Hắn ôm vị hôn thê, xoay tròn giữa vườn hoa rồi hôn say đắm. Hắn đã xem đi xem lại hàng chục lần cuốn phim bất tử "Cuốn Theo Chiều Gió" để học cho nhuyễn nụ hôn trứ danh của thuyền trưởng Retbatlo dành cho Scarlett. Và hắn biết chắc rằng không một phụ nữ nào dù đoan trang tiết hạnh, có thể quên khi "được" hắn hôn một lần. Tử Vân không ngoại lệ, cô ngây ngất trong tay hắn, vòng tay quấn lấy cổ hắn, thân hình thon mảnh dán chặt vào người hắn. Hơi thở cô rực nóng dồn dập. Lâu thật lâu, hắn rời nàng vẻ luyến tiếc: - Nhớ em quá, nhưng anh đang tổ chức trung tâm viễn hành rất bận. Cô có vẻ buồn. Dù không nói, chỉ cúi mặt. Hắn khổ sở ôm cô dìu đi vào nhà luôn miệng thanh minh: - Em hãy hiểu cho anh, mọi nguồn tài chánh, sức lực, anh dồn vào đó, không thể lơ là. Nghe em nhắn, anh phải đình cuộc họp đến ngay. Cô ngồi xuống bên hắn, như hiểu ra, nhoẻn miệng cười: - Có giận em không, khi phải bỏ họp? - Không gì quan trọng hơn em. Nói đi! Chuyện gì nhắn anh gấp vậy? Phải mẹ cho cưới không? - Anh kìa! - Tử Vân đỏ mặt nũng nịu - Đâu gấp vậy. Vả lại... - Cô xịu mặt, mắt rưng rưng - Anh chứng nào tật đó. - Chuyện gì? - Anh chợt hiểu - Xã giao thôi, nghề nghiệp anh phải vậy, từ tây đến ta, em đừng bận tâm. - Không phải. - Cô ấm ức - Người ta nói, anh đang theo đuổi con gái ông Vĩnh Tường, lại còn mấy cô... bậy bạ. Đôi giọt trong veo chợt lăn trên má nàng. Hắn bủn rủn tay chân, trái tim đa tình mềm nhũn, ôm chầm lấy nàng, hắn rối rít: - Tử Vân! Anh thề không có. Còn mấy cô kia, trời đất, làm gì có. Từ ngày có em, anh tu tỉnh hết. - Hắn vụt trở lại vẻ mạnh mẽ của đàn ông - Tử Vân! có một điều em cần hiểu, anh yêu em nhất đời. Nhưng anh là người đàn ông yêu thích tự do trong công việc, anh mong em sau này chẳng những là vợ hiền, còn là đồng sự tốt giúp anh thành công trong sự nghiệp. - Nghĩa là... Hắn hôn nàng đắm đuối, đôi tay mơn trớn, vuốt ve: - Cao Nguyên Xanh và anh đều thuộc về em, hãy cho anh cưới em, đó là cách chứng minh tốt nhất. Tử Vân mềm nhũn trong tay người yêu khi thấy ánh mắt anh đầy khao khát si dại. Hắn vẫn hôn nàng, môi lần xuống bờ vai trần. Cô hốt hoảng vùng ra khỏi tay hắn. Sực tỉnh, hắn vụt đứng lên vuốt mặt, lắc đầu thật mạnh để xua đi cơn sốt tình. Một lúc quay lại, ngượng ngập thì thầm: - Tử Vân! Xin lỗi em. Mặt cô đỏ bừng, cắn môi mãi rồi nói nhỏ xíu: - Tại em... thôi, em nhớ anh. Hắn thở phào khi thấy nàng không giận: - Nhớ sao không đến tìm anh? - Hắn nắm tay nàng cười hỏi. - Mẹ cấm. - Nàng xịu mặt - Mẹ nói nơi đó không thích hợp với em. - Cũng phải. - Hắn gật gù - Vậy thì khi nào nhớ anh, cứ gọi anh sẽ bỏ tất cả đến ngay. - Hắn cười âu yếm - Giờ anh biết mục đích em nhắn rồi. Cô nguýt hắn: - Anh có quen Pierre và Jean không? - Sao em biết họ? - Hắn trố mắt - Bạn hồi anh sang Pháp. - Anh bảo họ đến tìm mẹ à? Hắn nhíu mày, lắc đầu vẻ khó hiểu: - Không. Họ đến đây à? Để làm gì? Cô nhìn chằm chặp vào hắn: - Họ muốn thuê nhà em làm chi nhánh công ty Rose-Pari, mời mẹ làm giám đốc Marketing. Hắn trố mắt: - Rose-Pari là cái gì? Một nơi chuyên bán hoa hồng Pháp à? Họ đâu phải dân kinh doanh. Lại giở trò gì nữa đây, hở hai gã bợm? Tử Vân cắn môi: - Không phải bán hoa hồng Pháp. Đó là một công ty chuyên danh hàng áo quần, trang sức, mỹ phẩm. Bộ mẹ bị gạt hả anh? Hắn ngẩn người một lúc, bối rối nói: - Họ không phải hạng người đó. Em nên biết, họ rất giàu, ở không ăn chơi, nhậu nhẹt và đánh bạc năm này sang năm khác. Nhưng Rose-Pari gì đó, hồi quen họ anh không nghe nhắc đến. Mà không được. Dù đúng, mẹ cũng đừng đồng ý, bọn ngoại quốc phiền lắm. - Phiền cái gì? - Cô ngây thơ hỏi. Hắn tránh câu trả lời, nói vẻ bực bội: - Mẹ điều hành cả công ty may xuất khẩu, rồi còn bao nhiêu cổ phần, ham hố làm gì? Phải biết quý trọng sức khỏe chứ. Còn nữa... - Hắn ấm ớ - Chúa bờm xơm là thằng Pierre. - Nhưng họ là bạn anh. - Bạn càng khó cho việc làm. - Hắn bồn chồn nóng nảy ra mặt - Tử Vân! Thuyết phục mẹ nhé. Nếu mẹ muốn làm ăn gì nữa, cứ nói anh. Thấy hết sự lo âu của người yêu, Tử Vân gật đầu: - Dạ, để em nói lại. Có gì em sẽ gọi anh. Hắn nhìn đồng hồ, dù luyến tiếc, nhưng vẫn đứng lên: - Anh có hẹn với tổng giám đốc một tập đoàn Nhật ăn trưa. Em thích đi không? Cô lắc đầu. Hắn từ giã người yêu bằng một nụ hôn dài rồi vội vã đi ngay. Hắn ra khỏi nhà, phòng khách có thêm bà Thanh Vân. - Yên chí đi. Nếu hồ sơ lý lịch họ ta chưa nắm thì hẹn tuần nữa. Nhưng theo mẹ, món bở đấy. - Anh Phong nói chưa từng nghe nhắc đến công ty đó. - Thì đã