có một đơn vị đo lớn hơn. Trong khuôn khổ phong trào tiến hóa, Chli-pou-ni cho xây dựng Thư viện hóa học và đặc biệt, nó chào đón tất thảy các loài động vật cộng sinh mà nó sẽ nghiên cứu để tạo ra những pheromon động vật. Hơn nữa nó còn gắng thuần hóa các loài bay và bơi. Bọ hung và niềng niễng... Lâu lắm rồi, 103 683 và Chli-pou-ni không gặp nhau. Thật khó để có thể lại gần kiến chúa trẻ, vốn rất bận rộn với việc đẻ trứng và cải tổ thành phố. Song con kiến lính không vì vậy mà lãng quên những lần phiêu lưu chúng trải qua cùng nhau dưới lòng Cấm Thành, cuộc điều tra chúng tiến hành cùng nhau nhằm khám phá vũ khí bí mật, con sâu cánh cứng tiết ra chất gây nghiện cố tìm cách đầu độc chúng, cuộc chiến chống lại đám kiến gián điệp tỏa mùi đá. 103 683 cũng nhớ cuộc hành trình vĩ đại về hướng Đông của nó, cái lần nó tiếp cận với bờ rìa của thế giới, của xứ sở những Ngón Tay nơi mọi sinh vật sống đều chết. Đã nhiều lần con kiến lính yêu cầu gây dựng một đội quân viễn chinh mới. Câu trả lời nó nhận được là ở đây có quá nhiều việc phải làm nên không thể tung ra những đoàn kiến cảm tử nơi vùng biên hành tinh. Tất cả những điều ấy đều đã thuộc về quá khứ. Thông thường, loài kiến chẳng bao giờ nghĩ đến quá khứ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến tương lai. Nhìn chung, chúng thậm chí còn không ý thức được sự tồn tại của mình trong tư cách một cá thể. Không hề có khái niệm “tôi”, “của tôi” hay “của anh”, chúng chỉ hiện hữu qua cộng đồng hay vì cộng đồng. Vì không ý thức được về bản thân nên chúng cũng chẳng e sợ gì cái chết. Loài kiến không hề biết đến trạng thái âu lo hiện sinh. Nhưng ở con 103 683 đã diễn ra một sự biến đổi. Cuộc hành trình đến nơi tận cùng thế giới làm nảy sinh trong nó chút ý thức về cái “tôi”, dĩ nhiên là còn rất sơ đẳng song như thế đã rất khó đảm đương rồi. Ngay khi suy nghĩ về bản thân manh nha xuất hiện thì các vấn đề “trừu tượng” cũng nổi lên theo. Ở loài kiến, hiện tượng này được gọi là “bệnh tâm trạng”. Căn bệnh thường ảnh hưởng đến các con hữu tính. Theo đạo lý Myrmécéen, chỉ riêng việc tự vấn: “Liệu tôi có mắc bệnh tâm trạng không?” đã cho thấy kẻ tự vấn bị nhiễm bệnh trầm trọng rồi. Vì vậy, 103 683 cố không đặt cho mình những câu hỏi. Nhưng quả là khó... Quanh nó giờ đây, con đường đã được mở rộng. Mật độ giao thông trở nên dày đặc đáng kể. Nó giao tiếp bằng râu với đám đông, ráng sức cảm nhận dù chỉ một phân tử nhỏ bé giữa đám đông đang vượt qua nó. Những kẻ khác, được là những kẻ khác, sống xuyên qua những kẻ khác, cảm giác bị chậm lại bởi những gì xung quanh, còn gì đáng vui vẻ hơn thế? Nó nhảy nhót trên con đường thênh thang đông nghịt. Đây là con đường dẫn đến khu vực phụ cận cổng thứ tư của Cấm Thành. Như mọi khi, quang cảnh chỗ này thật lộn xộn! Ở đó đông đúc tới nỗi lối đi tắc nghẽn. Cần phải mở rộng cổng vào số 4 và đề ra một số kỷ luật trong lưu thông. Chẳng hạn, kiến nào chở mồi săn nhỏ nhất sẽ phải nhường chỗ cho những con khác. Hoặc giả kiến trở về sẽ phải giành được quyền ưu tiên so với kiến đi ra. Song thay vì vậy, lại chỉ có tắc đường, vấn nạn của tất cả các đô thị lớn! Về phần mình, 103 683 không vội gì phải mang cái vỏ kén rỗng tồi tàn trở về. Trong lúc đợi mọi thứ chồng đống lên nhau, nó quyết định dạo chút xíu quanh bãi rác. Hồi còn trẻ, nó mê mẩn với việc chơi đùa trong rác. Cùng các bạn hữu thuộc đẳng cấp chiến binh, nó tung những cái sọ lên và tìm cách nhắm trúng những cái sọ lơ lửng trên không ấy bằng một tia axit. Cần phải ép thật nhanh hạch tiết độc. Vả chăng, đó cũng chính là cách 103 683 trở thành thiện xạ. Tại đây, tại bãi rác này, nó đã học được cách rút vũ khí và nhắm bắn với vận tốc của một cái đập hàm. Ồ, bãi rác... Loài kiến luôn xây bãi rác trước khi xây đô thị. Nó vẫn nhớ một con kiến đánh thuê ngoại bang, lúc đến Bel-o-kan lần đầu tiên, đã phát đi câu hỏi: “Tôi đã thấy bãi rác, thế Cấm Thành ở đâu?” Cần phải thừa nhận một điều, mấy ngọn đồi cao hình thành từ những bộ xương, những vỏ ngũ cốc và những loại rác thải khác nhau kia luôn có xu hướng tràn ngập các vùng lân cận thành phố. Một số lối vào (Cứu với!) đã bị những thứ ấy làm tắc nghẽn và thay vì dẹp gọn chúng, lũ kiến lại ưu tiên cách đào những lối đi mới. (Cứu với!) 103 683 quay lại. Hình như nó thấy có con kiến nào đó vừa rên siết một mùi. Cứu với! Lần này thì nó tin chắc là có. Một mùi giao tiếp rõ rệt bốc lên từ đống uế tạp này. Rác bắt đầu biết nói ư? Nó tiến lại gần, dùng đầu râu lục lọi một chồng xác chết. Cứu với! Chính là một trong ba cái xác kia đã phát đi câu cầu cứu. Nằm sát bên nhau là một cái đầu bọ rùa, một cái đầu châu chấu và một cái đầu kiến đỏ hung. Nó chạm vào cả ba cái và phát hiện ra chút mùi sống nhỏ nhoi tỏa đi từ mấy cái râu trên mẩu còn sót lại của con kiến đỏ hung. Thế là con kiến lính túm lấy cái sọ giữa hai chân trước và giữ cho nó nằm đối diện với sọ mình. Có vài điều phải được biết đến, cái đầu dơ bẩn phát đi thông điệp, một cái râu trơ trọi vẫn cắm vụng về trên cái đầu ấy. Thật kinh tởm! Một cái sọ mà vẫn còn muốn bày tỏ! Hẳn con kiến này chưa đủ đứng đắn để chấp nhận cái chết thanh thản! Trong thoáng chốc, 103 683 cảm thấy muốn quăng cái sọ ấy lên không trung rồi nghiền nát cái sọ bằng một tia axit chính xác như ngày xưa nó vẫn làm một cách thích thú. Song không chỉ tính tò mò ngăn nó lại: Phải luôn đón nhận các thông điệp từ những kẻ muốn phát đi là một câu cách ngôn Myrmécéen cổ. Trao đổi râu, 103 683 cho hay, tuân thủ câu cách ngôn, nó sẽ đón nhận tất cả những gì cái đầu xa lạ kia muốn phát đi. Càng lúc cái sọ càng cảm thấy khó khăn trong suy nghĩ. Song nó biết mình phải ghi nhớ một thông tin quan trọng. Nó biết