i cạnh tôi, dù đã mang guốc cao gót 10 phân Kim vẫn thấp hơn tôi gần nửa đầu. Tôi vừa quay nhìn Kim vừa nói đùa:
- Lần sau đi chơi với anh, em nên mang guốc cao…20 phân thì mới cao bằng anh được.
Kim lườm âu yếm và véo một cái thật mạnh trên cánh tay tôi. Lúc bấy giờ trời đã chiều sậm, người qua lại thưa thớt, tôi được dịp khỏi cần giữ ý, la lên oai oái:
- Ối cha…đau thấu “chời” xanh lơ.
Kim bật cười:
- Ghét anh, ghét anh. Con trai gì mới đụng tới đã la làng.
Tôi kéo sát Kim vào cạnh mình, những bước chân hai đứa quấn quýt chỉ chực đan nhau, chập choạng.
Tôi trêu Kim:
- Em…sợ anh không?
Kim thản nhiên:
- Ơ, anh làm gì mà em phải sợ?
Tôi hỏi lại:
- Sợ anh không?
Kim ra vẻ bướng:
- Không.
Tôi cười tinh quái:
- Chắc chưa? Bây giờ anh có cách làm em phải sợ. Này…
Tôi kéo đầu Kim xoay lại đối diện, rồi cúi xuống làm bộ định hôn lên môi Kim. Kim ngỡ ngàng một chút, la lên, trong lúc tay Kim đẩy đầu tôi ra xa:
- Ái, sợ. Sợ.
Tôi cười hể hả, đắc thắng. Kim đấm tôi thùm thụp. Nhắc lại câu Kim thường nói:
- Ghét anh, ghét anh kinh khủng.
Hai đứa dìu nhau về phía bờ sông. Trời đi ngủ hẳn, đèn mầu bật lên chan hoà khắp nơi. Chúng tôi tìm một chiếc ghế đá trong vườn chơi trẻ em, sát bờ sông. Tôi quàng tay qua vai Kim và đầu Kim ngả nhẹ trên ngực tôi. Gió sông mát rợi lùa vào mái tóc cắt ngắn của Kim phả qua mũi tôi một mùi thơm quen thuộc dễ chịu. Chẳng ai chú ý đến chúng tôi, ánh đèn thì không sáng lắm và chung quanh chỉ có vài cặp trai gái, họ cũng đang bận…yêu nhau. Mặt sông hoà chìm trong tối, thỉnh thoảng lại sáng rực lên vì ánh đèn pha từ Hải Quân công xưởng chiếu sáng để kiểm soát tầu bè qua lại. Những lúc đó cảnh vật nhuộm tràn một bầu ánh sáng trắng xanh lướt thướt. Quang cảnh trở nên huyền ảo khiến những kẻ yêu nhau…yêu nhau hơn.
Kim ngước lên nhìn tôi, khẽ hỏi:
- Anh nghĩ gì đó?
- Anh đang tưởng tượng ra một ngôi nhà, một người con gái tập làm vợ và…những nhóc con nghịch như giặc…
Kim cười tủm tỉm, bàn tay nàng lướt trên ngực tôi và tìm tay tôi xiết nhẹ. Kim bảo:
- Nhìn kìa anh! Những chiếc thuyền máy chở khách ngang sông làm em nhớ những ngày ở Huế. Em và chị Ánh thường đi bơi hay chèo thuyền trên sông Hương. Sao em thích nước ghê, có lẽ vì thế…
Tôi cướp lời:
- Có lẽ vì thế mà em thương lính biển. Phải em muốn nói vậy không?
Kim cười khúc khích:
- Ai thèm! Lính biển ăm mặc “quê” thấy mồ. Y như ông bán xăng…
Thấy tôi không phản ứng Kim tưởng tôi giận, vuốt ve:
- Chỉ được cái …tán gái ba chê.
Tôi bật cười vì ngôn ngữ Kim dùng. Kim chả khác gì trăm ngàn cô gái khác đang lớn lên. Ngổ ngáo, ranh mãnh và lãng mạn.
Tôi không đòi hỏi người tôi yêu phải thật ngoan, thật hiền hay thật đặc sắc trong nhiều phương diện, những mơ mộng đó dành cho các cậu con trai mới lớn, ấp ủ nhiều đam mê và thích tôn người yêu lên hàng thần tượng. “Ngày xưa” tôi cũng đã từng như vậy, nhân vật thần thoại của tôi là Thu. Mấy năm trời yêu nhau tôi nhìn Thu bằng cặp mắt của một tín đồ chiêm ngưỡng dung nhan thần thánh. Tôi gượng nhẹ Thu trong vòng tay mà chỉ sợ mình bị hiểu lầm là cử chỉ sỗ sàng, tư tưởng vẩn đục. Bây giờ thì thần tượng đã bỏ đi, Thu trở lại nguyên hình là một cô gái như muôn ngàn cô gái khác. Hoàn cảnh đã chia rẽ tôi và Thu, nhưng tôi hiểu rằng mối tình ấy tan vỡ chỉ vì không xây dựng trên một nền tảng nào cà. Một cậu trai mới ở ngưỡng cửa trưởng thành, tay trắng và một cô gái đang lớn lên. Sống nhờ cha mẹ, nuôi tình yêu bằng những kỷ niệm vui buồn tuổi nhỏ. Chúng tôi chia tay nhau thật đẹp, đẹp hơn tất cả những mối tình đầu tan vỡ nào khác. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm Thu như một người bạn. Dưới tia nhìn soi mói của mọi người sau những câu chuyện bình thường, chúng tôi từ giã nhau bằng “ánh mắt còn có đuôi” như một câu thơ của cụ Phan Khôi. Nhưng những gì đọng lại trên đuôi mắt ấy chỉ còn là sự luyến tiếc nhẹ nhàng, luyến tiếc vì những kỷ niệm yêu thương xưa quá đẹp. Lúc đầu chúng tôi đau khổ vô cùng tưởng chừng không thể sống thiếu nhau. Nhưng rồi thời gian cũng làm nhạt dần thương nhớ và từ tình yêu chúng tôi đổi được ra tình bạn dù chỉ là gượng ép.
