Năm 1801 - Tôi vừa đi thăm ông chủ nhà về. Vùng này đối với tôi thực là tuyệt, có lẽ trong toàn cõi nước Anh tôi không thể tìm được một nơi nào xa cách sự huyên náo như ở đây. Thật là cõi thiên đường của những kẻ chán đời: Ông Hy đối với tôi là hai người hoàn toàn hợp với vùng hiu quạnh. Ông Hy chắc không ngờ tôi có thiện cảm với ông ngay, mặc dầu lúc tôi cho ngựa tiến lên, hai con mắt đen của ông sâu hoắm nhìn tôi một cách nghi hoặc và lúc tôi xưng danh, các ngón tay của ông lại thọc sâu một cách rất quả quyết vào túi áo. Tôi hỏi: “Thưa ông, ông có phải là ông Hy [2] không?” Ông ấy chỉ gật đầu, không trả lời. Tôi tiếp theo: “Thưa ông tôi là Lộc [3] người mới thuê Họa Mi Trang của ông. Tôi phải vội vàng đến thăm ông ngay, vì tôi sợ đã làm phiền ông vì tôi đã quá ư khẩn khoản đòi thuê cho bằng được Họa Mi Trang, còn ông thì hình như...” Ông Hy ngắt lời tôi có vẻ hậm hực: “Họa Mi Trang, thưa ông, hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi không để ai làm phiền tôi nếu tôi tránh được... Mời ông vào!” Lúc nói hai tiếng “ông vào” răng ông nghiến lại như có vẻ bảo tôi: giá anh cút đi thì hơn! Ông Hy mời tôi vào nhưng ông không nhúc nhích cánh cổng. Có lẽ chính vì thế mà tôi nhận lời vào: Tôi thấy ông ta hay hay vì chính ông lại có vẻ “kệ xác đời” hơn cả tôi nữa. Khi ông Hy thấy con ngựa của tôi ấn ngực vào cánh cổng, ông mới chịu rút tay ở túi áo ra, tháo dây xích buộc cổng rồi đi vào một cách miễn cưỡng. Vào đến sân ông Hy gọi to: “Dọi [4] ơi, ra dẫn ngựa của ông Lộc, và đem rượu vang lên đây.” Câu ấy làm tôi hiểu ngay cả nhà ông ta chỉ có một người đầy tớ. Thảo nào mà cỏ mọc đầy kẽ gạch, và súc vật tự do sửa dậu cây. Bác Dọi là người đã có tuổi nhưng vẫn còn cứng cáp khỏe mạnh. Trong lúc dẫn ngựa tôi đi, bác ta lẩm bẩm một mình, giọng tức bực cầu nhầu: “Chúa Trời, phù hộ cho chúng ta.” Bác ta vừa nói vừa nhìn soi mói vào mặt tôi một cách hằn học đến nỗi tôi đoán ngay bác ta kêu trời phù hộ là chỉ cốt trời giúp bác ta dễ tiêu bữa cơm chiều, chứ câu khẩn nguyện ấy không có liên can gì tới việc tôi đến đột ngột. Tòa nhà của ông Hy lấy tên là “Đỉnh Gió Hú”: sở dĩ gọi “gió hú” vì những khi trời bão, gió lồng lộng hú lên trong tòa nhà đó. Trên mỏm cao ấy chắc quanh năm không khí trong lành. Người ta biết ngay gió bấc trên đó thổi rất mạnh vì những cây thông cằn mọc ở đầu nhà nghiêng hẳn về một phía và một dẫy cây gai chĩa cành về một bên như muốn dướn ra đớp lấy ánh sáng mặt trời. Cũng may tòa nhà xây cất chắc chắn, cửa sổ hẹp thụt sâu vào tường và có viền đá nhô ra để chắn gió. Ở ngay trên cửa chánh của tòa nhà đó có đề tên “Yên Hạ” kèm theo niên hiệu “1500” [5]. Tôi cũng muốn hỏi ông chủ nhà cảu nhảu càu nhàu về lai lịch vắn tắt của cái nhà đó, nhưng thái độ của ông ở ngoài cổng như tỏ cho tôi biết hoặc phải vào ngay, hoặc phải đi không bao giờ trở lại nữa. Chúng