mình phải đưa mọi suy nghĩ lên phía trên chiếc râu duy nhất còn sót lại để cái con kiến mà trước đây nó vẫn tìm cách duy trì sinh mạng đã không sống uổng phí. Nhưng vì không gắn với tim nữa nên cái sọ không được tưới ẩm. Các nếp nhăn trong não nó thậm chí còn hơi khô. Bù vào đó, hoạt động điện lại tỏ ra hiệu quả. Vẫn còn một vũng nhỏ các nơ ron trung chuyển trong não. Tận dụng chút ẩm ướt ít ỏi này, các nơ ron kết nối với nhau, vài dấu hiệu chập điện chứng tỏ các suy nghĩ đã lưu thông đáng kể. Mọi thứ bắt đầu quay trở lại. Chúng có ba con. Ba con kiến. Nhưng thuộc loài nào? Thuộc loài kiến đỏ hung. Những con kiến đỏ hung nổi loạn! Tổ của chúng? Bel-o-kan. Chúng thâm nhập vào Thư viện hóa học để... Để đọc một pheromon trí nhớ vô cùng kỳ lạ. Thế pheromon đó nói đến chuyện gì? Nói đến chuyện gì đấy quan trọng. Quan trọng tới mức đám kiến canh gác liên bang đã săn đuổi chúng. Hai bạn nó tử trận. Bị bọn kiến chiến binh hạ sát. Cái sọ khô đi. Ba cái chết vô ích nếu nó lãng quên. Nó phải khôi phục thông tin. Nó phải làm thế. Nó phải làm thế. Đối diện với những hình cầu thị giác của cái sọ, có một con kiến đang hỏi đến lần thứ năm xem nó phải thông báo những gì. Một vũng máu mới trong não được phát hiện. Có thể dùng để tiếp tục các suy nghĩ. Sự kết hợp điện hóa học được thực hiện giữa một mảng trí nhớ trọn vẹn và hệ thống thu-phát. Được tiếp sức nhờ năng lượng của vài protein và đường còn sót lại trong thùy trán, bộ não đã chuyển thành công một thông điệp. Chli-pou-ni muốn phát động một cuộc thập tự chinh hòng giết tất cả BỌN CHÚNG. Cần phải cảnh báo gấp những kẻ nổi loạn. 103 683 không hiểu. Con kiến này, hay đúng ra là cái mẩu vụn của con kiến này, đang nói đến “thập tự chinh” và “những kẻ nổi loạn”. Chẳng lẽ có những kẻ nổi loạn trong Cấm Thành? Chuyện này mới mẻ đây! Nhưng con kiến lính cảm thấy cái sọ không thể đối thoại được lâu. Không nên làm mất dù chỉ một phân tử vì những phân tán vô ích. Trước một câu nói gây hoang mang như vậy thì hỏi câu gì là tốt nhất? Ngôn từ thoát ra khỏi mấy cái râu con kiến lính. Tôi có thể gặp “những kẻ nổi loạn” ấy ở đâu để cảnh báo? Cái sọ lại nỗ lực thêm lần nữa, nó rung lên. Ở phía trên mấy chuồng bọ tê giác mới... Một cái trần giả... 103 683 quyết định được ăn cả ngã về không. Cuộc thập tự chinh đánh vào kẻ nào? Cái sọ run rẩy. Râu nó rung lên. Liệu nó có khạc ra nổi nửa pheromon cuối cùng? Một mùi hấp hơi, gần như có thể cảm thấy được bằng râu, toát ra. Nó chỉ chứa một từ tỏa mùi duy nhất. 103 683 chạm vào nó bằng đốt cuối cùng ở phần phụ giác quan của mình. Nó hít hà. Nó biết từ này. Thậm chí nó còn quá biết là đằng khác. Những Ngón Tay. Giờ đây, râu của cái sọ đã hoàn toàn khô kiệt. Chúng co rúm lại. Không còn chút mùi thông tin gì tỏa ra từ cái cục đen kia nữa. 103 683 sửng sốt. Một cuộc thập tự chinh tàn sát tất cả các Ngón Tay... Một cách triệt để. 10. BƯỚM ĐÊM, XIN CHÀO Tại sao bỗng dưng ánh sáng lại tắt? Dĩ nhiên con bướm cảm thấy lửa bén vào đôi cánh nó nhưng nó vẫn sẵn sàng nếm trải giây phút ngất ngây trong ánh sáng... Nó đã gần đạt được điều ấy, cái cảm giác hòa quyện vào hơi nóng này! Con bướm sư tử thất vọng quay lại rừng Fontainebleau và bay lên cao, cao mãi trên bầu trời. Nó bay rất lâu mới đến được nơi nó kết thúc quá trình biến hình của mình. Từ trên trời cao, nhờ vào hàng nghìn ô mắt, nó phân biệt được rõ rệt sơ đồ vùng. Ở vị trí trung tâm là tổ kiến Bel-o-kan. Khắp xung quanh là những thành phố nhỏ và những ngôi làng đã được các kiến chúa đỏ hung quy hoạch. Chúng gọi cái tổng thể này là “liên bang Bel-o-kan”. Quả vậy, cái liên bang ấy đóng vai trò chính trị quan trọng tới nỗi giờ nó đã trở thành một đế chế. Trong rừng, không kẻ nào dám thắc mắc gì về quyền bá chủ của bầy kiến đỏ hung. Chúng là những kẻ thông minh nhất, những kẻ có tổ chức tốt nhất. Chúng biết sử dụng các công cụ, chúng từng đánh bại bọn mối và lũ kiến lùn. Chúng hạ gục những con vật lớn hơn chúng cả trăm lần. Không kẻ nào trong rừng nghi ngờ việc chúng là những chủ nhân thực sự của thế giới, những chủ nhân duy nhất. Ở phía Tây Bel-o-kan, các lãnh thổ nguy hiểm trải dài, nhung nhúc mạng nhện và bọ ngựa. (Con bướm, hãy cẩn trọng!) Ở phía Tây Nam, một vùng có vẻ bớt hoang dã hơn bị ong độc, rắn và rùa chiếm đóng. (Nguy hiểm.) Ở phía Đông là tất cả các loài quái vật bốn, sáu hoặc tám chân và cũng chừng ấy miệng ăn, chừng ấy răng móc và chừng ấy ngòi nọc tiết độc, đè bẹp, nghiền nát, hóa lỏng. Ở phía Đông Bắc là toàn bộ đô thị ong mới, tổ ong Askoleïn. Sống tại đó là những con ong hung dữ, những con ong luôn lấy cớ mở rộng lãnh thổ thu hoạch phấn hoa để phá hủy nhiều tổ ong vò vẽ. Xa hơn nữa về phía Đông, tọa lạc dòng sông mang tên “ĂnSạch” bởi nó ngốn trong chốc lát hết thảy những gì có trên bề mặt. Lý do khiến người ta phải thận trọng. Kìa, một đô thị mới đã xuất hiện ven sông. Tò mò, con bướm sáp lại gần. Lũ mối hẳn mới xây xong đô thị ấy. Đại pháo được đặt trên các tháp phòng ngự cao nhất hẳn là để hạ ngay tại trận những kẻ không mời mà đến. Nhưng cái kẻ không mời mà đến kia lại bay lượn ở vị trí quá cao để có thể bị những kẻ khốn khổ này làm cho lo lắng. Con bướm sư tử đổi hướng, bay lên trên những vách đá ở phía Bắc, những dãy núi dốc đứng bao quanh cây sồi cổ thụ. Rồi nó lượn xuống phía Nam, xứ sở của đám bọ que và nấm đỏ. Đột nhiên, nó định vị được một con bướm cái đang phát ra mùi mạnh nhất từ các hoóc môn sinh dục của mình, mùi ấy bay lên tận độ cao chỗ nó. Nó vội lao đi để nhìn con bướm cái gần hơn. Màu sắc con bướm cái còn rực rỡ hơn màu sắc của nó. Con bướm cái mới đẹp làm sao! Nhưng nó cứ bất động đến lạ lùng. Thật kỳ quặc. Nó cũng tỏa hơi, cũng