Với Kim, tôi không giấu những kỷ niệm cũ. Trước khi yêu tôi Kim đã biết rõ về quá khứ của tôi. Và Kim dễ dãi chấp nhận tất cả.. tôi yêu Kim nhiều hơn. Nhưng trong chuyện tình hai đứa tôi là kẻ đi tìm. Tôi “săn đuổi” tình yêu như lính đi tìm địch, “chiến đấu” vất vả bao nhiêu mới cướp được Kim ra khỏi thế giới những kẻ cũng có ý định như tôi. Mà vẫn phải làm bộ tỏ ra mình đạo mạo. Để bây giờ được ôm Kim trong vòng tay, chiều thứ bảy, khi từ biển trở về.
*
Ngày trước Kim gọi tôi bằng chú. Tất cả bắt đầu vào một ngày nắng Hạ, khi tàu tôi về bến sau một trận đụng địch. Chiến thắng phải tô bằng máu của bốn người và một người ra đi vĩnh viễn: Đệ. Thi hài Đệ được đưa về nghĩa trang quân đội và an táng ở đó.
Tôi và Đệ là đôi bạn thân. Đệ vui tính và hơi nói nhiều; nhưng rất tốt với bạn bè. Những ngày sống bên nhau Đệ thường tâm sự với tôi về mọi chuyện. Trên tàu Đệ là người nhận được nhiều thư nhất, hầu hết là những lá thư màu xanh. Tôi hỏi, Đệ chỉ cười:
- Bạn gái, khi tao là thư sinh bạch diện.
Trong những cánh thư gửi về có một cái mang nét chữ tròn trĩnh dễ thương lạ. Tôi tần ngần ngắm từng nét, từng chữ. Đệ bảo:
Con bé này cháu tao, không phải bạn. Nó lém lắm, mỗi lần về nó hành muốn chết luôn. Nhưng mà cháu tao thương chú kinh khủng.
Tôi tò mò:
- N.T.H.Kim là gì?
- Nguyễn Thị Hoàng Kim.
Cái tên nghe là lạ. Tôi tưởng tượng ra một khuôn mặt qua câu nói của Đệ và bỗng thấy hứng thú lạ lung. Tôi búng tay:
- Ok. Giới thiệu cho tao đi.
Đệ xỏ lá:
- Với điều kiện mày phải là một ông chú đứng đắn.
Tôi lườm Đệ:
- Dĩ nhiên. Tao “đứng đắn” từ khuya rồi.
Hơn một tháng sau, một hôm Đệ trao cho tôi một lá thư ngắn của Kim. Đệ nói tao viết nhiều về mày và giới thiệu mày với nó. Nó bảo lẽ ra chú Tuấn phải có thư ra mắt trước nhưng nó thương hại mày đi tầu buồn, chắc thích đọc thư người khác, hơn nữa nó phải làm ra vẻ hiền lành để mày khỏi …sợ. Tôi bật cười vì những ý nghĩ ngộ nghĩnh của Kim. Con gái bây giờ lém thật.
Tôi sốt sắng viết trả lời thư Kim để làm quen. Từ đó chúng tôi thư từ cho nhau luôn, và tôi nghiễm nhiên trở thành chú của Kim. Tuy thế những lần về Sàigòn tôi ngại ngùng chưa muốn gặp mặt Kim, vì sự thật tôi cũng chỉ thích trao đổi thư từ với Kim thôi. Nhưng cái chết của Đệ đưa đẩy chúng tôi gặp mặt nhau. Hạm Trưởng rủ tôi và Châu đại diện tàu đi đưa tiễn Đệ đến nơi yên nghỉ. Dù không rủ tôi cũng vẫn đi đưa đám Đệ, để rồi vĩnh viễn xa cách.
Chính buổi tiễn đưa này tôi đã gặp Kim. Trong đám thân nhân đứng bên ngôi mộ chưa vùi đất tôi bắt gặp một cô bé, mắt nhòa lệ và khóc thút thít. Tôi đứng lặng người nhìn hình ảnh cảm động ấy và bỗng dưng tôi có ý nghĩ quả quyết: cô bé này chắc chắn phải là Nguyễn Thị Hoàng Kim.
Khi mọi người ra về tôi đứng khuất vào một ngôi mộ xây. Tôi muốn ở lại với Đệ thêm mươi phút nữa. Nhưng không phải chỉ có mình tôi. Cô bé vẫn ngồi bên ngôi mộ mới đắp sơ sài, ngổn ngang hương nến và vòng hoa phúng điếu. Hai vai cô bé rung nhè nhẹ, tiếng thút thít nghe não lòng lạ. Tôi bước từng bước nặng nề đến trước cô bé và đứng lại. Một lúc cô bé ngẩng lên nhìn tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi nhỏ:
- Chú Đệ mất có kịp dặn lại gì không chú?
Tôi hơi khựng lại và chợt hiểu: Kim đọc tên tôi ở bảng tên trên ngực áo.Tôi ngập ngừng:
- Không Kim ạ!
Kim bật khóc to hơn. Tôi ngồi xuống cạnh Kim, chúng tôi nói chuyện với nhau dễ dàng như đã thân nhau từ lâu lắm. Câu chuyện xoay quanh những hình ảnh về Đệ với những nét dễ thương. Rồi thương tiếc.
Nắng lên cao và đổ dài xuống chỗ chúng tôi ngồi. Tôi khuyên Kim thêm vài lời rồi giục ra về. Kim rất tự nhiên nhận lời, khi tôi đề nghị đưa Kim về. Tôi thả Kim xuống đầu ngõ. Kim bảo:
- Chú vào nhà chơi chứ?
Tôi nghĩ sự hiện diện của mình trong nhà Kim lúc này không phù hợp:
- Thôi, để lần khác nhé Kim. Chú…
- Không có lần khác gì hết. Chú phải hẹn chắc chắn, không Kim giận cho mà xem.
- Chiều ngày kia nhé!
Tôi bắt gặp giọng mình đầy âu yếm:
- Chú sẽ mang các thứ của Đệ về cho Kim.
Kim gượng gạo một nụ cười chào tôi, nụ cười buồn và ấm áp. Tôi quay đầu xe, bỗng dưng tôi phóng xe nhanh hơn mọi lần và lòng đầy hăng hái.
Tôi về tàu, góp nhặt những đồ dùng và giấy tờ của Đệ bỏ vô sắc đi biển. Tôi đem tất cả về nhà và buổi chiều ngày hẹn, tôi chở đến nhà Kim.
