Chương Ba Mươi Lăm

Những hoài bão và ước mơ thầm kín của hai chị em con nhỏ bị hủy diệt đi khi bà mẹ dắt một người đàn bà lạ về nhà và bảo chúng gọi bà ta là “Dì” Sáu. Buổi chiều hôm ấy, sau khi dọn dẹp các thứ đem từ chợ về, bà mẹ bảo hai đứa nhỏ dọn cơm cho “dì Sáu” ăn chung. Ngồi xung quanh mâm cơm với mẹ và “Dì” Sáu trên nền nhà, cả hai đứa nhỏ vừa im lặng nhai cơm vừa để ý nghe những lời đối thoại.
“Dì” Sáu rưng rưng, đưa tay áo lau nước mắt:
- Trời ơi, nếu không có chị cho tá túc em không biết đi đâu và cũng không biết ở đâu. Khi không mà bị tụi nó rút cái “bóp tiền” lúc nào không hay! Nếu mà không được ở đậu đêm nay chắc em chết quá. Đàn bà con gái mà lưu lạc nơi  không bà con thân thuộc như ở thành phố Nha Trang này em đâu biết phải làm sao?
Bà mẹ trao đũa cho dì Sáu, lắc đầu nói:
- Em ăn cơm đi đừng lo nghĩ gì nữa cả! Khi cái rủi đến thì không biết đâu mà ngừa cả em à. Cứ coi nhà “qua” như nhà của em vậy, đừng ngại gì cả! Tối nay ngủ đỡ với “qua” rồi sáng mai ra bến xe Ninh Hòa mà đón xe đi.
“Dì” Sáu uể oải chống đũa trên chén cơm, dàu dàu nét mặt:
 - Nhưng mà em đã bị mất hết tiền nên không thể nào mua vé về Ninh Hòa được nữa. Má em đang đau nặng và đang chờ em từng giờ từng phút... vậy mà mới đi từ Suối Dầu xuống đây đã bị kẹt ở đây rồi.
Bà mẹ đưa ánh mắt thương hại nhìn  “Dì” Sáu:
- Không sao, lo ăn cơm đi! “Qua” sẽ cho em tiền đi xe.
Lời nói của bà mẹ với dì Sáu không được nhắc lại đến lần thứ hai nhưng đối với hai đứa nhỏ đó là lời hứa chắc chắn. Hai chị em nó nhìn nhau bàng hoàng. Cử chỉ rộng rãi và phóng khoáng của mẹ và đôi mắt tí hí không ngừng lén lén lút lút liếc ngang liếc dọc của người đàn bà lạ khiến chúng không an tâm. Cả hai đứa đều muốn nói cho mẹ biết những gì chúng cảm nhận và báo cho bà cảnh giác người đàn bà lạ hiện đang có mặt trong nhà nhưng chẳng đứa nào dám mở lời ra sao. Trong cách dạy của bà mẹ, phận làm con  khi nghe cha mẹ chuyện trò là phải tìm cách lảng đi chỗ khác. Ăn cơm chung mâm, được nghe lỏm chuyện của người lớn quả là quá đáng rồi huống hồ chen vào câu chuyện. Hai con nhỏ nhai cơm chậm rãi. Chúng đưa mắt, ngầm nói với nhau là người đàn bà xa lạ trước mặt không có chút gì thành thật bởi vì khi bà ta nói chuyện, đôi mắt của bà không bỏ sót một nơi nào trong căn nhà.
Không để ý ánh nhìn mất thiện cảm của hai chị em con nhỏ,  đôi mắt của  “dì Sáu” đang buồn bã bỗng tươi sáng hẳn lên:
- Như vậy thì em đi ơn chị nhiều lắm.
Bà mẹ cười xuề xòa:
- Ơn nghĩa gì em ơi. Người với người giúp nhau là chuyện thường. Như “qua” đây cũng cực khổ đắng cay nhiều thứ lắm cho nên bây giờ thấy ai khổ là “qua” giúp ngay.
