Chương IX


Chương I
Tình hình nước nhà ở đầu thế kỷ

     ơn mây gió trời Nam bảng lảng
Bước anh hùng nhiều chặng gian truân.
(Khuyết danh) [1]
Cuối thế kỷ trước là thời kỳ hắc ám nhất trong lịch sử cách mạng chống Pháp của ta: các cuộc khởi nghĩa nối nhau tan rã gần hết.
Năm 1887, nghĩa quân ở Bình Định, Phú Yên bị Trần Bá Lộc dẹp, chủ tướng là Mai Xuân Thưởng bị bắt và hành hình.
Tám năm sau Phan Đình Phùng bị bệnh lị và mất ở miền Hà Tĩnh. Do Việt gian chỉ, Pháp quân đào được thây của người, Nguyễn Thân đem hỏa thiêu, trộn tro vào thuốc súng, bắn. Một số nghĩa quân tuẫn tiết hoặc trốn qua nước ngoài, còn thì phải đầu thú, mong được yên thân lo cho gia đình, không ngờ bị người Pháp giết gần hết.
Hai năm sau (1897), tiếng súng im hẳn ở Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật phải lẻn qua Trung Hoa.
Cũng cuối năm nó, Đề Thám tạm giảng hòa với Pháp, lập ấp ở gần Nhã Nam rồi năm sau bị Pháp bắt ở Nhã Nam.
Thế là khắp trong nước không còn cuộc phản kháng nào nữa. Người Pháp mừng rằng công việc bình định đã kết liễu và bọn tay sai đắc lực của họ, tức Hoàng Cao Khải ở Bắc, Nguyễn Thân ở Trung, Trần Bá Lộc ở Nam được ung dung hưởng những quyền lợi xây dựng trên xương máu đồng bào. Chắc Khải, Thân và Lộc đều nghĩ: “Từ nay thì ta được cao trảm vô ưu” [2] và vận mạng của Việt Nam đã quyết định: Pháp sẽ làm chủ giang sơn này ít nhất là vài thế kỷ, kẻ nào muốn sống thì phải ngoan ngoãn phục tòng, càng vùng vẫy, càng mau chết. Kìa như chú khổng lồ là Trung Quốc còn phải thua người phương Tây liểng xiểng, ký hết điều ước Bắc Kinh đến điều ước Nam Kinh, rồi cắt đất tô giới, nhường lợi kinh tế, thì xứ Việt Nam bé nhỏ này làm sao chống cự với người da trắng cho nổi?
Họ quên rằng dân tộc ta có một tinh thần bất khuất, càng bị đè nén thì càng phản động lại, không phản động được ở mặt này thì phản động ở mặt khác, nên tuy tiếng súng có im ở khắp nơi mà tinh thần chống ngoại xâm vẫn bồng bột trong lòng dân chúng. Và chỉ sáu năm sau khi Đề Thám trá hàng ở Nhã Nam, một cuộc vận động khởi nghĩa quy mô khá lớn, đã manh nha, do cụ Phan Bội Châu chủ mưu.
Tiểu sử của cụ, quốc dân ai mà không thuộc, chúng tôi xin miễn nhắc lại, e rườm, chỉ xin kể những hoạt động của cụ có liên lạc ít nhiều với phong trào duy tân ở đầu thế kỷ.
Năm 1903, cụ tìm kiếm cụ Tiểu la Nguyễn Thành (tức cụ ấm Hàm) ở quảng Nam. Cụ Nguyễn Thành khuyên cụ định đường lối hoạt động như sau:
- Liên kết dư đảng Cẩn vương.
Tôn phò Kỳ ngoại hầu Cường Để, dòng dõi của Hoàng tử Cảnh làm minh chủ để đoàn kết nhân tâm.
- Cầu ngoại viện để có thêm lực lượng.
Cụ nghe lời, ra Huế, lại yết kiến Kỳ Ngoại hầu, bày tỏ chí lớn. Hầu nhận làm hội chủ, còn cụ thì nhận việc tổ chức đảng, tức thời ra Bắc, lặn lội vào miền Yên Thế, thăm Hoàng Hoa Thám, rồi năm sau vô Nam, tìm thăm các hào kiệt cùng các nhà nho tâm huyết từ Vĩnh Long tới Châu Đốc, Hà Tiên, tiếp xúc với cụ Nguyễn Thần Hiến, một nhà ái quốc ở Cần Thơ.
