Dịch giả: Hà Mai Anh
Chương XXXII
BẢO LIÊN

Nếu tôi không vội đi Ba-Lê, tôi sẽ ở lại lâu, rất lâu với Lệ-Hoa. Chúng tôi có nhiều chuyện nói với nhau, và chúng tôi có thể nói rất ít lời bằng cách đàm thoại mà chúng tôi vẫn dùng.
Lệ-Hoa kể lại cho tôi nghe từ ngày về Mộc-Văn, cô, chú đã chiều mến thế nào. Ông bà Cát-Tường đã sinh hạ năm đứa con, ngày nay chẳng còn đứa nào chỉ vì bà Cát-Tường cũng như phần đông phụ nữ miền này hay bỏ nhà để ra Ba-Lê làm vú em. Vì thế Lệ-Hoa được cô chú coi như con đẻ. Lệ-Hoa lại kể những công việc hằng ngày cô phải làm và những cuộc giải trí của cô: câu cá, bơi thuyền và vào rừng chơi vì cô không đi học nên rất rỗi.
Còn tôi, tôi hỏi cô có nhận được tin tức của cha cô không, và kể cho cô nghe những việc xảy ra sau ngày chia tay cô: tôi suýt bị vùi trong mỏ nơi An-Sinh làm thế nào và khi về thăm mẹ nuôi tôi, cho tôi biết gia đình tôi đang tìm tôi; vì thế tôi không thể đi thăm Yến-Chi như tôi mong muốn.
Lẽ cố nhiên, tôi nói về gia đình tôi nhiều hơn cả, nhà tôi giàu và tôi nhắc lại cho cô nghe cả những điều tôi đã nói với Mã-Tư. Một khi tôi khá giả, tôi nguyện làm cho mọi người sung sướng: cha cô, anh chị cô và nhất là cô.
Lệ-Hoa không được lịch duyệt sớm như Mã-Tư và tốt nghiệp ở trường huấn luyện Phú-Lợi ra, nên cô tin rằng những người giàu có là những người sung sướng nhất đời và tiền của là một đạo bùa mầu nhiệm như trong các chuyện thần thoại – có thể thỏa mãn lập tức những gì người ta ao ước.
Phải chăng, chỉ vì nghèo khổ mà cha cô phải vào nhà lao? Phải chăng chỉ vì nghèo, mà gia đình cô phải tan tác? Dù là tôi giàu, dù là cô giàu, cái đó không cần lắm vì kết quả vẫn là một: Chúng tôi được sung sướng. Và cô chỉ để tâm có hai điều này: đoàn viên và hạnh phúc.
Chúng tôi không những ngồi nói chuyện bên đập sông, nước chảy rì rào qua những cánh ngăn, chúng tôi còn cùng nhau đi ngoạn cảnh trong rừng, ngoài ba chúng tôi còn có hai bạn nữa là Lãnh-Nhi và cô Búp-bê lúc nào cũng ở cạnh chúng tôi.
Trong những cuộc chu du của ông Vỹ-Tiên cùng tôi qua khắp nước Pháp và trong những cuộc đi vừa rồi của tôi và anh Mã-Tư, tôi chưa từng được xem cảnh nào đẹp mắt hơn chỗ chúng tôi đang ở bây giờ. Rừng rậm bao la, có đồng bát ngát, nào núi đá, nào đồi cây, nào hang thạch nhũ, nào thác gieo bọt trắng, nào hồ phẳng lặng như gương. Trong thung lũng hẹp hơn bên sườn núi đứng thẳng như những bức tường, giữa chảy một dòng nước quanh co như rắn lượn.
Phong cảnh thực ngoạn mục. Người ta chỉ nghe thấy tiếng suối chảy, tiếng chim ca, tiếng gió thổi qua những cành lá rì rào.
Mấy năm trước đây, ở trại trồng hoa tôi đã được xem phong cảnh thung lũng Bích-Giang và đã lấy làm đẹp. Thì ra nơi nào tôi cùng dạo chơi với Lệ-Hoa là nơi ấy có nhiều cảnh thơ mộng. Vùng Niên-Khê diễm lệ này in sâu vào trí óc tôi không bao giờ phai lạt được.
Chiều đến, những khi trời xấu, chúng tôi ở nhà, những lúc sương sa chúng tôi họp chung quanh lò sưởi. Để đẹp lòng Lệ-Hoa, tôi gẩy thụ-cầm, Mã-Tư kéo vĩ-cầm hoặc thổi kèn. Nhưng Lệ-Hoa thích nghe thụ-cầm hơn khiến tôi rất hào hãnh. Trước khi chia tay để đi ngủ, Lệ-Hoa thường yêu cầu tôi cho nghe khúc Tình-ca. Tôi lại cất tiếng hát khiến cho buổi tối đã đầm ấm lại êm đềm hơn.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Tôi sắp sửa phải từ biệt Lệ-Hoa và từ biệt miền này để đi Ba-Lê. Tôi vẫn ao ước có một ngày phong lưu. Ngày ấy sắp đến, có thể nói là đã đến. Bây giờ tôi chỉ ấp ủ một nguyện vọng mong sao chóng được thực hiện.