mang hình dạng và vẻ chắc chắn của một con bướm cái, có điều... Nhục quá! Đó là một bông hoa, để ngụy trang, bông hoa ấy tự biến mình thành thứ vốn không phải là mình. Ở loài lan này, mọi thứ đều giả dối: mùi, cánh, màu. Chỉ đơn thuần là trò lừa gạt của đám thực vật! Than ôi! con bướm sư tử phát hiện ra điều này quá muộn. Chân nó đã dính nhựa. Nó không thể cất cánh thoát khỏi đó được nữa. Con bướm sư tử đập cánh mạnh tới nỗi tạo ra một luồng khí, luồng khí này khiến cánh một bông bồ công anh bay lên như sao. Con bướm nhẹ nhàng trượt trên mép bông lan trũng lòng. Thực tình mà nói, bông hoa này chính là một cái dạ dày há mõm, tận cùng trong cái lòng trũng của nó ẩn giấu tất cả các loại axit tiêu hóa giúp một bông hoa có thể ăn thịt một con bướm. Đó đã là hồi kết chưa? Chưa. May mắn hiện diện dưới dạng hai Ngón Tay cong lại thành hình cái kẹp túm lấy cánh con bướm và giải thoát nó khỏi hiểm họa để rồi quẳng nó vào một cái lọ trong suốt. Cái lọ vượt qua một khoảng cách lớn. Sau đó, con bướm non bị đưa vào một vùng sáng chói. Những Ngón Tay lôi nó ra khỏi lọ, phết một chất màu vàng rất thơm lên mình nó khiến cánh nó cứng lại. Không thể bay được nữa rồi! Tiếp đến, những Ngón Tay lấy một cái cọc khổng lồ mạ crom phía trên treo một hình cầu màu đỏ và, bằng một cú dứt khoát... đâm sâu vào tim nó. Thay vì đặt một tấm bia mộ, những Ngón Tay đặt một cái nhãn ngay trên đầu nó: “Papillonus vulgaris”. 11. BÁCH KHOA TOÀN THƯ CÚ SỐC GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH: Thời điểm gặp gỡ giữa hai nền văn minh luôn là một thời điểm tế nhị. Việc những người phương Tây đầu tiên đặt chân lên khu vực Trung Mỹ từng là cơ hội gây ra nhiều nhầm lẫn lớn lao. Tôn giáo Aztèque dạy rằng một ngày nào đó, các sứ giả của Quetzalcoatl, thần rắn đội lông vũ, sẽ tới Trái đất. Họ có nước da sáng, họ cưỡi trên những con vật to lớn bốn chân và họ khạc ra sấm để trừng phạt những kẻ nghịch đạo. Thế là vào năm 1519, khi các kỵ sĩ Tây Ban Nha vừa cập bến bờ biển Mexico, người Aztèque đã nghĩ rằng đó là những “Teules” (thần thánh trong tiếng Nahuatl). Tuy nhiên, ngay năm 1511, tức là chỉ vài năm trước sự xuất hiện này, một người đàn ông đã cảnh báo họ phải đề phòng. Guerrero là một thủy thủ Tây Ban Nha bị đắm tàu trên bờ biển Yucatán lúc các đội quân của Cortés còn trú lại trên những hòn đảo thuộc Saint-Dominique và Cuba. Guerrero dễ dàng khiến người dân địa phương chấp nhận mình và kết hôn với một cô gái bản xứ. Ông cho họ biết những Kẻ Chinh Phục sắp cập bến nơi đây. Ông đảm bảo đó chẳng phải thần thánh cũng chẳng phải sứ giả của thần thánh. Ông cảnh báo họ phải đề phòng những kẻ kia. Ông dạy họ cách làm nỏ để tự vệ. (Cho tới thời điểm ấy, người Da đỏ chỉ sử dụng mũi tên và rìu có đầu gắn đá vỏ chai; vậy nhưng nỏ lại là thứ vũ khí duy nhất khả dĩ xuyên thủng đống áo giáp kim loại mà lính của Cortés mặc.) Guerrero nhắc nhở người dân không được sợ lũ ngựa, đặc biệt ông yêu cầu họ đừng hoảng hốt khi đối diện với súng. Đó chẳng phải thứ vũ khí ma thuật cũng chẳng phải sấm sét gì. “Cũng như các bạn, người Tây Ban Nha được cấu thành từ máu thịt. Chúng ta có thể đánh bại họ”, ông không ngừng dặn dò như vậy. Và để chứng minh điều này, tự ông cứa mình một nhát để máu đỏ giống tất cả mọi người chảy ra. Guerrero chăm lo việc chỉ bảo người Da đỏ trong làng mình và chỉ bảo tốt tới nỗi khi đạo quân những Kẻ Chinh Phục của Cortés tràn đến tấn công, chúng đã rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên ở châu Mỹ chúng chạm trán một đội quân da đỏ thực sự, đội quân đã chống trả chúng suốt nhiều tuần liền. Song thông tin không vượt qua được phạm vi ngôi làng. Tháng Chín năm 1519, vua Aztèque là Moctezuma đã đến gặp đội quân Tây Ban Nha cùng những chiếc xe ngựa chở đầy đồ trang sức được dùng làm lễ vật. Cũng trong tối ấy, nhà vua bị sát hại. Một năm sau, Cortés dùng đại bác Tenochtitlán phá hủy thủ đô Aztèque, sau khi bỏ đói toàn bộ dân thành phố này bằng cách nhốt họ suốt ba tháng trời. Về phần Guerrero, ông qua đời trong lúc đang tổ chức cuộc tấn công đêm nhằm vào một công sự Tây Ban Nha. Edmond Wells, Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II. 12. LAETITIA VẪN CHƯA XUẤT HIỆN Sau quyết định nhanh chóng của mình về vụ Salta, Jacques Méliès được triệu đến chỗ Charles Dupeyron. Người đứng đầu ngành cảnh sát này tha thiết được chúc mừng anh với tư cách cá nhân. Trong một căn phòng trang trí xa xỉ, thoạt tiên, ông cảnh sát trưởng tâm sự cùng anh rằng “vụ án anh em nhà Salta” đã gây ấn tượng mạnh “với cấp trên”. Một vài người trong số các chính khách danh tiếng nhất còn nhận xét cuộc điều tra do Méliès tiến hành là “kiểu mẫu về sự nhanh nhạy và tính hiệu quả theo phong cách Pháp”. Tiếp đó ông hỏi Méliès xem anh đã kết hôn chưa. Méliès, hết sức ngạc nhiên, trả lời anh vẫn độc thân, nhưng vì cảnh sát trưởng cứ nằn nì nên anh phải thừa nhận mình cũng cư xử như tất cả mọi người: nghĩa là anh vừa bay nhảy nay chỗ này mai chỗ kia vừa cố gắng né tránh để không bị nhiễm các bệnh hoa liễu. Charles Dupeyron tiếp tục bằng cách gợi ý anh nên nghĩ tới chuyện lấy vợ. Như vậy có lẽ anh sẽ củng cố được cho mình một hình ảnh xã hội, thứ sẽ giúp anh bước chân vào chính giới. Rồi anh sẽ thấy điều này, và để bắt đầu, có thể trong tư cách nghị sĩ hay thị trưởng. Ông nhấn mạnh quốc gia, mọi quốc gia đều cần những người biết giải quyết các vấn đề phức tạp. Nếu anh, Jacques Méliès, có khả năng hiểu làm thế nào mà ba con người lại bị sát hại trong căn phòng kín mít, chắc chắn anh cũng có thể giải quyết được những vấn đề tế nhị như: làm thế nào triệt tiêu được nạn thất nghiệp, chống lại tình trạng bất ổn ở các vùng