CHƯƠNG I
(thay cho lời tựa bản in lần thứ nhất, tháng 6-1973 tại Sài Gòn)

     uối mùa hè năm 194….tôi xin được vào học lớp Nhất ở trường Hàng Vôi - Hà Nội, ngôi trường xinh xắn có sân chơi, có cây cối um tùm và dẫy lầu cao mà đứng ở cửa sổ tầng trên nhìn ra, tôi thấy được cả cây cầu Long Biên vắt ngang một giải sông Hồng bát ngát.
Lớp của tôi là Lớp Nhất B, phòng cuối cùng của dẫy hành lang trên lầu. Thầy dạy tôi là thầy giáo Huỳnh, một ông thầy nghiêm nghị, tận tâm, đối với chúng tôi thì lạnh lùng ở bề ngoài nhưng rất lo lắng cho chúng tôi ở bề trong. Tôi sợ thầy Huỳnh lắm. Đứng trước mặt ông, tôi không dám cử động mạnh, không dám nhìn thẳng vào mặt ông và giọng nói của tôi trở nên ấp úng, mất bình thường. Đối với thầy thì tôi như vậy, nhưng ngược lại, đối với tôi, thầy cũng ngán tôi hầu như suốt cả niên học. Nguyên do là trong một ngày thuộc tuần lễ thứ ba của niên học, thầy ra một đề bài cho học trò tập vẽ truyền chân. Đề tài là vẽ tấm lịch treo tường có chân dung của Hoàng Đế Bảo Đại (khi đó đã hồi loan). Thời hạn một tuần.
Khỏi phải nói dông dài, là trong suốt tuần lễ đó tôi đã mất ăn mất ngủ thế nào về bài làm này. Bài khó chi lạ. Vẽ lịch thì dễ, nhưng trên lịch lại có chân dung Hoàng Đế thì thật là cả một vấn đề nan giải. Tôi đã chịu khó đi mượn được ba, bốn kiểu hình. Có hình chụp Hoàng Đế bận áo bào vàng, đầu chít khăn. Có hình chụp Hoàng Đế chải đầu láng mướt, bận đồ tây, thắt cà-vạt. Lại có bức hình chụp Hoàng Đế đứng trên xe hơi bóng loáng giơ tay vẫy vẫy mọi người, chụp trong dịp ngài ra mắt đồng bào Thủ đô mà báo chí đăng tin rầm rộ là “ Hoàng đế hồi loan”.
Ngần ấy hình, ngần ấy kiểu, tôi đã hì hục làm việc, hết tẩy lại xóa, tẩy xóa đến rách giấy thì xé vở soàn soạt, mà cuối cùng bổn phận của tôi vẫn chẳng chu toàn. Cuốn lịch thì đã có hình thức rõ ràng, nhưng Hoàng Đế trên lịch thì vẫn còn tèm lem những chỗ tẩy xóa chưa hoàn tất. Một "tác phẩm" như thế sao gọi được là vẽ "truyền chân", ấy là chưa kể tới cái tội "khi quân" bôi bác Hoàng Đế nữa. Ấm ớ có khi rũ tù. Tôi cứ bấm bụng luôn than thầm sao thầy Huỳnh lại đi cho cái đề bài tập sao mà "ác" thế!! Tới hôm nộp bài, tôi lo sợ phập phồng cứ như tử tội chờ đợi ngày xét xử.
Quả nhiên thầy Huỳnh "túm" lên bảng cả thẩy tám đứa, trong đó dĩ nhiên có cả tôi. Đó là những đứa không nộp bài. Thầy hạ lệnh đánh phủ đầu mỗi đứa ba gậy. Vâng, ba gậy chứ chẳng phải ba roi. Gậy đây là cái thước gỗ to, dài, dầy ba, bốn phân mà thầy vẫn dùng để kẻ những dòng trên bảng đen khi có bài tập viết. Nó làm bằng gỗ, thứ gỗ chắc nịch, rất nhiều gân, nhiều thớ nhưng lâu ngày nó đã phủ đầy bên ngoài bằng những lớp bụi phấn trắng. Cái "hình cụ" này mà phệt vào mông thì ôi thôi, cứ chỉ nghĩ tới cũng đủ rùng mình sởn gáy lên rồi.