Câu cuối cùng của tôi, “ra hiệu” nói với Lệ-Hoa đã biểu lộ cái mộng tưởng chân thành của tôi:
- Tôi sẽ đem xe bốn ngựa về đón cô!
Cô hiểu lắm, cô lấy tay ra hiệu quất ngựa vì cô trông thấy xe ngựa đó cũng như chính tôi đã trông thấy. Tuy nhiên, trước khi đi xe bốn ngựa về Mộc-Văn, tôi phải “cuốc bộ” trên đường từ Mộc-Văn về Ba-Lê, và nếu không có bạn Mã-Tư thì tôi đậu rất ít ở các làng cốt kiếm sao cho qua ngày để cho mau chóng tới Ba-Lê. Vì tôi nghĩ bây giờ cần gì phải làm việc nhiều; chúng tôi không cần phải mua bò, mua búp-bê nữa, miễn sao cho túc dụng hàng ngày. Không phải việc tôi phải đem tiền về cho cha mẹ, nhưng Mã-Tư không đồng ý với tôi về điểm đó.
Mã-Tư bắt tôi phải cầm lấy đàn và bảo:
- Chúng ta có thể kiếm được bao nhiêu, ta cứ kiếm. Chắc đâu về Ba-Lê tìm thấy ngay Bảo-Liên.
- Nếu ta không tìm thấy ông ta buổi trưa thì đến hai ba giờ cũng tìm thấy, vì phố Mục-Tảo không dài lắm.
- Nếu ông ấy không còn ở phố Mục-Tảo nữa thì sao?
- Chúng ta tìm chỗ mới của ông ta.
- Nếu ông ấy lại trở về Văn-Ông thì sao? Lúc đó lại phải viết thư và đợi trả lời. Trong thời gian đó, chúng ta sẽ sống bằng gì, nếu trong túi không có tiền? Anh cũng chưa quen đường ở Ba-Lê lắm. Anh đã quên lò đá Gentilly rồi hay sao?
- Không.
- Tôi, tôi cũng không quên bức tường Nhà Thờ Thánh Mê-Đa, tôi đã tựa lưng vào tường đó để khỏi ngã gục vì tôi lả - Tôi không muốn nhịn đói ở Ba-Lê.
- Chúng ta sẽ ăn no khi đến nhà cha mẹ tôi.
- Đã chắc đâu tìm ngay được. Chúng ta nên làm việc như là chúng ta cần mua một con bò đem về cho cha mẹ anh.
Đó là một lời khuyên rất khôn ngoan. Nhưng xin thú thực, tôi hát kém đi, không cố gắng bằng lúc phải mua bò cho bà Bảo-Liên hay mua búp-bê cho Lệ-Hoa.
Mã-Tư bảo tôi:
- Nếu anh giàu có, anh sẽ thành lười biếng.
Đến tỉnh Cốt-Bây, chúng tôi lại ra con đường mà trước đây sáu tháng chúng tôi đã theo con đường ấy để đi từ Ba-Lê về Văn-Ông. Và trước khi tới Villejuif, chúng tôi rẽ vào cái trại có đám cưới mà chúng tôi đã giúp vui trong bước đầu của chúng tôi. Chú rể và cô dâu nhận ra chúng tôi và yêu cầu chúng tôi hòa nhạc cho hai vợ chồng khiêu vũ. Người ta cho chúng tôi ăn ngủ trong đêm đó.
Sáng hôm sau, từ trại ấy chúng tôi vào Ba-Lê. Tính ra đúng sáu tháng mười bốn ngày, chúng tôi lại được trở về Kinh Đô.
Nhưng ngày về khác hẳn ngày đi. Trời u ám và lạnh. Người ta không thấy mặt trời, ở hai bên bờ đường, hoa đã tàn và cỏ cũng kém màu xanh. Nắng hè đã hết phận sự, đến lượt những áng sương đầu thu. Không còn những cánh hoa đinh hương ở nóc tường gieo xuống đầu chúng tôi nữa mà là những chiếc lá khô ở trên những cành vàng úa rơi xuống. Cảnh buồn nhưng lòng “chúng tôi” vẫn vui. Tôi nói “chúng tôi”, như thế không đúng vì chỉ có tôi cảm thấy vui, một mình tôi thôi. Tôi nghĩ sắp đến lúc được người mẹ, người mẹ thực sự và người cha gọi tôi là con, hôn tôi, ấp ủ tôi thì cảm xúc trong lòng tôi cuồn cuộn dâng lên.
