Cuối giờ chiều, sau khi hết phiên trực thì Marçal Gacho gọi điện về nhà. Anh ta lúng ta lúng túng trả lời các câu hỏi của vợ, không tỏ ra thương cảm, lo lắng hay tức giận trước việc bố vợ là nạn nhân của việc buồn bán bất công. Anh nói chuyện với giọng vô hồn, dường như vừa nói vừa nghĩ đến chuyện khác, luôn miệng nói, ừ, à, vâng, anh hiểu, đồng ý, anh cho là bình thường, anh sẽ đi khi có thể, thỉnh thoảng không được, đương nhiên rồi, được thôi, anh hiểu mà, em không cần nhắc lại điều đó với anh, rồi chấm dứt cuộc điện đàm bằng một câu chẳng ăn nhập gì, Em cứ an tâm đi, anh sẽ không quên chuyện mua hàng cho em đâu. Marta hiểu rằng chồng đang nói chuyện trước mặt ai đó, có thể là bạn đồng nghiệp, có lẽ là một vị cấp trên xuống kiểm tra, và anh phải nói tránhđi để khỏi gây sự tò mò khó chịu, hoặc thậm chí nguy hiểm nữa là đàng khác. Tổ chức của Trung tâm được thai nghén và xây dựng nên theo một hình mẫu tuyệt đối kín gồm nhiều hoạt động và chức năng dù không thể khép kín hoàn toàn, theo một mạch nối duy nhất, khó dò la tìm hiểu về nhau, nhưng vẫn có thể thông tin với nhau được. Đương nhiên là một bảo vệ hạng hai, do tính chất công việc quá nhỏ nhoi trong khung biên chế của nhân viên cấp thấp nói chung là không thể có đủ trình độ nhạy bén để nhận biết và phân biệt được đặc tính tổ chức này, nhưng Marçal Gacho, người tinh ranh nhất trong số nhân viên ở đẳng cấp đó, lại thêm ưu thế là đang ấp ủ tham vọng, mà mục tiêu trước mắt là được làm bảo vệ trong biên chế lâu dài, do đó, dĩ nhiên là được đôn lên bảo vệ hạng nhất, chúng ta chưa biết trong tương lai gần anh sẽ được cất nhắc đến đâu, và liệu anh có còn tương lai xa hơn nữa hay không. Vì anh luôn luôn có hai mắt mở to và đôi tai thật thính kể từ khi được vào làm việc ở Trung tâm, anh đã có thể học được, trong thời gian ngắn, khi nào và bằng cách nào nên nói, hay nên im lặng, hoặc giả vờ làm vịt. Sau hai năm kết hôn, Marta tưởng là đã hiểu cặn kẽ về người chồng kề vai áp má trong mọi chuyện vợ chồng, đã dành cho anh ấy mọi tình cảm yêu thương của người vợ, thậm chí cả lòng nhẫn nại mà đáng ra câu chuyện này phải ít đi sâu vào chi tiết riêng tư để thêm phần hấp dẫn, đến mức có thể nói cô yêu thương chồng đến cuồng nhiệt, nhưng cũng không đến mức ngờ nghệch để không thấy được chồng mình đôi khi tỏ ra quá khéo léo, nếu không dùng từ quá tính toán và cũng biết rằng ai cũng có phần tối trong nhân cách con người. Marta hiểu chắc chắn rằng chồng sẽ rất bực bội sau khi nói chuyện, và bắt đầu băn khoăn về chuyện đi gặp ông trưởng phòng cung ứng. Không phải vì nhút nhát hay mặc cảm vì là cấp dưới, đúng là Marçal Gacho thường hay khoe khoang là mình không thích đi gây chú ý của người khác ngoài những gì liên quan đến công việc, nhất là, theo ý kiến nhận xét của người biết rõ về anh ấy, trong những hoàn cảnh chẳng đem lại tính thiết thực cho anh ta. Cuối cùng thì ý tốt mà Marta nghĩ ra cũng chỉ như bố nói là cách duy nhất vào thời điểm đó mà thôi. Cipriano Algor ở trong bếp không nghe được bài diễn văn, đứt đoạn, lộn xộn và thiếu nhất quán của con rể, nhưng dù có nghe được toàn bộ thì cũng thế thôi, nó hoàn toàn trống rỗng, điều đó ông được được trên gương mặt đăm chiêu của con gái, khi sau mấy phút dài vô tận, cô đi ra khỏi phòng. Và vì không nên mỏi miệng trong thời gian ngắn ngủi nên thậm chí ông cũng chả mất thời gian hỏi con gái, Sao, nó nói gì mà chính cô ấy bảo với ông chuyện rõ ràng mười mươi. Anh ấy sẽ nsw chuyện với ông trưởng phòng, ngay cả câu này Marta cũng chẳng cần phải mất công nói nên lời, hai người chỉ trao đổi ánh mắt cũng đủ nói lên tất cả. Cuộc sống là vậy, đầy những từ ngữ không cần thiết, hay trước thì cần nhưng lúc này thì không, mỗi từ ta nói ra chiếm mất chỗ của một từ khác xứng đáng hơn, xứng đáng không phải tự nó