Như tôi đã kể ở phần trên cuốn sách này, tôi và chị Nga, hai chị em chúng tôi xa nhau kể từ buổi sáng chị đi lấy chồng, và tôi lên đường nhập ngũ, đến tận mãi hai mươi bảy năm sau, khi cả hai đã bạc tóc mới gặp lại nhau. Quãng thời gian xa cách ấy, là quãng đời lưu lạc, cho đến khi gặp nhau cũng không phải ở quê nhà. Có biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu biến cố mà chị dồn nén trong lòng, đem ra kể với đứa em là tôi.
Thì ra cái đêm chị dời Soi Vạt để trôi theo dòng sông Công về xuôi, không phải hai mẹ con chị ngồi trên cái mảng nứa, lềnh bềnh theo dòng lũ xiết như người ta đồn thổi lên. Chị kể với tôi rằng, Soi Vạt không phải là nơi trú ngụ suốt đời chị và thằng Hận con chị, và ngay cả cái làng Sơn Cốt của chúng tôi cũng không thể dung thứ chị. Phải ra đi, chị nhất quyết đã nghĩ như vậy. Nhưng đi bằng cách nào? Và sẽ sống ra sao?
Ở đây, suốt một thời gian dài, thằng Hợi, đứa trẻ chăn trâu cho hợp tác là sợi dây nối chị với bên ngoài, là kẻ tiếp tế gạo, muối, dầu đốt... cho hai mẹ con chị. Chị thương nó, giá như nó là con chị, thì chị cũng chỉ thương nó đến thế mà thôi. Khi quyết định ra đi, chị thoáng nghĩ hay là đem nó cùng đi. Đất trời, non nước này, với những gì chị biết được từ những bài địa lý mà chị đã dạy cho lớp học trò của chị sẽ dẫn bước chị đi. Còn thằng Hợi, thằng bé mục đồng đen nhẻm, côi cút nhưng khá thông minh, sớm láu cá sẽ phải để cho nó ở lại để nó gắn bó với cái làng nhỏ bé, đìu hiu của nó. Nó còn mẹ, còn các em, còn là nơi đi về của hương hồn cha nó. Chỉ có chị là phải ra đi.
Chị nghĩ thế, và chị cũng đã toan tính làm một cái bè bằng tre, ghép lại. Chị cũng định sẽ đặt thằng Hận nằm trên đó, chị sẽ một tay chèo chống, xuống hết quãng thác này, vực nọ, cho đến khi nào ra tới dòng sông Cái.
Thế rồi mùa nước lớn đã đến, cái mùa nguy hiểm của dòng sông, nhưng lại là một mùa xuôi bè thuận tiện nhất, vì lòng sông nở ra, dềnh lên mênh mông hơn. Nhìn con nước lũ ào ạt chảy, cuốn theo cơ man nào cây củi, cành khô, quấn quýt vào những bụi tre hai bên bờ rã rợi ngọn lá, chị thấy sợ hãi. Lòng can đảm được ấp ủ suốt một mùa đông giá, khô cằn, cạn hẹp bây giờ bỗng nhiên tan biến.
Nhưng nhất quyết phải ra đi!
Chị ngồi đếm lại số tiền nhỏ nhoi mà chị đang có bằng những đồng tiền lẻ. Chị vuốt lại cho chúng thẳng thớm, sạch sẽ, gói chúng vào một miếng vải mưa cũ kỹ. Xong xuôi, chị ngồi nhìn thằng Hận đang lồm cồm bò trên manh chiếu rách, rồi chị nhìn vào hai bàn tay mình, trống trơn. Bất giác chị nghĩ đến tôi, chị kể thế. Chị nhớ đến cái đêm trăng non trên đồi Chùa Phung mà chị đã nhìn vào bàn tay tôi mà dự báo, phỏng đoán cho cuộc đời tôi.
- Ngày ấy chị đã dự báo cho em rằng em của chị sẽ có một cuộc đời phiêu lưu phong phú. Thế mà khi ngồi nhìn hai bàn tay thô tháp đã bắt đầu nhăn lại của mình, mà chị không tài nào dự báo cho mình con đường trước mặt. Em hỏi chị có tuyệt vọng không ư? Không, chị không hề tuyệt vọng, nhưng cũng không thể hy vọng được. Chị chỉ nung nấu một ý chí băng qua, vượt lên chính cuộc đời mình... Dù có ra sao cũng được, dù có đi đến đâu cũng thế!
Một hôm, như lệ thường, thằng Hợi về xóm, chị bồng thằng Hận ngồi nhìn dòng lũ, thì bỗng có một cái mảng dài, trên đó lô nhô những tay thợ sơn tràng, đang trôi xuôi, chầm chậm, thế rồi nó quay ngoắt, ghé vào Soi Vạt. Người ngồi đầu, dáng như người chỉ huy mảng vít một nhánh tre ghì sát cái mảng dài như con thuồng luồng vào bờ đất, nhóng cổ gọi lên:
- Nhà chị có còn gạo không, để cho anh em tôi một bữa?
Chị Nga hơi bị bất ngờ:
- Các bác hỏi đong gạo?
- Vâng! Nhưng mà không cần nhiều đâu. Anh em tôi vừa hết gạo ăn, cần bữa tối nay thôi, sáng mai ra đến sông Cái thì lại có chỗ mua rồi...
Chị Nga ngần ngại một chút rồi, bỗng loé lên ý nghĩ táo tợn:
- Mời các bác lên đây một chốc. Em có gạo đấy, nhưng sợ không đủ để các bác nấu bữa tối.
Người thợ rừng nhảy phắt lên bờ:
- Độ hai đấu là đủ thôi mà!
- Thế thì may ra...
Chị chui vào trong lều, đem ra cái vại nhỏ sứt mẻ, đựng lưng lưng gạo ra, xoay xoay:
- Chỗ này cũng đến hai đấu, bác cầm lấy mà nấu. Hay là... sẵn có củi lửa đây, các bác lên nghỉ tạm, cơm nước xong thì xuôi! Chứ dọc bờ nước cả thế neo vào đâu?
Nghĩ ngợi một thoáng, bác san tràng gọi vóng xuống:
- Anh em ơi! Có gạo rồi! Lên đây thổi cơm ăn xong ta đi tiếp! Đoạn bác ta quay lại. Chị có cái xoong nào nấu đủ cho năm anh em tôi ăn, thì cho mượn. Mà cánh san tràng chúng tôi ăn khoẻ lắm đấy!
Chị Nga lúng túng:
- Nhà em chỉ có hai mẹ con, không có nồi to, chán thật.
- Thế thì thôi, không sao! Bác thợ nói với xuống mảng. Thằng Tĩnh cởi cái xoong to vẫn nấu cơm đem lên đây...
Thế là trong chốc lát, “nhà” chị Nga bỗng rậm rịch khách khứa, lao xao tiếng người. Chưa bao giờ, và cũng chẳng bao giờ chị lại có thể hình dung ra cái cảnh này. Hình như cũng đoán ra hoàn cảnh éo le của chị, bác trưởng toán thợ rừng hết nhìn chị, nhìn thằng Hận rồi lại nhìn túp lều tùm hum, lè tè của chị ý chừng muốn hỏi một câu gì đó. Còn chị Nga thì lặng lẽ nhiệt thành giành lấy cái xoong từ tay người thanh niên tên Tĩnh vo gạo bắc lên bếp. Nếu bác trưởng tốp giữ ý không hỏi thì anh chàng Tĩnh xốc nổi hỏi ngay:
- Chị ở đây có một mình thôi à?
- Vâng! Có hai mẹ con tôi và thằng cháu. Nó về xóm...
