iều tiếng eo sèo chung quanh cái chết của hai Thái tử bay đến tai Hạnh Hoa làm nàng lo ngại. Được lệnh của Thái Hậu Ỷ Lan, nàng tức tốc lên đường ra Như Nguyệt. Lâu ngày chưa gặp Thái Úy, nàng cũng muốn đi thăm cha và báo cho ông biết những tin đồn thổi không lành mới đây ở trong triều. Bên cạnh nỗi nhớ cha, nàng còn ấp ủ một khát khao thầm kín mà nàng không dám thú nhận với mình. Lâu nay nếu tình cờ gặp nàng, Lý Ngân bẽn lẽn gật đầu chào, mặt cúi xuống, đôi mắt lảng tránh. Nàng chỉ kịp thoáng nhìn thấy một vết hằn sâu do mối hoài nghi ám ảnh nào chưa tan, để lại phía trên gốc mũi chàng. Trong mối duyên oan trái này, thoạt đầu nàng tưởng đó là sự tan vỡ một ước mơ, nhưng tự thâm tâm nàng hằng cầu mong đó chỉ là sự kết thúc của một trang dĩ vãng buồn thảm rồi liền sau đấy mở đầu một trang mới. Nhưng liệu trang mới này mở đầu như thế nào đây, nàng cũng chưa biết. Cái nắng hoa vàng đầu xuân vẫn dễ làm say người như rượu làng Dâu. Khu phố chợ ven sông của Kinh thành vẫn náo nhiệt ầm ào. Bến đò xuân tấp nập những tốp sương quân đi về. Trai tráng Thăng Long vẫn nườm nượp ra trận. Chỉ có khác là mặt người nào cũng mang theo một nét gì nghiêm nghị của thời chiến. Hạnh Hoa dắt ngựa đứng nhìn màu cỏ xanh rờn đâm qua lớp phù sa trên bãi bồi. Bỗng nàng nghe một giọng hát thanh thanh cất lên có lẽ từ đám con gái đang giặt ở bến sông. Ý chừng họ mượn câu hát để tiễn đưa – biết đâu để ghẹo cợt hay nhăn nhe – những chàng trai Thăng Long trên đường ra trận. Tiếng hát trong lành giống như tiếng hót chim sơn ca rót xuống tự trời cao: “Giã biệt Thăng Long đất rồng lên “Hương xuân đào muộn vướng chân thềm “Hậu đình hoa”, khúc ấy “Ta sang sông rồi Người có quên? Có tiếng cô gái khác hát đáp lại: “cuộc vui vừa đượm chưa tàn “Bên sông em đứng tiễn chàng xuất chinh “Nhắc chi khúc “Hậu đình” “Mối hờn vong quốc đâu mình dám quên. Không hiểu sao, câu hát cứ văng vẳng đuổi theo nàng suốt dặm đường Thiên Đức. Đến đại doanh, Hạnh Hoa tường trình hết mọi việc với Thái Úy và nhắc lại sự lo ngại của Thái Hậu Ỷ Lan về thái độ còn mập mờ của Tể Chấp Đạo Thành. - Thái Hậu quá lo xa – Ông bình thản đáp – Đạo Thành ngày nay đã đổi khác. Ta tin Đạo Thành như tin ở ta. Không dễ gì Thượng Dương lay đổ nổi gốc tùng già ấy. - Cha ơi! – Thấy Thái Úy quá xem thường chuyện đó, nàng nhắn thêm – Người ta mưu dâng sớ xin bắt cha nộp cho vua Tống đấy! Lần này Thái Úy cất lên một tràng cười sảng khoái: - Nhà Tống có vét hết vàng trong kho ra cũng không đúc nổi cái xiềng để xích tay ta lại! Con cứ ở đây rồi xem. Quả nhiên hai hôm sau, Thái Úy cho nàng hay Thượng Dương cùng 76 cung nữ, chiếu theo án cũ, bị bắt chết theo Tiên Đế. Tin thứ hai làm nàng phập phồng mừng lo lẫn lộn, Lý Ngân cùng lão Vũ đã lập công to, bắt được Vệ Uông. Nhưng Lý Ngân bị thương nặng nhẹ thế nào chưa rõ. Còn một tin nữa, Thái Úy không muốn nhắc đến vì đối với ông nó chẳng cò gì thích thú: Nguyễn Châu được Thái Hậu cất nhắc lên một bậc, ngang hàng Thái Phó. Thái Úy