mà vì kết quả do nó được nói ra. Bữa ăn tối diễn ra trong im lặng, im lặng cũng diễn ra suốt trong hai tiếng đồng hồ tiếp hteo trước màn hình vô tuyến hờ hững, có lúc nào đó, như vẫn thường xảy ra trong mấy tháng vừa qua, Cipriano Algor đã ngủ thiếp đi. Hai hàng lông mày nhíu lại biểu hiện nỗi bực bội, cứ như vừa ngủ ông vừa tự trách mình quá dễ ngủ, mà đáng ra phải thức để duy trì nỗi tức giận và buồn bực chán nản suốt ngày, đêm, buồn bực để chịu bằng hết nỗi sỉ nhục, giận dữ để có thể đương đầu được với nỗi khổ đau. Ngồi trơ ra như vậy, bị tước hết vũ khí, đầu ngoẹo ra phía sau, miệng hé mở, thất thần, đó là hình ảnh đau đớn của một người bị bỏ rơi không phương cứu chữa, như một bao hàng rách làm rơi vãi hàng dọc suốt đường đi. Marta chăm chú và say mê nhìn cha, và nghĩ thầm, Đây là người cha già của mình, mà theo những lời khẳng định hơi quá nhưng có thể chấp nhận được của những người đang ở buổi bình minh đầu tiên của tuổi cao thì một người sáu mươi tư tuổi, tâm hồn chỉ hơi bị héo quắt như người đang được thấy ở đây, thì không thể gọi một cách dễ dàng là người già được, đó chẳng qua là thói quen của cái thời mà người ta bắt đầu rụng răng từ khi mới ba mươi lăm tuổi, và bắt đầu có nếp nhăn từ khi mới hai mươi lăm tuổi, còn hiện nay, tuổi già, thực sự là già, không thể chối cãi được nữa, không còn cách nào khác, kể cả giả vờ, làm dáng, chỉ bắt đầu từ tám mươi tuổi, thực xứng đáng với cái tên gọi khi chia tay. Chúng ta sẽ ra sao nếu đúng là Trung tâm không mua hàng nữa, ta sản xuất đồ gốm sứ cho ai đây nếu chính Trung tâm là kẻ áp đặt thói quen tiêu dùng cho mọi người, Marta tự hỏi, không phải tay trưởng phòng là người quyết định giảm khối lượng hàng tiêu thụ xuống còn một nửa, mệnh lệnh chắc chắn từ cấp trên ấn xuống, mệnh lệnh là của những người lãnh đạo cấp cao hoàn toàn thờ ơ với việc có cần tồn tại hay không một thợ gốm nữa ở trên đời này, chuyện vừa xảy ra có thể chỉ là bước đầu tiên, bước thứ hai có thể là chấm dứt vĩnh viễn việc thu mua đồ gốm, chúng ta phải chuẩn bị cho thảm cảnh này, đúng, phải chuẩn bị sẵn, nhưng mình đã muốn biết làm sao chuẩn bị đập một nhát búa vào đầu, và khi người ta cất nhắc Marçal làm bảo vệ nội bộ trong biên chế, mình sẽ làm gì với bố đây, để ông một mình ở nhà không việc làm thì không thể được rồi, không thể được, đứa con gái bất nhẫn, hàng xóm láng giềng sẽ rủa như vậy, tệ hơn nữa là chính mình tự trách mình, mọi việc sẽ khác nếu mẹ còn sống, bởi vì, đối với những gì người ta thường nói, hai điểm yếu không làm thành một điểm yếu lớn hơn, mà làm nên một sức mạnh mới, có thể điều này không đúng và cũng có thể chưa từng có bao giờ, nhưng cũng có trường hợp chuyện này xảy ra, không, bố ơi, không, bố Cipriano Algor ạ, khi con đi khỏi nơi này bố phải đi theo con, dù con phải dùng sức mạnh ép bố đi, con không nghi ngờ gì chuyện một người có thể sống cô độc, nhưng con tin chắc rằng người đó sẽ bắt đầu chết chính lúc khép lại cánh cửa nhà mình. Như bị ai kéo mạnh tay, hoặc nghe thấy người ta nói về mình, Cipriano Algor bỗng mở hai mắt và ngồi thẳng người dậy trên ghế xích đu. Đưa hai bàn tay lên xoa mặt và như cử chỉ của đứa bé bị bắt lỗi, ông nói thầm thì, Bố ngủ quên mất. Ông luôn nhắc lại câu, Bố ngủ quên mất, khi chợt tỉnh sau những giấc ngủ chớp nhoáng trước may vô tuyến truyền hình. Nhưng tối nay không giống như những tối khác, nên ông phải bổ sung thêm, Gía mà bố không tỉnh dậy thì có lẽ tốt hơn, ông nói thì thầm, ít nhất, trong khi ngủ, bố vẫn là người thợ gốm có công ăn việc làm, Chỉ có khác là công việc trong giấc ngủ thì không làm ra sản phẩm, Marta nói, Cũng giống hệt như trong cuộc sống tỉnh táo thôi, con làm việc, làm việc và làm quần quật, rồi một ngày tỉnh dậy sau giấc mơ này hay sau cơn ác mộng, chẳng làm được trò trống gì, Có dùng