tôi đi thẳng vào một gian phòng tựa như những gian vừa dùng làm bếp vừa dùng làm nơi tiếp khách. Nhưng ở tòa nhà “Gió Hú” này bếp không biết chạy đi đâu: cạnh cái lò sưởi rộng lớn không có một thứ gì có thể dùng để quay, để luộc, để nướng bánh. Nền nhà làm bằng đá trắng, ghế ngồi sơn xanh và kiểu cổ, lưng tựa cao, bên cạnh tủ đựng chén đĩa có một con chó to béo màu vàng đang nằm nghỉ, chung quanh lúc nhúc một lũ chó con, lại có rất nhiều chó khác mỗi con ngủ một xó. Ông Hy trông không ăn nhập gì mấy với nhà cửa và lối sống của ông. Hình thù ông ta trông y như một tay giang hồ da sạm nắng, nhưng quần áo và cử chỉ của ông lại có vẻ một người quý phái. Ông Hy ăn mặc có lẽ hơi cẩu thả nhưng cái vẻ cẩu thả ấy không tai hại mấy, vì ông ta đi đứng thẳng thắn, ung dung và có vẻ người rất lịch sự. Vẻ mặt thì đăm chiêu. Nhiều người có thể cho rằng ông có nhiều tự kiêu vô lối, tôi thì có gì ngầm bảo tôi ông không thế, linh tính báo cho tôi hiểu là ông lầm lỳ như vậy chỉ vì tính ghét phô trương cảm tình, ghét bộc lộ những sự thân thiện xã giao. Ông ta yêu cũng như ghét, không biểu lộ ra ngoài, ai yêu lại, ai ghét lại ông ta, ông ta cũng coi đó như là một sự vô nghĩa lý. Nhưng không, có lẽ tôi đã đi quá, tôi cứ bắt buộc ông ta có những tính tình của tôi. Ông Hy có những lý lẽ có thể khác hẳn tôi khi ông ta không muốn bắt tay một người chỉ muốn bắt tay ông ta. Mẹ tôi vẫn thường bảo rằng tôi già đời cũng không lập được gia đình; ngay vụ hè năm ngoái tôi đã tỏ ra không xứng đáng là một người có gia đình. Tôi đến bãi biển nghỉ mát thì làm quen ngay với một cô gái có vẻ đẹp quyến rũ tuyệt trần: thật là một tiên nữ đối với tôi trong cả cái thời kỳ mà cô ta chưa để ý gì đến tôi. Tôi không bao giờ ngỏ lòng yêu bằng lời nói, nhưng vẻ mắt nhìn còn “nói” nhiều hơn là lời nói, người óc đơn giản cũng biết ngay là tôi yêu. Về sau cô ta cũng hiểu và nhìn lại tôi bằng một vẻ êm ái hơn tất cả các lối nhìn trên đời. Nhưng lúc đó tôi đã làm gì hỡi trời! Tôi lấy làm xấu hổ mà tự thú rằng lúc đó tôi lạnh lùng co rụt người tôi lại và mỗi lần cô ta nhìn, tôi lại nuôi cho lòng mình lạnh lẽo hơn, lại chui sâu mãi vào cái vỏ của mình, đến nỗi cô ả khốn khổ đó đâm ra nghi ngờ, tưởng mình đã hiểu lầm và lấy làm hổ thẹn rồi xúi mẹ rời đi nơi khác. Cái tính kỳ quặc ấy làm tôi mang tiếng là một anh chàng có định tâm ác, nhưng thực ra thì tôi oan, song chỉ có tôi biết tôi oan thôi. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh lò sưởi và cố tìm cách vuốt ve con chó cái lúc đó đã rời lũ chó con đến lượn vòng quanh chân tôi như một con chó sói, môi ưỡn cong lên, răng trắng muốt nhe ra để cắn. Tôi vuốt ve khiến con chó gầm gừ trong cổ họng. Ông Hy cũng gầm gừ theo con chó, giơ chân đỡ những miếng thị oai nguy hiểm của nó: “Tôi khuyên ông nên để con chó yên. Nó không muốn làm thân với ai, mà tôi nuôi