ngoại ô, giảm thâm hụt An sinh xã hội, cân bằng cán cân ngân sách. Tóm lại là toàn bộ những câu đố nho nhỏ mà ngày nào các vị lãnh đạo một quốc gia cũng phải đối mặt ấy. - Chúng tôi cần những người có khả năng sử dụng não mình mà càng ngày họ càng trở nên hiếm hoi, cảnh sát trưởng than phiền. Anh đừng quên nếu anh muốn lao vào cuộc phiêu lưu mang tên chính trị này tôi sẽ là người đầu tiên ủng hộ anh. Jacques Méliès trả lời rằng điều khiến anh quan tâm trong một câu đố là tính trừu tượng và vô cớ của nó. Anh sẽ không bao giờ lao mình vào mục đích giành quyền lực. Thống trị người khác là việc làm hết sức mệt mỏi. Còn cuộc sống tình cảm của anh vẫn vận hành không đến mức tồi tệ và anh thích nó thuộc lĩnh vực riêng tư thì hơn. Cảnh sát trưởng Dupeyron bật cười vui vẻ, ông đặt tay lên vai anh và khẳng định rằng ông cũng vậy, hồi bằng tuổi anh ông cũng nghĩ thế. Nhưng rồi ông đã thay đổi. Không phải nhu cầu thống trị người khác thúc đẩy ông mà là nhu cầu không bị người khác thống trị. - Phải giàu thì mới coi thường tiền bạc được, phải nắm quyền lực thì mới coi thường quyền lực được! Do đó, Dupeyron thời trai trẻ đã chấp nhận leo từng nấc một trong bậc thang tôn ti của loài người. Giờ đây ông có thể tự nhủ mình được bảo vệ khỏi mọi thứ, ông không sợ tương lai suy tàn nữa, ông đã sinh được hai người con nối dõi và cho chúng theo học ở một trong những trường tư thục đắt nhất thành phố, ông có một chiếc ô tô sang trọng, có thời gian rảnh rỗi và quanh ông là hàng trăm kẻ nịnh thần. Còn mơ gì hơn thế? “Mơ mãi là một đứa bé say mê truyện trinh thám”, Méliès nghĩ và quyết định không nói ra. Cuộc hội kiến kết thúc, lúc rời văn phòng cảnh sát trưởng, Méliès nhận thấy gần chấn song cửa sổ có một tấm pa nô rộng phủ đầy những tờ áp phích bầu cử với các khẩu hiệu khác nhau: “Vì một nền dân chủ dựa trên những giá trị đích thực, hãy bầu cho đảng dân chủ xã hội!”, “Hãy nói không với khủng hoảng! Đã quá nhiều lời hứa không được giữ. Hãy gia nhập Phong trào các nhà cộng hòa cấp tiến!”, “Hãy cứu lấy hành tinh bằng cách ủng hộ Cải cách sinh thái quốc gia!”, “Hãy đứng lên chống lại bất công! Hãy gia nhập Mặt trận nhân dân độc lập”. Và khắp nơi, chỗ nào cũng là bộ mặt của những gã no đủ ấy, những gã lấy thư ký làm nhân tình và tự cho mình là người cai trị! Ông cảnh sát trưởng đề nghị anh trở thành một kẻ như chúng ư! Một kẻ danh tiếng ư! Với Méliès, không có gì phải nghi ngờ nữa. Anh chẳng thèm danh vọng, cuộc sống phóng đãng của anh, các chương trình truyền hình của anh cùng những cuộc điều tra tội phạm của anh còn giá trị hơn nhiều. “Nếu con không muốn gặp rắc rối thì đừng tham vọng”, cha anh từng khuyên anh như vậy. Không ham muốn sẽ chẳng có khổ đau. Có lẽ giờ đây anh nên bổ sung: “Đừng nuôi tham vọng giống lũ đần độn ấy, hãy tự tạo cho mình một cuộc kiếm tìm riêng vượt qua được cuộc sống nhàm chán.” Jacques Méliès từng kết hôn hai lần và cả hai lần anh đều ly dị. Anh đã giải quyết được khoảng năm mươi vụ án trong niềm khoái trá. Anh có một căn hộ, một thư viện, một nhóm bạn. Anh thỏa mãn với điều đó. Dù sao thì anh cũng thỏa mãn với điều đó. Anh đi bộ về nhà, qua quảng trường Poids-de-l’Huile, đại lộ Maréchal-de-Lattre-de-Tassigny và phố Butte-aux-Cailles. Khắp nơi xung quanh anh, người người hối hả theo đủ hướng, ô tô bấm còi inh ỏi, phụ nữ đập thảm bên cửa sổ ầm ầm. Đám trẻ con vừa đuổi nhau vừa dùng súng nước bắn nhau. “Pằng, pằng, pằng, cả ba đứa mày chết rồi!” một thằng trong bọn hét lên. Đám trẻ đang chơi trò công an bắt cướp ấy khiến Jacques Méliès vô cùng khó chịu. Anh về tới trước cửa tòa nhà nơi mình ở. Đó là một tổng thể to lớn tạo thành khối tam giác hoàn hảo cao một trăm năm mươi mét và rộng gần tương đương. Đám quạ bay vòng vòng phía trên mấy cái ăng ten ti vi. Vẫn ở vị trí canh gác, người gác cổng thò đầu qua cửa sổ căn phòng nhỏ của mình. Bà gọi anh ngay lập tức: - Chào anh Méliès! Anh biết không, tôi đọc được trên báo những điều người ta nói về anh. Rặt một lũ đố kỵ! Anh ngạc nhiên: - Sao ạ? - Tôi ấy mà, dù thế nào thì tôi cũng tin chắc là anh có lý. Anh bước bốn bậc một lên căn hộ của mình. Ở đó, Marie-Charlotte đang đợi sẵn như mọi khi. Nó yêu anh bằng thứ tình yêu đắm đuối và như mọi ngày, nó đã đi lấy báo cho anh. Lúc anh mở cửa, nó vẫn ngậm tờ báo giữa hai hàm răng. Anh ra lệnh: - Bỏ báo ra, Marie-Charlotte! Nó vâng lời không chút gầm gừ và Méliès vội vàng lao vào đọc tờ Tiếng vang Chủ nhật. Anh nhìn thấy ngay ảnh của mình và dòng tít in cỡ lớn phía trên: KHI CẢNH SÁT NHÚNG MŨI Xã luận của Laetitia Wells “Nền dân chủ đã mang lại quá nhiều quyền. Trong số các quyền, nó cho chúng ta cái quyền đòi hỏi được tôn trọng ngay cả khi chúng ta chỉ còn là xác chết. Tuy nhiên quyền ấy đã bị khước từ trong trường hợp gia đình quá cố Salta. Không những bí ẩn về vụ án ba nhân mạng này không được làm sáng tỏ mà thật quá đáng, ông Sébastien Salta mới qua đời đã bị buộc tội, từ nay ông không thể tự bào chữa được nữa, sát hại hai em mình trước khi tự thanh trừng bản thân. “Chúng ta đang nhạo báng ai chứ và tố cáo những kẻ đã chết không thể hưởng nổi sự trợ giúp của một luật sư nữa mới thật đơn giản làm sao! Nhưng ít ra vụ án ba nhân mạng trên phố Faisanderie cũng rất có ích vì nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn con người của đội trưởng Jacques Méliès. Đó là một người, vốn hết sức nổi tiếng, đã tự cho phép mình tiến hành qua quýt cuộc điều tra mà không biết ngượng. Khi tuyên bố tại Văn phòng Trung tâm Thông tấn rằng cả ba anh em nhà Salta đều chết vì bị đầu độc, thì ngài đội trưởng Méliès không những đã tự cho phép mình đưa ra lời phán xét vội vàng về một vụ án phức tạp hơn