- 10 -

Lên xe buýt, Lý dừng ở trạm gần nhà bác sĩ Hạnh.  Dạo này, chiều nào Lý cũng tới dạy bé Na học.  Nói là dạy chứ thật ra cô như tới cho bé Na đỡ quạnh hiu.  Hai cô cháu nhân nha vừa ăn cơm vừa trò chuyện, rồi sau đó Lý giúp con bé ôn bài.  Con bé đòi Lý ở lại nhà nó luôn, nhưng Lý không đồng ý.
Người ra mở cổng cho cô là chị Thơm, người giúp việc.
Thơm nói:
- Hai mẹ con bé Na đang chờ cơm cô.
Thiên Lý vội đi xuống bếp.  Bà Hạnh mỉm cười với cô:
- Ăn cơm em.  Cả... nhà chờ em đấy!
- Vâng.
Bé Na vỗ tay:
- Bữa nay vui quá!  Có cả mẹ lẫn cô.
Lý chớp mi.  Cảm giác ấm áp thân thiện tự nhiên tràn đầy khiến cô luôn ngon miệng mỗi khi ăn cơm ở đây.  Bé Na luôn mồm kể chuyện trong lớp, vừa kể nó vừa pha trò khiến mọi người cười nghiêng ngả.
Ăn cơm xong, Na gọi điện thoại  cho bạn.  Nhìn nó, bà Hạnh bảo:
- Dạo này, con bé vui lắm.  Tôi thành thật cám ơn, em là chỗ dựa tinh thần của nó và có lẽ cũng là của tôi..
Lý bật cười:
- Cô làm em thấy mình quan trọng quá.
- Thì em là người quan trong đó thôi.  Nếu không đâu có ai nhắc tới em.
Lý chớp mi, cô không hiểu ý bà Hạnh.  Ai nhắc đến cô nhỉ?  Lẽ nào là Sơn?
Giọng bà Hạnh nhẹ tênh:
- Gần đây, em có gặp Sơn phải không?
Thiên Lý liếm môi:
- Em có gặp một người, nhưng không biết phải anh ấy không?
- Là Sơn đó!  Lẽ ra tôi không đề cập tới chuyện của hai người, nhưng tôi lại nghĩ thế giới này, xem vậy chớ nhỏ bé lắm.  Đi loanh quanh rồi cũng có lúc gặp nhau.  Bình thường hóa mọi việc thì tốt hơn.  Chuyện đã qua thì đã qua rồi.  Hai người có thể là bạn, gặp nhau trò chuyện vẫn thanh thản hơn phải nơm nớp tránh mặt nhau.  Sơn nghĩ là em đã có chồng, vì hôm đó em đang bên cạnh một anh chàng với vẻ vô cùng thân thiết.
Thiên Lý gượng gạo:
- Vâng!  Em đã có một người.
- Chúc mừng em!  Vậy từ giờ trở đi, nếu em có gặp Sơn cũng là chuyện thường chớ gì?  Tôi mong em tự tin hơn nữa.  Thế anh chàng của em là người như thế nào?
Lý nói:
- Dạ, anh ấy đang học sau đại học và ở cùng nhà trọ với em.
Bà Hạnh gật gù:
- Chà!  Đó là một trí thức trẻ, ham học.  Tánh tình chàng ra sao?  Có bao dung rộng lượng không?
Thiên Lý đan hai tay vào nhau:
- Em không biết nữa.  Em mới biết anh ấy đây thôi.  Chị Thương bảo Lâm là người tốt.
Bà Hạnh ngạc nhiên:
- Sao Thương lại biết cậu ta?
Lý vuốt tóc mình:
- Hai người cùng quê ạ.  Em nghe Lâm nói anh Hai của ảnh từng là người yêu của chị Thương.
Bà Hạnh kêu lên:
- Ông Hà!  Em quen với Lâm, em ông Hà à?
Thiên Lý tròn mắt:
- Cô cũng biết...
Bà Hạnh chép miệng:
- Chà!  Gia đình anh Hà không đơn giản đâu.  Họ phong kiến lắm đó!  Chính vì thế nên Thương mới chia tay mối tình đầu của mình trong nước mắt.
Bà Hạnh dừng lại khi thấy vẻ đăm chiêu của Lý.  Bà chợt thấy lo cho Thiên Lý vì thật lòng bà rất quý mến cô.