- Xa làng, xa xóm thế này, ngỻ Cong Môi. Một lân dại dột thế nào đó, Phúc đã tặng cho một ông bạn khác của chúng tôi vốn là nhạc công thổi kèn của công an Hà Nội, bị thải hồi, một khẩu súng CKC đã chế tác lại theo ý Phúc, để ông bạn thổi kèn này bắn nát đến tận đùi một bên chân ông anh họ tôi là một giáo viên cấp hai, trong một vụ tranh chấp một tí đất rộng chừng một đường cày. Suýt gây ra án mạng, nhưng ông anh họ giáo viên của tôi chỉ bị tháo khớp đến háng, còn ông bạn cựu nhạc công đi tù. Phúc Trều ra sao, tôi không biết! Nhưng làng tôi cũng chưa có kẻ biết giết người!
Nếu là buổi sáng, trong ánh bình minh mờ đục, bạn sẽ gặp cụ Đồ Nham. Cụ Đồ cao to, vạm vỡ, theo đúng chân dung được mô tả "vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu", đang vác một cái cày chìa vôi, mà bắp cày rất lớn, "phi" đến mười lăm xăng-ti-mét, làm bằng tre đực, kiêm luôn đòn gánh của cụ, giong một con nghé bé tí tẹo, chắc là mới vực. Trong khi đôi mắt kèm nhèm của cụ cúi xuống để tránh những vũng nước và những bãi phân trâu, thì con nghé con cứ hếch mũi lên mà ngửi trời, có thể cô ả đang tung tăng sung sướng vì lần đầu tiên được chính thức tham gia vào việc kéo cày, đem công điểm về cho chủ là cụ Đồ Nham. Cụ Đồ là người quê gốc ở Hà Đông, bằng chứng là tôi đã được nói chuyện với anh cháu gọi cụ bằng chú từ Hà Đông lên chơi với cụ. Anh ta tên là Da. Cụ là công nhân mỏ sắt Lăng Hít, rồi sau loạn lạc cụ đến ở nhờ làng tôi, cụ thể là trên mảnh đất nhà tôi, nguyên là cái vườn hoa cảnh của chủ đồn điền Sơn Cốt, tên là Đùi Gà (có lẽ là Dugas, nói chệch ra), để rồi lấy một bà vợ khét tiếng là chửi hay nhất làng. Mùi mồ hôi dầu của cụ đồ Nham danh tiếng đến nỗi, trong bất kỳ cuộc họp xã viên trong phạm vi đội sản xuất hay đại hội toàn thể, sự có mặt của cụ được người ta biết ngay. Thậm chí cách nửa cây số, người ta vẫn biết, nếu đứng xuôi chiều gió thì điều này càng được khẳng định.
Câu chuyện cụ Đồ Nham cưới vợ tôi biết, dù lúc đó tôi mới được sáu tháng tuổi. Khi cụ Đồ đến ở nhờ nhà tôi thì đã có một người khác ở nhờ, đó là ông Dư, người cùng làng tôi, nhưng gia đình tứ tán, không còn cha mẹ, hơn nữa ông Dư lại mắc bệnh động kinh. Bố tôi bằng lòng cho ông Dư và sau đó là ông Nham ở nhờ những ngày đầu vào một cái chái, dù rằng là tôi rất nhỏ. Thường thì ông Dư hay ngủ ngoài đống rơm. Người mà cụ Đồ lấy làm vợ đã có một đời chồng, mang tên chồng cũ, chứ tên thật của bà rất ít người biết. Khi có chồng bà mang tên chồng là bà Nham. Bà này có họ với bà nội tôi, nên chúng tôi gọi bằng bá, còn chồng bà lại gọi là ông. Chính vì lẽ đó mà sau này, vợ chồng cụ Đồ Nham không ở nhờ nhà tôi nữa, ông Dư bị chết sau một cơn co giật, vào một buổi trưa mùng một tết, bà bá của chúng tôi đã đứng trước cổng chĩa vào nhà tôi chửi suốt một buổi chiều, mà mãi sau này tôi mới hiểu bà chử "cái đứa đã lợi dụng chứa chấp em tao, lấy hết của cải của nó để chôn người sống, đống người chết". Lúc đó tôi và em tôi, theo lời chỉ dẫn của cụ Đồ, đứng ra bờ rào bắt nhại tiếng chửi của bà bá thân yêu, khiến bà chửi càng mãnh liệt hơn, đến phải đưa vào nhà hô hấp.
-Đ. mẹ con cái Rựng (Rựng là tên thật của bà bá chúng tôi), thằng Dư nhà mày thì trên răng dưới dái có cái đéo gì mà người ta lấy. Ăn nhờ hết bát lành, bát mẻ, ăn cả giải giút nhà người ta còn chết đói kia kìa. Có cặc tiền bạc đấy mà lấy! Đó là những lời lầm bầm rất nhỏ, có khi nghe như lời tâm sự của cụ Đồ Nham chửi vợ.
Bác Dư, chúng tôi vẫn gọi thế cho đến khi ông chết, là người tài giỏi trong nghề rừng. Suýt nữa thì bác Dư cũng thành một người anh hùng kiểu Tinh Tinh, nhưng tâm thần bác khá hơn, chỉ bị lên cơn co giật khi cần thiết. Có khi vài ba năm, không thấy cơn bệnh phát ra. Tôi ở với bác đã từng được bác cho ăn thịt ngựa, thịt hùm... có khi ăn sống, hoặc rửa bằng nước vo gạo, xào sơ, rất ngon lành. Năm mươi năm sau, mẹ tôi còn thấy khiếp khi nhắc lại chuyện con trai bà ăn thịt hùm sống.
Nếu vào buổi chiều tà, mặt trời tụt xuống sau dãy núi Tam Đảo, nhuốm màu đỏ quạch xuống các rặng tre, thì rất có thể gặp được giáo sư Thanh! Giáo sư là con người thấp lùn, lại xương xẩu, hom hem... rất có dáng của một người ăn mày. Dáng đi của ông như bay, chân không chạm đất như những cảnh chiếu chậm trong phim quảng cáo. Đầu cúi xuống đầy vẻ suy tư, hai tay cậu ôm lấy cái gì đó dưới bụng, có khi là bơ gạo, bọc sắn luộc, vài quả đậu đũa, mà cũng có khi chẳng có gì, giáo sư vẫn giữ chặt chẽ, cẩn thận. Và giáo sư Thanh vừa đi vừa máy mồm, như đang nhẩm một công thức, một phương trình hay một luận đề phức tạp, rất nhỏ. Nhưng chính tai tôi đã nghe thấy ông chửi, chửi ông anh rể tàn bạo đẻ toàn con gái, được mỗi một mụn con trai thì lại lác mắt, ông chửi con gà lao vào chân ông, ông chửi cái thằng đã giành mất của ông cái đầu gà lở toe toét, nham nhở từ năm bốn-nhăm, ông chửi cái mô đất suýt làm cậu ngã, vấp cái ngón chân trỏ đã bị mù vào, đau quá, đâu quá... Tuy nhiên, tôi chưa thấy ông chửi tôi, hay bất kỳ một người nào trong gia đình chúng tôi, dòng họ chúng tôi.
Khác với dân làng Sơn Cốt, anh em chúng tôi gọi giáo sư Thanh là "cậu giáo", sở dĩ chúng tôi gọi bằng cậu, có lẽ vì ông ngoại tôi với bố cậu Thanh cũng là dân ngụ cư đến sau, không có ruộng, ông tôi làm thợ bạc, còn ông già giáo sư là người làm mướn, hay đến trú rét nhờ cáo bễ thợ bạc phì phò của ông. Giáo sư chỉ co một người chị gái và cậu gọi mẹ tôi là chị. Khi hoà bình, cậu cũng là xã viên, cũng lấy vợ, cũng ly dị về nhà ở nhờ nhà chị gái. Một sự không ăn ý nào đó, cậu đi lang thang trong làng, và cuối cùng, lại đến ở nhờ trong nhà tôi.