Còn Mã-Tư, càng về gần tới Ba-Lê trông anh càng ủ dột, lắm lúc hàng mấy tiếng đồng hồ, anh không hề nói một câu nào. Tuyệt nhiên anh không thổ lộ nỗi buồn về cuộc phân ly sắp tới. Tôi không muốn nhắc lại những lời tôi đã nói với anh bao nhiêu lần là mẹ tôi sẽ không bao giờ lại chia rẽ anh và tôi. Mãi đến lúc chúng tôi nghỉ để ăn bữa sáng, anh ngồi trên hòn đá vừa cầm miếng bánh ăn vừa thổ lộ cho tôi nghe những điều mà tôi đã thắc mắc:
- Anh có biết lúc bước chân vào Ba-Lê này, tôi nghĩ đến ai không?
- Đến ai?
- Đến một người. Người đó là Phú-Lợi. Không biết hắn đã mãn hạn tù chưa? Khi người ta cho tôi biết là hắn bị tù, tôi quên không hỏi thời hạn. Rất có thể hắn đã được tha và bây giờ đang ngồi lù lù ở nhà phố Lục-Sinh. Chúng ta phải đến hẻm Mục-Tảo tìm Bảo-Liên thì hẻm này ở ngay trước cửa nhà Phú-Lợi. Vô phúc chúng ta gặp hắn thì làm thế nào? Hắn là thầy tôi, là chú tôi, hắn có quyền bắt tôi và tôi không sao trốn được nữa. Anh, trước kia anh sợ Bảo-Liên thế nào thì bây giờ tôi cũng sợ Phú-Lợi như thế. Trời ơi! Sẽ khổ cho cái đầu của tôi! Cái khổ đau đầu còn chịu được nhưng cái khổ không được nhìn thấy anh nữa thì ghê gớm biết nhường nào? Còn điều này nữa, cuộc chia rẽ tôi với gia đình tôi không nói làm gì, nhưng cuộc chia rẽ anh với gia đình anh thì khốn khổ đến mực nào! Vì rất có thể Phú-Lợi bắt cả anh và giáo dục anh như những học trò của hắn bằng roi, bằng nhịn đói. Chắc anh không muốn vào trường đó và tôi cũng không muốn làm bạn học với anh. Vậy anh tính thế nào?
Cái hy vọng lớn lao của tôi đã làm cho tôi quên hẳn Phú-Lợi. Tất cả những điều Mã-Tư vừa nói có thể xảy ra được. Phải tránh cái nguy hiểm đem nộp mình cho Phú-Lợi.
Tôi hỏi anh:
- Ý anh thế nào? Anh không muốn vào Ba-Lê?
- Tôi không muốn đến hẻm Mục-Tảo sợ chạm trán Phú-Lợi.
- Nếu anh không muốn đến phố ấy, tôi sẽ đến một mình. Anh đợi một chỗ nào đó. Độ bẩy giờ tối thì tôi trở lại đón anh.
Chúng tôi hẹn đợi nhau ở đầu cầu Nhà Chung sau Nhà Thờ Đức Bà. Bàn định xong, chúng tôi tiến vào Ba-Lê.
Đến công trường Ý-Đại-Lợi, chúng tôi chia tay, cảm động như không bao giờ tái ngộ nữa. Anh cùng Lãnh-Nhi xuống vườn Bách-Thảo, còn tôi đi về phố Lục-Sinh, cũng ở gần đấy.
Là lần thứ nhất trong sáu tháng nay, tôi đi một mình không có Mã-Tư, không có Lãnh-Nhi bên cạnh. Tôi cảm thấy trống rỗng và buồn tênh. Nhưng tôi dẹp ngay được mối buồn đó, tôi chả sắp được gặp Bảo-Liên và do Bảo-Liên được thấy gia đình tôi hay sao?
Tôi đã ghi vào mẩu giấy tên họ và địa chỉ những chủ trọ của Bảo-Liên. Nhưng không cần đến vì tôi đã thuộc lòng những tên và chỗ ấy: Hai-Giô, Ba-Bô và Tư-Chớp.
Tôi vào hẻm Mục-Tảo, qua nhà Hai-Giô trước tiên. Đó là một hàng cơm nhơm nhếch ở từng dưới một ngôi nhà gác có đủ giường phản. Tôi mạnh bạo bước vào. Nhưng bằng giọng run run hỏi:
- Ông Bảo-Liên, có ở đây không?
- Bảo-Liên là ai nhỉ?
- Bảo-Liên ở làng Văn-Ông.
Rồi tôi ta hình dáng Bảo-Liên, cái hình dáng ngày xưa của ông ta khi mới ở Ba-Lê về: mặt khắc nghiệt, đầu vẹo sang bên phải.