Giọng Lý dè dặt:
- Phong kiến ở điểm nào cô?
- Thế anh chàng Lâm không nói với em lý do anh Hà và Thương tan vỡ à?
Lý khẽ lắc đầu:
- Anh Lâm chỉ bảo hai người có duyên mà không có phận nên đã không thành.
Bà Hạnh nói:
- Người ta thường hay đổ thừa duyên phận khi có một cuộc tình không thành.  Một cách để tự an ủi.
Lý thắc mắc:
- Anh Lâm nói chị Thương đi du học về thì anh Hai đã lấy vợ.  Như vậy là lỗi ở ai?
Bà Hạnh trả lời:
- Thương đi du học vì biết mình và Hà không thể tiến tới...  Cô ấy đi để tìm quên.
- Tại sao vậy cô?  Em thấy chị Thương là một phụ nữ rất tuyệt.
Bà Hạnh nhếch môi:
- Thương không có khuyết điểm nào cả.  Trái lại, cô ấy là một người quá nổi bật, quá giỏi.  Ở nông thôn như em biết, khi chọn vợ cho con trai, người ta đâu thích một phụ nữ như thế.  Người ta sợ con trai bị vợ lấn lướt.
Ngập ngừng vài giây, bà Hạnh nói tiếp:
- Mẹ Thương là một phụ nữ điển hình cho mẫu phụ nữ lấn lướt chồng.  Bà điều hành một hệ thống mấy nhà máy xay lúa giỏi như một người đàn ông từng trải, trong khi ba Thương lại là một người nhút nhát, nhu nhược.  Ông ấy không có khả năng thao lược như vợ, nên sống rất mặc cảm, dần dà ông rơi vào trạng thái trầm cảm...  Mẹ của Thương mang tiếng xỏ mũi chồng, thậm chí cắm sừng chồng.  Bà khiến ông uất ức mà hóa điên.
  Thiên Lý hỏi:
  - Ý cô muốn nói là... là... gia đình Lâm không đồng ý cho anh Hà cưới chị Thương vì lý do đó à?
  - Đúng như vậy.  Hai người yêu nhau từ hồi học chung phổ thông cho đến lúc vào đại học.  Thế nhưng anh Hà không vượt qua khỏi định kiến của gia đình, nên hai người không tới đâu hết.  Sau cùng Thương đi du học, anh Hà ở nhà cưới vợ.  Thế là chấm dứt một cuộc tình.
  Bà Hạnh trầm ngâm nói tiếp:
  - Người ta khen Thương giỏi giống mẹ, người ta còn xì xào sau lưng chắc Thương cũng trăng hoa giống mẹ.  Tội nghiệp Thương, cô ấy có một bà mẹ nổi tiếng và tai tiếng.
  - Nhưng mẹ chị Thương có như vậy không?
  - Bác ấy là một người đa đoan, cô độc.  Là phụ nữ nông thôn mà phải gánh vác cơ ngơi của gia đình chồng rồi duy trì, rồi phát triển nó ngày một lớn, nhưng không được chồng động viên giúp đỡ, thật không gì bất hạnh bằng.  Mẹ Thương sa ngã chẳng qua vì cần một người mạnh mẽ hơn mình để làm chỗ dựa chớ bác ấy không trắc nết, lẳng lơ như thiên hạ nghĩ...  Ông ta là một công nhân trong nhà máy xay lúa.  Khi biết vợ mình ngoại tình, ba Thương đã chết.
  Thiên Lý sững sờ nhìn bà Hạnh.  Cô không ngờ gia đình chị Thương lại có một bi kịch lớn như vậy.
  Giọng bà Hạnh lại vang lên:
  - Chuyện này không phải ai cũng biết.  Người ta tưởng ba Thương chết vì chứng trầm cảm không thôi.  Sau cái chết của chồng, mẹ Thương cũng trở thành một người khác.  Bà thu vén việc làm ăn lại chứ không khuếch trương như trước nữa.  Khi Thương đi du học, bà đã bán nhà máy rồi vào ở chùa.  Nhưng đã muộn.  Tất cả chỉ là sắc sắc không không.  Chỉ thương cho Thương, tới giờ vẫn một mình.  Tình củ quên không đành, tình mới không dám yêu vì sợ.  Tôi kể chuyện của Thương để em tự chiêm nghiệm.  Mỗi người có một số phận.  Em không phải là Thương, và Lâm cũng không phải là Hà, tôi mong em hạnh phúc.
