Sáng hôm sau, tôi viết cho bà Bảo-Liên một lá thư, báo những tin mà tôi đã biết. Công việc cũng không phải dễ cho tôi. Nói thế nào cho bà biết cái chết của ông Bảo-Liên? Bà vẫn yêu thương chồng lắm. Hai người đã ăn ở với nhau trong bao nhiêu năm trời. Nếu tôi không tỏ lòng thương tiếc, chia buồn cùng bà, bà sẽ khổ tâm. Không biết dở hay, tôi cũng cố viết cho xong bức thư, tôi nhắc đi, nhắc lại nhiều lần là xin bà tin tưởng vào lòng quý mến thành thực của tôi. Tôi cũng báo tin cho bà biết nỗi lo buồn và lòng hy vọng hiện thời của tôi. Thực ra, chính về điểm này tôi nói nhiều và kỹ hơn hết. Cuối cùng tôi dặn bà hễ có thư nào hỏi tin tức ông Bảo-Liên thì bà báo ngay cho tôi biết và chuyển địa chỉ người viết thư ấy cho tôi ở khách sạn Khang-An, Ba-Lê. Bổn phận này làm xong, tôi còn một bổn phận nữa là bổn phận với ông An-Thanh. Khi từ biệt Lệ-Hoa, tôi có hứa với cô khi về tới Ba-Lê tôi sẽ vào thăm cha cô ngay, báo cho ông biết là gia đình tôi đang tìm tôi, nếu cha mẹ tôi giàu, tôi sẽ nói với cha mẹ tôi chuộc ông về và tôi sẽ vào đón ông ở khám ra. Đó là mục đã ghi vào chương trình dự định trong lúc vui sướng, trước khi vào Ba-Lê: ông An-Thanh trước tiên, rồi đến bà Bảo-Liên, đến Lệ-Hoa, đến Yến-Chi, An-Sinh và Bằng-Mai, còn Mã-Tư, người ta đãi tôi thế nào, thì tôi cũng đãi anh như thế, và anh sẽ sung sướng vì tôi được sung sướng. Nhưng bây giờ vào nhà lao với hai bàn tay không và thăm suông ông An-Thanh cũng như ngày từ giã ông, không giúp ông được việc gì để trả ơn ông thì buồn biết là nhường nào? May sao tôi có những tin tức các con ông đem đến cho ông và cả những cái hôn mà Lệ-Hoa cùng An-Sinh đã gửi, ông sẽ được vui sướng thì tôi cũng bớt phàn nàn. Mã-Tư muốn xem nhà lao thế nào, cũng theo tôi đi. Tôi cũng muốn anh biết mặt người mà trong hơn hai năm trời đã coi tôi như con. Vì tôi đã biết thể thức để xin vào thăm ở nhà lao Kích-Chi, nên chúng tôi không phải đợi lâu ngoài cổng như lần đầu tôi đã xin vào. Người ta cho chúng tôi vào phòng nói chuyện. Lát sau, ông An-Thanh ra ngay và giơ hai tay đón tôi. Ông vừa hôn, vừa nói: - Con tốt quá! Lê-Minh! Tôi cho ông biết ngay tin tức của Lệ-Hoa và An-Sinh. Sau tôi cắt nghĩa cho ông tại sao tôi không đi thăm Yến-Chi ngay được, ông ngắt lời tôi và hỏi: - Thế cha mẹ con? - Ông cũng biết tin tức đó à? Ông liền kể rằng cách đây mười lăm hôm, Bảo-Liên có đến nhà giam này thăm ông. Tôi nói: - Ông ta chết rồi! Theo lời ông An-Thanh thì Bảo-Liên sở dĩ đến nhà lao là để hỏi tin tức tôi. Thoạt tiên, Bảo-Liên tìm đến Phú-Lợi ở Ba-Lê, nhưng không thấy, phải về tại một nhà lao ở tỉnh xa mới được gặp ông ta. Phú-Lợi cho Bảo-Liên biết là ông Vỹ-Tiên đã chết rồi và tôi được một người thợ trồng hoa tên là An-Thanh nuôi. Bảo-Liên lại trở về Ba-Lê đến trại trồng hoa hỏi thì biết ông An-Thanh đang ở nhà lao Kích-Chi. Bảo-Liên vào nhà lao tìm ông An-Thanh. Ông An-Thanh cho biết là tôi đang lang thang trong nước Pháp để diễn trò, vì thế không