Do lời điều trần của Phạm Nội tán nên Tống Thị bị thất sủng. Ngày đêm Tống Thị tìm mưu tính kế trả thù. Thị nghĩ phải làm sao cho sụp đổ toàn cơ nghiệp của họ hàng chúa Nguyễn xứ Đàng trong mới hả dạ. Bà ta viết một mật thư kèm theo một xâu chuỗi trăm hoa do chính tay bà kết rồi sai người tâm phúc đem ra cho thân phụ là Tống Phúc Thông, nhờ dâng lên tận tay chúa Trịnh Tráng. Nội dung lá thư nói lên lời thỉnh cầu khẩn thiết xin Trịnh Tráng sớm cất quân tiến vào đánh Thuận Hóa, bà nguyện sẽ đem hết gia sản lớn lao của mình ra lo việc nuôi quân. Cuộc Nam phạt thành công, bà xin về Đàng ngoài hầu hạ Chúa. Trịnh Tráng xem thư rất thích chí lại ngửi đến mùi hương của chuỗi hoa, bỗng cảm thấy bần thần xao xuyến… càng nhìn nét chữ càng mơ tưởng đến mỹ nhân nơi phương trời, lòng rộn rã mến thương, nhớ nhung và nôn nóng mong được thấy dung nhan để vui vầy cá nước. Trong niềm khát khao, chúa Trịnh gấp rút tổ chức cuộc Nam phạt để làm đẹp lòng Tống Thị. Bị đánh bất ngờ, quân Nguyễn thua to. Quân Trịnh chiếm được Nam Bố Chánh, hạ được lũy Thầy, đóng quân tại Võ Xá. Thế là lần này quân Trịnh chắc mẩm sẽ đánh tan quân Nguyễn. Nhưng tại trại Toàn Thắng, đại quân của Thượng Vương với cha con Trương Phúc Phấn, Trương Phúc Hùn đã cầm cự dũng mãnh, giữ vững lũy Trường Dục. Một trăm thớt voi uy vũ lẫm liệt dưới quyền điều khiển của thế tử Nguyễn Phúc Tần cùng với quyết tâm của các hổ tướng: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, quân Nguyễn đã lật ngược thế cờ. Bị phản công như vũ bão, Trịnh quân rối loạn hàng ngũ, đạp lên nhau chạy không còn manh giáp về tận bờ bắc sông Linh… Trịnh Tráng thêm một lần vỡ mộng xâm lấn đất Thuận Hóa! Tiếng súng đại thắng vừa dứt, tin vui chưa về đến Kim Long thì có tin chúa Thượng đã đột ngột mất trên đường về qua phá Tam Giang! Thật là một tin sét đánh. Có thuyết cho rằng chúa Thượng không chết vì bạo bệnh mà có lẽ vì một âm mưu đầu độc của Tống Thị. Phải chăng tình báo của chúa Nguyễn không thấy sự việc này? Không hiểu khả năng tình báo của chúa Nguyễn lúc bấy giờ ra sao. Chỉ thấy họ tỏ ra hoàn toàn mù tịt trước sự liên lạc của Tống Thị với chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Cho đến lúc chúa Thượng mất, vẫn chưa có ai ở Đàng trong hay biết gì về tình tiết của cuộc can qua năm Mậu Tý (1648) vừa qua là do bàn tay Tống Thị. Vì thế, sau khi chúa Thượng qua đời Tống Thị vẫn còn lén lút hoạt động bên cạnh Vương phủ ở Kim Long. Thế tử Nguyễn Phúc Tần, 28 tuổi, đã có kinh nghiệm trong việc trị quốc, đã lập nhiều chiến công bình Chiêm, thắng Trịnh, đuổi giặc Ô-Lan ngoài biển Đông…lên kế nghiệp Vương. Nguyễn Phúc Tần trở thành mối đe dọa của Tống Thị. Gian phụ lại phải hoạch định một âm mưu mới để đối phó. Âm mưu này cũng khá táo bạo. Quỷ kế của Tống Thị nhắm vào Nguyễn Phúc Trung – người đã từng dọa thả bầy ác thú xé xác dâm phụ để trả thù cho sĩ thứ. Tống Thị nghĩ là chỉ có Phúc Trung mới lật đổ được cháu của ông. Tống Thị ngầm huấn luyện cho nàng Hoa, một nữ tỳ duyên dáng nhất thành một người thành thạo trong việc phục dịch các chốn cao môn rồi nhf[ người tin cẩn tiến vào dinh Nguyễn Phúc Trung. Nàng Hoa hàng ngày tin cho Tống Thị biết những sở thích của Trung. Và bà ta truyền ngón cho nàng Hoa thỏa mãn đòi hỏi của Trung. Thường mỗi lần dùng trà ngon, Phúc Trung thích dùng đồ ngọt. Tống Thị liền giúp nàng Hoa dâng lên một quả bánh ngọt rất đẹp kèm theo xâu chuỗi trăm hoa vô cùng ngoạn mục. Phúc Trung ăn bánh, nhấm trà gật gù khen: tuyệt diệu! Rồi… trong hương vị trà quý, bánh thơm ngọt, mùi hoa từ xâu chuỗi ma quái tỏa ra khiến Phúc Trung cầm lấy hoa ngắm nhìn mãi không chán. Bất giác Trung cảm thấy bồi hồi ngây ngất và lửa dục bốc lên, ông khao khát được thấy người đã dâng bánh tặng hoa… Nàng Hoa vừa giả bộ kín đáo vừa làm duyên giấu giếm, chối từ quanh quẩn để kích thích cho ham muốn của Trung đến cao độ rồi mới khai chủ nhân của những món quà quý ấy chính là Tống Thị. Trong phút đắm mê, Phúc Trung không còn nhớ những chuyện cũ, không còn biết đất trời gì nữa, ông bảo nàng Hoa khẩn cấp đưa Tống Thị vào dinh… Ngay tối hôm ấy, Tống Thị trang điểm thật lộng lẫy theo nàng Hoa lẻn vào dinh. Đứng trước nhan sắc kiều diễm phục sức trang nhã, phong cách yểu điệu thục nữ của Tống Thị, Phúc Trung có ảo giác như vừa trông thấy một giáng tiên vừa đội trăng sao vừa rẽ khói vén mây đến với mình… Tống Thị vờ lễ độ khép nép thi lễ rồi thỏ thẻ thưa: Trước đây, tiện thiếp vì khiếp sợ uy danh của bậc cao minh quân tử nên phải ẩn tránh, nay cũng vì nể sợ uy danh mà phải đêm hôm đến đợi lệnh dưới trướng! Phúc Trung nghe những lời thưa gởi như mật rót vào tai ấy, tâm thần trở nên mê mẩn, ông chắp tay vái lia lịa để tạ lỗi. Và… đêm hôm ấy, với kỹ thuật ái ân “tía rụng hồng rơi” Tống Thị đã chinh phục được lòng nịch ái, đắm say của một võ quan hung bạo đã từng xem bà như một loại ma quái cần xé xác phanh thây. Tống Thị trước là vợ của Nguyễn Phúc Kỳ, sinh được ba con trai, sau Kỳ mất. Tống Thị ve vãn và truy hoan với em chồng là Phúc Lan và giờ đây, sau khi lan chết, Tống Thị lại sử dụng thuật ái ân để thao túng em Lan là Nguyễn Phúc Trung. Thế là những gì phải xảy ra đã xảy ra… Nghe theo lời Tống Thị, Phúc Trung bỏ tiền của kết nạp dũng sĩ chuẩn bị một cuộc “đảo chánh” vào trung tuần tháng tư năm Giáp Ngọ (1654) lật đổ Hiền Vương. Những người tham gia cuộc đảo chánh đều có tên trong một danh sách do Tống Thị cất giữ. Nhưng may mắn thay! Trời không dung kẻ tham tàn. Trong đám thuộc hạ của phe Tống Thị - Phúc Trung có người tên là Thắng Bố, khi hay tin có cuộc dấy loạn này y đã bí mật cấp báo cho Hiền Vương biết. Được tin ngày trước, hôm sau bất thần Chúa ban lệnh “giới nghiêm”: chợ không được họp, đường sá cấm người đi lại, khắp nơi từ thôn xã, đến sơn khê quân dân ai đâu ở đấy không được di chuyển. Đồng thời tại Thượng Đô, Hiền Vương cho quân lính đến dinh Phúc Trung bắt hết người nhà xét hỏi. Phúc Trung không chối cãi được, phải cung khai sự thực. Tội mưu lật đổ là tội chết nhưng nghĩ tình chú cháu, Hiền Vương không nỡ giết, ra lệnh tống giam Phúc Trung vào ngục. Còn Tống Thị, tang vật đã rõ ràng không thể chạy chữa gì nữa, bị chém và bêu đầu giữa chợ. Theo lệnh Chúa, tịch thu gia sản to lớn của Tống Thị phân phát cho quân, dân trong vùng. Có người lấy được danh sách những người dự mưu làm phản trong nhà Tống Thị đem dâng lên chúa Hiền. Nhưng thay vì khai thác để thanh trừng, Hiền Vương đã ra lệnh đốt đi để mọi người yên tâm đổi công chuộc tội… Nhờ sự cương quyết và sáng suốt của Hiền Vương mà cái họa nữ sắc được trừ diệt. (Theo lịch sử xứ Đàng Trong, Tiên nguyên toát yếu phổ và Đại Nam Thực lục tiền biên)