được, có chứ, bố à, Cũng như vô dụng mà thôi, Hôm nay bố con mình có một ngày tệ hại, ngày mai chúng ta sẽ bình tâm suy nghĩ xem có cách nào thoát ra khỏi khó khăn này không, Ừ, phải đấy, chúng ta sẽ xem xét, chúng ta sẽ suy nghĩ. Marta đến gần, hôn bố thân thiết, Bố đi ngủ đi, đi đi nào, và chúc bố ngủ ngon nhé, cho đầu óc này nghỉ ngơi đi đã. Đến trước cửa phòng ngủ, Cipriano Algor dừng lại, ngoảnh lại, hơi chút chần chừ rồi mới nói cứ như để tự trấn an bản thân mình, Có lẽ ngày mai Marçal sẽ gọi điện về, có lẽ báo cho chúng ta một tin tốt đẹp. Ai mà biết được, hả bố, ai mà biết được, Marta trả lời, anh ấy nói với con là sẽ hết sức cố gắng, đó là quyết tâm của anh ấy. Ngày hôm sau Marçal không gọi điện về nhà. Hết ngày hôm đó, vốn là thứ Tư, thứ Năm trôi qua, thứ Sáu qua đi, thứ Bảy và Chủ nhật trôi qua, và mãi đến ngày thứ Hai, gần một tuần lễ sau nỗi nhục của nghề gốm sứ, điện thoại mới reo vang trong nhà của Cipriano Algor. Trái với những gì đã nói, người thợ gốm đã không đi một vòng ra các vùng xung quanh để tìm nguồn tiêu thụ mới. Ông dùng những ngày khốn khó của mình để làm những việc lặt vặt, có những việc vô tích sự như kiểm tra quét dọn tỉ mỉ chiếc lò nung, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từng mối nối một, từng viên ngói một, cứ như đang chuẩn bị cho một mẻ nung lớn nhất trong lịch sự của xưởng gốm vậy. Ông nhào một mẻ đất mà con gai cần dùng, nhưng trái với thái độ chăm chút đối với chiếc lò nung, ông nhào đất một cách cẩu thả đến nỗi Marta phải lén làm lại cho nó nhuyễn hơn. Ông chẻ củi, dọn dẹp khu đất trống, và nhưng chiều, lúc mưa bụi buồn chán suốt ba tiếng đồng hồ liền, ông ngồi trên thân cây dưới mái nhà kho lúc thì nhìn ra phía trước với vẻ chăm chú của người mù biết là chẳng thấy gì nếu quay đầu về hướng khác, nhiều khi lại tự ngắm những đường chỉ trong lòng hai bàn tay mở rộng của mình, cứ như khi ta đang đứng trước ngã tư, xem đường nào ngắn nhất hoặc đường nào dài hơn, để đi tuỳ theo mức độ vội vã hay thảnh thơi mà ta có để đến nơi cần đến, cũng không quên trường hợp có ai hoặc chuyện gì thúc ép ở sau lưng hay không mà không biết vì sao và đâu là nơi ta phải đến. Buổi chiều hôm đó, khi trời tạnh mưa, Cipriano Algor đi xuống con đường mòn dẫn ra quốc lộ mà không biết rằng cô con gái đang đứng ở cửa xưởng gốm dõi nhìn theo mình, nhưng bản thân ông không cần nói đi đâu và cả con gái cũng chẳng cần ông nói ra điều đó. Bố là người đàn ông cố chấp, Marta nghĩ, đáng lý ông phải đưa xe hòm đi, trời có thể mưa bất chợt. Lo lắng của Marta là lẽ tự nhiên của người con gái, bởi vì, khác hẳn những gì người ta thường hay nói quá về điều ngược lại, đúng là trời chẳng có gì đáng tin cậy cả. Tuy vậy lần này, mặc dù cơn mưa phùn vẫn đổ xuống đầy trời, nhưng không đến nỗi làm ướt đẫm người, nghĩa trang của thị trấn rất gần, ngay cuối một trong những dãy phố cắt ngang quốc lộ, và Cipriano Algor, dù ở độ tuổi khá cao nhưng vẫn giữ được những bước đi dài, nhanh nhẹn mà những người trẻ hơn khó theo kịp. Già hay trẻ thì hôm nay cũng chẳng có ai nhờ ông chở hàng. Dù Marta có khyên nhủ ông mang theo xe đi thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì để đi đến các nghĩa trang, nhất là các nghĩa trang ở làng quê thanh bình, yên ả thì bao giờ ta cũng phải đi bộ, không chỉ đơn thuần là chuyện bắt buộc, mà vì tôn trọng ý muốn được thoả thuận của người đời, dù sao đi nữa, đã có biết bao người đi bộ hành hương chỉ để viếng hài cốt vị thánh, thì chẳng có lý gì mà ta lại làm cách khác để đi đến một nơi mà mình biết trước sẽ gợi nhớ bao kỷ niệm của bản thân và có khi còn làm ta rơi lệ nữa. Cipriano Algor đứng lặng mấy phút trước mộ của vợ, phải để đọc kinh mà ông đã quên lãng, cũng chẳng phải để cầu xin bày ấy đang ở trêntm cao, nếu như nhờ công đức mà