Ba Kim gần gấp hai tuổi Đệ, vì ông là anh cả và Đệ là em nhỏ nhất trong gia đình. Tôi cảm thấy xưng hô hơi khó khăn, sau cùng tôi quyết định gọi ba Kim bằng ông và xưng cháu. Ba Kim có vẻ khó tính, ông hỏi han tôi bằng giọng xã giao nhiều hơn. Tôi nói nhiều về Đệ với hy vọng sẽ dễ kết tình thân thiện với ông. Nhưng có lẽ dưới mắt ba Kim tôi chỉ ngang hàng với Kim. Ổng tiếp tôi dăm phút rồi gọi Kim và chị Ánh ra thay ông nói chuyện. Chúng tôi lại quay trở về chuyện Đệ, chị Ánh kể về thời thơ ấu của chú Đệ. Chị Ánh còn nhiều tuổi hơn cả Đệ (ba Kim lấy vợ từ lúc trẻ, khi bà thân sinh chưa sinh ra Đệ) nên tôi gọi chị bằng chị rất tự nhiên. Lần đó và những lần tiếp theo, phần nhiều câu chuyện vẫn là nói về Đệ. Hình như mọi người thích kể về Đệ, và tôi nếu không đem chuyện Đệ ra để hỏi han thì cũng chẳng biết làm thế nào để gần gũi họ. Vì tôi cảm thấy mình có nhiều cảm tình đối với gia đình này. Nhất là với Kim. Kim tuy buồn vì cái chết của người thân nhưng vẫn không che giấu nổi tính nhí nhảnh vui tươi hồn nhiên của một cô gái dậy thì. Kim gần gũi tôi nhanh hơn tôi tưởng và nhiều lúc tôi cứ nghĩ mình là Đệ hay ngược lại coi mình là chú ruột của Kim. Nhưng ba Kim có vẻ không ưa tôi. Đúng hơn ông không chấp nhận cái tình chú cháu của chúng tôi. Ở tuổi ông, ai cũng không thể chấp nhận được vì con gái ông đã lớn và tôi cũng chỉ hơn Kim bốn tuổi. Ông không nhìn sự việc bằng con mắt lãng mạn và tự do như lứa tuổi chúng tôi, nên ông coi sự hiện diện của tôi như một chàng trai quen với con gái mình. “ nhà có con gái lớn như chứa bom nguyên tử”
Ông không tỏ thái độ kỵ tôi, nhưng ông có vẻ nghiêm nghị và để ý xem…tên này muốn gì. Nó đến chơi xuông như nó đã và đang đến chơi và xưng chú với con gái mình hay nó định cuỗm con gái mình đây? hẳn ông cụ đã nghĩ thế và tôi đoán vậy.
Một buổi chiều, tôi đang ngồi vui chuyện với Kim (chị Ánh bận cho con ăn trong nhà) thì ông cụ đi làm về. Ông ngồi vào nói chuyện với tôi. Kim tự động đứng lên lui vào trong nhà. Các gia đình nửa cựu học, nửa tân học là như thế. Con gái được tiếp bạn trai, nhưng không có quyền ngồi tiếp chuyện bạn khi có Bố ngồi đó.
Ông cụ nói …vòng vo Tam Quốc, rốt cuộc ông hỏi về cuộc sống của tôi hiện tại, và ngày trước. Tôi thành thật “khai lý lịch”, khi nghe nói tôi làm nghề viết báo…mướn trước khi vào quân đội, ông tỏ vẻ không mấy thích cái nghề “nói láo ăn tiền” đó. Ông đả bọn nhà báo dữ dội. Bà cụ, Kim và chị Ánh nghe chúng tôi nói chuyện. Kim tỏ vẻ áy náy, thập thò ở cửa phòng nhìn tôi. Tôi tìm dịp đứng dậy từ kiếu. Ông cụ bắt tay tôi cho có lệ.
Ba hôm sau tôi nhận được thư của Kim gửi về tàu.
Saigon, tháng hai, sáu sáu
Chú,
Chắc buổi chiều hôm đó chú “tức” ba Kim lắm phải không? Khi chú đi rồi, Kim tức muốn khóc được. Cả nhà xúm lại phản đối ba, đầu tiên là mẹ (vì chỉ có mẹ mới đủ can đảm đi tiên phong). Ông bà cụ “tranh luận” một hồi, tức lý, ông cụ xách xe đi làm.
Chỉ có mình Kim là tức mãi, đây là lần đầu tiên Kim bị “mất mặt” với chú nên buổi chiều nhất định “tuyệt thực” nằm khóc trên lầu.
Chị Ánh dỗ mãi, chị còn bảo:
- Kim mới bị ba làm quê có một lần mà đã khóc như vậy rồi, không thấy ngày xưa chị bị cả trăm lần sao? Còn quê hơn Kim là khác.
Kim ấm ức gắt lên:
- Nhưng chị khác, em khác.
Chị Ánh chả hiểu khác ở chỗ nào nên cứ ngẩn mặt ra, nhìn chị Kim bắt phì cười dù lúc ấy đang khóc. Kim phải nói mãi “chị bị quê như vậy là đáng, ai bảo chị mời bồ vào nhà nói chuyện còn Kim…” chắc là ba hiểu lầm chuyện này, nhưng Kim chả cần đính chính. Hình như ông cụ có “mối thù” gì với mấy ông ký giả lắm. Tội nghiệp, chú làm hai nghề thì một nghề đi lính bị Kim ghét giờ lại bị ba Kim ghét ký giả nữa. Thôi! Từ nay Kim chả nỡ ghét lính Hải Quân các chú nữa đâu nhá.
Nguyên buổi chiều hôm đó và luôn cả hôm sau Kim vẫn áp dụng chương trình đả đảo ba, nghĩa là suốt ngày giam mình trên gác, chỉ gặp ba mỗi bữa ăn nhưng Kim vẫn cắm đầu không chịu nói chuyện với ai. Chắc có vẻ ba hối hận nên buổi sáng ba vui vẻ lắm. Ông cụ luôn miệng cười với bé Chuyên. Mẹ và chị Ánh cười hoài về sự giận dai của Kim. Buổi chiều đi học ba nhắc Kim đội nón. Kim cho đó là một cực hình vì cả đời không bao giờ Kim đội nón cả. Kim vâng dạ rồi chạy vội ra khỏi nhà. Nghĩ mà cứ tức ông cụ hoài, tức nhất ở điểm tại sao khi chú về rồi ông cụ chả chịu chả chịu mắng cháu nữa đi, ông cụ chỉ muốn làm cho cháu quê với chú thôi.
