Vào cõi Phật dễ, vào cõi ma khó NHẤT HƯU THIỀN SƯ Marx nói:" các triết gia từ trước đến nay chỉ mới suy nghĩ và diễn dịch cuộc sống qua nhiều lối khác nhau, nhưng điều quang trọng chính là phải làm thay đổi". Người ta thấy rất ít người đi tới cùng công việc này CĂN BẢN CỦA VẤN ÐỀ GIÁ TRỊ Trí thức là quyền lực. Với chính trị tính chất quyền lực càng nặng hơn. Trong chính trị, trí thức chỉ có giá trị khi nào nó có thể biến thành quyền lực vật chất. Giá trị của phần tử trí thức trong chính trị cũng chỉ được thừa nhận theo tiêu chuẩn này. Chính trị là một sự nghiệp thực tại tàn nhẫn và cam go, vận dụng trí thức để giải quyết bế tắc sinh hoạt xã hội, dọn quang chướng ngại trên đường đi của lịch sử. Căn bản giá trị của trí thức ở thực tiễn mà đến. Căn bản giá trị của phần tử trí thức ở đấu tranh mà ra. VAI TRÒ TRÍ THỨC PHẦN TỬ TRONG CÁC BIẾN CỐ LỚN CỦA LỊCH SỬ Biến cố chính trị thường là kết quả của sự tranh chấp giữa tập đoàn đang nắm chính quyền và những người bên ngoài chính quyền. Tập đoàn tại quyền có hai thành trì bảo vệ: a- Chính thống gồm những tổ chức và sức mạnh cai trị. b- Ðạo thống gồm những tổ chức chấn áp tư tưởng dùng tư tưởng đạo thống để bênh vực quyền cai trị hiện hữu. Tập đoàn bên ngoài chính quyền thì khởi sự bằng phản kháng chống đạo thống rồi vận dụng tư tưởng tổ chức đối kháng với bộ máy thống trị nghĩa là đem trí thức biến thành quyền lực. Như vậy dẫn đầu các biến cố lớn hầu hết là một cuộc nổi loạn siêu hình (révolve métaphysique) nói theo kiểu Camus. Ðể đánh đổ phần tử trí thức không thể không dựa vào một phần tử trí thức khác. Cuộc nổi loạn này có hai trận tuyến: 1- Tình cảm. 2- Lý trí. Cả hai đều nhằm mục tiêu hủy diệt uy quyền chính trị của đối phương. Ở đây phần tử trí thức là những người của từ ngữ (men of words), đi cao hơn bậc nữa họ là những người xây dựng lý thuyết (theoricien). Ðể gây phong trào quần chúng phẫn nộ không thể không có những nhà thơ, nhà văn như: Pouchkine, Ryleev, Tchelov, Gorki, Maiakovski. Những hùng biện gia như: Fichte, Kakhovsky, Netcheev, Trozsky, Vanden Bruch. Ðể chống lại lý thuyết vương quyền thần thụ của Bossuet, Cách Mạng Pháp không thể không có cuốn Xã Hội Khế Ước của Rousseau và Vạn Pháp Tinh Lý của Montesquieu. Trước Cách Mạng Pháp, đa số dân chúng Âu Châu đều tin tưởng lời Bossuet nói: - "Thiếu bàn tay Thượng Ðế thì thế giới này sẽ rơi xuống vực thẳm, thiếu vương quyền thì xã hội này sẽ chìm vào hỗn loạn". (Que Dieu retire sa main, le monde retombera dans le néant, que l'autorité cesse dans le Royaume tout sera en confusion). - Phải nhìn cho rõ để thấy bàn tay Thượng Ðế trong lịch sử nhân loại ở bất cứ nơi nào, tất cả những biến chuyển lớn lao của lịch sử đều tuân thủ các nguyên tắc thần học bao la khắp mọi nơi. (Il fallait donc faire voir dans les différentes époques de l'histoire humaine dans la main de Dieu, il fallait que les grands faits de l'histoire se pliassent à une interpretation universelle et théologique). Muốn làm mờ Bossuet, Cách Mạng Pháp cần có cái tri thức lớn lao của Montesquieu. Do hiểu biết bao la của ông, ông đã chứng minh cho mọi người thấy rõ lý luận thần học của Bossuet