Dịch giả: Mỹ Thanh
- 5 -
Trách nhiệm của vợ chồng

Người chồng không nên xem thường vợ, mà phải đối xử với vợ một cách tử tế, dịu dàng; phải chung thủy với vợ; cho vợ quyền xử lý các công việc trong nhà; nên mua sắm quần áo và nữ trang cho vợ.
Người vợ thì phải lo việc nội trợ một cách chu đáo; phải cần mẫn trong công việc; phải biết gìn giữ tiền do chồng mang lại, không được phung phí; phải chung thủy với chồng; phải hiếu khách với hai bên gia đình.
Ðể cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc, cả hai vợ chồng đều phải tuân hành theo những bổn phận nêu trên. Quan trọng nhất là lòng chung thủy của hai người. Nếu một trong hai người không thỏa mãn trong vấn đề sinh lý với người phối ngẫu thì họ có thể đi tìm lạc thú ở một người khác. Nên nhớ rằng sự thiếu chung thủy sẽ làm người phối ngẫu rất đau lòng, và tạo nên những phiền lụy trong cuộc sống vợ chồng cũng như tạo nên những vấn đề trong xã hội. Nếu quá tệ, thì ly dị là điều không tránh khỏi. Ðàn bà Miến Ðiện có tục ngữ như sau, ' Người vợ có thể chia phần bánh của mình nhưng nhất định không chia chồng mình với người đàn bà khác.'
Việc ngoại tình phiền lụy đến ít nhất là ba người. Người đàn ông hay đàn bà ngoại tình lúc nào cũng nghĩ đến việc đi gặp người tình một cách bí mật, và lúc nào cũng muốn dấu nhẹm chuyện mình ngoại tình; họ luôn là mồi cho căng thẳng và xốn xang. Những hành động không thành thật nầy làm day dứt tinh thần của người phối ngẫu. Về mặt xã hội thì họ bị mang tiếng xấu,
có thêm kẻ thù. Vì vậy, nếu chúng ta hiểu rõ được những nhu cầu của thân cũng như tâm, ta có thể vì đạo đức và luật xã hội, mà biết kềm hãm dục vọng của mình, và nên tránh việc ngoại tình. Nếu không, một người có thể ngoại tình bằng cách dùng quyền lực, tiền của hay sắc đẹp, v..v..
Trong thời Ðức Phật, Vua Pasenadi Kosala khi du ngoạn ngoại thành, tình cờ gặp một người đàn bà trẻ đẹp, Vua cảm thấy yêu nàng quá mới tìm cách đem nàng về hoàng cung. Nhưng người thiếu phụ xinh đẹp tuyệt vời đó đã có gia đình, vì thế, Vua đem người chồng về hoàng cung sai vặt. Chờ có cơ hội để bắt tội và xử tử người chồng. Chẳng ngờ người chồng là một người giúp việc rất tốt. Vì thế Vua bèn bắt người chồng phải đi bộ đến tận một nơi xa xôi, mười hai dặm đường cách thành Savathhi, để đem về những hoa sen và phấn thơm cho Vua tắm trong ngay chiều ngày hôm đó. Chiều hôm đó, Vua Pasenadi sợ rằng người chồng sẽ về kịp lúc nên Vua ra lệnh đóng cửa thành sớm hơn mọi khi. Người chồng trở về và khi thấy cửa thành bị đóng, anh ta liền để phấn thơm trên thành tường và cắm những hoa dưới đất. Và rồi anh lớn tiếng nói rằng, " Nhân dân hãy làm chứng cho tôi! Tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao phó, trở về đúng giờ như Vua đã giao hẹn. Thế mà Vua lại có ý định muốn giết tôi." Nói xong, anh ta bỏ đi và tìm đến thiền viện Jetavana tá túc và tìm an ủi nơi thiền môn thanh tịnh nầy. Trong lúc đó, Vua Pasenadi, vì bị dục vọng khống chế, nên không ngủ được, và cứ mãi suy nghĩ để tìm cách hại người chồng để chiếm đoạt người vợ. Vào khoảng nữa đêm, Vua nghe nhiều tiếng động quái lạ; đấy là tiếng than thở của bốn người ở Lohakumbhi Niraya, họ đang rất khổ sở. Nghe những tiếng than vản nầy, Vua rất là sợ hãi. Theo lời khuyên của Hoàng hậu Mallika, Vua liền đến tham vấn Phật. Sau khi nghe Vua kể lại, Ðức Phật nói với Vua rằng đấy là bốn người con của một nhà giàu trong thời Ðức Phật Kassapa. Họ đang phải chịu thống khổ ở Lohakumbhi Niraya, vì họ đã phạm giới thứ ba, một trong năm giới. Họ chuyên đi ngoại tình với những người đàn bà có chồng. Ngay khi đó Vua hiểu rằng hình phạt của việc ngoại tình rất là nặng. Và sau đó Vua tự hứa nhất định sẽ không bao giờ còn dám tơ tưởng đến vợ của người khác. Vua còn suy ngẫm ra rằng, ' có lẻ vì dục vọng quá mạnh, Vua chỉ lo tơ tưởng đến cách chiếm đoạt người đẹp nên đã không ngủ được. (Dha v 60. Dựa theo dịch bản của Daw Mya Tin ).