“Dì” Sáu nói nhanh:
- Chị ăn ở có phúc đức như vầy thì sau này không sợ khổ đâu!
Bà mẹ gật đầu:
- “Qua” cũng ráng tích phước để sau này đời con cháu qua sướng hơn qua chứ đời qua khổ quá rồi em à, có khổ nữa cũng chẳng thấm gì đâu!
“Dì” Sáu đảo mắt nhìn khắp mọi nơi trong nhà.
- Sao vậy chị? Có nhà ở thành phố như vầy là sướng lắm rồi đâu đến nỗi như ở miền thôn quê như chỗ Suối Dầu của em.
- Quê của “qua” ở Tuy Hòa chứ đâu phải ở Nha Trang đâu em! Theo chồng vào đây “qua” chịu bao nhiêu cay đắng với gia đình chồng chứ có sung sướng gì ở nơi thành phố này! Ngày chồng của “qua” chết, “qua” chỉ có trong tay một đứa con lên ba và một đứa chập chững biết đi.  Đó! Bây giờ hai đứa nó lớn được chừng này rồi đó em.
Hai đứa nhỏ cúi dầu, đưa mắt nhìn xuống mâm cơm, vội vã gắp thức ăn. Linh tính cặp mắt của người đàn bà lạ đang nhìn dò xét,  cả hai cùng tỏ vẻ chăm chú ăn cơm. Chúng không muốn trả lời bất cứ câu hỏi nào của bà ta.
Tiếng bà mẹ đều đều:
- Em biết không! Chồng chết, hai đứa con nhỏ ở hai tay, “qua” phải lây lất làm việc kiếm sống qua ngày chứ biết nhờ được ai. “Qua” khổ đến nỗi là ngày cha của “qua” bệnh nặng mà “qua” không có được một đồng về mua vé về thăm, bị bà con xóm làng chửi rủa. Bây giờ nhìn thấy cảnh em như vầy, qua thương lắm. Thôi ăn cơm đi rồi qua đưa cho tiền mai đi xe. Tối nay ngủ với “qua”, “qua”kể cuộc đời của “qua” cho em nghe.
“Dì” Sáu ưng thuận gật đầu, bình thản ăn cơm như người thân quen khá lâu với gia đình ba mẹ con hai đứa nhỏ.
Cơm nước xong, bà mẹ chuẩn bị đèn dầu cho buổi tối. Ngọn đèn vừa sáng lên, bà bảo dì Sáu ngồi cạnh rồi lục trong chiếc giỏ nhựa mà bà thường đem đi chợ để lấy ra một gói khăn mù xoa vuông vắn.
Hai đứa nhỏ đang thu dọn chén bát, không quên liếc nhẹ về phía họ. “Dì Sáu” ngồi xếp bằng, thẳng lưng nhìn chăm chú gói khăn mù xoa mà bà mẹ đang mở ra. Một xấp tiền dày cm vuông vắn nằm ngay giữa trung tâm chiếc khăn tay vuông vắn màu xanh mực được mở rộng. Những vết nếp gấp trên khăn cho biết bà mẹ đã cẩn thận xếp cất gói tiền khá chu đáo và trân trọng. Những tờ bạc màu xanh lá cây và hồng nhạt trong xấp tiền được xếp đè xuống có thứ tự chợt bung ra cho biết những tấm giấy tiền lớn ở bên ngoài và những tấm giấy tiền nhỏ ở bên trong. Rút vài tờ bạc từ bên trong, bà mẹ trao cho “Dì” Sáu:
- “Qua” cho em số tiền này để em mua vé xe. Ngày mai lo mà
về cho kịp thăm má chứ má em trông tội nghiệp! Già cả bệnh hoạn không biết trăm tuổi lúc nào!