Ấy vậy mà mấy đứa bạn của tôi chịu hẳn ba gậy của thầy mà mặt cứ nhơn nhơn. Có đứa lại còn cười ngỏn ngoẻn lúc đi về chỗ ra cái điều “ có quái gì đâu!”, mặc dù tôi biết cu cậu cười là chỉ để chữa thẹn cho cái tội không nộp bài đó thôi. Riêng phần tôi, ở gậy thứ nhất, mồ hôi lạnh đã đổ ra ướt đẫm cả trán và lưng áo. Đến gậy thứ hai thì lớp học của tôi trở nên chòng chành như thuyền đi trên sóng, và thầy chưa kịp thi hành nốt gậy thứ ba thì tôi đã khuỵu ngay xuống nền gạch. Cả lớp chợt nháo lên. Thầy Huỳnh cũng xanh mặt. Thầy hạ lệnh bế tôi nằm lên ghế dài, tìm dầu Con Hổ xức lia lên trán, lên cổ, vào lưng, vào bụng rồi cả hai bàn chân nữa. Mười phút sau tôi mới tỉnh lại. Thầy ngán ngẩm nhìn tôi không nói, rồi thầy tống tôi về chỗ ngồi và tha cho hình phạt chưa thi hành hết, lại tha luôn cả con trứng vịt to và tròn đã nằm gọn ngon ơ trong sổ điểm.
Kể từ hôm đó, thầy biết rõ tôi là một con sên thuộc bầy quỷ sứ trong lớp của thầy. Thầy vẫn tiếp tục khện các cu cậu kia bằng những cái thước kẻ bảng đau quắn mông, còn với tôi thì thầy chỉ trị bằng những cái nhìn dữ dội, những cái xoắn tai đổ mồ hôi hột hay những con zéro ghi bằng mực đỏ lòm trong sổ điểm. Nhưng cho dù thế nào thì cũng đỡ hơn nhiều so với bản án "ba gậy" dành cho mấy đứa.
Ngồi cạnh tôi là anh bạn tên Hòa. Hắn lớn hơn tôi một tuổi nhưng tầm vóc thì phải lớn hơn đến gấp rưỡi. Tôi với Hòa thân với nhau ngay từ mấy ngày đầu. Và càng chơi với nhau lâu, chúng tôi càng khám phá ra rằng hai đứa rất giống nhau về sở thích. Giờ ra chơi, tôi với Hòa không chạy nhẩy mà chỉ kéo nhau ra gốc bàng ngồi tán chuyện ….tiểu thuyết!
Phải nói rằng vào thời kỳ đó, tôi cũng như Hòa đã ngốn vào đầu biết bao nhiêu là thứ truyện tả pí lù. Về kiếm hiệp thì có Bồng Lai Hiệp Khách, Côn Lôn Kiệp Khách, Thiên Thai Lão Hiệp, Độc Nhỡn Kiếm, Ngày Xuân của La Bích Vân…về loại phiêu lưu giải trí thì có Dao Bay, Đoan Hùng, Lệ Hằng, Người Nhạn Trắng...Còn tiểu thuyết đúng nghĩa thì hầu như chúng tôi thuê đọc hầu hết tác phẩm của Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Nguyễn đình Lạp là những tác giả viết loại tiểu thuyết xã hội, hay của Thế Lữ với loạt truyện trinh thám quanh nhân vật Lê Phong như Lê Phong Phóng Viên, Mai Hương và Lê Phong, Gói Thuốc Lá, hay Phạm Cao Củng với nhà thám tử lừng danh Kỳ Phát trong những truyện như Vết tay trên trần, Bàn tay sáu ngón, Đám Cưới Kỳ Phát, Kỳ Phát giết người..v..v…
Nhưng phải kể là tôi mê nhất truyện của Lê văn Trương với triết lý người hùng rất thích hợp với máu anh hùng và tinh thần hướng thượng của tuổi trẻ. Những tác phẩm của Lê văn Trương mà tôi còn ghi nhớ là những cuốn Trường Đời, Tôi là Mẹ, Người Anh Cả, Hai đứa trẻ mồ côi, Thằng Còm, Anh em thằng Việt, Thằng Việt Nghỉ Hè..v..v…Tuy nhiên cũng có truyện của Lê văn Trương tôi đọc nửa cùng thì phải bỏ giở, không thích vì tánh cách tàn nhẫn của câu truyện, đó là cuốn Những Đồng Tiền Xiết Máu. Thì ra khả năng thổi phồng cá tính “anh hùng” “hướng thượng” của ông nếu đem áp dụng vào việc “diễn tả tội ác” thì điều này sẽ lại nhân cái tính tàn bạo lên gấp bội, và đấy là lý do mà tôi không thích cuốn này.
