Tiếng chuông reo ngoài cổng, tôi biết dì Hạnh về. Ngọn đèn ngoài cổng đã bật, tôi ra bao lơn nhìn xuống và thấy bóng của dì Hạnh loáng thoáng qua màu lá xanh. Một khoảng vườn chìm trong bóng tối. Tôi chạy xuống nhà. Cái lối đi bỗng dễ thương như chờ đón những bước chân người đi xa về. Tôi mở cổng. Dì Hạnh bước vào với một nụ cười. Dì dúi vào tay tôi một gói giấy nói: - Kem dừa đó, món mà Đông thích. - Qùa cho kẻ giữ nhà đấy phải không? Dì tiếp tục cười: - Đúng, nhưng không phải dì mua cho Đông đâu. Thục nó mua đấy. - Cha!! cô bé tử tế dữ. Tôi kêu lên đầy ngạc nhiên. Dì Hạnh tròn mắt: - Sao gọi người ta là cô bé? - Lý do rất dễ hiểu, Thục nhỏ hơn Đông. - Nhưng Thục là bạn dì, Đông phải lịch sự. - Dì khác, bạn dì khác. Nếu mình không bà con họ hàng, Đông cũng không ngần ngại gì mà chẳng gọi dì bằng hai tiếng "cô bé". Bởi hai tiếng ấy rất dễ thương như một đóa hoa nở trong vườn nhà mình vào buổi chiều tối. Dì Hạnh thoáng nét bối rối và ngó quanh quất khu vườn. Tôi cười: - Dì có nghe mùi hương của hoa trong vườn mới nở không? - Có. - Khi hoa nở là lúc đời sống có mùi hương đấy. - Gớm, sao hôm nay Đông văn chương thế. Thục nó bảo Đông giống như một thi sĩ, tha hồ mà lên mặt nhé! - Mỗi người con trai lớn lên đều là một thi sĩ. - Tôi đáp tỉnh rụi. - Khi cậu ta biết nghe mùi hương hoa trong vườn và biết nhìn một tà áo dài con gái, đúng không? - Dì Hạnh hôm nay cũng là một thi sĩ, nói chuyện văn học quá trời. Tôi và dì cùng cười. Hình như có một ánh trăng vừa nhô lên trong bầu trời chưa tối hẳn. Hàng nhạc ngựa vẫn reo bên ngoài, con đường chạy qua nhà luôn luôn có tiếng hát. Một chút nữa, khu vườn nhỏ sẽ nhuộm vàng ánh trăng. Cây cỏ, hoa lá là trăng, những bức tường xám xanh, rêu mốc, cũng là trăng. Chút nữa tôi về, dì Hạnh sẽ ra mở cổng, cũng với một dáng người nhuộm vàng, thơm ngát ánh trăng lên. Có phải như thế không? - Ăn kem của người ta cho đi Đông. - Dì Hạnh cười nói. Tôi ngồi xuống bậc thềm, mở túi nilon lấy kem ra ăn. Tôi mời dì Hạnh: - Dì ăn nữa chứ? - Không, lạnh tê cả răng rồi. - Thục có nói gì Đông không? - Nhiều lắm, nó bảo hôm nay Đông có vẻ người lớn. - Đông lúc nào mà chả người lớn. Dì Hạnh cười khúc khích: - Ngày trước Thục bảo trông Đông như một cậu bé con, chắc cậu phải đi học, có học, mới nên khôn. - Thục làm tàng quá. - Hai người bắt đầu "kình" nhau rồi - Dì Hạnh trêu. - Chả đáng gì, Thục như một cô bé. Chắc cô bé phải học thêm nữa, vì đi học thêm nữa mới khôn. Câu nói của tôi có vẻ gay gắt, cay đắng và… đau thấu tim thấu óc, làm dì Hạnh cười hoài. Và dì ngước lên trời, thốt ra tiếng reo vui vẻ: - Ồ, đêm nay có trăng? - Một đêm rằm, trăng đẹp tuyệt vời. Trăng hồn nhiên sáng và hồn nhiên cho ta mộng tưởng. - Bây giờ Đông là một văn sĩ. Tôi ăn hết kem, ném mấy chiếc hộp giấy lăn trên sỏi. Dì Hạnh cười: - Hình như tối nay Đông có hẹn? Tôi hơi ngượng: - Cũng không phải là một cái hẹn. - Nhưng chắc chắn phải đến, vì khi mình sai hẹn mình sẽ xót xa lắm. - Dì chỉ đoán thế thôi chứ làm gì đến nổi. - Nhìn vào mắt Đông thì thấy ngay, không giấu được đâu. - Dì làm thầy tướng? - Không, nhưng biết đâu rồi người ta sẽ nhờ dì làm bà mai. Ối dào, nghe to ơi là to. Tôi đỏ mặt đứng lên. Dì Hạnh vẫn trêu tôi: - Tới giờ rồi hả? - Còn lâu lắm, vả lại dì đâu có biết Đông hẹn mấy giờ? - Sao không, Đông nên nhớ người ta là bạn chân tình với nhau, nguy hiểm lắm à. - Chả ngán. - Cũng nên thử lại trái tim mình xem có lớn không. Chỉ sợ ngoài miệng nói như thế, chứ trong lòng đã run. - Hôm nay dì ăn kem dừa nhiều hay sao mà miệng trơn quá vậy? Dì Hạnh bỗng gục mặt xuống. Tôi biết dì bị chạm tự ái. Tôi biết dì không thích cái lối nói đùa độc ác của tôi như thế, nhưng tôi cứ nói, thích thú để nói, và để nhìn dì giận dữ. Cho nên tôi cười, tỉnh bơ. - Đông đi nhé, chút nhớ mở cửa giùm. Dì Hạnh im lặng dí dí những bước chân của mình. Khi tôi dắt chiếc xe đạp ra trên lối sỏi, dì cũng không nhìn lên. Dì nhìn ở đâu đó trên những đỉnh cây, hay ở một khoảng trời đang vàng ánh trăng. Và dì cũng có vẻ như lắng nghe tiếng reo của hàng cây nhạc ngựa ngoài đường. Tôi cười cười leo lên xe đạp thẳng ra cổng. Tôi co chân đá cánh cổng văng ra một bên, vọt thẳng. Tôi biết dì Hạnh đang ức tôi lắm và có lẽ một chút dì sẽ ngồi khóc một mình. Tôi tới nhà Thục lúc đứa em nhỏ của Thục đang đứng nhai kẹo ngoài cổng. Một đứa bé gái khoảng mười hai tuổi, có hàm răng thật đẹp, tóc ngắn chấm vai, vừa nhai kẹo vừa nhìn tôi tắp xe vào cổng rào. Tôi ngồi trên xe, vịn song rào hỏi: - Có chị Thục ở nhà không bé? Cô bé hơi nhướng mắt, nhưng vẫn không ngừng nhai, đáp: - Có, ở trỏng. - Vào bảo với chị Thục có tôi tới tìm. - "Tôi" là ai? Tôi cười: - Tôi là Đông, nói thế, Thục biết liền. - Nếu không biết thì sao? - Cô bé cứ việc tả hình dáng của tôi cho Thục biết. Cô bé có vẻ thích thú khi nghe tôi nói như vậy. Cái miệng đã có vẻ ngừng nhai để tham gia vào câu chuyện một cách hăng hái hơn. - Tả ông à, khó thấy mồ. - Cứ tả như lần nào cô bé làm luận văn tả người vậy... nhưng mà lần này, ngừng nhai thì mới tả được, nhai hoài biến thành con thỏ không sợ sao? Cô bé ngượng, bỏ chạy vào nhà. Tôi vẫn ngồi trên xe đạp vịn cổng rào chờ Thục ra. Hàng rào nhà Thục trồng toàn một loại cây gỗ tôi không biết tên, lá xanh mượt. Tôi nghe thoảng một mùi hương quen thuộc nồng nàn của một thứ hoa dại nép dưới chân rào. Cổng nhà Thục không thắp đèn. Tôi yên tâm không sợ ngượng ngập và yên lặng lắng nghe lũ vạt sành kêu rúc trong chân rào. Một lúc Thục đi ra với mái tóc búi cao bằng một chiếc khăn có hoa trắng lấm tấm. Thấy tôi, Thục mỉm cười. Tôi nói: - Chờ hơi lâu ấy nhé! - Ai bảo Đông không chịu vào nhà. - Có ai mời đâu mà vào. - Nhỏ em không nói gì cả sao? - Nhỏ nói nhiều lắm, nhưng chuyện ấy thì quên. Thục cười to hơn. Tôi xuống xe và bước vào sân. Thục đứng dưới những chùm lá xanh khuất dưới bóng đèn từ nhà hắt ra. Tôi đứng cạnh, nhưng dưới mấy bậc thềm. - Đông vào nhà chơi. - Nếu được ở ngoài này thì thích hơn. - Ngoài này không có chỗ nào cho Đông ngồi cả. - Mấy bậc thềm này cũng là một chỗ ngồi tốt chứ, có sao đâu. - Sợ khách về, rồi khách rủa cả năm vì cho khách ngồi ngoài sân. Tôi cười: - Khách này dễ tánh và hiền khộ Chắc chắn không bao giờ dám như thế đâu. - Nhưng dù sao cũng nên vào nhà. Có ông già