nhiều so với cái vẻ ban đầu, mà hơn nữa, ông ta còn sỉ nhục tất cả những người quá cố! “Tự vẫn ư? Khi thoáng nhìn qua xác Sébastien Salta, tôi có thể khẳng định là người đàn ông ấy chết vì bị giày vò bởi một nỗi kinh hoàng ghê gớm nhất trong số các nỗi kinh hoàng. Khuôn mặt ông ta chỉ lộ nét khiếp đảm! “Thật quá đơn giản khi nghĩ rằng tác giả của một vụ ám sát hai người em ruột có thể phải chịu nỗi ăn năn tột đỉnh, nguyên do dẫn đến vẻ mặt nói trên. Song đối với bất kỳ người nào có chút ít khái niệm tâm lý học nhân sinh, mà đây dường như không phải trường hợp của ngài đội trưởng Méliès, thì một người đàn ông có khả năng bỏ chất độc chết người vào món ăn mà ngay sau đó anh ta lại ăn cùng gia đình mình là người đã vượt qua mọi ngưỡng cảm xúc. Gương mặt anh ta hẳn sẽ chỉ biểu lộ vẻ thanh thản rốt cuộc cũng đạt được tới. “Thế còn nỗi đau? Nỗi đau gây ra bởi chất độc vốn không kịch liệt đến mức ấy. Và cũng phải biết bản chất chất độc đó là gì thì mới giải thích nổi mọi điều. Về phần mình, tôi đã tới Nhà xác vì cảnh sát không cho tôi điều tra trên hiện trường. Tôi đã hỏi bác sĩ pháp y, ông tiết lộ với tôi rằng ba cái xác của anh em nhà Salta đều chưa hề được khám nghiệm tử thi. Như vậy, vụ án đã khép lại mà người ta không biết chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ. Quả là một thái độ rất thiếu nghiêm túc từ phía ngài đội trưởng Méliès, chuyên gia tội phạm học trứ danh nhường ấy! “Việc xếp xó quá nhanh chóng vụ án nhà Salta khiến chúng ta phải suy ngẫm mà thậm chí còn khiến chúng ta lo lắng nữa. Chúng ta có thể danh chính ngôn thuận tự hỏi liệu trình độ nghiên cứu của các viên chức cảnh sát quốc gia đã đủ cao để đối mặt với sự tinh vi trong các loại hình tội phạm mới hay chưa. L. W.” Méliès vo tròn tờ báo và bật ra một câu nguyền rủa. 13. 103 683 TỰ VẤN Những Ngón Tay! Những Ngón Tay! Một cơn rùng mình kỳ lạ xâm chiếm 103 683. Bình thường, loài kiến không biết sợ. Nhưng 103 683 liệu có còn là “bình thường”? Khi phát âm cái từ tỏa mùi những Ngón Tay, cái sọ ở bãi rác đã làm thức tỉnh trong nó một vùng não bộ ngủ quên vì hàng nghìn thế hệ nay không được dùng tới. Trước thời điểm này, mỗi lần nghĩ về vùng bờ rìa thế giới, con kiến lính lại kiểm duyệt những ký ức của mình. Nó luôn xóa đi trong trí óc cuộc gặp gỡ giữa nó với những Ngón Tay. Những Ngón Tay và sức mạnh kỳ lạ của chúng, ngôn ngữ khó hiểu của chúng cùng xung năng chết người mù quáng của chúng. Thế nhưng cái sọ, dù chỉ còn là một mẩu ngu ngốc của một cơ thể đã chết, lại đủ để tái kích hoạt vùng não chứa đựng nỗi sợ. Trước đây, 103 683 từng là một chiến binh gan dạ, luôn đứng hàng đầu trong đội quân đông đảo đối mặt với đội quân kiến lùn. Nó từng ngẫu hứng xin được tiến về phương Đông hiểm họa. Nó từng đấu tranh chống lại lũ kiến gián điệp mùi đá. Nó từng săn những con vật đầu cao tới nỗi không trông thấy được. Thế nhưng cuộc gặp gỡ giữa nó với những Ngón Tay lại tước mất của nó toàn bộ tinh thần hăng hái. 103 683 mơ hồ nhớ về những con quái vật tận thế này. Nó như thấy lại bạn nó, con kiến già 4 000, bị một áng mây đen siêu tốc đập cho dẹp lép như chiếc lá. Một số kiến gọi những Ngón Tay là “kẻ canh giữ vùng bờ rìa thế giới”, “loài động vật vô tận”, “bóng đen khắc nghiệt”, “kẻ phá rừng”, “kẻ xông mùi tử thần”... Song mới đây, tất cả các tổ kiến trong vùng đều nhất trí gắn cho hiện tượng khiến ai nấy hoang mang này cùng một cái tên: Những Ngón Tay! Những Ngón Tay: là mấy thứ xuất hiện ở bất kỳ đâu và gieo rắc cái chết. Những Ngón Tay: là đám động vật nghiền nát tất tật trên đường chúng qua. Những Ngón Tay: là các khối đông đúc lấn sâu và đè bẹp mọi đô thị nhỏ. Những Ngón Tay: là những bóng đen gây ô nhiễm rừng bằng các sản phẩm đầu độc tất cả những ai nếm phải. Chỉ riêng nghĩ đến điều ấy thôi, 103 683 đã thấy giật mình ghê tởm rồi. Nó phân vân giữa hai trạng thái cảm xúc: nỗi sợ, vốn lạ lùng với loài nó, và một cảm xúc khác mà ngược lại, cảm xúc này chỉ thuộc về riêng nó - tính tò mò! Hàng trăm triệu năm nay, loài kiến luôn gắng đạt tới một tiến bộ bất diệt. Phong trào tiến hóa do Chli-pou-ni phát động chỉ là một trong số nhiều cách thể hiện nhu cầu điển hình của loài này là luôn đi xa hơn, cao hơn, mạnh hơn. 103 683 không tránh được điều ấy. Tính tò mò xua tan nỗi sợ. Suy cho cùng, một cái sọ vô vị nói đến những kẻ nổi loạn và cuộc thập tự chinh chống lại các Ngón Tay cũng không phải chuyện tẻ nhạt cho lắm! 103 683 lau chùi râu, dấu hiệu cho thấy nó cần điểm lại tình hình. Nó dựng thẳng râu về phía một bầu trời không có thật. Không khí thật nặng nề, như thể một con vật ăn mồi đang rình rập đâu đó, sẵn sàng trồi lên thách thức Cấm Thành. Đám cành nhánh xung quanh rung rinh trước một cơn gió nhẹ bất chợt. Cây cối dường như muốn nói với nó hãy cẩn trọng, nhưng cây cối thì luôn nói bất cứ thứ gì. Chúng cao lớn tới nỗi chẳng phải bận lòng đến những thảm kịch len lỏi giữa các rễ của chúng. 