Khi trở về Huế, cụ soạn cuốn Lưu Cầu huyết lệ tân thư [3] để tả cái nhục mất nước và tuyên bố phải mở mang dân khí làm nền tảng cứu quốc, rồi thành lập hội Duy Tân (1904).
Vậy chủ trương của cụ đã hơi khác các nhà cách mạng trước: không tự lực hoạt động trong một khu vực nhỏ mà muốn thống nhất các hoạt động rời rạc, gây nổi một phong trào bao trùm khắp nước, cần sự hưởng ứng của toàn dân và sự viện trợ của ngoại quốc để hành động cho đắc lực.
Cụ hăng hái quá, song thiếu kinh nghiệm, tưởng đâu có thể tuyên truyền trong đám các “cụ lớn” ở Huế, nên đưa cuốn Lưu Cầu huyết lệ tân thư cho họ coi. May cho cụ là họ không tố cáo với người Pháp mà bắt giam cụ.
Tiếng chuông Lưu Cầu mới vang trong giới nhà nho ở Huế thì một tiếng chuông khác cũng nổi lên ở Bình Định.
Nguyên cuối năm 1904, ba cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng rủ nhau chu du mấy tỉnh miền nam Trung Việt, tới Bình Định nhằm lúc tại nơi đó đương có kỳ thi hạch. Ba cụ mạo tên nộp quyển. Cụ Trần và cụ Huỳnh làm bài phú Lương ngọc danh sơn, còn cụ Tây Hồ làm bài thơ Chí thành thông thánh. Bài sau này thể Đường luật, ngắn hơn nên truyền tụng rất mau. Nguyên văn chữ Hán như sau:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn hòa [4] lệ khấp anh hùng.
Bách quan [5] nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử tích [6] niên cam thóa mạ,
Bất tri hà nhật xuất lao lung.
Chư quân thùy thị [7] vô tâm huyết,
Thí bả [8] tư văn khán nhất thông.
Kìa coi thế sự, hết trông mong,
Vắng mặt anh hùng tủi núi sông.
Tám vế văn chương mê mắt ngủ,
Trăm quan tôi tớ uốn lưng cong.
Thôi đừng lỳ quá cam cười khổ,
Phải tính sao đây phá cũi lồng.
Thử hỏi ai không gan ruột nhỉ?
Câu này đọc tới cảm hay không?
(Phương Sơn dịch)
Rời Bình Định, ba cụ tiếp tục con đường vô Nam, ghé Cam Ranh rồi cập bến Bình Thuận. Hai cụ Trần và Huỳnh sau khi khảo sát tình hình rồi, xuống ghe bầu trở về xứ Quảng, cụ Phan đau, ở lại, tỏ nỗi buồn trong bài thơ Phan Thiết ngọa bệnh:
Hựu hướng giang san tẩu nhất tao,
Tam Phan phong vũ trệ chinh bào.
Thử trung ý tự vô nhân thức,
Độc ngọa tha hương thính hải đào.
Định đi một vòng khắp nước non,
Nhưng mưa gió ba xứ Phan
[9] này cản áo khách đi đường lại.
Nỗi lòng ta lúc này không ai biết đến,
Nằm một mình ở chỗ quê người mà nghe sóng biển.
Nhờ phải ở lại như vậy mà cụ kết thân với cụ Hồ Tá Bang [10] lập một thư xã ở đình Phú Tài để giảng sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, trong vài tháng, rồi tháng chín cụ trở ra Quảng.
Năm sau ông Nguyễn Trọng Lợi mở hội Thanh niên thể dục và tư thục Dục Anh để dạy học theo tinh thần mới, đón ông Lương Thúc Kỳ (nhạc phụ của Phan Khôi) làm giáo viên. Trường khá nổi tiếng, có một số thanh niên ở Nam kỳ ra học. Phí tổn đều do công ty Liên Thành (cá nước mắm..) chu cấp mà công ti đó cũng do ông Nguyễn Trọng Lợi thành lập.
