uy đang cơn se mình, Hoàng Kim Mãn vẫn phải cố ngồi bật dậy. Ông vừa chống tay gắng gượng nâng tấm thân núc ních lên khỏi chiếu thì tướng quân Miêu Lý bước vào. Miêu Lý cho ông biết quân Tống vừa bắt được một tên gian tế người Việt. Hắn khai hắn là chỗ quen thân với quan đầu mục Môn Châu. Sự tình đang còn nghi hoặc nên Miêu Lý phải đến hỏi Hoàng Kim Mãn để biết rõ hư thực thế nào. Quan châu mục đưa ngón tay béo múp gõ nhiều lần vào đầu óc trì trệ của mình mà vẫn không sao nhớ ra được ai là kẻ quen biết. Không! Không! Tôi không có ai là người quen biết ở đây cả. Chắc hẳn tên ấy khai gian để lừa dối quân Thiên triều – Hoàng Kim Mãn vừa mấp máy đôi môi dày mẫm vừa liếc mắt nhìn tên quân đang thập thò trước cửa. Nhưng để biết rõ ngay gian, Miêu Lý đã hô quân cho dẫn kẻ bị bắt vào. Vừa trông rõ mặt kẻ gian, Hoàng Kim Mãn reo mừng cuống quít như người bắt được của: - Ôi! Ân nhân. Sao ân nhân lại đến được đây? Cảm tạ thần linh dun dủi cho ân nhân gặp Mãn tôi đang lúc bệnh hoạn này. Vũ Anh Thư từ tốn đáp: - Tôi đến xứ Môn tìm gặp quan Châu, người nhà bảo quan đã theo quân Thiên triều xuống đất Lạng. - Vừa rồi tướng quân Miêu Lý có hỏi nhưng vì ân nhân đến bất ngờ nên Mãn tôi không kịp nhớ ra – Y quay sang Miêu Lý – Thưa tướng quân, đây là quyến thuộc của hạ chức đến tìm có việc cần. Nhìn thấy vẻ vồn vập chân tình của Hoàng Kim Mãn đối với khách, Miêu Lý nhã nhặn bảo Vũ Anh Thư: - Bọn quân lính của bản chức không biết tôn ông là người nhà của quan châu nên có điều khiếm khuyết, mong tôn ông thứ lỗi. Nói xong Miêu Lý cáo từ bước ra ngoài. Hoàng Kim Mãn định nói gì thêm thì Vũ Anh Thư đã ra hiệu cho ông ta nằm xuống rồi thò tay bắt mạch. - Nguyên khí hao tổn, hư hỏa thịnh mà chân âm lại rỗng – Vũ Anh Thư lẩm nhẩm. Chàng nhìn thẳng vào khuôn mặt tròn quay béo múp của viên châu mục mà nỗi lo lắng về bệnh tật không sao gợn lên được một nét hằn dù là nhỏ ở góc mũi trong hơi thở phì phò, hỏi khẽ: - Chắc hẳn quan châu vừa gặp một cơn nguy biến nào kinh tâm động phách khiến thần khí bị thương tổn. Hình như câu nói của chàng đánh thức nỗi kinh hoàng trở về ánh lên trong đáy mắt của viên quan châu. Y lặng lẽ gật đầu đưa tay chỉ về phía bờ Nam: - Mãn tôi có theo tướng quân Miêu Lý sang sông và gặp phải quỷ dữ! Rồi y hổn hển thuật lại cuộc tháo chạy của quân Tống trong đêm tối hãi hùng đầy bóng quỷ hình ma mà có lẽ cho đến lúc xuống mồ y vẫn còn mang theo nỗi khiếp sợ ấy. Qua câu chuyện y kể, Vũ Anh Thư còn biết thêm rằng hơn ba trăm tên sống sót trở về mồm quàng quạc lên ngang nhiên gieo rắc nỗi kinh hoàng trong các đạo quân Tống đến mức cứ đêm xuống không một ai dám thò mũi ra khỏi doanh, đến mức nguyên soái Quách Quì ra lệnh sẽ chém đầu bất kể tướng nào tự tiện đem quân sang đánh bờ Nam. - Ô! Sao quan châu lại nỡ đem tấm thân nghìn vàng của mình xông pha vào vòng nguy hiểm. Cứ ở lại đất Môn có yên ấm hơn