Dạo ấy ở Hà Nội có một nhà xuất bản lấy tên là Văn Hồng Thịnh, chuyên in đủ thứ truyện Tầu. Mỗi truyện lại không in nguyên cả cuốn mà chỉ ra từng số, mỗi số 32 trang khổ trang giấy sách, truyện, cứ vài ba ngày lại ra số kế tiếp, bán với giá mỗi số 1 đồng, rất phù hợp với túi tiền của bọn trẻ.
Chúng tôi là độc giả trung thành của loại sách này. Thôi thì đủ loại tựa đề, như Tam Quốc Chí, Thất Quốc Chí, Chiêu Quân Cống Hồ, La Thông Tảo Bắc..v…v.. Và có thể nói, không có ai thông thạo tình hình phát hành của nhà xuất bản này bằng chúng tôi. Ngay trước cửa nhà in, người ta dựng lên một tấm bảng đen lớn, ghi tên đủ các thứ truyện, truyện nào ra đến số mấy, số mấy thì ghi bằng phấn trắng cho mọi người được rõ. Chúng tôi đã theo dõi tấm bảng này sát nút, cứ như những nhà doanh nghiệp chuyên môn theo dõi tin tức, giá cả trên thị trường.
Thật không còn gì thú vị cho bằng đọc Thủy Hử đến đoạn Võ Tòng đả hổ hấp dẫn, mê ly, chờ ra số mới cứ như chờ mẹ về chợ, đến lúc cô bán hàng đi ra tấm bảng, xóa cái số cũ, đề số mới vô, thế là thế nào chúng tôi cũng phải là những người khách đầu tiên. Tôi mua Thủy Hử thì Hòa mua Tây Du. Tôi mua Thuyết Đường thì Hòa mua La Thông Tảo Bắc. Tôi mua Máu Đỏ Lòng Son của Phượng Trì, một bút hiệu khác của Phạm Cao Củng thì Hòa mua Đêm Hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng v..v..…Cứ mỗi lần mua được số mới, tôi hay đi dọc suốt con phố hàng Bông qua hàng Gai để ra Bờ Hồ trên đường tới trường học, một tay ôm cặp, một tay cầm số mới ra, vừa đi vừa đọc. Nhiều hôm mải đọc, cả tôi cũng như Hòa, đều hay bị củng đầu vô cột điện, đau như trời giáng, trán sưng u lên, tím bầm bầm, ấy vậy mà vẫn không chừa cái tật vừa đi vừa đọc truyện ở ngay giữa hè phố.
