Gần đây, thỉnh thoảng tôi nhận những cú điện thoại hỏi về tình hình sức khoẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thậm chí người ta còn nghe tin đồn là anh đã mất. Và chiều nay, một người bạn từ Sài Gòn điện ra báo tin Trịnh Công Sơn đã vĩnh biệt cõi đời lúc 12giờ 45 phút. Vẫn biết là anh có thể ra đi bất cứ lúc nào, vậy mà tôi vẫn hy vọng đấy chỉ là một cái tin của "ngày nói dối” (ngày l-4). Ngay cả khi anh không còn trên cõi đời, tôi vẫn cứ tin rằng anh không chết. Bởi Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa, một Con - Người - Thơ - Ca (theo cách gọi của nhạc sĩ Văn Cao), một cuộc đời hoá thân vào nghệ thuật xưng tụng thân phận và tình yêu của mọi kiếp người. Âm nhạc của anh mang sức mạnh và sự mềm mại của Nước, len lỏi vào tận tâm hồn sâu thẳm của người Việt đánh thức tình yêu quê hương xứ sở, đồng thời anh cũng là "Người tình lãng du của nhiều thế hệ"(°) ° chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không có một nhạc sĩ Việt Nam nào được hát nhiều như Trịnh Công Sơn. Anh cũng là nhạc sĩ chiếm kỷ lục về số lượng băng (ra phát hành trong cả nước và nước ngoài suốt hơn 40 năm qua kể từ bài hát đầu tiên mang tựa đề Ướt mi (NXB An Phú - Sài Gòn 1959). Năm 1972, bài hát Ngủ đi con trong tập Ca khúc Da Vàng của anh được Đĩa vàng ở Nhật với số lượng trên 2 triệu bản. Tên tuổi Trịnh Công Sơn luôn hiện diện trên những trang báo hút hồn bạn đọc. Âm nhạc của anh vang lên từ các tụ điểm ca nhạc, trên sân khấu lớn, trong quán hàng, trên xe ôm, len lỏi vào tận giường ngủ của mỗi nhà, dầm dề như mưa Huế quê anh, bất tận như điệu thơ lục bát không bao giờ chấm dứt. Tên những bài hát của anh biến thành những tên quán của yêu thương và hâm mộ: Biển nhớ, Hạ trắng, Diễm xưa, Mưa hồng, Nguyệt ca, Ru tình, Ướt mi, Tình nhớ, Quỳnh hương, Nối vòng tay lớn, v..v.. Còn tên anh thì được ghi trong bộ từ điển Bách khoa Pháp: Encyclopédie de tous les pays du monde. Nhiều khi tôi tự hỏi, vì sao mà Trịnh Công Sơn được công chúng hâm mộ đến thế? Có lẽ chính anh là một nhà thơ được hát lên. Ca từ của anh không chỉ giàu chất thơ như người ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thực sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về Cát Bụi của phận người ngắn ngủi. Nhưng đấy là những bài thơ riêng biệt phong cách Trịnh Công Sơn, luôn vặn lùi thời gian để được sống hết mình. Nếu đem in 500 bài hát của anh, ta sẽ có một tập Thơ Trịnh Công Sơn dày ngót nghìn trang. Và ta không ngạc nhiên rằng khi được nhờ chọn một số bài thơ tình hay nhất thế kỷ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến đã tâm đắc tiến cử lời ca Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn. Nhưng khi những lời thơ ấy được hát lên bằng nhạc của chính tác giả, thì nó bỗng trở thành những câu kinh bất hủ. Và người ta nói rằng, âm nhạc của anh là những bài kinh cầu bên vực thẳm về thân phận và tình yêu. Nhưng không chỉ có thơ có nhạc, Trịnh Công Sơn còn có cả một kho báu về hội họa với bút pháp thật tài hoa. Anh vẽ trong các cuộc rượu với bạn bè. Khi mà linh hồn đã ngấm men, anh vẽ thật nhanh, thật đẹp những chân dung mà anh yêu mến. Vẽ. Rồi đề tặng. Rồi ký cái chữ ký thật quen thuộc. Bạn bè được anh vẽ, mang về lồng khung treo lên tường lưu giữ một tình cảm, lưu giữ hồn anh. Nhưng dù chỉ là cuộc chơi hội hoạ, Trịnh Công Sơn đã tạo ra nhiều phòng tranh sơn dầu gây ấn tượng không ngờ với hội họa chuyên nghiệp. Có phòng tranh của anh đến khi kết thúc, không còn một bức nào để mang về. Người ta mua tranh vì yêu thương, lại cũng vì khâm phục. Hàng trăm bức tranh của anh lưu lạc khắp thế giới. Điều đó thêm một lần mách bảo rằng, Trịnh Công Sơn vẫn sống! Tôi đã nhiều lần nghe nhạc Trịnh Công Sơn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng mãi đến năm 1976 mới được gặp anh. Lúc ấy tôi đóng quân ở vùng núi Lệ Kỳ (Quảng Bình), Trịnh Công Sơn cùng với bạn bè văn nghệ đã đạp xe leo núi đến thăm và anh ôm đàn hát Nối vòng tay lớn. Cả đoàn nghệ thuật của tôi đã vỗ tay hát cùng anh. Tôi cũng đã cùng anh đến nghĩa trang dưới chân núi Ngự Bình (Huế) thăm mộ ông cụ thân sinh của anh, và tôi được biết ở chính nghĩa trang này vào năm 1974 anh đã sáng tác bài Một cõi đi về với những chiêm nghiệm thật sâu sắc về phận người: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về". Và lần gặp anh cuối cùng là trước Tết Tân Tỵ ở Sài Gòn, lúc ấy anh cùng vợ chồng người em gái ngồi ở một quán trà thật tĩnh lặng để dưỡng bệnh chốc lát. Anh khoe với tôi là tăng được hai ký. Vẫn nụ cười lộ chiếc răng khểnh hiền lành, dễ thương, và anh hy vọng sẽ viết được một cái gì đó ngay sau lần ốm nặng này. Nhưng Trịnh Công Sơn đã không chống nổi số phận. Âm nhạc, thơ ca và hội họa của anh sẽ lãnh trách nhiệm sống tiếp đời sống của anh, đúng như anh ước nguyện lúc sinh thời: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời". Hà Nội đêm 1-4-2001