bà đã được lên đến đó, can thiệp với người mà theo nó nta mới có thể làm được mọi chuyện, thực ra lúc này ông chỉ muốn nói với vợ nỗi bất bình của mình. Điều mà họ làm với anh thật là bất công quá, Justa ạ, họ đã đùa giỡn với công sức của anh và của con gái chúng ta, họ nói rằng đồ gốm sứ không còn đáng quan tâm đến nữa, rằng bây giờ chẳng có ai muốn sử dụng chúng, chính vì vậy giờ đây bố con anh cũng trở thành người thừa rồi, bố con anh như những chiếc dĩa vỡ không đáng để người ta mất thời gian hàn gắn lại khi còn sống, em đã gặp may. Trên những con đường nhỏ hẹp đầy cát mịn của nghĩa trang có những vũng nước nhỏ, cỏ hoang mọc khắp nơi, chẳng cần đến một trăn năm để ở gcòn biết ai đã bị đưa xuống nằm dưới những đống đất ngập bùn này, và mặc dù người ta có biết đi nữa thì cũng khó mà tin được rằng họ thực sự quan tâm đến kẻ nằm dưới mộ, ai đó đã nói rằng, những người chết giống như những chiếc dĩa đã vỡ chẳng đáng dùng những sợi thép cũ móc lại làm gì, không thể nối lại những gì đã vỡ và đã chia lìa, hay nói cách khác, ký ức và nỗi nhớ thương chẳng thể nối lại được cuộc sống của người đã chết. Cipriano Algor tiến gần đến mộ của vợ, đã ba năm rồi bà nằm dưới đó, đã ba năm rồi bà không còn xuất hiện ở bất cứ đâu nữa, không ở trong nhà, không ở xưởng gốm, không nằm trên giường, không ngồi dưới bóng cây dâu, cũng chẳng dưới ánh nắng chói chang thiêu đốt ngoài mỏ đất sét, không thấy quay lại ngồi bên bàn ăn, hay ở bên lò nung, không cào tro ra, cũng không lật lại những sản phẩm phơi đã khô, không gọt khoai tây, không nhào đất, không nói, Mọi chuyện là như thế, Cipriano ạ, cuộc đời chỉ cho anh có hai ngày thôi, và có bao nhiêu người chỉ sống được có một ngày rưỡi thôi và bao người khác còn không có được từng ấy thời gian sống, anh thấy rồi đấy, chúng ta không thể than phiền gì được. Cipriano Algor chỉ đứng có ba phút, ông có đủ trí thông minh để khỏi nghe nó nta nói rằng điều quan trọng không phải là đúng ở đó, cầu nguyện hay không cầu nguyện, để nhìn một nấm mộ, điều quan trọng là đã đến, điều quan trọng là con đường đã làm, thời gian đã đi, nếu có ý thức kéo dài việc nhìn ngắm chính là vì bạn tự ngắm mình hoặc tệ hơn nữa là vì để người ta nhìn ngắm bạn. So với tốc độ nhanh thức thì của ý nghĩ, vốn chạy thẳng băng thậm chí cả khi không nhận ra hướng bắc, vì nó chạy theo mọi hướng, và như ta vừa nói, so sánh với ý nghĩ thì từ ngữ đáng thương bao giờ cũng cần xin phép một chân mới có thể làm cho chân kia đi được, và thậm chí thường gặp trở ngại, nỗi nghi ngờ, đắn đo, nó còn phải dừng lại lẩn quẩn nhưng một tính từ, một thì của động từ, đó chính là lý do mà Cipriano Algor không có đủ thời gian để nói với vợ tất cả những gì mình suy nghĩ trong đầu, những câu như: điều mà họ làm với anh thật bất công quá, Justa ạ, nhưng cũng khá đầy đủ những gì ông đã định nói với vợ trong tiếng nói thì thầm mà bây giờ chúng ta đang nghe thấy khi ông đi trên đường quay ra khỏi nghĩa trang. Khi sắp ngừng nói thầm, ông bỗng đi qua một người phụ nữ vận đồ tang đang đi vào, bao giờ cũng có người vào kẻ ra, bà ta nói, Xin chào ông Cipriano, hành vi tôn trọng người khác là tỏ sự chênh lệch về thế hệ và cũng là thói quen ở nông thôn, và ông liền đáp lại, Xin chào, ông không nhắc tên bà ta không thành phố flà không biết mà có lẽ ông nghĩ rằng người phụ nữ đang chịu tang chồng này chẳng can dự gì vào những sự kiện đen đủi sắp tới, mặc dù đúng là bà ta có ý định ngày mai đến xưởng gốm mua một cái bình, theo như lời bà ấy nói, Ngày mai tôi sẽ đến mua một cái bình, nhưng cầu trời là nó phải tốt hơn cái cũ rồi, khi tôi vừa cầm lên thì trên tay chỉ còn có chiếc quai, nó đã vỡ tan từng mảnh làm nước bắn tung toé ra khắp nhà bếp, ông thử hình dung cảnh tượng khó chịu đến mức nào, thành thật mà nói, đúng là cái bình