Chương 12

    
ầu tháng hai mà sương mai còn dày đặc. Nương theo làn sương mù che mắt địch, Nguyên soái Quách Quì bất ngờ cho ba quân âm thầm nhổ trại. Người ngựa xéo lên nhau hốt hoảng rút lui. Thái Úy vẫn giữ lời hội ước không đem quân đánh đuổi.
Mặt trời lên ba sào, Thái Úy nhìn sang thấy bờ Bắc trống hoang. Cái nhung nhúc hôm qua bỏ chạy và sự vắng lặng chợt đến, thuần khiết mênh mông. Không có cái gì nhắc nhở đến chuyện giặc giã đao binh ngoài những cột khói đen lặng lẽ bốc thẳng trôi đìu hiu ở đường ngấn chân trời.
Trong đầu óc Thái Úy đang bài bố cuộc chiến mới ở một dạng khác, một cuộc chiến thầm lặng không máu chảy xương phơi nhưng không kém phần quyết liệt.
Lão Vũ đứng bên cạnh, gục gặc đầu, ngập ngừng nói: - Dạ, con vẫn chưa hiểu tại sao ta lại chịu nhượng cho Tống một phần đất lớn như vậy?
- Để họ rút quân mà không bẽ mặt. Nhưng ta chỉ nhượng trên giấy tờ mà họ cũng chỉ nhận trên danh nghĩa thôi, Vũ nhi ạ! Rồi ta sẽ đòi lại không sót một tấc đất. Con xem chỉ trong ngày mai là quân ta theo sát chân quân địch sẽ chiếm lại Động Giáp rồi. Còn Quang Lang, châu Môn, Tô Mậu, ta sẽ biến ba dải đất này thành một quả mướp nóng bỏng mà nhà Tống vừa ngoạm vào đã phải nhả ra ngay nếu không muốn rụng răng. Dĩ nhiên ngoài nắm đấm giơ ra, ta còn phải biết mềm dẻo nữa. Ta đem chữ “Nhẫn” ra để chống tính kiêu căng vốn có của họ - Ông dừng lại giây lâu, chăm chú nhìn vào mắt lão Vũ như kéo sự chú ý của lão vào những điều ông sắp nói – Song còn châu Quảng Nguyên là nơi có mỏ vàng mỏ bạc, ta e máu tham của họ sẽ bắt họ cố chịu đấm ăn xôi. Ta phải làm sao để cho châu Quảng Nguyên trở thành một mảnh đất linh thiêng độc địa, đi dễ khó về; bất luận người Tống nào đã mang thân đến đấy đều phải vùi xương lại đấy. Ta phải làm cho họ ngáo ngán vì kinh hoàng. Việc này ta trông cậy ở con và cũng là phần việc chính ta giao cho đấy.
Sau này sự  việc diễn biến không ra ngoài tiên liệu của Thái Úy. Chuyện đao binh vừa chấm dứt, vua Tống vội vã đổi Quảng Nguyên ra đất Thuận Châu, bổ ngay Đào Bật, viên tướg văn võ kiêm toàn đã cầm quân chặn hậu cho đại binh Quách Quì rút lui, làm đầu mục châu mới. Nhiều loại viên chức được phái đến: thông phán, thiểm thư, phán quan, kiểm hạt, đô giám, đô áp. Ba nghìn lính thú cùng 17 vị chỉ huy ở các xứ Hồng Châu tới phòng thủ miếng đất mới này. Các lò luyện quặng vàng bạc được dựng lên dưới sự giám sát của viên quan cao cấp Tất Trọng Hùng. Tất cả tội nhân bị án từ Hoài Nam đổ xuống đều được dùng làm công nhân khai thác mỏ.
Nhưng nhà Tống hoàn toàn thất vọng. Tật dịch, hỏa tai kéo dài một vệt từ Quảng Nguyên đến Ung Châu. Nhiều điềm gở xảy ra làm dân tình xao xuyến. Tượng phật các chùa chiền tự nhiên động đậy. Những cơn sốt rung giường lật chiếu cuốn theo hàng đống xác chết của quan quân Quảng Nguyên. Những gia đình có người đi lính thú kêu khóc như ri. Quân thú đào ngũ hàng đoàn. Lính tráng chết rồi lần lượt quan chức cũng chết. Cuối cùng Đào Bật, viên tướng đứng đầu việc cai trị Quảng Nguyên vừa cáo ốm thì đã lăn ra chết liền không kịp hưởng ơn vua cho thăng chức và nghỉ ngơi ở Quế Châu.
