Một chuyện ghê gớm

     hải, thực là chuyện ghê gớm, chuyện dị thường mà ghê gớm nhất là vì có thật, không huyền hồ như những truyện cổ tích yêu quái ta thường nghe kể lại hay thường đọc thấy trong những tập truyền kỳ.
Ông cụ ngồi tiếp chuyện mấy ông khách người làng ngừng lại để rót thêm nước. Trên khuôn mặt rắn rỏi đăm đăm một vẻ trang trọng ưu tư. Hút tàn mồi thuốc lào, uống cạn bát chè tươi, ông hắng giọng rồi lại nói:
Tôi bình sinh đã biết nhiều chuyện kỳ dị mà không hề thấy kinh lạ sợ hãi, vì mình đã biết trước là những điều hoang đường không đáng tin. Nhưng đến câu chuyện này thì lại khác. Chính tôi phải một phen hút chết ở câu chuyện này đây. Các ông ạ, mỗi lần một bóng một mình trong lúc đêm khuya mưa gió sùi sụt, mà nghe thấy tiếng ễnh ương nó ỳ oặc, tiếng ếch nhái nó nghiến răng bốn bề, tôi lại nhớ ngay đến chuyện trước. Bên tai như vang những tiếng người chết nó cười, nó kéo từng đoàn từng lũ đến đầu giường tôi nằm mà tranh nhau nguyền rủa tôi. Cố tình quên cũng không thể được! Tôi đã trải một bước nguy hiểm quá, phải một phen khiếp sợ thái quá, hầu như lạc mất hồn vía, còn sống lại chỉ như để mà nhớ mãi, tâm trí như cải kho tích chứa bao nhiêu điều quái gở đã qua.
Năm Minh Mệnh thứ sáu, tôi hỏng kỳ thi hội lần thứ ba. Bấy giờ tuy mới hăm hai tuổi, nhưng khí khái càng mạnh thì thất vọng càng sâu uất cho phận mình lại càng khinh những tài học non nớt mà gặp vận. Ba kỳ thi lạc đề, nhà lại nghèo thêm sinh ra chán ghét đường công danh, lấy cớ không đủ lực theo đuổi khóa sau này mà coi rẻ việc đèn sách. Nhân vốn tập tành mấy môn võ nghệ, sở đắc về đường quyền kiếm cũng không đến nỗi thiếu kém, nên cái lòng ưa mạo hiểm bốn phương được thể ngày một thêm hào hùng. Tôi bèn quyết chí bỏ làng, viết một bài ca từ gửi cho mấy người trong chỗ thân bằng gọi là đáp lại những lời khuyên can, mà cũng là để từ biệt hẳn cái đời văn chương kinh sử.
Rồi “bán kiên hành lý nhất thân khinh”, cuộc đời giang hồ kể lắm bước gian truân nhưng cũng đem lại cho mình nhiều cái thú đột ngột.
Hồi đó, mấy khúc trường hành của tôi, làm từ ngày còn ham mê đường khoa hoạn vẫn được cái may là gợi hào hứng những bạn tri kỷ không quen biết ở nhiều nơi. Vì thế mà có được những cuộc gặp gỡ thực bất ngờ nhân mới nhận ra rằng mỗi bước đường đi lại khiến mình sợ hãi thay cho cái lúc do dự toan ở lại với nơi quê quán. Mỗi bước đường đi, lòng được quyến luyến thêm một cảnh lạ người mới, trí được phong phú thêm những tư tưởng đằm thắm, những kinh nghiệm không thường.
Nay đó mai đây, khi lưu niên hằng năm ở một miền sơn thôn bình tịch, khi thì ngày ngày lận đận qua những miền thâm u thưa vắng bóng người. Bất cứ ở đâu, dù xa xôi hiểm trở đến đâu cũng mặc, hễ nghe tiếng có bậc ẩn sĩ hay có tay võ nghệ cao siêu thì thế nào cũng phải tìm gặp. Đó là hữu ý mà đến, nhưng cũng có những phen tình cờ. Một lần người ta chỉ lầm đường tôi lạc vào sào huyệt của bọn cường khấu. Ngót nửa năm trời, mình phải làm một hảo hán bất đắc dĩ, qua được phần tai nguy là nhờ có phần quyền thuật đã thêm vững chãi mà trốn được thoát cuộc đời hung bạo ấy, lại là nhờ ở phần mưu trí nhà nho. Kể cái hồi gian hiểm sống chung với bọn cướp rừng này cũng lắm chặng ly kỳ. Nhưng so với câu chuyện dưới đây thì cái tính mệnh của tôi lần trước chỉ như mới vướng phải bụi gai, còn lần sau thực như sa vào cạm ác thú.
Cũng vì cái tiếng là đã đi với kẻ cướp mà tôi không thể ở yên được một chỗ. Người đời đã hay nghi kỵ, lại nhân cái tính tình phóng lãng của mình không hợp với thói lệ thường ngày, ác cảm dễ sinh, rồi do thế, một lời đắc ý ngang tàng hóa thành những lời võng ngạo. Tôi đang ngồi dạy lũ trẻ ở nhà một người riêng có bụng mến mình thì được tin có trát nã gấp. Một ông bạn tâm phúc đến bảo mình rằng những bài ca từ của tôi súc tích nhưng ý phạm thượng, mà cái hình trạng phản nghịch đã lộ rõ ở thái độ của tôi, ở cuộc đời tôi, nhất là ở hồi gần đây tôi “đã từng giao thông với quân giặc cướp”. Tôi biết trước, một án cữu như thế chỉ có một hình pháp, mà những người đã kết án, tôi lại biết là một vài người đồng học với tôi trước kia. Tìm cách minh oan tức là làm việc tối vô ích. Tôi chỉ còn một kế là lại đi. Bước giang hồ chỉ như mở rộng thêm, xa thêm. Chỉ khác là cuộc đời lữ thứ của tôi, từ đó lại canh cánh một nghĩa nữa là đời phóng trục. Mình tự phóng trục mình, mà đi là không hẹn ngày về.
Tôi theo đường tắt qua Lạng Giang. Ở Yên Thế ít ngày, rồi đi ngược sâu mãi vào trong cảnh sơn lâm, đổi họ đổi tên, nhưng tính danh dù để nguyên cũng vô hại. Bọn Nùng, Thổ man dã ở các nơi tôi đến trú ngụ là những người chất phác, tôi có đem hết nỗi bất hạnh của mình nói thực ra họ cũng vẫn quý mình như lúc họ mới biết.
Sống chung với người sơn dã, quen phong tục, thuộc ngôn ngữ, tôi dần dần cũng thấy tâm tư đơn giản như họ, rồi thành yêu chung trọng lẫn nhau tôi nhiều lúc coi mình là người đường rừng mà vẫn lấy làm vui. Trước còn ở miền dưới cũng thừa thấy yên thân. Nhưng lâu ngày quên cả chuyện trước, tính thích xông pha lại đến giục giã, tôi cứ lần hồi đi ngược mãi lên. Mỗi bước như một kích thích thêm lòng hiếu kỳ. Trong cái phong thổ hầm thiêng nước độc, còn chứa chất không biết bao nhiêu cái dị thường lẩn quẩn ở bóng tối vòm cây, ở giải nước sâu váng xanh, ở những trận gió ồn ào như có rất nhiều thanh âm gở lạ. Tiếng chim kêu cũng phảng phất thành những lời nói. Những tên đất, tên làng là những tên, những tiếng khác tai. Mỗi cảnh vật đều có một sự tích oan khiên, hay khủng khiếp. Tôi từng nghe tiếng ngọn suối ban đêm như than khóc, người Thổ nói là tiếng kêu khóc của đôi trai gái bị hại ở lưng bờ. Hang núi, mạch rừng, thác, đèo... mỗi nơi có một tên phát tích ở một chuyện thảm khốc hay rùng rợn. Bóng oan khuất như gây ra các sự kinh hoàng, người ta dù cứng bóng vía đến đâu cũng không thể không thấy một thứ ghê rợn lạnh lùng rất khó nói. Đâu đâu cũng toàn là những chuyên kinh người hết. Nào chuyện ma gà, chuyện hùm tinh, chuyện lợn biết hát, chuyện thần rắn, chuyện Mán làm mắm trẻ con... Họ thuật lại cho tôi nghe như những việc hiển nhiên, sự khủng khiếp lộ ra trên nét mặt kính cẩn đạng đột.

*

Chỗ tôi ở lâu nhất là một làng ở phía bắc trấn Lạng Sơn, tên gọi là Bản Khau, hay, là Khau Gié. Tiếng là một làng song chỉ lác đác mươi nóc nhà tranh, hoặc dựng cao trên sàn, hoặc lèn đất làm tường. Dân cư, phần lớn là người Nùng, sinh nhai bằng nghề trồng hồi với nghề săn bắn. Người Nùng ở đấy săn rất giỏi, cung nỏ bách phát bách trúng, lại riêng có tài dùng hỏa mai học được chẳng biết ở một người Tàu nào họ truyền dạy cho đã lâu đời. Những cuộc đi săn của họ, họ coi trọng lắm; rất nhiều nguy hiểm mà cũng cực kỳ vui. Tôi ở với họ liền ba bốn năm rất lấy làm vừa lòng, không muốn đi nơi khác nữa. Khi nào săn ở rừng xa, rừng dữ, thì gần hết cả làng cùng đi.
Lần ấy định săn ở tận cùng Lùng Sa, Mùng Sáy, gần miền cương giới. Sáng hôm đi, bạn săn dậy thực sớm. Hơn hai chục đàn ông tay lao tay nỏ, gậy gộc khí giới đủ mọi thứ, cơm nước xong, mỗi người đèo thêm một nải gạo hoặc lương khô đủ dùng trong mười mấy ngày. Đàn bà con trẻ với những ông cụ già tuổi quá thì sắm sửa giúp những vật dụng lặt vặt. Đầu canh tư thì lên đường. Bọn ở lại ra tận đầu làng để tiễn chân. Gặp những dịp này, tôi là người hăm hở bận rộn hơn hết, vì mỗi năm họ mới đi như thế có một lần, vào hồi cuối thu.
Từ canh tư hôm trước, đi không nghỉ. Đường càng gần tới càng gập ghềnh. Phải qua những nguồn suối dềnh lên bất ngờ, có khi phải chịu ngừng lại lâu, ngồi đợi cho nước rút xuống. Qua canh năm đêm hôm sau thì đã trông thấy Lùng Sa. Sương sớm còn đặc. Giải rừng lớn, hình bóng còn chập chờn. Tuy mô núi không cao, xem ra chỉ ấp thoai thoải giữa những đồi trụi mống trọc kỳ khu hơn nhiều. Nhưng cứ nhìn cái dáng lù đen của những vòm già lá kết cũng đủ đoán biết cái tính ác dữ không phải là ngoa truyền. Lùng Sa có tiếng là hoang hiểm. Thực là một cảnh săn tốt đối với con nhà đi săn.