sao. - Bà Thanh Vân phẩy tay - Chỉ cần có tiền một tuần đã có công ty, huống hồ họ đã bốn năm không gặp lại. Hừ! Thằng Phong giỏi thật. Tử Vân có vẻ hồi hộp: - Mẹ có hồ sơ anh Phong rồi à? - Sao con khẩn trương vậy? Yêu đến độ hy sinh thân mình à? Nếu mẹ bảo không tốt thì sao? - Không thể. Con dò xét cả ba năm trời. - Mặt cô sa sầm. - Hắn mê hoặc được con rồi. - Sao mẹ nói vậy? - Mắt cô quắc lên giận dữ. - Con tự biết mà. Chẳng trách bao cô chết mê vì hắn. Tử Vân cười nhạt: - Ai chết vì ai con tự biết. Mẹ chờ xem và nhớ lần sau đừng nhìn lén sau rèm. Hắn tinh ý lắm đấy. Bà Thanh Vân thoáng đỏ mặt, vụt xấp giấy ra bàn: - Con luôn gặp hên. Xem đi. Chris-Phillips vừa đưa đến, hắn nói bản lý lịch về Đình Phong hoàn toàn chính xác. Đọc xong, Tử Vân đẩy xấp giấy sang một bên, kiêu hãnh, mãn nguyện nói: - Phong không muốn mình dính vào bọn Jean, anh bảo mẹ muốn làm ăn gì thì cứ nói với anh ta. Bà Thanh Vân bĩu môi, nhưng viễn ảnh Cao Nguyên Xanh thuộc về mình khiến bà náo nức: - Mình phải đi bước thứ hai, công khai quan hệ và thâm nhập dần Cao Nguyên Xanh. Con định khi nào cho cưới? Tử Vân suy nghĩ: - Trái trên cành quí hơn trong bị. Phong phải hai tay dâng Cao Nguyên Xanh cho con. - Con thật thông minh. Trước buổi hẹn Jean, gọi hắn đến. - Mẹ định làm luôn. - Dĩ nhiên. Nếu con có Cao Nguyên Xanh, mẹ phải có Rose-Pari mới xứng. Không thể xổng cá mập. - Tùy mẹ. - Tử Vân đứng lên - Có điều con muốn nhắc mẹ nhớ, mục đích chính và thời gian còn lại không nhiều. - Với mẹ, không gì khó. - Người đàn bà cười ngạo nghễ. Hắn đang ở thượng tầng Cao Nguyên Xanh, trong trung tâm phối diện và vật tư. Thiên đang ngồi trước sơ đồ điện Cao Nguyên Xanh. Vẫn không mở miệng từ khi hắn bước vào. Hắn sốt ruột: - Tìm ra nguyên nhân mất điện chưa? - Có điện phát, anh lo gì chớ? - Thiên làu bàu - Chắc chạm ở đường dây dẫn, nhà hàng xài quá công xuất, dây không đủ trọng tải. Anh duyệt chi, cho thay toàn bộ dây khu nhà hàng và bar. - Chi lớn quá. Có cách gì không? - Anh hỏi để mà hỏi thôi phải không? Còn cách gì, dù sao đâu nhiều bằng tiền mua hai chiếc nhẫn hột xoàn. - Thiên đay nghiến. Hắn nhíu mày nhìn Thiên. Chưa một ai dám phê phán hắn, đừng nói là kiểu đay nghiến này. Còn dám phi phạm cam kết gọi hắn bằng anh. - Không phải việc của anh. - Hắn lạnh lùng - Nhiệm vụ anh là đem ánh sáng về Cao Nguyên Xanh. Phải hoàn thành trước mười hai giờ. Đó là lệnh. Hắn bỏ đi trước khi Thiên kịp phản đối. Hắn về thẳng phòng đóng cửa. Để nguyên quần áo, nằm dài xuống giường, nhắm nghiền mắt. Rất lâu, hắn uể oải ngồi lên, cho tay xuống gối, lấy ra tập hồ sơ xin việc ngoài có hai chữ K'lan. Chậm rãi xé từng tờ một, xé đến nhỏ vụn, bỏ vào giỏ rác. Xong, đóng cửa theo cầu thang xuống nhà lễ tân. Qua quầy bar đến phòng Lâm, phó giám đốc. - Nếu mai tôi không về kịp, anh xử lý mọi việc thay tôi. - Anh đi đâu? - Lâm buột miệng. Hắn chẳng buồn trả lời, ra xe lái đi. Mười lăm phút sau, hắn ngồi trước người đàn ông bệ vệ. - Tôi muốn cô ta về Lạc Dương. - K'lan có quyền tự do của cổ mà Phong. - Tôi không nói nguyên tắc với ông. - Hắn đứng lên, mắt trơ như đá. - Tôi đang ở đây, đâu có thuộc về nguyên tắc. Nếu ông tỏ ra bất lực, tôi đi ngay. - Ấy... ấy! - Người đàn ông bật dậy, nhăn nhó - Thì mày phải cho chú thời gian chứ. - Trễ nhất ngày mai. Cô ấy phải ở bên chú Sơn. Hắn chìa ra mảnh giấy chi chít chữ: - Với các khách sạn, trung tâm viễn hành thuộc nhà nước, ông biết phải làm gì. Còn đây là danh sách toàn khách sạn tư nhân, các chi nhánh viễn hành quận, các tổ chức du lịch khảo sát, ông phải triệt để không để K'lan có cơ hội nào ở lại đây. Chào ông. Hắn biến mất. Người đàn ông ngả người ra ghế, nhăn nhó đến thảm hại. Ông biết hắn quá mà, giống cha như tạc, nói một là một, hai là hai. Nếu không làm theo yêu cầu, hắn dám bỏ ngang. Ối trời! Kiếm một giám đốc không khó, khó là thằng giám đốc đó có biết làm ăn đem tiền lãi về nhiều như hắn không? K'lan ơi! Chẳng lẽ, chú là người phá hạnh phúc cháu sao Gã đúng là dân Ănglê chính hiệu. Qua dáng dấp thanh nhã, cao ráo trong bộ veston mùa hè xám nhạt với mái tóc nâu uốn lượn, xoăn ốp sát gáy và gương mặt xương gầy đẹp, cổ điển trên làn da trắng xanh đầy vẻ quí tộc. Gã nâng bàn tay bà đúng điệu, hôn thật trang trọng, tia mắt màu đồng lấp lánh ngọn lửa hân hoan. - Hôm nay bà thật tuyệt vời. Người đàn bà tặng gã nụ cười quyến rũ. Ngồi đối diện hắn trên chiếc ghế salon rời. - Chris, bạn thân mến. Có cần an ủi tôi bằng lời nịnh đầm cố ý vậy