Chương 18

Mỗi lần Thục nói như thế nghĩa là nàng không cãi lại tôi nữa, nàng chịu thuạ Nhưng tôi chỉ có thể nắm bàn tay Thục, nghe trái tim mình đập loạn như muốn vỡ tung cả lồng ngực. Yêu Thục quá đỗi, tôi chỉ hôn lên mái tóc, hít lấy mùi hương bồ kết sau một ngày Thục gội đầu và nhìn Thục đỏ mặt mắc cỡ ngượng ngùng giấu đi. Tôi không dám ôm lấy Thục, dù chúng tôi ngồi gần nhau dù bờ vai Thục tròn, dáng ngồi nghiêng hẳn như sắp rơi vào vòng tay tôi. Cả hai đứa đều hiểu rằng tình yêu đã chín. Và lắng nghe mùa cây trái đang ướp ngọt trong hồn mình. Tôi không quên Thục còn đi học và chắc Thục không quên tôi vừa xong kỳ thi.
Tôi bỗng thở hắt, nói bên tai Thục:
- Những ngày thi nhớ Thục quá.
- Ai bắt nhớ.
- Đôi mắt Thục, nụ cười của Thục và mùi hương trên mái tóc.
Thục cười, đôi mắt chớp nhanh trong cái cúi đầu ngượng ngùng. Tôi nắm lấy cả hai bàn tay Thục ấp trong hai bàn tay mình bóp chặt khiến Thục nhăn mặt đau đớn. Tôi nói nhanh:
- Anh yêu em.
Thục hoảng hốt rụt bàn tay về, nhưng bàn tay còn lại bị tôi giữ chặt. Tôi nghe Thục thở mạnh hơn và quay mặt. Tôi bỗng can đảm choàng tay qua ôm lấy vai nàng kéo về phía tôi. Thục run rẩy chống cự và hoảng hốt nói:
- Đừng Đông ơi, Thục sợ lắm.
- Anh yêu em.
Thục gật đầu:
- Em biết, nhưng em sợ lắm. Em còn đi học.
- Nhắm mắt lại anh cho cái này.
Thục nhắm nghiền mắt lại, run rẩy trong vòng tay tôi. Gương mặt Thục bừng sáng rực rỡ. Tôi nâng cằm Thục lên khi Thục cúi mặt. Thục lắc đầu quầy quậy nhưng tôi đã đặt nhanh lên bờ môi Thục một chiếc hôn. Khi buông Thục ra tôi thấy Thục khóc, những giọt nước mắt lăn dài xuống má Thục. Tôi lịm cả người. Tôi lau nước mắt cho Thục trong khi Thục vẫn nấc lên từng tiếng ngắn. Cả hai đều im lặng. Tôi vụng về không dỗ dành được Thục. Nàng không nói với tôi lời nào. Cho tới khi tiếng chuông gọi cổng reo lên. Tôi biết dì Hạnh về và chạy ra mở cửa.
Dì Hạnh xách một giỏ nặng đầy thức ăn, dì cười hỏi:
- Thục tới chưa?
Tôi gật đầu, ngượng ngùng đi bên cạnh dì. Hình như tôi lo ngại dì Hạnh sẽ biết tôi vừa hôn Thục. Tôi cố nói nhanh:
- Dì mua thức ăn nhiều quá.
- Hôm nay thức ăn rẻ, và phải cho Đông ăn bù những hôm vội vàng trong kỳ thi chứ.
- Còn dì thì sao, dì có vẻ gầy.
- Con gái gầy tốt hơn, dì cũng sợ mập vậy chứ bộ.
Thục hiện ra ở cửa, những giọt nước mắt biến mất. Nhưng tôi ngó thấy được vẻ không tự nhiên trên gương mặt Thục. Tôi lo dì Hạnh biết cử chỉ khác lạ nơi người bạn thân của mình. Nhưng dì Hạnh vẫn hồn nhiên như không để ý gì. Hai người nói chuyện và cười đùa với nhau. Tôi đứng bên ngoài thềm nhìn những cánh hoa còn sót lại sau cơn bão và mới nở trong vườn. Tôi bàng hoàng như vừa uống xong một cốc rượu mạnh. Thục bỗng bước ra đứng phía sau lưng tôi. Đợi tôi quay lại Thục dúi vào tay tôi một quyển tập rồi bước nhanh vào nhà. Tôi ngạc nhiên thấy một bức thự Tôi sung sướng ngồi ngay xuống bậc thềm. Những trang giấy vở đầy chữ của Thục, những dòng chữ xinh xắn reo múa trước mắt tôi. Giấy thơm và chữ cũng thơm. Thục trả lời thư tôi bằng những ý nghĩ e dè nhưng tôi hiểu rằng Thục đã yêu tôi.