Chúng tôi không ai tưởng đến nghỉ ngơi, thẳng bước vào tìm chỗ làm chòi. Trú ngụ ở đâu khác cũng làm cho dân làng quanh quất đó kinh nghi. Đi toán đông thì chỉ ăn ngủ ngay trong rừng là tiện.
Tìm được một khoảng vừa ý, từ cửa rừng đi vào không xa lắm, chúng tôi đang chia nhau người đẵn cây, người kéo lá, thì một anh trong bọn bỗng reo lên, gọi tất cả chạy đến một đám cây thấp bùm tum. Phát cành rứt rợ vào xem, thì ra đấy là một tòa cổ miếu. Chung quanh miếu có tường quây, nhưng tường phần lớn sập đổ gần tới móng. Mái cũng vậy, bẹp trĩu dưới những đợt lá nặng, chỉ ở một góc bên trong còn lại dấu vết mấy chiếc rầm mục với vài ba miếng ngói đen sì. Ánh sáng qua những tán cây soi xuống tha hồ. Trước miếu có một khoảng sân khá rộng gạch đã nứt vỡ hay bật chồi lên vì rễ cây to, mà hầu hết bị cỏ lá với đất rêu phủ kín khắp mặt. Không còn cảnh nào có vẻ hoang phế hơn nữa. Cả cái bệ chính giữa cũng lở nứt, có chỗ như bị xô, bị húc nhiều lần. Hương ngói lạnh lẽo hẳn đã lâu lắm rồi, sự linh thiêng có lẽ không bằng một cái chòi lá đơn sơ dựng ở một quãng nách đèo hay hốc suối. Nhưng tôi vẫn lấy làm nghĩ ngợi mãi trong lúc bọn người Nùng sạo sục mà chẳng tìm thấy gì thêm. Miếu tuy bỏ vắng nhưng cũng đã phụng sự một uy quyền nào ở đây. Không thì cũng đã yên ủi một vong hồn nào bị oan khuất. Cái nơi nguy hiểm ghê gớm là cảnh rừng này, một thuở xa xăm nào đó, cũng đã từng có vết chân người. Mấy chữ đá thảo còn sót lại ở những chỗ trước kia là cột viết câu đối. Tôi không thể nào đọc rõ: hẳn chữ với màu mực đã mòn lẫn mất hết. Một mảnh đại tự mập mờ không đủ cho minh đoán được là chữ “Hải” hay là chữ “Mai”.
Có người bàn nên dùng chỗ này, đắp đất chất gạch cho cao tường thêm, để thay cho cái chỗ ở bằng chòi định làm khi trước. Ý kiến ấy được mọi người khen hay. Chúng tôi liền đem chỗ cây, lá mây, nứa, đã kiếm được chất cả lại trước khu miếu. Rồi lèn vách, trồng cột, lợp gồi, đan liếp, không mấy chốc dựng thành cái nhà một gian rộng rãi, có tường dầy, có cửa phên chắc chắn, vừa làm nơi ăn chốn ngủ, vừa có chỗ chứa sấy vật săn được, tiện lợi không đâu bằng. Làm xong nhà thì ống cơm nếp lùi cũng vừa chín. Chúng tôi ngả lưng ra ăn uống no nê rồi vun thêm lá khô bên ngoài giải lên đất mà nghỉ ngơi.
Đi đường xa, lại vừa lợp lát, tuy có mệt nhưng tôi cũng không muốn ngủ. Mình là người hay thẩn thơ: Gặp cảnh lạ cảnh mới bao giờ cũng thấy lòng bồi hồi náo nức. Tôi ra cửa ngồi đó một mình. Cái khoảng phát quang chạy ngang trước mắt như một con đường, mà bên kia đường chằng chịt, uốn éo chùm rủ cả một phần rừng xanh lúc đó như sấn lại trước mặt. Tôi vui mắt mải xem bầy khỉ đu nhảy trên nhữmg dây võng cành lá gần đó. Một vài con men xuống bám ở những chạc thấp nhất, nhòm nhòm nghé nghé vào gian nhà mới của chúng tôi ra vẻ hết sức ngạc nhiên.
Bỗng có tiếng lạ tai. Tôi giật mình. Cùng một lúc với tiếng sột soạt lùm cây rậm trước cửa rung động một vẻ khác thường. Hình như có một con vật đang rẽ lá lách cành mà tiến đến. Tôi sửng sốt, đứng phắt dậy, quay vào trong lều. Các bạn săn ngủ ngon giấc quá. Tôi không đánh thức ai vội, vớ lấy một cái nỏ, chĩa vào bụm cây một hai chỉ đợi bắn. Thì bụm cây lại thấy yên, không còn run rẩy nữa. Nhưng có tiếng chân rẽ về phía khác. Bước chân mau nhẹ, dẫm lên một lối chừng quang phắng nhất, mà nghe mỗi lúc một xa dần. Tôi đoán có lẽ không phải là thú dữ, vì nếu phải nó tất đánh hơi thấy, đã xông ra hại mình rồi. Nghĩ thế nên vững tâm hơn, tôi liền rẽ ngang, chạy theo một lối nhỏ cây thưa, cứ tiếng chân dẫm lá của con vật làm chừng mà đuổi nó. Tôi hết sức đuổi, cố tình tìm bắn cho bằng được. Được chừng quá trăm bộ đến một chỗ ngoặt, cây chen mau, nhưng lối không dốc, tôi sấn bước nhảy cho chóng tới gần con vật. Thoáng một cái, trong một vùng quanh có ánh nắng ló xuống tận cổ tôi thấy bóng một người. Không thể trông rõ mặt được; tuy cách nhau chỉ vài chục bước nhưtig hắn lẩn nhanh lắm, như biến vào đám cây lá, mà từ lúc ấy không để lại một tăm hơi nào. Chỉ kịp nhận ra là người ấy to béo, quần áo màu chàm bạc, đầu lại có đuôi sam. Chắc hẳn là một người Tàu. Nhưng người Tàu ấy là hạng người nào, ở đâu đến đây, mà đến cái chốn nguy hiểm này làm gì? Bảo là đi săn chăng? Người Tàu họ không săn ở đây. Mà có chăng nữa tất phải đi thành đoàn, thành bọn; mấy ai dám xông pha vào một mình. Điều kỳ dị hơn nữa là sao hắn lại có vẻ lẩn lút, thấy tôi lại trốn chạy như một kẻ gian đồ? Hay có lẽ hắn quả là một tên cường bạo? Một tội nhân vượt ngục hay một kẻ vong mệnh bị truy tầm tróc nã gì đây chăng?
Tôi vừa quay trở về vừa nghĩ bụng thế, thỉnh thoảng vẫn trợn trợn ngoái lại đằng sau. Về nhà, ngồi vẩn vơ mãi cũng không đoán ra người khách ban nãy là người thế nào. Bọn người Nùng ngủ dậy, thấy tôi vẫn tư lự. Tôi đem việc vừa rồi kể lại rành mạch cho họ nghe. Không ai tin. Họ bảo tôi rằng không có gì đâu, không đời nào có người dám táo tợn một mình vào trong nơi ghê sợ này như thế cả. Tôi nói là chính mắt tôi trông thấy người khách, tôi lại cầm chính cái nỏ kia đuổi theo hắn. Họ vẫn một mực không chịu tin. Mà như thế không phải để chọc tức tôi. Họ quả quyết bảo không thể có người nào dám cả gan vào rừng này được. Người nhiều tuổi nhất trong bọn phân giải câu chuyện tôi như thế này: cái người mà tôi trông thấy, không phải là người. Hẳn trước đây có anh khách nào đó, vì không biết mà đi qua rừng một mình rồi bỏ mạng; vong hồn không tiêu tan được, vẫn lẩn quất ở đây, rồi bây giờ làm ma rừng, hiện lên để trêu tôi đó. Rồi mọi người thành thực tin, khăng khăng tin là thế. “Phải, phải, ma khách đấy. Ở trong rừng thì nhiều ma lắm, nhưng đừng sợ nó thì nó sợ mình”. Ý nghĩ của họ thật đơn giản quá. Tất nhiên tôi không thể cũng tin như họ được, nhưng cũng không cố biện bạch gì, dẹp chuyện đó lại cũng như họ thản nhiên gạt hẳn ra ngoài tâm trí. Đến lúc sửa soạn khí giới, bàn tính cuộc săn đêm thì tôi cũng không còn chút băn khoăn nào nữa.
Chúng tôi ở đó được ba hôm, ngày thì ngủ, đêm lại đóng cửa kéo nhau khua động vây đón rộn cả mấy khu rừng. Săn có hai đêm mà được cả một hổ, con đực to lớn lạ thường, hai con hoãng, ba con nai, một con hươu nhung. Hổ thì chỉ lột da, dóc cốt. Những con khác mới giữ lấy cả thịt phần lớn phơi sấy, hoặc ướp; còn thì nướng ăn tại trận cùng với lương thực đem theo từ nhà. Vụ săn xem chừng còn mắn nhiều; cuộc xông pha càng nguy hiểm càng thấy có hứng thú. Mọi người đều lấy làm vui vẻ sốt sắng, thường cười nói bảo nhau: “Giời giáng thiên tai cho rừng này nên sai toán thiên tướng chúng ta xuống sát phạt một mẻ”.
Chiều ngày thứ ba tôi thức dậy trước nhất. Tôi mở cửa vừa bước chân ra khỏi miếu vụt đã thấy bóng người khách kỳ dị hôm lâu. Lần này thì tôi trông thấy mặt và nửa người phía trên của hắn. Khuôn mặt to phình, nhô ra giữa cụm lá lặng lẽ mà nham hiểm, lại như vừa ngạc nhiên vừa căm tức. Trong có giây lát mà hình ảnh ấy như in mãi trong tâm trí tôi. Nhất là hai con mắt sếch của hắn tuy nhỏ mà sáng lạ, sắc lạ, long lanh một vẻ độc ác ghê người. Thấy tôi, chừng sững sờ hắn chưa kịp lủi. Rồi tức khắc, hắn thụt vào, mau như biến. Thoáng cái, đã mất hút y như là không có bao giờ! Tự nhiên cơn giận bừng bừng nổi, tôi trở vào, vớ lấy cái cung sắt lớn, miết đuổi theo. Tôi không cần gọi bọn người Nùng, rắp tâm thề trông thấy thì dù là người khách hay là ma khách tôi cũng bắn chết.