không? – Giọng trách móc đầy thân tình của chàng làm Hoàng Kim Mãn cảm kích. - Đã theo phải theo cho trót – Y chép miệng nói – Mà đâu chỉ có một mình Mãn tôi. Các quan châu khác cũng qui thuận Tống triều cả. Ngay đến Lưu Kỷ, quân hùng tướng mạnh thế kia mà cũng đầu hàng. Cả bộ thuộc và gia quyến của ông ta đều được họ đưa sang ở bên kia. Thế của họ mạnh lắm! - Nhưng tôi xem cung cách hai bên đánh nhau nhũng nhẵng bên lũy cao hào sâu này thì chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. - Không đâu! Người Tống có nhiều mưu sâu chước lạ. Đời nào họ chịu bó tay! Dường như sực nhớ đến bệnh tim của mình, y ngước cặp mắt chan chứa hy vọng nhìn Vũ: - Thế bệnh của Mãn tôi không nặng lắm chứ? - Nếu để thêm vài ngày nữa thì bệnh sẽ trầm trọng. Nhưng đã có mặt tôi ở đây thì xin quan châu đừng lo ngại. Chỉ uống dăm thang “bổ tâm cứu dương” là cơn bệnh sẽ lui ngay. Hoàng Kim Mãn tươi tỉnh mặt mày, bất giác cầm lấy tay chàng tỏ lòng biết ơn vô hạn. Nhưng y vội rụt tay về vì y vừa nghe một tiếng thở dài ảo não. - Quan châu ạ! – giọng Vũ buồn bã làm động lòng người – Thân này cũng đang lao đao vì chiến sự. Nhà chỉ có mấy miếng bạc điền. Việc hành nghề gặp bước khó khăn. Mà về việc quân thì kẻ môn y này lại mù tịt. Chẳng rõ ai mạnh ai yếu, ai được ai thua, đây hay đâu dở… - Ấy, Mãn tôi trước kia cũng nghĩ như ân nhân. Sau nhờ nguyên soái Triệu Tiết phái tướng Khúc Chẩn dẫn Mãn tôi đến gặp Người. Triệu nguyên soái khác xa với ông Quách Quì. Ông Triệu thì rộng rãi, tốt bụng còn họ Quách thì ti tiện, hà khắc. Đấy ông ta đang khiển trách Miêu Lý và bọn tôi về việc đem quân sang bờ Nam. Triệu nguyên soái phải bênh mãi mới yên được. Họ chẳng ưa gì nhau đâu. - Chim khôn tìm cành thẳng mà đậu. Sao quan châu còn đi theo Quách Quì làm gì? - Triệu nguyên soái bảo Mãn tôi đi theo đại quân để mưu sự về sau. Người nói cứ để cho Quách Quì múa may nhưng sự thắng bại không chắc định đoạt ở chiến trận mà đã được Thiên tử Tống triều an bài từ trước. - Thế nghĩa là thế nào? - Đây là chuyện tối mật – Hoàng Kim Mãn ghé mồm sát tai Vũ thì thào – Triệu nguyên soái cho biết người đã trao mật chỉ của Thiên tử cho Vệ Uông rồi. Vệ Uông! Tên họ của viên thám tử lợi hại này làm Vũ Anh Thư hồi hộp rung động cả người. Bao lâu nay chàng đã nhọc công dùng mọi cách để dò la mà tông tích của gã vẫn còn mờ mịt. Không nén được vui mừng, chàng buột miệng: - Vệ Uông à? - Ân nhân có quen biết người này ư? – Hoàng Kim Mãn ngạc nhiên hỏi. - Tôi nhớ mang máng đâu như tên của một vị khách hàng có lần đã đến nhà chữa bệnh. - Biết đâu lại chẳng phải ông ta. Trước kia Vệ Uông là người của quan Kinh lược Quảng Tây Ôn Cảo phái sang buôn bán làm ăn bên này cách đây hơn 20 năm. Ân nhân thấy có ghê không? Họ tính liệu mọi việc trước hàng mấy mươi năm rồi. Gần đây ông ta trở thành người quan trọng được vua Tống và tể tướng Vương An Thạch tin dùng. Nghe đâu