không? - Không đâu. Đám mây hy vọng của tôi. Tôi sẽ chứng minh cho em thấy. Nào! Em qua đây với tôi. Nghe Chris đổi cách xưng hô, người đàn bà đỏ mặt nguýt yêu nhưng vẫn đứng lên qua ngồi bên hắn trên chiếc salon đôi. Hắn lấy trong túi áo ra chiếc hộp nhưng đặt vào tay người đàn bà rồi giữ luôn đôi tay nuột nà nâng niu. Người đàn bà giật tay lại, nghiêm trang nói khi ánh mắt đẩy đưa sóng tình. - Chris! Tôi không dám nhận. Chris hãy cho tôi biết có kết quả chưa đã. - Nếu em không nhận và đền trả anh chút gì thì anh không nói đâu. - Chris nói, mắt đăm đăm nhìn nàng. Một lần nữa hắn đổi cách xưng hô, rút ngắn mối quan hệ mới có từ ba tháng nay với người đàn bà giàu sang quyến rũ này bằng vẽ si mê hào hoa, lịch lãm của một nhà quý tộc Anh quốc chính hiệu. - Thôi được. Tôi nhận, Chris! Muốn tôi đền trả bằng cách nào? - Người đàn bà cảm động thiết tha. - Lạy chúa! Thanh Vân! Em thật quyến rũ chết người qua nụ cười. Nếu như thế này mãi, chắc anh phải cầu hôn em, để rồi chuốc thảm bại thôi. Hắn cố ghìm nén vẻ bứt rứt. - Thôi được, anh thua. Đây là hồ sơ về Paris và chủ nhân, xác thực một trăm phần trăm. Nếu có thể trả ơn bằng nụ hôn. Được không? Người đàn bà mắt long lanh rạng ngời khi nhận chiếc bì hồ sơ nhỏ. Không nén được niềm vui, bà ta chồm lên hôn vào má Chris. Hắn nhanh như ánh chớp, chộp luôn bờ môi, quấn lấy. Hai tay hắn siết ngang chiếc eo, rồi miết từ bờ vai trần xuống dọc sống lưng rồi vuốt ngược lên... Dù để hắn hôn, người đàn bà dường như vẫn khống chế được nỗi đam mê thể xác. Quả nhiên, người đàn bà bừng dậy cơn sốt tình, đôi tay quấn quýt trở lại trên thân thể hắn, bờ môi hé mở, khao khát, hôn cuồng nhiệt si mê. Hắn rên ri: - Lạy chúa! Thanh Vân. Anh chết mất. Tử Vân nhìn tư thế nửa nằm nửa ngồi hoàn toàn buông thả của mẹ với ánh mắt mơ màng bằng vẻ khó chịu ra mặt. Nếu cô bất chợt nhìn thấy, cái võ thượng lưu tiết hạnh đi tong. - Mẹ làm sao vậy? Bao nhiêu kẻ ăn người ở trong nhà... Bà Thanh Vân phẩy tay: - Mẹ cần con dạy sao? Chris chưa đến, mẹ đã cho chúng ra ngoài. Con làm gì khó chịu vậy. Chris cần sự trao đổi, mình được tôm phải mất tép thôi. Mắt Tử Vân sáng lên: - Nhưng mẹ cẩn thận một tí. Trời ạ! Con thấy mẹ có mất đâu, dường như được rất nhiều. Nào, cho con xem thành quả của mẹ. Tuyệt chứ? - Chẳng bỏ công. - Bà Thanh Vân ngồi lên đưa cho Tử Vân bì hồ sơ toàn tiếng Anh. Tử Vân đọc khá lâu, xong cuộn lại trả lại, trầm ngâm hỏi: - Chris đáng tin không? - Mẹ nhớ mình chưa lầm ai bao giờ. Lý lịch hắn mẹ nắm trong tay và hiểu chỉ có hắn mới giúp được mình. Tử Vân gật đầu: - Nhưng đây là Việt Nam. Mẹ phải hạn chế việc giao thiệp với người ngoại quốc. Nếu thấy mẹ toàn cặp kè với những người ở các tòa đại sứ, thì sẽ phiền hà. - Được rồi. Vậy chuẩn bị cho cuộc hẹn Rose-Pari đi. Con thấy đó, mẹ biết ngay là cá mập. Jean Bruller con sẽ kế thừa cha nắm tập đoàn Bruller - tập đoàn này giàu mạnh nhờ đệ nhất và nhị thế chiến, mua được đá quí lậu trên toàn thế giới đổ về, biến thành tên gọi khác hợp pháp. Nếu ta nắm được Bruller, số tài sản khổng lồ kia sẽ là của ta. Ôi! Mẹ không ngờ thời vận mình đỏ đến vậy. - Con nghĩ mẹ khó nắm Bruller. Hắn trạc Đình Phong. - Thì sao? Làm kinh doanh chủ yếu là biết cách. Còn nếu thật sự hắn thích cừu con, con phải vào trận. - Không được. - Tử Vân phản đối ngay - Mẹ điên sao, kế hoạch con là Cao Nguyên Xanh. Đình Phong đâu dễ bị qua mặt. Hơn nữa, ảnh là bạn của Bruller. Bà Thanh Vân đứng lên, khoát tay: - Chuyện đó bàn sau. Giờ con đăng báo tìm gấp cho mẹ người làm vườn, kiêm cận vệ. - Tại sao phải đăng báo? Mẹ chẳng có Lý Tài sao? - Con cứ đăng báo, Lý Tài cứ đến xin việc, giữa bao nhiêu người mẹ sẽ chọn hắn. - Hiểu rồi. - Con đến Cao Nguyên Xanh đây. Trước khi Tử Vân đến, Cao Nguyên Xanh có cuộc họp kỳ quặc giữa giám đốc, các trưởng phòng, ban lễ tân. Giám đốc nói một câu độc nhất. - Cô Tử Vân, vợ chưa cưới của tôi sắp đến đây, quí vị hãy giúp tôi bằng cách cứ sự thể hiện nào mình có được. Giải tán. Cô Nguyệt Cầm ở lại, tôi nhờ ít việc. Khi Nguyệt Cầm về đến quầy lễ tân, chiếc Nissan cũng dừng ngay tiền sảnh. Người tài xế nhanh nhẹn mở cửa xe, từ bên trong bước ra một nhan sắc khiến khách và chủ Cao Nguyên Xanh nín thở dù nhan sắc kia còn trọn vẹn nét tinh khiết thơ ngây. Nàng e ấp trong tà áo dài bằng gấm dệt hình mây bay, môi run run, má đỏ bừng, hỏi Nguyệt Cầm: - Thưa chị, cho Vân hỏi ông Đình Phong. Nguyệt Cầm mỉm cười, từ vẻ lịch sự cô đổi sang vẻ ngưỡng mộ cung kính: - Thưa cô. Chắc