CHƯƠNG I (tt)

     heo quan niệm thông thường bây giờ, một tác phẩm văn chương có nhiều tình tiết chưa hẳn đã là một tác phẩm hay. Nhất là những tình tiết đó lại quá đặc biệt, quá éo le làm cho người đọc tưởng như thấy rõ có dấu vết bàn tay xếp đặt của tác giả. Sự kiện đó dễ đem lại cho tác phẩm cái tính chất giả tạo. Một người viết thông minh là một người biết khai thác cái hay trong những sự kiện thật bình thường, biết phân biệt “chi tiết” với những “tình tiết ly kỳ”. Chi tiết đem lại cho người đọc nhiều thông tin, nhiều cảm nghĩ, còn tình tiết ly kỳ thì chỉ có tính chất hấp dẫn nhất thời nhưng thiếu giá trị trường cửu.
Trở lại chuyện xích mích giữa tôi và Hòa về tác phẩm đầu tiên, khi đó tôi mới biết sự tự ái văn nghệ của con người ta to bằng cái đình. Cái gì do mình viết ra thì cứ tưởng đã là tuyệt đỉnh đáng nhất trần đời, và sự chủ quan nó làm che mờ cả sáng suốt, nên hễ ai đụng tới là sửng cồ lên muốn nhe nanh múa vuốt với kẻ phê bình mình ngay rồi. Cũng vì cái tính tự ái văn nghệ này mà bao nhiêu tình cảm tốt đẹp trong niên học giữa tôi và Hòa suýt nữa chỉ vì sự chỉ trích lẫn nhau mà đi tiêu luôn.
Nhưng may mà tuổi trẻ lại hay chóng quên, hình như tôi với hắn chỉ giận nhau đâu có mấy ngày. Sau đó mối liên lạc "văn chương" lại ràng buộc hai đứa với nhau. Số là hôm đó trên tấm bảng đen của nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh lại ra "thông cáo" mới: Thất Quốc Chí đã ra số 17, còn La Thông Tảo Bắc thì ra số 31.
Mọi ngày, tôi mua cuốn trên, Hòa mua cuốn dưới, xem xong thì trao đổi. Bây giờ giận nhau, kẹt quá chừng! Giờ vào lớp, tôi đã muốn làm hòa lắm rồi, nhưng còn đôi chút tự ái. Hòa hình như cũng vậy, và hắn ta lắm lúc ngập ngừng tính nói ra nhưng rồi lại ngần ngại. Tôi bỗng nẩy ra sáng kiến đem trưng tập Thất Quốc Chí lên mặt bàn. Hòa cũng rút ở hộc, đặt ra trước mặt cuốn Thất Quốc Chí. Hai đứa nghênh nhau rồi chợt cùng nhoẻn miệng cười. Thế là huề nhau dễ ợt!
Buổi chiều lúc tan học, tôi và hắn cặp tay nhau đi ở ven Hồ Gươm lại bàn chuyện sáng tác. Lần này chúng tôi ra thể lệ với nhau: Đọc tác phẩm của nhau thì đọc, nhưng chỉ được viết nhận xét ra tờ giấy riêng để "tác giả" đem về nhà đọc. Không chơi cái lối phê bình đốp chát ngay vào mặt nhau, dễ nộ khí xung thiên lắm.
Thế là đêm hôm ấy tôi lại hì hục thức đêm để sáng tác truyện mới. Lần này tôi mô tả một gia đình nghèo, có hai vợ chồng làm ăn vất vả để nuôi một đứa con. Nhưng thời buổi khó khăn, cả hai cùng thất nghiệp nằm nhà. Cảnh nheo nhóc đói khổ trở thành cơn đe dọa thường trực cho gia đình. Rồi khi bán hết đồ dùng đến không còn gì để bán thì hai vợ chồng ngã bệnh. Vừa lúc đó có người đến gọi người chồng đi làm phu hồ. Người chồng cố gượng dậy, đội mưa gió bão bùng để ra đi. Kết cục anh ta chết trên đống gạch xây cất vì kiệt sức. Tác phẩm của tôi dầy tới hơn 10 trang, chữ quều quào vì viết vội nhưng cũng đã xé mất non nửa cuốn vở ghi bài Cách Trí dùng trong lớp học.
Ngày hôm sau, tôi háo hức trao đổi tác phẩm với Hòa. Cả hai đứa bỏ cả giờ ra chơi để thưởng thức tài nghệ của nhau. Truyện của Hòa mang tên là Hạ Sơn, tả một tráng sĩ hạ sơn sau mười năm luyện kiếm. Trước tiên, tráng sĩ về thăm quê nhà, nhưng gia đình đã bị cướp (lại cướp!) phá tan nát từ một năm trước đó. Tức giận, chàng xông thẳng lên sào huyệt đánh phá tơi bời, trả được thù nhà rồi vác kiếm đi chu du khắp thiên hạ, chuyên làm việc nghĩa cứu người!