- Không có ai như thế. Tôi không biết.
Tôi đi xa hơn chút nữa tìm đến nhà Ba-Bô là một lữ quán có phòng đủ đồ đạc cho thuê. Lại có bán thêm hoa quả nữa. Tôi nhắc lại câu hỏi ở quán trọ trước.
Mới đầu, tôi hỏi chẳng ai nghe thấy gì. Người chồng đang bán bánh đúc và cắt bằng cái dao như dao thợ nề, người chồng mải cãi nhau với một khách hàng vì họ bớt một xu. Tôi hỏi đi hỏi lại đến lần thứ ba, người chồng mới trả lời:
- À, phải, Bảo-Liên… đã lâu có ở đây. Đến bốn năm rồi!
Người vợ cải chính:
- Đã năm năm chứ lại. Hắn ta còn nợ nhà này một tuần lễ tiền trọ, chưa trả. Vậy bây giờ, hắn ở đâu, thằng vô lại ấy?
Hắn ở đâu? Chính tôi cũng đang đi hỏi mà người ta lại hỏi tôi. Chán quá. Tôi chỉ còn biết hỏi Tư-Chớp nữa thôi. Nếu người này không biết nốt thì tìm đâu cho thấy Bảo-Liên bây giờ?
Cũng như Hai-Giô, Tư-Chớp bán hàng cơm. Khi tôi vào nhà, ông ta đang làm bếp và dọn ăn cho một bọn người đang ngồi bàn.
Tôi lại hỏi Tư-Chớp, lúc ông ta tay cầm vá đang múc súp cho khách ăn.
Ông ta trả lời:
- Bảo-Liên à? Ông ta không ở đây nữa.
Tôi run lên và hỏi:
- Thế bây giờ Bảo-Liên ở đâu?
- Ai biết được!
Tôi choáng voáng, trước mắt tôi, những cái soong như nhẩy rập rờn trên bếp.
Tôi nói:
- Tôi biết tìm ông ta ở đâu bây giờ?
- Ông ta không để lại địa chỉ.
Mặt lộ một vẻ thất vọng đáng thương, một người khách đang ăn ở bàn bên cạnh bếp, hỏi tôi:
- Em tìm Bảo-Liên có việc gì?
Tôi không thể nói thực và kể chuyện riêng của tôi ra. Tôi nói:
- Tôi vừa ở Văn-Ông quê ông ta, đến đây. Để báo tin tức nhà cho ông ta biết, vợ ông ta bảo tôi đến tìm ông ta ở đây.
Tư-Chớp bảo người khách vừa hỏi tôi:
- Nếu ông biết, ông chỉ giúp cho em bé này, nó không có chuyện gì hại cho Bảo-Liên phải không?
- Thưa ông, không.
Tôi tỉnh người, hy vọng.
- Bảo-Liên bây giờ tất ở khách sạn Khang-An đường Hốt-Linh, vì cách đây ba tuần lễ, tôi có gặp ông ta ở đấy.
Tôi cảm ơn và đi ra. Chỗ ấy gần phố Lục-Sinh, tôi nghĩ nên rẽ vào hỏi dò tin tức Phú-Lợi cho Mã-Tư. Tôi đi vài bước tìm ngay thấy lối vào nhà ngày xưa tôi đến với ông Vỹ-Tiên. Cũng như lần trước tôi thấy một ông già, ông già năm xưa đang mắc những giẻ rách vào tường ngoài sân. Có lẽ ông ta chỉ làm một công việc này từ mấy năm nay.
Tôi hỏi:
- Ông Phú-Lợi đã về chưa?
Ông già nhìn tôi rồi ho xù xụ một hồi không trả lời tôi. Tôi nghĩ nên làm như tôi biết rõ Phú-Lợi ở đâu rồi, nếu không thì “ông già giẻ rách” kia không chịu rỉ răng.
Tôi làm ra bộ đắc chí nói:
- Phú-Lợi còn ở trong ấy, có lẽ buồn lắm nhỉ?
- Buồn, nhưng thì giờ cứ việc đi chứ!
- Nhưng thì giờ đi nhanh cho chúng tôi hơn là cho ông ta.
Ông già toan cười về câu khôi hài của tôi, nhưng lại bị một cơn ho dài hơn bật ra trước.
Đợi cho ông ta hết ho, tôi hỏi:
- Ông có biết chừng nào ông ta về không?
- Ba tháng.
Phú-Lợi còn ngồi tù ba tháng nữa. Mã-Tư sẽ dễ thở, vì trong ba tháng nữa, cha con tôi đủ thì giờ tìm cách ngăn cản kẻ hung ác không được hành hạ cháu.