  Bé Na đi ra bằng đôi chân sáo.  Con bé ríu rít:
  - Bạn con mời đi sinh nhật.  Hôm nào rảnh, cô Lý đưa con đi mua quà cho nó nhé?
  Lý máy móc gật đầu, tâm trí cô còn miên man theo những gì vừa được nghe.  Suốt thời gian còn lại, cô cố tập trung dạy bé Na làm cho xong mớ bài tập Anh văn.  Bữa nay con bé rất vui, nó nói luôn miệng, nhờ đó, Lý cũng bớt suy nghĩ lung tung vì phải bận trả lời những câu hỏi ngoài lề của nó.
  Về nhà, Lý gặp bà Hạc ở sân.  Bà bảo:
  - Có mẹ của Lâm lên chơi, con vào chào cô ấy một tiếng.
  Thiên Lý gật đầu.  Cô vuốt lại tóc cho suôn rồi bước theo bà Hạc.
  Ngồi cạnh Mai Nhiên trên xa lông là một người phụ nữ ốm có gương mặt dài, mỏng trắng xanh.  Bà ta đang nhìn về phía Lý bằng cái nhìn săm soi, ngắm nghía.
  Lý từ tốn gật đầu chào, trong lúc Mai Nhiên giới thiệu:
  - Thiên Lý, ở... ké với con đó bác.
  Bà Bạch nói:
  - Ngồi đây chơi cháu.
  Lý thoáng thấy Mai Nhiên cau mày khó chịu khi Lâm xích vào nhường chỗ cho cô.
  Lý ngập ngừng:
  - Thưa... bác lên thăm anh Lâm ạ?
  Bà Bạch cười cười:
  - Bác lên khám sức khỏe định kỳ chớ nhờ gì nó mà thăm.
  Lâm kêu lên:
  - Mẹ nói thật không đó?  Chớ không phải tuần nào con không về là mẹ điện thoại lên cô Hạc hỏi tới tấp sao?
  Bà Bạch tủm tỉm:
  - Hỏi để chị Hai con nấu cơm, không lại dư phần đổ uổng.
  - Mẹ làm con tủi thân ghê!
  Bà Bạch nhìn Lý và Nhiên:
  - Hai đứa xem anh Lâm kìa.  Có lớn chớ chưa có khôn.  Tối ngày nhõng nhẽo với mẹ
  Bà Hạc phán một câu:
  - Cưới cho nó cô vợ, tự khắc sẽ khôn ra ngay.  Thằng Hà là một điển hình đó, chị không nhớ sao?  Bây giờ vợ con đề huề, gia đình hạnh phúc.
  Bà Bạch gật gù:
  - Tôi nhớ chớ, nhưng làm mai cô nào, Lâm nó cũng chê chớ đâu gật cái rụp như thằng Hà.  Lâm kén chọn quá phải chịu cô đơn thôi.
  Mai Nhiên nhìn Lý, giọng ngọt xớt:
  - Lý nghe bác gái nói gì chưa?  Anh Lâm không phải dễ đâu...
  Thiên Lý nóng mặt vì kiểu gài người của Nhiên, cô lảng sang chuyện khác:
  - Bác đã khám sức khoẻ chưa?
  Bà Hạnh gật đầu:
  - Rồi.  Ngày mai bác còn đi khám mắt nữa.  Mắt bác bị cườm sớm muộn gì cũng phải mổ.  Nghe nói bệnh viện mắt đông lắm, bác sợ anh Lâm không có thời gian ngồi chờ với bác.
  Mai Nhiên hăng hái:
  - Con sẽ đi với bác.
  - Con bận đi làm mà.
  Nhiên so vai:
  - Ăn thua gì, Lý sẽ làm phần việc của con.
  Lâm vội lên tiếng:
  - Anh sẽ đưa mẹ anh đi, khỏi mất công cả Nhiên lẫn Lý.
  Nhiên chủ quan:
  - Có gì đâu mà mất công.  Em nói một tiếng, chị Thương cho em nghỉ ngay, chỉ nể em lắm.
  Bà Bạch nhíu mày:
  - Thương nào vậy?
  Bà Hạc cười nhẹ:
  - Thương nào bây giờ?  Nhiên và Lý làm việc cho Ngọc Thương, con gái bà chủ máy chà Hai Duyên đó...