Cả hai đứa đều đọc xong lúc trống vào học, nhưng không một đứa nào hé miệng để "hỏi thăm tình hình"! Một phần sợ đối phương nói thẳng quá, mình không đủ bản lĩnh để gồng lên chịu trận. Một phần khác, luật lệ đã ra rồi thì phải tôn trọng chứ! Thành ra suốt buổi tan học hôm đó, đi thơ thẩn ven hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi chỉ nói chuyện vu vơ mà tuyệt nhiên không ai dám đả động gì đến chuyện sáng tác cả.
Mãi đến lúc chia tay, tôi mới dúi vào tay Hòa một mảnh giấy nhận xét mà tôi đã viết lén ở trong lớp:
" Truyện làng nhàng, đề tài cũ rích, không biết thoát ra khỏi cái vỏ kiếm hiệp thì không bao giờ khá được! Văn cũng xuôi xuôi, 3 điểm trên 10".
Kể ra lời "phê" của tôi cũng ác thật. Nhưng hai đứa đã ngoắc xẩu ngoắc xương rồi (tức ngoéo tay) là phải thành thực với nhau, không thành thực thì không tiến bộ được. Và tôi đã thành thực với Hòa đến mức viết những lời nhận xét như trên. Còn về phần Hòa, hắn cũng trao cho tôi một mảnh giấy còn bé hơn mảnh tôi viết cho hắn nữa. Bên trong vỏn vẹn chỉ có một câu:
" Thuổng ý truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng. Sổ toẹt! Zéro trên 10".
Thật đúng là bằng hắn tát xiếc vào mặt tôi! Hắn lại dùng chữ “thuổng” tức là hạ giá tôi xuống hàng đi “ ăn cắp văn”, như thế thì còn trời cao đất dầy gì nữa hả trời.
Tôi nhớ lại là khi đó tôi đã chết đứng như trời trồng, mảnh giấy của hắn tôi vo tròn trong lòng bàn tay. Trong đầu của tôi tràn đầy những ý nghĩ cứ thay đổi nhau như những ảnh chạy trên màn hình lúc phim bị đứt: khi thì tức tối, khi thì rủa xả thằng bạn bất nhân om sòm, khi thì lại thoáng nghĩ đến nội dung câu chuyện, mình đã viết thế nào để thằng bạn kia nó chơi cho một câu cạn tầu ráo máng đến thế.
Mà cái thằng sao thậm bất nhân. Truyện của nó đâu có hay ho gì mà mình cũng cho tới 3 điểm. Đằng này nó phang ngay một con Zia-rô to tổ bố thế kia thì còn trời đất nào nữa.
Và thế là bao nhiêu công trình đêm trước của tôi đi tiêu hết cả.
Tuy nhiên, khi trong lòng đã nguôi ngoai tức tối đi rồi thì tôi mới lại nhận thêm ra được một điều nữa là, có nhiều khi mình đọc tác phẩm của người khác, rồi nó vô đầu mình lúc nào không hay, để ít lâu sau khi viết, cái ý đó tự nhiên nẩy ra mà mình cứ tưởng là của mình, ai ngờ lại bị kết tội là đi thuổng ý của người khác. Thằng bạn của tôi không phải là không có lý khi đã dành cho tôi một bản án tầy trời như thế.
Khó thật! Con đường văn nghệ quả là chông gai và đối với tôi lúc đó thật xa tít mù tắp.
Ngày hôm sau, trên đường đến trường, những ý nghĩ của tôi về Hòa thay đổi luôn luôn. Có lúc tôi thấy hắn có lý khi hạ bút phê: "Sổ toẹt". Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi vẫn tức tràn hông vì thằng nhỏ chẳng nể tình bạn gắn bó bao nhiêu năm, lại cứ khơi khơi phang nhau bằng thứ ngôn ngữ nặng nề như thế.
Cho nên tôi đã rắp tâm sẵn sàng rồi. Khi gặp hắn, nếu hắn "nghênh" tôi, thì như thế là hết. Con đường văn nghệ đồng hành coi như chỉ ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Tôi sẽ không thèm về học chung một đường với hắn. Tôi cũng sẽ không xếp hàng vào lớp chung nữa. Tôi sẽ ngưng không cho hắn mượn truyện trong tủ sách của ba tôi mà tôi vẫn thường lấy lén đem đi. Tôi cũng sẽ không thèm "cọp giê" các bài toán khó mà bao giờ hắn cũng tìm ra đáp số trước tôi. Tôi sẽ…tôi sẽ...đủ thứ!