Chiều nay đi học về, trời đổ mưa to lạ lùng. Kim và tụi bạn đứng núp trong hiên tiệm thuốc tây cùng với mấy chàng Hải Quân của chú. Khiếp, trời mưa đã to rồi mà các ngài ấy tán chuyện còn to hơn. Ba ông cứ tỉnh bơ thiên hạ đi mà thao thao bất tuyệt, xem mọi người chung quanh chẳng có ký lô nào hết. Nhỏ Hoài bạn Kim nói nhỏ:
- Tao chết thì thôi nhất định không bao giờ thương mấy tên Hải Quân nói nhiều như ba tên này chẳng hạn.
Kim bật cười và nghĩ đến chú, Kim bảo Hoài:
- Thế mà tao lại có ông chú là dân Hải Quân đấy, mày thích không tao giới thiệu cho.
Con nhỏ lườm Kim lắc đầu:
- Tao không thèm!
Kim phải đính chính mãi là “ chú tao nói ít lắm, hiền lắm” con nhỏ vẫn lắc đầu quầy quậy.
Chú còn bênh vực mấy ông bạn Hải Quân của chú nữa hay thôi?
… Hôm nào chú hết “tức”, chú đến với Kim nhé. Cam đoan lần này không xảy ra chuyện đáng tiếc như lần trước nữa đâu. Mà nếu có, Kim sẽ bênh chú liền.
Thân mến,
KIM.
Tôi bật cười vì lối viết thư dí dỏm của Kim. Ba Kim còn hơi cổ nhưng con gái ông “tự do tư tưởng” quá. Tôi tự hỏi, mình có nên đến nữa không?
Nghĩ tới nghĩ lui cuối cùng tôi quyết định một cách hài hước: “cứ đến! đường đi khó không khó vì (ông cụ) ngăn sau đón trước, chỉ khó vì (sợ) cô cháu nghỉ chơi”. Và từ đấy, mỗi chuyến tàu về bến, tôi lại ghé thăm Kim. Ông cụ cũng tự dưng đổi thái độ, vui vẻ với tôi, nhiều khi còn hỏi han săn sóc tôi.
Tôi viết cho Kim nhiều hơn Kim viết cho tôi. Nhưng Kim bắt tôi phải long trọng hứa là: mỗi chuyến đi công tác về chú phải ghé vào nhà Kim đầu tiên, trước nhà bạn bè khác. Những lần đến với Kim, giọng nói tiếng cười và những ý tưởng ngộ nghĩnh của Kim làm tôi ưa thích. Một tình cảm thân thiết nhẹ nhàng len lén dâng lên trong lòng tôi và cho đến một hôm, một câu hỏi chợt đến trong óc tôi “mình yêu Kim rồi chăng?...” Tôi giật mình khi khám phá ra rằng tôi đã chán đóng vai người chú đạo mạo và già dặn quá mức chịu đựng của mình. Từ đó, hình ảnh Kim luôn đến với tôi, chiếm nhiều thì giờ trong trí óc thôi. Tôi bỗng thèm viết trở lại, tôi sáng tác nhiều và hầu hết những bài thơ, những truyện ngắn tôi viết đều khoác hình thái lãng mạn, một điều rất ít có trong tác phẩm của tôi thời gian tôi mất Thu. Nhiều khi tôi ngồi hằng giờ trong “cabin” để mơ mộng, để gò gẫm làm một câu thơ trữ tình. Gợi ý cho tôi là một dáng hình người con gái nhỏ nhắn, tóc cắt ngắn cuốn cúp vào trong và mầu trinh trắng chan hoà trên y phục, thân thể của nàng. Người con gái đó mang một cái tên là lạ: Hoàng Kim. Các tác phẩm của tôi đều được ký một bút hiệu mới: Hoàng Kim Tuấn. Tôi gửi cho một số tuần, nhật báo và chờ đợi chúng trên mặt giấy, hồi hộp như kẻ mới tập viết và chưa từng ở trong nghề.
Các bạn tôi lấy làm lạ về tôi. Họ theo dõi rình mò tôi như trong phim trinh thám. Và cuối cùng thì chúng nó khám phá ra lý do tôi đổi khác. Thế là một phong trào tố khổ rùng rợn khiến tôi dở khóc dở cười. Như một lần, tên Châu thấy nhân viên đi lãnh thư ở Hải Bưu Cục về có thư của Kim gửi cho tôi, nó đòi tôi phải cúng ba trăm cho nó đánh Domino mới trả lại. Thằng “khốn” còn nheo mắt, choang thêm một câu đổ nợ:
- Chắc chắn trong thư này em kể về vụ em đến tàu tìm mày và gặp tao.
Tôi sửng sốt:
- Kim xuống đây sao mày không cho tao biết?
Châu đưa ba trăm lên môi và hôn chụt một cái:
- Thơm lắm! cho mày biết thì còn lâu mới mới mong choảng được ba bò. Vả lại, còn chờ nắm được thư em của mày, tao mới bóp cổ mày lấy tiền được chứ.
Tôi cằn nhằn:
- Mày nham nhở bỏ mẹ. Kim gọi tao bằng chú đó.
Châu cười hô hố:
- Chú cháu, hì hì. Chú cháu kiểu cháu Lan chú Nam trong Đẹp của Khái Hưng hay kiểu cháu Diễm chú Đạt trong Yêu của Chu Tử?
Tôi chịu thua, lùi lũi chạy vô cabin nằm đọc thư Kim trong lúc tiếng Châu vẫn nheo nhéo đuổi theo:
- Thôi, viết thư bảo em đừng gọi anh bằng chú nữa, anh đang chết dở sống dở vì con ma ái tình nó vật đây này!
Sàigòn, tháng năm, sáu sáu
Chú
Hôm thứ ba vừa rồi Kim đi chợ Sài gòn với mẹ. Mẹ ghé vào nhà bà Phán Xuân ở đường Phan Bội Châu để đóng tiền “hụi” gì đó. Các cụ nói chuyện lâu quá, Kim sốt ruột xin phép mẹ đi chơi phố một lát. Kim lững thững đi ra bến Bạch Đằng, thấy tầu chú đậu ở cầu A. Bèn đánh bạo vào tìm chú, định bắt tội chú dẫn đi ăn kem Hà Nội.
Gặp một ông đứng tơ lơ mơ ở đầu cầu Kim vừa nói tên chú ông ta vểnh râu lên - gớm, cái đám râu sao rậm rạp thế - hỏi thật lẩm cẩm:
- À…Tuấn…Tuấn. Phải thằng Cù Lần không cô?