đích xác tôi ở tỉnh nào. Nhưng thế nào cũng có ngày tôi tạt vào thăm các con ông. Vì thế ông An-Thanh đã viết thư cho tôi và gửi địa chỉ các con ông. Khi ở Mộc-Văn tôi không nhận được, chắc là thư đến chậm. Tôi hỏi: - Bảo-Liên có nói cho ông biết gia đình con thế nào không? - Ông ta chỉ bảo rằng cha mẹ con dò hỏi sở Cảnh-sát ở Ba-Lê biết con đã bị bỏ rơi ở Đại lộ Bảo-Tương, và được một người thợ nề quê ở Văn-Ông tên là Bảo-Liên đem về nuôi. Cha mẹ con đến nhà ông ta tìm con nhưng không thấy. Cha mẹ con nhờ ông ta tìm giúp. - Ông ta có nói tên cha mẹ con? Và có bảo cha mẹ con đâu không? - Khi ta hỏi Bảo-Liên câu ấy thì ông ta bảo sau này sẽ nói kỹ. Ta có ý căn vặn, ông ta không chịu nói, ta biết ông muốn giữ kín sợ cái lợi sẽ bị chia xẻ. Vì ta có chút công nuôi con, ông sợ ta nhận phần chăng. Ta tức giận đuổi ông ta ra, từ đó không thấy ông ta trở lại nữa. Không ngờ ông ta lại chết thình lình như vậy. Thành ra, con tuy biết có cha có mẹ, chỉ vì lòng tham của Bảo-Liên, mà không biết cha mẹ là ai và ở chỗ nào. Tôi cắt nghĩa cho ông nghe: tôi còn đôi chút hy vọng. Ông cũng tin chắc như thế mà nói: - Vì cha mẹ con đã biết Bảo-Liên ở Văn-Ông, vì Bảo-Liên đã biết Phú-Lợi và tìm được ta, rồi thế nào người ta cũng tìm thấy con ở khách sạn Khang-An. Con cứ ở yên đó. Những lời ông nói làm cho tôi yên trí và vui vẻ. Xong tôi kể chuyện Lệ-Hoa, An-Sinh và chuyện tôi chết hụt trong mỏ cho ông nghe. Ông nói: - Thực là một nghề nguy hiểm! Thương hại cho An-Sinh! Giá được trồng hoa tử-la như xưa có phải sung sướng hơn không? Tôi nói: - Rồi cũng có ngày. - Con ơi! Còn nhờ trời! Lưỡi tôi ngứa ngáy chỉ muốn nói luôn rằng cha mẹ tôi sẽ can thiệp để chuộc ông ra. Song tôi dẹp được ngay, biết rằng không nên khoe trước những việc hay mà mình định làm. Tôi đành nói rằng ông cứ yên trí, mai kia ông sẽ được về sớm với các con ông. Lúc tôi ra đường rồi, Mã-Tư bảo tôi: - Trong khi chờ đợi ngày tốt đẹp đó, bây giờ ta không nên bỏ phí thì giờ và phải làm để kiếm tiền. - Nếu chúng ta dùng ít thì giờ để kiếm tiền từ Văn-Ông đến Mộc-Văn, từ Mộc-Văn đến Ba-Lê, thì chúng ta đã đến Ba-Lê sớm hơn, may kịp gặp Bảo-Liên. - Phải đấy. Tôi cũng nghĩ thế, anh không phải nói, tôi đã tự mắng tôi rất nhiều vì đã làm cho anh lỡ việc! - Anh Mã-Tư ơi! Tôi có trách anh đâu. Không có anh thì làm gì có con búp-bê biếu Lệ-Hoa, không có anh thì bây giờ chúng ta phải đói mà lê trên vỉa hè Ba-Lê. - Nếu anh coi ý kiến kiếm tiền của tôi hôm nọ là phải, thì bây giờ chúng ta thực hành theo lời tôi vừa nói. Vả lại chúng ta không còn có nghề gì hơn là đàn hát và diễn những bản trò có của chúng ta. Trong khi chờ đợi xe ngựa, chúng ta hãy cứ đi bằng chân đã. Ở Ba-Lê như ở nhà tôi, tôi biết hết những chỗ tốt, dễ kiếm tiền. Thực vậy, anh biết hết những công trường, những tư gia, tiệm giải khát, là những nơi có nhiều quý khán giả. Tối đến trước khi đi ngủ, chúng tôi đếm tiền, lại được mười bốn phật-lăng. Lúc đó, tôi nằm và nghe lại câu