103 683 không thích tâm tính của loài cây, cái thứ tâm tính mặc kệ và không chịu nhúc nhích. Cứ như thể chúng bất khả chiến bại không bằng! Tuy nhiên cũng có lúc chúng đổ sụp, gãy nát trước bão, cháy đen trước sét hoặc chỉ đơn giản là xói mòn trước lũ mối. Khi ấy, đến lượt loài kiến tỏ ra thản nhiên trước vận tàn của loài cây. Một câu ngạn ngữ của kiến lùn đã chỉ rõ điều đó: Loài to lớn luôn mong manh hơn loài nhỏ con. Liệu những Ngón Tay có phải là đám cây cối di động không nhỉ? 103 683 không phí thì giờ nghĩ ngợi mấy thứ ấy. Nó đã quyết định: kiểm chứng những gì cái sọ nói. Nó vào tổ mình bằng một lối hẹp gần bãi rác và đi ra đại lộ vành đai. Những đại lộ lớn xuất phát từ đó đều dẫn tới Cấm Thành. Nhưng nó không đến nơi ấy. Nó lần theo các lỗ thông hơi dốc tới mức nó phải dùng mấy cái móc của mình bám vào. Nó để mình trượt trong một hành lang dốc đứng, rồi rơi vào một mạng lưới các hành lang không quá tắc nghẽn bất chấp lối lưu thông quen thuộc. Đám kiến thợ đang hối hả vận chuyển thức ăn và cành con chào 103 683. Ở loài kiến không có chuyện chiến thắng cá nhân song tại đây, nhiều kiến biết rằng con kiến lính này đã tới chỗ ấy, xứ sở của những Ngón Tay. Nó đã thấy bờ rìa của thế giới, nó đã chú ý đến cái góc tồi tàn của hành tinh. 103 683 dựng râu lên và tìm nơi có chuồng bọ hung. Một con kiến thợ chỉ rõ rằng chuồng bọ hung nằm ở tầng -20, khu vực Tây-Nam-Nam, phía bên trái sau mấy khu vườn trồng nấm đen. Nó bèn chạy nước kiệu. Từ vụ hỏa hoạn hồi năm ngoái đến nay, nhiều việc đã được hoàn tất. Đô thị cổ Bel-o-kan từng được xây dựng trên năm mươi tầng cao và năm mươi tầng sâu. Nhờ có Chli-pou-ni cân nhắc xem xét mà giờ đây thành phố mới có thể tự hào về tám mươi tầng cao của mình. Các tầng sâu không thay đổi được vì đá hoa cương bấy lâu nay vẫn ở đó thay thế cho sàn. Vừa tiến bước, con kiến lính vừa cảm phục thành phố rộng lớn không ngừng được cải thiện của mình. Tầng +75: đây là các nhà trẻ được điều nhiệt bằng mùn phân hủy, phòng sấy nhộng bằng cát mịn nhằm hút hơi ẩm. Nhờ hệ thống rãnh trượt hơi dốc, giờ kiến Bel-o-kan đã có thể dễ dàng chuyển trứng xuống các tầng chăm sóc thường xuyên. Tại đó, các vú em có cái bụng dưới nặng nề sẽ thường xuyên liếm láp chúng. Do vậy mà qua lớp vỏ kén trong suốt, các vú em có thể truyền protein cũng như kháng sinh cần thiết cho sự phát triển hoàn hảo của chúng. Tầng +20: đây là các kho dự trữ thịt khô, các kho dự trữ hoa quả, các kho dự trữ bột nấm. Tất cả đều được phủ axit formic với tỷ lệ thích hợp để tránh thối rữa. Tầng +18: các thùng bằng lá dày đặc đựng axit quân sự thí nghiệm tỏa khói. Bằng đầu của mấy cái hàm trên rõ dài, các nhà hóa học kiến thử nghiệm khả năng hòa tan của từng loại axit. Một vài loại bắt nguồn từ hoa quả, như axit malic chiết xuất từ táo. Các loại khác bắt nguồn từ những thứ ít phổ biến hơn: axit oxalic từ rau chút chít, axit sunfuric từ đá vàng. Để đi săn, axit formic mới có nồng độ 60% là lý tưởng. Nó khiến ruột gan hơi nóng một chút nhưng lại gây ra được những thiệt hại vô song. 103 683 đã từng thử. Tầng +15: phòng chiến đấu đã được xây cao lên. Tại đây, các chiến binh tập đánh giáp lá cà. Chiến thuật mới được ghi lại cẩn thận vào các pheromon trí nhớ ở Thư viện hóa học. Xu hướng của ngày hôm nay là không nhảy qua đầu đối thủ nữa mà chặt đứt của hắn từng cái chân một cho tới lúc hắn không thể cử động. Xa hơn một chút là những pháo binh đang tập bắn tan hạt nằm cách mười bước bằng một tia axit chính xác. Tầng -9: đây là các chuồng rệp. Kiến chúa Chli-pou-ni từng muốn đưa tất cả các chuồng vào Cấm Thành để tránh nguy cơ tấn công từ đám bọ rùa hung dữ. Kiến thợ đang hối hả quẳng cho lũ rệp những đoạn cây nhựa ruồi, bọn này vội vã hút hết nhựa trong đó. Tỉ lệ sinh ở bọ rùa đã tăng. Hiện cứ mỗi giây lại có mười con ra đời. Trên đường đi, 103 683 có may mắn chứng kiến một hiện tượng hiếm hoi. Một con bọ rùa đẻ một con bọ rùa con, bản thân con bọ rùa con này cũng đã sẵn sàng đẻ và hạ sinh một con bọ rùa con còn nhỏ hơn nữa. Đây là lý do tại sao bọ rùa vừa được làm mẹ vừa được làm bà chỉ trong vòng một giây. Tầng -14: các luống nấm trải dài ngút tầm mắt, được bón nhờ những thùng phân ủ nơi lũ kiến đến thả phân của mình vào. Các nhà nông kiến chặt bỏ những thân rễ mọc quá mức, lũ kiến khác thả kháng sinh giúp nấm tránh lũ ký sinh. Đột nhiên, một con vật xanh ve nhảy lên trước mặt 103 683, bản thân con vật xanh ve ấy cũng đang bị một con vật xanh ve khác rượt đuổi. Có vẻ chúng đang đánh nhau. Con kiến lính hỏi xung quanh xem đó là thứ côn trùng gì. Những con rệp hôi sống trong hang là câu trả lời. Lũ rệp này thường xuyên làm tình với nhau. Bằng mọi cách có thể, ở bất kỳ đâu và với bất kỳ con nào. Chắc chắn chúng là thứ động vật được trời phú cho khả năng tình dục khác thường nhất hành tinh. Chli-pou-ni nghiên cứu chúng một cách thích thú. Ở mọi thời đại và trong mọi tổ kiến, đám động vật cộng sinh luôn sinh sản rất nhiều. Có thể thống kê được hơn hai nghìn loài côn trùng, động vật nhiều chân, các loài thuộc lớp nhện thường xuyên sống trong một tổ kiến và được lũ kiến hoàn toàn chấp nhận. Một vài loài tận dụng cơ hội ấy để hoàn thiện quá trình biến đổi của mình, các loài khác lau rửa phòng ốc bằng cách ăn thức ăn thừa. Nhưng Bel-o-kan lại là đô thị đầu tiên nghiên cứu chúng “về mặt khoa học”. Kiến chúa Chli-pou-ni khẳng định bất kỳ con côn trùng nào cũng có thể huấn luyện được và biến thành thứ vũ khí đáng gờm. Theo Chli-pou-ni, mỗi cá thể đều có hướng dẫn sử dụng riêng, thứ hướng dẫn sử dụng ấy sẽ xuất hiện ngay khi ta bắt đầu nói chuyện với chúng. Chỉ cần chăm chú theo dõi là đủ. Hiện tại, Chli-pou-ni khá thành công. Nó đã “thuần hóa” được nhiều loài sâu bọ cánh cứng bằng cách cho chúng cái ăn, cho chúng chỗ ở, chữa bệnh cho chúng như loài kiến vẫn làm với rệp. Thành công ấn tượng nhất của con kiến chúa này là thuần hóa được lũ bọ tê giác. Tầng -20: khu vực Tây-Nam-Nam, phía bên trái sau mấy khu vườn trồng nấm đen. Các thông tin đều chính xác. Lũ bọ hung đang ở cuối hành lang. 14. BÁCH KHOA TOÀN THƯ NỖI SỢ: Để hiểu vì sao ở loài kiến lại vắng bóng nỗi sợ, cần phải lưu ý rằng toàn bộ tổ kiến sống như một cơ thể duy nhất. Mỗi con kiến trong đó đóng cùng vai trò tựa tế bào trong cơ thể người. Các móng tay dài có sợ bị cắt đi không? Râu cằm có run rẩy khi bàn cạo tiến lại gần không? Ngón chân cái của chúng ta có hoảng hốt không lúc chúng