iễm chạy ùa vào nhà, ríu ran như một chú chim sẻ non sau một ngày bay đi tự kiếm ăn về tổ tìm mẹ lúc trời nhá nhem chiều. Nhưng bây giờ mới là trưa thôi, trưa thứ bảy, trưa mùa thu, ngoài kia nắng vẫn còn gay gắt lắm. Bà bảo thầy đang nằm nghỉ trưa ở nhà trong. Mặc Hân loay hoay dựng chống xe và chào bà, Diễm đã vào đến chỗ thầy, lay lay thầy dậy. Thầy dụi dụi mắt, quờ tay tìm cái mắt kính dày cộp đeo vào, thấy Diễm, thầy cười. - Thầy ui, con về rồi nè. Con có quà mừng sinh nhật thầy nè! - Con đi đâu mà về? - Thầy tháo kính, lấy tay dụi dụi mắt lần nữa - Còn nhớ hả Ốc Tiêu? - Sao quên được thầy! Nhưng năm nào con cũng mừng sinh nhật thầy trễ đúng một ngày. Hì, tại năm nào con cũng kẹt công việc chứ bộ. Thầy coi đi thầy, dễ thương lắm! Diễm giục thầy mở gói quà ra. Thầy thì lúc nào lại chẳng chiều lòng đứa học trò cưng của mình. Con bé được thầy gọi là Ốc Tiêu từ hồi phổ thông lên đại học vẫn cao chừng đó, vẫn lém lỉnh và liến thoắng chừng đó, không lớn hơn chút nào cả. Con bé là đứa học trò nữ duy nhất được cái đặc quyền chạy long nhong từ nhà trên xuống nhà dưới rồi mệt quá, nằm ngủ một giấc no say trong phòng thầy, được má thầy may áo dài cho mặc đi học và nấu súp cho ăn, và được đứa cháu gọi thầy bằng cậu mê tít. Hai đứa nó mà gặp nhau là nhà không thể nào yên, nói cười, chạy nhảy, chộn rộn ồn ào như một cái trường mầm non. Con bé có cái chân đi, đi gần gần thôi, nhưng mà đi hoài. Lần nào về, con bé cũng lên nhà trình diện thầy kèm theo một thứ gì đó, ví dụ như vài cục đá ngộ nghĩnh nhặt ở biển, vài mẫu lá cây ép khô đặc trưng của rừng và dạo sau này, lúc con bé cầm được cái máy cơ với ước mơ làm một nhiếp-ảnh-gia-ốc-tiêu thì quà cho thầy có khi là những bức ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt của người dân vùng đất con bé đặt chân đến. Quà sinh nhật năm nay Diễm tặng thầy là một đóa hoa san hô trắng, to gấp ba lần bàn tay xòe ra, vẫn còn khăm khẳm mùi biển. Thầy vừa ngắm nghía món quà vừa cười. Diễm thì líu lo kể chuyện cô nàng đã cùng Hân chạy xe máy đi về quãng đường Phan Rang - Cà Ná với tốc độ tám mươi cây số một giờ chỉ để rinh bó san hô này và đã ôm khư khư nó trong lòng khi ngồi xe băng đêm về lại thành phố. Diễm mới về Sài Gòn lúc trời tờ mờ sáng nay thôi, kịp ngủ một chút, ăn một chút rồi chạy lên nhà thầy ngay. Diễm tiếp tục say sưa về những điều trông thấy, những điều thú vị và say sưa cả với những câu than thở về tình hình đất nước như những nhà nghiên cứu thực thụ. Thầy đã ngồi dậy, hai thầy trò đi ra nhà ngoài, thầy hỏi: - Con đi gì lên đây? Tiếng bà từ nhà ngoài vọng vào: - Nó bắt thằng Hân chở lên rồi bắt thằng nhỏ ngồi đợi ngoài này nè! Thầy kéo ghế ngồi, giọng hỏi thăm đầy thông cảm: - Hân mới về hồi sáng luôn hả? Còn mệt không? Hân xui rồi, bị con Ốc Tiêu của thầy đì. Chắc kiếp trước