đáng thương đó cũng đã nhiều tuổi rồi, và Cipriano Algor đáp lại, Xin mời bà đến xưởng gốm, tôi sẽ đưa cho bà chiếc bình mới thay cho chiếc đã vỡ, và bà không phải trả tiền đâu, đó là quà tặng của xưởng gốm. Ông nói vậy vì tôi là bà goá phải không, người phụ nữ hỏi, Không, sao bà lại có ý nghĩ như vậy được chứ, đó chỉ là một cách chào hàng thôi mà, không có ý nghĩa gì khác cả, chúng tôi đang có nhiều bì nh mà có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi làm nữa. Dù sao đi nữa thì tôi cũng xin cảm ơn, ông Cipriano Algor ạ, Không dám ạ, Một chiếc bình mới cũng là một vật phẩm đấy chứ. Đúng thế, nhưng chỉ là một vật mà thôi, Thế thì hẹn mai gặp lại nhé, Xin chào, ngày mai gặp lại. Vậy là, ý nghĩ chạy song song khắp các hướng, như trên đã giải thích rõ và đi, song hành là những tình cảm, nên ta cũng đừng ngạc nhiên khi biết rằng niềm hân hoan của bà goá vì sẽ được nhận một chiếc bình mới mà không phải trả tiền đã làm dịu bớt trong chốc lát nỗi đau khổ mà trước đó bà phải chịu đựng trong buổi chiều buồn bã khi rời khỏi nhà đi thăm nơi cư ngụ vĩnh hằng của người chồng. Rõ ràng là chúng ta thấy bà đang dừng lai ở cổng nghĩa trang, trong lòng khấp khởi niềm vui của người nội trợ sắp được nhận món quà bất ngờ, tuy không thể không đi tiếp đến nơi mà nghĩa vụ để tang bắt buộc bà phải nd, nhưng ở đó có lẽ bà sẽ khóc than ít hơn dự kiến ban đầu. Trời chiều đang dần dần sẩm tối, bắt đầu xuất hiện ánh đèn chập chờn ở các ngôi nhà xung quanh nghĩa trang, nhưng hoàng hôn chắc còn phải kéo dài thêm một lúc nữa đủ cho người phụ nữ cầu nguyện xong mà không phải sợ hãi trước những ánh ma trơi hay những linh hồn đau khổ mà bà mong ước cho chúng mãi được bình an nơi thế giới bên kia. Khi Cipriano Algor rẽ vào cuối làng, nhìn về phía xt gốm thì thấy ánh đèn phía ngoài đã sáng lấp lánh, đó là loại đèn dầu kiểu cũ bằng kim loại được treo trên cửa nhà, và mặc dù không đêm nào không được thắp lên, nhưng lần này ông bỗng thấy trái tim rung động, tâm hồn được bình yên, cứ như căn nhà đang nói với bản thân ông, Tôi đang chờ ông chủ về đây này. Những giọt nước nhỏ bé, mỏng tang, đậm hương vị của khí trời rơi nhè nhẹ trên mặt ông, nhưng còn lâu chiếc cối xay mây mới bắt đầu nghiền và tung ra những hạt nước đủ độ ẩm để làm mọi vật không thể khô ráo ngay được. Có thể là do buổi chiều bình lặng hoặc do cuộc viếng thăm hồi tưởng đến nghĩa trang, hoặc thậm chí do lòng hào phóng đã cho người phụ nữ goá bụa chiếc bình mới mà lúc này Cipriano Algor thấy trong lòng không vướng bận gì chuyện được hay mất trong công việc nữa. Vào những thời khắc như thế, khi bạn đi trên nền đất ẩm ướt và đầu bạn rất gần với lớp da đầu tiên của bầu trời, thì hầu như không ai có thể nói với bạn chuyện vô lý rằng bạn hãy mang nửa lô hàng về đi hoặc rằng con gái bạn sắp để bạn sống một thân một mình rồi đấy. Người thợ gốm đi đến đoạn cuối của con đường và hít vào thật sâu. Cắt ngang giữa bức rèm mây xám, cây dâu trông đen hẳn lên. Ánh sáng của ngọn đèn dầu không toả đến được tán cây, thậm chí chỉ chiếu rọi được thấp thoáng những cành lá thấp nhất, chỉ có những vệt sáng yếu ớt trải thảm mặt đất gần đến gốc cây to. Chiếc chuồng chó cũ kỹ vẫn ở đó, mấy năm năm trống không, từ khi kẻ cư ngụ cuối cùng chết trong vòng tay của Justa và bà nói với chồng, Từ nay trở đi em không muốn có thêm một con vật như thế này ở trong nhà mình nữa đâu nhé. Ngay lối ra vào của chiếc chuồng có điểm sáng lay động rồi biến mất ngay. Cipriano Algor muốn biết đó là gì, liền tiến lên mấy bước và cúi gập mình xuống nhìn. Phía trong tối đen. Ông hiểu ra là mình đã che mất ánh đèn, liền đứng dịch sang một bên. Hoá ra có hai điểm sáng lấp lánh, hai con mắt, một con chó. Có khi là một con cầy đốm, nhưng có lẽ là một con chó thì đúng hơn, người thợ gốm thâm nghĩ, và