nhìn con gái với một nụ cười rất dịu: - Bé Hạnh ạ! Mọi việc bây giờ đã rõ cả rồi. Con hãy về thăm Lý Ngân xem bệnh trạng thế nào… Thấy Hạnh Hoa có vẻ ngúng nguẩy, ông vội nghiêm giọng: - Ở đời, ít người tránh khỏi đôi khi lầm lẫn. Ai đi đến cái khôn mà không phải bước qua cái dại. Con không nên cố chấp. Hãy xem như chuyện cũ đã qua. Tan mây trời lại sáng. Hạnh Hoa ra về cố giữ vẻ miễn cưỡng cần thiết bên ngoài nhưng bên trong lòng nàng xao động lạ thường như gợn sóng lúa đồng chiêm đương thì con gái… Đã tàn mùa hồng ngự đến mùa cốm mới ủ lá sen. Rồi cau hương bổ ba rẽ bảy xếp lên sàng phơi. Liệu ai đó có còn nhớ đến lứa duyên của nàng với chuyện sêu Tết trong năm xưa cũ? Trong nàng, bóng cây hoài nghi chợt gợn lên qua xôn xao tia sáng hứa hẹn hạnh phúc bừng lên ở phía chân trời. Con sông trao duyên thuở ấy, đã cạn những mùa mưa, biết có còn trở lại dòng cũ, đầy ắp nước như xưa? Không ai bảo, khi rẽ vào dặm hòe, vó ngựa bỗng dưng đi gióng một như bước vào khớp chân xưa. Hình như linh tính con vật cũng biết chủ nó vẫn lưu luyến nặng tình với dặm đường chứa chất đầy kỷ niệm ấy. Hay vì nó thấy những thân hòe đứng thẳng hàng nghiêm trang bỗng rắc xuống một cơn mưa lá lất phất, chào mừng cô chủ? Ngồi trên ngựa, Hạnh Hoa miên man hình dung cuộc gặp mặt sắp tới với Lý Ngân. Nhưng kia trên dặm hòe một tốp lính cấm vệ từ xa đi ngược lại phía nàng. Cảnh tượng trùng lặp này khiến nàng tưởng như đã nhìn thấy trong một giấc mơ nào. Chỉ có khác là khi đến gần, nàng mới biết tốp lính đang áp giải một chiếc tù xa bịt kín. Đằng sau thay cho cỗ kiệu son là một chiếc cáng xanh phủ rèm. Và đằng sau nữa thấp thoáng bóng lão Vũ. Nàng lướt ngựa như bay qua tốp lính cấm vệ, tiến thẳng đến trước lão Vũ gọi: - Lão Vũ! – Tiếng nàng nghẹn trong cổ họng. Hình như cuộc gặp gõ này không làm lão ngạc nhiên song lão vẫn hỏi: - Ôi! Sao lão lại gặp bé Hạnh ở đây nhỉ? - Cha ta bảo ta trở về Thăng Long gặp lão – lão Vũ vẫn ngẩng đầu nhóng tai để nghe tiếp - … Cha ta muốn biết thương thể của công tử… - Công tử Lý Ngân đang ở đằng kia kìa! – Lão chỉ tay vào chiếc cáng xanh. Lúc này phu trạo võng cáng đang chống nạng đứng nghỉ ở lề đường. Linh cảm đã cho nàng biết điều ấy khi vừa thoạt trông thấy chiếc cáng xanh. Nàng xuống ngựa, cố lấy vẻ thản nhiên hỏi tiếp: - Lão thấy liệu công tử có sao không? - Lão e… - Lão Vũ rụt rè đáp – nhưng cô nương cứ lại thăm, nhớ tránh cho công tử khỏi phải cử động mạnh. Mặt tái nhợt, không hỏi thêm một lời, nàng lôi ngựa theo sau, lao về phía chiếc cáng, ngập ngừng nâng nhẹ lá rèm. Trong cáng, Lý Ngân nằm bất động, giương to mắt sững sờ nhìn nàng. Trong cặp mắt không ngớt chuyển màu của chàng, nàng đọc thấy vẻ mừng rỡ lóe lên lẫn cả sự ngượng ngùng và niềm hoảng sợ. - Công tử thấy trong người thế nào? – Giọng nàng vẫn ôn tồn. Bệnh trạng nguy ngập của Lý Ngân như ngọn lửa bỏng xua tan lớp băng giá cuối cùng do lòng tự ái dâng lên ở trong nàng. - Ta thấy… trong người cũng bình thường thôi. Không hiểu