“Dì” Sáu cầm tiền, run run nói:
 - Số tiền này đủ cho em mua vé xe rồi. Em đi ơn chị. Thật tình là em không biết bao giờ mới trả được cái ơn này cho chị.
Bà mẹ vui vẻ:
- Có gì đâu mà ơn nghĩa! Làm phước được là “qua” vui lắm rồi! Ráng về đó lo cho bác mạnh khỏe hôm nào rảnh ghé nhà “qua” chơi. Biết đâu ngày nào “qua” đi mua trái cây vườn ở Suối Dầu, “qua” biết nhà em không chừng!
“Dì” Sáu đáp lại một cách mau mắn:
- Dạ phải đó chị! Khi nào em lo cho má em xong,  em ghé lại đây đưa chị và hai cháu lên nhà em chơi cho biết nhà.
Bà mẹ nói dịu dàng:
- Thôi giờ em lo rửa ráy đi mà đi nghỉ, ngày hôm nay lo kiếm tiền mất chắc cũng mệt lắm rồi.
“Dì” Sáu nghe lời bà mẹ hờ hững bỏ mấy tờ giấy bạc vào cái giỏ da nhỏ của bà. Bà mẹ nhìn theo cử chỉ của “Dì” Sáu, cảnh cáo:
- Em bỏ tiền “tâm lơ tâm lất” như vậy hèn chi mà không bị tụi nó lấy cắp. Có tiền thì gói vào khăn hay vải gọn như “qua” vầy nè! Gói vầy mới không bị ai để ý lấy!
“Dì” Sáu cười bẻn lẻn:
- Ừ há! Em không nghi ngờ ai lấy cắp tiền của của mình nên ít khi để ý mấy chuyện nhỏ nhặt này lắm chị à. Thôi để em nhét kỹ vào dưới mấy cái áo này cho chắc ăn.
Mơ hồ với những lời đối thoại của hai người, hai đứa nhỏ lặng lẽ làm những công việc theo thói quen hàng ngày. Dọn dẹp chén bát xong, hai đứa sửa doạn đi tắm, học bài rồi đi ngủ.
Tối hôm ấy, để tạo điều kiện cho dì Sáu quen với chỗ mới mà có thể đi lại dễ dàng nếu dì có thói quen tiểu tiện ban đêm, bà mẹ đã chuẩn bị chiếc đèn con vịt trên cái ghế gỗ cạnh giường. Ánh đèn dầu đủ làm rõ lối đi từ giường ra ngoài cửa ra vào và lờ mờ một vài nơi trong “buồng ngủ”. Ánh sáng của đèn làm cho hai đứa nhỏ xa lạ với ánh sáng khi nằm ngủ dù là ánh sáng chập chùng và nhỏ bé. Cả hai chị em đều trăn trở trên giường. Nhìn chán chê lên cái trần mùng, chúng lăn lộn với những chiếc gối ôm. Có lúc chúng nằm đối diện nhau và nhìn nhau chằm chằm. Chúng muốn trao đổi với nhau những điều mà chúng nghi hoặc về người đàn bà xa lạ hiện đang ngủ chung trong căn nhà của chúng nhưng chẳng đứa nào dám mở miệng ra bởi vì mẹ chúng và người đàn bà lạ kia đang nằm ngủ chung trên cái giường sát cạnh giường của chúng. Hai người đàn bà xầm xì hàng giờ để tâm sự bao nhiêu chuyện mà họ có được. Tiếng nói đều đều của họ đã làm cho hai đứa nhỏ xao lãng chuyện suy tư và những tia sáng lờ mờ từ ngọn đèn dầu đã làm cho chúng  chìm nhanh vào giấc ngủ.
 Con chị đang cùng em đắm chìm trong giấc ngủ êm đềm bổng giựt mình thức giấc bởi những tiếng gọi thất thanh của bà mẹ:
 - Sáu! Sáu! Sáu đâu rồi em?