lỗi thời rồi. Trong cái thế giới chính trị ngày càng thêm phức tạp, biết bao nhân vật, biết bao xung đột, biết bao quyền lợi riêng tư đối chọi nhau, làm sao tìm thấy bàn tay Thượng Ðế. Nhịp điệu thế giới biến chuyển theo với thủ đoạn,với mưu cơ của thực tế chính trị. Hàng trăm ngàn đầu dây mối rợ khó lòng mà nhìn nhận ra một nguyên tắc chỉ đạo như một mẫu số chung thì đương nhiên không thể đem chính trị thu hẹp vào nguyên tắc tê liệt của thần học. Chân trời lịch sử mở rộng, thế giới không còn là của Rome hay Jerusalem nữa. Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu đang đòi địa vị lịch sử của họ và dĩ nhiên không thể buộc họ vào sứ mạng Ki Tô. Vũ trụ không còn thu hẹp trong lối suy diễn thần học, nó đang tràn ngập và phá vỡ con đê lý thuyết Bossuet. INTELLIGENTZIA Tiền phong của cách mạng 1917 là những hoạt động trí thức. Từ những phong trào này sản sinh ra danh từ Intelligentzia (khoảng cuối thế kỷ 19) Theo Nicolas Berdiaev thì người Tây phương đã nhận xét lầm Intelligentzia coi giống hệt Intellectuel. Thực ra nó rất khác biệt. Ðây không hẳn là một tổ chức nhưng nó cũng không buông thả ai muốn làm gì thì làm như trí thức Âu Châu. Intelligentzia ở Nga sống gần như một tôn giáo nhỏ với giáo điều tập quán phong tục và hình dáng bề ngoài riêng biệt và có cùng một quan niệm vũ trụ nhân sinh. Ðó là một tập thể sống theo lý tưởng không phân biệt nghề nghiệp giàu nghèo. Mới đầu họ là tầng lớp học thức rồi lan đến các công tử quí tộc, sau xuống đến các tiểu công chức, tiểu thương đôi lúc còn thấy cả nông dân nữa. Sơ khai vì không thể trực tiếp hoạt động chính trị, họ gói chính trị vào hoạt động văn học. Lâu dần các buổi hội đều là sự tụ tập để phê phán chính trị. Tinh thần của họ là tinh thần Raskol (tên tắt nhân vật tiểu thuyết của Dostoievky, một sinh viên cấp tiến đã giết mụ cầm đồ cay nghiệt tượng trưng cho thể chế bất công bấy giờ). Tinh thần Raskol là tinh thần cuồng tín. Thái độ táo bạo đầu tiên của Intelligentzia là tước bỏ hết các quyền tôn giáo đối với họ. Raditchev đưa ra phương châm: Tâm hồn tôi bây giờ hướng cả về đau khổ của con người. Radichev tìm mọi cách để truyền bá tư tưởng Rousseau, Diderot, Voltaire. Tư tưởng của Cách Mạng Pháp vào Nga phá vỡ đức tin cổ truyền. Pestel viết cuốn Vérité Russe, một trong những đà móng của chủ nghĩa xã hội tại Nga. Tinh thần Raskol cuồng nhiệt hơn sau việc chính quyền treo cổ những người cầm đầu vụ tháng 12 (les décembriste) là vụ nổi loạn mưu sát Nicolas 1er. Trong số người bị treo cổ có hai thi sĩ danh tiếng: Ryleev và Pestel. Các phần tử trí thức Intelligentzia thề nguyện một mất một còn với chính quyền thống trị đương thời, họ chân thành nghe theo tiếng gọi của thi sĩ Releev: Không thể có thỏa hiệp nào Giữa bầy nô lệ với bạo chúa Chúng ta hãy viết ngay những trang sử máu và vung gươm tiến bước. Khắp dân gian những bản viết tay, in thạch lời cuối cùng của Kakhovsky người cầm đầu vụ Tháng 12, được truyền cho nhau đọc: " Số tôi đã định đoạt. Tôi không than van, thản nhiên nhận bản cáo trạng. Sống hay chết với tôi gần như chẳng có gì đáng kể. Tôi không muốn nói đến tôi nhưng tôi muốn nói đến