sao Vũ tướng quân lại bắt ta phải nằm im trong cáng. Song nếu… - chàng lơ đãng nhìn ra rặng hòe tránh cái nhìn của nàng – ta có mệnh hệ nào cũng chưa đủ để trả món nợ lầm lỗi của mình trước đây. Tiếng “Vũ tướng quân” nghe hơi lạ tai nhưng Hạnh Hoa còn mải chú ý theo câu chuyện: - Thế sao công tử không ở lại Kinh thành dưỡng bệnh có hơn không? Giọng nói ngọt ngào, cái nhìn ấm dịu như trời trưa không nắng của nàng khơi dậy trong chàng niềm hy vọng tưởng chừng đã tắt ngấm. - Ta ra Thiên Đức là vì có ý … muốn gặp lại nàng… - Chàng dừng lại. Phút giây im lặng dò hỏi tuy khoảnh khắc mà dằng dặc sâu lắng đầy âm thanh vang vang. Nhưng bước qua được giây phút này không sức mạnh nào còn có thể cản được lời chàng: - Hạnh Hoa! Năm năm trời, ta khờ khạo cả tin để người ta lừa mình như một đứa trẻ thơ. Ôi! Ta phải qua bao cái dại mới đến được cái khôn – Hạnh Hoa bất giác nhoẻn cười khi nghe chàng nói giống như lời cha mình – Liệu cái khôn ấy đến có muộn chăng? Liệu nàng có giúp và cho phép ta chuộc lại những lỗi lầm cũ đối với nàng? Liệu nàng có tha thứ cho ta không? Đôi mắt Hạnh Hoa chợt lóe lên một ánh tinh nghịch bất ngờ: - Trong việc này, chàng còn dại lắm chưa khôn đâu. Cứ nhìn là biết, lựa gì phải hỏi. Lý Ngân vẫn lắc đầu khăng khăng: - Không! Bao lần ta cứ ngỡ là thực lại hóa ra mộng ảo – Chàng xòe bàn tay để xuống mép cáng – Hạnh Hoa! Nếu nàng thực lòng xóa lỗi thì nàng hãy làm cho ta tin rằng ta đã nắm chắc được trong tay. Hạnh Hoa không do dự áp tay mình vào tay chàng, cái điều nàng làm một cách bình thản đến nàng cũng phải tự ngạc nhiên. Lý Ngân nắm chặt tay nàng, vụt ngồi dậy bước ra khỏi cáng. Hạnh Hoa hốt hoảng: - Đừng! Lão Vũ cấm… - Không ai cấm ta được lúc này. Có phải chết ngay, ta cũng thỏa dạ! Tiếng lão Vũ đâu đấy như kề bên tai: - Sống chứ không chết đâu! Công tử đã khỏi bệnh rồi. Chữa bệnh này ta phải chữa bằng mẹo đấy! Lão cất lên một tràng cười dài – lần đầu Hạnh Hoa nghe thấy lão cười như vậy – rồi vẫy tay ra lệnh cho bọn phu trạo võng cáng không, trở lại kinh thành. Hai người thẹn bỏng mặt nhưng không quên thầm biết ơn sự đánh lừa nhân hậu có tính chất “ lương y từ mẫu” của lão. Họ dắt tay nhau thung thăng đi dọc theo dặm hòe về nẻo Thiên Đức. Sen trong hồ rụt rè mới dám đâm đôi ba lá non, hòe bên đường còn chưa tin cậy ở nắng ấm đầu xuân chỉ hé dăm chồi xanh nhợt. Song họ cảm thấy hương sen nồng vây quanh ngào ngạt, sắc hoa hòe vàng tươi theo nắng trải thảm trên đường họ đi. Lão Vũ đi ngựa nói ghé sang: - Phận sự của lão đối với công tử như vậy là xong nhé! Bây giờ lão xin giao công tử lại cho bé Hạnh chăm sóc. Nói xong lão quất ngựa đi trước. Lúc lão ngoái đầu nhìn lại, lão thấy Lý Ngân đang kể chuyện say sưa thỉnh thoảng đưa tay trỏ vào chiếc xe tù. Áng chừng chàng đang thuật lại vụ đột nhập vào sào huyệt tên Vệ Uông. Hạnh Hoa vừa lắng nghe vừa xoay xoay cái roi ngựa trong tay chốc chốc lại phá lên cười nắc nẻ. Lão Vũ tưởng như họ thừa sức đi bộ bên nhau đến tận chân trời.