Tôi sấn chạy vào lối hắn lủi, nhảy những bước rất táo tợn qua những đám gai sắc. Được một chặp, hết sức khẩn bách, tôi đã trông thấy hắn chỉ cách tôi độ dăm chục bộ. Sợ hắn sớm lách vào đám rậm mất tôi không đợi gần đích vừa chạy vừa giương cung. Khoan bước để hất một cành lá đâm ngang thì thằng khách đang khom người. Nó tìm cách lẩn đây! Tôi liền phóng ngay phát tên ra. Rắc rắc! Mấy tiếng cành gẫy cùng với tiếng lá xô. Mười phần chắc bắn trúng cả mười, nhưng trông lên thằng khách đã đâu mất. Rồi ngay lúc ấy, từ cái phía sột soạt ấy, một vật loáng dài như một thân cây quẫy cựa trong khoảnh vòm tối tranh sáng. Tôi nhận ngay ra là con trăn! Một thứ trăn lớn nhất, khỏe nhất! Nó lẳng lặng mà tiến thẳng lại trước mặt tôi chậm chạp, lừ lừ lại có vẻ thản nhiên, nhưng quả thực là ghê gớm! Tôi biết cái nguy hại cấp thiết đến mức nào rồi. Phát tên vừa buông đã thành hư vô. Rút bắn phát nữa tôi lại thấy trật đích, mà trật một quãng xa như người bắn vụng! Trong lúc đó con trăn vươn lên một chặng đáng sợ. Tôi vội càng quay đầu chạy. Con trăn lặng lẽ trườn theo. Gần về đến khu miếu tôi hét rất lớn để kêu gọi bạn săn. Họ đã ngủ dậy cả. Nghe tiếng tôi, một vài người nhanh chân xông ra trước. Con trăn coi như không thấy ai. Nó cứ tôi đuổi mãi. Sau, tất cả bọn giáo mác gậy gộc ồ cả ra, kẻ sỉa người nện nó mới quẫy ra chạy. Con trăn khỏe mà lại dai đòn một cách quái lạ. Suýt nữa nó quấn được mấy người lúc nó vượt qua cửa miếu. Tuy bị thương nhiều vết nặng mà nó còn bắt được chúng tôi phải đuổi xa đến mấy trăm bộ nữa mới chịu nằm im. Con trăn chết rồi, hai mắt vẫn mở như sống.
Bọn người Nùng hỏi tôi sao đi ra sớm thế, mà đi xa trong rừng sao không gọi ai cùng đi? Tôi thuật chuyện đuổi thằng khách cho họ nghe. Họ cười ồ cả lên. Tôi ngạc nhiên, họ lại càng cười to. Rồi ôn tồn phân giải cho tôi biết rằng; “Nó là ma đấy, thằng khách là ma rừng đấy sao lại đuổi bắn nó? Bây giờ thì nó đây rồi; con ma ấy đây rồi!”
Vùct nói, họ vừa trỏ vào con trăn, vỗ tay lên vai tôi để yên ủi tôi. “Con ma ấy mới nhập vào con này bây giờ con này nó chết, con ma nó cũng chết”.
Câu nói của họ rất thành thực có một giọng quả quyết rất chắc chắn. Tôi cũng thấy sờn lòng, thế gian quả có những sự biến ảo hiển nhiên đến thế được sao? Thằng khách kia chỉ là một hình ma! Mà con ma lại hóa ra con trăn bị giết chết? Thực là kỳ quái hơn cả mọi điều kỳ quái! Tôi nhìn xuống. Hai mắt con vật mở như vẫn nhìn tôi trừng trừng! Tôi rợn người lên một lượt, sợ hãi tràn lạnh khắp thịt da. “Có lẽ là ma quái thực cũng nên. Lúc trước rõ ràng phát tên của mình nhằm trúng thằng khách. Thoát được tất phải do một sự may mắn kỳ diệu lắm lắm, không thì tất phải do một sức huyền bí nào! Vậy mà nó thoát khỏi, nó biến mất, rồi tức thì thấy tiến ra cái quái vật này”. Tôi vốn không tin ma quỷ mà lúc đó cũng phải nhận rằng yêu dị chưa hẳn là chuyện hoang đường.
Nhưng dù sao tôi cũng qua cơn hiểm nguy rồi. Người khách kia dù có phải là giống hung thần nào tôi cũng không còn quan tâm nữa. Người Nùng nói có lý lắm, đuổi bắt nó làm gì. Tự dưng chúng nó có làm hại được mình bao giờ đâu?
Phải đến ba bốn người mới lôi cái xác con trăn được dễ dàng. Ai nấy gật gù bảo nó lắm mỡ, ép ra thắp đèn thì tốt không gì hơn; da nó là thứ bịt chuôi dao rừng vừa bền vừa quý. Tôi đi đầu đoàn. Đến quãng rẽ trông thấy được cửa miếu tôi hốt nhiên kêu lớn tiếng kinh ngạc. Tôi thoáng thấy thằng khách! Nó vừa lẻn vào trong lều.
Tôi hét ầm lên bảo cho các bạn săn biết.
Bọn người Nùng vẫn chưa nghe ra, đủng đỉnh hỏi:
- Lại cái gì đấy?
- Thằng khách!
- Thằng khách nào?
- Thằng khách chứ còn thằng khách nào!
- Nhưng thằng khách làm sao?
- Nó vừa vào trong miếu.
Tôi bảo họ bỏ con trăn đấy, cùng xông vào với tôi. Nhưng không một ai vội vàng. Họ lại còn ra ý không tin.
- Không có gì đâu mà, không có gì đau, anh trông lầm đấy.
Tôi phải nhắc đi nhắc lại:
- Chính nó tôi trông thấy chính nó! Không thể sai được!
Rồi săm săm tôi chạy về! Chợt chột dạ. Tôi đứng lại giục họ vẫn chùng chình vừa lắc đầu vừa gàn:
- Đã bảo không có gì mà, sợ gì mới được chứ?
Tôi bực dọc quá phát gắt lên:
- Thì cứ vào với tôi xem nào! Chẳng lẽ tôi lại mờ quáng đến thế?
Mãi lúc ấy họ mới miễn cưỡng mà theo tôi.
Tuy để chậm mất một quãng khá lâu, nhưng lúc đó tôi vẫn không rời mắt khỏi cửa miếu. Chiều đã mát bóng, nhưng đến một con chuột ra vào bấy giờ tôi cũng thấy được rõ. Thằng khách chắc chắn vẫn còn trong lều.
Tôi vung thanh đao giật ở tay một người để xông lên trước, quyết bắt, mà thế nào cũng bắt được thằng khách cho bọn người Nùng hết nói là ma.
Tôi bước vào. Bọn người Nùng cũng đã ồ tới chật cả cửa. Trong lều im phăng phắc. Tôi quắc mắt nhìn đến cùng kẽ mọi xó tối. Kỳ dị thật. Không thấy qua bóng vết thằng khách đâu.
Đánh đuốc lên xem nào.
Lửa sáng soi cũng chẳng thấy gì khác. Cũng không có gì thay đổi, đồ vật mọi chỗ vẫn y nguyên. Trong lều còn một vài chỗ dấp lá khô, nhưng đống tháp, bới tìm chi thêm việc. Tường vách làm để phòng ngừa thú rừng, một con mèo cũng không lọt được, mà lúc đó vẫn kín không một dấu đào khoét nào qua. Vậy thì thằng khách trốn đằng nào? Chỉ có lối cửa thì tôi đã để ý chăm chú lắm rồi, không thể bảo nó ra khỏi mà tôi không trông thấy được!
Tôi kinh ngạc hết sức. Nhớ lại thì cái bóng thằng khách lúc lẻn vào vẫn rõ rệt, cái mình áo chàm, cái đuôi sam đen, cả đôi ống quần nịt quấn của nó, nhất nhất tôi thấy rành rẽ. Cả cái vẻ lén lút của nó nữa. Thế mà rồi thành hư ảo, mà sự biến ảo chỉ có tôi trông thấy, hình như chỉ ngạo nạt riêng một mình tôi. Các bạn săn thì không ai ngẫm nghĩ lâu. Họ cứ tin theo ý họ vẫn tin, một mực bảo tôi rằng “Chỉ là ma đấy thôi đừng sợ nó, ma không bao giờ làm chết những người ngay thẳng hiền lành”. Tôi không hiểu nên cho thế nào là phải, tâm trí như rối loạn, vừa hoảng sợ ngấm ngầm, vừa tức giận, bó gối ngồi bực dọc một xó, mặc những người Nùng này hì hục lột da con trăn.
Họ thấy tôi chưa từng băn khoăn quá như thế bao giờ, thấy một người gan dạ vui vẻ như tôi mà bỗng có thái độ đổi khác đến thế, họ cũng phải sinh ngờ vực, cũng phải hiểu rằng những điều tôi trông thấy tất hẳn là những điều phi thường. Sau cùng người trưởng đoàn cho là tôi gặp bóng thần rừng, hay chính thần miếu. Vị thần khu cổ miếu này bị bọn tôi đến quấy rối sự yên tĩnh, hiển hiện lên để tỏ ý giận dữ; đã thế thì chỉ có việc cúng bái là yên ngay. Họ vừa sửng sốt vừa trầm trồ như mới vỡ ra một lẽ tất nhiên không thể nào khác được. Trong bọn có người thường nhật làm thầy “mo” cho cái ý vừa rồi phải đem làm ngay. Hắn liền đốt lửa giữa lều, gõ thanh la, niệm thần chú để tạ ông “thẻng”, ông “thần” ở đầy. “Xin ông ‘thẻng’ ông ‘thần’ ở đây cho phép bọn người đi săn giết nhiều hổ, nó vẫn làm hại con cháu người dân người làng, nó vẫn ăn trộm con lợn, con bò của người dân người làng, xin ông đừng giận người đi săn làm chi nữa”.
Cầu cúng xong, thế là yên chuyện. Bọn họ lại nói đến cuộc săn, không ai nhắc đến người khách hay ông thẻng thần nữa. Gặp phải sự cản trở cho công việc họ thì họ giết phắt kẻ làm trở ngại kia đi. Nếu lại là thần thánh hay tà ma xui nên thì họ cầu đảo, phù chú. “Đói khát thì ăn thì uống, đau ốm thì thuốc thì bùa”. Sự cầu cúng họ tin có hiệu lực vững vàng như kết quả của mọi sự thiêu thực. Phần tôi, tôi không thể dễ dãi yên lòng được như thế. Tuy không lộ vẻ lo ngại nhiều, vì không muốn họ cho mình quá nhút nhát, song tôi thành ra ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm cố giải những điều kỳ quặc nọ. Cả những lúc săn bắn trong rừng, tôi cũng không thể quên đi được, mỗi chốc lại tưởng chừng sắp thấy một sự lạ nào xảy ra.