Thục làm tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng. Bức thư Thục viết ngay sau khi nhận được thư tôi, nghĩa là trước những ngày thi của tôi nữa, thế mà Thục không chịu đưa, tôi hiểu Thục muôn những ngày thi của tôi qua đi, sợ làm tôi xúc động và bận rộn. Thục tuyệt vời quá, Thục ạ. Tôi đọc bức thư hai ba lần mà không thấy chán, tôi muốn thuộc luôn từng chữ, từng câu Thục viết, và sung sướng lịm người nhìn thấy làn cây xanh biếc vươn cao trong một bầu trời rự rỡ ánh nắng. Tôi mang thư Thục về phòng. Thục đứng một mình trên bao lơn từ bao giờ. Thục nhìn tôi cười. Tôi nói:
- Thục xấu nhỉ?
Thục lại cười lớn. Tôi vào phòng ngồi nhìn Thục với tà áo tím bay trong gió sớm. Gió hình như cũng mang hương hoa ngoài đường vào, hương cỏ mật dưới vườn lên. Thục vào phòng cầm cây đàn tới đưa cho tôi. Thục nói:
- Hát cho em nghe một bài.
- Anh không biết hát.
- Lại xạo, Hạnh bảo anh hát hay lắm.
- Anh chỉ muốn nhìn em thôi. Thục ra đứng ngoài kia như lúc nãy cho anh nhìn.
Thục ngượng ngùng:
- Đừng có khôn, nhưng em xấu lắm nhìn một hồi rồi sẽ tìm ra những điểm xấu của em.
- Không có gì xấu khi hai người yêu thương nhau.
- Nhưng anh sẽ xấu nếu không hát cho em nghe.
Tôi cười:
- Chìu em, nhưng em nghe bài gì?
- Bài nào anh thích nhất.
- Lại ngồi đằng kia anh mới hát, có em trước mặt, anh không bao giờ hát được.
Thục mỉm cười đi vòng ra phía sau lưng tôi. Nàng ngồi xuống mép giường. Tôi dạo nhạc và hát bài, “Ngày đó chúng mình”.
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời và mang theo ánh trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...
Tôi bỗng ngừng lại hỏi Thục:
- Em có nghe tiếng reo của hàng nhạc ngựa ngoài kia không?
Thục mỉm cười, gật đầu. Tôi cười:
- Hàng nhạc ngựa hát hay hơn mình nhiều.
- Nhưng anh hát tiếp đi.
Tôi buông đàn, ngồi nhìn Thục:
- Không còn tiếng hát nào ý nghĩa nữa. Ngồi nhìn em thấy vui thú hơn.
- Em xấu lắm, phải không?
- Em đẹp nhất trần đời.
Câu nói có vẻ sáo rỗng nhưng tôi không tìm được câu nào ý nghĩa hơn như vậy. Thục ngượng quay mặt chỗ khác không dám nhìn tôi.
- Nhỏ Hiền nó nghi rồi đó.
- Tha hồ cho nó nghị Nó biết cũng chả sao nữa chứ đừng nói nghi, em sợ à?
- Không đâu anh, nhưng kỳ lắm. Nó bắt nạt em về chuyện này hoài. Không quen với anh, sức mấy nó bắt nạt em được.
- Hôm nào kêu nhỏ ấy tới đây.
- Chi vậy?
- Anh nói chuyện.
Thục cười khúch khích:
- Chưa chi đã lên mặt, nó chả sợ anh đâu.
- Rồi sẽ sợ anh.
- Thôi, nó mới nghi ngờ thôi chứ chưa biết rõ. Thế mà đã hăm nói lại với ông già. Em đang lấy lòng nó đây.