Tôi vui vẻ đi tìm khách sạn Khang-An, tôi vào ngõ Hốt-Linh, chứa chan hy vọng và có một ý tưởng khoan hồng về Bảo-Liên.
Dù sao, Bảo-Liên cũng không đến nỗi độc ác như bộ mặt ông ta, không có ông ta, có lẽ tôi đã bị chết đói, chết rét ở lề phố Bảo-Tương. Ông ta có dứt tôi ra ở trong lòng bà Bảo-Liên để bán tôi cho ông Vỹ-Tiên thực đấy, nhưng lúc đó ông ta không có cảm tình với một đứa trẻ lớn lên mà ông ta không nhìn thấy bao giờ, vả lại khi người ta nghèo khó thì người ta hay nghĩ quẩn và làm những việc không hay. Bây giờ ông ta đang tìm tôi, tôi phải biết ơn ông ta. Tôi phải quên cái oán thù đã dung dưỡng trong đầu óc tôi từ ngày ông Vỹ-Tiên kéo cổ tay tôi lôi đi, mới phải. Đối với ông ta, tôi phải tỏ ra tri ân. Nếu không phải là một bổn phận phải yêu thương ông ta như đối với bà Bảo-Liên thì cũng là một bổn phận phải tử tế với ông ta mới không trái với lương tâm.
Không mấy lúc tôi đã tìm đến khách sạn Khang-An, gọi là khách sạn nhưng chỉ là một lữ điếm tồi tàn. Chủ nhà là một bà cụ già vừa có bệnh run gân vừa nặng tai.
Khi tôi hỏi, bà ta đưa cái ống nghe lên tai và bảo tôi nói lại. Bà nói nhỏ:
- Tôi hơi nghễnh ngãng.
- Tôi muốn gặp Bảo-Liên, Bảo-Liên ở Văn-Ông. Ông ta trọ ở đây. Phải không?
Không trả lời, bà ta giơ cả hai tay lên trời một cách bất thần làm cho con mèo nằm ở đầu gối bà nhẩy bổ nhào xuống đất.
Bà kêu:
- Trời ơi!
Bà hỏi tôi:
- Mày là đứa con phải không?
- Đứa con nào?
- Đứa con người ta tìm.
Nghe câu này, tôi cuống quít. Tôi kêu:
- Ông Bảo-Liên…
- Quá cố. Phải gọi là ông “Bảo-Liên quá cố”.
Tôi đứng không vững phải tỳ lên cây thụ-cầm. Tôi xúc động quá, giọng nghẹn ngào, cố kêu to lên cho bà ta nghe rõ:
- Ông ta chết thật à?
- Đã tám hôm nay, ở Nhà Thương Thánh Ăng-Toan.
Tôi mê mẩn như người mất hồn.
Bảo-Liên chết rồi! Làm thế nào tìm được gia đình tôi? Làm thế nào gặp được cha mẹ tôi?
Bà già nói tiếp:
- Thế mày là đứa con nhà giầu mà Bảo-Liên định tìm để đưa về cho cha mẹ mày à?
Tôi tỉnh ngay lại, bám riết vào câu nói đó, tôi nói:
- Bà biết rõ à?
- Ta biết những lời ông ta kể, ông Bảo-Liên tội nghiệp ấy. Ông ta nói ông ta bắt được một đứa con bỏ đường đem về nuôi, bây giờ nhà mất con muốn chuộc lại. Ông ta về Ba-Lê tìm đứa con ấy.
Tôi thở dồn như người hết hơi và hỏi:
- Thế còn gia đình? Gia đình tôi?
- A! Thế ra chính cậu là đứa con? A! Chính cậu? Chính là cậu?
Hỏi xong bà lung lay cái đầu, trố mắt nhìn vào mặt tôi. Nhưng tôi không để bà nhìn mãi, tôi hỏi:
- Thưa bà, xin bà kể hết cho cháu nghe.
- Nhưng tôi không biết gì hơn là những câu vừa kể lại cho cậu nghe, cậu ạ, cậu công tử ạ.
- Xin bà cho cháu biết tất cả những điều Bảo-Liên đã nói, những điều dính dáng về gia đình cháu, thưa bà, bà hãy nhìn xem cháu rất cảm động, bối rối và lo buồn.
Không trả lời tôi, bà lại vụt tay giơ lên trời, nói:
- Này câu chuyện lạ quá!
Lúc đó có một người đàn bà ăn mặc như người ở vào chỗ tôi đang hỏi chuyện, bà già bỏ tôi, quay ra khoe với người đàn bà ấy rằng:
- Này câu chuyện lạ quá! Cậu bé này, cậu công tử này, chị coi, chính là đứa con mà Bảo-Liên nói chuyện hôm nọ. Đứa con tìm đến mà Bảo-Liên đã đi đời rồi! Có kỳ không?