có lỗi nặng lắm... Thầy nói chưa dứt câu thì Hân đã nheo mắt tinh nghịch tiếp lời: - Có lỗi với vợ phải không thầy? Cả bà và thầy đều cười. Diễm bí mật liếc xéo và đưa bàn tay hình nắm đấm về phía Hân rồi phản đòn: - Tất cả chúng ta đều là những kẻ sai vặt của cuộc đời này, thầy ạ! Huyên thuyên kể chuyện trên trời dưới đất với bà thêm một lát nữa rồi Diễm đứng dậy, khoanh tay chào bà, chào thầy rồi về. Thầy muốn giữ hai đứa lại ăn cơm nhưng Diễm khăng khăng về. Sau một cuộc hành trình dài, đặt chân lên đất Sài Gòn là bình yên một phần tư, chui vô căn nhà thân yêu của mình, bình yên thêm một phần tư, gặp được thầy rồi, lại bình yên thêm một phần tư nữa. Tổng cộng là ba phần tư rồi nhé, chờ chiều nay ba má đi làm về, ăn bữa cơm gia đình nữa thì bình yên trong Diễm mới trọn vẹn. Bây giờ phải về nhà ngủ một giấc thật say để chiều nay tươi tỉnh chào đón trọn vẹn bình yên chứ! Định bụng vậy đó, nhưng sao mà Diễm không buồn ngủ chút nào hết, lòng cứ chộn rộn những... hình như là niềm vui. Ngồi sau xe Hân, Diễm lại bắt đầu những câu chuyện rời rạc quen thuộc, những câu chuyện thi vị, ngây ngô Hân nghe hoài, nghe hoài mà vẫn không chán. Hân lắng nghe những câu chuyện nho nhỏ Diễm kể tùy hứng rồi Hân dần dần ghép nối chúng lại với nhau, hình dung thêm một chút là cơ bản phác họa được những ngày tháng trước khi Hân gặp Diễm ở trường đại học. Một ngày mùa thu không xưa lắm, lúc đó Diễm học lớp mười một, lon ton đi học đội tuyển môn địa lý. Trường mời thầy về dạy. Buổi học đầu tiên, Diễm cứ len lén nhìn thầy, bị thầy bắt gặp, lập tức cúi đầu vào trang sách giả đò chăm chỉ lắm. Chưa bao giờ Diễm gặp một người dáng vừa cao vừa ốm như vậy. Khuôn mặt cũng đặc biệt như dáng người, Diễm có cảm tưởng như đó là một hình trái xoan dài nhất mà trái xoan có thể dài được, có cả một bờ biển phẳng lì trên đỉnh đầu, trơ trọi vài lọn tóc. Trái xoan đó có hai cái vực mà sâu nhất là cặp mắt hấp háy, trên miệng vực là hai miếng ve chai dày cộm. Còn cái mũi nữa chứ, rất cao, chóp mũi nhọn hơi chúi xuống, nhìn giống như... bà tiên két trong phim Tiểu Long Nhân vậy. Không thể đoán ra tuổi của thầy, bốn mươi hay năm mươi, mơ hồ. Thỉnh thoảng lúc giảng bài thầy cười, trời ơi, thầy có răng khểnh, mà những hai cái ở hai bên của hàm trên mới ghê chứ. Ai mà làm vợ thầy chắc là phải can đảm lắm nhỉ! Cảm giác của Diễm lúc đó, chỉ một chữ diễn tả thôi: sợ. May là nỗi sợ ấy giống như mây khói mùa thu thôi, dễ bồng bềnh nhưng cũng tan rất mau. Buổi học thứ hai trở đi, Diễm đã hoàn toàn bị cuốn hút theo những lời giảng trầm ấm của thầy. Từ thuở hồng hoang, vỏ trái đất nâng lên hạ xuống hình thành châu lục và đại dương đến sự di chuyển của các dòng hải lưu và gió mùa... rồi tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam những năm gần đây... Diễm ngồi mê mẩn nghe cả