ở trỏng, ngồi ngoài này ông ấy "gõ" chết. - Thục sợ à? - Sợ chứ, cây roi của ông lúc nào cũng sẳn sàng trên đầu tủ. Tôi cười, bước vào nhà theo Thục. Lúc ngồi xuống ghế tôi hỏi: - Nhỏ em tên gì? - Hiền. - Chả có vẻ gì là Hiền cả. Thục cười. Những ngón tay Thục vân vê mép bàn. Phòng khách nhà Thục khá rộng. Trên cái máy may để ở một góc phòng có bình hoa cắm đầy hoa bất tử. Tôi biết loại hoa này rất hiếm ở đây, không biết Thục tìm đâu ra. Những cành hoa đã khô, nhưng bông thì vẫn còn tươi. Tôi thích những cánh hoa màu tím. Nó làm nổi bật những tấm voan cửa và làm tươi tắn thêm một chút cái màu áo xanh da trời của Thục. Bây giờ tôi mới biết Thục có một chiếc áo mặc ở nhà rất đẹp, và đúng là màu tôi thích. Thục búi tóc cao, trông gương mặt khác lạ, tròn, bầu bĩnh như gương mặt người thiếu nữ Nhật. - Xong chưa Đông? - Cái gì xong? - Tôi ngạc nhiên. - Chuyện nhờ Đông đó. Tôi làm bộ kêu à lên một tiếng đầy vẻ ngạc nhiên lẫn vui mừng. Đông ơi mi phải đóng kịch cho khéo, cho tài. Không thì lộ tẩy, mi chỉ có nước về quê mò ốc mà ăn. Tôi nói: - Xong rồi, phá cho cuốn phim nó hư, trắng bóc, không rửa ra được một cái hình nào. Một thoáng vui mừng hiện ra trong đôi mắt chớp nhanh của Thục. Nhưng Thục hỏi: - Phim hư đâu? Câu hỏi làm tôi rợn người. Nhưng tôi bình tĩnh được ngay. - Phim hư thì quăng đi, giữ làm gì. Tôi thấy ngay câu nói của mình không được ổn. Tôi vội nói thêm cho chắc ăn: - Tôi quăng đại trong góc nhà, chắc hắn không tìm được. - Nếu người bạn của Đông tìm được sao? - Dĩ nhiên không có hình cho hắn rữa. Tự nhiên tôi thấy câu chuyện có vẻ ngớ ngẩn, buồn cười. Tôi lờ mờ đoán biết Thục cũng hiểu đó chỉ là một cái cớ để có một buổi tối hôm nay ngồi nói chuyện riêng với Thục mà không có dì Hạnh ngồi bên cạnh. Tôi đưa mắt nhìn quanh, một tiếng động nhỏ cũng làm tôi e ngại. Tôi đang thắc mắc về một người đàn ông trong nhà này, thắc mắc về ba của Thục. Ông là một người đàn ông tóc muối tiêu, gương mặt dữ dằn hay hiền hòa vui vẻ. Nhưng ngồi một lúc lâu tôi vẫn không thấy có ai ngang qua phòng khách. Hiền cũng biến đâu mất, nhưng tôi hình dung được cái miệng nhai kẹo của cô bé. Tôi hỏi một câu thật vô duyên: - Thục có thích nhai kẹo không? - Thích. - Không sợ sâu răng à? - Không. - Thục gan nhỉ? Hiền bỗng bưng lên cho tôi một ly nước lọc có những vụn đá nhỏ. Tôi nói cám ơn và nhìn Hiền cười. Hiền chạy vụt đi, cái vẻ bướng bỉnh biến mất. Tôi nghĩ đến những viên kẹo ngọt trong chiếc miệng xinh xắn của Hiền. - Hiền nó khôn hơn Thục nhiều. - Thục mà khờ thì thiên hạ Ở thế gian này chết hết. - Thật đấy, Thục hiền khô. - Cứ nói như dì Hạnh. Hai người mà hiền tôi không hiểu nổi. - Hạnh ở nhà? - Ở nhà và đang khóc. Thục ngạc nhiên: - Sao lại khóc? - Đã bảo, tôi không hiểu nổi. - Sống chung trong một căn nhà chắc Đông hay ăn hiếp Hạnh lắm nhỉ? - Trời đất, ai bảo Thục thế? - Thục nghĩ thế. Con trai bao giờ cũng ưng làm tàng một chút. - Một chút thôi thì có sao đâu. - Nhưng con gái thì vẫn hay tủi thân. - Con gái sinh ra là để khóc. Trời còn thừa nước mắt sau những cơn mưa của trần gian nên cho hết vào mắt con gái. - Đông nói chuyện hay ghê.