tổ quốc của tôi, nếu ngày nào tim tôi còn đập thì tổ quốc mãi mãi là điều linh thiêng nhất. Tổ chức hội kín của chúng ta đã bị khám phá. Chúng tôi chống lại Ngài (chỉ Nicolas) với mục đích duy nhất là tiêu diệt bằng được cái gia đình đang ngự trị dù phải tắm trong máu để xây dựng một chính quyền nhân dân. Tôi say sưa trong tình yêu Tổ quốc, trong tình yêu Tự Do. Với tôi không có gì gọi là tội lỗi khi đấu tranh". Và hình ảnh những bộ mặt thản nhiên bước lên dàn treo cổ đã thành những hình ảnh đẹp nhất. Trên ngôn ngữ hàng ngày, trên các sáng tác văn học, chính quyền được mệnh danh là chúng nó đối lại với chúng ta là Intelligentzia. Cái gì chúng nó tin thì chúng ta phải phỉ nhổ, cái gì chúng nó cho là giá trị thì chúng ta khinh rẻ. Tất cả đều tập trung vào sự giải phóng con người trên thế gian, giải phóng thợ thuyền tạo điều kiện sinh hoạt mới, tiêu hủy hết thẩy thành kiến, mộ đạo, mê tín, lệ luật trói buộc và thứ nhất là thứ tư tưởng "trên trời", thứ tư tưởng làm cho nô lệ, thứ tư tưởng đánh cắp hạnh phúc nhân loại. Ðà cuồng tín lên cao, để cung ứng cho cuồng tín có một đường hướng khỏi rơi vào vực sâu yếu thế(?) lãng mạn Netchaev sáng tác cuốn: Kinh Bổn Cách Mạng (Cathechisme Révolutionaire) ấn định một tinh thần mới: " Chỉ biết cách mạng, cách mạng thay thế Thượng Ðế. Lấy luật lệ cách mạng làm nguyên tác sống, lấy sức mạnh sắt thép hoạt động. Người cách mạng không còn tình cảm, quyền lợi, công việc, liên hệ riêng tư nữa. " " Cái xã hội khốn nạn này phải phân chia ra làm nhiều loại: loại thứ nhất là bọn phải đem hành hình ngay, trước hết là những kẻ nguy hại trực tiếp cho tổ chức cách mạng. Bằng lối giết chóc tàn nhẫn luôn luôn rình rập chúng ta có thể làm lung lay chánh quyền thống trị bằng cách tiêu hủy những tay sai khôn giỏi của nó ". Hưởng ứng lời khuyên của Netchaev là hàng loạt vụ khủng bố khắp nơi, nhiều nhân vật cao cấp chính quyền và tay sai từ thành thị đến thôn quê bị giết (ngược lại tổ chức cách mạng cũng bị chính quyền sát hại khá đông). Khủng bố biến chất trở nên bừa bãi, thường vì lý do cá nhân thù hận khiến cho mọi người mất tin tưởng và chán ghét. Khủng bố làm cho cách mạng gần thành người mất trí. Nhìn thấy nguy cơ này, A. D. Mikhailov viết một số bài luận về ý nghĩa của tổ chức và kỹ thuật hoạt động bí mật. Theo Mikhailov thì: "Làm việc vô tổ chức là lãng phí sức mạnh" "Kỷ luật, phương pháp tự chế, làm việc đều đặn, chu đáo đúng giờ giấc đó là những đức tính mới rất cần cho người cách mạng trong giai đoạn hiện thời". "Tất cả mưu đồ chính trị đều phải loại bỏ được mọi bất ngờ may rủi mới có thể thành tựu. Phải tổ chức, tất cả bí quyết thành công ở đấy". Tư tưởng Mikhailov tạo nên nhiều vụ làm chấn động tâm lý toàn quốc, nhất là vụ theo đuổi giết vua Alexandre Ðệ Nhị. Bị nhiều lần chết hụt, Alexandre phải trốn chạy, tăng cường canh gác xa lánh xung quanh, nghi ngờ đồ ăn thức uống. Dân gian thích thú truyền khẩu nhau: Alexandre ra lệnh như một vị bạo chúa nhưng run rẽ như một tên nô lệ. Tư tưởng Mikhailov có ảnh hưởng lớn, nhưng không đi ra ngoài phương pháp và hoạt động khủng bố. Cách mạng vẫn nguyên vẹn là những âm mưu tụ tập ít người nhỏ hẹp cho đến khi một chuyện quan trọng xảy tới. Ngày 9 tháng 1 năm 1905 dưới sự lãnh đạo của cha Gapone, chừng hơn trăm ngàn thợ thuyền từ Saint Petersbourg biểu tình tiến về lâu đài Mùa Ðông. Họ không mang khí giới, họ nắm tay nhau hát bài: Xin Thượng Ðế phù hộ cho Tsar. Cha Gapone đưa lời thỉnh cầu lên Tsar Hoàng: "Chúng tôi không đòi hỏi chi nhiều. Chúng tôi chỉ xin được làm việc 8 giờ một ngày, xin tăng tiền công hàng ngày lên một đồng rúp. Xin hãy cứu dân chúng và hãy phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa dân chúng với Ngài." Tsar Hoàng rời bỏ Saint Petersbourg, quyền hành trao trọn vào ít tướng lãnh, giám đốc công an và Quận Công Vladimir. Quân đội hạ lệnh bắn, đám người biểu tình ngã xuống như sung rụng. Tổng kết có 500 người chết, 3000 người bị thương, đàn bà con trẻ la liệt trên đất, máu đổ nhuộm hồng màu tuyết. Tại Genève trong căn gác tối, Lenine nhận được tin và nhìn qua biến cố này ông nhìn thấy một trời ánh sáng hy vọng cách mạng đã tràn vào quảng đại quần chúng. Ông nghĩ lòng hăng say và căm hận đã nổi dậy trên khắp nước, nếu còn thiếu gì chỉ là thiếu lý luận đấu tranh, kỹ thuật đấu tranh. Lénine tự cho mình có bổn phận cung ứng những thứ đó. Thế là hàng loạt văn phẩm do Lénine viết thành hình, chúng đã giúp cho cuộc đấu tranh rất nhiều. Cùng lúc ấy một bộ óc khác cần thiết cho Cách Mạng Tháng Mười và đã đóng góp nhiều công lao là bộ óc của Léon Bronstein tức Trosky cũng hoạt động dữ dội. Malaparte khi nhận định về Lenine có viết câu này: "Lenine était survenu pour donner une logique au peuple Russe" (Lenine hiện ra, đem cho dân tộc Nga cách luận lý.) Câu ấy thật không có chi quá đáng. VŨ KHÍ SẮC BÉN CỦA TRÍ THỨC PHẦN TỬ. Bất cứ vận động chính trị nào, bất cứ phong trào quần chúng nào cũng đều khởi sự bằng một thiểu số quyết tâm chiến đấu và bất cứ cuộc khởi sự nào cũng bắt đầu bằng các hoạt động phá hoại uy tín đối phương, kẻ thống trị sẽ bị mất lòng tin tưởng (l'ordre existant est tombé en discret). Ngược lại nếu chính quyền không quét sạch sức mạnh kẻ phản kháng để buộc phải vâng lệnh mình cứ để tình trạng phá hoại uy tín lan rộng là thua. Sự mất uy tín hay uy quyền chính trị không hẳn do ở những hành động sai lầm hoặc những quá lạm của kẻ cầm quyền mà bởi sự phê phán sắc nhọn của đối phương, của những người có khả năng hiệu triệu đặt vấn đề quá lạm và sai lầm ấy để vạch vòi ra hình ảnh thối rữa và bất lực. Nếu không có những phê phán nguy hiểm ấy thì kẻ thống trị dù quá lạm gấp đôi, sai lầm gấp đôi cũng không bao giờ tự nó sụp đổ cả. Bởi lẽ ấy Tào Tháo mới nhìn thấy cái nguy hiểm của Dương Tu, Tháo giết Dương Tu là nhận ra cái tài phê phán tinh tường của Dương Tu. Chỉ có Tu là biết đến lòng đến ruột của ông, giết Dương Tu là giết mầm mống ác hại. "Công việc tiền phong để đánh phá những thể chế thống trị, để quần chúng muốn đổi thay, để quần chúng chấp nhận một tin tưởng mới là công việc của những nhà văn, những nhà hùng biện tài giỏi, có danh tiếng". (Le travail préliminaire tendant à saper les institutions existantes, à familiariser les masses avec l'idée du changement et à créer en faveur de la nouvelle