  Bà Bạch kêu lên:
  - Vậy sao!  Coi bộ xứ này nhỏ thiệt.
  Lý hiểu bà Bạch đang nghĩ gì khi nhớ lại câu chuyện bà Hạnh vừa kể lúc nãy, nhưng Nhiên dường như không biết.  Cô hỏi:
  - Chị Thương cũng ở khu lăng Hoàng Gia với mình, nhưng lâu lắm rồi chỉ không về quê, bác cũng biết chỉ nữa sao?
  Mặt bà Bạch bình thản:
  - Biết chớ.  Con gái chủ máy chà lúa lớn nhất xứ, ai lại không biết.
  Lâm nói lảng đi:
  - Ngày mai, con sẽ đi với mẹ.
  Nhiên vẫn nhiệt tình một cách khác thường:
  - Em sẽ theo anh và bác.  Em sẽ điện thoại xin chị Thương nghỉ buổi sáng, thế nào chỉ cũng đồng ý.
  Bà Bạch bỗng lên tiếng:
  - Nếu được, mai cháu đi với bác cho vui.
  Lâm khó chịu:
  - Đã nói con đi với mẹ rồi mà.
  Bà Bạch gắt:
  - Có thêm Nhiên cảng tốt chớ sao.
Cô cố cũng đâu làm sao thu phục cảm tình của bà Bạch như Mai Nhiên đang làm.  Linh cảm cho Lý thấy, bà Bạch không thích cô bằng Nhiên.  Điều đó cũng dễ hiểu thôi, Nhiên ở cùng xóm với bà cơ mà.
  Giọng bà Bạch vang lên:
  - Bác nghe cô Hạc nói, Lý làm việc buổi sáng, buổi tối phải đi dạy kèm nữa...chắc là mệt lắm?
  Thiên Lý nhỏ nhẹ:
  - Dạ, cháu quen rồi.
  - Giỏi đấy chớ!  Con gái bây giờ ít cô nào chịu khó lắm.
  Lâm nói ngay:
  - Chịu khó thì Thiên Lý là số một đó mẹ.
  Bà Hạc cũng chen vào:
  - Ai cưới được con bé này là có phúc mấy đời.
  Mai Nhiên mỉa mai:
  - Tự nhiên Thiên Lý có giá ghê.  Vài bữa nữa, cháu cũng phải tìm một chỗ dạy kèm để tối khỏi phải đi chơi
  Bà Hạc gục gặc đầu:
  - Nói chí phải.  Phụ nữ phải biết chịu cực thì mới biết lo cho gia đình.
  Mai Nhiên lầm bầm:
  - Cực quá ngóc đầu lên không nổi thì có.
  Bà Bạch lại hỏi:
  - Ba mẹ cháu vẫn khoẻ chứ?
  - Cháu chỉ còn mẹ thôi thưa bác.  Mẹ cháu sống với chị Hai cháu ở Cai Lậy.
  - Thế chị cháu làm gì?
  - Dạ, chị cháu đi dạy.
  Nhìn bà Hạc, bà Bạch hạ giọng:
  - Giáo viên là tốt, giống như vợ thằng Hà, rất nề nếp.
  Lâm tủm tỉm cười, anh nheo nheo mắt với Lý, cô đỏ mặt vì cách nhìn của anh.  Bà Bạch lại tiếp tục đặt những câu hỏi khiến Lý hết sức dè dặt khi nghĩ mình đang trải qua một đợt hạch sách, thi tuyển.
  Bên cạnh Lý, Mai Nhiên cũng căng thẳng không kém.  Cô biết bà Bạch lên đây để làm gì.  Khám sức khoẻ định kỳ chỉ là cái cớ, chính vì vậy Nhiên nhất quyết giành lấy cảm tình của bà.  Bây giờ cứ để bà... lão "sơ tuyển" con Lý, ngày mai có dịp ở bên cạnh, Nhiên sẽ tỉ tê nói xấu nó với bà Bạch.  Rồi nó cũng bị loại thôi, bà Bạch sẽ phải đánh giá lại một đứa con gái có những giấc mơ nhớp nhúa.  Hà!  Chỉ cần Nhiên thêm mắm dặm muối vào chuyện những giấc mơ của Thiên Lý, chắc chắn nó sẽ rớt đài.