“(Vậy) nhờ cụ (Phan Chu Trinh) chủ xướng, khuyến khích giáo dục, công thương hội mà phong trào truyền bá canh tân, mở mang thương nghiệp, chấn hưng công nghệ đã được khởi phát và thực hiện tại ở Bình Thuận sớm hơn ở Bắc phần và Nam phần”. [11]

*

Tuy nhiên, hai tiếng chuông Lưu Cầu huyết lệ tân thưChí thành thông thánh của hai cụ Phan chưa ảnh hưởng lớn bằng những tiếng súng trong trận Nhật-Nga dội vào nước ta cuối năm 1904 và đầu năm 1905. Các nhà nho vừa mới hay tin nước Nhật bé nhỏ dám tuyên chiến với nước Nga khổng lồ, còn đương ngạc nhiên thì lại tiếp được tin hạm đội Nga ở Thái Bình Dương thua to tại Lữ Thuận, rồi lục quân Nga cũng tan tành, lần lượt Kim Châu, Liêu Dương, Lữ Thuận, Phụng Thiên đều bị Nhật chiếm. Các cụ bàng hoàng như tỉnh một cơn mê, rồi tới khi có tin hạm đội cứu viện của Nga mới phái qua lại bị tiêu diệt ở eo biển Đối Mã thì các cụ đều vỗ tay reo, muốn nhảy muốn múa. Trận ấy, người Nhật dùng máy vô tuyến truyền tin lần đầu tiên trong hải chiến, đã đánh đắm hoặc bắt được trọn hạm đội Nga trừ ba chiếc chạy thoát; phía Nga tử trận 4000, bị cầm tù 7000, còn phía Nhật tử trận có 16, bị thương có 538.
Lịch sử Á Đông chưa ghi một thắng trận nào vẻ vang như vậy, một thắng trận đã đánh dấu một khúc quanh trong hiện đại sử. Ảnh hưởng của nó đối với Á Đông quan trọng vô cùng: Á Châu thức tỉnh rồi tự tín được là nhờ nó. Các quốc gia lớn nhỏ từ Ấn Độ tới Phi Luật Tân có cảm tình ngay với Nhật vì Nhật đã rửa cái nhục chung cho giống da vàng và da đen. Trung Hoa mong lật đổ gấp nhà Thanh để duy tân; Ấn, Miến, Mã Lai, Việt Nam đều hăng hái hoạt động để giành lại độc lập.
Riêng ở nước ta, phong trào cách mạng phát lên bồng bột và tiến tới một hướng khác. Năm 1903, các nhà cách mạng của ta chỉ biết trông cậy ở sự giúp đỡ của Trung Hoa mặc dầu có một vài nhà ngờ rằng sự giúp đỡ đó không được bao nhiêu vì chính người Trung Hoa tự cứu họ chưa xong, đã chịu cho liệt cường cắt xẻo như một con mồi vậy; từ 1905 trở đi, dân tộc ta hướng cả về Nhật, một mặt muốn cầu Nhật giúp khí giới để đuổi Pháp, một mặt muốn noi gương duy tân của Nhật để cường thịnh lên. Thì Nhật trước kia cũng phục tòng Trung quốc, hơn gì ta; chỉ nhờ công cuộc duy tân của Minh Trị và Y Đằng Bác Văn, mà ba chục năm sau đã làm cho Âu, Mỹ phải kiêng nể. Ta mà được duy tân như họ thì kém gì họ?
Sĩ phu trong nước truyền tay nhau đọc những cuốn: Nhật Bản quốc chí, Nhật Bản duy tân khảng khái sử, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử. Có cụ soạn bài Đề tỉnh quốc dân ca, trong đó có những câu khen Nhật như:
Lòng ái quốc ghê hồn Nhật Bản...
Khen thay Nhật Bản anh tài...
Do đó, phong trào Đông du và Duy tân nổi lên mạnh trong những năm 1906 - 1908.
Chú thích:
[1] Hai câu này cũng như những câu song thất hoặc lục bát dẫn ở đầu các chương sau đều trích trong một bài ở cuốn Nam thiên phong vân ca.
[2] Lời của Nguyễn Thân sau khi thiêu xác Phan Đình Phùng, nghĩa là gối cao (mà ngủ), chẳng còn lo gì cả.
[3] Có sách bảo cuốn này viết năm 1903, có sách bảo năm 1904.
[4] Có bản chép là .
[5] Có bản chép là Vạn dân.
[6] Có bản chép là bách niên.
[7] Có bản chép là vị tất.
[8] Có bản chép là bằng hướng.
[9] Tức ba tỉnh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết.
[10] Thân phụ bác sĩ Hồ Tá Khanh, Bộ trưởng Bộ Y tế trong nội các Trần Trọng Kim.
[11] Theo Châu Hải Kỳ trong bài: Những hoạt động cách mạng của cụ Phan Châu Trinh tại Bình Thuận. - Bách khoa ngày 15-3-1961.