Quảng Nguyên quả là đất của thần chết. Phải chăng đó là sự tình cờ? Điều này có thể ít người biết rõ. Chỉ biết rằng vua Tống không nuốt nổi phải nhè ra. Ba năm sau vào ngày 13 tháng 10 năm Kỷ Mùi, Tống Thần Tông lấy đất vàng đất bạc mà cũng là đất chết này “ban” cho vua Lý.
Chuyện của những năm sau ấy được bắt đầu từ cuộc trao đổi hôm nay giữa Thái Úy và lão Vũ. Thái Úy bâng khuâng nhìn làn sương mai gặp nắng lên bị đuổi tít ra tận vệt tre xanh mờ nhạt ở cuối chân trời, giọng đầy cảm khái: - Vũ nhi ạ! Mai đây khi việc đòi đất xong xuôi, nếu lòng con muốn, con có thể về sống cùng ta trong châu Ái.
- Thái Úy có ý định không lưu lại triều đình nữa hay sao?
- Ta nghĩ lúc ấy vua ta cũng đã lớn khôn rồi mà sự có mặt của ta ở triều sẽ là cái cớ để nhà Tống vin vào gây khó dễ trong việc trả hết đất cho nước ta. Hơn nữa đất Hoan, Ái là đất ngày mai của dân tộc. Nếu ta biết làm cho Hoan, Ái giàu mạnh thì mảnh đất ấy có thể gánh hai đầu đất nước. Ở đấy, ta có thể để mắt đến phía Nam và phòng chừng về phương Bắc. Nhưng thôi đó là chuyện xa vời trong mai hậu. Trước mắt, con hãy trở về với hình dáng cũ để các em con làm lễ nhận mặt.
Lão Vũ lui vào phòng bên, Thái Úy đứng lên bảo quân hầu thiết lập hương án rồi cho gọi Hạnh Hoa và Lý Ngân đến.
Vừa bước vào, Hạnh Hoa bắt gặp không khí trang nghiêm trong phòng, nàng sững sờ không biết chuyện gì đang xảy ra. Thái Úy điềm nhiên bảo Hạnh Hoa và Lý Ngân ngồi xuống. Hai người đưa mắt nhìn nhau thầm hỏi. Thái Úy vẫn ngồi trầm ngâm, tâm hồn như chìm đắm theo làn khói trầm nghi ngút cuộn vòng trên hương án. Phút chờ đợi thật hồi hộp…
- Hôm nay ta kể cho hai con nghe một câu chuyện cũ – Giọng ông nói khẽ, mắt không rời lư trầm bốc khói – Hồi đó Tiên Đế mới lên ngôi, ta còn ở chức Đô Tri coi sóc nội đình. Một hôm tình cờ ta thấy quân cấm vệ Ngự Long rùng rùng kéo đi, kháo nhau đến chùa Thắng Nghiêm bắt một tướng cướp khét tiếng vừa đặt chân đến kinh thành. Ta hỏi lệnh của ai. Chúng bảo lệnh của cung Thượng Dương. Ta lấy làm lạ, thầm nghĩ sao Hoàng Hậu Thượng Dương lại đi bắt tướng cướp? Ngạc nhiên và tò mò, ta thầm dõi theo bọn chúng.