ta bắt nó phải thử nhiệt độ nước tắm có thể đang sôi sùng sục? Các bộ phận ấy không cảm thấy sợ bởi chúng không tồn tại như những thực thể độc lập. Tương tự, nếu bàn tay trái của chúng ta kẹp bàn tay phải của chúng ta, nó sẽ không khiến bàn tay phải oán giận. Nếu bàn tay phải của chúng ta được điểm trang nhiều nhẫn hơn bàn tay trái của chúng ta, nó lại càng không khiến bàn tay trái ganh tỵ. Mọi lo phiền sẽ chấm dứt khi người ta quên mình để chỉ nghĩ đến toàn bộ cộng đồng-cơ thể. Có lẽ đó là một trong những bí mật dẫn đến thành công về mặt xã hội của thế giới loài kiến. Edmond Wells, Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối, quyển II. 15. LAETITIA VẪN KHÔNG XUẤT HIỆN Cơn giận qua đi, Jacques Méliès mở chiếc va li nhỏ và lấy ra hồ sơ vụ anh em nhà Salta. Anh kiểm tra lại lần nữa tất cả các căn phòng hay nói đúng hơn là tất cả các bức ảnh. Anh để mắt một lúc lâu đến bức ảnh lớn chụp Sébastien Salta với cái miệng há hốc. Từ môi anh ta như thoát ra một tiếng kêu. Một tiếng kêu kinh hãi chăng? Một tiếng “không” trước cái chết tất yếu? Nhân dạng kẻ ám sát? Càng xem xét bức ảnh anh càng thấy rụng rời và tan nát vì xấu hổ. Cuối cùng anh bùng nổ, nhảy dựng lên và giận dữ đấm một cú vào tường. Cô nàng phóng viên tờ Tiếng vang Chủ nhật có lý. Còn anh thất bại thảm hại. Anh đã đánh giá thấp vụ án. Bài học tuyệt vời về sự thấp kém. Chẳng có gì tệ hơn việc đánh giá thấp tình hình cùng con người. Cảm ơn quý bà hay quý cô Wells gì đó! Nhưng tại sao anh lại tỏ ra tồi tệ trong vụ này đến thế? Tại lười biếng. Tại anh đã quen lúc nào cũng thành công. Để rồi đột nhiên, anh buông xuôi những gì mà không cảnh sát nào, dù mới vào nghề, được phép làm: anh đã tiến hành điều tra qua quýt. Và danh tiếng của anh lẫy lừng tới mức chẳng ai, trừ cái cô phóng viên ấy, dám nghi ngờ anh sai hướng. Phải bắt đầu lại mọi thứ. Đau đấy nhưng cần thiết! Bởi thà nhận ra lầm lẫn hôm nay còn hơn cứ sai phạm dai dẳng. Vấn đề nằm ở chỗ đây không phải một vụ tự vẫn, anh đang đối mặt với một vụ án vô cùng hóc búa. Làm thế nào lũ sát nhân lại có thể vào và ra khỏi một chỗ mà không để lại dấu vết? Làm thế nào chúng lại có thể giết chóc mà không gây thương tích cũng chẳng sử dụng vũ khí gây án? Bí ẩn vượt tầm mọi câu chuyện trinh thám hay nhất anh từng đọc cho tới lúc này. Một cảm giác phấn khích hoàn toàn mới mẻ xâm chiếm anh. Nếu rốt cuộc, do ngẫu nhiên mà anh rơi vào “trường hợp” vụ án hoàn hảo? Anh nghĩ đến vụ án hai nhân mạng trên phố Nhà Xác mà Edgar Allan Poe đã kể rất hay trong một cuốn tiểu thuyết. Trong câu chuyện dựa trên những sự kiện có thật ấy, một phụ nữ cùng con gái đã chết trong căn hộ đóng kín của họ. Đóng kín như bưng, và từ bên trong. Người phụ nữ bị một cú dao cạo, cô con gái bị đập cho đến chết. Không thấy dấu vết trộm cắp, nhưng thấy những cú đập hung bạo chết người. Sau cuộc điều tra, kẻ sát nhân bị phát hiện: một con đười ươi xổng chuồng một gánh xiếc đã đột nhập vào căn hộ qua đường mái nhà. Các nạn nhân bắt đầu kêu gào ngay khi con đười ươi xuất hiện. Tiếng kêu của họ khiến con vật phát điên. Nó đã giết họ để buộc họ im miệng rồi mới chuồn đi cũng bằng con đường lúc vào và vì va lưng vào khung cửa sổ cánh sập, nó đã khiến cửa sập xuống như thể vẫn đóng từ bên trong. Trong vụ anh em nhà Salta, tình hình cũng tương tự, có điều chẳng ai đóng được một cái cửa sổ lại chỉ bằng cách dùng lưng gõ vào nó. Song có chắc thế không? Méliès bèn quay lại ngay hiện trường để điều tra. Điện vẫn bị cắt nhưng anh có mang theo đèn pin gắn kính lúp. Anh kiểm tra căn phòng, chốc chốc lại sáng lên dưới ánh đèn neon sặc sỡ từ phố chiếu vào. Sébastien Salta và hai người em vẫn nằm đó, lớp chất dẻo trong suốt phủ trên người, bất động, như thể đang đối diện nỗi kinh hãi nhơ nhớp nào đấy tóe ra từ địa ngục chốn thị thành. Bỏ qua cánh cửa khóa, viên đội trưởng kiểm tra chốt các cửa sổ. Mấy cái then cài tinh vi chắc chắn không để người ta đóng được từ bên ngoài, dù là ngẫu nhiên. Anh gõ gõ tay lên các vách ngăn bọc nỉ màu hạt dẻ nhằm tìm kiếm một lối đi bí mật. Anh nhấc mấy tấm bảng lên để xem liệu nó có che cái két nào không. Căn phòng chứa rất nhiều đồ vật có giá trị: một cái giá nến bằng vàng, một bức tượng nhỏ bằng bạc, một dàn hi-fi... Bất kỳ tên trộm nào hẳn cũng sẽ nẫng chúng đi. Mấy bộ quần áo để trên một cái ghế. Anh máy móc lục. Lúc sờ tay vào, có điều gì đó khiến anh tò mò. Có một cái lỗ nhỏ trong lần vải áo vest. Như một cái lỗ mạt bột, nhưng xung quanh vuông vắn đến hoàn hảo. Anh bỏ qua cái áo vest và không nghĩ đến nó nữa. Anh rút một trong mấy gói kẹo cao su vô tận của mình khỏi túi cùng lúc đó làm rơi bài báo trên tờ Tiếng vang Chủ nhật mà anh đã cẩn thận cắt ra. Anh đọc lại bài báo của Laetitia Wells với vẻ suy ngẫm. Những người này có vẻ chết vì sợ. Nhưng cái gì có thể khiến người ta sợ đến mức giết người ta? Anh chìm vào những kỷ niệm của riêng mình. Một lần, hồi còn nhỏ, anh bị nấc dai dẳng. Mẹ anh đã giúp anh hết nấc bằng cách đeo một cái mặt nạ sói rồi bất thình lình xuất hiện. Anh đã kêu lên, tim như ngừng đập trong giây lát. Ngay sau đó, mẹ anh cởi mặt nạ ra rồi phủ lên anh những nụ hôn. Thế là hết nấc! Nói tóm lại, Jacques Méliès được nuôi dạy trong tình trạng sợ hãi thường trực. Những nỗi sợ nhỏ: sợ ốm, sợ tai nạn ô tô, sợ ông ba bị cho kẹo và bắt cóc, sợ cảnh sát. Những nỗi sợ lớn hơn: sợ thụt lớp, sợ bị bắt cóc lúc tan trường, sợ chó. Hàng tá kỷ niệm khác về những nỗi kinh hoàng thuở ấu thơ ùa về. Jacques Méliès luôn nhớ nỗi sợ tệ hại nhất trong mọi nỗi sợ. Nỗi sợ lớn của đời anh. Một đêm, hồi còn rất nhỏ, anh từng cảm thấy có cái gì đó ve vẩy cuối giường mình. Có một con quái vật núp ở