  Hiu hiu tự đắc với kế hoạch vừa thảo ra trong đầu, Mai Nhiên hí hửng lấy điện thoại ra gọi cho bà Thương, trong lúc Lý vẫn còn ngồi trả lời những câu hỏi... vô bờ bến của bà Bạch.
Sơn phả khói thuốc lên trần, anh chả buồn hé môi, mặc kệ Kim Ngân nói gì thì nói.  Tâm trí Sơn cứ như đang trôi nơi đâu ấy.  Sơn làm thinh hút thuốc khiến Ngân chịu hết nổi.  Cô gắt lên:
- Anh nói gì đi chứ?
Sơn nhát gừng:
- Nói gì? Tôi cạn lời với em từ lâu rồi.
Ngân nuốt nghẹn xuống:
- Anh để bụng mãi vậy sao?  Thật lòng em muốn anh và con trở về.  Anh không cần em, nhưng bé Phước cần có mẹ cha đầy đủ.
- Từ lúc mới sinh ra tới bây giờ, nó quen có bà nội hơn có mẹ.  Em quên nó sẽ tốt cho em hơn.
Nhìn đồng hồ, Sơn bảo:
- Tôi phải đi đây.
Ngân nhăn mặt:
- Chuyện vẫn chưa xong, anh làm gì vội vậy?
Sơn nhìn Ngân, anh nói:
- Chúng ta sẽ hạnh phúc sao, khi chính em đã thú nhận bé Phước khiến em khổ sở, bực bội?  Tôi nghĩ kỹ lắm rồi, giữa nó và em, tôi chỉ có thể chọn một.  Bây giờ nó còn nhỏ quá, tôi đâu thể giao phó nó cho mỗi mình mẹ chăm sóc, trong khi em đủ sức đương đầu với cả thế giới.
Kim Ngân kêu:
- Nói vậy, em phải sống một mình như người độc thân à?  Anh có nghĩ cho em không?
Sơn chép miệng:
- Có!  Và anh rất tiếc.
- Giả dối!  Nhất định anh đang có ai đó.  Em mà tìm ra được thì coi như anh thân bại danh liệt.
Sơn cau mày:
- Em muốn ám chỉ điều gì?
Kim Ngân cười khẩy:
- Anh thừa thông minh để hiểu mà.  Mẹ và anh định có thêm con thêm cháu nối dõi tông đường nữa à?  Không dễ với em đâu.
Sơn lầm lì đứng dậy.  Anh nhấn mạnh:
- Em để thời gian phấn đấu giành chức phó giám đốc đi, chuyện đó có lợi cho con người của em hơn.
Dằn mạnh gót chân xuống nền gạch men bóng lộn, Sơn băng băng ra cổng.  Anh rồ máy, chiếc xe tay ga phóng vút đi.
Sao dạo này càng nói chuyện với Ngân, anh càng thấy bực, nhất là sau khi biết Ngân đã mấy lần tự ý phá thai mà anh không hay biết gì.  Càng nghĩ ngợi, Sơn càng dần dần nhận ra những mặt xấu của Ngân.  Ôi chao!  Anh đã từng yêu cô mê mệt, bất hạnh sao tình yêu ấy bây giờ lụi tàn rồi.  Anh yêu Ngân bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu về con người cô.
Sơn không về nhà, anh vào quán hôm trước đã gặp Thiên Lý với hy vọng gặp lại cô lần nữa.  Nhưng hy vọng chỉ là hy vọng thế thôi, Sơn biết Lý rất sợ gặp anh.  Hôm đó cô đã run rẩy, đã xanh xám mặt khi thấy anh.  Sơn không có quyền khuấy động cuộc sống của Lý.  Hãy xem như anh chưa từng gặp lại cô.
Cửa quán mở, người đàn ông đi cùng Lý lần trước bước vào.  Tim Sơn nhói lên, anh hồi hộp nhìn nhưng anh ta chỉ đi một mình.  Sơn nuốt nỗi thất vọng xuống, anh đợi chờ gì khi mới tức thì anh tự cảnh cáo mình: "Không có quyền khuấy động cuộc sống của Lý".
Lấy gói thuốc ra, anh định châm một điếu nhưng sực nhớ quán này "Không thuốc lá" nên lại cất gói thuốc vào.
Đầu óc Sơn lại ngổn ngang suy nghĩ.  Nếu như bé Phước là con của anh và Ngân thì giữa hai người có xảy ra những bất đồng nghiêm trọng như hiện giờ không?  Anh không trả lời được.