Tôi nói:
- Bảo-Liên có bao giờ nói đến gia đình tôi không? Thưa bà.
- Đến hơn hai mươi lần, hơn trăm lần rằng: gia đình ấy giầu nứt đố đổ vách.
- Gia đình ấy ở đâu? Tên là gì?
- Ấy đó. Bảo-Liên không bao giờ nói đến cả. Cậu có hiểu không? Ông ta giữ bí mật. Ông ta muốn hưởng một mình. Đó cũng là lẽ công bình. Nhưng ông ta cũng quỷ quái lắm.
Than ôi! Tôi có hiểu. Tôi hiểu lắm: Bảo-Liên đã đem theo tất cả cái bí ẩn về nguyên ủy của tôi xuống suối vàng rồi!
Tôi đã đi gần tới đích rồi mà trật. Thôi rồi mộng đẹp! Thôi rồi hy vọng!
Tôi lại hỏi bà già:
- Bảo-Liên còn kể chuyện với ai nhiều hơn bà nữa không?
- Bảo-Liên không ngu mà nói với mọi người. Kể ông ta cũng hơi ác!
- Bà có thấy ai là người nhà tôi đến tìm Bảo-Liên không?
- Không thấy ai cả.
- Chắc Bảo-Liên cũng có bè bạn biết chuyện.
- Ông ta chẳng có bạn bè nào.
Tôi lấy hai bàn tay đỡ trán, nhưng nghĩ mãi không tìm thấy gì để tự hướng dẫn. Vả tôi xúc động quá, bối rối quá không sao nghĩ sâu rộng hơn được nữa.
Nghĩ ngợi một lúc lâu, bà già nói thêm:
- Có một lần ông ta nhận được một bức thư, bức thư bảo đảm.
- Ở đâu đến?
- Tôi không biết. Người phu trạm trao tay cho ông ta. Tôi không nhìn được con dấu.
- May ra người ta có thể tìm được lá thư đó.
- Khi được tin ông ta chết. Tôi đã tìm khắp nhà xem ông ta có còn để lại gì không. Không phải là tò mò, nhưng để báo tin cho vợ ông ta biết. Nhưng chẳng tìm thấy gì là di tích của ông ta cả. Ở Nhà Thương cũng không. Người ta tìm ở túi ông ta, cũng không thấy một giấy tờ gì. Nếu lúc vào ông ta không khai là ở Văn-Ông, có lẽ người ta cũng không biết đâu mà báo tin cho vợ ông ta.
- Thế bà Bảo-Liên tất nhiên được biết tin dữ đó?
- Ai mà biết được.
Tôi đứng ngẩn ra, chẳng nói được câu gì. Nói gì bây giờ? Hỏi gì bây giờ? Người ta đã nói hết cho tôi nghe những gì người ta biết. Người ta không biết hơn gì nữa. Vì Bảo-Liên cốt giấu kia mà. Tôi cảm ơn bà chủ khách sạn rồi đi ra.
Bà già gọi giật tôi lại:
- Cậu định đi đâu bây giờ?
- Tìm người bạn tôi.
- A! Cậu có một người bạn?
- Có chứ.
- Bạn cậu ở Ba-Lê?
- Chúng tôi mới đến Ba-Lê sáng nay.
- Nếu các cậu chưa có chỗ trọ, các cậu có thể ở đây được. Ở đây dễ chịu, tôi có thể khoe thế, đây là một nhà thật thà. Cậu nên nghĩ xa một chút. Nếu gia đình cậu đợi lâu không thấy tin tức Bảo-Liên, tất nhiên phải lùng đến đây, chứ không đến chỗ khác. Lúc đó, cậu sẵn sàng ra đón tiếp gia đình cậu, thế có hay không? Nếu cậu đi, thì gia đình cậu biết đâu mà mò? Tôi nói thế là có lợi cho cậu, cậu nên nghĩ kỹ. Thế bạn cậu bao nhiêu tuổi?
- Bạn tôi kém tuổi tôi.
- Cậu hãy coi xem. Hai trẻ thơ dại ở đất Ba-Lê này, có thể gặp nhiều người không tốt. Có những lữ quán chứa toàn phường vô lại. Không được yên ổn như ở đây đâu, cậu nhìn ra phố thì biết.