chỉ vì một lời nói của ông ta mà Tiêu Chú ở Quế Châu phải cách chức. Vũ Anh Thư vờn vỡ cố làm ra vẻ ngờ nghệch: - Đến quân tướng còn chẳng ăn ai. Tin làm sao được vào một tờ mật chỉ? - Ấy, ân nhân chớ coi thường – Y đưa bàn tay xua xua như để làm tan bớt mùi cỏ ngựa ẩm mốc thỉnh thoảng theo ngọn gió đông, đưa vào nồng nặc – Nguyên soái Triệu Tiết hy vọng tờ sắc chỉ ấy sẽ khuynh đảo được nhà Lý. Kế hiểm của họ mà lại! Dáng chừng thấy chàng nghe đã xuôi tai, Hoàng Kim Mãn mới ân cần thổ lộ ý định y đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa tiện nói: - Ân nhân ạ! Trong quân Tống có bảy vị lương y xem ra đều dưới tài của ân nhân cả. Mãn tôi xin đem hết sức mình để tiến cử ân nhân với Triệu nguyên soái… Biết y muốn tìm cách để trả ơn mình, Vũ Anh Thư vội cắt lời: - Việc ấy chưa phải lúc. Mẹ già tôi đang ốm nặng. Có một vài vị thuốc khan hiếm, chạy khắp nơi mà vẫn không tìm ra. Vì vậy tôi phải lặn lội đến nhờ quan Châu. Khi nào thân mẫu bình phục, tôi sẽ xin đến hầu quan ngay. Miệng nói tay chàng vừa kê đơn bốc thuốc. Chỉ hai ngày sau, quan Châu đã hớn hở dẫn chàng đến kho quân dược lấy cho chàng mấy vị thuốc cần thiết. Bên ngoài trông chàng tư thái vẫn ung dung nhưng bên trong óc chàng căng lên như một sợi dây đàn sắp đứt. Mọi ô kính màu ngóc ngách của trí nhớ đều được chàng mở toang để ngấm ngầm ghi nhận trong từng chi tiết nhỏ cách bài quân bố trận của địch. Tai chàng nhồi nhét mọi mẩu chuyện nghe lỏm được, những mẩu chuyện giàu màu sắc của quân tướng Tống, biểu hiện nỗi lo lắng không nguôi và niềm thất vọng chua chát đang nhích dần tới họ từng giờ từng phút. Quân ốm, lương thiếu đó là hai căn bệnh trầm trọng mà chàng đã chẩn mạch cho đội quân Nam chinh đang bị chồn vó trước dòng Như Nguyệt. Qua câu chuyện của lính tráng, tình cờ chàng mới hay Thân Cảnh Phúc đã làm hậu quân địch ngày đêm mất ăn mất ngủ và là niềm khủng khiếp đối với đội binh vận lương của Triệu Tiết. Họ nhắc đến phò mã như nhắc đến một vị hung thần không hiểu từ xó xỉnh vô hình nào bỗng xổ ra chộp họ từng người một để phanh thây xé xác. Lúc từ biệt Hoàng Kim Mãn, chàng nói đôi lời cảm tạ nhưng y đã lắc đầu: - Ôi! Mãn tôi được ân nhân hai lần cứu sống, chút việc Mãn tôi giúp ân nhân vừa qua nhỏ xíu như cái móng tay. Chỉ cầu mong ân nhân về nhà bình yên để chóng trở lại cho Mãn tôi được trả ơn dày nghĩa cả. Nhà của Vũ Anh Thư lần này là Động Giáp. Nhận được tín lệnh của Thái Úy, Thiết Nỗ, viên tướng chỉ huy đội tượng binh ra tiếp chàng. - Thưa tướng quân, động chúa còn bận đi gài bẫy ven bộ, lát nữa sẽ về - Rồi Thiết Nỗ giảng giải – Tất cả các loại bẫy như bẫy hầm, bẫy cần, bẫy treo, trước để săn ác thú đều được Động chúa đem ra dùng để bẫy giặc. Có khối quân địch sa vào bẫy chết kể đến hàng nghìn chứ không ít. Nhớ lại lời kháo nhau đầy khiếp sợ về phò mã Thân Cảnh Phúc của quân Tống, Vũ Anh Thư bất giác nhoẻn cười