Cậu giáo là người đã từng đi ăn mày có thâm niên. Cậu đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện mà cậu đã trải qua, đã nghe được trong những năm đi ăn mày. Đàn ông thế nào, đàn bà ra sao, cán bộ, bộ đội, mụ hàng cơm, bà hàng xén, tất tần tật cái gì cậu cũng có thể kể ra vanh vách, lại có phần khúc chiết, đoan trang. Tôi vô cùng khâm phục vốn sống của cậu, thậm chí phát thèm lên vì những mảnh bánh mỏng dính nằm trong kẽ lá gói bánh, cái vị thơm nồng, béo của khúc xương đầu gối đùi gà luộc đã trải qua một đêm trong sọt rác, cái giấc ngủ mê mòng trên manh chiếu rách vỉa hè ngậy mùi nước đái...
Xin lỗi bạn đọc, tôi đã đùa! Không, không phải tôi, mà chính là dân làng Sơn Cốt chúng tôi đã đùa, khi dùng hai danh hiệu đáng kính là Cụ Đồ và Giáo Sư để gọi hai con người khốn khổ không biết chữ là ông Nham và ông Thanh! Không biết xuất phát từ đâu, từ ai đã phong hai cái danh hiệu đó? Tôi nghi ngờ bố tôi, ông có nỗi buồn, có nỗi thất vọng mà chỉ sau khi bố tôi chết, tôi lớn lên và già đi tôi mới phần nào hiểu được, nhưng lúc nào bố tôi cũng vui vẻ. Sự rộng lòng và vẻ hài hước của ông đã được mọi người, mà nếu không phải tất cả thì cũng là cụ Nham, ông Thanh, bác Dư... thừa nhận!
Nhưng gia đình chúng tôi còn cưu mang một gia đình nhỏ nữa, một thầy giáo dạy vỡ lòng thôi, không phải ông đồ hay giáo sư, và cô con gái bé bỏng của ông. Đó là thầy giáo Hoan và con gái của thầy, chị Nga.
Thầy Hoan, trong cuộc đời tôi, thầy là một người thầy theo đúng nghĩa nhất, vừa cụ thể nghĩa đen, đồng thời lại vừa trừu tượng theo cả nghĩa bóng, mặc dù thầy chỉ dạy tôi lớp vỡ lòng, cái lớp làm quen với chữ cái, chữ i, chữ tờ, tập đánh vần và những câu chuyện cổ tích huyền bí. Hồi bé, tôi là một đứa trẻ nhát học. Những ngày đầu đến trường của tôi, không biết bao nhiêu là nước mắt đã chảy, mỗi khi nghe tiếng kẻng gọi học trò. Tiếng kẻng phát ra từ một quả bom lép treo ở nhà ông cụ Khuê, ngân nga, réo rắt một hồi sáu tiếng làm tôi hoảng sợ. Sợ học. Sợ đi học cùng với những tay học trò lớn lồng ngồng, ngổ ngáo tôi dễ bị bắt nạt, mà từ đó biến thành sợ cái tiếng "keng... keng" của quả bom.
Trong kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt, tôi đồ rằng từ "kẻng" là một danh từ hoàn toàn mới, nó chỉ xuất hiện sau những loạt bom của đế quốc Pháp thả xuống cánh đồng, làng mạc, rừng núi Việt Nam. Đáng lẽ nó phải nổ tung để tàn phá cầu cống, nhà cửa, kho tàng, trường học, hầm hố và phanh thây xé xác con người thì lại bất ngờ có một vài quả lép. Cái quả lép ấy, được các chiến sĩ du kích quân Việt Minh tháo ngòi nổ, lấy thuốc ra dùng vào nhiều việc, trong đó có cả việc đánh lại người Pháp, thì cái vỏ của nó được dùng làm cái thứ để gõ, phát ra tiếng để báo hiệu, thông tin. Rất có thể cái âm "keng, keng" của nó mà có có tên là kẻng! Trước đó, người Việt Nam chúng ta chỉ có tiếng mõ "cốc cốc", tiếng trống "tùng tùng", và sau này người ta dùng nhiều vật phát ra tiếng khác nữa như vành (tang trống) bánh ô tô, thanh tà vẹt... nó chỉ phát ra những âm thanh ồm ồm, rè rè, buồn bã...
Cái kẻng treo ở cây mít trước cửa nhà ông cụ Khuê là một quả bom cỡ năm mươi cân, nó tròn và thuôn đẹp như một con lơn thoai, bóng nhẫy, mập mạp. Cùng với hình dáng của nó, âm thanh nó phát ra trở thành thân thuộc, đáng yêu đến nỗi không ai nghĩ nó vốn là một tên giết người dã man.
Thầy Hoan cũng dữ đòn như nhiều thấy giáo làng thời bấy giờ. Thầy có một cái roi làm bằng cành dâu, trắng phau dài độ hơn sải tay, lúc nào cũng giắt sẵn trên mái gianh để thị uy đám đệ tử mũi giãi của mình. Mỗi bài học vỡ lòng dạy chúng tôi bao giờ cũng ngắn ngủi, giản đơn và cuối mỗi buổi học, bao giờ cũng là một câu chuyện cổ tích vừa hấp dẫn, vừa ghê rợn, đầy tính răn dạy. Hình ảnh thầy Hoan đứng trước ô cửa đầy ánh nắng giả đò theo động tác của cậu Bé Tròn hái quả cho cha mẹ ăn một cách khó nhọc, cứ in mãi, lắng mãi vào trái tim non nớt của tôi...
Năm 1975, từ chiến trường trở về, tôi đến thăm thầy. Năm ấy tuy đã ngoài sáu mươi, nhưng thầy hãy còn quắc thước và đĩnh đạc lắm. Thầy sống một mình với câu chuyện buồn về người con gái duy nhất của thầy. Ngoài con chó già và một bẫu vườn chỉ có hai loài cây đơn mặt trời và ngải cứu, thầy không còn ai làm bầu bạn.
Tôi nhìn quanh ngôi nhà lợp lá cọ dặm thêm lá mía, vách đất mà mưa đã bào mòn trơ ra những thanh nứa cắm vách ngả màu bạc. Bờ vách ấy, đối với tôi chứa đầy kỉ niệm mà giờ đây, cả tôi, cả thầy Hoan đều im lặng dằn nó xuống một khoảng sâu thẳm trong đáy lòng. Sợi dây thép chăng từ một dảnh kèo nối với cây xoan đào từ lâu quá rồi, khiến cây xoan thắt một cái ngấn sâu vào tận thớ gỗ, vẫn còn đó. Tôi lặng đứng và hình dung nhớ lại trên sợi dây ấy phất phới bay một tà áo sơ mi thiếu nữ màu xanh trứng sáo tỏa ra cái mùi xà phòng nằng nặng khi chưa bén hơi người. Tấm áo ấy giờ chắc đã rách và thiếu nữ, người chủ của nó giờ đây đang lưu lạc nơi đâu? Tôi vịn tay lên thân cây xoan đào, muốn khóc quá! Nhưng thầy Hoan đã cầm con dao cùn, dụng cụ làm vườn của thầy đến sau lưng tôi:
-Bây giờ hết đánh nhau, hòa bình rồi, anh định làm gì? Thầy Hoan hỏi tôi một câu hỏi mà chính tôi cũng đang muốn hỏi thầy, và cũng là câu hỏi mà thấy mình hãy còn sống sót sau cuộc chiến tranh, tôi đã không nguôi tự hỏi mình.