Tôi không đồng ý lắm là phố này yên ổn. Nói gì thì nói, khách sạn Khang-An chỉ là một quán trọ bẩn thỉu và tồi tàn vào hạng nhất mà tôi từng thấy. Tuy nhiên, trong những ngày phiêu lưu của tôi, tôi còn trông thấy những quán trọ khổ hơn thế nhiều. Nhưng lời bà chủ khách sạn vừa nói nghe cũng xuôi tai. Hơn nữa, bây giờ cũng không phải là lúc để tôi tỏ ra khó tính; tôi chưa tìm thấy gia đình tôi, gia đình giầu có của tôi, để tôi được ở những khách sạn đẹp nhất trên các đại lộ hay ở trong những tòa lâu đài lộng lẫy nếu cha mẹ tôi cư trú ở Ba-Lê. Nếu tôi định ở khách sạn Khang-An này thì không phải trả nhiều tiền, tôi phải nghĩ đến các khoản tiêu mới được. Anh Mã-Tư thực là người lịch duyệt, anh đã khuyên tôi phải kiếm tiền từ Mộc-Văn đến Ba-Lê là phải. Nếu chúng tôi không có 17 phật-lăng trong túi, thì chúng tôi bây giờ sẽ trở nên thế nào?
Tôi hỏi bà chủ:
- Bà cho thuê bao nhiêu tiền buồng một ngày?
- Mỗi ngày mười xu, không đắt chứ?
- Vậy chiều nay tôi và bạn tôi sẽ dọn đến.
- Nên đến sớm thì hơn. Đi khuya ở Ba-Lê hay có chuyện bực mình.
Trước khi trở về đây, tôi phải đi đón Mã-Tư ở chỗ đã hẹn. Vì còn sớm nhiều, tôi không biết phải làm gì, nên tôi thẫn thờ ra vườn Bách-Thảo, đi tản bộ chán, tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế dài. Chân tôi đau nhừ, óc tôi như dại. Tôi vừa bị rớt xuống thình lình, bất ngờ và thật lực. Vậy ra tôi phải chịu tất cả những tai biến, hết nạn nọ đến nạn kia và mỗi lần tôi giơ tay ra để bám víu, cái cành mà tôi vớ được lại gẫy cắc dưới tay tôi làm cho tôi ngã xuống, và cứ bám cứ ngã luôn luôn như thế. Trong lúc mà tôi cần đến Bảo-Liên, Bảo-Liên vì mục đích làm tiền, cố ý dấu tên người – có lẽ là cha tôi – đã ủy thác ông ta tìm tôi, cái chết đột nhiên của Bảo-Liên phải chăng là một sự rủi ro tàn khốc cho tôi?
Mắt cương lệ, ngồi một đầu ghế dưới bóng cây xanh, tôi đang nghĩ gần nghĩ xa, chợt có một ông và một bà lịch sự đến ngồi vào chiếc ghế đối diện với ghế của tôi. Một em bé kéo cái xe ngựa con, lẽo đẽo đi sau. Người cha gọi con, em bé bỏ xe chạy lại, giơ hai cánh tay vào cha, người cha ôm lấy con hôn vào tóc rồi đẩy sang chỗ người mẹ. Người mẹ lại ôm lấy con và hôn đúng đám tóc người cha vừa hôn. Em bé cười như nắc nẻ, lấy bàn tay trắng mập vỗ vào má người cha và người mẹ một cách rất yêu thương.
Trước cảnh đó, trước cái sung sướng của hai cha mẹ và cái vui của đứa con, tôi thấy nguồn lệ trong lòng dâng lên và không cầm được nước mắt. Tôi chưa bao giờ được yêu dấu như thế. Chính bây giờ tôi đang hy vọng có ngày được yêu dấu như thế. Một ý nghĩ chợt nẩy trong óc tôi. Tôi cầm đàn và đánh nhẹ nhàng một bài khiêu vũ cho em bé nhẩy chơi. Người cha lại gần đưa cho tôi một đồng bạc trắng. Tôi từ chối một cách rất lễ phép. Tôi nói:
- Thưa ông, cháu không dám lấy. Xin ông cho cháu một dấu thương yêu cũng như ông vừa cho em bé xinh tươi kia, cháu rất sung sướng.
Ông lấy làm lạ, nhìn tôi và chưa kịp nói gì thì người coi vườn vừa đến. Mặc dầu ông khách can thiệp, anh ta đuổi tôi ra khỏi vườn ngay nếu không tôi sẽ bị ngồi tù về tội đánh đàn kiếm tiền trong vườn Bách-Thảo.
Tôi đeo đàn lên vai và đi ra, thỉnh thoảng lại ngoảnh lại nhìn cha mẹ em bé, hai người cũng theo dõi tôi bằng con mắt thương hại. Lúc đó chưa đến giờ đón Mã-Tư, tôi lượn quanh bến xem nước chảy.
Đêm đến. Đèn phố đã thắp sáng. Tôi nhìn về phía Nhà Thờ Đức-Bà, hai ngọn tháp đen đen đâm lên trên nền trời đỏ tía của buổi hoàng hôn vừa tắt. Đằng sau Nhà Thờ có chiếc ghế dài, tôi liền chạy đến ngồi nghỉ vì hai chân đã mỏi rời. Chưa bao giờ tôi thấy mệt và chán nản như thế. Lòng tôi buồn, cảnh vật chung quanh cũng tẻ ngắt. Ở giữa kinh đô đầy ánh sáng, huyên náo và tấp nập thế mà tôi thấy trơ vơ, lạc lõng hơn là những nơi đồng rộng rừng sâu.
