Trở thành goá bụa khi chỉ mới 34 tuổi. Người mẹ trẻ ấy đã phải thay chồng nuôi dạy 8 đứa con (3 trai và 5 gái). Một trong những người con trai của bà sẽ trở thành một trong những nhạc sĩ sáng chói, được yêu mến và hâm mộ vào bậc nhất Việt Nam sau này: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong di sản âm nhạc đồ sộ của mình, hình ảnh người mẹ đã hiện ra trong ca khúc của Trịnh Công Sơn qua 4 giai đoạn: Ca dao mẹ (1970) là ẩn dụ về mẹ Việt Nam, hình ảnh đất nước những năm tháng đầy đạn bom máu lửa, “mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong qua tuổi mòn... Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương... mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng.... " . Rồi trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi đổ nát và "lưu vong" nơi đô thị tạm chiếm đã ở đỉnh cao, Lời mẹ ru (1974) đã là hình ảnh tìm về với êm ả, an ủi của cội nguồn Việt Nam “lời mẹ ru con - đến những khu vườn... ru con trưa nắng (í... a. . .), con ngủ thật ngoan, con ngủ cho yên.... một đời ru con nghe cũng mỏi mòn. . .. con ngủ giấc hiền cho mẹ ngồi trông...". Sau 1975, hình ảnh người mẹ Việt Nam đau khổ, hy sinh và can đảm hiện lên rõ nét hơn, không ẩn dụ nữa trong âm nhạc của ông, Huyền thoại mẹ (1987) "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại từng câu chuyện ngày xưa... Mẹ về đứng dưới mưa che từng căn hầm nhỏ, xoá sạch vết con về... Mẹ chìm dưới gian nan.. . " Thế rồi năm 1991, người mẹ yêu dấu của cuộc đời ông, người sinh thành và nuôi dạy ông suốt cả đời đã qua đời. Trịnh Công Sơn đã khóc bằng tiếng khóc trẻ thơ như những ngày thơ dại đời mình: "Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm.. . mẹ bỏ con đi... mẹ bỏ con đi.. . " (Đường xa vạn dặm). Nỗi đau vô hạn đã làm Trịnh Công Sơn suy sụp tinh thần. Một năm sau, ông biến chứng qua bệnh tiểu đường. Cây cổ thụ của âm nhạc Việt Nam khô héo thêm nữa và từ đó .... Tuổi thơ và thành niên Khi cha mất, Trịnh Công Sơn, anh cả của gia đình họ Trịnh mới chỉ 14 tuổi. Người mẹ trẻ chia đều tình thương cho tất cả 8 đứa con nhưng bà chăm sóc nhiều hơn người em trai kế của Sơn: Trịnh Quang Hà vì Hà thể chất, tinh thần yếu nhất trong anh em. Trịnh Công Sơn còn đi học, chưa hé lộ tài năng nhưng đã lấp loé năng khiếu âm nhạc, anh đã biết chơi đàn từ tuổi thiếu niên. Khung cảnh Huế nuôi nấng thêm cho tâm hồn anh sự nhạy cảm và mơ mộng. Người mẹ trẻ lo toan cơm áo nuôi con bằng cửa hiệu bán phụ tùng xe đạp, xe gắn máy có bảng hiệu “Thanh Tâm" ở Huế. Khi Trịnh Công Sơn rời Huế, Quy Nhơn vào Sài Gòn học, bà kết hợp những chuyến vào mua hàng đến thăm con trai lớn. Những lần như thế, bà gặp gỡ con và bạn bè cùng học với Sơn, cuộc trò chuyện cũng giống như thời Sơn còn bé, bà đọc thơ của bà làm, đọc Kiều (vịnh, phú) cho con trai nghe. Giai điệu Huế, tâm hồn Huế, thi ca đã đến với Sơn trước khi âm nhạc đến và sau này, khi có những người bạn trí thức như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường. .. người ta sẽ không ngạc nhiên khi ca từ trong ca khúc của Trịnh Công Sơn đẹp như thơ. Đúng hơn, đây cũng chính là những bài thơ. Và cuối đời Trịnh Công Sơn yêu mẹ, sùng bái mẹ cũng thật dễ hiểu. Khi lớn lên Sơn ngày càng hiểu rõ sự yêu thương, đức hy sinh của mẹ dành cho con cái và đặc biệt là anh. Nhiều bóng dáng phụ nữ đã đi qua cuộc đời anh, có người để lại các tên thấp thoáng trong nhiều ca khúc danh tiếng Diễm xưa, Biển nhớ, Xin trả nợ người, Bông bồng ơi... nhưng cuối cùng, con người tài hoa ấy vẫn quay trở về nằm bên mẹ của mình. Những anh chị em khác của Trịnh Công Sơn đều đã có gia đình, có con cái. Họ Trịnh vẫn đông đủ người hương khói, mà đứa con trưởng Trịnh Công Sơn dường như đã nhường điều ấy cho các em mình, ông dành cả cuộc đời cho âm nhạc, cho sáng tạo và tìm về với mẹ như trẻ thơ sau cuộc trả nợ tử sinh. Một trẻ thơ 62 tuổi bên hiền mẫu của mình.