Tôi làm gì ư? Quả thực trong lúc đánh nhau với quân thù, tôi và các đồng chí của mình chẳng bao giờ có thời gian, hay một khoảng trống tương tự trong lòng để đặt ra câu hỏi: hết chiến tranh anh sẽ làm gì? Câu hỏi chúng ta sẽ làm gì thì có, và có hẳn một câu trả lời tuyệt đẹp. Thế nhưng đối với mỗi con người, mỗi anh lính cụ thể thì lại không có câu trả lời cụ thể. Tôi nói điều này hẳn nhiên có người chê trách, tôi không cãi. Nhưng, một thế hệ như chúng tôi lúc bấy giờ dễ nhận ra lắm, nó chói sáng, nó lừng lững và cả nó công thần nữa. Nhưng từng cá nhân cụ thể và nhỏ nhoi, rất khó nhận ra. Anh lính chiến thắng thì có, nhưng còn anh A, anh Z, anh Bình, anh Lạc... thì khó tìm lắm, khó thấy lắm, họ đã chìm nghỉm vào trong rừng vinh quang.
Vậy là tôi sẽ làm gì sau khi chiến tranh chấm dứt vẫn là câu hỏi thường trực. Tôi đem đến hỏi người thầy thuở còn mũi giãi của mình, vì tôi tin thầy sẽ có câu trả lời đúng. Câu trả lời ấy thầy Hoan sẽ lấy ra từ những câu chuyện cổ tích, mà bao giờ nó cũng có hậu.
Quay về nghề cũ! Đó là những người có nghề, có cơ quan, có xí nghiệp. Quay về trường cũ! Là những sinh viên, học sinh đang học dở dang. Quay về cố hương, nơi chôn rau cắt rốn! Hãy nối nghiệp ông cha từ các đời Vua Hùng truyền lại, mà nhiều người trong số chúng tôi nghĩa là "theo đít con trâu", "một mái nhà tranh, một bà vợ - hoặc là lắm điều, hoặc là không nói gì - và một lũ con quanh năm đói khát, thò lò mũi xanh".
Tôi đi bộ đội trong khi đang học dở dang năm thứ ba trường trung cấp sư phạm. Nếu không có chiến tranh, nếu không phải vào quân đội thì tôi đã là một anh giáo làng dạy cấp hai, mà có ít ai ngờ được là dân "trí thức xã", cày ruộng, gieo mạ, phát bờ... còn tinh thông hơn cả cầm phấn viết bảng. Như vậy là, nếu muốn, tôi sẽ quay về trường cũ, học nốt nửa năm để tiếp tục sự nghiệp "trí thức nửa mùa" của mình. Nhưng..., ở đời này tôi thấy con người ta toàn gặp phải những cái "nhưng" oái oăm, oái oăm thôi, còn hay dở thì chưa biết, có nhiều cái nhưng may mắn kia mà. Nhưng, khi tôi trở về trường cũ thì không còn cái hệ "bảy công ba", là cái hệ mà tôi đã học. Trường đã thành trường cao đẳng, hệ trung cấp đã chấm dứt. Lúc này tôi mới hiểu ra rằng: thầy Hoan của tôi chưa từng qua một trường đào tạo nào, không trung cấp và cũng không sơ cấp sư phạm nào cả, những bài học của thầy dạy cho chúng tôi chỉ là một chút chữ nghĩa i tờ và tấm lòng mà thôi. Những con ma, những thằng quỷ và cả những ông Bụt, ông vua... trong câu chuyện cổ chan chứa tình người, là do thầy nhặt nhạnh trong cuộc đời, được rây lọc qua bao nỗi buồn vui, cay đắng. Người ta có thể trở nên người tài nhờ những bài toán đạo hàm, toán cao cấp và vật lý lượng tử, nhưng khó mà nên người khi thiếu đi những Bé Tròn và cả những thằng Cuội suốt đời nói dối ngồi gốc cây đa.
-Đồng chí về trường sẽ nhận công tác là cán bộ chuyên trách Đoàn trường. Thầy Ninh dạy sử tôi năm thứ ba, giờ là trưởng phòng giáo vụ nói với tôi như thế.
-Thưa thầy, em muốn được dạy học...
Dĩ nhiên là thầy Ninh và cả nhà trường khó có thể đáp ứng nguyện vọng của tôi, dù lúc ấy tôi đang là một công thần, có Huân chương trên ngực áo quân phục.
Tôi không kể cho thầy Hoan nghe câu chuyện trên, mà chỉ nói:
-Thưa thầy, cháu sẽ... về quê!
-Làm gì?
Tôi im lặng, bởi vì vừa không muốn trả lời thầy, vừa không thể trả lời được. Thầy tiếp:
-Làm ruộng thì anh có làm được không? Một thứ lao động truyền đời, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Không, tôi không nói đến cái gian khổ, gian khổ đối với anh chắc không thiếu. Tôi nói đến cái sự tù túng, quẫn bách của thói nhà nông hãnh tiến. Làng này anh thấy chứ? Giàu có như ông Sử Quốc cũng có bao giờ dám bỏ ra năm đồng để mua một đôi pin không hay là lại phải chạy vạy, chầu trực để được phân phối. Chuyện cũng nực cười, thấy tôi bỏ ra năm đồng mua đôi pin Con Thỏ của bà hàng xén, ông ấy nhìn tôi kinh ngạc: Ông giáo mà cũng phải mua ở đây à? Tôi hỏi lại: Thế mua ở đâu? Mậu dịch không bán cho tôi vì tôi không có phiếu đài cán bộ, muốn soi con gà con qué, con rắn con rết... thì phải ra đây mới có. Ông ta lặng im và rồi chỉ nửa ngày sau cả cái làng này biết tôi "dám" bỏ ra năm đồng để mua đôi pin Con Thỏ!
Tôi cười hơi có cái vẻ hiểu đời, nhưng không phải là vô lễ với thầy Hoan:
-Năm đồng là to lắm rồi, thưa thầy!
Bất ngờ thầy đổi giọng:
-Hay là đi buôn? Quê ta cũng có nghề đi buôn đấy! Nhưng muốn đi buôn phải có hai điều kiện, mà ở anh tôi nghĩ không có...
Tôi chăm chú chờ đợi thầy Hoan giải thích tiếp, nhưng thầy chỉ im lặng. Tôi đành vô phép hỏi với giọng sốt ruột:
-Thưa thầy, hai điều kiện đó là gì ạ?
-Một là phải học dốt. Hai là phải biết nói tục! Thầy nói một cách nghiêm túc. Nói tục thì có thể rèn mãi cũng thành. Chứ còn học dốt thì khó đấy... Khó không kém gì học giỏi đâu!
Trong cuộc đời ngắn ngủi của con người ta, tôi nghiệm ra rằng có những điều mà mình chỉ nghe một lần thôi, để rồi không tin không được, nhưng tin thì lại không biết vì sao mình tin, không hề có cơ sở khoa học, nó y hệt như một tôn giáo mầu nhiệm. Cái điều thầy Hoan nói với tôi hôm ấy, tôi cũng láng máng tin là đúng bởi những trải nghiệm của mình, nhưng rồi hơn mười năm sau khi vào học Khoa thương mại, trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tôi mới tin là thật. Vị giáo sư - tiến sĩ giảng bài marketing đưa ra cho chúng tôi một công trình trắc nghiệm của người Mỹ, xem anh có phải là nhà kinh doanh giỏi không, bằng một loạt các câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có câu: "Khi còn đi học ở bậc phổ thông, anh học có xuất sắc không?". Nếu trả lời vào ô "có" anh được ba điểm; còn ô "không" anh được tám điểm!
Tôi không hiểu sức học của mình tới tầm cỡ nào, nhưng thường thì tôi không có điều kiện học bài ở nhà, mà chủ yếu tiếp thu trên lớp. Nhưng may mắn thế nào đó mà tôi vượt qua được tất cả các kỳ thi, để rồi được tuyển vào đội học sinh giỏi của tỉnh đi thi toàn miền Bắc (lúc ấy gọi thế vì chưa thống nhất đất nước). Đến đây thì tôi không vượt qua được, nhưng như thế thì cũng là vinh quang lắm rồi. Vinh quang cho làng tôi, cho trường tôi và họ hàng tôi. Chú tôi bảo: thằng này có thể học được tới tiến sĩ! Nhưng... (lại nhưng), cái ngày mà bọn bạn tôi lên huyện nộp đơn xin vào học cấp Ba, thì chúng gặp tôi trên đường gánh phân ra đồng!