Những người qua lại trước mặt tôi thường ngoảnh lại nhìn tôi. Họ tò mò hay họ thương tôi, tôi cũng chẳng cần biết, vì chẳng ích lợi gì cho tôi.
Tôi chỉ có một thứ để giải buồn là ngồi đếm những tiếng đồng hồ đánh ở chung quanh tôi và tính còn bao nhiêu nữa sẽ được gặp Mã-Tư. Nghĩ đến sắp được trông thấy đôi mắt trìu mến và nét mặt tươi cười của Mã-Tư, thì lòng tôi phấn khởi hẳn lên, tình hữu ái của anh đã là nguồn an ủi cho tôi vậy.
Gần bảy giờ, tôi vẳng nghe có tiếng chó kêu, trông xa thấy một vật trăng trắng tiến lại chỗ tôi. Tôi chưa kịp phân biệt thì Lãnh-Nhi ở đâu xổ đến nhảy lên đầu gối tôi và liếm vào tay tôi. Tôi ôm chặt nó vào lòng và áp má lên đầu nó. Mã-Tư chưa tới nơi đã gọi to:
- Thế nào?
- Bảo-Liên chết rồi!
Anh liền chạy đến bên tôi. Bằng vài câu vắn tắt, tôi nhắc lại cho anh nghe những việc tôi đã làm và những điều tôi đã thu lượm được. Anh tái người, thất vọng. Tự nhiên tôi thấy êm ái trong lòng, tôi cảm thấy dù anh có sợ gia đình tôi sẽ ngăn cách anh, nhưng lòng anh vẫn chân thành mong cho tôi tìm thấy cha mẹ tôi.
Bằng những lời êm ái và thân yêu, anh cố dỗ tôi và khuyên tôi chớ vội thất vọng. Anh nói:
- Nếu cha mẹ anh nhờ Bảo-Liên, đợi lâu không thấy tin tức gì, tất phải tìm Bảo-Liên. Đã tìm Bảo-Liên thì thế nào cũng phải đến khách sạn Khang-An. Chúng ta cứ đợi ở khách sạn đó, có chậm chỉ vài ngày thôi rồi cũng ra mối.
Ý kiến của anh cũng là ý kiến của bà lão tai điếc đầu lắc lư đã khuyên tôi. Nhưng những lời đó phát ra từ miệng, từ lòng Mã-Tư làm cho tôi tin tưởng hơn. Phải đấy, chỉ chậm vài ngày thôi, có làm sao mà tôi đã lo, đã nản như một đứa trẻ con. Tôi liền yên dạ. Tôi kể cho Mã-Tư nghe về tin tức Phú-Lợi.
Anh reo lên:
- Còn ba tháng nữa à!
Rồi anh vừa hát vừa nhảy múa ngay trên phố. Lát sau, anh bảo tôi:
- Gia đình người nọ khác hẳn gia đình người kia. Anh buồn vì mất gia đình; tôi mừng vì không thấy gia đình.
- Một ông chú không phải là gia đình, nhất là ông chú như Phú-Lợi. Nếu anh mất tích Tuyết-Nga, em anh, anh có nhảy hát không?
- Ô! Anh đừng nói thế!
- Tôi vẫn nghĩ đến gia đình anh.
- Tôi cũng thế.
Theo bờ sông, chúng tôi về phố Hốt-Linh. Trong người tôi đã thư thái, nên tôi nhìn sông Xen đẹp thực; trăng tròn gieo xuống mặt nước những mây bạc, long lanh trên mặt nước như một tấm gương to lay động.
Khách sạn Khang-An tuy là một nhà trọ thật thà nhưng không sạch sẽ và đủ tiện nghi. Người ta đã dành cho chúng tôi một căn phòng trên gác, soi sáng bởi một đèn dầu lắm khói. Phòng hẹp thấp quá, đến nỗi cứ một người muốn đứng dậy thì người kia phải ngồi xuống giường. Đây không phải là thứ buồng mà tôi mơ ước và những cái khăn trải giường bằng vải vàng nhem nhuốc kém xa những tấm khăn bọc mà mẹ nuôi tôi thường nói.
Những miếng bánh mì và phó-mát Ý người ta dọn cho chúng tôi ăn không phải là những món cao lương mà tôi tưởng tượng sẽ được thết Mã-Tư.
Nhưng cũng được, tôi chưa mất hy vọng, chỉ cần đợi một thời gian thôi. Nghĩ thế rồi tôi ngủ lúc nào không biết.