Kim tròn mắt ngạc nhiên:
- Hơ…hơ…Cù Lần nào cơ ạ?
Ông ta vẫn con cà con kê:
- Thằng Hoàng Kim Tuấn chứ gì?
- Ư …ư… Tôi cũng không rõ. Chú ấy bảo chú ấy ở tàu này mà.
Ông ta nhìn Kim chăm chú như một… hiện tượng lạ, một lúc mới cười hì hì:
- Phải rồi. Tuấn… “ nhà văn nhớn” chứ gì? Tên nó là Tuấn, bút hiệu Hoàng Kim Tuấn nhà văn nhớn, và biệt hiệu Cù Lần đó. Cô tên Kim phải không?
Kim sửng sốt:
- Vâng ạ! Sao ông biết rõ thế?
Ông ta cười một cách tinh quái, ánh mắt sao nhiều ẩn ý thế ( Kim nghĩ):
- Tôi tên Châu. Tuấn nó gọi tôi là Trâu Điên.
(Cái tên nghe mới ngộ. Chú ác thế sửa tên người ta như vậy đó).
- Cô cứ gọi tôi bằng tên cho nó thân.
Kim vẫn thắc mắc:
- Thưa, sao ông biết tên tôi thế ạ?
Châu lại cười:
- Thì…thư cô gửi cho Tuấn cả tầu ai chả biết. (Châu nheo nheo mắt). Hơn nữa, tôi với thằng Tuấn thân nhau lắm mà.
Kim vội hỏi:
- Thế chú Tuấn đâu rồi ông?
- Nó lặn rồi. Người nhái có hạng đấy.
Kim đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Châu phải mất công giải thích rằng lặn là vắng mặt không có phép trong giờ làm việc, và người nhái là người lặn giỏi. Chú thế mà ghê thật.
Kim thất vọng ra về. Ông bạn thân của chú “tốt” quá cứ đòi tiễn chân Kim một đoạn đường. Hải Quân “ nhà các chú” ông nào cũng gớm cả, tán gái một cây. Chắc chú cũng “mồm mép” chả thua gì ông…Trâu Điên đâu nhỉ?
Chú, chú nhiều tên thế thì Kim biết gọi bằng gì bây giờ? Chú Tuấn, chú Cù Lần, chú (nhà văn) Nhớn? À, mà sao chú lại có hỗn danh Cù Lần thế chú? Hôm nào chú đến chơi, thế nào Kim cũng bắt chú giải thích cho nghe. Sửa soạn tinh thần trước đi, chú nhé.
Dạo này mưa hoài nên ngõ hẹp vào nhà cháu bẩn kinh khủng, chắc chú ngại lắm phải không? Kim thương bộ quần áo lắm nên đành ở nhà vậy. Kim không mong chú nữa đâu, vì đường bẩn không muốn chú đi vào, tội nghiệp chú.
Chị Ánh vẫn cứ chê báo Lướt Sóng Hải Quân của chú ”Cù Lần” như thường, chú có tức không? Vậy mà khi nghe Kim bảo có nhà thơ Nhất “ Tuấn” viết trong này nữa bà ấy sáng mắt như hai vì sao, vội vàng đòi xem. Kim không cho, chị Ánh tức, vậy là Kim đã “trả thù” dùm cho chú đó. Đừng thèm tức nữa nghe chú! Kim thích chú vui thật nhiều.
Mến
KIM
Đọc xong thư Kim, tôi tiếc hùi hụi. Ít khi có dịp rủ Kim đi chơi. Tôi nuôi một hy vọng vu vơ là một hôm nào đó Kim lại nổi hứng đến tàu tìm tôi, nên tôi chịu khó ở lại tàu chờ đợi mỗi ngày, ít “lặn” hơn hồi trước. Sự kiện đó coi như một sự tích. Sự tích “Tuấn si tình” loan truyền khắp cả tàu và ngay cả đến Hạm Trưởng mỗi lần gặp tôi cũng phải nở nụ cười tinh quái. Tôi bất cần coi như “pha” lại còn mang thêm niềm hãnh diện nho nhỏ trong lòng.
Bỗng dưng tôi thấy hờn giận Kim vô cớ. “Kim có biết chú đợi Kim ngày qua ngày trên chiếc tàu xám nhỏ này không? Tại sao Kim không đến?” Lẽ ra tôi không nên trẻ con như thế, nhưng tình yêu đã biến tôi trở lại lãng mạn thái quá. Tôi tưởng tượng ra cảnh Kim tìm tôi ở tàu. Tôi đón Kim lên chơi với ánh mắt tôn sùng và tiếng thì thào trầm trồ của đồng đội.
Đẹp quá, nên tự tôi đánh lừa tôi.
Nhưng chờ đợi mãi mà Kim chả tới. Tôi buồn, tôi giận, rồi tôi…ốm. Thật là khôi hài. Tự nhiên tôi bật cười khi nghĩ tới hỗn danh các bạn đặt cho tôi. Tuấn Cù Lần. Ừ, mà tôi cù lần thật. Nhưng mà tôi thích giữ cái cù lần này mãi, ai “gạ mua cũng chả bán” cho. Tôi nằm lỳ trên tàu hơn hai tuần lễ quên cả lời hứa đến chơi nhà Kim mỗi chiều chủ nhật, khi tàu còn ở bến. Tôi còn định nằm nữa nhưng một lá thư của Kim đến vừa kịp lúc làm tôi nhỏm dậy, bệnh tiêu tán và tôi giật mình bâng khuâng khi đọc thư Kim: chúng tôi gặp nhau đã một năm. Ngày Đệ chết, ngày chúng tôi tìm đến nhau, và ngày này cũng bắt đầu vào Hạ.
Sàigòn, tháng năm, sáu sáu
Chú,
Hôm nay là chủ nhật, buổi chiều đợi hoài mà không thấy chú đến. Chú quên Kim rồi nên chú không thèm đến thăm Kim. Phí cả một buổi chiều ở nhà chờ chú. Từ nay, thứ bẩy, chủ nhật Kim không thèm ở nhà nữa. Đi chơi hoài cho chú xem.
Những ngày hè thật buồn chán, suốt ngày chỉ ăn ngủ và đi tán dóc với hàng xóm, chả làm được cái tích sự gì nên cứ bị mẹ mắng hoài thôi. Dạo này Kim lười biếng kinh hồn, lười luôn cả viết thư cho chú nữa đó. Tụi bạn ngoài Huế cứ viết thư vào rủ Kim hoài. Về Sài Gòn rồi mi quên hết bạn bè rồi hỉ.