nói của ông Vỹ-Tiên: “Của cải cứ đến cho những người không cần tiền”. Dễ kiếm tiền! Chắc hẳn đó là một điềm hay báo cho ta biết mai mốt cha mẹ ta sẽ đến tìm. Tôi tin tưởng như thế nên sáng hôm sau tôi định ở nhà đợi tin, nhưng Mã-Tư ép tôi phải ra phố hát và diễn trò, vì thế hôm đó lại được mười một phật-lăng. Mã-Tư mừng rỡ nói: - Nếu ta không được hưởng giầu có của cha mẹ, ta tự làm giầu lấy, như thế chẳng hay lắm sao! Ba ngày trôi qua như thế và không xẩy ra sự gì mới lạ. Bà chủ tiệm vẫn cứ một câu ấy để trả lời chúng tôi: - Không có ai đến hỏi Bảo-Liên cả, cũng không có thư cho các cậu hoặc cho Bảo-Liên. Đến hôm thứ tư, bà ta đưa cho tôi một phong thư. Đó là thư của bà Bảo-Liên trả lời tôi, hay nói cho đúng, là thư bà đã nhờ người ta viết cho tôi vì bà không biết đọc và biết viết. Bà nói bà đã nhận được tin buồn trước thư tôi. Trước ngày chồng bà mất, bà có nhận được một bức thư của ông Bảo-Liên, nay bà gửi cả lên cho tôi xem, may ra có ích gì không vì trong đó có nói đến gia đình tôi. Mã-Tư kêu to: - Nhanh lên! Nhanh lên! Chúng ta hãy xem thư của ông Bảo-Liên trước. Tôi vừa bóc vừa cảm động, tay run run, tôi đọc: “Gửi cho vợ tôi, bà Bảo-Liên, Tôi hiện nay ở Nhà-Thương, ốm quá không thể dậy được. Nếu tôi còn sức thì tôi nói rõ tại sao tôi bị bệnh, nhưng việc đó không ích gì, tôi cần nói đến những việc cấp bách, nghĩa là nếu tôi không qua khỏi, bà viết thư ngay cho Sở Greth and Galley, Green Square Lincoln’s Inn tại Luân-Đôn. Đấy là những luật gia phụ trách việc tìm Lê-Minh. Bà nói cho họ hiểu, chỉ có một mình bà là có thể cho họ biết đúng tin tức của đứa con, và bà cần đòi một số tiền xứng đáng. Số tiền đó bà sẽ dùng để an dưỡng tuổi già. Muốn biết tin tức Lê-Minh, bà cứ biên thư hỏi người thợ trồng hoa tên là An-Thanh hiện ngồi tù nợ ở nhà lao Kích-Chi, Ba-Lê. Các thư từ nên nhờ Linh-Mục giúp cho vì việc này không nên tiết lộ cho người ngoài biết. Nếu chưa nhận được tin tôi chết thì đừng làm gì cả. Tôi hôn bà lần cuối cùng. Bảo-Liên Tôi chưa đọc hết chữ cuối của lá thư thì Mã-Tư đã nhẩy lên kêu: - Đi Luân-Đôn! Chúng ta phải đi Luân-Đôn! Tôi đang bị xúc động vì những lời trong thư, nên cứ nhìn Mã-Tư và không hiểu anh nói gì. Anh nói tiếp: - Thư của Bảo-Liên nói rằng những luật gia Anh phụ trách việc tìm anh, như vậy cha mẹ anh đích là người nước Anh rồi, phải không? - Nhưng… - Anh không thích là dân Anh? - Tôi muốn là người Pháp, cùng một tổ quốc với Lệ-Hoa và các con ông An-Thanh. - Còn tôi, tôi muốn anh là người nước Ý. - Nếu tôi là người Anh, tôi sẽ đồng hương với An-Tuyên và bà Mỹ-Lưu. - Còn phải “nếu” gì nữa? Chắc chắn anh là người nước Anh. Nếu cha mẹ anh là người Pháp, thì không khi nào lại nhờ những luật gia Anh tìm ở đất Pháp một đứa trẻ lạc? Vì anh là người nước Anh, cho nên chúng ta phải sang Anh-quốc. Đó là kế hay hơn hết để được gặp gia đình anh. - Tôi viết thư cho những luật gia đó có được không? - Để làm gì? Đến tận nơi mà nói có phải dễ hiểu hơn