buổi, không kịp chép bài, cũng không biết bên ngoài trời ầm ì mưa bão. Mỗi tuần học một buổi bốn tiết, hết giờ rồi mà cả bọn cứ ngẩn ngơ, hổng hiểu sao giờ học trôi qua nhanh vậy. Năm đó, Diễm rinh về một cái giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi địa lý. Thầy bận túi bụi nhưng luôn dành thời gian cho Diễm. Diễm hay ghé nhà thầy, thân với mọi người trong nhà thầy, buồn vui đều hót râm ran với thầy. Diễm biết mọi bí mật về thầy, kể cả chuyện bà phàn nàn vì đến giờ này thầy chưa chịu dắt cô nào về nhà cả. Chuyện lấy vợ của thầy là đề tài duy nhất làm bà nổi giận, còn lại thì thầy rất... ngoan. Thầy trò có nhiều tiết mục hấp dẫn lắm, đọc truyện tranh Xì trum, đi ăn tất cả những món mà thầy trò nghĩ ra, ngồi nhâm nhi cà phê. Mỗi lần Diễm mượn được chiếc xe cub của ba là chạy vèo qua nhà rủ thầy. Trăm lần như một, dù trưa nắng hay đêm giông bão, thầy cũng sẽ mặc một cái áo lạnh, đội nón, đem theo một cái áo mưa và chào bà: “Thưa má con đi!”. Lên lớp mười hai, Diễm không học đội tuyển địa nữa, thầy trò vẫn thân càng thân. Từ lúc Hân biết Diễm, Hân hay cùng Diễm lên thăm thầy và đi ăn uống bộ ba. Hân thấy mối quan hệ này dễ thương và hay hay. Sáng chủ nhật, Diễm lon ton lên nhà thầy. Chương trình hôm nay là chở thầy đi dự buổi tổng kết cuộc thi đố vui mà thầy là người cho đề và Diễm có chân trong ban tổ chức. Giấy mời đã gửi từ sớm, cả tuần nay không gặp thầy, chẳng biết thầy có nhớ không? Trời đất, nhà thầy lộn xộn kinh khủng, ngổn ngang thùng các tông và giấy tờ sách vở. Đứa cháu gái gọi thầy bằng cậu đang phụ mẹ nó dọn những chiếc thùng lên chiếc xe tải nhỏ trước cổng. - Đi thôi kẻo muộn thầy ơi! - Thầy bận lắm, không đi được đâu! Thầy sắp lấy vợ! Diễm sợ mình nghe nhầm hay thầy đang nói đùa cho vui, ngờ vực: - Thầy nói gì? - Thầy chuẩn bị đám cưới! Diễm quay sang bà. - Thiệt đó, có ai nói giỡn với con đâu! Thứ bảy tuần sau thầy cưới. Bận rộn muốn chết nè! Đến lúc này thì Diễm đứng chết trân, không biết phải suy nghĩ gì cho đúng, không biết phải tỏ thái độ thế nào mới phải. Bất ngờ quá, đau tim quá, Diễm... có nằm mơ cũng không hình dung ra được chuyện này. Trước đây, Diễm có nhen nhóm nghĩ tới, nhưng rồi lướt qua rất nhanh. Bao năm qua, Diễm điềm nhiên tung tăng tới lui căn nhà này và cảm thấy thoải mái đơn giản vì thầy là thầy và thầy là của lũ học trò, dĩ nhiên Diễm là đứa được cưng nhất. Kể từ bây giờ, thầy sẽ là của vợ thầy thôi, một người phụ nữ đã xuất hiện và hóa phép, thầy không còn là của lũ học trò, không còn là của Diễm nữa. Tự dưng Diễm thấy xót xa kinh khủng, như thể mình vừa mất đi một cái gì đó thân thuộc lắm. Cảm giác lồng ngực chật chội, cái gì đó đang lèn qua tâm mình và bứt rứt. Được một lúc rồi Diễm thấy mình vô duyên. Ơ hay, thầy lấy được vợ thì phải mừng cho thầy chứ, sao lại phân bì và ghen