Trong một buổi toạ đàm về bộ truyện Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác, nhà văn Nhật Tiến đã phát biểu ngoài đề: “Nói về tác phẩm văn nghệ mà ảnh hưởng rõ nét nhất, tôi nghĩ có lẽ mình chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn, nó gây cái tâm lý phản chiến". Dùng chữ nhạc phản chiến, theo kiểu anti-guerre, antiwar, là nói cho gọn, và đã có người phản bác, cho rằng mông lung, vì người nghệ sĩ chân chính nào mà không chống chiến tranh? Ngoài ra, những ca khúc Trịnh Công Sơn tố cáo chiến tranh, gào gọi hoà bình còn bày tỏ khát vọng thống nhất đất nước, tình tự dân tộc, tình yêu nhân loại, niềm tin vào cuộc đời, tình người và hạnh phúc lứa đôi. Những tình cảm này đan quyện vào nhau. Hơn nữa một số nhạc tính thuần tuý, nội dung không quan hệ gì đến chiến tranh, khi nghe trong đám đông, cũng tạo nên một cảm giác thời thế, từ một thời phản chiến. Vì vậy, gọi là nhạc “phản chiến" là nói tắt, trong điều kiện bất túc của ngôn ngữ. Gọi cách khác, là ca khúc tranh đấu cho hoà bình, tuy dài dòng mà vẫn không đủ ý. ... Nói chung, những ca khúc “phản chiến" của Trịnh Công Sơn gia tăng số lượng và cường độ dài theo cuộc chiến, đồng thời cũng chuyển mình theo từng giai đoạn ngắn của thời cuộc thập niên 1963 - 1973. Nhưng là tiếng nói tự phát, phản ứng tự nhiên của một cá nhân, một công dân không thuộc đảng phái hay tổ chức chính trị nào. Đây là điều kỳ lạ trong hoàn cảnh chính trị thời đó và chính nó đã tạo ra hào quang của Trịnh Công Sơn: người ta hát, và yêu Trịnh Công Sơn, tạo ra hiện tượng Trịnh Công Sơn, một là vì ca khúc của anh đáp ứng lại những khát vọng của thời đại, hai là người nghe, trực cảm rằng những lời ca ấy không mang một ý đồ chính trị nào. “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo mệnh lệnh của con tim mình (. . .) . Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói" (Bửu Chỉ) . Có lẽ những suy nghĩ về dân tộc, đất nước, số phận con người trong chiến tranh đã manh nha từ lâu ở Trịnh Công Sơn, và được khơi động từ những biến cố tại Huế và miền Trung năm 63, mà bạn bè anh đã tham gia tích cực và sôi nổi. Bản thân Trịnh Công Sơn không dự cuộc trực tiếp, nhưng khó có thể nói là không dao động. Sau những bản nhạc tình đã nổi tiếng, thì 1964, Trịnh Công Sơn đưa vào Lời mẹ ru một vài âm hưởng xót xa, báo hiệu cho những ru khúc đau thương về sau: Lời mẹ ru con nghe ra nỗi niềm Đời mẹ ru con mây kia cũng buồn Con ngủ trên mây Tiếng khóc ban đầu còn đau, còn đau Ru con khôn lớn... Con Rồng cháu Tiên Một đời ru con, nên mắt ưu phiền Lối hát ru Việt Nam, như ru con Nam Bộ, thỉnh thoảng cũng có câu thắt thẻo ruột gan, nhưng ít khi diễn tả buồn đau trong thân phận làm người như ở Trịnh Công Sơn, càng về sau càng da diết. Vết lăn trầm, 1965, là một ca khúc đậm đặc phong cách Trịnh Công Sơn, đau thương và huyền bí: Vết lăn và lăn trầm Hằn lên phiến đá nâu thêm ưu phiền Như có lần chim muông hằn dấu chân Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về quê nhà Người chợt nhớ mình như đá Đá lăn vết lăn trầm Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn Ôi mắt thấm van xin lời thánh đêm Bài ca dao trên cồn đá Trên ngai vàng quê nhà... Ca từ rệu rã, u hoài, xa vắng, nhưng cô đọng cả tâm giới Trịnh Công Sơn, lúc ấy và về sau. Về sau, sẽ có hằng vạn chuyến xe claymore lựu đạn, hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng, cũng chỉ là âm vang lăn trầm vết đá. Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn thân Trịnh Công Sơn đã tinh ý nhận xét: “Vết lăn trầm bắt đầu tiếp cận nỗi bất hạnh của một tuổi trẻ bị cuốn hút vào cơn lốc của chinh chiến, và đây là bài hát mở đầu nội dung phản chiến của nhạc Trịnh Công Sơn" . Chọn 1965 làm thời điểm cho nhạc thời thế Trịnh Công Sơn, còn có những lý do khác: đó là cao điểm của chiến tranh Việt Nam, thời của những Người chết trận Đồng Xoài, Pleime... thời người Mỹ đổ bộ lên Miền Nam, bắt đầu ném bom miền Bắc. Cũng là cao trào tranh đấu miền Trung trước khi bị dập tắt vào năm 1966. Thời đó, ca khúc Trịnh Công Sơn, nhạc tình và nhạc tranh đấu, được in ronéo, chuyền tay. Năm 1966, nhà xuất bản An Tiêm xuất bản tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, Thần thoại quê hương, Tình yêu và Thân phận, 12 bài, ngoài Tuổi đá buồn làm từ 1961, những bài khác làm vào 1965 - 1966, đều mang nội dung: thân phận trong chiến tranh. Cuối năm 1966 và sang 1967, Trịnh Công Sơn đã sáng tác một loạt ca khúc chống chiến tranh nổi tiếng: Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác ru đêm, Tình ca của người mất trí,... Tác giả tự ấn hành lấy, do đó không ghi năm xuất bản, thành tập Ca khúc da vàng. Về sau, sau Mậu Thân, 1968, anh thêm 2 bài: Hát trên những xác người và Bài ca dành cho những xác người, ghi là Ca khúc da vàng 2, dự tính in trong tập Kinh Việt Nam, tự xuất bản 1968. Những bản in về sau, không thấy 2 bài này. Vậy ta có thể xem Ca khúc da vàng gồm 12 hay 14 bài, tuỳ phương pháp. Tập Kinh Việt Nam mở đầu bằng lời tựa, tác giả bày tỏ khát vọng hoà bình, viết 1968, có lẽ sau Mậu Thân và tin tức về hoà hội Paris; tập nhạc gồm 12 bài, bắt đầu bằng Dân ta phải sống và khép lại với Nối vòng tay lớn. Trong một tiểu luận Cao học đệ trình tại Đại học Paris 7, 1991, Michico Yoshi, cũng là bạn, được Trịnh Công Sơn giúp đỡ và hướng dẫn, đếm được 69 bài phản chiến. Trên tổng số 136 bài làm từ 1959 - 1972 mà cô ấy sưu tầm được, tỷ lệ là 51%. Nếu chỉ tính từ 1965 đến 1972, tỷ lệ còn cao hơn nữa. Nghĩa là trong một thời gian dài thời gian sáng tác khoẻ nhất, rung cảm chính của Trịnh Công Sơn là thời thế. Và ngược lại, chính những ca khúc kêu gọi hoà bình đã làm nên danh tiếng Trịnh Công Sơn, đã tạo nên huyền thoại Trịnh Công Sơn, trong một thời điểm nhất định của miền Nam Việt Nam vào những năm 1966 - 1972. Tính phản chiến của nhạc anh, chính là tính phản chiến của cả một miền đất. Nếu chỉ làm nhạc tình, thì Trịnh Công Sơn sẽ là Lê Uyên Phương hay Từ Công Phụng; nếu chỉ làm nhạc đấu tranh, Trịnh Công Sơn sẽ là Nguyễn Đức Quang hay Tôn Thất Lập; nếu pha pha tình yêu và thân phận, Trịnh Công Sơn sẽ là Vũ Thành An. Nếu chỉ phản chiến, e chỉ hơn Nguyễn Văn Đông. Nhưng Trịnh Công Sơn đã tổng hợp một thời đại và xây dựng được một sự nghiệp riêng, gắn bó với vận mệnh đất nước. Rào nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn vào một ấp chiến lược, là không sát với thực tế xã hội. Trong thời gian 1967 - 1972, Sơn sáng tác khoảng 70 bài hát kêu gọi hoà bình, và khoảng một nửa được phổ biến rộng rãi. Nhưng những ca khúc thuần tuý thế sự đó đã được kết hợp với hàng trăm tình khúc khác, cùng phong cách, trong một hoàn cảnh xã hội và chính trị đặc biệt, đến với quần chúng thanh niên cùng tâm trạng. ... Nghệ thuật Trịnh Công Sơn xét trong toàn bộ, nội dung, hình thức chủ đề, thể loại, hội với những điều kiện khách quan chính trị, xã hội, kinh