Chiều tối hôm sau, nhân phấn khởi về số vật săn khá nhiều trong đêm vừa qua, lại hăm hở sửa soạn cuộc săn vây lớn đêm sắp tới, mọi người ăn uống một bữa ồn ào vui vẻ khác thường. Họ rót cho tôi một gáo rượu đầy, bông đùa mấy câu về những chuyện ma rừng, lại ép tôi uống thực nhiều để thêm vững trí. Tôi không hay rượu, nhưng bữa này lây vui, rượu cẩm ngon một hương vị riêng, tôi cũng sẵn lòng cười nói như thường. Tâm trí nhẹ hẳn đi; những việc quái dị, những điều lo ngại không còn gì quan trọng mấy nữa, mình lại tự nhủ: ừ, tội gì mà thắc mắc. Mình là người chính trực không làm hại ai, không có gì tà khuất trong lòng, thế thì dù có những loài yêu quỷ hung bạo thật hăng nữa, chúng nó đã dám làm gì được mình. Chuyện nói bữa đó nhiều câu thực hào hứng, rượu uống cũng hăng hái, lúc sực nhớ đến cái hại quá chén, biết nghĩ đến sự nên ngừng lại để khỏi phải bỏ cuộc săn, thì đã say mất rồi. Tôi đứng lên được nhưng bước đi cố gắng cũng không giữ nổi thăng bằng, ăn được chút nào thì chỉ chực những nôn ra hết. Một người bạn săn phải đỡ lấy tôi. Mấy người khác phải dọn vội lấy một góc kín rồi cùng vực tôi đến, đặt nằm yên đấy. Tôi mơ hồ thấy mấy bộ mặt cười cợt hiền lành cúi xuống, rồi từng khoảng ánh lửa trong lều đổi chỗ bước chân của bạn săn nhẹ nhõm với những tiếng trò chuyện như thấp xuống, như thì thào!
Tôi ngủ một giấc thẳng cẳng không biết được bao lâu. Lúc thức dậy, bàng hoàng nhưng tỉnh ngay tức khắc. Chừng đã khuya lắm. Trong lều tối như bưng. Bấy giờ hơi rượu đã tan hết. Sờ quanh mình thì biết là đang đè lên đám lá khô. Trên bụng đắp một manh chiếu cói. Nằm rốn một lúc nhìn đến rức mắt cũng không biết được là đang ở khoảng nào, cũng không rõ cửa ở phía nào. Bạn săn có lẽ đi đã lâu lắm. Thử cố nghe xem có thấy tiếng tù và hay tiếng thanh la đưa vọng lại không. Tịnh không. Bầu tối nghịt đen. Tiếng rừng đêm cũng như nhỏ xuống mãi. Trong lòng tôi tự nhiên thấy ghê sợ quá; mình như bị bõ vào chốn ngục sâu lạnh lẽo kín mít trong đó đầy những sức âm u quái gở, không mong có ai ngó ngàng cứu vớt mình. Tôi lại nhớ ngay đến thằng khách, nhớ đến con trăn lớn, nhớ hết các việc dị kỳ mấy hôm vừa qua. Nghĩ cứ giận bọn người Nùng sao nỡ để tôi trơ trọi chốn này. Chắc hẳn tôi say quá họ biết không thể đi săn được, đành để tôi ngủ yên ở nhà. Nhưng họ có ngờ đâu là tôi không thể yên tâm được, đối với những điều xảy ra kia, tôi có dửng dưng được như họ đâu?
Có tiếng động khác lại.
Bên ngoài, những bước chân như đang tiến lại. Tôi lắng nghe. Không thể lầm được. Tiếng chân bước đều thong thả, mà như quen đi trên đường lối gần đấy. Nhưng khi gần tới chỗ mà tôi đã nhận ra là phía cửa thì bước đi lại ra chiều dè giữ rón rén. Loáng thoáng có ánh lửa đuốc. Vì thế tôi mới nhận được phương hướng cùng với chỗ mình vẫn còn nằm. Bước đi càng thêm nương nhẹ, có vẻ nghe ngóng, lá khô bên ngoài bị xéo dị xuống mà tiếng nghe vẫn êm. Rồi im hẳn. Lửa đuốc như sáng to hơn. Một tiếng cọt kẹt từ từ mở cửa phên. Một bó đuốc đưa vào cùng một cánh tay áo chàm, rồi cả một người lách vào. Tôi nhận được mặt ngay:
Chính là thằng khách!
Tôi tái hẳn người đi. Mép chiếu đã kéo lên tới gần mắt, tôi cố thu mình lại, mong cho nó không biết trong này có người. Cũng may, bấy giờ tôi nằm ở một góc miếu phía trong cùng, nơi xếp những lương khô, mình khuất sau mấy nải gạo mà bọn người Nùng kéo ra có lẽ để dọn cho tôi được chỗ kín gió mà sạch sẽ cao ráo nhất. Từ góc đó, tôi có thể trông qua những quãng hở để xem cử động của thằng khách mà nó thì khó thấy được tôi.
Thằng khách giơ bó đuốc nhựa lên, nhìn khắp lều một lượt, xem chiều yên trí rằng bọn đi săn thực không còn một ai ở nhà. Tuy vậy, lúc nào nó cũng vẫn có vẻ giữ gìn, đề phòng, hai mắt sắc, nhanh như lửa, liếc đây liếc đó; mà tai thì lúc nào cũng như lắng nghe. Nó bước lên một bước, ngoảnh nhìn ra cửa một cái, cúi xuống cắm bó đuốc ở một kẽ gạch, rồi rút ở lưng ra một con dao rừng lớn, nhìn thẳng về phía tôi. Trống ngực tôi đánh mạnh rất dữ! Có lẽ nó nghe tiếng mất. Nó cứ nhìn về phía tôi mãi, nhất định không rời mắt đi đâu. Nó nghĩ ngợi, như còn lưỡng lự nghi ngờ một lát, rồi thong thả bước lại góc miếu, lôi một nải gạo áp tường bê lên rồi vứt lên người tôi. Tôi phải hết sức nhịn mới khỏi kêu. Hai nải gạo nữa lại đè lên tôi, một ở chính giữa bụng, một ở dưới đầu gối. Dễ thường nó giữ cho tôi không dậy được chắc. Tôi vừa nghĩ thế thì nó đã nhặt con dao lên ướm, trỏ cái mũi vừa sắc vừa nhọn vào cạnh sườn tôi. Tôi không còn hồn vía nào. Toan vùng chạy nhưng chân tay lại bị bó ép trong mảnh chiếu dưới ba nải gạo nặng, thì con dao đã cắm xuống cách đùi tôi chỉ độ một gang. Thằng khách cúi khom người mặt nó sát gần với mình tôi, đang lúi húi vun những lá khô đất vụn mới rấp tại chỗ ấy. Nó chưa biết có tôi ở đó cũng là một sự lạ. Cái khăn chàm quấn trên đầu tôi tuy sổ ra nhưng búi tóc tuột xuống, thò ra ngoài mép chiếu khá nhiều. Hay nó biết mà làm như không? Tôi thực khổ sở vì điều ngờ vực ấy. Nhưng có lẽ ánh đuốc xa, nó lại sấp bóng, mà những áo tơi, bao tải thì hỗn độn trong góc miếu, vì thế mà tôi chưa bị lộ diện cũng nên. Tôi nhíp mắt nhìn xuôi xuống xem nó làm gì thì cái chuôi dao đang bị hai tay nó ấn xiêu về phía lòng nó; nó đang bẩy một gì ở dưới đất. Tôi không phải chú ý lâu đã thấy chồi lên một phiến gạch lớn, dầy lắm, vuông mà to gấp hai ba chiếc bàn cờ. Tiếng động chạm lúc thằng khách lôi nhích phiến gạch, nghe có âm vang khác lạ. Tôi nhận ra đó là nắp đậy của một cái hầm đào.
Người tôi mỗi lúc một cứng ra như gỗ, hết sức ghìm giữ hơi thở, vì để nó biết thì chỉ một nhát dao kia là uổng đời. Lúc đó nó có còn mải chưa để ý, nhưng lát nữa nó đem bó đuốc lại soi xuống hầm, mà tôi thì nằm sờ sờ ra đấy, dưới ánh sáng rõ, thì thoát sao cho khỏi đôi mắt sáng như hai mũi gươm kia!
Thằng khách tra dao vào vỏ, nâng phiến gạch nặng lớn như thế mà coi ra vẻ rất nhẹ nhàng. Lúc nó kéo hẳn sang một bên miệng hầm thì bỗng thình lình cái nải gạo trên bụng tôi lăn ngay xuống. Cổ tôi tắc lại vì sợ. Lần này thì hẳn nó biết. Nhưng nó vô tình. Nó cho là việc tự nhiên lúc xê dịch phiến gạch vừa rồi, nên lấy chân ấn hai nải gạo còn lại trên người tôi vào quá phía trong. Có lẽ lúc ấy cả người tôi cũng chỉ là một bọc lương hay một bó chiếu gì đó. Nó hắng giọng khạc nhổ một cái rồi vừa lẩm bẩm nói vừa bước ra phía cửa phên. Cửa vẫn chỉ mở hé. Nó mở rộng thêm chút nữa, đến bên toan nhổ bó đuốc, nhưng sau ra khỏi lều tay không. Tôi dè chừng nó còn định mang xuống hầm một vật gì nữa.
Tôi liền hất chiếu vùng dậy. Phải lợi dụng cái khoảnh khắc thằng khách vắng mặt ở đấy. Chưa kịp có mưu kế gì, tôi nhảy một bước đến bên vách, hẵng nhấc lấy cung tên treo ở tầm tay. Trông trước trông sau, không có một chỗ nào khả dĩ ẩn được kín đáo, thì tiếng lá khô bên ngoài đã lạo xạo. Túng thế, tôi thấy chỉ còn cách trốn xuống ngay dưới hầm. Cái tiếng nải gạo rơi xuống đó lúc trước, nghe gần lắm, hầm tất cũng chẳng sâu bao nhiêu. Tôi bèn lẹ chân nhảy xuống. Trong trí bây giờ đã tính sẵn: nếu không tìm được chỗ nào khuất, nếu thằng khách xuống hầm còn có thể vớ được tôi, thì thừa lúc anh chàng bất ngờ, cắm ngay cho mấy mũi tên sắt này vào gáy là rảnh chuyện.
Chân tôi chạm tới đất thì vừa vặn ngồi lên nải gạo lăn xuống vừa rồi. Đất dưới chân ẩm, nhưng không mềm nhẽo. Hầm tối như hũ nút. Quờ tay sờ soạng chỉ thấy quãng không đen ngòm. Trông lên, chếch phía trên đầu là cái khung vuông, ánh sáng đổ mờ mờ; đó là cái miệng hầm nắp mở ra gần hết.
Cứ trông qua cái miệng hầm ấy cũng đoán được hành vi thằng khách trên miếu lúc đó. Bó đuốc chừng nó đã nhổ lên, rồi đi xoi mói khắp mọi xó. Khoảng mái lá tôi trông được bên trên, ánh sáng lúc tỏ, lúc mờ, có lúc tối hẳn. Có lẽ thằng khách bấy giờ mới sinh nghi, hoặc vẫn chưa đành tâm về hồi xem xét sơ qua lúc đầu, nên soi lại để cho thực vững bụng. Xem chừng nó không bỏ sót một chỗ nào. Tôi nghĩ mà hú vía. Giá nó cẩn thận như thế từ lúc trước, lúc tôi còn nằm dí ngay trước tầm dao của nó thì muôn phần không có một phần mong vẹn toàn.
Ánh lửa biến dần, rồi lại sáng lên rất mau. Rồi sau cùng, tôi trông thấy cả ngọn đuốc. Thằng khách đã cắm bó củi nhựa ngay cạnh miệng hầm. Nhờ có ánh sáng, tôi nhận ngay được một cái hõm thụt vào vách đất cách tôi không đầy ba bước, khuất sau một thứ cột cây mà lúc ấy tôi mới thấy hiện ra. Tôi nép ngay vào cái hõm để ẩn. Trên kia, thằng khách đưa xuống một cái thang. Một cái thang nhỏ ngắn, làm sơ sài bằng những gióng cây không thẳng. Nhanh nhẹ như nó mà phải dùng thang mới xuống được, đã một điều bất ngờ. Lúc nó xuống thang, tôi lại thấy nó phải dò dẫm. Chân nó chậm chạp đặt vào từng bậc như miễn cưỡng bị ai bắt xuống. Thì ra nó mang trên vai một vác lớn, một thứ bọc vải dài xem chừng khá nặng, lại đèo thêm một gói nhỏ cũng bọc vải, buộc ở bên. Xuống hết bực, nó đi ngay vào trong bóng tối, có vẻ quen chân lắm. Tôi đoán chừng chứ không trông thấy nó đặt cái vác nặng xuống một chỗ. Một lát, tay không, nó trở ra leo lên thang lấy bó đuốc xuống nhân thể đậy lại cái nắp hầm.
Nó đem bó đuốc vào, cắm bên cạnh cái bao đã đặt trước một bệ đất, trên đó có mấy đồ thờ cũ, kiểu lạ, chỉ thấy ở những đình chùa của người Tàu. Chỗ ấy cách chỗ tôi chừng hai chục bộ. Nó còn trở lên xem lại cái miệng hầm một lần nữa. Biết là nắp hầm đã đậy thực kín nó mới yên tâm xuống, đến bên hai cái bọc, mở cái nhỏ lấy ra vàng, hương, xếp trên mặt bệ. Nó thắp hương cây cắm vào hai cái lọ vuông, châm thêm điểm hương vòng rất lớn vẫn treo đó từ trước, rồi đốt bốn ngọn nên sáp cắm sẵn trên bốn cái giá nến bằng đồng hun. Lúc đó tôi mới để ý xem xét.
Hầm này không biết có từ đời nào, hầm đào do hạng người nào, mà sâu rộng được đến thế! Chu vi có ngót ba miếng, gần theo hình chữ nhật, song không được ngay gọn; bề cao một người trung bình cố nhảy lên mới với được đến trần. Bề đất trần dày non một thước, có những đầm lớn bắc ngang giữ lấy những bắp tre dài đặt dọc. Bảy tám súc cây để nguyên thân chỉ đẽo có vỏ ngoài dựng thành hai hàng cột không thẳng, không đều, xiêu vẹo, cong queo. Từ chỗ bệ thờ, lửa nến, lửa đuốc chiếu tóe ra những hình đen ngả lên mặt đất, giải lên trên trần, to lạ lùng và dài ngoằng ngoẵng, nhích động như linh hoạt, theo những lúc ánh sáng bập bồng. Bóng tối, lửa đỏ, cảnh tượng chập chờn âm u, tôi khác nào ở giữa một nơi yêu dị kinh hoàng. Không khí trong hầm lại bức nặng. Hơi mục, hơi ẩm, hơi dễ ngái, đất lạnh, bọc thấm tận da thịt mình: mà lẫn với mùi hương nến, mùi khói nhựa ở đuốc tàn ngọn, lại thoảng những hơi cá ươn, cóc chết trong đám vẩn rác ruộng hôi. Một thứ sương mờ loe quanh mấy quầng sáng trên bệ đất.
Phía trước chân bệ, một khoảng đá lớn bằng nửa cái chiếu, phẳng liền như chỉ độc một phiến. Thằng khách lom khom quỳ trên đó, bên cạnh cái bao lớn đặt chếch một bên. Vách hầm bên hữu, treo hai thanh mác cực lớn: tuy hoen rỉ nhưng vào hạng cổ khí rất tốt. Sát vách bên tả, một bản gỗ to, cao gấp rưỡi cánh phản, dày đến ngót nửa gang, dựng đứng như một thứ bia. Trước mặt bản gỗ lủng lẳng những vòng sắt móc sắt với xích sắt mắc treo tận dầm trần. Dưới chân bản gỗ cuộn nằm ngổn ngang những sải dây thừng nhỏ có lớn có. Thoạt tiên, tôi cho chốn này là một thứ sào huyệt của bọn giặc cướp nào, không thì cũng là một nơi ngục thất bí hiểm đặc biệt, mà nhũng hình cụ đó tất dùng vào một việc tra tấn hành phạt riêng. Từ lúc thấy thằng khách vẫn quỳ gối trước bệ, lầm rầm như khấn khứa, nhân lại thấy nó mang cái bao xuống theo, thì tôi đoán ngay rằng: có lẽ thằng khách, đem yểm vàng, yểm ngọc chi đó. Cái bao kia tất không đựng cái gì khác một số của vĩ đại phi thường. Sự tình cờ khiến tôi bắt gặp cái công việc mà nó hết sức giữ kín đáo. Tôi nghĩ bụng: hắn là thế thực. Có vàng bạc đem chôn giấu tất nhiên phải cẩn mật lắm lắm: những việc rình mò lẩn trốn của thằng khách mấy hôm trước kia cũng không có gì lạ lùng quá đáng nữa. Thế thì mình chỉ việc đợi cho nó cất xong bao của rồi lên khỏi là mình sẽ có cách thoát thân. Tôi nghĩ vậy, nên kiên lòng vừa chờ vừa xem.
Sau khi cầu cúng vị thần mà tôi đồ là Tài Thần của nó, thằng khách dậy lôi cái bao vải chàm ra để nằm chính giữa phiến đá, rụi tàn cho cháy to chỗ đuốc còn có một đoạn ngắn, rồi dùng lưỡi dao rạch ngược để mở cái bao ra. Nó rút bỏ một ít mảnh vải lót đi, bên trong còn bọc một lần chăn màu tro. Khi những mối buộc, thắt ở mấy góc đã cởi đến nút sau cùng, thì kỳ dị quá, tôi thấy lại là một người, một người con gái Tàu, quần áo thường ngày nhưng vào hạng lịch sự khác xa với cách ăn mặc thô dày của thằng khách. Người con gái trạc độ mười tám hai mươi tuổi. Nước da xanh, lúc đó xám mét vẫn không làm kém vẻ đẹp của khuôn mặt nhỏ, nét đều mà thanh. Hai mắt nhắm nghiền dưới ánh đuốc sáng gần đó, cô ta im bặt như chết. Nhìn kỹ mới biết là hơi thở rất nhẹ, như chỉ còn thoi thóp. Thằng khách không ra vẻ để ý đến vội thong thả kéo cái bọc nhỏ lại, mở lấy ra một cái bầu, bình tĩnh đổ vào miệng người con gái, rồi lặng lẽ ngồi chờ. Tôi thốt nhiên trợn lòng, sực nhớ đến một điều kinh khủng, một công việc ghê gớm trong những chuyện yểm vàng của người Tàu.
Mình thường nghe nói đến nhiều phép người Tàu họ giấu của ở nước ta, mà cách hiểm độc nhất là bắt một người con gái còn trinh, cho ngậm nhân sâm, gắn trám đường vào mồm mà táng sống trong một sinh phần riêng hay trong một hầm huyệt nào để làm thần giữ những của để trong đó. Tôi chắc hẳn một cảnh tượng giết người độc địa như thế sắp diễn ra trước mắt tôi. Thằng khách đem người con gái vào nơi rừng sâu hoang tịch này làm gì? Chẳng phải cũng là đem khóa miệng một cách thái ác, rồi bắt chết dần ở đây sao? Duy tôi còn ngợ một điều: bọn người Tàu thường bắt con gái nước Nam ta để phong thần, chứ chưa từng nghe thấy họ dùng con gái nước họ. Tôi nghĩ bụng, hay đây là một sự bất đắc dĩ, một biến thái cũng nên.
Người con gái dần dần tỉnh dậy. Cô ta ngồi lên, ngơ ngác giữa các cảnh lạ như còn trong mộng. Mắt cô ta chớp đến ba bốn lần, rồi lại chớp nữa. Lúc gặp mắt thằng khách, cô ta trân trân nhìn một lát, bỗng biến hẳn sắc mặt, miệng há, con ngươi long, người co rúm lại, tất cả thân hình cô ta thành một dáng khiếp sợ dữ dội mà im lìm. Cô ta muốn gào thét mà đã như tuyệt hắn mất hơi. Rồi mãi sau, mới run run khắp mình, vừa run vừa lê dần, cố lùi xa lại đằng sau. Thằng khách bất thình lình vồ sấn ngay lấy hai tay cô ta, nhoẻn miệng cười như người nhăn, cười lên những tiếng đắc ý ngạo nghễ mà nghe thực quái lạ. Thoắt một cái, nó ngừng bặt, hai mắt mở như điên khùng, nó nghiến răng lại vừa rít vừa trỏ tay lên bệ thờ, gầm ghè nói một thôi một hồi những câu tôi không hiểu gì, chỉ đoán già là những lời nạt nộ tức tối. Người con gái cố vùng được, ríu chân mà chạy. Thằng khách chỉ nhảy một bước nắm được vai cô ta lại, rồi xô cho ngã lăn trên phiến đá, dúi vào chân bệ, Những tiếng đe dọa chửi mắng lại tuôn ra không ngừng. Người con gái giấu mặt khóc, cố nói to trong những tiếng nức nở. Tất nhiên tôi không hiểu gì hết. Cứ thấy câu nói nhắc đi nhắc lại những tiếng như: “Ngộ, ngộ... ngộ dẩu cái gì. Chồi cô”. Giọng nói như van vỉ, như phân trần.
Thằng khách thấy thế, lớn môi lên cười trông đến là khả ố. Nó quắc hai mắt sáng như hai điểm lửa lạnh rồi chõ cái mặt đầy những hằn học sát vào tận mặt cô ta. Người con gái quay cổ đi. Nó liền nắm ngay lấy mớ tóc xõa, vặn cho đầu cô ngẩng lên mà khạc nhổ ra một mẻ những lời cục cằn nữa. Người con gái chỉ biết khóc, hai bàn tay nắm lấy nhau, run bật lên. Nó trỏ ngón tay đâm vào tận trán cô ta, rồi sấn sổ đến định lột áo người con gái. Cô ta hết sức chống cự, úp sấp người xuống để giấu ngực. Thằng khách phải giằng co mãi, sốt ruột, xoắn ngay lấy tóc lôi cô ta đến chân bản gỗ dày. Nó xách cô ta kéo dậy như xách một con mèo, đẩy cho đứng dựa vào bản gỗ, lấy dây thừng trói mỗi cổ tay vào một vòng xích lủng lẳng rủ xuống. Hai tay cứ thế giơ mãi lên phía trần hầm. Hai chân cô ta giãy đạp vung lên, nó ghì xuống, buộc vào hai cái vòng sắt phía dưới. Trói xong cả bốn chân tay, nó hục hặc vừa mắng chửi vừa giằng rứt hết mấy lần áo trên thân người con gái. Vải lụa tơi tả thành trăm mảnh theo hai bàn tay vũ phu. Cô ta không thể vùng vẫy ngăn cản được, cứ thảm thiết mà gào khóc. Nó mặc kệ. Lột hết áo, thằng khách lại xé đến quần.