Tụi Lan, Vĩnh, Hoài rủ Kim đi Vũng Tàu. Kim xin mẹ mà mẹ không cho. Mẹ bảo đường đi khó khăn nguy hiểm. Mẹ thì chỉ lo xa thế thôi. Từ ngày ở Huế vào Sài Gòn đến giờ mẹ chả muốn cho Kim đi chơi đâu xa cả. Mẹ lo đủ thứ. Giá như ở Huế, mùa này Kim đi chơi biển. Biển Thuận An không đẹp bằng Vũng Tàu nhưng vui lắm chú. Nếu không thì chị em Kim kéo nhau đi chèo Perissoire trên sông Hương. Còn ở đây thì …ngồi nhà vậy. Cho nên, mong chú đến chơi kinh khủng.
Mến
KIM
Tôi vội vã sửa soạn rồi vọt ra công trường Mê Linh gọi xe đến nhà Kim. Tôi thấy khoẻ khoắn như chưa hề đau ốm và bỗng thấy buổi tối nay thật đẹp, thật nhộn nhịp vô cùng.
Kim đón tôi bằng nụ cười vừa tươi thắm vừa hờn dỗi. Tôi tự hỏi: nhìn nụ cười kia liệu có ai tin rằng đó là nụ cười vô tư của cháu dành cho chú, hay là nụ cười hàm ẩn mối tình thắm thiết gái trai! Tôi đoán Kim đã giành cho tôi nhiều cảm tình tốt đẹp, nếu không kết luận rằng tình cảm người con gái ấy đang dần dần biến thái?
Tôi nghĩ rằng mình không thể kéo dài tình trạng đơn phương này nữa. Yêu thầm nhớ trộm không phải là điều tôi mong mỏi và Kim, như một trái chín mùi, có thể bị kẻ khác cuỗm mất bất cứ lúc nào. Cho nên, một hôm tàn Hạ, tôi đến tìm Hồng, cháu gái tôi. Hồng quen Kim sau này, khi tôi đưa Hồng đến chơi với Kim. Con gái dễ thân nhau. Tôi “phịa” ra chuyện tôi sắp lấy vợ nhờ Hồng thêm thắt chi tiết sao cho hợp lý, rồi kể lại với Kim. Sau đó, tôi hồi hộp chờ phản ứng của “cháu gái”. Thì phản ứng ấy đến trong một lá thư.
Sài gòn, tháng tám, sáu sáu.
Thiên hạ sắp lấy vợ nên khoe khoang ghê quá. Có cần Kim báo tin mừng đó của chú cho tụi Lan, Vĩnh biết không? Nhớ cho tụi Kim biết sớm hơn để còn phải để dành tiền mua quà mừng chú nữa chứ, chú thích gì? Điều kiện phải vừa với túi tiền của ba đứa chung lại thôi đấy nhé. Học sinh…nghèo mà
Dạo này chú còn dám đọc thư Kim không? Hay lại sợ “cô nhỏ” nào đó giận, nghỉ không thèm chơi với chú nữa, chắc chú sẽ oán Kim lắm nhỉ? Chẳng cần đâu.
Chú không phải đi Nha Trang nữa hở? À, ở nhà cưới vợ mà. Kim điên quá. Những câu hỏi của chú hôm nào, giờ có cần nghe Kim trả lời không? Thôi vậy nhé. Bao giờ chú thật cần nghe Kim sẽ trả lời cho chú sau. Còn bây giờ thì…Kim đoán chú không thích nghe mấy.
Không thèm chúc vui cho chú đâu, vì hiện tại chú đang vui như Tết rồi còn gì nữa?
KIM
“Những câu hỏi của chú hôm nào”. Tôi nhớ lại, những câu tôi đã hỏi Kim trong một buổi hai đứa đi chơi với nhau, cũng là một lần dò ý và tôi hỏi tự nhiên trong tư cách ông chú hỏi cô cháu nhỏ: “ Kim đã nghĩ tới chuyện lập gia đình chưa?”, “Kim có ưng lấy chồng lính hay không?”, và “Kim nghĩ gì về lính, nhất là…lính biển?”. Kim không trả lời chỉ cười và nói:
- Một ngày nào đó Kim sẽ trả lời chú, bây giờ thì còn sớm chú ạ.
Cái ngày đó, với Kim qua lá thư này, không đến nữa. Tôi mỉm cười thích thú. Tôi biết rõ tình cảm của Kim rồi. Nhưng sau đó Kim cũng biết cái vụ tôi lấy vợ chỉ là tin cuội. Hồng phản phé, “tố” cho Kim nghe và cả hai cô nhỏ xúm lại bắt tôi chuộc tội bằng một chầu ciné và kem Hà Nội. Tuy vậy, mặc dù có Hồng ủng hộ tinh thần - tôi vẫn chưa đủ can đảm tỏ cho Kim biết là: Anh đã yêu rồi, Em biết không?
Tình yêu đến cùng lúc với suy tư về thân phận và trách nhiệm. Sự chênh lệch giữa thực tế và mơ mộng thường làm cho tôi buồn day dứt. Đôi lúc tôi hờn giận vu vơ, không muốn đến nhà Kim và chỉ viết vài hàng nhờ Hồng chuyển, nói dối là tàu đi công tác.
Những liên lạc của chúng tôi chỉ qua thư tín, và chỉ những trang giấy ấy mới ghi nhận được nhiều điều đáng nhớ. Trong những thời gian buồn bã đó lại một cánh thư của Kim đến với tôi và lá thư này đã đóng một vai trò quan trọng: đọc xong, tôi quyết định phải tìm Kim thổ lộ lòng mình.