cô là Tử Vân. - Dạ. Lập tức ban lễ tân nhộn nhạo. Nguyệt Cầm rời khỏi chỗ bước ra, hấp tấp nói: - Thưa cô. Vui lòng chờ giây lát, giám đốc đột xuất có điện từ thành phố gọi. Giám đốc hứa về sớm nhất, mời cô lên phòng khách riêng chờ. - Không đâu. -Tử Vân hấp tấp xua tay - Vân phải về, để khi khác. Cô hấp tấp quay ra, Nguyệt Cầm hốt hoảng: - Thưa cô. Xin cô đừng đi. Mấy hôm nay được cô báo đến thăm, giám đốc chúng tôi rất vui, đã cho thu vén Cao Nguyên Xanh, đích thân chọn từng loại hoa, cây cảnh. Nếu ông về biết chúng tôi đón tiếp cô không chu đáo, chắc sẽ giận. Nguyệt Cầm bối rối vặn vẹo đôi tay, nét mặt lo âu, khổ sở. Tử Vân rụt rè nắm tay cô: - Thôi được. Vân chờ. Nhưng chị đừng để Vân một mình. Nguyệt Cầm mừng rỡ: - Không. Không đâu. Tôi sẽ hầu chuyện cùng cô. - Vậy mình đi dạo quanh nhé chị. Vân ngại chỗ này quá. Lập tức Nguyệt Cầm đưa Tử Vân đi lối riêng ra vừơn hoa. Cả hai chậm rãi dạo quanh. Vừa đi vừa trò chuyện. Nguyệt Cầm sau giây phút lo lắng, trở lại vui mừng, trả lời mọi tò mò của Tử Vân về Cao Nguyên Xanh và giám đốc. Như có thông điệp trước, ngay trong vườn hoa, dưới gốc ngọc lan ngào ngạt hương thơm xuất hiện chiếc bàn mây có vài ghế nhỏ, có lẳng hoa "Đừng quên tôi" và hai ly cocktail nhiều màu sắc rực rỡ. Đám nhân viên vờ lảng vảng quanh vườn, trộm nhìn Tử Vân, nếu bị cô bắt gặp, họ bẽn lẽn cúi chào thật cung kính dù mặt đầy hớn hở. Tử Vân ngạc nhiên: - Chị Nguyệt Cầm. Họ làm sao thế? - Họ muốn ngắm cô. - Nguyệt Cầm thật thà. - Giám đốc tôi, chắc cô hiểu, ông rất tài giỏi, tốt, có điều xưa nay quen phóng túng và thường khó chịu khi bị đeo đuổi. Bỗng dưng, từ sau dạ hội, ông càng cáu gắt, khó chịu, chúng tôi càng lo sợ. Thế rồi ông thay đổi hẳn, lúc nào cũng vui vẻ. Hôm kia, lúc tiếp ông tổng giám đốc hãng Sony, giám đốc tôi khi trả lời chuyện gia đình, nói đã có hôn thê tên Tử Vân, trễ nhất mùa xuân tới sẽ thành hôn và mời ngài tổng giám đốc sang dự. Mặt Tử Vân đỏ bừng, kéo tóc che môi, run run. Nguyệt Cầm cầm tay cô định nói, đã nghe tiếng gọi lớn: - Tử Vân! Đình Phong chạy đến, tóc rối bù vẻ hối hả, gần như lao tới, ôm chầm Tử Vân; - Anh xin lỗi để em chờ. Tử Vân! Đừng giận nhé! Cô bối rối gỡ vội tay anh, rối rít: - Kìa anh. Buông ra! - Cô gắt khẽ, mắt rơm rớm. Đình Phong sực nhớ, buông vội, nhìn quanh: - Đâu có ai. Có cũng chẳng dám nhìn lén đâu em. - Anh thật kỳ. Quen thói ư? - Cô dằn dỗi. - Không có. - Anh nhíu mày - Không ai ngu ngắt hoa vườn nhà, anh phải giữ uy tín mình. Vả lại, toàn Cao Nguyên Xanh đều biết em rồi, chưa đủ để em tin anh sao? - Đình Phong hỏi buồn bã - Thật khó gội rửa cho một thời phóng đãng đã qua. Tử Vân rụt rè nắm tay anh: - Tử Vân xin lỗi. Có lẽ vì đây là khách sạn, giá anh có nhà riêng, em đỡ ngại. - Anh đã chuẩn bị, vì thế sáng nay phải qua nhà đất. Anh vừa nhận giấy chủ quyền sử dụng đất. Em thích xem căn nhà tương lai chúng mình không? - Thích lắm. - Cô hớn hở. - Vậy đi với anh lên đây. Anh cho xem đồ án tổng thể và bản dự chi. - Đâu nhanh vậy? - Cô ngơ ngẩn. Anh phì cười, siết gọn cô trong tay: - Bé yêu! Chậm đó. Anh mất một tháng để hiểu cần gì, còn giờ đây, anh không để phí giây phút nào cả. Chúng ta thuộc về nhau, những gì của anh là của em. Em hiểu không? Sau giây phút ngẩn ngơ, Tử vân để mặc Đình Phong dìu cô vào trong. Họ đi qua hàng loạt nhân viên chào hỏi cung kính, qua hàng chục khách du lịch nhìn cả hai thích thú lẫn ngưỡng mộ, đến buồng thang máy. Nguyệt Cầm nhìn theo khẽ nói: - Ông ấy vì người yêu, bỏ cả thói quen lẫn lòng kiêu hãnh. Toàn Cao Nguyên Xanh đều biết điều ấy. Người đàn ông bệ vệ trầm ngâm nhìn "bức thư" trước mặt. Ông đọc đi đọc lại chẳng biết bao nhiêu lần "bức thư"này trong suốt ba năm nay. Và cũng trong suốt ba năm qua, ông tiến hành điều tra làm sáng tỏ những gì còn khuất lấp. Và giờ đây, với sự giúp đỡ bạn bè trong, ngoài nước, ông đã có câu trả lời thích đáng với người bạn chiến đấu năm xưa, với người chiến sĩ một thời lừng lẫy, giờ đang gánh chịu bao oan tình. Chil Sơn! Thong thả, ông cầm bức thư đọc lại lần nữa. "Anh cho là một bức thư tâm tình giữa tôi và anh, qua lời yêu cầu giúp đỡ, hay đây là lá đơn trần tình của một công nhân chân chính, thấy chuyện bất bình chẳng nỡ làm ngơ cũng được. Chỉ cần anh làm sáng tỏ vụ này cho một kết thúc rõ ràng tội hay không tội để nhân dân và cán bộ trên tôi yên lòng. Anh thừa biết những điều quy tội cho Chil Sơn rất khủng khiếp, nhưng không khiếp hơn là sự thờ ơ, lơ lửng không rõ ràng giết dần mòn Chil