chắc là ông đã đúng, về loài chó săn thì ở vùng này không còn dấu vết gì nữa rồi, và những con mắt của loài mèo, dù là loại hiền lành hay hoang dã, mà ia cũng phải biết rõ, thì bao giờ cũng là mắt mèo, trong trường hợp tệ hại nhất dễ làm cho người ta lẫn lộn với mắt hổ, nhưng đương nhiên một con hổ trưởng thành không thể nào chui lọt vào trong chiếc chuồng chó cỡ này được. Khi vào nhà, Cipriano Algor không hề nói gì về chuyện mèo hay hổ, cũng như một lời nào về chuyến đến nghĩa trang về về chuyện hứa cho người phụ nữ đang để tang chiếc bình mới, ông hiểu chưa đến lúc bàn về chuyện này, điều duy nhất mà ông nói với con gái là, Này, ở ngoài kia có con chó đấy, ông ngừng lại như đợi câu trả lời, rồi nói tiếp, Ở phía dưới gốc cây dâu, trong chuồng chó ấy. Marta vừa tắm vừa thay quần áo, đang ngồi nghỉ ngơi mấy phút trước khi chuẩn bị bữa tối, nên không sẵn sàng chú ý đến những gì xảy ra bên ngoài nơi có những con chó bị lạc hay chó hoang đến cư ngụ. Tốt hơn hết là cứ để nó ở đấy, bố ạ, nếu không phải là loại thú thích đi lang thang ban đêm, thì sáng mai nó sẽ đi khỏi đây, cô nói, con xem còn có thứ gì ăn được ở trong bếp mà có thể cho nó nữa không, người bố hỏi, Một ít đồ thừa bữa trưa, một vài mẩu bánh mì, còn nước nó chẳng cần đâu, từ trời rơi xuống bao nhiêu từ chiều đến giờ rồi, Bố sẽ mang ra cho nó, Tuỳ bố, nhưng bố chú ý đừng để cửa mở nhé, Bố cũng định như vậy. Marta cho số xúp thừa của bữa trưa vào một chiếc đĩa cũ ở dưới ngạch cửa, bópvụn thêm vào đó mẩu bánh mì cứng và trộn thêm nước xốt, Bố ơi, đây rồi này, và bố nhớ là đây chỉ là khởi đầu thôi. Cipriano Algor cầm lấy chiếc đĩa và khi đã bước một chân ra khỏi cửa be6’p thì nghe tiếng cô con gái hỏi, Bố co ‘nhớ là khi con chó Constante bị chết mẹ đã nói không bao giờ còn muốn nuôi chó ở trong nhà nữa không, Bố nhớ chứ, có mà, nhưng bố bảo đảm là nếu mẹ còn sống thì không phải bố là người mang thức ăn này ra cho cái con chó mà mẹ chẳng thích thúgì kia đâu, Cipriano Algor trả lời, và đi ra mà không kịp nghe những tiếng thì thầm tiếp theo của con gái, Có lẽ bố đã nói đúng. Trời lại mưa, vẫn là cơn mưa phùn dối trá, vẫn là những hạt mưa bụi nhảy nhót và làm lẫn lộn mọi khoảng cách xa gần, thậm chí hình ảnh nhờ nhờ của lò nung hình như cũng nhất quyết lùi ra chỗ khác, và chiếc xe hòm có dáng vẻ một chiếc xe tang hơn là một chiếc xe có động cơ mạnh mẽ, mặc dù không phải là kiểu xe hiện đại như ta đã biết rõ. Dưới bóng cây dâu, nước trượt trên những chiếc lá thành những giọt to, phân tán, bây giờ một giọt, đây đó giọt khác, bay tung lên không trung, cứ như các quy tắc về thuỷ lực và về dòng chảy của dòng nước tuy co giá trị ở chỗ khác nhưng không áp dụng được ở tán cây này. Cipriano Algor để dĩa thức ăn xuống dưới đất, lùi lại ba bước, nhưng con chó vẫn không ra khỏi chỗ trú ẩn, Nó không thể không bị đói được, người thợ gốm nhủ thầm, hoặc nó thuộc một trong những con chó có tự trọng, có thể mày không muốn tao nhìn thấy mày đang đói ngấu. Ông chờ mấy phút, sau đó quay lưng đi khỏi và bước vào nhà, nhưng không đóng kín cửa. Nhìn qua chấn song sắt không được rõ lắm, nhưng vẫn phân biệt rõ một con chó màu đen chui ra khỏi cửa chuồng và tiến đến đĩa thức ăn, và ông cũng nhận ra con chó, đúng là chó chứ không phải là hổ hay là mèo, trước hết ngước nhìn về phía căn nhà rồi sau đó mới cúi xuống đĩa, cứ như muốn nói lời cảm ơn với người chủ đã bất chấp mưa gió, đi ra ngoài trời, làm tan cơn đói cho nó. Cipriano Algor đóng cửa để đi vào bếp. Nó đang ăn, ông nói, nếu đói ngấu thì nó sẽ ăn hết ngay bây giờ, Marta mỉm cười trả lời, Đó là điều chắc chắn, người bố cũng mỉm cười nói, Những con chó bây giờ cũng giống những con chó trước đây. Bữa tối rất đơn giản, chỉ một lúc sau đã được dọn lên bàn. Ngồi xuống, Marta mới nói, Thêm một ngày