Về phần tôi, chẳng những tôi mê mẩn vì lý do câu chuyện hấp dẫn lý thú mà còn cả vì xấp giấy mới mua đầy mùi thơm quyến rũ nữa. Đó là mùi thơm của giấy, của mực in với những hàng chữ sắc nét, tinh xảo lấp lánh ánh mực nổi lên trên trang giấy nom tươi thắm như hoa. Tôi đã từng hít cái mùi thơm của giấy mực ấy thật lâu, với tất cả sự rung động xao xuyến khó giải nghĩa. Rồi từ sự quyến rũ ấy, tôi sinh ra cái thói quen là hay đứng ở các tiệm sách để dán mũi vào tủ kính của các hiệu sách để ngắm không chán mắt những sách mới in ra, được bầy trên những cái kệ nhỏ mà chung quanh thì toàn những thứ văn phòng phẩm mới tinh hấp dẫn khác như thước kẻ, com-pas, hộp bút chì mầu, hộp ngòi bút rông, hộp ngòi bút Mallat, tập vở, giấy mầu làm thủ công..v.v.
Tuy nhiên những thứ ấy không thể nào hấp dẫn bằng các cuốn sách mới ra. Nào là 380 Bài Tính Đố của ông Nguyễn Vạn Tòng, nào cuốn Vật Lý lớp Đệ Tam của ông Phan Thế Roanh, hoặc về tiểu thuyết thì những cuốn như Quán Gió, Cầu Sương của Ngọc Giao, Hồi Chuông Thiên Mụ của Phan Trần Chúc, Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình của Hà Bỉnh Trung, Bến Nước Ngũ Bồ, Trại Tân Bồi của Hoàng Công Khanh, Gái Hà Nội, Nước mắt đêm mưa của Nguyễn Minh Lang, Vượt Cạn của Mộng Sơn, Trên Vỉa Hè Hà Nội của Triều Đẩu, Kẽm Trống của Trúc Sỹ...v.v…cuốn nào cuốn nấy có những cái bìa đầy mầu sắc quyến rũ, đến nỗi chúng tôi chỉ cần nhìn hình bìa sách hay bìa bản nhạc là biết ai minh họa để rồi bàn tán xôn xao, so họa sĩ này với họa sĩ kia, bởi chỉ cần nhìn nét vẽ là chúng tôi có thể phân biệt được họa sĩ Lê Trung hay họa sĩ Mạnh Quỳnh, Hoàng Lập Ngôn hay Tạ Tỵ, Duy Liêm hay Phi Hùng, Mai Lân hay Thy Thy Tống Ngọc...v..v…Thế giới tưởng tượng của chúng tôi vì thế mà cũng tràn đầy mầu sắc và chan hòa cả âm thanh của những bản nhạc hùng như Khỏe Vì Nước, Anh hùng xưa, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Gò Đống Đa, Nhà Việt Nam..v.v...
Về mặt sách báo, tôi luôn thầm ước ao sau này mình cũng sẽ được là tác giả của một trong những cuốn sách còn thơm mùi mực mới. Có lần tôi hỏi Hòa:
- Sau này cậu có thích làm văn sĩ không?
Hòa đáp ngay:
- Thích mê đi chứ lỵ.
Cu cậu lại còn phát biểu thêm:
- Tớ sẽ viết toàn chuyện kiếm hiệp, ly kỳ hơn cả Bồng Lai hiệp Khách với Kim Hồ Điệp nữa!
Tưởng cũng nên nhắc thêm rằng Kim Hồ Điệp là một nữ hiệp khách lừng danh, cứ sau mỗi lần làm một công việc nghĩa hiệp thì nàng lại gài một con Bướm mầu vàng trước khi bỏ đi để làm dấu tích, bởi Kim là vàng, Hồ Điệp tiếng chữ nho là Con Bướm mà! Rồi “người theo bén gót” để hỗ trợ cho Kim Hồ Điệp là chàng tráng sĩ Ngọc Kỳ Lân nữa. Cả hai tạo nên những tình tiết ly kỳ làm cho lũ độc giả lau nhau như chúng tôi mê tơi, lắm khi tôi còn bỏ cả học để chui vào cầu tiêu đọc lén cho nhà khỏi thấy nữa!