Tháng mười, sáu sáu
Chú,
Tối ở nhà chán quá. Ngồi nghe các ông bạn của anh Thành triết lý về tình yêu, về con gái phát nhức cả đầu, điếc cả tai. Kim bỏ đến nhà con Lan chơi. Đang tránh nghe triết lý của ông anh thì gặp ngay giọng triết lý “ông cụ non” của hai ông tướng em trai và em họ Lan. Chán ơi là chán! Gớm, hình như các ông tướng này bị “bồ” đá hay sao mà tả oán dữ quá. Triết lý về những mode của con gái bây giờ. Kim, Lan cãi như máy mà cũng không làm sao hơn nổi cái giọng “hàm hồ” của hai ông tướng ấy. Nhất là ông tướng Duy. Con trai gì mà ăn nói “tham lam” quá trời. Cứ thao thao bất tuyệt không làm sao mà stop nổi nữa…còn hơn ba ông Hải Quân hôm nào. Kim, Lan tức quá lấy vélo của nó phóng đi, không thèm nghe mà cũng không thèm…trả tiền bò viên cùng chè khoai mà trước khi ăn bốn đứa đã giao hẹn “trả tiền kiểu Mỹ”. Chú có biết “trả tiền kiểu Mỹ” là gì không? Bò viên và chè khoai ở cửa nhà Lan ngon lắm chú ơi. Đặc biệt nhất là món chè khoai “Bắc Kỳ” ngon “ba chê” luôn. Bao giờ Hồng và các em đi ăn quà chú bảo đến rủ Kim. Kim sẽ dắt đến nhà Lan ăn bằng thích. Món ăn bình dân, ngon mà lại…rẻ nữa. Đừng thèm ăn quà ở chợ, dở lắm. Kim “quảng cáo” món chè khoai ở nhà Lan sốt sắng như vậy, chắc bà hàng chè biết được bà ấy sẽ…thích Kim lắm chú nhỉ? Chị em Hồng hợp với Kim lắm đấy. Hợp về “tài” ăn quà vặt. Thế, cô Thu của chú có hay ăn quà như tụi Kim không hở chú?
Chú thấy không, tụi Kim lúc nào cũng vui vậy đó. Không thèm buồn. Còn chú, lúc nào cũng nghe chú than buồn mà Kim thì chả nhận thấy “có điều gì” cho chú buồn cả. Thứ bẩy, chủ nhật đi chơi, đi bát phố. Thích thế còn gì nữa. Như tối thứ bẩy vừa rồi chẳng hạn (chết chú chưa vậy mà chú dám bảo là chú đi công tác Vĩnh Long nhé, chú nói dối như cuội ý. Ghét chú, ghét chú ghê đi).
“ Nếu Tết này chú rảnh và không bị công tác (cho cô Thu của chú) - chú phải nói như thế chứ không được nói là “nếu chú được ở Sài gòn, không bị đi công tác xa xôi - vì lúc nào chú chả ở Sài gòn - chú nói “xạo” với Kim là chú đi xa đấy nhé! Kim biết thừa là chú chả đi đâu hết” Chú đến với Kim nhé. (Chú vẫn sống ở Sài gòn, vẫn được - đi chơi chiều thứ bẩy, chủ nhật, chú ba xạo, Kim chả thèm tin chú nữa đâu.).
Tối nay là chủ nhật, đang viết cho chú thì Lan đến. Con nhỏ kéo cả một tá em theo sau đến rủ Kim đi xem tập duyệt binh ở bến tàu: không đi không được với nó, thế là đành phải xếp “bút nghiên” lại một bên.
…Mười giờ Kim về và leo lên gác, viết tiếp cho chú đó. Tuần này Kim thi đệ nhất lục cá nguyệt nên bận lắm. Còn vài môn nữa là xong. Làm bài chả được Kim buồn quá. Nhất là Anh Văn, Hình Học. Kim, Lan hai đứa đều dốt kinh khủng. Có lẽ Kim sẽ đi học thêm Toán Lý Hóa. Chú thấy tụi Kim khổ như thế đó mà chả thèm buồn nhiều. Buồn ít thôi, để còn cười nữa chứ. Ai như chú. Lúc nào cũng buồn. Buồn làm gì chứ? Chắc chú sẽ bảo “Kim không bao giờ hiểu cái buồn của chú”. Thế nhưng Kim lại bảo rằng, Kim hiểu chú và hiểu rõ lý do buồn của chú đó. Nhưng vì Kim nhận thấy cái “lý do” buồn của chú không đáng buồn chút nào cả. Thế mà chú lại cứ than buồn.
Hình như 11 giờ hơn rồi thì phải. Mọi hôm Kim vẫn thức đến 12 giờ để tụng bài. Nhưng hôm nay - ngày lễ - Kim đã tự cho phép mình nghỉ để viết thư cho chú - viết cho mình chú thôi đó. Chúc chú vui hoài, đừng buồn. Nếu có buồn thì buồn chút chút thôi rồi lại vui như Tết - vui nhất thế giới như tụi Kim đó.
Thương mến,
KIM
Chúng tôi đi bên nhau, một chiều chủ nhật tàn năm. Sau khi buổi lễ của đoàn Nữ Hướng Đạo chấm dứt, tôi và Kim về trước, Hồng phải ở lại trông coi các đội sinh dọn dẹp. Đường Chu Mạnh Trinh càng lúc càng lên dốc, như những con đường Đà Lạt. Hàng cây cao chiều đó đổ lá nhiều, xào xạt dưới bước chân hai đứa.
Tôi nói nhiều, thật nhiều những điều tôi đang nghĩ. Nhưng tôi chẳng nhớ mình nói gì. Có lẽ là tôi tỏ tình, nhưng hằn là những câu nói bối rối thiếu đầu thiếu đuôi, không trọn nghĩa. Cho đến khi ngừng nói tôi mới chợt thấy mình đã độc thoại khá lâu, và người con gái vẫn im lặng. Tôi đứng lại, nhìn vào mắt Kim rồi đặt tay trên vai Kim. Kim chưa trả lời những điều tôi nói, nhưng Kim không phản đối bàn tay trên vai. Tôi hiểu, mình đã toại nguyện rồi đó. Tôi không nhắc lại những lời đã nói, chỉ khi chia tay tôi bảo:
¾ Chú (tôi vẫn chưa đủ can đảm xưng anh) mong sẽ nhận được thư Kim. Gửi bảo đảm, để chú sẽ là người duy nhất nhận được thư đó nhé Kim.
Và cánh thư ấy đã đến, đề tháng Giêng. Lời lẽ trong thư khiến tôi thấy lòng tưng bừng mở hội, hân hoan tươi thắm như tháng Giêng cỏ non xanh lá.
Tháng Giêng, sáu bẩy
Chú
Khó quá, chưa lần nào viết cho chú mà Kim lại cảm thấy phân vân như lần này. Chú nói đúng đấy, chú đã làm xao động Kim thật sự, để, Kim bắt đầu “biết” suy nghĩ và bắt đầu buồn từ lúc này.