nó không phải nuôi để làm cảnh.” Rồi ông Hy lại gọi bác Dọi. Bác Dọi gầm gừ mấy tiếng ở đâu dưới hầm rượu nhưng mãi cũng không thấy dấu hiệu là bác đi lên thành thử ông Hy phải chạy xuống tìm, để lại một mình tôi với con chó cái độc địa nham hiểm và hai con chó nữa, cả ba con đều thi nhau dò la từng cử chỉ của tôi. Không muốn đụng chạm đến những răng nanh nhọn của chúng, tôi đành cố ngồi im, nhưng tưởng chúng không hiểu nổi được những câu chửi ngầm của tôi, tôi nháy mắt nhăn mặt với chúng; không may một vẻ mặt của tôi đã làm cho “bà” chó cái tức tối điên cuồng, “bà” nhẩy ngay lên đùi tôi. Tôi phải đẩy “bà ta” ra và đệm một cái bàn giữa hai bên. Cuộc khiêu khích ấy làm náo loạn tất cả đàn. Đến gần chục quỷ sứ bốn chân, già có, trẻ có, vừa lớn vừa bé, ở các só chạy xổ ra và tập trung lại. Tôi cầm cái gạt than cố sức đối đầu với những chiến sĩ nào hăng máu nhất, và lại thấy cần phải kêu gọi một người nào trong nhà để lập lại nền hoà bình. Ông Hy và tên đầy tớ ở hầm rượu đi lên, thản nhiên như không: mặc dầu chung quanh tôi chó sủa như vũ như bão, họ vẫn đi thong thả như thường không nhanh không chậm một giây. Ông Hy nhìn tôi có một vẻ riêng khiến tôi không thể chịu được sau một cuộc đối đãi khinh miệt ấy, rồi ông hỏi: “Cái quỷ gì vậy?” Tôi càu nhàu: “Đúng đấy, thật là quỷ. Quỷ sứ nhà trời cũng không tệ hại như đàn chó này, thưa ngài, giá để khách ngồi với đàn hổ đói còn hơn.” Ông ta đặt chai rượu xuống trước mặt tôi, nhấc lại cái bàn đặt vào chỗ cũ, rồi nói trống không: “Kẻ nào vào nhà này mà không đụng chạm đến vật gì thì không bao giờ bị chó chạm đến. Chó thì phải săn sóc nhà cửa, đó là việc của chúng. Một cốc rượu vang?” “Không, cám ơn.” “Không bị con nào cắn phải?” “À, nếu tôi bị cắn thì con nào cắn tôi cũng dừ thần xác với tôi rồi.” Trên nét mặt ông Hy nở ra một nụ cười nhăn nhó: “Thôi, thôi, tôi sợ ông quá nóng. Nào uống tí, tôi cũng xin thực thà thưa rằng vì nhà cũng ít khi có khách lắm nên cả chó lẫn chủ đều không thạo cách tiếp khách. Nào, mời ông chạm cốc.” Tôi cũng dịu lòng, chạm lại cốc ông ta. Tôi bắt đầu nhận ra mình giận dỗi vì một đàn chó điên rồ là vô lý. Vả lại tôi cũng không muốn cho anh chàng cái cớ để trêu chọc mình, xem chừng anh chàng lấy thế làm khoái trí lắm. Có lẽ anh chàng về sau cũng đã cố giữ gìn lắm đấy, vì sợ làm mất lòng một người thuê nhà tốt như tôi. Chắc anh chàng cũng đã cố dùng những tiếng “ông”, tiếng “mời ông”, tiếng “nào” để cho dịu bớt cái lối nói cộc lốc, nhát gừng của ông ta, chắc anh chàng cũng đã muốn nói về một việc có liên can đến cái trại tôi thuê. Tôi thấy ông Hy rất thành thạo về những việc đem ra bàn, vì vậy trước khi ra về, tôi quả quyết yêu cầu ông ta để ngày mai tôi lại thăm lần nữa. Chắc anh chàng không muốn thế tí nào. Chính vì vậy mà ngày mai tôi sẽ đến. Tôi lấy làm lạ thấy mình còn xã giao hơn cả anh chàng này.