Con trai cũng như con gái có bổn phận bố thí và hồi hướng công đức cho cha mẹ đã quá vãng. Theo Phật giáo, thần thức của một người sẽ tiếp tục tái sinh cho đến lúc họ không còn ái nhiễm. Những người có chánh kiến, tin tưởng vào kết quả của những hành động thiện, trong lời nói, việc làm và ý nghĩ, sẽ được tái sinh trong cảnh giới trời hay người sau khi chết. Nơi đây, họ sẽ hưởng thụ những quả tốt lành mà họ đã gieo trong kiếp sống trước.Những người chuyên làm ác sẽ phải tái sinh làm thú hay ngạ quỷ; đây là những cảnh giới thấp mà nơi đó họ sẽ phải lãnh chịu những hậu quả mà họ đã gây ra. Người gian ác, không bao giờ làm việc thiện sẽ tái sinh trong địa ngục. Chuyện kể rằng có một người kia không bao giờ biết làm điều lành, khi anh ta chết bị đày xuống địa ngục, bị Diêm Vương tra vấn. Anh ta là kẻ bất hiếu đối với cha mẹ, không biết kính trọng những bậc tu hành, không biết săn sóc hiếu kính người già trong gia đình. Diêm Vương hỏi anh ta rằng, "Nầy anh, tại sao trong cuộc sống, anh không chịu làm lành, lánh dữ, để bị xuống đây vậy? Anh ta đáp, " Ðâu có ai cho tôi biết là chết sẽ bị phán xét như thế nầy đâu. Nếu được báo trước thì tôi đã thay đổi làm lành lánh dữ rồi." Diêm Vương nói, " Chẳng lẻ anh không thấy các sứ giả mà ta gửi đến? Anh thanh niên đáp, " Tôi thật chẳng thấy sứ giả nào hết." Diêm Vương phán, " Tại vì anh không chịu để ý nên mới không thấy thôi. Sứ giả đầu tiên là đứa bé mới sinh ra đời. Sứ giả thứ hai là một ông già tám chín chục tuổi. Sứ giả thứ ba là người bệnh nằm rên rỉ, kêu la. Sứ giả thứ tư là một kẻ ác bị chính quyền bắt tội và tra tấn. Và sứ giả thứ năm là thần chết. Khi thấy những hiện tượng nầy, tại sao anh không lo làm lành, lánh dữ. Nếu bây giờ anh kể cho Ta nghe được một việc thiện anh đã làm lúc còn sống, thì Ta tức khắc sẽ đưa anh ra khỏi chỗ nầy. " (M.iii. 180) Và vì khi còn sống anh ta chưa làm một việc thiện nhỏ nhặt nào, thế nên cuối cùng thì anh phải đi chịu tội nơi địa ngục.Nếu một người thân qua đời bị đọa vào đường ngạ quỷ là vì trước khi chết họ không biết buông xả, còn bám víu rất nhiều nơi người và vật. Ngạ quỷ luôn đói khát. Ðức Phật có nói, " Ngạ quỷ hay đứng chờ ngoài bờ tường, ngã tư hay cổng nhà của họ để trông chờ thân nhân bố thí và hồi hướng công đức cho họ, đặng họ có thể nương theo công đức hồi hướng đó mà thoát kiếp ngạ quỷ. Khi một người qua đời, những người còn sống khóc lóc, kêu gào. Những việc nầy không ích lợi gì cho thân nhân đã chết. Tốt nhất là thân nhân hãy bố thí, cúng dường và hồi hướng cho người quá cố như sau, 'Ðây là công đức bố thí, cúng dường của thân nhân chúng tôi. Mong là thân nhân chúng tôi được hưởng lợi ích qua sự cúng dường nầy.' Cho dù thân nhân có đang ở cõi không tốt, nhân nơi đây mà có thể rời khỏi thế giới thấp để bước qua một thế giới khác tốt hơn. (Khuđakapatha, Tirokutha Sutta).Ðức Phật có nói, như nước mưa từ vùng cao chảy xuống vùng thấp, những gì chúng ta làm và hồi hướng ở cõi nầy thì ở cõi thấp hơn những ngạ quỷ cũng được lợi ích. Tôi đoán biết tại sao người Phật tử khi cúng dường hồi hướng, thường đổ nước từ tách nầy sang tách khác. Nước lọc đã được tẩy trùng, thì trong, sạch, mát và có thể tuôn chảy khắp nơi. Cũng vậy, người cúng dường phải có được một tâm trí trong sạch, không ích kỷ, không tham, sân, si v..v..trong lúc họ đang hồi hướng cho thân nhân họ. Khi tâm trí họ trong sạch và rộng lượng, một lòng chỉ cầu mong cho thân nhân thoát khổ, và vì vậy, sự hồi hướng của họ sẽ mang lợi ích rất nhiều cho kẻ quá vãng. Cho dù thân nhân không bị đọa vào đường của ngạ quỷ, thì công việc hồi hướng cũng không phải hoàn toàn vô ích. Người cúng dường vẫn được năm điều lợi ích sau đây. Người cúng dường được nhiều người thương mến, người tốt và giàu sang sẽ đến với họ, họ được khen ngợi là người rộng lượng, trong đám đông họ được mọi người kính nể, và cuối cùng sau khi chết, họ chỉ tái sanh trong cõi người, hoặc là cõi trời mà thôi. Vì thế, mọi người nên thực hành bố thí, cúng dường và hồi hướng công đức cho người thân đã quá vãng.