Người đàn ông của Thiên Lý gọi điện thoại, giọng anh ta nghe khá êm tai:
- Em đang làm gì vậy, bé con?
Sơn đoán chắc anh ta gọi cho Thiên Lý, chỉ gọi cho người yêu mới ngọt ngào đến thế thôi.  Hồi mới cưới nhau, Sơn cũng âu yếm ngọt ngào như thế với Ngân.  Theo năm tháng mức độ nồng nàn có phai nhạt, nhưng anh vẫn dịu dàng với Ngân, chính cô là người cộc lốc khiến anh thấy mình... hề khi mãi ngọt dịu, tình tứ đơn phương.
Giờ thì hết cả rồi, anh chợt thấy mình mệt mỏi, già nua, chai sạn trước những lời mật ngọt trên môi của thời mới lớn.
Giọng gã đàn ông tràn trề hạnh phúc:
- Chiều nay anh đón em, chúng ta đi xem kịch.  Anh đã mua vé rồi...  Sân khấu nhỏ.
Sơn gọi tính tiền.  Anh không nên nán lại làm gì, hãy tới địa điểm vừa nghe mà mua vé xem kịch nếu muốn gặp lại Thiên Lý.
Bất giác Sơn bật cười khiến người phục vụ nhìn anh ngạc nhiên.  Anh tính chơi trò trốn tìm với số phận à?  Đúng là vớ vẩn!
Giọng gã đàn ông chùng xuống:
- Đã bảo rồi, đừng nhắc tới Mai Nhiên, dù là nhắc để trêu anh.  Thôi, anh ngừng đây, em cố ngủ lấy một chút để còn mơ thấy anh, cố ngủ để có sức đi xem kịch...
Sơn bước ra ngoài.  Nắng trưa ngầy ngật khó chịu quá, anh lên xe chạy nhanh như trốn nắng.  Đèn đỏ, Sơn dừng lại, mắt lơ đãng nhìn vào xe ô tô bên cạnh.  Anh thấy Ngân, cô đang ngồi cạnh tay giám đốc Thời và đang nói gì đó mà trông cả hai có vẻ phấn chấn lắm.
Sơn quay đi, anh không ghen, không khó chịu nhưng cũng chả muốn Ngân trông thấy mình đầu trần dang nắng thế này.  Hơn nữa, anh cũng không ưa ông Thời.  Qua lời kể của ông Tiễn, thì ông ta cũng chả ra gì, nhưng khi nhắc tới giám đốc Thời, Kim Ngân không tiếc lời ca tụng, điều này kể cũng lạ vì Ngân vốn tự cao tự đại, có bao giờ cô khen ai.
Chiếc du lịch vọt lên trước, Sơn chậm chạp nhấn ga.  Anh vào công ty, ngả lưng xuống mấy cái ghế kê lại như một kẻ không nhà.  Qua một đợt giao dịch, công việc của anh tạm lắng xuống, sự rảnh rỗi không cho anh cảm giác thoải mái.  Trái lại, Sơn thấy sợ vì tâm trí cứ muốn thèm một chút hoang, thèm làm một điều gì đó khác bình thường.  Như trước nay, thay vì về nhà ăn cơm với mẹ, anh lại vào quán để rồi chả ăn được gì, bây giờ nằm đây trên những cái ghế cứng ê ẩm mình mà không xoay xở được.
Sơn thở dài.  Anh có còn trẻ trung gì để hoang đàng như những gã nhân viên của mình, họ là những thanh niên vừa rời giảng đường đại học, hồn còn phơi phới yêu chớ đâu như anh mới "Tam thập nhị lập" đã thấy mình già cỗi.
Bốn giờ, Sơn đi rước bé Phước, thằng bé bô lô ba la suốt đoạn đường về nhà.  Anh tắm cho con, lấy đất sét màu nặn cho nó bao nhiêu là con giống.  Nhìn nó chơi với hàng lô hàng lốc người nhện, siêu nhân... anh nhận ra thằng bé vẫn cần có mẹ.
Bà Trà bước vào, miệng cười thật tươi:
- Cục vàng của bà đi ăn cơm nào.
Sơn vùng ngồi dậy:
- Để con cho nó ăn.
Bà Trà nheo mắt:
- Chà!  Không khéo thằng nhỏ lại mẻ thêm một cái răng nữa thì khổ.