Con chị giật mình, nhỏm người dậy. Nó thò đầu ra khỏi mùng:
- Má tìm “Dì” Sáu hở má? Coi chừng dỉ đi xuống nhà tắm để đi tiểu đó má à!
- Không có! Má thức dậy thấy nhà cửa mở “tạch bách” nên đi xuống nhà bếp và nhà tắm tìm dỉ nhưng không thấy dỉ đâu.
Con chị bước ra khỏi giường:
 - Để con kêu thử coi dỉ ở đâu.
- Bây giờ mới bốn giờ sáng, kêu lớn tiếng, “trong đó” sẽ la mình bất lịch sự, làm náo động không cho ai ngủ. Hay là con ra phía trước nhà mình xem dỉ có đi lộn ra trước để đi tiểu không?
Nghe lời mẹ, con chị vội vàng đi ra phía trước nhà tìm dì Sáu. Sân đất giữa mặt trước của căn nhà và bức tường thành vắng lặng. Không thấy người đàn bà có tên “dì Sáu”, nó đi vòng ra giếng rồi vòng lại nhà bếp. Nó quên bẵng là nó đã đi một mình trong vườn giữa lúc màn đêm còn vây kín không gian. Có lẽ điều mà nó lo lắng và bận tâm lúc đó chỉ là sự biến mất đột ngột của một người đàn bà xa lạ trong nhà nó vào lúc nữa đêm chứ không phải là sự nguy hại nào đó có thể xảy ra cho bản thân cho nên nó đã thực hiện ngay lời mẹ yêu cầu. Tìm mãi mà không thấy được “Dì” Sáu, nó buồn bã đi vào nhà báo mẹ:
 - Con không thấy “Dì” Sáu đâu cả mà à!
Không trả lời con, bà mẹ chăm chú lục lọi các thứ đồ đạc trong chiếc giỏ nhựa rồi bỏ tất cả vương vải trên nền nhà bên cạnh chiếc đèn dầu nhỏ. Lật úp chiềc giỏ nhựa cho bao thứ còn lại bên trong rơi xuống hết, bà nói một mình trong hốt hoảng:
- Chết rồi! Chết tôi rồi trời ơi! Cái gói tiền của tôi đâu mất rồi!
Linh tính có điều gì chẳng lành, con chị  sà đến ngồi  sụp xuống bên mẹ. Quan sát từng cử chỉ của bà một lúc, nó vội bước đến phòng thờ châm chiếc đèn dầu lớn đem lại:
 - Con nghĩ là bà dì Sáu đã ăn cắp gói tiền của má rồi!
Không đáp lại lời nó, bà mẹ vò đầu bứt tai, tiếp tục nói một mình:
- Trời ơi! Con ngu quá rồi trời ơi! Tại sao con lại tin mà cho người lạ vào ngủ trong nhà như vậy hở trời!
Cuống quít, quơ quơ, quào quào các thứ trên nền nhà, bà nói vội vã với con chị:
- Đâu? Đâu rồi? Đâu rồi? Hạ ơi! Con lục từng thứ một trong cái giỏ này coi má có nhét lộn gói tiền đâu không chứ nghi ngờ mà người ta không có làm cũng mang tội nữa con à!
Con chị vội vàng làm theo ý mẹ. Trong khi lật từng thứ  trên nền nhà để tìm gói tiền, nó nói chậm và rõ từng chữ một:
- Con nghĩ là “Dì” Sáu đó đã lấy tiền của má và trốn đi rồi. Nếu không, dì đi đâu? Nhà mình nhỏ xíu như vầy, dì ở đâu trong nhà mà mình không biết? Nếu dỉ có ra ngoài sân, mình kêu nhỏ dỉ cũng nghe được để vô nhà chứ đâu cần phải đi tìm!