Đến chùa, ta thấy sư sãi đều nháo nhác. Đằng góc chùa, bên thành giếng, dưới một cây đào tiên, loại đào trái đỏ láng bóng tựa tô son, lá dày xanh ngắt thon dài như lá muỗm, ta để ý thấy một người dong dỏng cao tay đang cầm cái siêu sắc thuốc. Ta nhớ rõ loại đào tiên này vì thuở bé ta thường bị bố mắng về tội hay ngắt ăn những cánh đào khi mới ra hoa. Người ấy đội khăn nhiễu tím, sau lưng gài một chiếc quạt thước, gương mặt hao hao giống như lão Vũ nhà ta. Bọn cấm vệ vây quanh giếng, binh khí tuốt trần. Ông ta vẫn điềm nhiên chăm chú quan sát xác thuốc trong siêu. Viên nội giám Lý Thông dáng chừng là người cầm đầu tốp cấm binh bước ra nạt nộ: - Tên cướp kia! Quan quân đã đến sao ngươi chưa bó tay chịu tội? – Ông ta lẳng lặng đặt siêu xuống, thoắt cái đã đến gần một tên quân cấm vệ, khua tay. Thanh mã tấu đã nằm gọn trong tay mình. Ông khẽ ấn, lưỡi dao lớn gãy lìa thành hai đoạn. Lý Thông hùng hổ hô quân. Bọn cấm vệ nhớn nhác nhìn nhau chưa tên nào dám xông vào cả. Trong lúc ấy một vị tăng trong chùa đã cho ta biết rõ đầu đuôi câu chuyện. Hóa ra người ấy là một thần y lừng danh về nghề thuốc cũng như nghề võ ở các lộ ven biên giới. Ông ta họ Vũ và vợ ông ta cũng nổi tiếng về các phương thuốc gia truyền. Nếu đem gộp hai dòng họ thuốc ấy lại thì vợ chồng ông ta có dư mười bốn đời làm làng. Ông về kinh sư để chữa bệnh cho người bằng hữu thân thiết, sư ông, Quách Thiên Phương trụ trì ở chùa này. Không hiểu sao nội giám Lý Thông lại dò biết được trong lúc người cung nhân thân tín của cung Thượng Dương bị ốm sắp chết. Có lẽ y khua môi múa mép hứa hươu hứa vượn thế nào trước mặt Hoàng Hậu nên y tìm mọi cách dọa non dọa già để cưỡng bách thần y phải vào cung. Nhưng thần y vẫn khăng khăng từ chối. Cuối cùng y ton hót Hoàng Hậu rồi mượn oai hùm vểnh râu cáo ra lệnh cho cấm binh đi bắt thần y và nếu ông không khứng chữa bệnh cho cung Thượng Dương thì đầu ông sẽ bêu trước hoàng thành.
Ta nghe mà sôi máu giận. Ta bước lại đứng dưới gốc đào. Tên nội giám Lý Thông thấy ta, mặt xanh như chàm đổ. Ta khoát tay đuổi bọn cấm vệ về. Ta cười gằn chỉ vào mặt Lý Thông: - Ngươi biến ông bạn danh y của ta thành một tên tướng cướp. Giỏi thật! Ngươi mới làm nội giám trong cung mà đã ra ngoài ức hiếp dân lành như thế này, nếu ngươi được làm nhất phẩm triều đình có lẽ ngươi ăn thịt cả thiên hạ! – Ta hết nhìn bộ mặt xanh xám chảy dài quắt queo như quả mướp khô của tên thái giám rồi đến trái đào tiên mũm mĩm như búp sen đỏ lủng lẳng trên cây, ta bỗng thấy kinh tởm.
Khi tên Lý Thông cúp tai ra về, ta quay lại. Bốn mắt nhìn nhau và cùng thấy trách cao xanh kia sao cho hai chúng ta gặp nhau quá muộn. Chúng ta thắp hương đèn ngay dưới gốc đào tiên làm lễ kết nghĩa anh em. Hôm sau Vũ huynh đưa ta về quê nhà ra mắt chị dâu. Lúc lên đường, biết ta kém tửu lượng, bà chị cho ta một vốc thuốc, viên nhỏ hạt tiêu sắc đen óng ánh như huyền ngọc. chỉ cần một viên nhỏ ấy theo tợp rượu đầu là bao vò rượu sau vào bụng ta hóa thành nước lã. À, ta còn quên nói một điều là Vũ huynh ta đi đâu cũng thường mang theo bên mình một chiếc quạt thước to lớn dị thường. Quạt phất bằng lụa mây đằng ti, rẽ quạt làm bằng thứ trúc đá màu mun, lúc xòe ra che mưa sáng, lúc gấp lại thành một loại đoản côn. Nên nhớ rằng đường côn gia truyền của họ Vũ nức tiếng là vô địch trong thiên hạ. Thời trẻ ta từng nghe đồn về chiếc quạt thiết phiến này và chủ nó là một danh y thường hay làm việc nghĩa. Ta tâm niệm tìm gặp người này để kết bạn. Hóa ra lòng trời dun dủi cho ta được kết giao đúng người mà ta hằng vọng tưởng. Vì vậy, không chỉ quí mà ta yêu thương Vũ huynh hơn cả bản thân ta.
