Trung tuần tháng 2 năm 1998, Âu Bằng và Đình Nhi lên máy bay bay về nước. Lúc các cháu còn trên bầu trời Đại Tây Dương, thư báo về ngài Larry đã bay về Trường Chuyên ngữ Thành Đô nhanh hơn chuyến bay của học sinh nhà trường. Đình Nhi vừa về đến nhà, ngay đêm đó, phóng viên các báo đã đến phỏng vấn lấy tin. Ngày hôm sau báo “Thành Đô buổi chiều” ngay trang đầu đã chạy hàng tít lớn đỏ thắm: “Học sinh trung học Thành Dung (tên gọi khác cua Thành Đô) thăm Mỹ và mang vinh dự trở về”, các báo khác cũng đồng thời đua nhau đưa tin. Bất kể là giáo viên, học sinh của Trường hay là người dân bình thường đều cho rằng những biểu hiện xuất sắc của họ ở Hoa Kỳ đã mang lại vẻ vang cho thanh thiếu niên và cho quê hương. Âu Bằng và Đình Nhi cũng rất tích cực phối hợp với các đơn vị hữu quan giải quyết tốt mọi việc, nhưng rất lo lắng. Lần thăm Hoa Kỳ này đã ngốn hết cả tháng trời! Các bạn cao trung ba và cao trung hai đã đi hết một đoạn đường dài trên con đường thi đại học. Họ cần phải cố gắng hết sức nhanh chóng đuổi kịp các bạn. LARRY HỎI: EM CÓ MUỐN NHẬN THÁCH THỨC VỀ PHÍA MÌNH KHÔNG? Tháng 6 năm 1998, Đình Nhi đang bận rộn với kỳ thi cao trung thì nhận được bức thư điện tử của ngài Larry, ông dùng lối nói ngắn gọn thường ngày đi thẳng vào sự việc: “Em Đình, báo cho em một tin tốt lành. Tôi được biết Trường Đại học Columbia và Học viện Wellesley đều có học bổng toàn phần dành cho học sinh Trung Quốc, đương nhiên họ chỉ nhận những học sinh Trung Quốc giỏi nhất. Không biết em có muốn nhận thách thức: trực tiếp xin sang Hoa Kỳ học hệ chính quy hay không?” Rõ ràng, Đình Nhi có muốn sang Hoa Kỳ học hay không, ngài Larry còn chưa biết, là vì khi trả lời đường dây nóng của khán giả Đài truyền hình C-SPAN của Hoa Kỳ, chỉ một mình Đình Nhi là học sinh Trung Quốc trả lời là chưa dự định sang Hoa Kỳ học đại học. Trước khi Đình Nhi đi thăm Hoa Kỳ, cả nhà chúng tôi đã trao đổi về vấn đề học đại học của Đình Nhi. Chúng tôi đều nhất trí là, đến giai đoạn nghiên cứu sinh ra nước ngoài mới thích hợp. Câu trả lời của Đình Nhi ở Đài Truyền hình C-SPAN với ý tưởng đó. Vì thế, ngài Larry thấy cần phải thăm dò ý kiến của Đình Nhi trước. Về bức thư của ngài Larry, Đình Nhi vẫn chưa nhắc lại ý kiến ban đầu, còn tò mò thêm: “Theo ông, tôi có mấy phần chắc chắn giành được học bổng toàn phần của một trường nổi tiếng Hoa Kỳ?” Ngài Larry trả lời ngay sau đó: “Sự thành bại của một cuộc tranh đua không phụ thuộc vào bức thư giới thiệu của tôi mà ở chỗ em có rất nhiều ưu thế. Nhưng hai học sinh tôi giới thiệu trước đây, sau khi được nhận vào học đều rất xuất sắc. Do vậy, sự giới thiệu của tôi, về phương diện nhà trường có phần được tín nhiệm. Nhưng đó không phải là chắc chắn tuyệt đối. Loại tranh đua nào cũng có những yếu tố không xác định được rõ ràng”. Tiếp theo Larry phân tích cái lợi cái hại của Đình Nhi khi học đại học ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông nhận thức rất