Tôi đứng trong xó tối, bấy giờ vừa lo sợ vừa kinh dị, lại vừa tức giận, chưa biết thằng khách còn hạ những thủ đoạn đê mạt độc địa tới bực nào. Chân tay tôi như bị tê liệt đi, thần trí không được yên vững. Tuy sẵn cung tên đó mà tôi không dám dùng; không những khó lựa chiều vì hàng cột án ngữ, tay cung của tôi bấy giờ lại không được thực mấy, tôi sợ rằng bắn ra rất dễ sai, không khéo nhằm thằng khách mà lại trúng vào cái thân thể lõa lồ kia mất. Tôi lại tính đến cái nguy khác nữa, thằng khách mà biết tôi ở đó tất không để cho tính mệnh tôi vẹn toàn. Dưới cái hầm bí hiểm của nó đây, nó khác nào một bạo thần vô địch. Mỗi lúc xem thái độ nó, nhìn cử chỉ nó, tôi một nhận thêm nó có một sức lợi hại chẳng phải vừa. Trông người con gái thảm hại quá! Vừa khiếp hãi, vừa thẹn thùng, kêu gào cũng vô ích, van vỉ chỉ chuốc lấy sỉ nhục thêm: cô ta tỏ ra một vẻ tuyệt vọng bi đát đến cùng cực. Hãm trong cái cảnh ác hại ghê gớm này, cô ta chắc hẳn không còn một ai biết đến, không thể có một sự tình cờ nào đến cứu được mình.
Bó đuốc tắt hẳn rồi. Bốn ngọn nến hoe quầng như rung rinh hoài. Thằng khách ngạo nghễ nhìn từ đầu đến chân người con gái, cười gằn lên mấy tiếng thô bỉ. Nhân đó tôi ngờ rằng đây là một chuyện cưỡng dâm, một chuyện hãm hiếp ô uế cũng không biết chừng. Có lẽ, ở nơi khác, thằng khách đã bị xấu hổ, đã bị người con gái khinh bỉ, cự tuyệt, nên nó lập mưu bắt cô ta xuống đây để tha hồ mà lăng nhục. Mấy phen tôi giương cung toan bắn, nhưng sau cùng lại thôi. Tâm thần tôi không định. Thằng khách lại không ở ngoài cái đường xuyên nguy hiểm cho người con gái. Phát tên buông ra, rất có thể giết chết người tôi muốn cứu vả lại, như tôi đã nói, chỉ sớm gây họa cho chính mình tôi.
Tôi hồi hộp mà cứ phân vân mãi. Cái ý nghĩ cứu người con gái liền theo với cái ý nghĩ liều chết? Liệu cứu có nổi không? Hay đành cứ đứng yên mà coi cái hành vi khốn mạt của con vật bỉ ổi đó? Tôi thở thấy bức nặng. Cái không khí bấy giờ sao mà kỳ lạ, y như ám ảnh mình, làm mê loạn trí minh mẫn của mình, thằng khách lại cười. Tiếng cười hề hề, nghe mà thêm lợm tởm cả mình lên. Nó đã áp đến gần người con gái Tàu. Người con gái đã ríu cả lưỡi vào, nói khóc không ra tiếng nữa. Tôi bất giác nhắm mắt lại quay mặt đi, như không nỡ nhìn một cảnh nhễ nhại rác rưởi, cả tấm lòng bất bình chợt thấy hổ thẹn quá đỗi thấy mình vô lý, thấy mình hèn nhát không đáng làm người con trai! Chẳng biết mình giận mình hay giận nó hơn, nhưng sự phẫn nộ lúc đó ghê gớm lắm. Tôi quay lại, quả quyết, chân dọn sẵn bước nhảy ra. Nhưng điều trông thấy trước mắt lại thực bất ngờ. Tôi kinh lạ, đứng sững đó, không hiểu ra sao hết.
Thằng khách lúc ấy lại đang quỳ gối trước bệ! Mình cúi gằm, hai tay chống đất, gần như phục vị trên phiến đá, không một chút cử động nào. Thế là nghĩa lý gì? Nó cứ im lặng như thế mãi, tưởng không bao giờ ngồi lên. Mãi sau tôi mới thấy hai vai nó dần dần rung rẩy, mỗi lúc một rõ, nhịp với tiếng sụt sùi, rồi nức nở, trước còn nhỏ sau to thêm, rồi sau cùng bỗng òa lên những tiếng khóc lớn. Tiếng khóc nghe ra thảm thiết cay đắng, bào xé gan ruột, vang âm đầy cả cái hầm đất. Thằng khách vừa khóc, vừa đen đét vỗ hai tay lên phiến đá, trước bệ thờ. Từ những ngọn lửa bập bồng cho đến các đồ đạc, hình ảnh trong chốn này lúc đó như có một cảm giác, một tâm hồn, như xúc động cùng với tôi. Tiếng khóc càng lớn, tôi càng thấy kinh dị, tưởng đâu như trời đất điên đảo, rừng núi chuyển lay, tất cả sập đổ xuống cái hầm này mà lấp đi cả, mà chôn tươi vùi sống ba sinh mạng, thằng khách, người con gái, lẫn tôi.
Trong có chốc lát thì giờ, tôi thấy kế tiếp diễn qua mỗi điều một thêm kỳ quặc, mà mau chóng quá, đến nỗi trí tôi không kịp hiểu, không kịp suy lường. Ngờ thằng khách là gian đồ, rồi tức khắc tưởng nó là một kẻ có của mà hiểm ác. Đang cho nó là một con dâm quỷ khốn mạt, thì lại thấy cái cơ sự vừa rồi; mỗi lúc nó lại hiện ra một hình trạng khác hẳn. Có lúc tôi chực không tin rằng mình còn là người dương gian. Trong cảnh huống kia, gặp những diễn biến đổi dị thường ấy giống như ở giữa một trường ác mộng, ai là người chẳng bất thần? Tôi đi săn trải những phen rất hiểm nghèo, đã từng bị hổ báo nhảy chồm đến tận vai mấy lần hút chết. Nhưng tôi đều coi thường. Ngay lúc lâm nguy mà trí vẫn tỉnh gan vẫn vững. Là vì những nguy nan đó dẫu đến thế nào cũng không ra ngoài chừng mực, người đi săn ai cũng đón đợi những phen như thế, ai cũng trải qua ít ra cũng vài ba phen. Nhưng mà những cảnh tượng trong cái hầm đất kia, tôi tưởng chả cần phải gặp thêm một lần nào nữa mới biết thế nào là sợ hãi. Suốt đời tôi, tôi có quên được bao giờ đâu?
Thằng khách khóc một hồi lâu lắm. Bỗng nó vùng dậy, khạc nhổ, rồi lấy ở đâu ra bốn năm cái roi mây dài, vẫn còn màu xanh chắp cả lại mà vút ngang mình từ mặt đến chân người con gái. Cô ta gào lên những tiếng rất đau đớn, răng rít chặt, mình oằn oại như con rết bị chịt đầu. Trong lúc đánh, thằng khách quát tháo không ngơi mồm, như muốn nhồi nhét bao nhiêu câu nguyền rủa căm hờn vào những vết lằn đỏ nổi trên khắp thân thể người con gái. Vụt bằng roi chán, nó lại cứ mặt cô ta nó vả. Hai bàn tay hộ pháp ấy vả chán lại cầm roi vút. Người con gái khóc khàn cả cổ, tiếng sặc nghẹn vì nước mắt, vì máu mồm trào ra. Nhưng nó vẫn không nghỉ tay. Mớ tóc dài rũ từng món hỗn độn ở bên mình cô ta mỗi lần vướng vào bàn tay hay vào ngọn roi, lại bị nó dật đến nghẹo hẳn đầu đi trong lúc nó phải gỡ. Sự đau đớn tưởng đến ê chề rồi, đến một độ khiến xác thịt người ta không biết đau thêm nữa. Thằng khách bật lên cười mấy tiếng quái ác, lấy trong bọc ra một nắm lá tươi, trông tựa như lá trúc đào, cùng với một nắm muối. Nó vò hai thứ ấy với nhau rồi đem cái bã xanh nhào nhớt kia mà sát vào những lằn roi rớm máu: Người con gái thét lên một tiếng rùng rợn, mặt sắt lại, đầu gục xuống ngực, người lịm bặt đi. Trong hầm lặng lẽ một lát ngắn, rồi lại vang ầm lên vì tiếng thằng khách vừa líu lô kể lể, vừa gào khóc. Nó quỳ gối, lưng cúi, tay chống lên phiến đá, vẻ khúm núm trước cái bệ thờ.
Khóc chán, nó lại đứng lên xỉa xói người con gái cô ta vẫn bất tỉnh hồi lâu. Nó đi vốc nước đọng ở một chỗ hõm sâu bên vách hầm toan vã lên mặt người con gái, thì cô ta đã thở một hơi mạnh. Đôi mắt nhắm chậm chạp mở. Cô ta cất tiếng rền rĩ, lời nói gắt những đoạn nức nở, giọng tha thiết như kêu van. Cái câu ngộ... chồi cô vẫn thấy nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng thằng khách không thôi xỉa xói, chửi rủa. Không cần phải hiểu nghĩa cứ nghe lời tuôn ra từng thôi, từng tràng vội vã, tôi cũng biết thằng khách nạt nộ những câu ghê gớm chừng nào. Cô ta vừa lắc đầu vừa năn nỉ luôn miệng. Biết cô ta đã tỉnh hắn, thằng khách mới lấy ra một con dao nhọn, sáng như tráng bạc, giơ lên tận mặt cho cô ta nhìn. Người con gái lặng người đi vì vừa nghe thấy một câu dọa ghê sợ. Dứt lời, thằng khách mở hẳn cái gói riêng, tãi ra một bó đến ngót hai chục con dao nhọn cũng sáng cũng sắc như con trước. Nó gằn lên mấy tiếng cười mà nhảy lùi lại. Người con gái vừa rú một tiếng thì một con dao đã cắm sát vào sườn cô ta. Nó nhặt con dao thứ hai, lùi đứng chỗ cũ, một tiếng cười, một rút tay, ánh sắc loáng, mũi dao bập sát bên vú. Nó ném mấy con dao sau cùng một điệu như thế. Dao chỉ bén sát da thịt chớ không hề phạm vào người. Dao đến cắm bên cổ, dao đến cắm hai bên đùi, con thì nằm trên đỉnh đầu, con thì chỉ ly sợi tóc nữa cắt mất tai. Thì ra thằng khách dùng một phương pháp khủng bố cực kỳ nham hiểm. Mỗi nhát dao nó ném ra, nó khiến người con gái tưởng là tối độc. Lần nào người con gái cũng tưởng bị dao giết chết. Như thế tức là chết đi rồi sống lại, sống lại để chịu chết thêm chưa biết đến bao nhiêu lần. Chẳng biết rắp tâm từ bao giờ mà thằng khách tìm được cách hành hình hiểm độc đến thế. Dao ném đã gần hết. Còn lại con sau cùng nó sợ người con gái chết khiếp từ trước khi nó giết, nên còn giữ lại, cầm lủng lẳng ở hai đầu ngón tay. Im lặng một lúc hồi hộp. Người con gái xem chừng cũng hiểu. Tính mệnh cô ta sắp đến lúc kết liễu: nhát dao ấy mới thật là nhát hại người. Thằng khách nhìn như để hưởng cái thảm khốc sau cùng ở tội nhân của nó. Mắt nó nheo lại, long lanh cái ánh quái ác hơn cả mọi lúc trước. Tiếng cười của nó làm tôi sởn lạnh khắp mình. Nó nhảy lùi đến cữ trước, miệng mím, răng nghiên nổi gân hàm, nó lừ lừ mắt nhằm một chỗ hiểm trên thân người con gái. Con rắn độc ngó cổ lên để rình bổ, vẻ ghê gớm thế nào thì dáng điệu thằng khách cũng thế. Nó thong thả, nó chậm chạp nữa đưa cái bàn tay cầm dao lên cạnh vai, nhè nhẹ sẽ đưa về phía sau, theo điệu tay giơ. Cái cử chỉ khủng khiếp lạ lùng. Tôi nóng bừng mặt lên. Cái tên lắp sẵn ở cung để giữ mình vút ra cùng một lúc thằng khách hất tay qua sau gáy. Con dao văng ra một chỗ, thằng khách chỉ: “Ây a!” một tiếng rồi bóp lấy tay mà nhăn.