Câu chuyện của Thái Úy rọi sáng dần vào những điều trước đây đối với Hạnh Hoa còn mơ hồ bí ẩn. Nàng suýt bật tiếng kêu khi chợt nhớ lại ngôi nhà bí hiểm dưới bóng trăng, người mẹ ngồi, lão Vũ quì trước sập với các hộp dài sơn son thiếp vàng trong đặt chiếc quạt kỳ dị ấy. Khói hương trầm cuộn tỏa mơ màng. Ngoài kia dường như có tiếng bò kêu. Hạnh Hoa lắng tai nghe Thái Úy kể tiếp:
- Cách đây hơn 15 năm, lúc ta vâng lệnh Tiên Đế vào Hoan, Ái dẹp giặc Lữ Long. Vũ huynh cùng đi với ta. Hai anh em cùng vào sào huyệt chúa Lữ Long để phủ dụ. Họ đặt trước mặt ta hai vò rượu cần. Khách trước, chủ sau. May là thuật uống rượu này ta được Vũ huynh dạy trước. Ta đút hai chiếc cần rượu vào mũi vận hơi hít một hơi dài. Thấy ta uống rượu bằng mũi, chúa Lữ Long ôm chầm lấy ta, nhận bà con, kết nghĩa anh em.
Song cuộc kết thân giữa vị phó động chúa với Vũ huynh mới thật ly kỳ gay cấn. Hai cô gái đầu đội một chồng âu bạc đầy ắp rượu đủng đỉnh bước ra quì xuống trước mặt hai người. Rượu trong âu không hề sóng sánh một giọt ra ngoài. Lần này chủ trước khách sau. Vị phó chúa đặt hai chiếc âu trước mặt, để miệng cách xa đầu cần, vận hơi hút rượu. Hai tia rượu rót vào miệng y như hai vòi nước. Ta lo lắng đưa mắt nhìn Vũ huynh. Ông anh ta vẫn ung dung làm theo cách viên phó động đặt trước mặt không phải hai mà tám âu rượu thành hình vòng cung, tỏ ý uống mừng cho cả bốn người. Đoạn Vũ huynh thi triển kỹ năng vận khí. Theo các ống trúc, tám dòng rượu chụm lại đổ vào miệng Vũ huynh như tám con suối rượu chảy giữa thinh không, mang ánh trời, phản chiếu lấp lánh bảy sắc cầu vồng.
Được phủ dụ bằng ân uy và cả những bữa tiệc rượu cần, năm châu, sáu huyện, ba nguồn, 24 động của Hoan, Ái dần dần qui phục.
Ba năm sau động Ma Sa ở Đà Bắc làm phản. Sau ba lần bắt lại tha, chúa động Ma Sa mời ta đến thạch động. Để tỏ lòng thật, ta và Vũ huynh cùng đi, trong mình không giắt binh khí, Vũ huynh chỉ mang theo cây quạt xòe ra che nắng cho ta. Thình lình từ trong cửa động, tên độc bắn ra như mưa. Vũ huynh loan quạt xòe rộng ra phẩy các loạt tên độc rụng xuống. Chiếc quạt gấp lại và ngọn côn thiết phiến đánh tan quân mai phục. Lần ấy chúa động Ma Sa đầu hàng, ta thoát chết nhưng Vũ huynh đeo một mũi tên vào mình. Vêt thương lúc đầu nhẹ như vết muỗi đốt, sáu tháng sau chất độc mới phát và Vũ huynh từ trần.