là thư không! Khi chúng ta mới đến Ba-Lê, chúng ta chỉ còn có 17 phật-lăng. Rồi chúng ta kiếm dần được 14, 11 và 9 phật-lăng. Tổng cộng 51 phật-lăng. Trừ các khoản chi là 8 phật-lăng, chúng ta còn 43 phật-lăng, thừa đủ để sang Luân-Đôn. Chúng ta sẽ đi Boulogne để xuống tàu thủy sang Luân-Đôn, phí tổn không mất mấy đâu. - Anh đã đi Luân-Đôn bao giờ chưa? - Tôi chưa đi bao giờ. Nhưng tôi có quen hai người bạn làm hề ở gánh xiếc Gát-Sô là người Anh. Họ thường nói chuyện với tôi về Kinh Thành Luân-Đôn và dạy tôi một ít tiếng Anh để nói chuyện riêng với nhau không cho người vợ chủ rạp, tò mò như mặt vọ, biết chúng tôi nói gì. Lắm khi chúng tôi nói tiếng Anh chế nhạo trước mặt mụ ta, không sợ mụ ta thù. Tôi sẽ đưa anh đi Luân-Đôn. - Tôi cũng biết ít tiếng Anh do ông Vỹ-Tiên dạy tôi ngày xưa. - Phải, nhưng đã ba năm nay, anh có thể quên rồi. Còn tôi, tôi vẫn nhớ, đấy rồi anh xem. Không phải tôi có thể giúp đỡ anh mà tôi còn cố theo anh sang Anh-quốc, còn một lý do nữa khiến tôi muốn sang Luân-Đôn với anh, tôi xin nói thực. - Lý do gì? - Nếu cha mẹ anh tìm thấy anh, ở Ba-Lê, anh, cha mẹ anh rất có thể từ chối không cho tôi theo về Anh. Còn như, một khi tôi ở đất Anh rồi, lúc đó chắc cha mẹ anh không nỡ bỏ tôi. Ý tưởng đó của anh làm cho tôi chạnh lòng thay cho cha mẹ tôi. Nhưng nghĩ cho kỹ thì anh lo xa như vậy cũng không phải là vô lý. Tôi nghĩ nên đi Luân-Đôn với Mã-Tư. Tôi nói: - Chúng ta đi đi! - Anh bằng lòng chứ? Trong hai phút, hành lý của chúng tôi đã sửa soạn xong, chúng tôi cùng nhau xuống gác. Bà chủ tiệm thấy chúng tôi sắp đi, liền nhún vai và kêu: - Kìa công tử – tức là tôi – không đợi tin gia đình à? Nên ở lại thì hơn – khi tìm đến, gia đình cậu sẽ mừng thấy cậu được săn sóc tử tế ở đây. Nhưng lời khéo nói đó cũng không làm chuyển lòng tôi. Sau khi trả xong tiền trọ, tôi bước ra định đến chỗ Mã-Tư và Lãnh-Nhi đang đợi tôi. Bà chủ tiệm hỏi tôi: - Còn địa chỉ? Xét ra để địa chỉ có lợi, nên tôi ghi địa chỉ tôi vào cuốn sổ của bà. Bà kêu: - Đi Luân-Đôn à? Hai trẻ con cùng nhau đi Luân-Đôn? Xa xôi quá và phải qua biển? Trước khi lên đường đi Boulogne, chúng tôi phải vào chào ông An-Thanh. Cuộc tạm biệt không buồn. Ông An-Thanh rất sung sướng được tin tôi sắp gặp gia đình. Tôi cũng vui vẻ hẹn ông rằng thế nào cha mẹ tôi và tôi cũng sẽ đến cảm ơn ông. - Con ơi! Chúc con gặp nhiều may mắn. Nếu con không trở lại đây sớm được thì con viết thư cho ta. - Thế nào con cũng đến. Ngày hôm đó, chúng tôi đi một mạch đến Moisselles không nghỉ. Đêm đến, chúng tôi ngủ nhờ trong một cái trại vì phải dành tiền để đi tầu biển. Vừa đi đường, Mã-Tư vừa dạy tôi tập nói tiếng Anh. Tôi rất băn khoăn không biết cha mẹ tôi có hiểu tiếng Pháp hay tiếng Ý không? Nếu cha mẹ tôi chỉ nói được tiếng Anh thôi thì chúng tôi hiểu nhau làm sao được? Nếu tôi có anh, chị em thì tôi nói chuyện làm sao? Nếu tôi không thể nói chuyện được với anh chị em tôi, khác nào tôi là một người ngoài! Nghĩ đến đó, tôi