Thục bỗng hốt hoảng:
- Thôi, em xuống phụ làm cơm với Hạnh. À, Hạnh có nghi gì chưa anh?
- Biết rõ rồi chứ không có nghi.
- Tại anh hết, ngượng với Hạnh chết.
- Dì ấy cũng có “ bồ” rồi chứ bộ.
- Ai thế? sao chả nghe Hạnh nói.
- Dấu đấy.
Thục thích thú chạy xuống nhà. Tôi cũng không biết mình phịa như thế có đúng một phần nào không. Dì Hạnh kín đáo ghê quá khó mà biết được. Tuy nhiên tôi đoán thế nào dì Hạnh cũng có bồ rồi. Một người con gái xinh đẹp như vậy phải có một mùa để nhan sắc mãi còn tươi. Tôi đi loanh quanh trong phòng. Chợt nhớ tới cái kệ sách của mình. Còn mấy ngăn sách chưa đem phơi được. Bây giờ trở đi là những ngày thảnh thơi, tôi sẽ có dịp đọc sách. Những cuốn sách suốt một năm qua tôi chưa hề rớ tới. Tôi tới soạn lại một vài cuốn sách, bất ngờ thấy rơi ra những trang giấy vở. Tôi ngạc nhiên thấy nét chữ quen thuộc của dì Hạnh kẹp vào những trang sách đọc trong lúc nhàn rỗi rồi bỏ quên. Đó là những dòng nhật ký ghi vội không ngày tháng và không đầu không đuôi. Ở một trang tôi đọc được:
“Đông đã tới ở được ba tuần lê.
Căn nhà tự nhiên như có tiếng hát và những bông hoa ngoài vườn biết cười. Tôi cũng vừa nhận thấy mình biết mơ mộng. Kỳ lạ quá đôi mắt ấy, biết không? Hôm nay tôi cũng vừa tròn mười lăm tuổ.i Không ai biết, ngoài tôi”.
Một trang khác:
“Nói chuyện với Đông tới khuya, sợ ma quá mà cũng phải xuống nhà ngủ. Trời ơi khoảng hành lang vắng tanh và mưa lạnh buốt.
Những giọt cà phê chưa tan. Nó còn đọng đâu trong lòng.
Tôi sắp mười sáu tuổi. Lại có thêm một ngày sinh nhật không ai hay.
Buổi sáng ra vườn ngắt hoa hồng. Tôi muốn cho Đông một đóa hoa nhưng âm thầm thôi. Và tôi đã bỏ vào ngăn kéo bàn học của Đông.
Tôi vừa nghĩ tới tình yêu khi xem đến trang sách này.
Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm vào cơ thể tôi làm mạch máu tôi như tê dại hẳn.
Tôi bàng hoàng quá. Có phải tôi đã Ỵ Đông không?”
Chữ Yêu dì Hạnh đã viết tắt bằng một chữ Ỵ Tôi sững sờ cầm những trang giấy trong tay Người tôi như tê dại hẳn, mất hết phản ứng.
Thục bỗng lên đứng trước cửa phòng nói:
- Em về.
Tôi bảo:
- Chiều nay Khôi tới mời đi cine đấy.
- Chiều em sẽ ghé lại.
Tôi đưa Thục ra cổng. Nắng đã lên cao và bầu trời có nhiều mây trắng baỵ Thục về rồi, khuất bóng áo Thục ở một ngã ba đường quen thuộc. Tôi vẫn còn đứng ngơ ngác với những dòng nhật ký cũ của dì Hạnh. Tôi không biết bây giờ ý nghĩa của dòng nhật ký ấy đã đổi khác chưa. Tiếng chim hót trên đỉnh cây, những cái hoa nhạc ngựa mới nở đỏ rực. Ở một góc đường xa tôi nhìn thấy cây phượng nào đó còn sót lại những bông đỏ ối. Con đường đó chắc Thục đang đi ngang quạ Tôi thấy có một cái gì ngượng ngập giữa tôi và dì Hạnh sau khi thấy được mảnh giấy kia. Dì kín đáo quá, phải chi tôi được đọc những dòng nhật ký ấy sớm hơn.