tế, đã tạo danh tiếng Trịnh Công Sơn trong một thời gian kỉ lục, như Phạm Duy đã nhắc: “Tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời, từ giàn phóng là Quán Văn được hoả tiễn Khánh Ly đưa vút vào trong phòng trà, rồi vào băng casette và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chinh phục được tất cả người nghe. So sánh với những tình khúc ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới". Sở dĩ đi nhanh như thế vì nhạc tình yêu đã kết hợp với nhạc đấu tranh, được hát trực tiếp, hát cộng đồng. Tác giả hoà nhập vào quần chúng rồi trở thành một hiện tượng phút chốc thành thần tượng. Hiện tượng Trịnh Công Sơn cũng đã thành hình qua vài yếu tố phụ: dáng người mảnh khảnh, nho nhã, bạch diện thư sinh làm người ta yêu mà không làm người ta sợ. Anh chăm sóc kỹ lưỡng cách ăn mặc, “sang” một cách kín đáo “thàng" khi trình diễn. Nói năng nhỏ nhẹ, giọng Huế trung dung, thường thường là phát âm đúng. Lối sống đơn giản cà kê bạn bè, khề khà quán xá. Thịnh đời 1967, đêm đi hát, khuya về, kê ghế bố ngủ với bạn bè ở Hội họa sĩ trẻ, sáng dậy ra quán đợi bạn đãi tách cà phê, mời điếu thuốc lá. Thêm vào hình ảnh Khánh Ly, “Ôi tóc em dài đêm thần thoại...”, khi hát đi chân đất - nữ hoàng chân đất, la comtesse aux pieds nus - của một thời - giọng hát rũ rượi da diết, diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Ca khúc Trịnh Công Sơn gây được tiếng vang là nhờ giọng hát Khánh Ly: "Một giọng hát có thể xuống rất thấp rất trầm, mà cũng có thể lên rất cao, một giọng hát khoẻ, dài hơi, giàu nhạc tính. Khánh Ly bao giờ cũng hát đúng giọng, đúng nhịp, ngân, láy đúng lúc, cách phát âm tiếng Việt chuẩn xác - càng về sau càng già dặn thêm - một giọng hát ngay từ thời ấy, tuy vẫn còn nguyên cái chất tươi mát hồn nhiên của tuổi đôi mươi, nhưng dường như đã mang nặng sầu đau; một giọng hát vừa có thể lẳng lơ một cách đáng yêu, trong các bản tình ca lãng mạn, lại vừa có thể phẫn nộ, bi ai, trong các bài ca phản chiến". Cuối cùng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát cộng đồng, nghĩa là hát không công, không lấy thù lao, chủ yếu là cho thính giả trẻ, tại các giảng đường, giáo đường. Họ tạo, hay tái tạo, một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát - mang theo lý tưởng nhân đạo, tình yêu và chính trị. Trịnh Công Sơn sống giữa những tranh chấp chính trị mà không dính líu đến chính quyền hay đảng phái, giáo phái, phe phái. Mặc dầu anh thích bạn bè, ưa đàn đúm. Quần chúng biết. ngay điều đó. Chúng ta ngày nay mất công nghiên cứu văn bản, khổ tâm truy tầm tư liệu để tìm hiểu, chứ quần chúng thì họ rất nhạy bén, và nhận ra đâu là tiếng nói vô tư, ngay thật, đâu là tiếng nói có dụng ý, mưu đồ. Đây là lý do chính giải thích sự thành công nhanh chóng của Trịnh Công Sơn một sớm một chiều đã thành hiện tượng. Ví dụ bài Tình ca của người mất trí, 1967, đã được tiếp nhận và truyền bá tức khắc: Tôi có người yêu chết trận Pleime ...chết ngoài Hà Nội ...chết không hận thù Nằm chết như mơ... Quần chúng hiểu ra ngay biểu tượng “mất trí”, một bài hát không có lập trường theo bên này, hay được chỉ đạo từ phía bên kia. Lời ca dội vang chiến sự, nhưng không có mưu đồ, quả là lời người mất trí. Mất trí là mất tất cả, không còn gì, ngoài cái trí của mình, của riêng mình. Cái trí xa lìa thực tại, bị sa thải ra ngoài thực tại. Trí tuệ ấy chỉ yêu Một Người, nhưng người yêu duy nhất đã chết trên khắp chiến