Sơn theo năm tháng. Hãy giúp chúng tôi, giúp Chil Sơn. Một người như nó không thể phạm thứ sai lầm đó. Chắc anh thừa hiểu?" Người đàn ông đặt bức thư xuống bàn lặng lẽ châm thuốc hút. Tàn điếu này, ông nối điếu khác đến khi cổ họng đắng kho, ông mới dúi tàn vào gạt, nhổm lên rút kẹp hồ sơ số một màu đen mở ra. Bên trong có ghi chú từng ảnh. Ảnh đầu tiên là người đàn ông cỡ 35, 36 tuổi, đeo kính trắng, trí thức, thanh tú. Sau ảnh ghi: "Tiến sĩ Trần Dụng sinh năm 1928 - Đảng viên đảng Cộng Sản năm 1947. Mật danh: 42. Chức vụ: Trưởng ban kinh tài, lực lượng biệt động Phù Đổng - Sài Gòn". Ảnh thứ hai là một thanh niên có mái tóc quăn tự nhiên, với nụ cười tươi. Sau ảnh có ghi: "Giang Sơn "Chil Sơn", sinh năm 1955 - Đảng viên năm 1970. Mật danh: 43 - Đội trưởng đội quân Phù Đổng". Ảnh thứ ba là người đàn bà đẹp, tóc uốn xõa lưng. Sau ảnh ghi: "Trần thị Quỳnh Dao, sinh năm 19455, vợ Trần Dụng. Không tư tưởng chính trị. Sau năm 1968, trở thành nhà kinh tài cho lực lượng giải phóng miền Nam". Ảnh thứ tư là một cô gái trạc 16 tuổi, đẹp thanh thoát. Sau ảnh ghi: "Trần thị Phi Yến, sinh năm 1965. Con Trần Dụng - người yêu Giang Sơn. Cùng mẹ vượt biên năm 1981". Người đàn ông nhìn chăm chú bức ảnh Phi Yến. Cô như cười với ông. Nụ cười mê hồn trong nét thơ ngây. Ông nghĩ thầm chua chát: "Anh hùng không qua ải mỹ nhân". Thằng Sơn đến giờ vẫn chưa tin vào sự thật, hay đang dối lòng trong mòn mỏi?". Sơn ơi, Anh đau lòng cho em. Ông đọc lại bản báo cáo phòng lưu trữ gởi đến... Đồng chí Trần Dụng từ những năm 40 đã hoạt động cách mạn, xuất thân: gia thế vọng tộc, là người trí thức chân chính, mong mỏi canh tân, đổi mới đất nước. Vào đảng năm 47, đồng chí du học Pháp, là một trong ba người Việt nam, đầu những năm 50 lấy bằng tiến sĩ. Năm 1956 đồng chí bắt đầu hoạt động tình báo ở miền Nam, làm trưởng ban kinh tài, và chỉ huy tổ chức thông tin liên lạc Phù Đổng Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, đồng chí lập gia đình với Trần thị Quỳnh Dao, 17 tuổi, gia đình nho giáo, thanh bạch ở Cần Thơ. Năm 1964, có con gái đặt tên là Trần thị Phi Yến thường gọi là Sơn Ca. Trong suốt những năm hoạt động, Trần Dụng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Được tặng thưởng huân chương nhà nước. Năm 1968, trước giờ phát lệnh tổng tiến công, Trần Dụng đột ngột từ trần vì một cơn đau tim cấp. Lực lượng tình báo miền Nam, có nghi ngờ về cái chết của ông nhưng không tìm được bằng chứng nào. Sau đó, vợ ông thay chồng nhận làm kinh tài và làm rất tốt công tác này cho đến ngày giải phóng. Công tác thông tin liên lạc của đồng chí Trần Dụng do Giang Sơn, tên thật là Chil Sơn, người cận vệ của Dụng, tổ trưởng tổ Phù Đổng đảm nhận. Giang Sơn thuồc dân tộc K'Ho, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Năm 1970, được kết nạp đảng. Lập nhiều chiến công, có nhiều huân chương, bằng khen. Sau năm 1975, đồng chí về lại Lạc Dương, làm công tác an ninh. Phần tài liệu bổ sung từ 1972. - 1977 Trần thị Quỳnh Dao bàn giao toàn bộ nhà máy cao su và tài sản, tiền bạc cho nhà nước. - 1977 Nhà nước tặng thưởng bằng khen có công với cách mạng, cấp nhà vĩnh viễn (căn nhà cũ ngày trước). - Tháng 2 năm 1979, nghi vấn Quỳnh Dao thâm lạm công quỹ mở cuộc điều tra không có kết quả. - Tháng 10 năm 1980, Giang Sơn liên lạc thường xuyên với mẹ con Quỳnh Dao. Giang Sơn quan hệ với Phi Yến và báo cáo trước cơ quan. - Tháng 3 năm 1981, mẹ con Quỳnh Dao vượt biên, căn nhà được cấp cho một cán bộ thuộc viện nghiên cứu khoa học. Năm 1985, căn nhà đổi chủ. Năm 1992 một Việt kiều quốc tịch Ý mua lại. Theo đúng thủ tục hành chánh tên Hoàng thị Thanh Vân, là giám đốc công ty may xuất khẩu Thế Giới. Người đàn ông bệ vệ ngả đầu ra sau, nhắm mắt, một thoáng ngẫm nghĩ, ông lấy ra tập hồ sơ khác, chăm chú đọc. Hồ sơ điều tra Chil Sơn tức Giang Sơn (mật) Đồng chí Chil Sơn có phẩm chất tốt, là một cán bộ trung kiên của đảng, luôn đi đầu trong mọi khó khăn, chăm lo cho dân cái ăn, cái mặc, cái chữ. Đồng chí Sơn nói phải học chữ mới sáng cái đầu, mới giàu mạnh. Những ngày đầu về lại xã Lát, đồng chí là người đầu tiên phá bom, gỡ mìn. .... K'Min cán bộ phụ nữ xã khai báo: "nó giấu mặt thật thôi, nó quen ăn ngon mặc đẹp ở thành phố, nó chẳng thích về với bản làng đâu. Nó làm xong việc là lên Đà Lạt, nó không mặc xà rông, không uống rượu cần, nó chê gái K'Ho không đẹp, không thơm, nó quan hệ vợ chồng với cô gái mặt trắng thành thị bằng tuổi con cháu, nó không thể tốt khi đạo