lại buồn. Khi nghĩ đến ngày trở về ngôi nhà của cha mẹ, từ lúc rời Văn-Ông, tôi đã tưởng tượng một khung cảnh vui vẻ sum vầy, nhưng tôi không hề tính tới chỗ ngôn ngữ bất đồng nếu cha mẹ tôi không phải là người Pháp. Ở đời thường xẩy nhiều sự oái oăm. Từ Ba-Lê đến Boulogne, chúng tôi phải đi mất 8 ngày, vì phải nghỉ lại ở những thành thị mà chúng tôi đi qua để hát và diễn trò. Khi chúng tôi đến Boulogne, trong túi còn 32 phật-lăng, thừa tiền để đi tầu. Vì Mã-Tư chưa từng thấy biển bao giờ nên chúng tôi dạo ngay ra bến chơi. Mã-Tư nhìn dám sương mù trên mặt biển thăm thẳm mãi đến tận chân trời, anh tặc lưỡi và kêu là cảnh biển xấu quá và buồn quá. Một cuộc tranh luận nổi lên giữa hai chúng tôi. Tôi vẫn thường nói đến biển, cho biển là một cảnh ngoạn mục nhất, tôi bảo thủ ý kiến đó. Mã-Tư nói: - Anh nói rằng biển đẹp có lẽ là khi nói nó xanh như là ở Cette, còn ở đây nước toàn một mầu vàng và lục, trên trời sắc xám, lại thêm nhiều đám mây đen, như thế sao gọi là đẹp được. Không những không đáng thưởng thức mà còn không buồn vượt qua nữa. Mã-Tư và tôi, chúng tôi thường đồng ý nhau, hoặc anh hoan nghênh ý kiến tôi, hoặc tôi biểu đồng tình với anh. Nhưng lần này tôi cố cãi và cho rằng mầu nước biển lục lẫn sương mù và mây đen trông rất ngoạn mục hơn một biển xanh dưới bầu trời xanh. Mã-Tư nói: - Anh nói như thế vì anh là người Anh-quốc, anh yêu cái biển xấu này vì nó là biển của xứ anh. Tàu đi Luân-Đôn sẽ rời bến hôm sau hồi bốn giờ sáng. Khoảng ba giờ rưỡi, chúng tôi đã xuống tầu và tìm chỗ ngồi ở cạnh đống két hàng để tránh những ngọn gió bắc ẩm và lạnh. Dưới ánh sáng mấy ngọn đèn dầu tỏa khói, người ta chuyển hàng xuống tầu: tiếng ròng rọc kêu kin kít, tiếng két hàng va vào nhau lục đục ở dưới hầm tầu, tiếng thủy thủ gọi nhau ơi ới, đồng thời, hơi nước phùn phụt đưa lên những làn khói trắng theo chiều gió cuốn đi. Chợt tiếng chuông leng keng. Tức thì dây buộc tầu bỏ xuống. Con tầu từ từ rời bến. Chúng tôi khởi hành, khởi hành về quê hương tôi. Tôi thường nói chuyện với Mã-Tư, không gì thú bằng du hành trên thuyền. Người ta lướt nhẹ nhàng trên mặt nước không biết mình đang đi, người ta thấy khoan khoái như sống trong cảnh thần tiên. Đó là cái thú tôi từng được hưởng khi ở trong thuyền Thiên-Nga trên sông Nam. Nhưng biển không giống sông. Khi chúng tôi rời khỏi bến một lúc thì con tầu hình như chúi xuống biển rồi lại nhô lên, xong lại chúi sâu và nhô cao hơn nữa, cứ rập rờn như thế đến bốn năm lần. Lúc đó hơi nước phụt ở ống khói ra kêu như xé rồi lại tắt ngay. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng bánh xe đập nước, khi bánh bên phải khi bánh bên trái tùy theo con tầu nghiêng ngả. Mã-Tư nói: - Cuộc trượt tuyết đẹp quá! Tôi không thể trả lời Mã-Tư được vì tôi không hiểu sự lái tầu biển thế nào. Nhưng tầu lắc lư không cứ là do tay lái phải gối sóng mà còn do biển động nữa. Tôi hỏi: - Anh sao thế? - Tầu tròng trành quá, tôi lộn cả ruột gan. - Đó là anh say sóng. - Tôi cũng nghĩ thế. Lát sau anh chạy ra bám chặt vào cạnh tầu. Khốn nạn cho Mã-Tư, anh ốm rồi! Tôi liền ôm anh vào lòng, ép đầu anh vào ngực tôi nhưng anh cũng không đỡ. Anh rên rỉ, thỉnh thoảng anh lại vùng dậy, bước choạng vạng đến tỳ vào bao lơn. Lát sau anh lại lảo đảo trở vào, miệng lẩm bẩm: - Cái biển này ác quá! Trời đã sáng. Không có mặt trời. Một thứ ánh sáng nhợt chiếu xuống qua làn sương mờ. Trước mặt tôi xa xa đã trông thấy một dẫy bờ đá trăng trắng hiện ra. Lác đác có mấy chiếc tầu không buồm đứng im không động đậy. Tầu chúng tôi đã bớt tròng trành, đi nhanh hơn và lướt trên làn nước gần phẳng lặng như ở sông con. Chúng tôi không ở biển nữa. Hai bên xa xa những giải bờ xanh um lờ mờ trong đám sương mai: chúng tôi đã vào sông Ta-Mi. Tôi bảo Mã-Tư: - Tới nước Anh rồi! Lãnh đạm với tin mừng đó, anh nằm sóng sượt trên sàn và đáp: - Để cho tôi ngủ. Tôi chịu sóng, không mệt nên không ngủ. Tôi đỡ anh nằm lại cho hẳn hoi rồi tôi trèo lên ngồi trên đống két hàng cao nhất. Lãnh-Nhi cũng theo lên nằm dưới chân tôi. Có lẽ nó đã cùng ông Vỹ-Tiên đi biển quen và biết nhiều hơn chúng tôi. Ngồi chỗ đó, tôi nhìn được khắp sông: hai bên bờ, phía trước và phía sau. Bên phải là một bãi cát rộng, bọt nước đọng ở ven chân thành một đường viền trăng trắng. Bên trái mờ mờ như mặt biển, nhưng không phải, một lát sau bờ sông xanh xanh hiện ra và tôi nhìn rõ bãi bùn. Giữa sông, một “đội thuyền” bỏ neo đậu, hơi nước tỏa lên như những đám mây. Những chiếc tầu dắt ở phía sau thi nhau nhả những cuộn khói đen. Biết cơ man nào là tầu! Cơ man nào là buồm! Tôi chưa bao giờ tưởng tượng có một con sông lắm tầu đến thế. Sông Ga-ron đã làm cho tôi lạ mắt, sông Ta-Mi lại làm cho tôi kinh dị hơn! Nhiều tầu sửa soạn để nhổ neo. Người ta thấy những thủy thủ leo trong đám cột bườm bằng những thang dây trông xa như là những tơ nhện. Tầu chúng tôi vẫn tiến, để lại phía sau một luồng bọt trắng trên mặt nước vàng, trong đó nổi bập bềnh đủ thứ rác vụn: củi, gỗ, cành cây, xác loài vật trương phềnh, nút chai, cỏ úa. Thỉnh thoảng có những con chim cánh lớn sà xuống những tàn vật đó rồi bay lên, tiếng kêu oang oác, mỏ ngậm mồi ngon. Sao Mã-Tư lại thích ngủ thế? Chẳng dậy mà xem; một cảnh lạ mắt vô cùng. Tầu càng tiến, cảnh càng kỳ hơn và đẹp hơn. Đây là những tầu buồm, tầu chạy bằng hơi nước, những tầu lớn ba buồm, những khí thuyền khổng lồ vừa ở ngoại quốc về, những thuyền chứa than đen sì, những thuyền chở cỏ khô lù lù như những đống rạ trôi trên mặt nước, những thùng tròn đủ các màu trắng, đen, đỏ nổi lềnh bềnh và xoay tròn trên mặt nước. Còn ở hai bên bờ, nhà cửa hiện ra rõ ràng, nhà nào cũng quét sơn diêm dúa; những đồng cỏ xanh, những chòm cây sao, những đầu tàu nhô ra đến bãi bùn, những cột sơn, những dấu hiệu về nước thủy triều. Tôi đứng rất lâu, yên lặng ngắm nhìn. Chỗ này, trên hai bờ sông Ta-Mi, nhà cửa san sát thành dẫy dài đỏ ối. Trời tối lại. Khói và sương mù hòa trộn với nhau. Chợt