chỗ anh ngỡ đó là nơi mình được bảo vệ tốt nhất! Suốt hồi lâu anh không dám luồn chân vào chăn, rồi lúc bình tĩnh lại anh mới từ từ trườn vào đó. Thế nhưng các ngón chân anh chợt cảm thấy... một hơi thở âm ấm. Thật ghê tởm. Phải, anh chắc chắn là thế! Có một cái mõm quái vật dưới chân giường anh nằm, nó đang đợi đôi bàn chân anh sáp lại gần để mà ngấu nghiến. May thay chân anh không với tới chân giường. Hồi ấy, anh không cao lắm, nhưng mỗi ngày anh lại lớn thêm và đôi bàn chân anh càng lúc càng chạm vào mép gấp của tấm ga nơi con quái vật ăn thịt những ngón chân ẩn náu. Nhiều đêm liền cậu bé Méliès phải ngủ dưới đất hoặc trên đống chăn. Việc đó khiến anh bị chuột rút nên không thể là giải pháp được. Thế nên anh quyết định lại chui vào nằm dưới đống ga, nhưng buộc toàn bộ cơ thể mình, toàn bộ cơ bắp mình, toàn bộ xương cốt mình không được quá phát triển để không bao giờ anh chạm đến chân giường. Có lẽ vì vậy mà anh không cao lớn như bố mẹ mình. Mỗi đêm lại là một thử thách. Tuy nhiên anh cũng tìm ra một thứ. Anh ôm con gấu bông thật chặt trong tay. Với con gấu bông ấy, anh cảm thấy sẵn sàng chạm trán con quái vật nấp dưới chân giường. Rồi anh ẩn mình dưới đống chăn, không để bất kỳ bộ phận nào thò ra ngoài, không một cánh tay, không một sợi tóc, không cả một cái tai. Bởi anh thấy rõ là con quái vật chỉ đợi đêm xuống để tìm cách dạo quanh giường và ngoạm lấy đầu anh từ bên ngoài. Sáng sáng, mẹ anh thấy trong một đống chăn ga cuộn tròn vẻ kinh hoàng của con trai mình và con gấu bông. Bà chưa bao giờ tìm hiểu đâu là nguyên do dẫn đến thái độ lạ kỳ này. Vả lại Jacques cũng chẳng muốn kể câu chuyện suốt đêm mình cùng con gấu bông chiến đấu chống lại một con quái vật như thế nào. Chưa bao giờ anh giành phần thắng, chưa bao giờ con quái vật giành phần thắng. Đọng lại trong anh chỉ còn nỗi sợ. Nỗi sợ cơ thể phát triển và nỗi sợ đối mặt với thứ gì đó kinh hoàng mà anh không thể định dạng. Thứ gì đó có con mắt đỏ lòm, cái môi trề vén lên và chiếc răng nanh chảy dớt. Viên đội trưởng lấy lại bình tĩnh, siết chặt cái đèn pin đã bật và kiểm tra căn phòng hiện trường vụ án với thái độ nghiêm túc hơn lúc ban đầu. Phía trên, phía dưới, bên phải, bên trái, nhìn lên, nhìn xuống. Không chút dấu vết dù là nhỏ nhất của những bước chân dính bùn trên thảm, không có lấy một sợi tóc khác với tóc của các thành viên trong gia đình, không một vết vân tay trên các tấm kính. Lại càng không tìm thấy vết vân tay lạ nào trên cốc chén. Anh đi xuống bếp. Anh chiếu sáng căn bếp bằng đèn pin của mình. Anh hít ngửi và nếm các món ăn còn thừa. Emile thậm chí còn nghĩ cả đến chuyện phủ lớp chất dẻo trong lên thức ăn. Emile thật tử tế! Jacques Méliès hít ngửi bình nước. Không có hơi hướng gì của thuốc độc. Nước hoa quả và xô đa dường như đều vô hại. Anh em nhà Salta đều đeo chiếc mặt nạ sợ hãi trên mặt. Chắc chắn nỗi sợ ấy giống như nỗi sợ của hai người phụ nữ trong vụ án hai nhân mạng trên phố Nhà Xác, hai người đã nhìn thấy con đười ươi vụng về bước vào phòng khách nhà mình qua lối cửa sổ. Anh lại nghĩ đến vụ đó. Thực tế thì bản thân con đười ươi cũng rất sợ hãi và nó giết hai người phụ nữ chỉ để ngừng những tiếng kêu hét đó lại. Nó sợ tiếng kêu hét của họ. Lại thêm thảm kịch nữa phát xuất từ việc không thể giao tiếp được với nhau. Người ta sợ những gì người ta không hiểu. Lúc nghĩ đến đây, anh nhận thấy có cái gì đó động đậy sau tấm ri đô và tim anh đông cứng lại. Tên sát nhân đã quay trở lại! Viên đội trưởng buông chiếc đèn pin đang sáng ra khiến nó tắt lịm. Giờ chỉ còn ánh sáng từ mấy cái đèn neon trên phố thỉnh thoảng lại bừng lên khiến người ta lần lượt đọc được từng chữ cái trong từ “Bar à gogo”. Jacques Méliès muốn nấp đi, không cử động nữa, trốn tránh. Anh thu hết can đảm nhặt lại chiếc đèn pin và đẩy tấm ri đô đáng ngờ. Chẳng có gì cả. Hoặc có thể đó là Người Vô Hình. - Có ai không? Không có lấy một tiếng động dù là nhỏ nhất. Chắc chắn đấy là một cơn gió. Anh không thể ở lại đây được nữa, anh quyết định sang gặp mấy người láng giềng. - Chào anh, xin lỗi anh, tôi là cảnh sát. Một quý ông lịch thiệp mở cửa cho anh. - Tôi là cảnh sát. Tôi có một vài câu hỏi muốn hỏi anh ở ngay ngưỡng cửa này thôi. Jacques Méliès lôi một cuốn sổ tay bỏ túi ra. - Anh có ở đây vào tối hôm xảy ra án mạng không? - Có. - Anh có nghe thấy tiếng gì không? - Không có tiếng nổ nào nhưng có tiếng họ đồng loạt hét lên. - Hét lên à? - Phải, hét lên rất to. Những tiếng hét kinh khủng. Chúng kéo dài ba mươi giây rồi sau đó không thấy gì nữa. - Những tiếng hét vang lên đồng thời hay tiếng này tiếp nối tiếng kia? - Đúng hơn là vang lên đồng thời. Đó thực sự là những tiếng rống phi nhân tính. Hẳn họ phải đau đớn lắm. Như thể ba người họ bị sát hại cùng một lúc ấy. Chuyện kinh khủng quá! Tôi có thể khẳng định với anh là từ lúc nghe thấy những người đó hét, tôi rơi vào tình trạng khó ngủ. Vả lại tôi cũng đang tính chuyển nhà đi. - Anh nghĩ đó có thể là thứ gì? - Các đồng nghiệp của anh đã qua đây. Hình như có một anh là người đứng đầu phán đoán đây là một vụ... tự vẫn. Tôi thì tôi chẳng tin thế lắm. Họ đã phải đối mặt với điều gì đó, điều gì đó kinh hoàng, nhưng điều gì thì tôi không biết. Dù sao nó cũng không gây tiếng động. - Cảm ơn anh. Một định kiến thành hình trong tâm trí anh. (Chính một con sói dại lặng lẽ và không để lại dấu vết đã gây ra vụ án này.) Nhưng anh biết tuyệt đối không phải thế. Và nếu không phải thế, thì cái gì lại có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cả một con đười ươi có bàn cạo râu xuất hiện từ mái nhà? Một gã đàn ông, một gã đàn ông thiên tài và điên cuồng hẳn đã tìm ra công thức của tội ác hoàn hảo.