ĐOẠN 3

Trở lại phần đầu câu chuyện, tôi có kể là lúc tôi ở chiến trường ra, thăm thầy Hoan thầy ở một mình.
-Tôi mới nhận sổ hưu được mấy tháng nay. Định cải tạo cái vườn trồng ít quất hồng bì và hồng xiêm. Cô Nga cô ấy xin đâu được hai cây giống, tôi mới trồng góc kia...
-Thế còn cây si, cây si to thế bây giờ đâu rồi ạ?
-Cây si ấy đáng lẽ là của tôi, nó mọc trên đất tôi. Nhưng người ta bảo của xã. Thế rối tự dưng nó héo cành, úa lá, rụng xuống đen thâm cả nước ao. Họ chặt năm ngoái rồi!
Tôi nao nao nuối tiếc về những kỷ niệm tuổi ấu thơ cuả mình. Cái gốc si già tua tủa những chùm rễ, như một bộ râu con quái vật. Khi tôi còn bé độ sáu bẩy tuổi, mẹ tôi thường "quẳng" tôi sang nhà chị Nga để mẹ đi làm đồng. Những lúc ấy, khi tôi khóc đòi mẹ thì chị Nga trèo lên cây si, vạch một chùm rễ, ngó xuống ao.Ở đấy hiện ra cái gì?
-Có nàng tiên con gái vua Thủy Tề, em biết không?
-Có giống Nàng Tiên trong câu chuyện bác Hoan kể không hả chị?
-Giống! Nhưng cơ mà đẹp hơn nhiều.
-Cho em xem với! Tôi nhõng nhẽo.
-Lên đây! Chị gọi tôi và đưa bàn tay ra vẫy vẫy.
Tôi trèo lên nhìn theo chị. Nhưng tôi đâu có thấy Nàng Tiên:
-Tiên đâu chị Nga?
-Kia kìa!
Tôi chỉ thấy bóng chị Nga, một cô bé mười ba tuổi, gầy và xanh. Một trái si rụng xuống làm lan những vòng sóng. Bóng chị Nga lung linh, lung linh... tỏa sáng dưới ánh nắng trưa lọt qua vòm lá si xanh ngắt. Và tôi òa khóc!
Câu chuyện về một người con gái đẹp vì thất tình nên phải tự tử dưới gốc si già này. Cái chết oan khiên và tức tưởi của cô làm cô không nguôi nhớ trần gian. Thỉnh thoảng cô vẫn hiện về với khuôn mặt sưng vù, đỏ rực hận tình. Cũng có khi cô hiện ra an ủi những nỗi buồn, những ước mơ bị tan vỡ của ai đó. Câu chuyện do nhiều thế hệ thêu dệt đã làm cho trái tim non nớt của tôi hốt hoảng. Nhiều năm sau này, khi lớn lên, tôi vẫn còn nhớ mãi khuôn mặt chị Nga hôm ấy... xanh xao, yếu ớt và thật bí hiểm. Và nếu quả là tương truyền có thật, vong hồn người thiếu nữ chết yểu kia bây giờ trú ngụ nơi đâu?
Chị Nga lấy chồng rồi vẫn vừa đi dạy học, vừa làm dâu. Nửa năm sau anh Kỳ cũng nhập ngũ. Thế là gia đình nhà ông lão Tuân bắt chị phải nghỉ dạy để ở nhà làm ruộng, trông nom bố mẹ chồng. Chị Nga im lặng, không cãi lại, hoặc phân bua nửa lời, âm thầm về làm người nông dân. Công việc đồng áng đã làm chị sụm xuống, đôi mắt lúc nào cũng nhìn xuống bàn chân, hoặc có khi ngó mã đâu đâu, xa xôi, hy vọng và cả tuyệt vọng. Ai cũng bảo chi đang thương nhớ chồng.
Tuy là người cùng làng nhưng khi còn ở nhà tôi không biết nhiều về gia đình anh Kỳ. Chỉ biết nhà anh có ba chị em, hai chị gái lấy chồng thiên hạ. Anh Kỳ là con trai một nhưng không phải duy nhất, nên tuy không thuộc diện miễn bộ đội nhưng mấy năm qua anh cũng thuộc diện tạm hoãn. Thời loạn ly, trai tráng ra trận hết, những người còn lại trong thôn chỉ toàn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con... anh Kỳ nổi lên như một nhân vật quan trọng của địa phương chúng tôi. Anh là phó chủ nhiệm hợp tác xã, là bí thư chi bộ. Lần này, sau khi cưới vợ, anh xung phong một cách quyết liệt vào bộ đội. Oái oăm thay, và cũng tủi phận thay, anh Kỳ hy sinh ở chiến trường Tây Ninh sau một năm thì có giấy báo tử về làng. Đáng lẽ như bao nhiêu người phụ nữ làng tôi, nước tôi, chị Nga đã lặng lẽ sống một cuộc đời chinh phụ góa bụa, an phận thủ tiết. Trong đời người, giông gió như thế là quá đủ lắm rồi, nhưng... vào một đêm thu, trăng già, gió nhẹ thôi nhưng rất lạnh, heo may lãng đãng, số phận lại khoác vào chị một lần cay nghiệt nữa...
Tôi tiếc là không biết chuyện tình yêu giữa chị Nga và Anh Kỳ ra sao. Có nhiều lúc tôi cứ tự hỏi hai người này có yêu nhau không nhỉ? Hai con người xa lạ thế, khác nhau là thế làm sao mà đồng điệu, mà hòa hợp được? Hay là có ai bắt, ai ép? Tôi thì nghĩ rằng thầy Hoan chẳng bao giờ ép con gái trong chuyện chồng con. Sau lần chia tay với chị Nga hôm đám cưới chị, tôi đi một mạch thẳng vào chiến trường, chị em không còn lúc nào để nói chuyện với nhau.
Sau khi có tin chồng hy sinh, chị Nga cũng không buồn hơn. Người ta chỉ thấy chị im lặng hơn và lơ đãng hơn. Chị đem tất cả những vật kỷ niệm của anh Kỳ gói vào một cái bọc nhỏ kê dưới đầu giường. Giấc ngủ mong manh của chị luôn bị đánh thức bởi những nỗi niềm. Có nhiều đêm chị thức trắng nghĩ ngợi về số phận của mình. Vào một đêm như thế, trăng già méo mó và lơ lửng trên cành xoan trước cửa buồng chị. Xa vắng đâu đó ngoài đồng bãi tiếng chó cắn ma từng chặp, từng chặp rộ lên. Chị Nga nằm quay mặt vào vách và từ từ chợp mắt. Bỗng chị cảm thấy có hơi thở lạ trong buồng. Chị rùng mình, co cứng người không dám ngoảnh lại. Hương hồn anh Kỳ, chồng chị trở về! Chị tin là thế. Chị tin là người ta có những ràng buộc với nhau, không chỉ một cõi nhân gian chật hẹp trong cái làng Sơn Cốt của chị, mà cả cõi đời này, đã nợ nần nhau dù một ngày cũng thành tình, thành nghĩa. Miệng chị khô đắng và cái nóng âm ỉ từ đâu chảy về. Nó bắt đầu từ trong sâu thẳm của ruột gan, rồi lan tỏa ra khắp cơ thể. Đây không phải là lần đầu tiên chị có cái cảm giác ấy. Càng về sau, nhất là từ khi anh Kỳ có giấy báo tử, chị Nga càng có những giây phút lạ lùng như thế này. Chị cố nằm im, nhắm chặt hai mắt, mà để cho lòng dạ trôi nổi về mãi tận những miền ký ức xa xăm. Nhưng hôm nay, hơi thở lạ càng như có thật chứ không phải mơ hồ do chị tưởng ra. Chị từ từ mở mắt và trong ánh trăng héo hắt chiếu lên vách đất, một cái bóng to lớn, chập chờn, và im lặng như đang nhìn xoáy vào cơ thể chị. Chị vùng dậy và hét lên một tiếng kinh sợ. Cái bóng giật mình lùi lại, thều thào:
-Thầy đây mà... vợ Kỳ! Thầy đơ..ây!... Đó là cái bóng của ông lão Tuân, bố chồng chị.