nữa mà chẳng có tin tức gì của anh Marçal, con không hiểu tại sao anh ấy không gọi điện về nhà, ít nhất cũng một lời, chỉ một lời là đủ, có ai yêu cầu anh ấy phải nói cả một bài diễn văn đâu. Có lẽ nó chưa nói chuyện được với tay trưởng phòng. Thì anh ấy cứ nói thẳng chuyện đó với bố con mình, Ở đó mọi chuyện đâu có dễ dàng gì, con biết rõ rồi còn gì, người thợ gốm nói, giọng mềm mỏng đến bất ngờ. Cô con gái ngạc nhiên nhìn ông, lạ không chỉ ở giọng nói, mà trước hết ở ý nghĩa mấy từ ngữ vừa rồi. Trước đây, chẳng mấy khi bố bênh vực hoặc cãi hộ anh Marçal, cô nói, Bố vẫn coi trọng nó, Bố sẽ coi trọng anh ấy, nhưng bố không coi chuyện đó là nghiêm túc, Người mà bố chưa thấy nghiêm túc chính là người bảo vệ đang trở thành một anh chàng đáng mến, dễ thương mà con đã quen biết, Bây giờ anh ấy là một đáng mến, dễ thương, và nghề bảo vệ cũng có một lối sống không kém trung thực và đáng kính trọng như bất cứ một nghề nào khác, Không giống như nghề khác đâu, Khác nhau thế nào ạ, Sự khác nhau chính ngay ở Marçal, như bố con mình biết lúc này, đó là một người bảo vệ chính hiệu, bảo vệ từ chân đến đầu, và bố còn ngờ rằng, bảo vệ đến tận con tim nữa đấy, Bố ơi, xin bố đừng nói như vậy về người chồng của con gái mình, Con có lý, bố xin lỗi, hôm nay không phải là ngày để trách móc và buộc tội lẫn nhau, Tại sao là ngày hôm nay ạ, Bố đã đi ra nghĩa trang, bố đã tặng cho bà hàng xóm một chiếc bình và chúng ta có một con chó ngoài kia, đó là những sự kiện rất quan trọng đối với họ đấy. Chuyện chiếc bình là sao vậy, Bà ta chỉ giữ được cái quai, còn chiếc bình đã vỡ tan tà nh. Đó là chuyện vẫn thường xuyên xảy ra, chẳng có vật gì tồn tại mãi được, Nhưng bà ta đã khôn ngoan thú nhận đó là chiếc bình cũ rồi, và vì vậy bố thấy nên cho bà ta một chiếc mới, chúng ta có thể đoán là chiếc bình kia bị lỗi trong quá trình sản xuất, hoặc cũng chẳng cần đoán làm gì, tặng thì là tặng thôi, chẳng cần giải thích dài dòng làm gì. Ai là bà hàng xóm vậy bộ Đó là Isaura Estudiosa, bà bị goá chồng từ mấy tháng nay ấy mà, Bà ấy còn trẻ đấy, Bố không hề có ý định tục huyền nữa đâu, đó là điều con đang suy nghĩ trong đầu, Đúng là con vừa thoáng nghĩ đến điều đó đấy, tuy chưa biết chắc, nhưng có lẽ cũng nên là như thế đấy, đó là cách thức để bố khỏi ở một mình, vì bố cứ nhất định không chịu đi với chúng con đến sống ở Trung tâm, Bố nhắc lại là không hề có ý định tục huyền, nhất là với người đàn bà mới gặp lần đầu, về những chuyện khác, bố đề nghị con không được làm rối ren buổi tối nay nữa. Con có muốn thế đâu, con xin lỗi bố. Rồi Marta đứng dậy, thu dọn đĩa và thìa nĩa, gấp khăn trải bàn và khăn ăn hàng hiệu, sẽ rất nhầm nếu ai đó tin rằng đồ đạc của người thợ gốm, nhất là ở những thị trấn bé nhỏ và hẻo lánh như thế này là không thể phù hợp với thói quen tiêu thụ tinh tế và đầy óc thẩm mỹ của tầng lớp cao hiện nay, họ nhầm nghĩ rằng người thợ gốm sinh ra đã mang sẵn sự ngu muội và hoang dã của tổ tiên, nhưng những người trong dòng họ Algor rất chịu khó học hỏi, tiếp thu tốt những gì được học và vì thế sử dụng kiến thức đó để học tiếp tốt hơn, và Marta là thế hệ cuối cùng lại được tiếp thu những thành quả của sự phát triển và may mắn hơn nữa là đã được đi học ở thành phố vốn thuận lợi hơn nhiều so với những làng mạc đông dân này. Và cuối cùng cô cũng quyết định trở thành thợ gốm là ví ý thích và nguyện vọng tha thiết của một thợ làm khuôn và chế tạo. Một lý do cũng anh hưởng đến quyết định này nữa là cô không có anh em trai để tiếp tục truyền thống của gia đình, và cũng không nên quên lý do thứ ba là tình thương yêu bố mẹ, cô không bao giờ tự cho phép mình bỏ bê chuyện chăm sóc cha mẹ khi họ đã về già. Cipriano Algor mở vô tuyến, nhưng rồi lại tắt ngay, nếu lúc này có ai bảo ông kể lại nội dung những gì đã xem và nghe