Nhưng bao nhiêu cái "sẽ" ấy vụt tiêu tan khi Hòa đón tôi ở cổng trường với nụ cười thật tươi. Khuôn mặt của hắn rạng rỡ. Ánh mắt của hắn thật sáng dưới vầng trán vừa cao vừa dồ. Hắn không có vẻ gì là khinh miệt tôi cả. Hắn lại cười trước với tôi. Như vậy chắc là hắn cũng đã thấy hối hận khi trao cho tôi mảnh giấy phê bình hôm trước. Vậy thì chẳng có lý do gì mà tôi giận được hắn. Thế là tôi cũng mỉm cười lại, chẳng chút giận hờn. May quá! Tình bạn vẫn còn y nguyên!
Hòa kéo tôi ngồi xuống bóng mát của một cây bàng rồi nói:
- Mình phải đổi phương pháp làm việc. Chứ giữa tớ và cậu, chẳng ai chịu ai. Viết hộc máu mồm suốt đêm, rút cục là bài đứa nào cũng bị sổ toẹt!
Tôi cãi:
- Cậu "sổ toẹt" tớ vô lý. Tớ thề với cậu là khi viết tớ không nhớ đến truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng một tí nào.
Hòa cười:
- Cậu thề với tớ thì được, nhưng làm sao cậu thề được với trăm ngàn độc giả nếu như tác phẩm của cậu được in ra. Chả lại lẽ ghi chú: "Thưa quý độc giả thân mến, tôi xin thề là tôi không thuổng cốt truyện này của ai".
Cơn tức lại nhen nhúm trong lòng, tôi gân cổ cãi:
- Ai thèm thuổng, truyện của người ta như thế mà nói là giống của Khái Hưng à?
Hòa vội xua tay:
- Thôi…chuyện ấy hãy bỏ qua không nhắc tới nữa. Vấn đề bây giờ là phải đổi cách làm việc thì mới tiến bộ được. Tớ đề nghị với cậu là từ nay viết thì cứ viết, nhưng chẳng ai có quyền chấm bài của ai. Mình ra một tờ báo. Bài anh nào viết xong cứ tương mẹ nó lên báo, chẳng ai có quyền kiểm soát ai. Hay hay dở, đã có “dư luận quần chúng” phê phán!
Ôi cha! Đó là một sáng kiến tuyệt vời mà bao lâu nay tôi chưa bao giờ nghĩ ra.
Phải rồi, người lớn có báo thì tại sao mình lại không có riêng một tờ cho mình nhỉ. Sáng tác ra bài nào, cứ chép vào giấy, rồi cũng trình bầy “cẩn tó’, cũng đánh số trang, cũng chia mục này mục kia, rồi vẽ thêm cái bìa nữa là ra dáng ngay… một tờ báo chứ gì!
Sáng kiến này của Hòa hay quá làm tôi quên giận và vội vã đồng ý ngay:
- Phải đấy. Mình ra một tờ báo viết tay, vui hơn nhiều. Lại có đầy đủ các tiết mục, tha hồ mà khuậy.
Thế là suốt buổi học hôm ấy cứ thầy Huỳnh ngơi mắt dòm ngó ra là tôi và Hòa lại chúi đầu vào nhau để bàn thảo cho chương trình ra báo. Tới giờ tan học, tôi và Hòa không về nhà ngay mà còn ghé vào chiếc ghế đá xi măng ở đền Bà Kiệu, gần Bờ Hồ để bàn thêm. Kết quả, tờ báo của chúng tôi thành hình như sau:
- Tên báo: Bút Học trò.
- Chủ Nhiệm: Thanh Phong Tử (tức là Hòa).
- Chủ bút: Thiện Tấn (tức là tôi, tên Nhật Tiến xếp lại lộn xộn thành Thiện Tấn, bắt chước theo kiểu nhà văn Khái Hưng, xếp lộn xộn lại từ tên thật của ông là Khánh Giư mà ra).
- Biên tập viên: Huyền Minh Tử - Lang uyên Vũ- Song Điệp Khách ( 3 tên này tức là Hòa)- Nhật Quang - Nguyệt Minh - Quang Minh (3 tên này tức là tôi)
- Nội dung: Có những mục Lá Thư hằng tuần, truyện ngắn, truyện dài, thơ, phiếm luận, tin tức hằng tuần, vui cười, câu đố, tranh phim.
- Hình thức: Báo ra 12 trang mỗi tuần, viết trên giấy học trò. Hòa vẽ và trình bầy. Tôi chép bài vở.
- Hòa phụ trách Truyện dài, phiếm luận, tranh phim.
- Tôi phụ trách: Thư hằng tuần, mục giải trí, câu đố, trò chơi, tin tức.
- Cả hai phụ trách: Thơ, truyện ngắn.