ở giữa những cây đồng, ở giữa những loài vật đang ăn trong ruộng cỏ, một rừng cột buồm đâm lên tua tủa: tầu đi trong cánh đồng! Không chịu nổi cảnh lạ đó, tôi nhẩy xuống đánh thức Mã-Tư dậy. Anh đã khỏi đau và không cáu nữa. Tôi bảo anh cùng leo lên đống két xem tầu. Anh lóa cả mắt và dụi mãi để nhìn cho rõ. Thì ra ở trong cánh đồng đó, những con sông đổ ra sông Ta-Mi, những con sông đó cũng ăm ắp những tầu thuyền. Sương mù và khói mỗi lúc thấy dầy thêm. Thỉnh thoảng có chỗ hở mới nhìn được xa. Càng đi sâu vào, chúng tôi càng nhìn không rõ. Sau cùng, con tầu chạy từ từ rồi tắt máy hẳn. Dây tầu quăng lên bến: chúng tôi đã đến Luân-Đôn. Chúng tôi lên bến giữa đám đông người chòng chọc nhìn chúng tôi và không nói gì. Bây giờ là lúc Mã-Tư phải dùng đến tiếng Anh đây. Anh không ngần ngại gì, mũ cầm tay đến gần một ông râu đỏ lễ phép hỏi đường đến Thanh-Viên (Green square). Thấy anh cắt nghĩa mãi cho ông kia nghe và ông kia bảo anh nói lại một vài tiếng, tôi giữ vẻ tự nhiên, không để ý đến sự lúng túng của anh. Lát sau anh trở lại. Anh nói: - Dễ lắm, ta cứ đi dọc bờ sông, theo bến tầu thì đến nơi. Nhưng ở Luân-Đôn không có bến – nói hồi tôi qua đó – nhà cửa làm ra sát bờ sông. Chúng tôi đi theo những phố ven bờ sông. Những phố đó tối tăm và lầy lội. Trên đường xe cộ đã đông lại thêm những két, những bao, những kiện hàng để ngổn ngang làm cho chúng tôi khó tìm lối để lên, mà đi mãi không hết. Tôi vừa đi vừa cầm dây dắt Lãnh-Nhi, nó lon ton chạy theo. Mới có một giờ chiều mà các cửa hàng đều thắp đèn “gaz” sáng chói. Chúng tôi cứ đi. Thỉnh thoảng Mã-Tư lại dừng lại hỏi khách qua đường xem “Lincoln’s Inn” còn xa hay gần. Rồi anh quay lại bảo chúng tôi cứ đi thẳng và phải qua một cửa cuốn chắn ngang. Tôi lấy làm lạ và nghĩ thầm có lẽ anh nghe nhầm. Nhưng anh không nhầm. Chúng tôi tới một cửa cuốn rất cao cất ngang đường cái, hai bên có hai cửa con: đó là Temple Bar. Chúng tôi lại hỏi đường, người ta bảo rẽ sang bên phải. Chúng tôi không ở trong một phố huyên náo và tấp nập nữa. Chúng tôi vào những phố hẹp và vắng, ngang dọc như bàn cờ. Chúng tôi đi quanh co tưởng chừng như xoay tròn trong một mạng nhện. Một lúc sau, chúng tôi đang lúng túng, chợt trông thấy phía trước có một nghĩa trang, trong có rất nhiều nấm mồ, những phiến đá nổi lên đen sì như ám khói hay quét hắc ín: đó là Thanh-Viên. Một bóng người đi qua, Mã-Tư chạy theo hỏi. Tôi đứng dừng lại để giữ cho tim khỏi đập mạnh. Tôi không thở được nữa và phát run lên. Rồi Mã-Tư giục tôi đi. Chúng tôi đứng trước một biển đồng và đọc: Phòng Cố vấn Pháp luật “Greth and Galley”. Mã-Tư lại gần và kéo chuông. Tôi vội giữ tay anh lại. Mã-Tư hỏi tôi: - Anh đau hay sao? Trông anh xám người như thế? - Đợi tôi một chút để tôi trấn tĩnh lại. Anh kéo chuông và chúng tôi được vào. Lúc đó tôi bối rối quá, không nhìn rõ xung quanh tôi. Hình như chúng tôi đang ở một văn phòng, có hai hay ba người cúi xuống bàn và đang viết dưới ánh sáng