đức xấu". .... Đăm M'Dương (Nhân dân huyện Lạc Dương gọi là Chúa Lang Brian) vừa du học nước ngoài về, không trả lời và không nhận xét chỉ nói một câu: "Sư tử không bao giờ là chuột". M'Dương không tiếp cán bộ điều tra hai lần sau đó. Ghi chú: Đăm M'Dương trong lòng nhân dân Lạc Dương là chúa tể, tôi xin ghi vắn tắt sơ yếu lý lịch anh ta. Đăm M'Dương sinh năm 1969. Cha: Đăm M'Thông là Chauquangbòng (tộc trưởng người K'Ho). Mẹ: Lê thị Bình người Kinh, là giáo viên trường cấp 2 Lạc Dương. Đăm M'Dương có sức khỏe kỳ lạ, thông minh, từ bé nổi tiếng thần đồng. Năm 1985, mới 17 tuổi đã đậu đại học, được nhà nước cho du học nước ngoài, được học bổng suốt thời gian học của hội khuyến học nước Pháp. Về nước năm 1989. Tốt nghiệp hai đại học loại ưu. Kỹ sư lâm nghiệp. Cử nhân: kinh tế - đối ngoại. Thông thạo tiếng Anh - Pháp. Xin lưu ý về người này, vì M'Thông là anh kết máu ăn thề với Chil Sơn, M'Dương rất quí chú mình, anh có người yêu tên K'lan, học đại học. Xếp tập hồ sơ, lơ đãng châm điếu thuốc, người đàn ông nhớ về một đêm trăng ông trở lại xã Lát.... - Nó được gọi là chúa Lang - Brian, không ai khuyên nó được. - Người cha nói vẻ tự hào, nhìn con trai. Hắn bỏ đi, đi mãi, đến con suối có người con gái đang tắm, hát véo von. Ông thấy hắn nhìn cô, tràn yêu thương qua tia mắt sáng rực dưới trăng. - Tôi sẽ đi với chú, không phải vì những gì chú đã làm cho tôi. Suy cho cùng ra, đó là nhiệm vụ của chú với đất nước, tôi còn cả một đời để trả, để cống hiến. Tôi đi vì Chil Sơn, vì chú ấy, tôi mới đủ can đảm lìa xa nàng, làm kẻ bội tình, quên lời thề trên đỉnh Lang-Brian năm nào - Hắn thở dài - Coi như thử thách lòng chung thủy của nàng. Người đàn ông bệ vệ chợt cười một mình. Ai biết nó hơn ông. Cái thằng! Lúc nào cũng có điều gì đó khiến ông nể phục. Nó là niềm kiêu hãnh của người K'Ho. Ông ngồi thẳng lên, rút tập hồ sơ từ Pháp gởi về. Tháng 3 năm 1965 tại Paris, ngài Bruller đang sống những giây phút cuối đời đầy đau khổ, dằn vặt... Ông nằm trên chiếc giường phủ drap trắng, tất cả đều một màu trắng, quanh người đầy dây nhợ, máy móc. Ông tỉnh lại, sau mũi tiêm vào tĩnh mạch. - Cha! Người đàn ông ngoài 30, trong áo choàng trắng, dừng chân ở giường, mừng rỡ gọi, lao đến bên cha. - Lạy chúa! cha tỉnh rồi. - Chuẩn bị cho sự ra đi về cõi vĩnh hằng - Người cha thều thào nói, bàn tay trơ xương, gầy đét níu tay con trai. - Gọi luật sư Vĩnh cho ta. Mau! - Thưa cha, ông ấy đang chờ bên ngoài. Vĩnh, luật sư cố vấn dòng họ Bruller bước vào. Đó là người đàn ông Châu Á, tầm thước trạc 35 tuổi, quốc tịch Pháp, gốc Hoa lai Việt. - Thưa ngài Bruller! - Vĩnh cúi xuống vẻ sẵn sàng lắng nghe, nét mặt trang trọng. - Vĩnh! - Một thoáng hồng hào, tinh anh trở lại ở gương mặt khô đét, xanh nhợt, Bruller cha đặt bàn tay gầy xương xẩy lên tay người luật sư gia đình nói: - Ông làm hết giấy tờ chưa? - Thưa ngài Bruller, đã xong. - Anh hãy tiếp tục với con tôi như với tôi hồi mười năm trước. Hứa đi. - Vâng, thưa ngài. Xin ngài an lòng tĩnh dưỡng. - Tĩnh dưỡng? Ông Vĩnh! Không cần gượng nhẹ, đúng không? Bruller cha nở nụ cười méo mó - Ai cũng phải chết một lần, tốt hơn khối kẻ, bởi tôi đã được tất cả, và bây giờ tới thời Jean Bruller. Bruller ho tràng dài, Jean vuốt ngực cha bối rối, lo sợ. Cha anh gạt đi, hổn hển nói: - Chúng ta đã sẵn sàng, Jean! Đừng đàn bà như thế. Đó là lý do tại sao cha không muốn gặp bất cứ người phụ nữ nào thuộc dòng họ nhà Bruller. Đàn bà! Nước mắt! Hừ! Có ích gì trong xã hội này. Nghe cha nói đây, cha còn việc cuối cùng muốn con và luật sư Vĩnh làm. - Xin cha cứ nói. - Con hẳn ngạc nhiên khi không thấy bộ sưu tập kim cương kê trong di chúc thừa kế? Là cha quyết định trao tặng một người. À không, cho một tổ chức kháng chiến dành độc lập. Cha đã trao đổi với ông Vĩnh, con hãy thay cha hoàn thành tâm nguyện cuối cùng này. - Thưa cha, đó là tổ chức nào? - Thưa ông Bruller, lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam - Luật sư Vĩnh trả lời. Jean Bruller không hiểu, Vĩnh nói rõ hơn: - Cô Maria có người bạn trai là nhạc sĩ Việt Nam, người này làm cách mạng ở Việt Nam từng sang Paris rất được ngài Bruller quí mến. Ngày cô Maria sắp mất, có xin ngài Bruller cho phần thừa kế và dùng số thừa kế này ủng hộ kháng chiến Việt Nam, cha ngài đã hứa. Jean Bruller siết chặt tay cha, anh nhớ đến em gái, nhìn cha, đau thắt lòng, nghẹn ngào nói: - Cha yên lòng, tâm nguyện Maria con sẽ thay cha hoàn thành. - Tốt lắm Jean. Giờ con hãy ký giấy cho