Đôi bàn tay của bà mẹ đang lùng sục trong mớ đồ một cách hấp tấp bỗng ngừng lại một cách đột ngột. Bà mẹ ngửng đầu lên, chăm chú nhìn vào mặt con chị:
- Có phải là con đã có lòng nghi “Dì” Sáu là người không thật thà rồi phải không?
Con nhỏ chị vừa chớp mắt gật đầu, bà mẹ la ngay:
- Biết người ta gian xảo, tại sao không nói cho má biết để má đề phòng?
Con nhỏ chị nói lớn và nhanh như trả bài thuộc lòng cho cô giáo:
- Má đâu có hỏi con? Má luôn luôn dặn tụi con là không được xen vào chuyện người lớn, con đâu dám nói chen vào khi má nói chuyện với dỉ? Với lại, má cũng hay dặn tụi con là đừng bao nghi ngờ ai, phải biết cái gì chắc chắn và rõ ràng mới nói nếu không sẽ bị mang tội... cho nên chiều hôm qua con không biết là con nghi ngờ có đúng không nữa.
 Nhìn những bóng cây thấp thoáng xa xa trong vườn, con chị chợt quay đầu ra sau nhìn về phía giường bà mẹ và hạ giọng nói nhỏ:
- Mà coi chừng dỉ còn trong nhà đó má! Coi chừng dỉ còn nằm ở trên giường, nghe mình nói xấu như vầy là chết! Chứ từ nhà mình ra đến cổng trước phải qua khu vườn nội, dỉ mà đi ra thì bị mấy con chó Lu Lu, con Vàng và con Mi Nô cắn chết.
Bà mẹ nghe lời nó, rọi chiếc đèn về phía sau, nói to:
- Nó đâu có ở trong nhà mình nữa mà sợ chớ! Má đã kiếm nó trước khi con thức dậy rồi mà! Rõ ràng là má đã nhét gói tiền trong giỏ này tối hôm qua mà bây giờ mất đi đâu?
 Đặt chiếc đèn xuống nền xi măng, bà mẹ nhìn ra ngoài vườn, chau mày:
- Mấy con chó nhà nội không cắn “con đoảng hậu ăn cắp” này đâu. Nó đã âm mưu trước rồi! Tưởng là chiều hôm qua, khi nó mới vô nhà, nó cho mấy miếng bánh dư cho mấy con chó ăn là vì nó không muốn bỏ thức ăn thừa sợ bị mang tội, ai ngờ bây giờ mới biết nó làm vậy để cho mấy con chó quen hơi tay của nó!
Con chị lắc đầu:
- Mà mấy con chó cũng không cắn dỉ đâu! Bởi vì “dỉ” đi từ nhà mình ra cổng, tụi nó tưởng “dỉ”  là má.
Bà mẹ không nói gì thêm. Bà lặng lẽ chống hai cánh tay lên đầu gối ôm đầu, khóc nức nở. Con chị lưỡng lự một lúc rồi giúp mẹ thu dọn từng món bỏ vào chiếc giỏ nhựa của bà. Nó hỏi trong lo lắng:
- Như vậy má không còn tiền mua bán nữa sao hả má?
Bà mẹ nghẹn ngào trả lời:
 - Má còn hàng với mấy dì, nếu bán chia ra vẫn còn có tiền; nhưng mà nếu mua nhiều hàng từ Sài Gòn phải cần tiền nhiều mới hùn với mấy dỉ được.
Thu hết can đảm, nó hỏi tiếp:
- Vậy má có còn “vốn” gì để bán lấy tiền mà buôn bán với mấy người bạn hàng của má không?
Bà mẹ giật nẩy mình khi nghe con chị nhắc chữ vốn. Bà hốt hoảng chạy vào tủ đựng quần áo cạnh đầu giường của hai chị em con nhỏ, kêu la rối rít:
- Chết rồi! Chết rồi! Cầu trời thương xót con đừng cho nó biết cái chỗ này.
Con chị bàng hoàng trước hành động kỳ lạ của mẹ. Linh cảm có một cái gì ghê gớm đang xảy ra cho gia đình, nó run run đứng lên để theo mẹ đến tủ đựng áo quần.
Bà mẹ liên tục rít lên những tiếng kêu than:
- Trời đất ơi! Chết rồi! Trời ơi là trời! Tui mất hết thật rồi. Không còn ở chỗ này nữa rồi! Rõ ràng tui để chỗ này mà mất tiêu rồi!
Vừa lật từng chiếc áo rách và giẻ rách, bà tiếp tục lẩm bẩm một mình:
- Mới ngày hôm kia tui còn gói thêm vào năm phân vàng và chính tay tui giấu ở dưới đống áo quần rách này mà bây giờ không tìm ra. Giấu trong đống giẻ rách dưới hốc kẹt này mà sao nó biết như thần vậy trời?
Lật đật và rối rít lục loại dưới kẹt tủ, bà mẹ vùng vẫy, rên khóc như một người mất trí. Sau khi giũ giũ, xổ xổ đống giẻ rách và áo quần cũ, bà thét to lên như bị ai đâm vào người:
- Trời ơi! Cái quân vô hậu! Cái quân vô lương tâm! Ai ngờ đưa nó vào nhà cho ăn, cho ở, cho tiền mà nỡ lòng nào nó cướp hết của của tôi như thế này nè trời!
Con chị run rẩy tựa sát người vào cánh cửa tủ. Kinh hoàng trước cảnh mẹ tự dày vò một cách thương tâm, nó hốc miệng ra, cứng người chết trân, chết lặng.
Bất chợt, bà mẹ tung mớ áo quần cũ lên xuống khắp nơi xung quanh chỗ bà ngồi, rồi đập đầu trên nền xi măng la khóc:
-Trời ơi là trời! Con mất hết rồi! Con mất hết rồi trời ơi! Cho con chết đi cho rồi! Con còn sống làm chi nữa! Bao nhiêu mồ hôi nước mắt con dành dụm đã mất sạch sẽ rồi!
Con chị hốt hoảng kéo mẹ lên, la khóc vang khắp nhà:
- Má ơi má! Đừng làm như vậy má ơi! Đừng chết bỏ tụi con! Đừng chết bỏ tụi con má ơi! Tội nghiệp tụi con lắm má ơi!
Tiếng la của nó lớn và kinh đảm đến nỗi đánh thức con em dậy và tỉnh hẳn cơn ngái ngủ. Nhìn thấy mẹ lăn lộn trên nền nhà, con em chồm đến ôm bà, khóc nức nở:
 - Má đừng làm như vậy nữa! Đừng làm như vậy nữa má ơi! Con sợ lắm! Ngừng đi! Ngừng đi má!
Bà mẹ vùi mặt trên nền xi măng, rên rỉ một cách tuyệt vọng:
- Quân lường gạt giết má chết rồi các con ơi. Nó lấy hết tiền, lấy hết của cải của mẹ con mình rồi!
Con chị gạt nước mắt không ngừng. Nó nói với con em trong tiếng khóc nức nở:
- “Dì” Sáu ăn cắp tiền của má trốn đi rồi Vy ơi!
Bà mẹ ngẩng đầu lên nhìn hai đứa nhỏ với đôi mắt thất thần, và nghẹn ngào trong từng lời nói:
- Đâu có phải là chỉ mất tiền thôi đâu con! Má mất hết vàng bạc luôn rồi.
Con chị rụng rời như bị ai chặt từng khớp tay chân. Nó run rẩy hỏi:
- Có phải... có phải má muốn nói là tất cả vốn của nhà mình đều bị “Dì” Sáu lấy cắp không? Vàng bạc hồi môn của tụi con cũng mất luôn hả má?
Bà mẹ nức nở:
- Đúng rồi con ơi! Vốn, tiền của gia đình mình đều bị lấy cắp hết rồi!