Cho nên nghe Hòa phát biểu, tôi không mấy ngạc nhiên. Bệnh kiếm hiệp đã ăn sâu vào xương tủy của cu cậu rồi. Trong tập vở của hắn, tôi thấy hắn vẽ đầy những tranh kiếm hiệp hầu hết là những trận đấu kiếm giữa hai hiệp sĩ, mình mặc áo võ sinh, quần bó chẽn, đầu chít khăn, bên tai lại có gài một bông hoa nữa mới đủ bộ. Nhiều khi hứng chí, Hòa còn cho hai người phun ra kiếm quang, một bên thì phun ra ở mồm, một bên thì phóng ra từ mấy đầu ngón tay, nom rất điệu nghệ! Như thế cũng được đi, vì dù viết thế nào mà có cứ sách in ra thì cũng là văn sĩ rồi. Một văn sĩ kiếm hiệp, có sao đâu!
Riêng về phần tôi thì tuy không thích mấy việc viết truyện kiếm hiệp, nhưng cũng chưa có một ý hướng nào rõ rệt trong đầu. Tôi thấy nếu phải chọn lựa thì Lê văn Trương với Thằng Việt Nghỉ Hè, Người Anh Cả, Trường Đời, Tôi Là Mẹ làm tôi thích thú hơn.
Tôi bàn với Hòa rằng muốn làm văn sĩ (dù là văn sĩ loại nào) thì trước hết phải tập viết cái đã. Chứ không viết mà lại cứ mơ làm văn sĩ thì có khác gì anh Lười ngồi ước ao lên Cung Quảng. Thế là tôi đưa ra một đề nghị khá hay ho: hắn sẽ viết một truyện, tôi một truyện rồi hai bên trao đổi cho nhau đọc.
Mắt Hòa sáng lên một cách khoái trá. Rõ ra là tôi đã gãi đúng chỗ ngứa của hắn mà từ lâu hắn không nghĩ ra. Ừ! Đã vẽ la liệt hình đấu kiếm trên khắp các trang vở thì tại sao lại không…viết nhỉ!! Thế là Hòa giơ cả hai tay lên, bằng lòng gấp.
Thời hạn viết mới đầu Hòa đặt ra là một tuần. Tôi nói chỉ cần ba ngày thôi! Nhưng khi đã thỏa thuận với nhau ba ngày rồi, mà chỉ mới tới buổi học hôm sau là trong cặp của tôi cũng như của Hòa đã có sẵn sàng một truyện để trao đổi rồi.
Truyện của tôi đầy 5 trang chữ nhỏ li ti, truyện của Hòa gần 10 trang, chữ lại còn nhỏ hơn nữa. Chắc cu cậu hẳn phải thức trắng đêm mất, chứ về phần tôi thì đêm trước tôi đã phải thức đến gần hai giờ sáng, bỏ không học bài Sử Ký, bỏ luôn hai bài toán mà thầy Huỳnh ra hôm trước.
Tác phẩm đầu tay của Hòa là một truyện có nhan đề "Tráng sĩ Áo Xanh" (rõ ràng ảnh hưởng tên truyện "Tráng sĩ Áo Lam" tức truyện Thạch Sanh đăng trong báo Phổ Thông Bán Nguyệt San mà cả hai đứa đã đọc). Tuy nhiên về nội dung thì có khác. Hòa tả một tráng sĩ xông lên lên sào huyệt giặc (?), một mình chống cự suốt đêm với chủ tướng và lũ lâu la, cuối cùng giặc qui hàng, lại cứu thoát được một thiếu nữ con nhà quan, về sau hai người kết duyên "tần tấn" (nguyên văn).
Còn truyện của tôi thì nhan đề "Chiếc Nhẫn Mặt Ngọc", tả một thằng bé đi hốt rác, lượm được chiếc nhẫn mặt ngọc trong thùng rác liền gõ cửa chủ nhà để trả lại (truyện này về sau tôi sửa lại cho thêm phần văn chương, đem gửi nhật báo Giang Sơn của bác sĩ Hoàng Cơ Bình, được đăng không có nhuận bút, nhưng đó là ngày "vinh quang tuyệt đỉnh", có nhiều chi tiết đáng nói, xin để qua phần sau).