Lúc này, Vũ Anh Thư, con trai đầu của anh ta, đã nối nghiệp cha, đã lừng danh về nghề y và hiện làm ngoại thám trưởng quan cho ta ở vùng biên giới. Ta cho Vũ nhi cải trang làm quản gia về ở với ta để đỡ nhớ người bạn quá cố… Bây giờ Vũ nhi sắp đi vào đất dữ. Ta cho phép các con gặp Vũ Anh Thư, làm lễ nhận mặt anh em.
Vũ Anh Thư bước vào, khăn nhiễu tím, áo đoạn kép, giày hải ly, ngang lưng gài quạt thiết phiến. Một vẻ trang nhã siêu thoát khác thường toát ra từ dáng dấp đến đường sống mũi thẳng nằm giữa đôi mắt ngời sáng cân phân, trên nét viền môi thanh tú. Có phải vì lâu ngày quen nhìn lão Vũ mà Hạnh Hoa cảm thấy dưới vành khăn tím, gương mặt Vũ Anh Thư bỗng rờ rỡ như ánh trăng rằm. Nàng bỡ ngỡ nhìn người anh mới xa vợi như chàng trai trẻ nào lạ mặt. Người nàng bối rối bàng hoàng suốt trong buổi lễ bái huynh. Nàng nghe tiếng Thái Úy bảo: - Lý Ngân, con theo ta đi hội tướng, còn Hạnh Hoa, con thay cha tiễn anh con sang sông.
Hai người đi bên nhau không nói một lời. Để phá tan sự lúng túng này, Vũ Anh Thư quay sang hỏi: - Sao bé Hạnh hôm nay buồn thế?
Hạnh Hoa đáp còn ngượng ngập trong cách xưng hô: - Em … em lo anh đi vào đất hiểm.
- Không sao đâu – chàng cười to – Ta vào đất ấy như cá vào nước. Trước lúc xuống thuyền, chàng còn bảo: Thế nào trong ngày vui của bé Hạnh, tiểu huynh sẽ có mặt. Đừng buồn, bé Hạnh nhé.
Thuyền rời bến sang sông. Hạnh Hoa bỗng cảm thấy tuổi con gái vô tư của mình chấm dứt bắt đầu từ giờ phút này.
Trong đầu nàng, một giọng hát trong trẻo chợt cất lên:
“Giã biệt Thăng Long đất rồng lên
“… “Hậu đình hoa”, khúc ấy
“Ta sang sông rồi, người có quên?
Nàng không quên được. Bao hình ảnh lộn xộn của một thời lão Vũ vụt hiện lên trong trí nhớ nàng: những món quà con gái… bạc dịch trường… đêm trăng trên sông… tiếng hát cô Chiêm nữ… mùa đông cơn bệnh liên miên… những chén thuốc bưng trong giọt mưa tranh hiên ngoài… - và nổi rõ nét lên trên hết - … chiếc lông nhím trắng cắm ngập vào quả đào mơn mởn… cặp mắt trai trẻ ngời ngợi yêu thương…
Một niềm nuối tiếc bâng khuâng lởn vởn thoáng qua trong mắt nàng. Bên kia, thuyền đã cập bờ. Bóng chàng lên ngựa, ra roi. Ai biết lòng chàng đang nghĩ gì.
Lần theo từng đợt sóng dồn của ký ức, nàng nghe tiếng bà mẹ từ trong ngôi nhà bí ẩn dưới đêm trăng đột nhiên vọng về: - Mẹ mong con biết ăn ở nhịn nhục, gánh mọi phần thiệt về mình, sinh bồi cho kẻ khác để cháu con dòng họ ta mai sau được phúc ấm…
Thế đấy. Chàng là người tạo phúc nhưng không hề được hưởng phúc. Chàng sống trơ trọi một thân, ra đi trong im lặng, hành động trong thầm lặng, trở về trong thầm lặng. Số kiếp chàng là vậy.
Bên kia, đằng xa tít, bóng chàng mờ dần rồi lặn giữa vệt ngấn chân trời.
Dưới chân nàng, dòng sông Nguyệt nước chảy lơ thơ… Không hiểu sao, trong mắt nàng như có giọt nước nóng hổi.
Hồi ức nhạt nhòa lật từng trang theo gió thổi trên sông…
Cuối 1979 – đầu 1983

Xem Tiếp: ----