Con em ngơ ngác hỏi:
- Má nói là tụi con mất hết mấy sợi dây chuyền và chiếc lắc mà tụi con hay đeo trong ngày những ngày tết ta đó hả má?
Con chị đáp thay mẹ:
- Đúng rồi đó em! Mình mất hết tiền, hết vàng bạc rồi! Chắc chắn là “Dì” Sáu này lấy của cải của nhà mình chứ không phải ai nữa đâu! “Dì” Sáu này ác quá!
Con em hỏi rối rít:
- Mà má đã biết nhà dỉ chưa? Má có biết nhà dỉ để đi đòi lại không?
Bà mẹ gạt nước mắt, lắc đầu:
- Nó gạt má nên dựng chuyện nói láo đủ thứ, chưa chắc gì nó ở Suối Dầu đâu! Mà Suối Dầu rộng lắm, biết đâu mà tìm!
Nhận ra hai khuôn mặt đầy lo lắng và tội nghiệp của hai đứa nhỏ, bà mẹ đập hai tay vào đầu khóc sướt mướt:
- Tại sao trời không cho con biết nó là thứ lường gạt để con phải gặp cảnh như vầy hả trời? Con bắt các con của con nhịn ăn, nhịn mặc bao nhiêu năm nay mà chỉ “mấy giờ mấy phút đồng hồ” thôi là bị quân vô lương lấy hết trơn. Tại sao con ngu vậy hả trời?
Con chị nhìn mẹ thương hại:
- Thôi má đừng buồn nữa. Khi nào lớn lên con sẽ kiếm nhều tiền mua lại cho má.
Bà mẹ  sụt sùi lắc đầu:
- Chờ con lớn đến chừng nào? Làm sao má có tiền để hùn vốn với mấy dì bán sỉ nữa đây? Làm sao má có tiền để đóng tiền học cho em con?
Con em cúi đầu. Lời nói của bà mẹ khơi lại niềm đau của nó. Vì bị thi rớt kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường Nữ Trung học Nha Trang nên nó phải học tại trường Lê Qúy Đôn. Mặc dù số tiền học phí được giảm năm mươi phần trăm nhưng giá tiền học phí vẫn còn rất lớn đối với sự thu nhập ít ỏi của bà mẹ cho nên bà phải tần tảo làm việc vất vả để lo đóng tiền học hàng tháng cho nó. Mỗi sáng đi học cùng chị ngang trường Nữ Trung Học Nha Trang, con em thường nhìn vào khuôn viên trường Nữ Trung Học Nha Trang một cách thèm khát. Nó ao ước được mặc áo dài trắng như chị của nó và được đứng dưới những hàng dương. Thế nhưng mỗi lần đi học, nó phải lội bộ ngang trường Nữ Trung Học Nha Trang trước khi băng qua con lộ Lê Thánh Tôn để đi đến trường tư  thục Lê Quý Đôn.
Con chị thở dài. Nó ái ngại nhìn em một lúc rồi nhìn ra ngoài cổng. Trời bắt đầu sáng và những khóm hoa trước nhà bác Cả chờn vờn trong gió. Hoa lá như đang chuẩn bị đón những tia nắng sớm của buổi bình minh. Bỗng nhiên, những cành hoa hoàng anh bên vách hiên nhà bác Cả được tém qua một phía và “Dì” Sáu tươi cười đang đi về phía căn nhà nhỏ. Khuôn mặt của “Dì” Sáu càng lúc càng hiện ra lớn dần ngay sát mặt con chị.
- Dẹp mấy thứ này dùm má, rồi chuẩn bị đi học đi con!
Giật mình, con chị chớp mắt. Khuôn mặt tươi cười của “Dì” Sáu biến mất đi đâu chỉ còn lại khuôn mặt hốc hác và đôi mắt đỏ hoe của bà mẹ.