Thiên Lý giật mình khi nghe tiếng cười giòn tan của một phụ nữ vang ra từ phòng giám đốc. Tiếng cười ấy cô đã từng nghe nhiều lần, chắc chắn cô không thể lầm được với người khác. Lúc nãy khi ra ngoài, Lý đã nghe giám đốc dặn Nhiên sẽ có một bà khách tới văn phòng, Nhiên phải tiếp chu đáo. Lẽ nào bà khách đó là người vừa cười? Thắc thỏm, Lý đứng lại ngoài hành lang để chờ mà trong lòng cô rối lên. Ký ức một thời bị khuấy lên khiến Lý vừa mừng vừa lo. Cô sợ người đó sẽ lờ mình, cô sợ phải thất vọng như đã từng thất vọng trong suốt mấy năm ròng rã đi tìm. Thiên Lý lắng nghe. Đúng là giọng nói đó rồi. Tay chân cô lạnh ngắt, Lý ngạt thở khi cánh cửa mở, một phụ nữ trung niên có gương mặt dễ mến, phong thái nhanh nhẹn bước ra. Nụ cười vẫn nở trên môi, người phụ nữ như còn mải vui vì cuộc trò chuyện vừa rồi nên không chú ý tới xung quanh. Bà ta đi lướt qua Lý hết sức bình thản, trong khi đó cô như tê dại phải tựa vào tường nhìn theo mà trái tim thì muốn rơi ra ngoài. Tới cuối hành lang, người phụ nữ bỗng quay lại. Nhìn Lý, bà ta cất giọng: - Thiên Lý phải không? Thiên Lý ấp úng bằng giọng lạc đi: - Vâng... Là em đây ạ. Không ngờ cô vẫn nhận ra em. Người phụ nữ lại cười: - Em vẫn trẻ trung xinh đẹp như hồi nào, sao tôi lại không nhìn ra. Lúc Thiên Lý vẫn còn đứng yên, người phụ nữ đã bước đến bên cô: - Tôi vui khi gặp lại em. Lý nghẹn lời. Cô nghe sống mũi cay xè, mắt nhoè đi và nước mắt bỗng rơi ra tự hồi nào. Người phụ nữ vỗ nhẹ vào tay Lý: - Đừng có mít ướt, người khác thấy thì kỳ lắm. Em làm việc ở đây à? Chùi vội mặt, Lý gật đầu. Người phụ nữ lấy ra một tấm danh thiếp: - Nếu muốn, em có thể gặp tôi bất cứ lúc nào. Còn bây giờ tôi đang vội... Thôi nhé! Thiên Lý buột miệng khi người phụ nữ dợm bước: - Cô ơi! Em muốn biết... Người phụ nữ trầm giọng: - Tất cả đều tốt đẹp. Họ hạnh phúc lắm. Thiên Lý nở nụ cười gượng gạo. Đợi người phụ nữ đi khuất cô mới đọc tấm danh thiếp. "Bác sĩ Lưu Bích Hạnh. Chuyên khoa nhi. Địa chỉ... số điện thoại..." Lý chớp mi, cô sẽ gặp lại bác sĩ Hạnh. Nhất định là như vậy, còn bây giờ cô phải lo công việc của mình. Gõ cửa phòng giám đốc, Lý trình giấy tờ chờ ký duyệt rồi trở ra. Xuống phòng trực, Lý gặp ngay gương mặt cau có của Nhiên. Cô nàng gắt gỏng: - Làm gì lâu dữ vậy? Lý trả lời: - Giám đốc bận tiếp khách, phải chờ... Nhiên liếc xéo Lý: - Có bị mắng không mà mặt chảy dài ra thế? Lý làu bàu: - Tao làm gì sai đâu mà bị mắng. Nhiên chép miệng: - Đôi khi làm đúng cũng bị mắng như thường. Đời làm công buồn vui tùy theo tâm trạng của sếp mà. Lý làm thinh, cô không có... tâm trạng đối đáp với Nhiên như thường ngày. Trên bàn vẫn còn một đống công văn, cô vô hồn xếp từng tờ cho vào bao thư. Nhiên hạ giọng: - Nè! Chiều nay tao về sớm, mày ở lại chờ thay ca nhe. Lý gật đầu: - Ờ, được mà! - Tao đi duỗi tóc, chắc cũng tới tối mới về. Phen này tao phải làm Lâm ngạc nhiên mới được. Ảnh thích