Foi un état de receptivité, ne peut, être accompli que par les hommes qui sont d'abord et avant tout, des orateurs ou des écrivains et qui sont reconnus comme cela par tout le monde). Eric Hoffer viết tiếp: "Và những người cuồng tín (người hành động) chỉ nhẩy vào cuộc chiếm giữ chính quyền khi nào trật tự, uy quyền cũ đã bị bất tín nhiệm, đã không được quần chúng nghe theo nữa." (Les fanatiques ne peuvent entrer en scène et prendre le pouvoir que si l'ordre existant est tombé endiscredit et a perdu l'audience des masses). Do tính chất nguy hiểm của phê phán mà trên chính trị có vấn đề tư tưởng và khống chế tư tưởng. Vấn đề này bao giờ cũng trái ngược như trắng với đen, giữa thực tế và ước mong. Ai cũng ước mong tự do tư tưởng nhưng khi ngồi vào thực tế chính quyền là thi hành khống chế tư tưởng. Thậm chí ngay cả trên tư tưởng cũng mang nặng chủ trương khống chế tư tưởng nữa. Khổng Tử nói: " Nếu đạo của ta không được thực hành ta sẽ chèo thuyền dạo chơi ngoài biển, có Tử Lộ cùng đi với ta". Thật là một phong độ phóng khoáng vĩ đại, nhưng đồng thời nó cũng chỉ là một phong độ mong ước lý tưởng thôi. Thật thế, ngay các đồ đệ trực tiếp thụ huấn Khổng Tử như Tử Hạ, Tử Trương đã nghĩ khác rồi. Tử Hạ nói: "Có thể thì ta chơi với, không thể thì ta cự tuyệt". Tử Trương: " Khác với ta, ta lấy thái độ quân tử dung chúng. Không dung người thì không phải kẻ hiền. Người cứ việc cự lại ta, ta có gì mà phải chống với người đâu ". Ðến như ông Mạnh Tử thì cái chuyện khống chế tư tưởng tăng lên cao nhiều lắm. Ông mắng Trần Trọng Tử là con dun, sỉ vả Hứa Hành là cái lưỡi con vẹt miền Nam, công kích phái Dương, Mặc là súc sinh. Lénine và tập đoàn của ông đã mang sinh mạng mình vào cuộc đấu tranh cho giai cấp vô sản thoát ách độc đoán của chế độ Tsar Hoàng, nhưng khi nắm được chính quyền rồi ông dồn tất cả tâm lực vào việc xây dựng chế độ vô sản chuyên chính (dictature du prolétariat). Lénine và tập đoàn của ông cũng đã từng rất say sưa với những bài thơ trong sáng Tự Do của Pouchkine và Ryleev nhưng khi thực sự bước vào cách mạng mỗi lần đề cập đến hai chữ Tự Do ông thường nói: "Ở chỗ nào có Tự Do thì chỗ ấy không thể có nhà nước". Lúc chế độ Cộng Sản đã thiết lập ở Nga, một nhà báo Ý sang Nga hỏi Lounatcharsky Ủy Viên Giáo Dục rằng: Những người Bôn-Sê-Vích sẽ đối đãi ra sao với loại người như nhân vật Candide của Voltaire hay loại người thấm nhuần tư tưởng Niezstche? Lounatcharsky thản nhiên đáp: "Chúng tôi sẽ không để bọn đó sinh sôi nẩy nở." Câu trả lời đó cho thấy Lounatcharsky thực thụ là một "léniniste". Mấy chục năm trước Cách Mạng Tháng 10, Pouchkine, Gogol, Ogarinoff, Bielinski v.v... cùng chung sức xây kiến thiết cho nước Nga một tinh thần tự do. Gió Cách Mạng Pháp thổi tới. Tinh thần Tự Do nẩy nở trong lòng mỗi người để trở thành quan niệm tôn thờ Tự Do cá nhân. Lénine nhận thấy với tinh thần ấy cuộc cách mạng C.S. Nga không thể nào thành tựu được. Lénine cho rằng: những ảo tưởng nhân đạo, lý tưởng dân chủ, chủ nghĩa ái quốc lãng mạn, những ước vọng tự do của người "décembriste" không đủ khả năng chống trả với tổ chức đàn áp cách mạng, cho nên ông chối bỏ, ông