trường, chết mọi kiểu, mọi cách, thậm chí nằm chết như mơ. Chết như mơ? Người ta thường nói: đẹp như mơ, chứ ai nói chết như mơ. Tinh nghịch đổi vài chữ, câu hát vẫn hợp lý, vẫn hay, dù ý nghĩ bị lật ngược: Tôi có người yêu gặp tại Ba Gia Tôi có người yêu vừa mới đêm qua Yêu thật tình cờ, yêu chẳng hẹn hò Yêu chẳng thề nguyền hạnh phúc như mơ Lật ngược hay xếp xuôi, tỉnh trí hay mất trí, tình ca hay chiến ca, ai biết đâu là đâu. Cũng như bài sau này: Hát trên những xác người, làm sau Mậu Thân 1968: Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh Chị vỗ tay hoan hô hoà bình Người vỗ tay cho thêm thù hận Người vỗ tay xa dần ăn năn... Nói về những oan khốc chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã có lời nhập đề tưng tửng: Đại bác đêm đêm dội về thành phố Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe Nghe như là nghe nhạc, nghe quen như câu dạo buồn. Nhạc không lời, một loại romance sans parole. Thậm chí đại bác như kinh không mang lời nguyện. Đại bác như kinh? Bài hát kết thúc bằng cụm từ có mẹ có em. Cũng như những thành ngữ: có mẹ có cha, có anh có em, có vợ chồng, có mẹ có em, diễn tả cảnh sum họp, ấm cúng, nhưng ở đây là một đống xương thịt bầy nhầy: Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành Từng vùng thịt xương có mẹ có em Sơn có những lời tưng tửng tàn độc như thế, hay đèn thắp thì mờ, ám ảnh cả một đời bạn mình là Bửu Ý. Nguyên tác trong bài Đi tìm quê hương (1967): Người nô lệ da vàng ngủ quên Ngủ quên trong căn nhà nhỏ Đèn thắp thì mờ... Dĩ nhiên, trong văn cảnh, câu hát có nghĩa: đèn không đủ sáng. Nhưng lìa văn cảnh, lời ca dội vào tim: đèn thắp thì sáng, chứ sao đèn thắp thì mờ? Nhẫn nhục trong những cơ cực trầm kha truyền kiếp, người phụ nữ Huế có câu hát não nùng: Ví dầu đèn tắt, có trăng Khổ thì em chịu, biết mần răng đặng chừ? Những cũng không đoạn trường bằng đèn thắp thì mờ. Bây giờ Sơn đã đi xa, nhớ câu hát xưa mà thương những người bạn cũ, những người còn ở lại, trong cuộc đời mà Tản Đà đã định nghĩa: đời là cõi bắt con người phải sống. ... Năm 1968 là khúc quanh trong thời sự Việt Nam, đồng thời là bước ngoặt trong nhạc Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn chuyển hướng, làm những ca khúc có nội dung chính trị rõ rệt, trực tiếp kêu gọi hoà bình, với tập Kinh Việt Nam (1968) và Ta phải thấy mặt trời (1969). Thời điểm này, họa sĩ Trịnh Cung, bạn anh, đã vẽ bức tranh nổi tiếng: Đứa trẻ du ca, tay ôm đàn cầm, có con chim đậu trên mái tóc, ý muốn nói hoà bình đang về trong thôn xóm. Hoà bình là khát vọng chung của thanh niên và người dân thời đó, mà ca khúc Trịnh Công Sơn đã vang vọng qua những tiêu đề: Ngày mai đây bình yên, Cánh đồng hoà bình, Đồng dao hoà bình. Và đặc biệt là Nối vòng tay lớn. Trong Kinh Việt Nam, từ 1968, anh tích cực kêu gọi: Dân ta phải sống, dựng lại người, dựng lại nhà, hãy đi cùng nhau và cụ thể hơn nữa Nối vòng tay lớn. Hay ít nhất cũng là Chờ nhìn quê hương sáng chói và tra vấn Ta thấy gì đêm nay? Sao mắt Mẹ chưa vui? Đấy là tên những bài hát, những Hành Ca trong tham vọng trở thành một hành khúc Việt Nam: Đoàn người đi miên man Tìm ánh sáng cho Việt Nam Tìm quê hương xưa Giống Tiên Rồng, giống da vàng... Nói cho liền, nối hai miền... “Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết khởi sự từ một thực trạng máu xương. .. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong những lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh... Đã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay (...) Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo (...) Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương đông (...) Xin hãy dừng tay để được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan (...) Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ (...) Một ước mơ vĩ đại, làm bằng những đau thương nối dài vào hoang tưởng một ngày mà lòng mình vui sướng hơn muôn nghìn năm". Bây giờ, nhớ lại mà thương cho một thế hệ thanh niên đã dở sống dở chết trong hoang tưởng: Hai mươi năm hận thù đã qua Hôm nay thấy mặt người đổi mới Ta yêu nắng hoà bình vừa đến... Hai mươi năm chờ đợi từng phút giây Hôm nay tiếng hoà bình đã thấy Trên môi người trên môi ta, trên môi em Trên môi những người Việt nghèo khốn Hai mươi năm chờ đợi đã lâu... (Đồng dao hoà bình) Hai mươi năm là tính từ 1948, hay từ trước đó nữa, nghĩa là không kể Điện Biên Phủ, không kể đến hiệp định Genève, dù sao cũng tạo được cảm giác hoà bình trong đôi ba năm. Nhưng nền hoà bình tạm bợ ấy đã phải mua bằng cái giá chia đôi Nam Bắc, mầm mống cho một cuộc chiến tranh khác, lâu dài hơn, thảm khốc hơn, gây nhiều thù hận hơn. Khi Sơn viết hai mươi năm nội chiến từng ngày, thì hằng triệu người đã hát, từ năm này qua năm khác, dù có lúc bị cấm. Hai chữ nội chiến nếu không có lý, cũng có cơ sở tình cảm của nó. Và đáp ứng lại với tâm lý quần chúng không bị chính trị hoá, không bị giáo dục chính trị, những người dân đau lòng vì cảnh nồi da xáo thịt, mà không truy tầm đến căn nguyên phức tạp. Có lúc anh bộc trực, chính xác hơn: Hai mươi năm là xác người Việt nằm Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam ? Xưa ta không thù hận Vì đâu tay ta vấy máu? (Tuổi trẻ Việt Nam - 1969) Không dễ dàng gì trả lời câu hỏi vì đâu, nếu không đơn giản lặp lại luận điệu bên này hay bên kia. Không có cuộc chiến tranh nào mà có lý do đơn giản, chỉ có những đầu óc đơn giản. Thời Nam Bắc Triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, Nam Hà Bắc Hà, cuộc chiến chưa chắc đã bắt nguồn từ những lý do đơn giản. Giữa lòng thế kỷ XX, hoàn cảnh càng phức tạp. Chiến tranh Việt Nam, khởi sự là dân tộc giành quyền tự quyết, chống ngoại xâm, nhưng cũng là chiến tranh ý thức hệ, nối dài biên giới chiến tranh lạnh, với sự can thiệp của nước ngoài. Nhưng đồng thời cũng có tính chất nội chiến: Triệu người đã chết, hãy mở mắt ra Lật xác quân thù, mặt người Việt Nam trên đó Đi trên những xác người: bao năm tháng những ai? (Những ai còn là Việt Nam – 1969) Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nghị luận chính trị, vì nghị luận sẽ không thành bài hát; anh chỉ nói lên cảm xúc: Ôi bom đạn cày trên những xác Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng (Đêm bây giờ, đêm mai – 1967) Từ 1968, trong những gào gọi hòa bình, thêm một ý tưởng hiện ra rõ nét, là thống nhất đất nước. Hòa bình là một ước vọng của nhân sinh, ai ai cũng chia sẻ. Thống nhất là một đòi hỏi chính trị, người muốn thế nọ, kẻ muốn thế kia, đại khái qua hai câu hỏi: thống nhất bằng cách nào; và ai chủ động thống nhất? Trịnh Công Sơn nói lên niềm mơ ước công dân, và không trả lời hai câu hỏi chính kiến, cũng như nhiều nhạc sĩ khác: Phạm Đình Chương viết Hội trùng dương, Phạm Duy viết Con đường cái quan, đều chia sẻ một nguyện vọng. Khát vọng thống nhất đã bàng bạc trong những bản nhạc của Sơn trước đó: Đêm