những ngọn đèn “gaz” vừa cháy vừa reo vo vo. Mã-Tư đến bên cạnh một người ngồi bàn đó và hỏi thay tôi. Trong câu anh hỏi, tôi nghe thấy lộn đi lộn lại mãi những tiếng familly, boy, Barberin, tôi hiểu anh muốn nói tôi là đứa con mà gia đình tôi đã nhờ ông Bảo-Liên đi tìm. Tên Bảo-Liên vừa nói lên như có hiệu quả ngay. Người ta nhìn tôi. Rồi người vừa tiếp Mã-Tư đứng dậy mở cửa đưa chúng tôi sang phòng bên cạnh. Phòng này xếp toàn những sách và các tập giấy cao. Một ông chững chạc ngồi ở bàn giấy. Một ông nữa vận áo đen đội tóc giả, tay cầm những cái túi xanh đang nói chuyện với ông kia. Người dẫn chúng tôi vào giới thiệu bằng mấy câu vắn tắt. Lúc đó, cả hai ông nhìn chúng tôi suốt từ đầu xuống chân. Ông ngồi giữa bàn giấy hỏi tôi bằng tiếng Pháp: - Trong hai người, ai là đứa con được Bảo-Liên nuôi? Nghe câu hỏi tiếng Pháp, tôi vững dạ và tiến lại nói: - Thưa ông, tôi. - Bảo-Liên đâu? - Ông ta chết rồi! Hai ông đều đưa mắt nhìn nhau, không nói gì. Rồi ông mặc áo đen xách chùm túi ra. Ông hỏi tôi lúc đầu, lại hỏi thêm: - Các em đến đây bằng cách gì? - Chúng tôi đi bộ đến bến Boulogne. Từ Boulogne sang Luân-Đôn đi đường biển. Chúng tôi vừa ở dưới tầu lên. - Bảo-Liên đã cho các em tiền lộ phí đấy chứ? - Chúng tôi không gặp mặt Bảo-Liên. - Thế tại sao các em biết đây mà đến.? Tôi liền kể lại chuyện về Ba-Lê cho ông nghe. Rồi hết sức nói vắn tắt, cố mau cho xong để hỏi tin tức gia đình tôi. Nhưng tôi không có thì giờ. Ông ta bắt tôi kể lại từ đầu. Tôi được Bảo-Liên đem về nuôi thế nào, tôi bị bán cho ông Vỹ-Tiên thế nào, rồi Vỹ-Tiên mất, tôi được gia đình ông An-Thanh nuôi làm sao, và sau khi ông An-Thanh bị tù nợ, tôi lại trở về nghề cũ như thế nào. Tôi kể đến đâu thì ông ta biên vào sổ đến đấy, và ông ta cứ cau mặt nhìn tôi, làm tôi khó chịu quá. Mặt ông ta trông khắc nghiệt và cái cười có vẻ giảo quyệt. Nghe tôi nói xong, ông ta cầm quản bút chĩa chiếc ngòi nhọn về phía Mã-Tư như muốn phóng một mũi tên và hỏi tôi. - Em này là thế nào? - Một người bạn thân, một người em trai. - Tốt lắm. Gặp nhau ở dọc đường, phải không? - Nhưng rất thương yêu nhau. - Tôi không nghi ngờ điều đó. Bây giờ đến lượt tôi hỏi ông ta, vì từ nãy giờ ông ta cứ áp chế tôi. - Thưa ông, gia đình tôi ở nước Anh? - Hẳn thế, gia đình em hiện ở Luân-Đôn. - Tôi có thể thăm gia đình tôi? - Trong giây lát, em sẽ gặp gia đình, tôi sai người đưa em đến. Ông ta bấm chuông gọi. - Thưa ông, tôi xin hỏi một câu nữa, tôi còn cha chứ? - Không những còn cha, có cả mẹ, có cả em trai, em gái. - A! Tôi cảm xúc quá, không nói lên được. Bỗng cánh cửa mở, tôi nhìn Mã-Tư, hai hàng nước mắt tôi cứ chảy ra. Ông ta bảo người vừa vào bằng tiếng Anh, tôi đoán là ông ta sai đưa chúng tôi đi. Tôi đứng dậy. Ông nói thêm: - A! Tôi quên: Họ em là Điệp-Công, cha em tên là Điệp-Công-Tích. Mặc dầu trông ông ta khắc nghiệt, tôi muốn chạy đến hôn ông ta nếu có đủ thì giờ, nhưng ông ta chỉ tay ra cửa giục chúng tôi đi. Chúng tôi liền ra.