con gái tóc suôn dài, tóc tao dài nhưng không được suôn. Chậc! Chịu khó một chút cho vừa lòng chàng. Thiên Lý vẫn làm thinh khiến Nhiên phải gắt lên: - Nghe tao nói không? Sao chẳng ý kiến ý cò gì hết vậy? Lý từ tốn: - Tao ủng hộ việc làm đẹp của mày chớ còn biết ý kiến gì nữa. Nhiên tủm tỉm cười: - Ngày mốt có cuộc họp, tao sẽ xung phong đi chớ không đợi sếp nhắc nhở. Rồi các chàng sẽ giành ngồi cạnh tao, thậm chí giành phát tài liệu hộ tao cho mà xem. Lý đẩy đưa cho có chuyện: - Mày làm quá, coi chừng Lâm ghen đó. - Ghen được càng tốt. Mà Lâm cứng cựa lắm mày ạ. Tao vẫn kể chuyện người này người nọ đeo theo mình, nhưng mặt anh chàng cứ tỉnh bơ y như dân máu lạnh mới ghê chớ. Mắt mơ màng, Nhiên nói tiếp: - Yêu một người như Lâm khác nào đùa với lửa, chẳng hiểu tới lúc nào lửa sẽ thiêu rụi mình đây. Nhiên định nói tiếp gì đó nhưng cô bặm môi lại khi thấy bà Thương đi tới. Đưa cho Lý một thư mời, bà bảo: - Ngày mốt, em đi dự hội thảo du học Singapore nhe. Lý liếc vội Nhiên: - Dạ... Nhiên thích hợp với các hội nghị hơn em. Mặt bà Thương cau lại: - Thế nào là thích hợp hơn? Tóm lại đây là sự phân công. Làm hay không? Em trả lời đi! Lý vội vàng: - Vâng! Em sẽ đi. Bà Thương liếc xéo Nhiên: - Tôi không thích những người đi họp như đi chợ. Họ đâu chỉ đánh mất tư cách của mình mà còn hạ uy tín của trung tâm nữa. Cô Nhiên! Vào phòng tôi lấy công văn đã ký đem gởi ngay bây giờ đi. Mai Nhiên lật đật đứng dậy. Bà Thương nhìn theo làu bàu: - Làm ít, điệu nhiều, đã thế còn giỏi "buôn dưa lê". Hừ! Mấy trung tâm tư vấn khác đã phản ảnh với tôi về Mai Nhiên thế nào, em biết không? Thiên Lý nhẫn nhục làm thinh. Bà Thương khoát tay: - Mệt! Tôi không thích nói xấu người khác, dù đó là nhân viên của tôi. Tôi muốn Lý đại diện cho trung tâm của mình đi họp. Em phải hiểu điều đó. - Vâng. Bà Thương gõ giày lốp đốp trên nền gạch men nghe oách làm sao. Mai Nhiên bĩu môi cay cú: - Khó chịu quá, thảo nào ế. Tao đi gửi ba mớ này rồi vào tiệm uốn tóc luôn. Thử bả làm gì được tao. Thiên Lý phân bua: - Thật tình tao không muốn dự hội thảo. - Tao hiểu chớ. Bả ganh tỵ vì biết tao là trung tâm của những cuộc họp ấy thôi. Mày xấu xí quê mùa, hạp với bả hơn, tao hổng chấp nhất gì đâu. Vài bữa nửa tháng nữa, biết đâu tao làm chỗ khác. Bả đừng lên mặt sếp. Trung tâm tư vấn du học này bằng lỗ mũi chớ mấy. - Thôi mà, làm ơn stop cho tao nhờ. Mai Nhiên nheo mắt: - Ráng đi cưng! Với mày cơm áo gạo tiền là trên hết nên phải chịu nhịn. Còn với tao, đi làm chỉ là cho có việc với đời nên tao không phải cúi đầu trước ai. Thiên Lý một mình ngồi lại. Văn phòng Trung tâm Tư vấn Du học Thế Kỷ mới có một tầng, giám đốc ở tầng trên, nhân viên làm việc dưới nhà. Mới giờ này, Nhiên đã tìm cách biến nên chỉ còn mỗi Lý. Cô phải trực điện thoại, tiếp khách hàng, nhận Fax, nhận Email... Lý không câu nệ khi làm việc, nhưng nhiều lúc cô thấy bực khi Nhiên lùa việc