Có lẽ Kim đã hiểu chú muốn nói gì với Kim - nghĩ gì về Kim lâu rồi nhưng Kim không muốn tìm hiểu vội. Kim lại thích im lặng để giữ nguyên tình trạng này thích hơn. Kim sợ buồn, sợ suy nghĩ và Kim vẫn còn tiếc tuổi thơ của Kim.
Nhưng Kim đã đoán trước được tất cả những gì sẽ xảy đến - và, bây giờ thì sự thật đúng như điều dự đoán. Chú đã chán đóng vai một ông chú…hờ. Kim cũng nghĩ như thế. Nếu bây giờ Kim còn thích làm cháu gái của Hoàng Kim Tuấn mãi mãi thì rất có thể Kim sẽ mất chú, hoặc là, chú sẽ mất Kim. Bởi vì Kim còn nhỏ, còn ham chơi và dễ bị lôi cuốn trong đám bạn bè, hay bị lay chuyển vì những lời “tán” ngọt như kẹo của những “ông tướng” Kim quen.
Vì vậy Kim phải tuyên bố ngay bây giờ là: Kim rất vui mà đón nhận tất cả những “cảm tình đặc biệt” của chú đã dành cho Kim với điều kiện: - chú phải là của Kim cứ không được tham lam như chú Đệ đâu nhé. Con gái bây giờ thường hay ích kỷ thế đó. Ngược lại, con trai bây giờ thì tham lam không can nổi. Kim không muốn chú lại là một trong những người con trai tham lam đó. Chú phải hứa với Kim. Ngoài ra Kim không đòi hỏi chú phải có những điều kiện nào khác nữa. Kim mong chú…
KIM
Thế là chúng tôi yêu nhau, sau hơn một năm trời gần gũi. Tôi mơ mộng, tình yêu bắt đầu vào tháng Giêng hẳn phải đẹp và bền vững mãi. Thoạt đầu chúng tôi cũng ngượng nghịu, nhưng sau tôi “lấy can đảm” từ giã tiếng chú để xưng anh. Mãi một hôm, cũng tháng Giêng, Kim “tập” gọi tôi bằng anh. Tiếng anh đầu tiên không gọi bằng lời nói mà bằng nét chữ. Từ trước tới nay điểm đáng ghi nhớ của mối tình chúng tôi vẫn là nhờ những cánh thư, nét chữ.
Tháng giêng, sáu bẩy
Anh,
Hết chú cháu giờ lại anh em, ngượng ghê! Nhưng, ngượng thì cũng phải tập gọi bằng anh cho quen đi không thôi cứ chú cháu mãi thiên hạ bảo mình…khùng.
Thứ bẩy tuần này Kim dọn nhà. Từ nay cho đến khi có… lệnh mới, anh không được “bắt tội” Hồng đến rủ em đi “lang bang” nữa đấy nhé.
Dọn nhà xong anh đến nhà nói chuyện, đi ngoài đường anh hay...”kỳ cục” quá à. Anh tưởng ba mẹ em, chị Ánh không biết chuyện tụi mình hở? Ông bà cụ biết từ lâu rồi, tại anh đó. Lần nào Kim đi chơi mà bà cụ chả biết thừa là anh rủ đi nên, anh “kỳ cục” vừa vừa chứ. Coi chừng em mách mẹ anh bị đòn đấy.
Buổi sáng đi chơi về không bị mắng, may ghê. Buổi chiều, bị phạt ở nhà nấu cơm một mình, Kim buồn quá xá.
Chiều chủ nhật tuần sau dọn nhà mới gọn gàng xong, anh đến nhà. Kim nhờ Linh vẽ “đường đi lối về” cho anh dễ tìm. Anh mà tìm không ra, em bắt đền cho mà xem. Và em còn xúi tụi nhóc chế anh “cù lần” nhất thế giới.
Thương
KIM
Những ngày cuối cùng của chuyến hải hành là tàu ghé lại Phú Quốc 10 ngày để phát quà dân vận và chở hàng về cho Hải Tiếp Vụ. Tôi đang nằm đọc một tập truyện thì Châu - Trâu Điên - bước vào cười bí mật:
- Xuỳ ba bò ra đây, cưng.
Biết có mè nheo cũng vô ích, tôi đưa tiền cho nó để lấy lá thư của Kim đang bị “cầm tù” trong túi nó và giao hẹn:
- Mày nợ ông hai ngàn tám rồi nhé. Cuối tháng này không trả…bố ghè gẫy răng cho mà coi.
Trâu Điên cười hì hì, biến lên thang. Tôi nằm dài ra giường, nâng niu lá thư êm ái màu hạnh phúc.
Chiều mai tàu nhổ neo trở về Sài Gòn. Nhất định tôi sẽ được sống bên Kim những phút giây tuyệt diệu. Hàng chữ quen thuộc của Kim trải ra trước mắt, đẹp như buổi chiều thứ bẩy sắp đến.
Tháng ba, sáu bẩy
“Chú” yêu!
Bây giờ vào khoảng 12 giờ đêm. Kim ngồi học một mình trong góc phòng. Buồn và sợ ma kinh khủng. Bài thi tụng hoài chả thuộc, mắt thì cứ rũ xuống. Kim buồn ngủ ghê đi ấy.
Không biết giờ náy chú “Tuấn” của “cháu” đang làm gì nhỉ? Chắc chú đã ngủ yên hay có thể (dám lắm chứ) chú đang thao thức để nghĩ đến một cô bé nào đó. Ghê thiệt!...
Sao tự dưng em thèm được gọi anh bằng chú như ngày xưa quá (mặc dù bây giờ anh chả “xứng đáng” là chú của Kim tí nào cả) nhưng Kim cũng cứ gọi bằng chú cơ - nghe! - Tiếng “chú” nghe dễ thương và thú vị lạ lùng.
Kim không thích chú buồn và nghĩ ngợi vẩn vơ nên Kim viết toàn chuyện vui, vì là thư của “cháu” viết cho “chú” mà lị. Chú của cháu sẽ không phải buồn đến “quên” ăn “quên” ngủ nữa chứ?
Úi chà, Kim chưa thuộc bài mà lại ngồi viết thư, mai đi học bị phạt thì “chít”. Kim ngừng ở đây nhé, gần một giờ đêm rồi còn gì.
Và để chúc vui cho chú…”tối nay em nhớ anh thật nhiều - thật nhiều!”
Thương yêu
KIM
Sài Gòn 1967