xây dựng một quan niệm cách mạng khác. Lénine không hứa với dân chúng Nga hai chữ Tự Do mà kêu gọi trả thù và hòa bình. Với đám nông dân Lénine không hứa Tự Do mà sui dục rửa hận và ruộng đất. Với thợ thuyền ông không hứa Tự Do mà gào thét báo óan nắm chính quyền. Ông nhìn rõ chân tướng tình cảm lê thê và lý trí rụt rè của phần tử trí thức lúc đó. Ðã có lần Lénine nói với Kamenev: " Ðồng chí tin người ta có thể làm cách mạng mà không xử bắn ai hết sao?" Ðể biện hộ cho việc ông đã nghĩ đúng điều cần thiết cho lịch sử, một lần ông thổ lộ với nhà văn Maxime Gorki: " Sự độc ác tàn nhẫn của tôi sau này mọi người sẽ hiểu và tha thứ." BA MẶT CỦA PHÊ PHÁN. Phê phán một thể chế thống trị có ba mặt: - Phê phán tinh thần, đạo đức. (critique morale) - Phê phán chuyên môn, kỹ thuật (critique technique) - Phê phán ý hệ hay phê phán lịch sử (critique historique ou idéologique) Phê phán tinh thần đạo đức là chống lại những bất công, những sa đọa, những bế tắc trong quan hệ người với người như nhà viết kịch vĩ đại Ibsen ngụ ý trong các vở kịch của ông. Ông nhìn xã hội Norvège bấy giờ như một xã hội gồm toàn con người "nhân thân thú diện" (kịch "When the dead awaken"), trai ăn cắp gái làm đĩ. Gia đình người Norvège đầy bệnh hoạn, tự tư, tự lợi, ỷ lại, nô lệ, giả đạo đức (kịch "La maison des poupée"). Ở các vở kịch khác ông mở cuộc tổng công kích vào ba thế lực lớn nhất là pháp luật, tôn giáo, đạo đức. Với pháp luật ông vạch vòi sự gian lận của nó, tình cảm chết cứng độc ác bất cố nhân tình của nó, pháp luật là sự lừa đảo những người cô thế. Với tôn giáo, Ibsen chế riễu nó qua nhân vật Rosmersholm, vị linh mục bỏ đạo chạy theo thế lực vật chất. Mất hết lòng tin Chúa, linh mục gia nhập đảng Tự Do nhưng đảng Tự Do lại buộc linh mục không được từ bỏ chức vụ tôn giáo, công tác của ông là hãy lợi dụng tôn giáo lôi kéo mê hoặc giáo dân làm lợi cho đảng. Với đạo đức, Ibsen chua sót đưa vào vở kịch "L'ennemi du peuple" một người bị cả xã hội xua đuổi nhân danh đạo đức, dân chúng vì áp lực và gian tạo của cường quyền mà sôi nổi phỉ báng kẻ vì mình mà tranh đấu. Bằng vở kịch "Wild duck" ông nhìn nhận rằng những phần tử anh hùng của xã hội không còn nữa, chúng bây giờ đã được nuôi béo vỗ về nên bằng lòng cái kiếp chim lồng cá chậu, mà quên hẳn sông hồ mây trời. Thời kỳ Tưởng Giới Thạch cai quản Trung Quốc có rất nhiều vở kịch được nhiệt liệt hưởng ứng chĩa mũi dùi phê phán cuộc sống khốn khổ dưới chế độ Tưởng đáng kể như: - Lôi Vũ của Tào Ngu phơi bầy tội ác của gia đình phong kiến, tình trạng ngột ngạt khó thở của cái sinh hoại áp bức lừa dối. - Nhật Xuất của Tào Ngu nói lên hy vọng của một ngày mai đẹp đẽ sau cái chết âm thầm của cô gái nhẩy đáng thương Bạch Lộ. - Hồng Thủy của Ðiền Hán lấy cảnh lụt mà diễn tả nỗi ai oán của một gia đình nông dân. Ðói khổ ông lão đã lừa lúc con dâu và cháu ngủ để tự trầm dành phần cơm manh áo cho cháu. - Vãn Yến của Viên Mục Chi kêu gọi nổi dậy đấu tranh nếu không thì chỉ là tăm tối, ngục tù, chết chóc. Phê phán lịch sử hay ý hệ là xét lại toàn bộ xã hội hiện đại để đặt định một xã hội tương lai, phong kiến, trung cổ giáo quyền được thay thế