Thoát khỏi cái cảm giác hãi hùng, chị Nga rơi nhanh chóng vào tâm trạng thất vọng. Chị lần tay lên đầu giường lần tìm bao diêm. Không biết có phải do vội vã cuống quýt hay không mà chị không thấy cái bao diêm đâu, chị đụng phải cái gói chất đầy kỷ niệm của chồng. Tiếng động loạt xoạt làm ông lão Tuân lo lắng.:
- Con ơi!... Con làm gì thế?...
Tìm thấy cái hộp vuông vuông hăng hắc mùi lưu huỳnh, chị Nga như muốn hụt hơi:
-Con tìm bao diêm để thắp đèn.
-Đừng! Con ơi, thầy muốn nói chuyện với con trong ánh trăng như thế này!
Tự dưng cái cảm giác ghê rợn tràn đến, ào ào, lũ lượt, như một đàn lươn, đàn trạch, nhớt nhát, tanh tưởi. Ngày thường chị Nga một mực tỏ ra cung kính, không bao giờ trò chuyện tay đôi với bố chồng. Chỉ một lần duy nhất, là sau hôm báo tử anh Kỳ một vài ngày, chị xin phép được nói với ông:
-Từ ngày con về làm đau thày u, xin thày cho con biết con có điều gì không phải với thày u, với các anh các chị, bên nội, bên ngoại nhà chồng con không?
Ông Tuân kinh ngạc nhìn con dâu:
-Chết! Sao con lại hỏi thày câu ấy? Hay là...
Ông lão bỏ lửng câu nói. Chị Nga ngước cặp mắt buồn bã trống rỗng lên nhìn ông lão:
-Không! Con mất chồng, con đau một, thầy u mất con thày u đau mười. Nay con đã thành người góa bụa, con không dám trách ai. Con muốn hỏi thày câu ấy, để thày chỉ bảo cho con sống nốt những ngày làm dâu con trong nhà.
Ông lão Tuân thẫn thờ:
-Thôi thì cái số thằng Kỳ nó mỏng. Khổ thân con, khổ thân thày. Người ta có năm có mười thì lành, thày chỉ có một, lại vỡ...
Ông lão Tuân khóc nấc lên thành tiếng, tiếng khóc của một người đàn ông, lại đã có tuổi, từng trải, nghe nó não lòng hơn nhiều lần những tiếng khóc khác. Hai người, ông lão Tuân và chị Nga, hai bố con hai thế hệ, nhưng có cùng nỗi đau mất người thân. Chính chị Nga, cũng cảm thấy bấy lâu nay mình chỉ cung cúc tận tụy làm người phục dịch trong nhà. Chị chưa hề cởi mở tấm lòng mình. Sau nỗi mất mát này, chị thấy mình cần phải làm cho mọi thành viên nhích lại gần nhau, kết nối với nhau thành một cái mảng, phập phù trong những tháng ngày giông bão. Chính vì thế, mới có cuộc trò chuyện, và tiếng hờ thảm thiết của ông lão Tuân. Chị Nga ngồi hai tay đặt trong lòng đầy an phận im lặng chờ cho bố chồng bớt tiếng khóc. Mà sao chị không khóc nhỉ? Chị đã khóc một mình, đã cạn nước mắt. Chị không chỉ khóc về phận mất chồng, mà chị còn khóc cho những cái khác, mờ mịt hơn ở mãi tận đâu đâu mà chính chị cũng không tể nào biết được. Mãi lúc sau chị lên tiếng:
-Thôi, thày ạ. Khóc cũng chả làm cho anh ấy trở về được nữa. Con chỉ nghĩ thương u...
-Thày hỏi con câu này, là hỏi vậy thôi, chứ thày không có ý gì đâu. Với lại chỉ nghe thiên hạ họ giăng ca...
Chị Nga cúi xuống nhìn vạt áo:
-Người ta đồn sao ạ, xin thày cứ nói?
-Người ta bảo, có lẽ con... đi bước nữa?
-Ai mà ác mồm thế?
Ông lão Tuân gần như reo lên:
-Thế không phải hả con?
-Lạy thày, con không phải là người ăn ở hai lòng. Tuy con không có mẹ, bố con một mình gà trống nuôi con, nhưng là nuôi dạy của người có chút ít chữ nghĩa. Con về làm dâu thày mẹ, sống là người trong nhà, chết làm ma trong họ, nếu thày u còn thương, còn coi con là con.
Ông lão Tuân lại quay đi ngậm ngùi:
-Thôi người ta nói mất con, còn rể, nhưng thày còn có phúc, mất con trai, còn con dâu.
Ông lão Tuân là người từng trải, con người quắc thước. Ở vào tuổi ngoài ngũ tuần, sự tráng kiện đã phôi phai, có phần tàn lụi, nhưng sức vóc vẫn còn mạnh mẽ. Bà mẹ chồng, sau cái tin con trai hy sinh bà nằm liệt giường ngay. Mọi sự ăn uống, vệ sinh, tắm giặt... đều tại một chỗ, đến nỗi, ông Tuân phải thu xếp một góc nhỏ dưới nhà ngang, cho bà nằm. Công việc đồng áng của chị Nga vốn đã chất ngất, giờ lại thêm bà mẹ chồng, làm cho chị phải luôn chân tay, đầu tắt mặt tối.
-Con xin thày, có chuyện gì để mai hãy nói.
-Con ạ, thầy nghĩ mãi rồi, thày phải nói với con ngay bây giờ! Con ơi! Vợ Kỳ ơi, thương thày với...
Tiếng ông lão Tuân chìm hẳn xuống, lạc đi mãi đâu đâu. Nhưng nghe ra, có một cái gì nữa, như thể tiếng rạ rơm quẹt vào vách nứa. Nói xong câu này, lão Tuân ghé ngồi vào giường con dâu. Chị Nga thừa thông minh để đoán biết, nếu như trong tình huống khác. Đằng này ông lão cứ lào phào, rõ ràng ông kiệt sức lắm rồi. Tuy thế, chị cũng ngồi lui vào tận góc giường. Cảm giác lạnh buốt đâu đó trong người chạy ra bủa lấy hai bàn tay chị:
-Thày ơi, đêm hôm khuya khoắt này, thày làm thế này, con thấy...
-Con ngồi lại đây, ngồi lên cho thày lạy, rồi thày mới dám xin con...
-Đừng! Con van thày!
Trong bóng tối lờ mờ, ông lão Tuân quỳ sụp xuống vái liền mấy cái. Chị Nga cắn chặt hai hàm răng lạnh vào nhau, run bần bật. Chị muốn đứng dậy nhưng không nổi. Chị muốn òa khóc, nhưng không mở miệng ra được. Ông lão lạy con dâu xong thì chồm tới phía trước, hai tay ông quờ quạng và túm được một bên ống quần chị Nga:
-Thương thày với, con ơi!
Chị Nga run rẩy cố đẩy ông bố chồng ra, nhưng ông lão Tuân đã úp mặt vào chân chị:
-Thày xin con, Nga ơi! Thằng Kỳ chết đi, giòng họ Trần nhà thày thế là tuyệt tự. Phải chi, trước lúc nó ra trận, con giữ lại cho nó, cho thày, cho giòng họ này một hòn máu. Hu... hu...!