Một người đàn ông và một người đàn bà cần phải tìm hiểu nhau cho rõ trước khi lập gia đình với nhau. Họ cần phải tôn trọng ý kiến cũng như ước muốn của người phối ngẫu, và không nên ép buộc người kia phải chìu theo ý mình.
Họ nên tránh những cuộc cãi vã quyết liệt có thể làm tan vỡ mái gia đình.
Nếu có con thì việc ly dị chẳng những làm hai bên đau khổ, mà những đứa con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Con cái cần rất nhiều thứ nơi bậc cha mẹ. Hôn nhân là chia xẻ - làm việc chung - và cùng nhau chăm sóc con cái.
Chỉ một người cha hay một người mẹ không thể nào lo lắng cho con cái chu toàn, bởi vì họ không thể có đủ thời gian để vừa đi làm, vừa chăm sóc con một cách hoàn hảo. Những đứa trẻ sống chỉ với mẹ hoặc cha, sẽ rất khổ sở nếu cha hay mẹ không nhiều có thời gian chăm sóc chúng.
Trong bất cứ trường hợp nào, hạnh phúc lứa đôi chỉ được thể hiện khi mà cặp vợ chồng có những quan niệm tương đồng như: ' niềm tin, đạo đức, rộng lượng, và hiểu biết.' Họ biết săn sóc nhau, biết tự chủ, biết nói với nhau những lời êm dịu, tốt đẹp, thì cặp vợ chồng nầy có thể sống với nhau bền lâu. Ngược lại, thì họ khó mà có thể hưởng được niềm hạnh phúc lứa đôi.
Bạn đọc có thể hiểu rằng giá trị đạo đức rất là quan trọng cho cả vợ lẫn chồng trong câu chuyện sau đây, xảy ra thời Ðức Phật còn tại thế.
Có một ông trưởng giả có bốn cô con gái đến tuổi lập gia đình. Có bốn người đàn ông đến cầu hôn. Người thứ nhất thì đẹp đẻ, sang trọng. Người thứ hai thì lớn tuổi. Người thứ ba thì giàu có, và người thứ tư là một người phẩm hạnh, đạo đức. Ông trưởng giả không biết phải gã con cho ai, nên ông đến tịnh xá Jetavana tìm Phật để xin Phật giúp ông chọn được người rễ xứng đáng. Ðức Phật đáp rằng, ' Trong tiền kiếp ông đã nhiều lần hỏi câu nầy, nhưng vì luân hồi mãi nên ông đã quên hết.' Và Ðức Phật nói với ông như sau, ' Sang trọng và đẹp đẽ cũng tốt. Người lớn tuổi thì được kính nể. Nhưng con người còn cần thêm những ưu điểm khác nữa. Một người sẽ bị khinh khi, chê bai nếu họ không có đạo đức.' Sau khi nghe xong câu trả lời của Ðức Phật, ông trưởng giả quyết định gã con cho người có phẩm hạnh, đạo đức. (Ja. No. 200 )
Tôi chẳng dám lạm bàn về cuộc sống lứa đôi vì tôi không có kinh nghiệm về hôn nhân. Tôi chỉ xin trình bày về những lời giảng dạy của Ðức Thế Tôn trong cuộc sống đôi lứa.