Vẻ rõ rệt nhất trên mặt thằng khách không phải là đau mà là kinh sợ. Nó không hiểu một sức thần bí gì vừa hiện ứng, trước hết trông lên bệ thờ, rồi lấm lét quay nhìn về phía tôi. Tôi biết là cơ sự đã đến lúc kịch liệt. Tôi không thấy mình sợ hãi thái quá nữa, cũng không hề ân hận về sự liều lĩnh vừa rồi. Tôi lắp sẵn tên để đợi, trí xếp đặt đường lối sẽ đối phó. Ngoài kia thằng khách đã rút được mũi tên ra khỏi cánh tay. Vết thương khá nặng mà không làm nó tê liệt. Nó chẹt lấy chỗ áo thủng cho máu đỡ chảy, lắng tai nghe ngóng rất cẩn thận, vẻ kinh ngạc trên mặt dần dần thêm vẻ tức giận trông dữ dội không biết ngần nào. Hai con mắt sắc dị thường của nó nhìn soi vào khoảng bóng tối như trông được thấy tôi. Nó bước một bước, hai bước, định tiến đến phía tôi ẩn, nhưng dừng ngay lại ra chiều e dè, rồi từ từ nó đi giật lùi lại đằng sau, xiên về phía người con gái, cử chỉ lờ đờ bí hiểm, nhưng tôi đoán trên cái khuôn mặt mờ tối sấp bóng kia đang hiện những ý nghĩ, những mưu mô quỷ quyệt khó lường. Nó cứ lùi hoài. Tôi chưa đoán được nó giở ngón gì thì thoáng một cái, rất nhanh nó vùng tay giằng một con dao bên cạnh người con gái. Tức khắc một ánh loáng sắc bay vào người tôi. Tôi né mình tránh được, thì con dao khác đã cắm phập vào mé dưới cái cột gỗ, ngay cạnh chân tôi. Con thứ ba liệng tới một bên vai, nhưng không cắm vào vách hầm, rơi xuống, tôi cúi toan nhặt, vừa may thoát được một mũi chí nguy: đứng thì thế nào cũng bị trúng giữa ngực. Không thể yên chỗ được. Tôi liền nhảy bổ ra, bắn cho nó một tên vào giữa bụng. Nhưng nhanh như vượn, thằng khách gạt được rất dễ dàng. Nó ném con dao nữa ra, lại rút mũi tên đâm cạnh bản gỗ mà ném lại tôi. Tôi bắn phát nữa thì nó lánh ngang, bắt ngay được chiếc tên mà cười. Tôi rợn tóc gáy lên vì thấy cái tài nghệ phi thường ấy. Nó ném tên lại, tôi may mắn tránh được. Hai bên cách nhau chỉ còn hơn chục bước, cùng lấy những cột cây để lẩn nấp, nhưng xem chừng thằng khách nó tiến đến tôi mau hơn. Nó không cần giữ gìn nhiều nữa. Tôi chắp tên bắn ra giữa lúc nó hở mình nhất, nhưng nó lại tránh được như chơi. Tôi vừa đặt phát nữa thì nó đã xông lại trước mặt gạt tay tôi, đấm thẳng một cái miếng thượng. Tôi né được, vội nhảy giữ thế. Nó đánh gấp ra, khiến tôi sợ bí đường phải tiến về phía bệ thờ, sau hàng cột tay phải. Tôi đã tưởng nó chỉ cốt chẹn lối ra, nhưng sau tôi nhận thấy ngay là nó còn có ý xem xét: ngoài tôi, còn có người nào khác xuống đây nữa chăng. Thừa lúc đó, tôi vớ được thanh mác đương treo, liền múa hết vòng rộng ra. Vừa múa vừa định trí.
Hiệp xung đột vừa rồi, vì may mà không chết. Còn thằng khách thì quả thực là một tay tuyệt giỏi; to béo thì to béo nhưng mau lẹ một cách bất ngờ. Ngón võ của tôi lúc ban đầu chừng nó không coi ra trò gì cả. Tuy thế, hết sợ hãi, lại thêm kích thích, chiếm được thanh mác, tôi thấy cũng có thể bất chấp được tài thuật của kẻ thù. Trong lúc giao tranh, thắng thế thì dễ lạm, võ thư thường khẩn thiết răn người ta về cái họa khinh địch. Tôi nhớ điều đó lắm. Thanh mác lợi hại thực, nhưng không hẳn để cho mình cầm được phần thắng dễ dàng đâu...! Nhưng không nguy hiểm như lúc tay chỉ có cung tên, tôi không luống cuống chút nào như trước nữa. Tiến đã vững, lui đã có ích. Thằng khách chỉ có một mũi tên sắt sau cùng của tôi để đối lại. Tôi chú ý không cho nó lấy được thứ khí giới nào khác, nhất là cố ngăn không cho nó giằng thêm dao ném lại tôi. Nó cúi xuống, nhảy lên, tránh được những miếng công phu nhất của tôi mà chỉ đầu mũi tên của tôi trong tay nó cũng khiến được tôi luôn phải tinh ý thủ ngự.
Nó biết rằng tôi khó lấy được đà chém bổ xuống, vì trần hầm thấp mà phạt ngang thì chỉ có lợi ở khoảng giữa hầm. Vì thế gần hàng cột vẫn là một phương hay nhất để cầm cự với đường mác của tôi. Nó cứ giữ một mực thế mà đợi lúc tôi hở cơ: Tôi quen mưu nó rồi, bèn tính sẵn cách trừ nó. Tôi tính thế này: hết sức đánh cho nó phải xa hàng cột, lừa khi nó áp gần vách tôi sẽ dùng lối hư công. Dử đánh một chiêu, làm như để hết tinh thần về một bên, rồi tức thì, đá lưỡi mác cho một phát phản diện, thế là xong đời anh chàng.
Song nó chống giữ rất kín, rất vững, không một lúc nào sự sệt lại thường trực lấn đất của tôi. Cái chủ ý rõ rệt của nó có lẽ là mong tôi chém mạnh, hụt nó, bập lưỡi mác vào cột gỗ. Tôi biết thế vì hai ba lần suýt mắc phải cái nước đó. Một lần chỉ thiếu một ly nữa là tôi bị nó bắt được tay. Dụng tử công phu mới khiến được nó đi vào được thế của mình. Lưỡi mác của tôi cấp thiết mà ý tứ lắm lắm. Nó phải chuyển chỗ dần dần lùi về một bên, chỗ ấy là sau hàng cột phía hữu. Tôi mừng thầm. Lại thấy như nó không ngờ vực gì, tôi càng thêm phấn khởi. Nó vẫn tỏ ý ngạo mạn; mình né chân lượn, mà miệng vẫn cười một vẻ rất khinh thường. Tôi nổi giận, đánh càng hăng. Sau cùng, sự tiến thoái của nó đã có vẻ hỗn loạn. Tôi không để nó kịp điều khiển lại cử chỉ, sấn đến công kích rất dữ. Rồi, xuất kỳ bất ý, tôi thét lên một tiếng, lưỡi mác hết sức vằng đưa ngang cổ nó. Đến loáng một cái, cả mấy ngọn nến, cả cái bệ, đảo lộn một vòng, cùng với hình người, chân cột, trần hầm, cùng dốc ngược quanh tôi.
Tôi đã lăn quay dưới đất. Thằng khách nhảy ngay lại. Cả cái thần xác vạm vỡ của nó ngồi đè lấy ngực tôi.
Thì ra, ngay từ lúc đầu, thằng khách đã biết ý tôi định. Lợi dụng ngay cái mưu tôi toan đem lừa nó tương kế tựu kế, nó mớm cho tôi ham đánh, rồi chờ lúc tôi xuất lực bình sinh ra chém, nó đâm soài người xuống đất, đưa cả sức mạnh lừa tay mà gạt ống cẳng tôi. Tôi thình lình xiêu người đi, gần như bị hất tung lên, đầu chao xuống theo một đường cánh cung nguy hại.
Lưỡi mác văng ra, tay tôi bị trói nghiến lại. Hai chân đá đạp quãng không cũng bị giữ nốt, kẹp ở trong bàn tay nó thắt lại như gọng kìm. Không thể nào vùng được lên. Trên người tôi, một quả núi đè nén dị xuống. Lúc thằng khách đứng dậy thì hai cổ tay tôi quặt ra sau lưng, cùng chung một dây thừng trói lẳn vào thịt.
Nó không nói nửa tiếng từ lúc tôi ra mặt. Bấy giờ cũng vẫn lẳng lặng, nó kéo tôi lại gần cái phiến gỗ dựng đứng, cạnh chân người con gái Tàu. Cô ta nhìn tôi chăm chăm đầu tóc rũ rượi, nét mặt thiểu não, có vẻ tự hỏi, không hiểu tôi là người thế nào vào đây có ý gì để cho thằng khách tóm được.