Dì Hạnh đi ra hỏi:
- Thục về rồi à?
Tôi gật đầu. Dì nói:
- Sao Thục về, tưởng Thục ở lại chơi trưa nay chứ. Bộ hai người giận nhau à?
- Chiều Thục trở qua.
- Đông đói bụng chưa?
- Đói.
- Vào ăn đi, dì dọn xong rồi. Đông làm sao thế?
Tôi lắc đầu, cười. Dì Hạnh sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi đã đọc được những dòng nhật ký ấy. Và biết đâu dì đã quên sau khi viết trong một lúc xúc động nào đó của một thời con gái. Dì nhắc tôi:
- Chiều nay bà giúp việc lên. Có bà chắc Đông thảnh thơi hơn. Đông có quyền đi chơi cả ngày.
- Từ trước tới giờ Đông vẫn đi chơi hoài như thế.
- Nhưng bây giờ khác. Đông có nhiều thì giờ hơn. Không phải coi nhà cho dì đi chợ nữa. Dì cũng thảnh thơi trong những ngày tới. Chúng ta đã quên mùa hè rồi.
- Dì không định đi với Thục về quê ngoại của Thục sao. Ít ra mùa hè vẫn còn mấy ngày. Đông gặp Phiến lúc sáng. Phiến và Thủy cũng sắp vê quê nghỉ hè.
Dì Hạnh ngạc nhiên:
- Gặp Phiến, bây giờ Phiến ra sao?
- Buồn.
- Phiến yêu Khôi?
- Hình như vậy, còn Ẩn thì đi đâu mất hình như kỳ thi này nó bỏ.
Dì Hạnh thở nhẹ, hỏi tôi:
- Còn Đông không về quê.
- Không muốn về.
- Sao thế?
- Thấy đi đâu cũng buồn, thà ở đây với nỗi buồn của mình còn hơn. Nhưng có thể Đông sẽ về quê sau khi có kết quả.
- Đông mà buồn sao, tưởng Đông đang vui?
Bữa ăn tẻ nhạt vì người nào cũng im lặng. Tôi không biết nói gì với dì Hạnh. Và hôm nay dì Hạnh buồn như chưa bao giờ thấy dì buồn. Ăn xong tôi về phòng đốt những mảnh giấy của dì Hạnh viết. Tôi không thể để nó trong ngăn kéo. Tôi mong rằng dì Hạnh đã quên có một lần mình viết những dòng nhật ký như thế. Tôi ra đứng ngoài bao lơn nhìn ra một khoảng trơi rực nắng. Tỉnh lỵ vẫn bình lặng u buồn dưới màu xanh của cây, màu nâu của ngói và mầu đỏ của những cây phượng già nua tàn tạ gần hết mùa hè. Những ngày chờ kết quả thi là những ngày thảnh thơi nhất của học trò. Tôi lại càng thảnh thơi hơn vì không quan tâm đến nó nữa. Nhưng tình cảm tôi lúc đó đã nặng xuống, mênh mông như một con sông. Tôi nghe có tiếng sóng vỗ trong lòng mình. Tiếng sóng khuya khoắt lặng buồn. Tôi bối rối thực sự trước tình cảm của dì Hạnh. Nếu nó vẫn còn nguyên vẹn như những dòng nhật ký có lẽ tôi cũng phải bỏ trường bỏ tỉnh lỵ mà đi như Ẩn. Tôi sẽ không bao giờ nói cho Thục biết chuyện này. Và tôi mong hơn bao giờ hết, dì Hạnh sẽ đổi khác. Đồng thời tôi cũng buồn biết bao nhiêu khi nghĩ rằng từ bây giờ tôi đã mất Dì Hạnh. Hình như tôi cũng đã Ỵ dì trong tình yêu của Thục. Tôi bàng hoàng khi nghĩ ra điều đó. Tôi bỗng có ý định đi dạo một vòng tỉnh lỵ, qua những con đường phượng bay gần hết mùa hè. Tôi xuống nhà lấy xe đạp ra phố. Mùa hè ở đây buồn quá. Phượng tàn tạ bay, ve nỉ non kêu và tỉnh lỵ ngó man mác như một khúc sông dài.