Chị Nga đau đớn lắc đầu trong bóng sáng từ cửa sổ hắt vào của quầng thái âm nhợt nhạt:
-Con không biết làm thế nào. Không biết có phải lỗi tại con không?
-Không! Con không có lỗi. Con thương ta, cho ta một đứa cháu, một đứa con nối dõi...
Chị Nga càng lắc đầu tuyệt vọng:
-Nhưng con đã không làm được như thế. Thày bảo phải làm sao?
Ông lão ngẩng lên, một khuôn mặt đẫm nước mắt hòa trộn vào ánh trăng đã vào hồi thiếu sáng:
-Được chứ! Con bằng lòng cho thày nhá, cho thày một đứa con. Một đứa con thay vào chỗ thằng Kỳ, vào chỗ con thằng Kỳ!
-Không! Không! Khô... ông...
Chị Nga thét lên bằng những cung bậc khác nhau, nghe như tiếng rít lên phẫn uất của cây đàn mà người nhạc công tạo hóa vuốt ngược sợi dây định mệnh. Hai chân chị co lại, giãy giụa như đứa trẻ hờn dỗi. Ông lão Tuân chồm tới, bằng một sức mạnh cuối cùng của lòng quyết tâm cao độ và của sự khát thèm thôi thúc. Tự dưng chị Nga im lặng, thở dốc, những giọt nước mắt đắng cay tứa ra. Ông bố chồng cảm thấy một sự thỏa hiệp ở phía người đàn bà đang vào độ mặn mà phì nhiêu mà phải héo hon dần theo thời gian cay nghiệt. Ông van vỉ con dâu:
-Nhá! Nga ơi, con hãy thương thày với... Không ai biết chuyện này đâu!
Bất thần, chị Nga vùng dậy xô ông lão ngã lăn ra giữa nền buồng. Rồi như không nhìn thấy gì, chị nhắm mắt lao ra phía cửa và cứ thế, nhằm hướng cánh đồng Lưu Lạc mà chạy. Dưới chân chị, đất đợi ải vỡ ra lạo xạo. Những con nhái ăn đêm bị đánh động chạy tán loạn. Tiếng gió lùa ào ạt trong tai chị, hòa lẫn với tiếng chó sủa nhấm nhẳng trong làng, làm chị Nga càng chạy khỏe. Dưới lớp sương mờ và ánh trăng già càng về khuya càng sáng, người đàn bà đầu tóc xổ tung rũ rượi, trong bộ quần áo trắng ướt đẫm mồ hôi và sương sa, chị như lướt đi vào cõi hoang mang. Chị Nga chạy mãi mà không biết đến đâu rồi, cho đến khi một búi dây bìm bìm giằng xấp mình xuống đất, chị mới nằm vật ra. Có tiếng ong ong trong lòng đất, như những tiếng ru ai oán khiến chị dần tĩnh lại. Xa xa trong làng có tiếng gà gáy gọi nhau. Nước mắt chị Nga chan hòa cho thân phận chị, cho hương hồn anh Kỳ chồng chị, cho cả sự trớ trêu của người chinh phụ. Chị kêu lên một tiếng thảng thốt, ngậm ngùi:
-Mẹ ơi!
Đến đây xin bạn đọc vui lòng cho tôi rẽ ngang câu chuyện một chút, để tôi được kể về tôi. Kể về tôi sau khi nhập ngũ, trải qua ba tháng huấn luyện ngắn ngủi và chỉ kịp bắn bia số bốn, bài một rồi vào một đêm trăng sáng lạnh ngăn ngắt, chúng tôi lên tàu ở ga Sen Hồ vào Nam. Không phải không còn lãng mạn, nhưng đói và cực, mệt mỏi đã làm tôi nhiều lúc ngồi một mình ứa nước mắt. Chết ư? Dễ thôi. Chỉ cần một quả bom rơi, một viên pháo lạc, một cái sảy chân bên bờ dốc thẳm, một cơn co giật của bệnh sốt rét ác tính... cũng là chết rồi. Thực ra lúc ấy, nghĩ đến cái chết nó nhẹ lắm cơ. Có thể bây giờ có người không tin, nhưng cứ thử hình dung mà xem, một thân một mình, chẳng nợ ai, ai nợ... thì có gì mà vương vấn. Với cha mẹ đẻ ra mình thì cầm bằng hòn máu đánh rơi. Cầm tấm vải liệm quân nhu phát cho nhét vào đáy ba lô đề phòng mọi tình huống, tình huống xấu nhất, tình huống cuối cùng, mà không thấy sợ, không thấy rủi ro, sui sẻo, thế là được rồi. Anh đã hoàn toàn là anh lính chiến. Bom đạn rồi cũng quen đi. Chỉ có gian khổ, đói và nỗi cực nhọc hành hạ thân xác từng phút, từng giờ là giày vò con người. Nỗi nao lòng, nhẹ dạ rất thường khi ở chỗ này... Bây giờ, khi chúng ta đã có một gia đình, một đàn con, một trách nhiệm không thể trút bỏ được, nên nghĩ đến một khi chúng ta không còn trên cõi đời này nữa, để cùng chia sẻ, cùng gánh vác mọi nỗi niềm, mà chủ yếu vẫn là những nỗi oan nghiệt trái ngang, thì vợ con ta, cha già, mẹ héo của ta sẽ đau khổ biết nhường nào? Ấy, cứ nghĩ thế mà lăn lưng ra mà cày, mà cuốc, mà kiềm tiền, mà sống.
Mấy năm đánh nhau có lúc được, lúc thua, có khi thừa thắng xông lên, có khi cắm cổ chạy dài... Chiến tranh, đó cũng là cái thường tình. Cố mà đi đến chỗ cấp trên bảo, cố mà lao vào chỗ cấp trên ra lệnh, cố mà sống đến ngày mai. Rồi ngày mai nữa, được ngày nào hay ngày ấy... Đấy, đại khái là như thế. Nhưng mỗi đứa lính chúng tôi không chỉ có những lúc đánh đấm, bắn giết và cắm đầu chạy. Phút giây im lặng trong chiến tranh nhiều lắm, rất nhiều, đó mới lại là lúc gậm nhấm tâm hồn mỗi thằng lính chúng tôi. Trong cả một khoảng dài máu me, khét lẹt ấy, không mấy lần tôi không nhớ về chị Nga của tôi. Cuốn sổ tay mà Thu, người yêu tôi tặng tôi khi chia tay, ghi nhằng nhịt những giòng lưu niệm của bạn bè, nhưng vẫn còn một khoảng trống khá dày trang. Tôi ghi nhật ký, không ghi dài được.
30.4- Mệt. Hình như sốt. Uống liền bốn viên nivaquin.
1.5- Thằng Mão tụt lại. Thấy trên cây săng lẻ Binh trạm 32 có khắc cơ man những dòng chữ nguệch ngoạc, tên họ quê quán của những người lính đã đi qua đây. Có dòng Hà Đức Mẫn, Phổ Yên, Bắc Thái.
10.5- Gửi thư cho Thu và chị Nga. Sao chị Nga lấy chồng vội quá nhỉ? Nhanh thế! Chị bảo chị không lấy chồng kia mà? Giá chị ít tuổi nhỉ! Ít đi vài ba tuổi thôi. Thu trắng hơn chị Nga, và có vẻ yếu ớt hơn. Giá được vùi mặt vào lòng Thu, trong lúc này như chị Nga nhỉ! Chiều nay gặp một đoàn người đi ra, toàn là trẻ con và phụ nữ. Có mùi gì lạ lắm...
2-6. Cả một đoàn quân dài dặc chuyền tay nhau từ dưới lên trên cái xu-chiêng!
8-8. Khương Đức Duy chết rồi. Một quả đạn AT do chính tay nó gài chống ăn cắp kho quân lương.