Sơn im lặng.  Anh nhìn con một hồi mới nói:
- Trưa nay con và Ngân vừa nói chuyện.  Cô ấy muốn con và bé Phước về nhà.
Bà Trà nhún vai:
- Tốt thôi!  Ít ra nó cũng biết nhìn lại mình.  Hừ!  Không phải mang nặng đẻ đau mà lại có một đứa con trai, sướng thế còn gì.
Sơn buột miệng:
- Con chán lắm rồi!
Bà Trà dịu giọng:
- Đâu lại sẽ vào đó.  Chẳng phải con từng yêu nó cuồng điên sao?  Nó chỉ có lỗi là quá ham danh vọng, chớ còn chuyện bị vô sinh, mẹ nghĩ đâu có người phụ nữ nào muốn vậy
Sơn cau mày:
- Sao bỗng dưng mẹ độ lượng với Ngân thế?
- Vì mẹ muốn bé Phước có cha có mẹ đàng hoàng.
Giọng Sơn đanh lại:
- Con không thể để thằng nhỏ ở cùng người luôn coi nó là cái gai trong mắt.
Bà Trà thở dài:
- Mẹ không ngờ con cố chấp như vậy.  Mẹ chẳng xen vào chuyện của tụi con nữa đâu.
Sơn bỏ ra ban công hút thuốc, anh vốn đơn giản và dễ tính, vậy mà bây giờ lại trở nên cố chấp.  Nếu mẹ biết lý do tại sao, chắc bà sẽ gào lên chớ không thở dài như vừa rồi.
Hường mời Sơn ăn cơm.  Anh ăn lấy có rồi xách xe đi, bỏ mặc bé Phước với bà nội nó ở nhà.  Anh thương con, nhưng nếu bây giờ phải ngồi cạnh để cùng chơi với nó những trò ngớ ngẩn, chắc anh điên mất.
Ra tới đường, Sơn mới tự hỏi mình sẽ đi đâu.  Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, xe anh lại chạy ngang đường Võ Văn Tần.
Người ta xem kịch cũng đông đó chớ!  Sơn chợt nhớ ra chưa khi nào anh đưa Ngân đi xem kịch vì cô: "Không thích nhìn thiên hạ diễn trò".
Đó là nguyên văn lời Ngân nói khi nghe ai đó đề cập tới bộ môn nghệ thuật này.  Lúc đấy Sơn chỉ cười khi nghe cô cao giọng như vậy, bây giờ anh lại thấy cô ngạo mạn.
Mà sao anh không thử xem thiên hạ diễn trò trên một sân khấu, trong một rạp hát như thế nào nhỉ?  Vòng xe lại, anh cho vào bãi gởi, mắt dáo dác kiếm tìm rồi mua vé.  Hầu như chỉ mỗi mình Sơn đi coi kịch một mình, còn lại thường là có đôi, có nhóm.
Sơn nhún vai.  Anh bước lên tầng một, tầng hai... và vào một phòng với những dãy ghế sắt kê từ cao tới thấp.
Người ta chỉ anh vào vị trí trong cùng bên trái của hàng ghế sát vách cao lêu nghêu.  Thật là một nơi diễn kịch lạ đời mà anh không tưởng tượng ra nếu không đi xem.
Yên vị, Sơn bắt đầu tìm.  Khán phòng nhỏ thôi, nhưng đâu phải dễ tìm.  Sơn thắc thỏm, loay hoay với chiếc ghế chân sắt cao cho tới khi vở kịch bắt đầu mà vẫn không thấy Lý.
Nội dung kịch loay hoay quanh đôi vợ chồng trẻ.  Một đêm nọ, người chồng đi làm về rất khuya.  Trên đường về vì vội vã, anh ta đã đụng chết một công nhân vệ sinh.  Vì không ai nhìn thấy nên anh ta đã phóng xe chạy thẳng về nhà và kể cho vợ nghe.
Người vợ khuyên chồng nên ra thú tội, nhưng anh ta không đồng ý, cho đến khi phát hiện chiếc xe anh ta gây tai nạn đã bị rơi mất bản số, anh ta mới cuống lên bắt vợ đi tìm giữa đêm khuya vắng ngắt.
Thương chồng, người vợ đã làm theo ý chồng.  Trên đường đi, chị gặp người công nhân vệ sinh, ông ta chỉ bị trầy trụa chứ không chết như người chồng tưởng.  Ông ta đã nhặt được cái biển số xe và đã trả lại cho người vợ.