Đọc truyện của Hòa, tôi thấy chẳng có gì hay ho, nhưng vì cả nể nên tôi không dám nói ra. Còn Hòa thì thực thà hơn, phê phán tác phẩm của tôi huỵch toẹt:
- Chuyện của cậu viết là chuyện phịa. Làm gì có anh hốt rác nào nhặt được cái nhẫn mà lại đem trả. Có họa nó đem ra tiệm mua bán vàng bạc thì có.
Nghe xong, tôi bỗng thấy nóng mặt, hết cả nể nang, liền phản pháo lại:
- Chuyện của cậu thì hơn gì! Còn phịa gấp mười của tôi nữa. Giặc ở đâu ra? Tráng sĩ nào, ở đâu? Lại còn con quan nữa chứ! Đâu mà có thứ con gái nhà quan lại nằm sẵn trong sào huyệt giặc để cho tráng sĩ của cậu cứu ra đem về làm vợ!
Hòa cãi:
- Chuyện kiếm hiệp thì phải thế chứ. Ngày xưa khác, ngày nay khác. Viết chuyện ngày xưa thì có quyền hoang đường, còn cậu chọn chuyện xã hội ngày nay, viết hoang đường là phét lác! Thử hỏi trên đời này làm gì có anh hốt rác nghèo rớt mùng tơi, nhặt được cái nhẫn mà đem trả lại. Thế chẳng hoang đường thì là cái cóc gì?
Lý sự của Hòa làm tôi không cãi được, nhưng hắn sử dụng ngôn ngữ “cạn tầu ráo máng” quá khiến tôi tức ứa gan đến độ muốn tuyệt giao ngay với hắn. Nhưng nghĩ cho cùng, và cho tới ngay cả bây giờ, tôi thấy Hòa có lý: một tác phẩm hay là một tác phẩm phản ảnh được đúng với thực tế. Mỗi nhân vật trong truyện khi đưa ra, tự nó đã có sự sống trong cái hoàn cảnh mà người viết đưa vào. Hoàn cảnh nào cũng có những chi tiết thực tế riêng của nó. Cho nên một ngòi bút vững là một ngòi bút phải biết giới hạn cái tôi của mình và để cho nhân vật sống theo đúng bản chất của nó. Bởi nếu không, sẽ xẩy ra cái hậu quả là tác giả nói thay, làm thay những nhân vật trong truyện chứ không phải chính những nhân vật đã nói, đã làm. Tìm ra được cái yếu tố này, tôi đã phải tự mầy mò trong nhiều năm sáng tác về sau. Đúng như nhà văn Nhất Linh đã viết trong cuốn "Viết và Đọc Tiểu thuyết" in năm 1961 như sau:
“ những việc xảy ra đều đúng sự thực. Tác giả không bao giờ uốn nắn cuộc đời để lợi cho ý định của mình; tác giả chỉ biết tả đời sống thật còn sự thực ấy nó tỏ rõ cái gì là việc về sau. ”
Và:
“ tác giả diễn tả bằng chi tiết chứ không bằng lời giảng giải. Những việc xảy ra cả đến sự u ẩn của tâm hồn như những đoạn tả một người sắp chết, một người con có ý giết bố, tả tình yêu đắm đuối v.v... tác giả không dùng lời nói dài dòng mà chỉ dùng những chi tiết nho nhỏ để diễn tả. Chính "những điều nho nhỏ, một nét mặt, một cử chỉ, một giọng nói, cho chúng ta biết rõ tâm lý hơn; những cái mà ta thường coi là nhỏ nhặt vụn vặt hay mỉ, chính lại là những cốt yếu của tiểu thuyết hay”
Rồi ông lại còn thú nhận:
"Sự lầm lẫn thứ nhất của tôi là lúc mới viết sách tôi chỉ để ý đến các ý thích của riêng mình....
….Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn, không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị."
(Nhất Linh- Viết và đọc Tiểu Thuyết)