ọc từ file data1 được ma trận a(mxn). Với mỗi phần tử trong ma trận a, nếu là số lẻ thì nhân 2, số chẵn thì bình phương, lấy ma trận kết quả ghi xuống file data2. (5 điểm) 2. Đọc file data1, data2 được 2 ma trận a(mxn) và b(mxn). Tạo 1 ma trận phân số ps(mxn) từ 2 ma trận a, b sao cho mỗi phần tử ps[j] trong ma trận ps có mẫu số là số lớn hơn và khác 0 trong 2 số a[j] và b[j]. Nếu tồn tại 1 cặp mà cả 2 số bằng 0 thì xuất ra file data3 là “khong tao duoc” và kết thúc chương trình. Ngược lại ghi ma trận ps xuống file data3. (2 điểm) 3. Đọc file data3 được ma trận psl. Sắp xếp ma trận psl thành ma trận ps2 sao cho dòng có tổng các phân số nhỏ nhất được sắp xếp ở trên... đến dòng có tổng các phân số lớn nhất được sắp xếp cuối cùng. Trong mỗi dòng, các phân số được sắp xếp theo chiều tăng dần. Ghi ma trận ps2 xuống file data4. (3 điểm) * * * * * Tách tách tách... tách tách tách... Mười ngón tay Long múa trên bàn phím. Xùy; bài thi năm thứ nhất của khoa Công nghệ Thông tin với một kẻ đã từng đoạt giải tin học từ năm lớp mười thì sá gì. Vấn đề chỉ là gõ nó ra. Tách tách tách... tách tách tách... Hai mươi phút. Xong! Theo thói quen Long quay quay cổ và thể dục đôi mắt. Báo nói những kẻ thường xuyên làm việc trước màn hình phải bảo vệ sức khỏe bằng cách cứ một tiếng đồng hồ thì phải cho mắt nghỉ ngơi và thể dục, cả cái cổ và lưng nữa. Nhưng không thể đang giữa phòng thi mà đứng dậy vặn vẹo cái lưng cho kêu răng rắc được. A, cô giáo thấy mình quay quay cổ lại tưởng quay cóp gì thằng kế bên kìa. Long bất giác mỉm cười và để tránh một sự hiểu lầm không đáng có, Long ngước lên trần. Một con nhện đang giăng tơ. Con nhện làm Long nhớ hồi nhỏ đi bắt nhện về để má chữa bệnh tè dầm cho thằng em. Nướng con nhện cháy thành than, tán nhỏ rồi cho vào ly nước, lắng cặn, uống phần nước trong bên trên. Mỗi lần làm bài thuốc này má bắt Long dắt thằng em đi chơi cho đến khi má làm xong mới được về, sợ nó nhìn thấy gớm mà không chịu uống. Khi thằng em hết bị tè dầm, Long kể nó nghe mình đã bất tổng cộng bảy con nhện. Thằng em nôn ra mật xanh luôn. Má quất vô mông Long một roi nhớ đời vì tội không thương em. Long khóc vì tức hơn vì đau, không thương mà đi bắt nhện à? Thành phố, đâu dễ tìm nhện mà là nhện có bầu lặc lè. Từ khi ở ký túc xá Long hay nhớ chuyện nhà. Và nhớ bạn bè phổ thông nữa. Hồi đó, kiếm cớ tới nhà Yến mượn quyển sách. Trời đất ơi trên lớp được gọi là hoa khôi nên Long tưởng... Tới nhà mới biết hoa khôi lười khủng khiếp. Hoa khôi làm cao, sai đứa em cũng là con gái cầm quyển sách ra đưa cho Long. Dù sao cũng là bạn học cùng lớp mà không được tiếp, Long tức quá vớt vát sĩ diện bằng cách làm ra vẻ đúng chỉ là mượn sách thôi nhưng nhìn thấy cô em xinh xắn nên... Long trò chuyện với cô bé em nổ như bắp rang, phớt tỉnh phòng trong vang tiếng đằng hắng nhắc nhở như bà