sông Hương nhung nhớ Ngày Cửu Long mơ, mơ thấy gì Mơ một ngày Hồng Hà góp Hội trùng dương Đây quê hương trông ngóng và mẹ chờ mong (Lại gần với nhau - 1966)Nhưng phải đợi đến Kinh Việt Nam (1968), yêu sách ấy mới được diễn đạt chính xác: Chờ ngày Việt Nam thông nhất (Chờ nhìn quê hương sáng chói) Reo vui cờ thống nhất Chân bước đi trên ba miền Những ai còn là Việt Nam Chính chúng ta phải có mọi quyền Đứng lên đòi thống nhất quê hương (Chính chúng ta phải nói) Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền (Huế, Sài Gòn, Hà Nội) Năm 1968, bài hát thành công nhất là Nối vòng tay lớn: Rừng núi dang tay nối lại biển xa Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà (...) Thành phố nối thôn xa vời vợi Người chết nối linh thiêng vào đời... Nhạc điệu phong phú, hào hùng, phóng khoáng và lời ca vừa nhẹ nhàng vừa súc tích, nối liền con người với nhau, với đất nước, thành phố với thôn quê, quá khứ với hiện tại, người chết với tương lai. Năm 1969, Bửu Chỉ kể lại: "thỉnh thoảng người ta lại nghe phong phanh đâu đó về một giải pháp hòa bình cho Việt Nam, rồi lại tắt ngấm... Phong trào đấu tranh hòa bình Việt Nam ở các đô thị lại bùng lên mãnh liệt", nhạc khúc Trịnh Công Sơn gắn bó với hoàn cảnh, mang một nét mới: chính chúng ta phải nói: chính người dân Việt Nam phải có quyền quyết định về vận mệnh dân tộc, trên cơ sở hòa bình- thống nhất: Khi tim người rực lửa cầu mong Chính chúng ta phải có mọi quyền Đứng lên đòi thống nhất quê hương Quyết chối từ chém giết anh em Chính chúng ta phải nói hòa bình Trịnh Công Sơn kêu gọi Ta đi dựng cờ, Đừng mong ai đừng nghi ngại. Lời ca hùng hồn, khẩu hiệu, có lúc đại ngôn: đã đến lúc cách mạng tiến lên. Bài Ta quyết phải sống: Còn sống xin các anh quyết còn cách mạng Đời ta ta lo, xin xếp vũ khí... Cách mạng, trong mơ ước Trịnh Công Sơn là cuộc đổi đời triệt để, từ bóng tối ra ánh sáng, từ xương máu ra hòa bình “một rạng đông mới sẽ được khai sinh. Nhựa mới sẽ luân lưu cuồn cuộn trong những thân thể Việt Nam": Những giọt máu đến ngày trổ bông Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người Ngày dân ta đi dành lấy hòa bình Ta phải thấy mặt trời (Những giọt máu trổ bông) Và mặt trời là biểu tượng ánh sáng, hơi ấm, sự sống và phương hướng: phương Đông, phía mặt trời mọc:” “Tuổi trẻ Việt Nam, trời sáng phương Đông“. "Một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Đông". Sơn có lần giải thích: người phương Tây, khi định hướng, dùng chữ orientation, nghĩa là nhắm hướng orient, phương Đông. Việt Nam là chiến trường giữa những thế lực mê chấp đến từ phương Tây. Trong khi đó, phương Đông nguồn cội của đức tin, là quê hương của hòa bình, hòa giải và hóa giải. Tư tưởng Phật giáo tiềm ẩn nơi Trịnh Công Sơn, có lẽ đã khởi sắc từ ý thức chính trị, xã hội và văn hóa, trong một thời điểm nhất định. Phật tính là mạch nước ngầm trong tâm hồn Trịnh Công Sơn, gặp một hố bom, nó chợt thấy mặt trời, và tuôn trào thành Nguồn thơ suối nhạc. Nhìn dưới ánh sáng nào đi nữa, sự nghiệp Trịnh Công Sơn cũng là một khối tài tình. Tài và tình sinh ra nhau, nuôi dưỡng lấy nhau bằng lương thực một trần ai khổ ải. Chữ tài, phần nào là của trời cho; chữ tình là khối đau thương khổ luyện trong khổ nạn. Và chính khối đau thương qua những lời ca phản chiến - đã vinh danh Trịnh Công Sơn trong khổ nạn, vinh danh bên ngoài ý muốn của nhiều quyền lực thế trị; và sau này nữa bên ngoài những mê chấp sân si.