Trên đường về, người vợ đã loé ra một ý tưởng để thử xem chồng mình là người thế nào.  Thay vì nói sự thật, chị lại bảo là không tìm được bản số xe và lần nữa khuyên chồng nên đi khai báo.  Ai ngờ người chồng nhất định không chịu.  Anh ta đưa ra bao nhiêu là lý do để thoái thác... tất cả các lý do đó đều là vì bản thân anh ta.  Anh ta bắt vợ nhận tội thay, người vợ không chịu, anh ta tráo trở bảo sẽ làm chứng, sẽ tố cáo người vợ là người gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn.
Màn kịch đã lên tới đỉnh cao trào, tới chỗ không còn gì để mất thì người vợ mới lật ngửa bài, chị cho chồng biết sự thật là vừa rồi là chị đã đùa chơi chớ thật sự người công nhân vệ sinh không chết, ông ta đã trả lại cái bản số xe...
Người chồng xin lỗi vợ, anh ta xin vợ tha thứ, xin vợ bỏ qua những gì mình đã nói, hai người sẽ tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau với đứa con trong bụng.
Chị vợ đã tha thứ cho chồng, hai người lại tiếp tục cuộc sống chung, nhưng những tháng ngày sắp tới chắc chắn không còn là những tháng ngày tràn trề hạnh phúc nữa.
Vở kịch khép lại, nặng nề, ray rứt, Sơn cũng nặng nề leo từ cái ghế cao xuống đất rồi lơ ngơ theo dòng người ra ngoài.
Cái cõi tình trong vở kịch mang tên "Cõi tình" ấy mới đáng sợ làm sao.  Rồi suốt phần đời còn lại, người phụ nữ ấy sẽ sống thế nào cạnh người chồng đầu ấp tay gối với mình?  Một người chồng mà chị biết rất rõ là rất xấu xa, đê tiện.
Sơn khẽ thở dài khi nghĩ tới Ngân, dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng anh vẫn có sự so sánh và rút ra quyết định của riêng mình.  Anh không bao giờ tiếp tục sống với người anh đã nhìn rõ bản chất và chân tướng xấu xa, cho dù sống là vì con.  Người phụ nữ ấy thật sai lầm khi để con mình sống với một ông bố như thế.
Đây chỉ là kịch, ngoài đời làm gì có chuyện éo le đến như vậy!  Sơn bước xuống nấc thang cuối cùng và ngay lúc đó, anh thấy Thiên Lý.
Cô vẫn đơn giản trong chiếc áo sơ mi hồng nhạt và chiếc quần tây màu nâu, nhưng giữa bon chen người, cô vẫn nổi bật trong mắt nhìn sững sờ của Sơn.
Kế bên Lý vẫn là người đàn ông đó.  Anh ta để cô đứng chờ rồi đi lấy xe.  Sơn cũng vội đi lấy xe.  Anh nhất định sẽ theo hai người để xem nhà ở đâu.  Lý và anh chàng của cô cho xe chạy chậm, cô ngồi e ấp phía sau như những cặp đang yêu say đắm, kiểu ngày xưa Sơn và Ngân từng như vậy.
  Họ ngừng lại quán hủ tiếu Nam Vang, Sơn đành đứng chờ ngoài gốc me tây như một tay xe ôm chờ khách.  Anh theo họ để làm gì?  Sơn không trả lời được.  Có thể là anh muốn tận mắt thấy ngôi nhà hạnh phúc của Lý cũng nên.
  Rồi hai người hạnh phúc ấy cũng ăn xong, Sơn lại... rề rề xe phía sau họ.  Anh vờ chạy xe qua luôn khi hai người đã dừng lại trước một ngôi nhà có cổng rào, có khoảng sân nhỏ phía trước.
  Sơn lại tấp xe vào một gốc cây và nhìn, anh lẩm bẩm số nhà cho thuộc rồi mới chạy đi.
  Gã ấy và Lý ở chung nhà.  Người ra mở cổng là một phụ nữ có tuổi.  Đó đúng là một gia đình rồi, và Sơn hãy thôi nghĩ tới Thiên Lý.  Trong đầu anh lại vang vang câu hát rất cũ:
  "Nghìn trùng xa cách, người cuối chân trời, đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người..."
  Người không xa nghìn trùng, nhưng còn hơn là xa nghìn trùng.