cho mình. Như chiều nay chẳng hạn, Nhiên kiếm cớ để rời văn phòng thật sớm. Bà Thương sẽ nổi điên lên cho mà xem, chỉ khổ một điều, bà sẽ trút cơn giận lên Lý. Cô không cản được Nhiên thì ráng chịu vậy. Bà Thương và gia đình Nhiên là chỗ đồng hương, quen biết, bà bực Nhiên thật, nhưng không thẳng tay với nó đâu. Lý dán bao thư, ghi địa chỉ cần gửi đến. Đây là những thông báo nhắc nhở đóng học phí mà trung tâm có nhiệm vụ đóng hộ phụ huynh đã nhờ trung tâm tư vấn làm hồ sơ cho con họ đi du học. Lý dò lại tên họ, địa chỉ từng lá thư chiều nay khi về ngang bưu điện cô sẽ gởi. Lẽ ra Nhiên phải chờ cô để gửi đi một lượt, nhưng nó đã đi trước vì ham làm điệu. Mai Nhiên thuộc tuýp hoang tưởng. Nó luôn tự hào vì nghĩ có nhiều người đeo đuổi mình. Bất cứ gã đàn ông nào ngọt ngào với Nhiên, nó đều cho rằng họ thích nó, say nó. Bởi vậy mỗi khi đi hội họp về, Nhiên... hót như sáo về những người tội nghiệp lỡ thích, nhưng nó chỉ xem họ như trò đùa. Dĩ nhiên ít nhiều những lời này phải tới tai bà Thương và bà khó chịu cũng đúng. Có tiếng giày gõ lộp cộp trên sàn, rồi bà Thương xuất hiện. Nheo nheo đôi mắt vẫn còn sắc sảo, bà hỏi: - Mai Nhiên lặn rồi phải không? Hừm! Con bé ấy lười ghê gớm. Lẽ ra em không nên choàng việc cho nó. Lý nhỏ nhẹ: - Dạ, em nghĩ mình làm nhiều sẽ học được nhiều chớ đâu có thiệt thòi gì. Bà Thương lắc đầu: - Chỉ phần nào đó thôi. Muốn học rộng học cao hơn nữa phải đến trường. - Dạ, em biết nên đang cố để dành tiền để học lên nữa. Bà Thương gật gù: - Nếu thật sự em có chí tiến thủ, tôi sẽ tạo điều kiện cho em đi học sau đại học. Nhưng em đừng nói gì với Mai Nhiên, con bé ấy hẹp hòi lắm. - Vâng! Tuy em ở chung nhà nhưng em vẫn có những chuyện riêng tư mà Mai Nhiên không biết. Thí dụ như em tằn tiện để dành tiền đi học, Mai Nhiên vẫn chế giễu em là keo bẩn, là đồ rau muống đậu hủ. Bà Thương cau mặt: - Rau muống đậu hủ thì đã sao? Lý im lặng. Cô im lặng đã lỡ lời nói xấu Nhiên trong khi bà Thương là người không thích nói xấu người khác. Bà Thương hạ giọng: - Mặc kệ ai nói gì thì nói. Nếu đã có mục đích sống, em phải đạt cho bằng được. Rồi bà chợt hỏi: - Lâm vẫn ở chung nhà trọ với bọn em à? Lý tròn xoe mắt: - Dạ phải. Chị cũng biết Lâm sao? Bà Thương nói: - Quê chị cũng ở Gò Công mà. Khu Lăng Hoàng Gia đâu có bao lớn. Gia đình này đương nhiên phải biết gia đình nọ. Gia đình Lâm tương đối khá giả, con cái ăn học đến nơi đến chốn. Mai Nhiên mê Lâm cũng phải, có điều con nhỏ không hợp với Lâm đâu. Thiên Lý ngập ngừng: - Em thấy hai người rất thường trò chuyện với nhau, những lúc đó Mai Nhiên vui lắm. - Thế em không thường trò chuyện với Lâm sao? - Dạ không. Bà Thương nói: - Em với Mai Nhiên khác nhau một trời một vực. Người thì thấy đàn ông là tíu tít, rộn ràng, người thì lủi. Làm gì em tránh né đàn ông dữ vậy? - Em đâu có tránh né. Có điều em không tự tin trước họ. - Sao lại thế? Thật ra em rất