Vân vân...
Những dòng nhật ký đại loại như thế mà rồi cũng kín hết chỗ giấy còn lại của quyển sổ. Tôi lại ghi tiếp vào cuốn khác. Những mẩu chi tiết, sự kiên, cảm nghĩ như thế cứ nối nhau, nhưng không phải lúc nào, chuyện gì, hay ý nghĩ ra sao tôi cũng ghi được. Rồi cuốn sổ cũng chẳng còn, một cuốn bị cháy mất, một cuốn phải nộp cho chính trị viên đại đội. Cuốn sau cùng những thằng bạn tranh nhau xé làm giấy cuốn thuốc lá Tà Ôi.
Cho đến một ngày cuối tháng mười năm bảy hai, khi trên đài phát thanh chúng tôi nghe được lời tuyên bố của chính phủ ta phản đối Mỹ lật lọng không chịu ký một hiệp định hòa bình. Tiếc ngẩn ngơ, một cơ hội hòa bình bị mất đi, chiến tranh sẽ còn kéo dài... dài đến bao giờ? Lại âm thầm làm phận sự người lính của mình và chờ đợi. Thế rồi cái ông Richard Nixon trúng cử tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ nữa, nghĩa là bom, đạn, lính Mỹ tiếp tục cày phá đất nước này.
Chiều hôm ấy, ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo 20-11, một buổi chiều khá thanh thản. Tôi một anh giáo nửa mùa, nhưng sao cứ âm ỉ nhớ về cái ngày ấy. Và rồi bâng khuâng tơ tưởng về quê nhà, nơi ấy có cha mẹ, có các em tôi. Nơi ấy còn có Thu của tôi, có thầy Hoan và chị Nga! Tôi lặng lẽ ra bờ suối ngồi một mình để một mình kỷ niệm về cái ngày của mình. Liệu tôi có còn kịp trở về để được làm một thày giáo làng gõ đầu trẻ nữa không? Không còn nhật ký, không còn cả bút mực mà viết một cái gì đó, một dòng chữ gì đó cũng được. Tôi thả ý nghĩ lang bang trong buổi hoàng hôn rừng rú, tiếng ì ầm của máy bay C.130, tiếng nổ cuối tầm của đạn pháo xen lẫn tiếng rì rầm của thác suối. Và ve, tiếng ve đầu mùa khô trong rừng khộp nghe như có cả tiếng kim khí của một loại khí nhạc đơn điệu độc một giai điệu trung tính, không ra trầm, không ra bổng, chẳng rõ vui hay buồn. Có tiếng chân người đạp trên lá khộp lạo xạo sau lưng. Tôi ngoảnh lại, thằng Tiến hào hứng:
-Này nhà thơ! Mày có người tìm!
-Ai tìm? Anh Ngữ à?
-Không phải. Một người lạ, nhưng biết mày, từ Binh trạm xuống...
Tôi ngạc nhiên hỏi Tiến:
-Có phải cán bộ quân lực không?
-Cứ về xem nào. Lúc nào cũng chỉ tưởng quân lực!
Tôi hỏi thế là vì, đã hơn một lần tôi được cán bộ quân lực xuống hỏi thăm, rồi sau đó là quyết định điều động. Từ công binh, sang thông tin, rồi bây giờ là pháo cao xạ. Ai mà biết được, trong chiến tranh nhiều cái bất ngờ lắm, và cũng nhiều cái bất trắc lắm. Người đàn ông từ lán anh Ngữ đứng dậy nhìn tôi chằm chằm:
-Cậu không nhận ra anh à?
-Dạ... em không biết anh...
Anh Ngữ, trung đội trưởng đế vào:
-Người làng mà không nhận ra nhau à?
-Kỳ đây! Ở nhà đã biết nhau rồi mà.
Dưới bóng loạng nhoạng của hoàng hôn trong rừng thẫm, tôi vẫn còn đang nghĩ ngợi, không dám nói, thì anh tiếp:
-Kỳ chồng Nga, con rể thầy giáo Hoan đây!
-Trời ơi, anh Kỳ!
Tôi ôm choàng lấy anh mà lắc. Anh Kỳ đây ư? Tôi thật vô tâm. Mà đâu phải tôi chỉ vô tâm khi đứng trước mặt anh. Suốt từng ấy năm, trong ý nghĩ của tôi không hề có một tí tẹo nào dành về anh Kỳ. Chồng chị Nga là một người không có thực trong tôi, nó giống như một cái tên gọi, được gán kèm vào đấy, ví dụ " Thúy Nga" chẳng hạn, mà tôi thì lại chỉ biết và chỉ chấp nhận ở chị mỗi hai chữ "chị Nga"mà thôi.
Tôi ôm anh Kỳ khá lâu, lúc rời anh, tôi mới nhìn kỹ thấy một người đàn ông vêu vao, đầu trọc lốc như người trong tranh hý họa. Tóc rụng đã đành, cả lông mày cũng không còn, nhìn anh thật sợ. Tôi xin phép anh Ngữ đưa anh Kỳ về lán tôi. Anh Kỳ lấy võng của mình từ trong cái túi mìn clâymo ra mắc vào hai khúc cây gác ngang hai bên mái lán, nhún thử rồi ngồi xuống:
-Tôi ở ban quân giới, lúc sang làm việc với quân lực, nhìn ké danh sách tiểu đoàn 68, tình cờ thấy tên cậu. Hôm nay, nhân xuống làm việc với quân khí tiểu đoàn mới có dịp tìm cậu. Khỏe chứ?
-Vâng, em bình thường. Tôi vừa hí húi đun nước pha trà, vừa đáp. Sao anh gầy thế? Trông phát hãi lên ấy!
Anh móc ra một bao thuốc lá RUBI quân tiếp vụ:
-Hút đi cậu!
Tôi thích thú ngắm nghía bao thuốc loại của quân đội Sài Gòn, có vẽ một người lính rằn ri đang xung trận với vẻ mặt đằng đằng sát khí trong tư thế một chân co, một chân duỗi trên lá cờ vàng ba sọc đỏ:
-Anh sang thế? Loại "chân co, chân duỗi" này chúng em có mà mơ!
-À, gặp cánh bộ binh đi ra, họ cho đấy mà.
Tôi cho trà "Thái Nguyên" - một loại trà làm ở Chợ Lớn được quản lý cấp - cho vào cái ca bằng i-nốc, dốc ngược cái bi-đông Mỹ đựng đầy nước sôi úp vào, rồi nhớm lên môt tý cho nước ra ngấm trà. Tôi rót ra cái bát "B52" mời anh. Anh Kỳ bưng bát nước trà kề lên miệng rồi lại đặt xuống:
-Các cụ ở nhà nói thế mà thiêng thật. Cái hôm tôi lên đường, bà cụ nhà cậu dặn tôi là vào cố tìm em nó. Cả cô Nga cũng bảo thế. Không ngờ lại hóa thật. Tôi cứ nghĩ chiến trường thì mênh mông, biết đâu mà tìm nhau. Thanh bình còn khó huống chi là bom đạn như trấu vãi, lính tráng đâu có được tự do đi lại. Phải không cậu?
-Ừ mà anh cũng giỏi thật đấy. Anh đi năm nào?
Anh Kỳ uống cạn bát nước, châm một điếu thuốc nhả khói:
-Tôi nhập ngũ sau cậu một năm. À, tôi đã báo cáo với đại đội rồi, đêm nay anh em mình nằm với nhau một đêm. Sáng mai, các cậu đi nhận nhiệm vụ mới rồi.
Tôi leo lên võng nằm, mà bụng dạ nghĩ vẩn vơ. Không ngờ có lúc tôi với anh Kỳ lại nằm bên nhau trong khu rừng nguyên sơ này. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình cũng yêu yêu anh, yêu yêu một phần đời của chị Nga mà tôi không nguôi thương nhớ.