tị với cô? Ơ hay, Diễm vô duyên chưa! Thấy Diễm đứng bần thần, thầy bỏ tay đi vào nhà sau, phòng thầy, nơi mà ngày xưa Diễm có thể nằm ngủ một giấc tròn trước khi bà gọi dậy để ăn cơm. Diễm theo sau. Diễm nhìn thầy, cái nhìn trực diện, chờ đợi một ánh nhìn đáp trả chứ không len lén như ngày xưa. Thầy nói về cô, cô nhỏ tuổi thôi, cũng lý lắc và gương mặt trái xoan, cũng ôm ốm và hơi lùn, cũng biết chụp ảnh... Thầy còn nói nhiều nhiều, nhưng tai Diễm không còn nghe được. Nó lùng bùng, ngoài sự kiểm soát của Diễm rồi. Cuối cùng nó chỉ cho phép thêm một câu lọt vào: “Cô giống con lắm...”. Diễm quay mặt vô tường, cố kìm lại tất cả mọi thứ đang có khuynh hướng trào ra bất kể nó là cảm xúc, nước mắt, hay niềm vui, nỗi buồn. Im lặng. - Cô sẽ đứng vị trí thứ sáu. Thứ nhất là sách giáo khoa, thứ hai là sách giáo viên, thứ ba là công trình của bộ, thứ tư là công trình của sở và thứ năm là công việc của trường. - Vậy còn những người học trò cũ? - Đó là những khoảng trời riêng! Im lặng. - Thầy ơi, thầy có bình yên không? - Không, lòng thầy đang nổi sóng! - Lần đầu tiên, thầy trả lời “không” với câu hỏi này của Diễm. Im lặng. - Bây giờ thầy ghi chữ Ốc Tiêu vô thiệp nha! - Sao cũng được, thầy! - Nếu hôm nay con không ghé, khi nào thầy mới báo con biết hay thầy không nói luôn? - Thầy định thứ sáu sẽ gọi con. Thầy không muốn con chuẩn bị gì trước. Trên thiệp đủ cả họ và tên khai sinh của Diễm, bao năm rồi, thầy vẫn nhớ... Diễm chạy xe về mà có cảm giác mình đang bay. Những suy diễn có vẻ ích kỷ cứ lướt đi trong Diễm rồi lại giật thót, thấy mình vô duyên... Gọi Hân ra quán vì cần có người chia sẻ, Diễm từ tốn kể mọi chuyện, rồi kết luận gọn lỏn: rất buồn! Im lặng cả một buổi chiều. Hân nhìn Diễm rồi nhát gừng, rồi ấp úng, rồi cuối cùng cũng nói thành câu: - Diễm buồn vì thầy nói cô giống Diễm chứ gì? Thầy... yêu Diễm phải không? - Ha ha, chuyện này lớp Diễm đã nói trước Hân từ lâu rồi. Hân không hiểu Diễm... Diễm thở hắt ra, mệt mỏi và giận dỗi. Ánh mắt Hân tha thiết và chờ đợi, anh chàng chờ đợi ở Diễm điều gì? - Nếu Hân có một người cha thân thiết và đột ngột, cha của Hân đi lấy vợ. Tưởng tượng ra không? Hân sẽ biết cảm giác của Diễm lúc này. Hình như, chỉ hình như thôi, phía bàn đối diện của Diễm - Hân, vừa nhẹ nhõm một tiếng thở dài... Ba nói sẽ chở Diễm đi đám cưới thầy. Ông biết, người đó yêu thương con gái ông chẳng kém gì ông. Sẵn tiện nhìn mặt thầy luôn. Ông nghe con gái “quảng cáo” về thầy lâu rồi mà chưa có dịp gặp. Hôm đó, nhất định thầy sẽ rất đẹp và rất hạnh phúc. Còn Hân hứa sẽ chở Diễm đi mua quà cho thầy và đón Diễm về. Hân không cần hứa Diễm cũng tin là Hân không bỏ mặc Diễm mà. Buổi tối mùa thu đó, Diễm đã hai mươi tuổi, nhất định Diễm sẽ nói với Hân chuyện này, rằng một phần tư bình yên ở chỗ thầy, Diễm sẽ ký gởi qua Hân...