bằng dân chủ tam quyền phân lập, tự do bình đẳng v. v... Những tác phẩm lớn thuộc loại phê phán này có thể lược kể như sau; - Quân Vương (Le Prince) của Machiavel. - Sáu tập luận về nền cộng hòa của Jean Bodin. - Leviathan của Thomas Hobbes. - Triết học chính trị rút tỉa từ Thánh Thư của Bossue. - Khảo Luận Về Chính Quyền Dân Sự của John Locke. - Vạn Pháp Tinh Lý của Montesquieu. - Xã Hội Công Ước của Jean Jacques Rousseau. - Lực Lượng Bình Dân của Sieyès. - Diễn Văn Tập Về Quốc Gia Ðức của Fichte. - Nền Dân Chủ Tại Mỹ của Roqueville. - Tuyên Ngôn Của Ðảng Cộng Sản của Karl Marx. - Ðiều Tra Chế Ðộ Dân Chủ của Charles Maurras. - Cảm Nghĩ Về Bạo Lực của Georges Sorel. - Nhà Nước Và Cách Mạng của Lénine. - Mein Kampf của Adolf Hitler. oOo Phê phán kỹ thuật là chỉ trích những chính sách, những biện pháp của chế độ vì bất lực, vì không thích nghi nên tạo ra sự lệch lạc, hỗn độn, tổn phí nguy hiểm. Phê phán thuộc loại này thường thấy trên báo chí, trong các cuộc hội họp, hoặc ghi lên bảng qua hình thức biểu ngữ v.v... Giá trị của phê phán chỉ có thể tạo nên sức mạnh khi nó thu thập được sự hưởng ứng và đồng tình, mỗi ý kiến mỗi tư tưởng nêu ra là đều có những "môn sinh" quy tụ, hay làm xúc động tâm lý số đông. Tào Ngu lúc nào cũng chú trọng vào pháp bảo " phải làm cho khán giả phổ thông bị hấp dẫn". Quần chúng chính trị chẳng có gì khác quần chúng kịch trường, người viết kịch cũng như người phê phán chính trị đều phải nhìn nhận quần chúng là sinh mệnh của chính trị cũng như quần chúng là sinh mệnh của kịch trường. SÁNG TẠO VÀ GIÁO DỤC. Không phải chỉ có sáng tạo là quan trọng. Giáo dục cũng quan trọng không kém. Phần tử trí thức được phân công hai nhiệm vụ đó. Alfred Sauvy viết: " Có hai loại tài năng, một gieo giống một để cho sinh nở". (Il y a deux sortes de génies l'un qui avant tout engendrer et veut engendrer, l'autre qui aime à se laisser féconder et qui enfante.) Giáo dục là sự môi giới giữa quần chúng với lịch sử, giữa quần chúng với tiến bộ, giữa quần chúng với trật tự. Thất bại trên giáo dục tức là thất bại toàn bộ. Chính với giáo không tách rời nhau cũng như cách mạng và huấn luyện phải gắn liền. Nếu ta đặt câu hỏi: Lịch sử xây dựng bởi trí thức phần tử? Trong phạm vi cục bộ thì lịch sử xây dựng bởi anh hùng hào kiệt, nhưng trên toàn chỉnh thì lịch sử được xây dựng bởi phần tử trí thức. Sinh hoạt là kế tục thích ứng muốn thích ứng với hoàn cảnh mới tất phải điều chỉnh nội bộ và ngoại bộ, nhiệm vụ điều chỉnh nằm trong tay giáo dục nghĩa là nằm trong tay phần tử trí thức. Lãnh đạo quyền là gì? Là chỉ sự nắm vững nguyên lý giáo dục. Hỗn loạn và lạc hậu bao giờ cũng là miếng đất tốt cho ác thế lực và hèn yếu nẩy nở. Kẻ vô sỉ làm quan to không đáng sợ bằng kẻ vô sỉ đi giảng dậy học vấn. Thời kỳ tối tăm nhất lịch sử thẩy đều là thời kỳ giáo dục phá sản, lịch sử chỉ lại sáng sủa khi giáo dục khởi sắc. Cái cảnh tưng bừng phấn khởi, dưới những gốc đa, những tàn muỗm, ở làng Quang, làng Mọc, làng Bưởi, các ông già bà cả, các thanh niên trai gái chăm chú nghe lời giảng của các vị sáng lập ra Ðông Kinh Nghĩa Thục chính là dấu hiệu cho hy vọng quật khởi vậy.