cha được chết trong an lành. - Cha! - Cha không thể chịu đựng nổi. Con hiểu không? Cha sợ sự đau đớn hơn cái chết. Jean! Hãy giúp cha - Bruller cha oằn oại thều thào. - Cha ơi! - Jean Bruller òa khóc, quì thụp xuống giường. Mười lăm phút sau, Bruller cha, nhà tỷ phú, tổng giám đốc tập đoàn kim cương đá quí châu Âu đã trút hơi thở sau cùng. Người đàn ông đọc tư liệu nhận từ nước ngoài Tháng 8 năm 1965, Cộng Hòa Dân Chủ Đức - Berlin George Block là một người đàn ông nhỏ nhắn, trắng trẻo, có hàng ria mép cánh kiến tỉa tốt và đôi mắt xám màu thép. Chỉ đôi mắt ấy mới khẳng định hết bản chất thật sự trong anh, dưới cương vị chủ tịch hiệp hội "Vì hòa bình độc lập toàn thế giới". Anh đang đứng trước ban thường trực hội gồm 8 thành viên thuộc 8 nước: Ba Lan, Liên Xô, Bungari, Nam Tư, Tiệp Khắc, Hungari, Anbani và Cu Ba, đọc bức thư mới nhận cách nửa giờ. ".. Ngài Jean Bruller muốn thông qua tổ chức các ông, chuyển đến lực lượng giải phòng miền Nam Việt nam số tài sản này để họ dùng vào việc đấu tranh thống nhất đất nước. Ngoài ra, ngài Jean Bruller gởi tặng riêng hịêp hội các ông một số tiền là hai triệu Franc. Nếu hiệp hội hoàn thành xong nhiệm vụ một cách hoàn toàn bí mật. Nếu các ông đồng ý, chúng ta sẽ tiền hành giao dịch. Địa điểm tùy các ông chọn. Mong chờ sự trả lời nhanh chóng từ các ông. Ký tên. Junot Bernadotte (Luật sư cố vấn tập đoàn Bruller cha và con). George Block đặt bức thư xuống, nhìn quanh và dừng ánh mắt tại Artua Antôniepxki. - Antôniepxki, anh giữ mối liên hệ ở Pháp, có biết gì về tập đoàn Bruller không? Artua rời bàn, nói: - Xin dời cuộc họp lại sau một giờ, chúng ta đủ hồ sơ về tập đoàn Bruller và tay Junot Bernadotte mới quyết định. - Đồng ý. - Cả tám thành viên điều nhất trí. Đúng một giờ sau, chín người về chỗ cũ,k trên tay Artua thêm xấp hồ sơ, anh đọc xong khi tất cả ngồi xuống. - Bruller cha và con, nắm trong tay 65% cổ phần tập đoàn đá quí châu Âu, nên tập đoàn nầy mang tên Bruller cha và con, ngoài ra còn khoảng 15% cổ phần nằm trong tay con trai, con gái khác của Bruller cha. Bọn họ đều làm chung ở tập đoàn. Số cổ phần còn lại, nằm trong tay các giám đốc khu vực từng nước. Tóm lại, hầu như tập đoàn này là của dòng họ Bruller. Bruller cha là người Pháp, cổ điển, bảo thủ, đó là lý do tại sao tập đoàn đá quí không bành trướng sang các châu khác. Nhưng họ có quan hệ buôn bán mật ở châu Phi và châu Á. Bruller là tỷ phú nhất, nhì tại Pháp. Gia đình sống nếp cổ, nên con cái được giáo dục tốt, học hành giỏi, và đều thành đạt. Ngày 15 tháng 3 năm nay ngài Bruller từ trần vì ung thư. Truyền hình, phát thanh, báo chí khắp các nước tư bản đều có đưa tin này. George Block gõ tay lên bàn, trầm ngâm rồi hỏi: - Anh có tài liệu gì cứ đọc tiếp. - Bruller không xu hướng chính trị, nhưng là nhà từ thiện danh tiếng, ông có cô con gái đi vào trường hoạt động xã hội tên Maria Bruller. Cô ta tốt nghiệp nhạc viện Paris. Có bằng thạc sĩ xã hội học, là đứa con gái mà Bruller cưng quí nhất, đã chết năm 1963 tại Sài gòn vì cuộc chính biến niềm Nam Việt Nam trong thời gian chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ. Xuxana Benca, thành viên thường trực hiệp hội, người Hungari, một cô gái tóc vàng ngoài ba mươi học vấn uyên bác, khiến ai cũng thấy cô đẹp nhờ trí tuệ hơn nhan sắc, uể oải đưa tay: - Maria là nguyên nhân chính khiến Bruller có quyết định trên. Đúng không Artua? Artua gật đầu nói tiếp: - Maria Bruller ngoài trừ là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, cô còn là giảng viên nhạc viện. Tại đây, cô quen một người cộng sản Việt Nam đến Pháp biểu diễn. Cô ta yêu và vì người yêu hy sinh tại Sài gòn. Trước giờ chết, cô được gặp Bruller cha, cô yêu cầu chuyển phần thừa kế cho lực lượng giải phóng miền Nam Việt nam. Bruller cha nhận lời. - Ái chà! Tin này anh lấy từ đâu ra hở Artua? Artua trước đôi mắt chờ trả lời của Xuxana, nói: - Những người nhân đạo Pháp vừa fax qua, chính họ làm cầu nối liên lạc cho ta với Junot Bernadotte. Sara Candux, người phụ nữ da nâu, cao lớn, thành viên người Cu Ba, với vẻ sôi nổi hiếm có ở lứa tuổi 50, đưa tay phát biểu: - Các đồng chí Pháp đã thẩm tra thì ta tiến hành thôi, nhưng Junot Bernadotte là người thế nào ta cần biết rõ, cái họ Bernadotte tôi nghe quen. Xuxana uể oải nói: - Là họ của vua Thụy Điển Carl XIV Johan, ông ta là người Pháp, từng làm thống chế dưới thời Napoléon. Theo chủ nghĩa cộng hòa tên thật là Jean Baptiste Bernadotte. - Khẩn trương các đồng chí - George Block nói. Artua nói tiếp: - Junot Bernadotte quốc tịch Pháp nhưng là người Việt gốc Hoa, tên Việt là Lưu Triệu Vĩnh. Bernadotte nhận làm con nuôi đưa về Pháp sau đệ nhị thế chiến. Là một luật sư lỗi lạc, đầy đủ tài đức ở tòa án tối cao nước Pháp. Bernadotte cha với Bruller cha là bạn chí cốt nhiều năm. - Rõ rồi. - George Block - Các đồng chí có ý kiến gì không? Vladimia Culesop thành viên người Nga, giờ mới lên tiếng, anh nói như kết thúc vấn đề: - Các đồng chí, theo đúng mục đích hiệp hội, ta không có lý do gì từ chối việc này. Hồ sơ đầy đủ, an ninh hội bảo đảm ta tiến hành thôi, nhưng cần lưu ý điều yêu cầu hoàn toàn bí mật của Bernadotte họ sợ giới tư bản tẩy chay trên thương trường. Toàn ban chấp hành hiệp hội nhất trí. Artua Antôniepxki được giao nhiệm vụ này. Người đàn ông đưa bàn tay thon mảnh kỳ lạ xoa lên mặt, gương mặt đọng nỗi buồn năm tháng. Ông nhớ đến người con gái trên Bruller Maria. Tim ông rên xiết bởi niềm đau vùng lên từ ký ức xa xưa. Anh đáng gì hở Maria? Để em hy sinh một đời tài hoa, chết trên đất lạ quê người? Ngày ấy, nhìn em khoác áo chữ thập đỏ quốc tế, lăn xả vào nơi bom đạn cùng đồng bào anh, để rồi... áo em loang máu, đẫm mờ cả hình chim câu trắng trên quả địa cầu, ngã gục bởi viên đạn vô tình trước dinh Độc Lập, anh ước cho trái đất nổ tung, hay một quả đại bác nào, giết chết chúng nó và cả anh. Maria! Nhưng đó còn chưa phải điều khiến anh ray rứt mãi đến giờ, mà là sự "hèn nhát" trong anh, khiến anh không được bên em những giây phút sau cùng. Maria! Hơn ba mươi năm rồi, niềm ao ước được ôm em vào lòng, nói yêu em trước khi em nhắm mắt, luôn là sự trừng phạt âm thầm, dai dẳng, triền miên. Người đàn ông gục xuống chiếc bàn, ôm đầu. Chợt có tiếng gõ cửa, ông ngẩng lên, trong chớp mắt, ông trở thành con người khác, ung dung, đường bệ: - Vào đi. - Báo cáo chỉ huy, tôi Văn Tiền Đường có mặt. Gã thanh niên ăn mặc như dân bụi đời, đứng trong tư thế nghiêm trông thật tức cười, và người đàn ông bệ vệ tủm tỉm cười khiến mọi nếp nhăn trên vầng trán biến mất. - Ngồi xuống đi. Này! Có ai hỏi tại sao cậu có tên là Tiền Đường không nhỉ? Gã thanh niên vẫn đứng thế nghiêm: - Báo cáo Đại tá. Rất nhiều người, nhưng tôi chưa trả lời ai cả. Nếu Đại tá muốn biết tôi xin trả lời. Ông Đại tá ngắm chàng Thiếu Úy bằng vẻ mặt vui thích. Dĩ nhiên tôi muốn biết. - Trình Đại tá, cha tôi nói con sông Tiền Đường của thi hào Nguyễn Du là dòng sông duy nhất gội rửa sạch mọi ô trọc giữa trần ai. Ông đặt tên Tiền Đường cho tôi với ước vọng tôi mãi là dòng nước ấy rửa sạch mọi vết nhơ bẩn trong cuộc đời. - Nguyên nhân chính khiến cậu thành sĩ quan an ninh? - Một phần năm, thưa Đại tá. - Còn bốn phần kia? - Đồng chí K3. - Thuộc về lý tưởng bản thân. - Đường kiêu hãnh đáp. Ông Đại tá cười xòa, ấn Đường ngồi vào ghế. - Cậu thoải mái lại chưa? Giờ báo cáo đi. - Báo cáo, tôi không chịu nổi hắn, đề nghị cho tôi chuyển nhiệm vụ. - Không được. - Ông Đại tá nghiêm mặt - Lúc xưa cậu cam kết trong năm năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. - Hắn là thằng mê gái, thằng hết thuốc chữa, tiền mồ hôi nước mắt bao người làm ra, hắn đem đốt. - Chuyện ấy không liên quan đến cậu, ta đã ký với hắn hợp đồng giao dịch,nếu hắn sai, phải chịu trách nhiệm với tôi chớ không phải với cậu. Đường vùng dậy, đấm tay tức tối: - Chúng ta hết người sao? Khối kẻ giỏi, tài ba, bảnh bao hơn hắn. - Nhưng không ai có mối quan hệ rộng và biết kín miệng như hắn. Cậu có định chỉ trích khả năng lãnh đạo và cách nhìn người của tôi không? - Nhưng hắn đã thay đổi. Hắn là thằng háo sắc từ trong máu, hắn mê ả ta thật sự, một lúc nào đó sẽ làm tiêu tan tiền mồ hôi nước mắt chúng ta. Ông Đại tá nhíu mày. Ông nhớ đến Giang Sơn, con người gang thép kiên định ấy, đổ gục trước cô bé Sơn Ca mới 16 tuổi thật dễ dàng. - Đó không phải là việc của cậu. Cứ về làm người cận vệ trung thành, nhất cử nhất động của hắn báo cáo ngay cho tôi. Còn gì nói không? - Không. - Đường nói cộc lốc, quay ra. - Đường! Hắn đứng im khi nghe gọi, vẫn không quay mặt lại. Ông Đại tá lắc đầu: - Chúng ta vì bao đồng chí đã chết và những người còn sống, vì nền an ninh thời mở cửa phải bước vào kinh tế thị trường. Cao Nguyên Xanh là tuyến đầu bảo đảm an ninh thành phố, nhưng nó vẫn là đơn vị kinh doanh. Phải trân trọng hắn. - Rõ, đồng chí Đại tá. Đường lao ra cửa, ông Đại tá nhìn theo. Ông không bận tâm mấy về hắn. Hắn có thể gào thét, đập bàn nhưng luôn thi hành mọi mệnh lệnh nghiêm túc.