trong khoảng thời gian giữa mở và tắt máy truyền hình, thì chắc chắn ông sẽ không biết trả lời ra sao, nhưng nếu câu hỏi là, Ông đang nghĩ gì mà có vẻ lơ đãng thế thì ông sẽ trả lời ngay, Không, thưa ông, sao ông lại có ý kiến như vậy được chứ, tôi có lơ đãng gì đâu, chỉ la1 để không phải thú nhận tình cảm trẻ con của mình vì đang lo lắng cho con chó, chẳng biết nó ở trong chuồng có ấm không, có thoả mãn cái bụng không, đã hồi phục được năng lượng chưa hay đang tiếp tục đi tìm thức ăn nhiều hơn hoặc đi tìm người chủ có nơi ở an toàn hơn trước những cơn gió lớn và mưa rơi dầm dề. Con đi về phòng đây bố ạ, Marta nói, con còn nhiều đồ phải may vá quá, nhưng chỉ làm trong hôm nay thôi, Bố cũng ngủ sớm thôi, người cha nói, chẳng làm được gì mà bố cũng thấy mệt mỏi quá, Bố đã nhào đất, đã kiểm tra lại lò nung, bố đã làm khối việc ra rồi còn gì, Con quá biết là ta phải nhào lại số đất kia, và lò nung chưa cần đến công việc của thợ nề, lại còn chưa cần đến sự chăm sóc của vú em, Ngày nào cũng cãi nhau, nhưng giờ thì không thế đâu nhé, khi những ngày sẽ đến cuối bao giờ chúng cũng đã có đủ hai mươi bốn giờ, kể cả khi những giờ đó rỗng tuếch chẳng có gì trong đó cả, nhưng đó không phải là trường hợp giờ và ngày của bố đâu, Marta, con là một triết gia về thời gian đấy, người cha nói, và hôn vào má con gái. Cô con gái cũng đáp lại tìnhtq của ông và mỉm cười nói, Bố đừng quên xem con chó của bố ra sao nhé, Vào lúc này nó vẫn chỉ là con chó qua đường mà thôi và coi cái chuồng đó là chỗ trú mưa tốt, có thể nó bị ốm hay bị thương, có khi nó có đeo chiếc vòng có khắc số điện thoại của người cần gọi, có lẽ là một người trong thị trấn, có thể là nó bị đánh nên bỏ trốn, và nếu là như vậy thì ngay sáng mai nó không còn ở đây nữa đâu, con biết rõ loài chó ra sao rồi, người chủ bao giờ cũng là người chủ kể cả lúc trừng phạt nó, vì vậy con đừng vội nói nó là của bố, thậm chí bố còn chưa nhìn thấy nó, không biết nó có thích mình hay không nữa, Biết nó thích hay không là chuyện khác, bây giờ con lại trở thành triết gia về tình cảm nữa cơ đấy, người cha nói, Giả dụ con chó ở lại thì bố định đặt tên cho nó là gì nào, Marta hỏi, Quá sớm để nghĩ đến chuyện đó, Nếu sáng mai nó còn ở đây, thì chính cái tên là những chữ đầu tiên mà con được nghe từ miệng của bố đấy, Bố sẽ không gọi nó là Chandinore, đó là một con chó đã không quay về với nữ chủ của mình và cũng không gặp lại được người chủ nếu nó quay về, có lẽ bố sẽ gọi con chó này bằng cái tên Perdido (bị lạc) tên này hợp với nó đấy, Có tên khác hợp với nó hơn nữa, Tên là gì ạ, La Achado (được tìm thấy), Achado không phải tên của một con chó, Tên Perdido cũng không phải, Ừ, bố thấy đó cũng rất hay, nó bị lạc và đã được tìm thấy, đó sẽ là tên của nó, Xin chào, hẹn bố đến sáng mai nhé, chúc bố ngủ ngon, Chào con, đừng khâu vá quá khuya nhé, phải chú ý đến đôi mắt đấy. Cô con gái đi về phòng, Cipriano Algor mở cửa ra vào, và nhìn về phía cây dâu. Trời vẫn mưa và ông không nhận thấy có dấu hiệu sự sống trong chuồng chó. Có lẽ nó vẫn ở trong đó, người thợ gốm tự hỏi. Ông tự cho mình cái lý giả tạo để đi ra tận nơi nhìn ngó xem sao, Chẳng cần thiết đâu, ướt hết thân mình chỉ vì một con chó hoang ư, một lần là đủ lắm rồi. Ông quay về phòng ngủ và lên giường nằm, nhưng còn đọc sách khoảng nửa tiếng nữa rồi mới ngủ lịm đi. Nửa đêm ông chợt tỉnh, bật đèn lên, kim đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi. Ông trở dậy cầm lấy chiếc đèn pin vẫn để trong hộp rồi mở cửa sổ. Trời đã tạnh mưa, ánh sao lấp lánh trên trời đêm đen. Cipriano Algor bật đèn pin và chiếu về phía chuồng chó. Ánh sáng không đủ mạnh để ông có thể nhìn thấy hết những gì có ở bên trong, nhưng Cipriano Algor không cần nhiều như vậy, hai điểm sáng là đủ rồi, hai con mắt, và nó vẫn ở đó.