đẹp. Với phụ nữ, sắc đẹp là vũ khí, là vốn liếng trời cho. Có hai thứ đó, em sẽ khiến được đàn ông. Chị không nghĩ là em thiếu tự tin trước họ, mà em đang ẩn mình. Này! Tuổi xuân không chóng thì chầy. Gì thì gì cũng phải chơi kẻo phí, để già khỏi ân hận như chị bây giờ. Thiên Lý bật cười vì câu nói sau cùng của bà Thương. Nhìn đồng hồ, bà Thương bảo: - Tôi phải đi rồi. Em trực văn phòng một mình vậy. - Vâng! Chị cứ đi. Em sẽ chờ, bao giờ bác Sáu vào em sẽ về. Bà Thương dẫn chiếc Future ra. Phố đã bắt đầu chiều. Lý lấy sách ra đọc. Cô không muốn bỏ phí chút thời gian nào, khổ nỗi chiều nay cô cố đọc nhưng không ghi nhớ được điều gì. Việc gặp lại bác sĩ Hạnh vẫn còn làm hồn vía Lý xôn xao, ngơ ngẩn. Cô chỉ muốn nhấc ống nghe lên để gọi cho bà Hạnh ngay bây giờ, nhưng cô cố kềm lòng vì như vậy không nên chút nào. Chao ôi... Lý rùng mình. Quá khứ có thể mỗi lúc một dài ra, song người ta không dễ quên. Quá khứ đôi khi là bí mật phải mang theo tới bên kia cuộc đời, cho nên quá khứ của mọi người đều rất thiêng liêng. Lý nhìn đồng hồ, dọn dẹp mọi thứ giấy tờ đúng lúc ông Sáu đến. Dắt xe đạp vào tít bên trong, ông già kêu lên: - Còn mỗi mình cháu thôi sao? - Dạ... Mà cũng đâu hề chi. Cháu đâu có sợ ma. Ông Sáu càu nhàu: - Ma thì sợ làm gì. Sợ người ấy chớ. Thôi, về đi! Thiên Lý mang túi xách trên vai. Cô đi tới bưu điện gửi thư, ghé chợ mua dăm ba món cho bữa cơm chiều rồi thơ thẩn về nhà. Cô ngạc nhiên thấy người mở cổng rào cho mình là Lâm. Cô lúng túng cám ơn trong khi Lâm tủm tỉm cười. Lý bất ngờ khi Lâm đề nghị: - Chiều nay, Lý cho tôi ăn cơm ké với. - Sao anh lại phải ăn ké? - Cô Hạc về quê rồi, tôi bị bỏ đói, chắc chết thôi. Lý cười cười: - Cỡ như anh, đói một bữa ăn thua gì. Mà sao bác Hạc lại về quê đột xuất thế nhỉ? - Tôi cũng không biết nữa. Dường như bên dòng họ dượng có người mất thì phải. Tôi về tới nhà mới thấy cô Hạc viết giấy để lại. Khổ thật! Thời buổi bùng nổ thông tin này mà cô ấy còn viết giấy gởi lại. Phải chi trước khi đi, cô Hạc gọi điện cho tôi có hay hơn không. Lý nói: - Người lớn tuổi thường thích duy trì thói quen nhiều năm của mình, anh đừng trách bác Hạc. - Em có vẻ hiểu người lớn tuổi nhỉ? - Em không hiểu nhiều lắm đâu. Lâm nheo nheo mắt: - Em lúc nào cũng khiêm tốn... Thiên Lý nói ngay: - Đâu có. Lâm nhìn những thứ Thiên Lý mang về: - Nào, để tôi lặt rau muống cho! Lý xua tay: - Ấy đừng! Mủ rau sẽ làm móng tay anh đen, xấu lắm. - Là đàn ông, tôi đâu sợ xấu. - Nhưng là phụ nữ, em không muốn anh dây vào những vặt vãnh không đáng. Lâm gật gù: - Lời nói đáng giá ngàn vàng nghe thích lắm. Nhưng Lý này, cơm nước không phải chuyện vặt đâu nhá. Tôi rất sẵn lòng để nấu cơm phụ vợ mình. Lý hóm hỉnh: - Hạnh phúc thay cho ai là vợ anh. - Và cũng hạnh phúc thay cho ai là chồng em. À! Sao Mai Nhiên chưa thấy về nhỉ? Lý ra vẻ bí mật: - Để Nhiên sẽ trả lời anh câu hỏi này. Nhưng Nhiên về trễ là