Tôi bụng bảo dạ: “Thôi thế là hết. Định cứu người con gái, mà rồi đến mình cũng khó lòng cứu nổi mình”. Cái chết thực mười phần cầm chắc cả mười. Chỉ còn cách là đành tâm mà chịu. Oán thán nữa, có ích gì đâu? Chỉ hận rằng mình phải chết mà không biết người con gái đáng thương kia phải đau đớn ô nhục đến thế vì tội tình gì. Tôi nhìn lên, cô ta vẫn chưa khỏi lấy làm lạ, nhưng đôi mắt ra chiều cũng ái ngại cho tôi. Cô ta cũng biết rằng đã vào tay giống lang sói kia thì chỉ có việc đợi nó giết chết. Tôi cũng chẳng còn một chút hy vọng nào khác, chỉ mong cho nó hạ thủ mình càng mau chóng càng hay. Nhưng ao ước đến như thế cũng không xong. Thằng khách đâu có chịu cho tôi thoát nợ ngay! Nó cúi xuống, soi mói nhìn khắp người tôi, để lộ một cái vui ác nghiệt, miệng nó nhếch ra, một vẻ cười hóm hỉnh, ngạo nghễ, như bảo cho tôi biết rằng nó đã nghĩ được lối ghê gớm để làm tội tôi.
Cái vết thương do mũi tên tôi bắn, chừng đến bây giờ mới bắt đầu tấy; hoặc vì mải đối địch với tôi nên lúc nãy nó chưa để tâm. Tôi thêm sởn gáy vì chợt thấy cái vẻ căm tức im lặng của nó. Đôi mắt kia hẹn cho tôi một hình phạt xứng đáng. Nó liếc nghiêng nhìn tôi một cái trong lúc quẳng mũi tên nó vừa nhặt lên xem. Tôi cứ lấy làm tiếc rằng đó chỉ là thứ tên bịt sắt dùng để giết thú lớn vì sức mạnh thôi, chứ nếu là tên tre ngâm thuốc độc thì tình thế có lẽ ổn tiện lắm.
Máu ra cũng khá nhiều, đọng quện lại ở ngoài lần vải, nhưng vết thương không nặng lắm. Nó vén ống tay áo lên tôi mới biết nó bị toạc đứt thịt ở khoảng giữa bắp nhỏ: xương cửa tay không việc gì. Lấy một nắm lá dấu mà người đi rừng ai cũng nhớ mang theo, nó nhai dịt vào chỗ đau cùng với một thứ thuốc bột; xé vải buộc lại, co duỗi mấy cái nhẹ nhàng, rồi cứ giữ cánh tay thực thẳng, chừng nó dùng một phép nội công mà tôi từng nghe nói đến sự công hiệu, để cho thương tích khỏi làm liệt gân về sau. Phàm chi thể bị đau, cần phải giữ yên một chiều, để thuốc ngấm càng lâu càng có cơ chóng lành, lại cũng phải giữ yên cả thần thái.
Trong thời khắc thằng khách ở yên, có lẽ vừa để nghỉ ngơi, nó phục vị xuống trước bệ thờ. Tôi nghe thấy tiếng lầm rầm từng hồi. Chừng nó tạ cái tội bất cẩn để cho người ngoài lẻn được vào đây. Tiếng khấn nhè nhẹ, đều đều, rồi sau dần im hẳn, chẳng biết nó đắm chìm vào những tư lự trầm ngâm nào. Nó cứ nằm phục vị như thế hoài. Nến trên bệ còn có vài đốt ngón tay, lửa không gió nhưng chốc chốc lại khe khẽ tạt ngọn. Tôi nằm hơi nghiêng ra, mình đè lên một cánh tay bị trói, người chênh chếch với chiều dọc phiến đá, đầu về phía cửa hầm. Hai vòng sắt mắc vào rầm trần ở ngay trên mắt tôi thắng lên. Gần đấy là hai hàng xích sắt kéo hút tay người con gái Tàu. Tôi ngoảnh nhìn cô ta thì thấy cô ta đang mấp máy môi như muốn nói gì, đầu cử động, mắt long lanh những ý muốn cho tôi hiểu. Tôi chăm chú một lúc mới nhận thấy cô ta đưa mắt cho tôi để ý đến con dao rơi ở bên cạnh mình. Tôi càng lấy làm lạ: có lẽ nó xui mình tự tử để tránh khỏi cái đáng sợ sau cùng hay sao? Nhưng người con gái vẫn ra hiệu, cấp bách hơn trước. Mắt cô ta vừa cau vừa trợn, đảo đưa nhìn con dao, nhìn thằng khách, nhìn tôi. Tôi chợt hiểu, liền se sẽ lê mình, cho tay thu được con dao, cố lựa lưỡi dao lách vào những vòng dây thừng trói cổ tay, rồi hết sức cứa. Dao sắc, chỗ buộc tuy chặt nhưng cũng dễ đứt. Tôi vừa nhìn thằng khách vừa thong thả gấp chân lại cho gót sát với mông. Tìm mãi không thấy đầu mối tôi đành phải cắt giữa khúc quấn. Thằng khách vẫn nằm phục, thấy tôi thở mạnh, ngoảnh đầu xuống nhìn. Tôi đờ người ra. Cổ tắc nghẹn. Nhưng may chân lúc ấy chưa gỡ xong, mà tay vẫn quặt ra sau lưng giữ nguyên cái vẻ bị trói. Nó không ngờ vực gì, lại cúi trán sát đất, lại phục vị như cũ. Bấy giờ tôi mới dám thở. Người con gái sợ quá, vẫn chưa hoàn hồn. Thoát được dây trói chân, không một tiếng động nhỏ, tôi đứng lại một lúc ngắn, rồi lấy thế gân ức nương giữ cho êm nhẹ tôi đứng dậy, rón rén bước đến chỗ thằng khách lăm lăm con dao, nhằm một chỗ trên lưng nó để đâm. Trước khi cắm ngọn lưỡi dao vào cái xác thịt to béo kia, làm sao tay tôi như chùn lại, làm tôi thấy ngần ngại một cách thực kỳ dị. Trong giây thoáng mà bao nhiêu ý vương vít. Tôi phải giận mình là nhu nhược vô lý, phải thúc giục mình bạo dạn để lấn át cái thứ tâm trạng quái lạ lúc ấy... Không giết nó chết là nó giết chết mình kia mà!
Thằng khách như sẵn lưng đón cái chết. Tôi lăm lẳm cầm vững chuôi dao trong nắm tay, giơ cao lấy đủ tầm, mắm môi đâm xuống. Bất đồ thằng khách vừa đến lúc ngồi thẳng dậy! Con dao trượt sát cánh tay trái nó. Tôi chúi ngã xiêu theo đà, cố đứng lại thì nó đã vội cướp sấn lấy tay tôi bóp cho con dao rơi xuống. Túng thế, tôi xuất lực đấm trái một đấm vào bên má. Hai mắt nó hốt hoảng, mặt bì ra trong lúc kinh ngạc. Tôi giật được cánh tay phải về. Rồi “chát” một cái liền theo, tôi cho luôn một tống vào mang tai nữa. Nó đã bíu được tôi lại, nhưng quả đấm sau rất dữ lại vào chỗ phạm, nên nó gục xuống ôm lấy chân tôi. Tôi đạp nó ngã ngửa ra, rồi vội vàng đến bên người con gái toan gỡ trói hộ. Cô ta thở như bị đè nén, nhất định không chịu, lấy đầu ra hiệu giục dã, như bảo tôi trốn ra ngay tức khắc. Tôi chưa có chủ định gì rõ rệt lại thêm luống cuống vì thấy thằng khách đang cựa mình. Tôi liền chạy lại cửa hầm, leo lên thang, lấy tay nâng phiến gạch bên trên, nhưng không thấy chuyển. Càng vội vàng càng thấy sức đuối, hì huỵch mãi, cái nắp hầm vẫn không nhích qua chút nào. Ngảnh xuống xem thì thằng khách đã trỗi dậy được. Nó loạng choạng bước tới chân thang. Tôi lo cuống lên. Còn bao nhiêu gân sức dồn cả lên đẩy một cái cực mạnh. Cửa hầm mới thấy bật hé được ra. Chỉ gắng húc một cái mạnh nữa cho phiến gạch nhích thêm ít nữa là tôi chui qua được, nhưng thằng khách đã đến nơi rồi. Tôi liền bám mép gạch, đu hẫng người lên, đạp rối rít vào đầu vào ngực, vào vai thằng khách. Nó điên tiết nắm lấy hai chân tôi lôi tuột xuống, rồi cứ thế kéo thẳng đến trước bệ thờ. Lần này nó trói tất nhiên là kỹ lưỡng. Dây nghiến tưởng cắt được ống chân cổ tay mình. Ấy là nó bị thương đấy, chứ không thì chưa biết tôi còn đau đớn tới bậc nào. Tay tôi ngoặt ra sau, bị trói cũng như lần trước, và cũng như lần trước cùng một sợi dây cổ chân. Rồi từ mắt cá lên đến vai, một cuộn dây chão quấn thêm mấy vòng nữa. Thực là hết mong lại có cách thoát thân! Vả lại cũng đừng hòng thằng khách lại sơ ý đến lần nữa. Nghĩ mà cứ lấy làm hối hận mãi, mình thực đáng giận vì đã quá ngu ngốc. Thằng khách bị điếng người lúc nãy, sao tôi không biết thừa cơ lấy dao, lấy mác hay cái gì đó mà giết phăng ngay nó đi. Thực chắng dại nào giống cái dại nào. Mà cái dại dột này, mới thực là cay đắng, thực là khốc hại! Nhưng lúc bối rối thì cũng không thể nói mạnh được, vả lại tôi cũng tưởng có thể thoát khỏi tay thằng khách mà không phải giết nó kia! Tôi còn mong có thể đi gọi bọn người Nùng xuống giúp tôi bắt sống lấy nó. Tôi vốn không bao giờ khinh sát. Người Nùng cũng vẫn cười tôi về chuyện đó, họ bảo tôi lẩn thẩn, hay nghĩ rắc rối. Nếu ở địa vị tôi thì họ không hề do dự, xử gọn được ngay. Ăn năn thì sự đã rồi. Thằng khách trói tôi xong đang chọn một sợi dây thừng to, ra ý sửa soạn cho tôi một hình phạt mới.
Nó chập cái dây, chung đôi lại, ném quãng gấp khúc cho mắc lên một chiếc móc sắt trên trần rồi kéo tôi lại, buộc một đầu dây vào chỗ thừng trói chân tôi, rồi sau cùng cầm nửa phần dây kia mà kéo. Hai chân tôi bị rút ngược lên gần chạm tới cái rầm ngang, đầu dốc xuống, cách mặt đất độ hơn một sải tay. Người tôi lủng lẳng như một bó giò treo. Mọi vật trong hầm tôi trông đều đảo lộn lại một vẻ kỳ quặc. Người con gái ở cách tôi vài ba bước không hiểu sao lại nức nở khóc. Thấy vậy thằng khách quắc mắt, tuôn ra một mẻ lời tức giận, cột đầu dây xuống một vòng sắt dưới đất rồi lấy roi vun vút quất lên mình cô ta. Không chịu nổi, người con gái lại bật lên tiếng khóc. Tiện tay, thằng khách quất luôn cả tôi.