rõ ràng, Đình Nhi nếu trực tiếp xin học một trường chính quy ở Hoa Kỳ sẽ có lợi cho sự phát triển trong tương lai. Ngài Larry vốn là một luật sư lâu năm trong nghề, thói quen nghề nghiệp khiến ông không thể bắt buộc Đình Nhi phải chấp nhận những ý kiến đó mà chỉ hy vọng Đình Nhi suy nghĩ nghiêm túc đối với đề nghị của ông. Lúc ấy, Đình Nhi mới 17 tuổi, quyết định thế nào cần phải được sự đồng ý của người bảo lãnh. Do đó, trên góc độ pháp luật, Larry không bỏ qua việc để Đình Nhi hỏi ý kiến ba mẹ. Sau khi biết được nội dung bức thư của ngài Larry, cả ba người chúng tôi hết sức vui mừng. Chúng tôi cảm thấy, thái độ của Larry một lần nữa chứng thực tiềm lực phát triển của Đình Nhi. Tiếp theo, chúng tôi điềm tĩnh lại. Đi sang Hoa Kỳ học, xét cho cùng có quan hệ tới sự thành bại của cả một đời người, không so sánh lợi hại tỉ mỉ, không thể khinh suất quyết định. Huống hồ, nó liên quan tới rất nhiều vấn đề. Một khi đã quyết định xuất ngoại du học, tất cả cuộc sống hiện nay của Đình Nhi cần phải điều chỉnh sắp xếp lại. Việc này hết sức khó khăn giống như trường hợp một chiếc xe phóng như bay sẽ phải rẽ ngoặt gấp sang một hướng khác. Lại còn những điều kiện để làm đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ. Việc đầu tiên phải vượt qua, là thi TOEFL. Ngoài yêu cầu thành tích ưu tú về các mặt khác ra, Larry cũng rất chú trọng đến thành tích thi TOEFL. Ông đề xuất vớu Đình Nhi thành tích phải đạt 640 điểm, vì muốn được học bổng của một trường đại học nổi tiếng, cần phải đạt đến số điểm như thế. Đó quả là một yêu cầu rất cao. Nếu thi TOEFL không tốt hoặc không đạt những yêu cầu khác của Trường Columbia và Học viện Wellesley thì phải làm như thế nào. Larry cũng không quên nói thêm về cách suy nghĩ của ông, nếu không được trường đại học hàng đầu thu nhận vào học thì cũng không coi là không đến học ở Hoa Kỳ. Ngài Larry rất quý trọng nhân tài, tính vô tư đó cũng giống như Lôi Phong, tấm lòng tha thiết và kiên trì giúp đỡ hết lòng cũng không kém gì Bá Nhạc của Trung Quốc. Có điều, Larry cũng giống như rất nhiều người Mỹ khác, làm việc thường coi trọng hiệu suất và thành quả. Ông là người đã đến tuổi “tri thiên mệnh”, nên cần nắm vững thời gian để làm một số việc có giá trị cho đời. Nếu Đình Nhi không thể chứng minh được là “thiên lý mã”, Larry cũng đành lấy làm tiếc mà gạch tên Đình Nhi trong bản danh sách của mình. Do vào dịp này trước đây, Đình Nhi và chúng tôi đều cho đi học nước ngoài là việc sau khi đã học đại học chính quy, thậm chí Đình Nhi ngoài việc bố trí học tiếng Anh ở trường, từ trước tới nay chưa chuẩn bị được gì cho thi TOEFL, bây giờ nước đến chân mới nhảy, rất dễ bị thất bại. Gần bước tới thềm năm thứ ba cao trung, thời gian quý như vàng, vội vàng xông vào cuộc chiến với thi TOEFL, làm sao có thể thi đạt thành tích tốt? Kiến nghị của Larry là một cơ hội và cũng là một thử thách không đạt tiêu chuẩn thì cũng không thể đạt được gì hết.