già mà cô bé em không hiểu. Thế rồi Long nhìn thấy mạng nhện giăng đầy nhà. Mà cô bé em vừa khai báo nhà chỉ có hai chị em. Chứng tỏ cả chị lẫn em đều lười quét dọn. Chợt một con nhện lặc lè xuất hiện trong đám nhện đen đang đong đưa. Long mừng rỡ: “Bé cho anh mượn cái ghế chân cao đi”. Bắt được con nhện, tóc và áo Long bám đầy từng mảng tơ. Sáng hôm sau Long nghe ngóng, hoàn toàn không một lời thì thầm. Hoa khôi chẳng dám khoe chiến công không thèm tiếp Long cho bạn bè nghe, sợ đoạn sau mà bị khai ra thì mặt mũi nào. Nhà thành phố mà để nhện sinh sôi thành đàn thành lũ. Con gái mà lười thì không còn gì để nói. Nhưng chỉ lười chuyện nhà thôi chứ học thì nằm trong top five toàn diện của lớp, thi hai khối mà đậu cả hai. Lớp có hai mươi nữ mà chỉ mình Yến đủ điểm đậu cái trường có chín mươi lăm phần trăm là con trai này. Yến ở dãy bên kia, có lần Long ngang qua liếc vào thấy khác hẳn lần đến nhà, mọi thứ đâu vào đó gọn gàng ngăn nắp. Xa nhà phải tự lo lấy có khác. Long nhìn đồng hồ, theo thói quen lại quay quay cổ. Ánh mắt cô giáo. Long thôi không để mình nhơ nhớ mơ màng nữa. Cái đầu tỉnh táo sai khiến đôi mắt mở to kiểm tra lại mã số sinh viên một lần nữa, Long đưa ngón tay đến phím “send” và ngay lúc đó, Long nhận ra ngồi ngay cạnh mình là thằng Huy. Thằng Huy, cái đứa bị mất suất học bổng nghèo vượt khó vì bộ áo quần hàng hiệu và đôi giày cũng hàng hiệu dưới chân. Sau này mọi người mới biết là của ông anh họ con nhà giàu thải ra. Lẽ ra nên phân bua cho bộ áo quần không phải do mình chọn lựa phung phí thì hắn sửng cổ lên: “Quy định nào bắt người nghèo phải tỏ ra cũ kỹ và thảm hại?”. Chưa đủ, sau câu nói đáng được đăng báo đó, một tuần sau, hắn tuyên bố sẽ sống tốt mà không cần dựa vào những suất học bổng thương hại. Tưởng hắn tìm được việc dạy kèm cho công tử tiểu thư con nhà giàu, hoặc chân tiếp thị sữa vốn là mặt hàng ai cũng cần, nào ngờ hắn mở “Dịch vụ điện thoại di động công cộng”. Sinh viên năm đầu xa nhà, ba mẹ liên tục thăm hỏi mà điện thoại của ký túc xá nằm tận phòng bảo vệ. Cuộc gọi thứ nhất luôn có câu trả lời là: “Năm phút nữa gọi lại nhé”. Thế rồi năm phút sau, câu trả lời rất nhiều khi là: “Không thấy cháu nó đâu cả. Chắc đi học hay ăn cơm chưa về. Lúc khác gọi lại nhé”. Cứ vậy, muốn nghe được giọng nói của con mình có bậc phụ huynh phải gọi đến lần thứ bốn, mà điện thoại đường dài chứ có phải... Kẻ thông minh nắm bắt được nhu cầu có thật này, mua cái điện thoại cũ giá hai trăm ngàn và cài cạc Vinatext chỉ nhận cuộc gọi chứ không gọi đi. Phụ huynh chỉ cần nhắn tin qua tổng đài 141: “Muốn gặp XXX vào lúc YY giờ”. Hiệu quả tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời là không chỉ phụ huynh gọi! Mỗi cuộc nhận tin nhắn tính ba trăm đồng gọi là khấu hao tiền pin, cuộc gọi tiếp theo tính giá một ngàn bảy trăm, rẻ hơn dịch vụ ngoài cổng trường mà lại rất gần, không phải chạy hộc tốc suốt mấy tầng lầu và chạy tiếp tới cổng để rồi có khi bên kia chờ lâu quá đã cúp máy. Quả là giỏi! Long, tên con trai ít khi chịu thốt lời khen ai mà phải gật gù khen. Và phục nữa. Long vốn thích những đứa giỏi. Con trai mà không giỏi thì không có gì để nói cũng như con gái mà không xinh. Lẽ ra Huy phải học ở khoa Kinh tế mới đúng. Tại sao hắn lại học Công nghệ Thông tin, cái ngành tốn kém và khắc nghiệt đối với những sinh viên nghèo? Long tự hỏi và chủ động làm quen bằng một tin nhắn thật lòng: “Tớ khoái cậu”. Long chờ một tin nhắn lại để sau đó Long sẽ mời hắn sử dụng chung cái máy tính cấu hình cao của mình, và gì gì nữa mà một sinh viên khoa Công nghệ Thông tin rất cần, ví dụ như những CD luyện nghe tiếng Anh... Nhưng đáp lại là không có gì! Không trả lời cũng không thắc mắc số máy nhắn tin tới là của ai. Cứ như là một trong những cuộc vớ vẩn của những kẻ rỗi hơi. Chẳng lẽ mà tới trước mặt hắn để tự xưng: “Là tao đây”? Thôi, thây kệ. Ký túc xá cũng không thiếu những hảo hán đáng mặt nam nhi để kết bạn. Long thôi không quan tâm lắng nghe những xì xào về hắn nữa. Vậy mà bây giờ hắn ngồi đây, ngay sát cạnh. Và đôi mắt dán vào màn hình lộ rõ vẻ căng thẳng. Một kẻ được nghịch máy tính từ nhỏ như Long dễ dàng biết ngay kẻ bên cạnh mình chẳng giỏi môn học này lắm. Đề bài đơn giản vậy mà nhìn hắn cau mày nhíu trán. Rõ ràng hắn sử dụng bàn phím không ngon lành như những điểm tám chín mười của những môn Toán Lý Hóa khiến bao đứa ghen tị. Gõ được dòng nào hắn ngẩng lên chăm chú như dò xem có mất đi ký tự nào không. Long nhìn đồng hồ. Còn năm phút nữa. Ngón tay Long đặt hờ lên phím send mà chẳng hiểu sao không chịu nhấn xuống. Có những lúc như vậy, người ta cảm thấy điều gì đó và chờ đợi nhưng không hiểu tại sao. Cái điều đó xảy ra trong chớp mắt. Hai bàn tay hắn chợt đơ ra, mặt hắn trắng bệch, Long ngả người ra sau để nhìn màn hình của hắn rõ hơn. Trắng bệch như mặt hắn, màn hình trắng bệch, không một cái gì cả. Hắn đưa con trỏ đến undo typing. Vô ích. Không gì hiện trở lại cả. Không một dấu hiệu gì cho thấy kết quả của công sức hắn. Hắn đã nhấn nhầm phím quái quỷ nào mà bài làm biến mất tăm rồi. Hắn vào thùng rác. Cũng không. Hắn lùng sục tìm kiếm... Còn hai phút. Những sinh viên nộp bài xong đứng lên đi ra, tiếng chân bước rào rạo. Còn một phút. Long hỏi thật nhanh: - Mã số sinh viên? Môi hắn bật ra tám chữ số. Mọi thứ diễn ra thật nhanh. Long copy bài của mình, điền mã số sinh viên của hắn vào rồi send. Hai tay hắn cuống cuồng trên bàn phím. Vừa lúc tiếng chuông reo. Long đi thật nhanh ra khỏi phòng trước khi hắn kịp thốt lời cám ơn. Để một kẻ như hắn nợ lời cám ơn kể ra cũng thích. Long thấy khoan khoái trong lòng. Ra tay nghĩa hiệp với một kẻ kiêu hãnh đến vậy... Ông bà ta nói anh hùng sa cơ cũng... A, ai kia? Yến phải không? Học chung khoa, ở chung ký túc xá mà lâu lắm rồi mới được gặp gần sát mặt thế này. - Long! - Tiếng gọi như reo. Hoa khôi mới năm đại cương mà sao mặt đầy mụn thế kia? Nhìn chẳng còn giống hoa khôi tí nào. - Yến hả? - Tìm ai mà tới đây? “Long chứ còn ai”. Long thấy mình ngớ ngẩn hết sức, chợt nhớ mớ tơ nhện. Yến có còn nhớ? Con gái là nhớ dai lắm, nhất là những chuyện không nên nhớ. Tìm dịch vụ di động công cộng. Sáng nay Huy nhắn mẹ mình hẹn mười giờ gặp, bây giờ là mười giờ thiếu năm rồi. Long thấy Huy đâu không? Phẩy tay chỉ vào lớp rồi với vẻ hờ hững nhất trần đời, Long sải bước. Ngẫm nghĩ... Long thọc tay vào túi móc cái di động ra bấm nhanh: “Huy ơi, nhắn với Yến giùm là có người chờ cơm ở căng tin. Cám ơn nhiều”. * * * * * Căng tin giờ cao điểm đông nghẹt. Yên đến mà không có chỗ ngồi thì nguy. Long gọi hai ly nước chanh đặt đối diện nhau để giữ chỗ. Khẽ cười. Có khi nhờ thế này mà Yến xúc động cũng nên. Con gái thật kỳ cục là hay xúc động những chuyện đâu đâu. Nhưng mà Yến có đến không? Một tin nhắn vu vơ thế kia. Cái điện thoại công cộng có bao nhiêu là tin nhắn mỗi ngày. Quả là vu vơ. Không ai đến cả. Long uống cả hai ly nước chanh đá tan chảy lạt lẽo rồi về. Huy đang đứng ngay cầu thang. Kẻ kiêu hãnh gặp nạn không đợi tình cờ gặp mà thân chinh đến tận nơi để nói lời cám ơn ngay lập tức? Cám ơn mà sao mặt mũi căng thẳng như lúc màn hình trắng bệch? - Long, tớ có lỗi với cậu. - Tớ đã hại cậu. Tớ không cố ý. Tớ chỉ... Vẻ bối rối cực độ này không giống như những lời đồn đại về hắn tí nào. Là cái gì? - Chuông vừa reo thì tớ cũng tìm ra file bài làm bị lạc, nó nằm ở ổ G. - Rồi sao? - Tớ xin cô giáo cho tớ nộp bài của chính mình làm. Tớ khai thật là lúc đó tìm bài của mình không ra, quýnh quáng quá nên đã copy bài của cậu. Long thốn người: - Mày... mày nói vậy thật à? - Tớ đã... Đúng vậy. Lúc đó tớ chỉ muốn được nộp chính bài của mình thôi. Tớ thật sự không nghĩ đến việc liên lụy tới cậu. Bây giờ thì lỡ rồi... Cô giáo nói điểm 1 cho cả tớ và cậu. * * * * * Đoạn kết có hậu không phải luôn luôn là điểm mười. Cú điện thoại của mẹ Yến gọi đúng thời điểm để Yến chứng kiến trọn vẹn cuộc thú nhận của Huy với cô giáo, và cái tên Long hiện ra dưới một ánh sáng mới. - Nếu mình là cô giáo mình sẽ khen thưởng cho tính trung thực của Huy, chỉ phạt mình Long thôi. “Chỉ phạt mình Long thôi”, nói phạt mà giọng dịu dàng làm sao. - Nói thật nha, trước tới giờ Yến nghĩ Long cũng như mấy đứa con nhà thôi... - Là ích kỷ và hời hợt hả? - Long nói nốt phần còn ngập ngừng sau môi Yến. Rồi cười. Nếu Yến biết giờ kiểm tra đó chỉ vì Long chợt nhơ nhớ mông lung, và nghĩ đến Yến... Nếu không thì Long đã nộp bài từ sớm và đi ra ngoài, đã không nhìn thấy Huy. Và sẽ không có một tình bạn sâu sắc giữa hai thằng con trai quyết không chịu tầm thường.