nhưng nụ cười vụt héo trên môi chàng khi Thiết Nỗ thuật lại câu chuyện thương tâm của phò mã. Số là sau khi phò mã rút quân bỏ trống ải Chi Lăng, tướng Tống Đào Bật thừa hư đem đội kỵ binh qua ải tiến xuống Nam, bất ngờ tạt qua xộc thẳng vào Động Giáp. Nhóm quân ít ỏi giữ động gần như bị đánh úp, luống cuống chỉ phò được công chúa Thiên Thành chạy vào rừng sâu. Bà nhũ mẫu lóng ngóng cùng hai đứa trẻ của phò mã ở lại bị địch bắt. Ôi! Hai đứa trẻ sinh đôi mới lên ba cùng là con trai cả, trông mới bụ bẫm kháu khỉnh làm sao. Vậy mà bọn chúng mổ phanh bụng ra, một cánh tay của hai trẻ ôm ghì lấy cổ nhau, còn tay kia thì thọc vào bụng nhau. Chúng trói lại rồi đem treo lủng liểng trên cành cây. Xác bà nhũ mẫu chúng đặt nằm ở dưới. Cặp mắt bà vẫn mở to trông lên còn đầy vẻ ngạc nhiên trong cơn hấp hối. Lúc phò mã về đến nơi thì giặc đã rút lui. Ông im lặng nhìn xác hai đứa con mình, bình tĩnh tháo chúng xuống. Môi chúng mím chặt vạch một đường thẳng băng. Hạt mưa bay còn đọng lại bên viền mi long lanh như ngấn nước mắt chưa kịp khô. Phò mã xốc hai con mỗi đứa một bên tay, ngẩng mặt nhìn trời, râu tóc dựng đứng, hú lên một tiếng dài khủng khiếp, chạy bay vào rừng. Thiết Nỗ và thuộc hạ phải vất vả lắm mới đuổi theo kịp giằng lại trên tay ông hai xác hài nhi để khâm liệm. Từ lúc ấy, phò mã như người câm. Bỗng Thiết Nỗ đưa tay chỉ ra ngoài: - Kia động chúa đã về! Vũ Anh Thư nhìn ra thấy phò mã Thân Cảnh Phúc đang lừ đừ đi vào. Hình như ông đã mất đi cái vẻ tinh anh lúc trước và già sụm xuống đến mươi tuổi. Đôi mắt đùng đục vân lên màu thau, dáng đi nhón nhén như con hổ giữa rừng đánh thấy hơi mồi. Vũ Anh Thư truyền lại vắn gọn mưu lược của Thái Úy: - Quấy rối hậu quân địch. - Phá đường vận lương. - Sửa soạn phối hợp đánh trận giờ Tí. Quân phò mã phải dùng nghi binh, phô trương thanh thế nhằm đạt cho được ba mục tiêu ấy. Phò mã chú ý lắng nghe. Bỗng có quân vào báo tin địch bị sa bẫy. Phò mã đứng dậy rút búa phạt ba nhát vào chiếc kỷ rồi đưa tay mời Vũ Anh Thư lên yên cùng đi. Cảnh tượng tên kỵ binh Tống sa bẫy trông thật hãi hùng. Cả người ngựa bị treo lơ lửng trên đầu cần cao chót vót. Con ngựa lực lưỡng màu xám tro cổ vươn dài ra phía trước, tiếng hí muốn đứt hơi, mồm sùi bọt mép lòng thòng, bốn vó cuống quít bơi trong không khí. Tên lính kỵ nằm chết gí trên lưng con vật hay tay ôm ghì lấy cổ, đôi chân quặp chặt vào bụng, mặt úp xuống bờm như muốn trốn vào đám lông bù xù rậm rịt. Dưới mặt đất, đám cung thủ của động chúa đang nhăm nhăm chờ bật dây nỏ. Trong cảnh ngộ bi đát của tên lính Tống có gì thật hài hước khiến Vũ Anh Thư thích thú bật cười khanh khách. Chàng cảm thấy như được chứng kiến cái thế mạnh của đoàn kỵ binh địch đang bị treo vó. Mà phải chăng đây là hình ảnh thu nhỏ lại của hàng vạn vó ngựa trong đạo kỵ binh nhà Tống, ruổi vào đường hẹp đang bị vành đai Như Nguyệt treo lơ lửng bên sông?