vì anh đó. Lâm ngạc nhiên: - Sao lại vì tôi kìa? Lý làm tôi tò mò quá. Lý lờ sang chuyện khác: - Chiều nay, tôi vẫn ăn rau muống, đậu hủ. Anh không chê chứ? - Mô phật! Tôi thích đậu hủ lắm. Lý cười khiêu khích: - Thiện tai! Thiện tai! Em thấy nhiều người thích đậu hủ chấm mắm tôm và bia. Anh có như vậy không? Lâm nhìn cô không chớp mắt: - Còn tùy mắm tôm ngon hay dở nữa. Thiên Lý nghe tim đập mạnh. Cô vội quay đi. Mang rổ rau tới vòi nước, cô mở rôbinê thật lớn. Căn nhà ngập trong tiếng nước chảy và Lý chợt nhớ ra chỉ có mình cô và Lâm trong bếp. Cô nên hướng câu chuyện sang vấn đề khác để Lâm không ỡm ờ đưa đẩy. Cô buột miệng: - Anh biết chị Thương, giám đốc trung tâm của em không? Lâm gật đầu: - Biết chớ! Ngày xưa chị Thương là người yêu của anh Hai tôi mà. - Vậy là quen thân chớ đâu chỉ là quen biết thường tình. Lâm trầm ngâm: - Chị Thương dễ mến lắm! Lý ngập ngừng: - Vậy sao... sao... Lâm nói vội: - Hai người có duyên mà không có phận nên đã không thành. Chị Thương đi du học, khi chị về, anh tôi đã có vợ có con. Lý tò mò hỏi tới: - Và tới bây giờ, chị Thương vẫn một mình. Có phải vì chị ấy chưa quên được anh Hai của anh không? Lâm ngần ngừ: - Chắc không phải đâu. Chị Thương là người chủ động chia tay anh tôi trước. Tôi nghĩ chị Thương là một phụ nữ khác thường. Chị ấy chọn sự nghiệp chớ không chọn gia đình làm chân hạnh phúc. Bất giác nhớ tới câu nói hồi chiều của bà Thương: "Tuổi xuân không chóng thì chầy..." Giọng Lâm chợt trầm hẳn xuống: - Bất cứ phụ nữ nào rồi cũng sẽ ân hận khi đã chọn sự nghiệp làm mục đích sống của mình. Phụ nữ nên bằng lòng với hạnh phúc gia đình. Lý im lặng, cô không hoàn toàn đồng ý với Lâm nhưng cũng không buồn cãi. Cô đang rối rắm vì anh cứ luẩn quẩn dưới bếp rồi nói bâng quơ nhưng lại hữu ý. Có ngốc cỡ nào, Lý cũng biết Lâm đưa đẩy tán tỉnh mình. Lâm nhỏ nhẹ: - Tôi thích người phụ nữ đảm đang, quán xuyến và dịu dàng như em. Thích thật lòng. Lý lắc đầu: - Em không như anh nghĩ đâu. Lâm say đắm: - Em biết... anh nghĩ gì sao? Thế thì tốt rồi. Chỉ xin em đừng ghép anh với Nhiên nữa. Cô ấy không hợp với anh. Thiên Lý liền bảo: - Sao anh lại nói thế? Nhiên rất thích anh. Nhiên vẫn hay kể với em về anh. Nó sẽ rất đau khổ nếu nghe được những lời anh vừa nói. Lâm phân bua: - Anh đâu có lỗi gì trong chuyện này. Lý khó chịu: - Nếu vậy, chắc nhỏ Mai Nhiên đang yêu một khúc gỗ không có cảm giác. Lâm thản nhiên nói: - Đúng vậy! Đứng trước Nhiên, anh thấy mình trơ ra như gỗ đá. Anh chỉ xem Nhiên như một đứa em không hơn không kém. Lý ngọt ngào: - Mong anh cũng xem em như vậy... Bây giờ em dọn cơm, anh em mình cùng ăn. Lâm tủm tỉm cười. Anh chả vội gì trong việc chinh phục cô gái luôn lạnh nhạt với anh. Mưa dầm thấm đất. Rồi Lý sẽ có cái nhìn khác về Lâm. Chắc chắn là thế. Rất tự nhiên, Lâm bới cơm vào chén cho Lý, giọng dí dỏm: - Anh em mình cùng ăn rau muống, đậu hủ và cùng đắc đạo.