Báo sẽ làm ở nhà Hòa vào mỗi sáng Chủ Nhật vì mẹ Hòa rất khó khăn, bà không cho hắn ra khỏi cửa trừ giờ đi học (con một mà!). Còn tôi, nhà đông anh em, có đi lêu bêu cũng ít bị để ý.
Việc sắp xếp như thế kể là tạm xong. Ngay hôm ấy tôi về nhà thảo ngay một bài Lời Phi Lộ cho tờ báo, với chủ trương:
1) Bắc một nhịp cầu thông cảm với Thiếu Nhi Việt Nam "trên toàn quốc ' (!), mặc dù báo của chúng tôi chép tay có mỗi một bản.
2) Lập một diễn đàn văn nghệ để các bạn trẻ có cơ hội trau giồi khả năng sáng tác cũng như phát triển những ý tưởng của mình, hầu xây dựng một thế hệ ngày mai tươi thắm!
3) Đả kích những tệ đoan (?), những chướng ngại vật cản đường ngăn lối cho sự phát triển của thế hệ Thiếu Nhi V.N.
Riêng về mục thứ ba này sở dĩ tôi đưa vào đường lối của tờ báo là vì trong báo có mục phiếm luận. Mục này theo Hòa nói, thì hắn sẽ sử dụng như một lưỡi kiếm báu (lại kiếm!) để diệt trừ những "sâu mọt" trong làng Thiếu Nhi.
Tôi tin hắn lắm. Và quả nhiên trong bài phiếm luận ở số ra mắt, ông lão gác cổng trường là "con mọt" trước tiên bị kiếm báu của Hòa vung nhát mở đầu.
Số là, đối với toàn thể bọn học trò chúng tôi, lão gác trường là một nhân vật đáng ghét vô cùng. Hầu như chưa bao giờ chúng tôi thấy lão ta nhỉnh lên được một nụ cười. Vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lẽo như băng, cặp môi cứ mỏng dính lại, đôi mắt thì tráo trưng như sẵn sàng gây gổ với bất cứ đứa học trò nào lai vãng tới gần. Hai giờ chiều trống đánh vào lớp, hai giờ năm phút, cổng trường khóa kín, công việc đó lão ta đã làm như một cái máy tinh vi không biết mệt mỏi, không sai lệch. Bọn chúng tôi hận lão vô cùng vì cái bản tính tôn trọng nguyên tắc bất di bất dịch đó.
Đã nhiều lần trong năm học, tôi đến trễ chỉ chừng vài giây, và khi tôi trông thấy lão ta đang từ từ đẩy hai cánh cổng gỗ với vòng xích cầm trên tay thì tôi, một tay ôm cặp, một tay xốc quần, chạy chối chết, cố nhịn thở để la lên:
- Chờ cháu với…chờ cháu với!!!
Nhưng như một khối đá vô tri, lão già phải gió ấy không thèm chậm tay lại và vừa đúng lúc tôi nhào tới với quần áo lếch thếch tả tơi, mồ hôi nhễ nhại thì cũng vừa vặn nghe được tiếng khóa kêu lên một tiếng tách khô khan móc trên vòng xích.
Qua song cánh cổng gỗ, lão nhìn tôi bằng ánh mắt khoái trá, lại đầy vẻ ngạo nghễ. Hẳn trong bụng lão mừng lắm đấy vì đã thắng được thằng nhãi trong một cuộc đua ngắn ngủi và bất ngờ này. Rồi lão quay đi, bước chân chậm chạp, những vệt nắng xuyên qua mái lá in từng vệt lốm đốm trên lưng áo đã bạc mầu. Ở đằng sau, tôi mệt lử cò bợ, mặt đã tái mét lại thêm cơn tức trào lên đầy ứ cổ họng, nước mắt cứ muốn ứa ra ở hai bờ mi.
Bọn trẻ trong lớp của tôi hầu như đứa nào cũng được "sơi" món đòn chạy đua đó. Tất nhiên chúng nó cũng trả đũa lại bằng đủ thứ trò độc địa khác. Và cứ như thế, mối oan khiên ngày càng chồng chất, thật không có phương cách gì có thể san bằng đi cho được.
Riêng với Hòa thì mối thù của hắn đối với ông lão lại còn sâu đậm hơn. Tôi còn nhớ một hôm Hòa suýt trễ học nên không kịp ra cầu tiểu trước khi xếp hàng vào lớp. Giờ học hôm ấy lại có mấy đứa không thuộc bài làm thầy Huỳnh giận dữ hơn bao giờ hết. Vì lẽ ấy, Hòa không dám hó hé viện cớ này cớ nọ để chạy đi phun vòi rồng. Hắn ta ấm ách suốt giờ học. Đến giờ ra chơi, cầu tiểu đông khách quá, thiên hạ đứng vòng trong vòng ngoài. Hòa chen vào không kịp, đành vắt vòi rồng ở ngay gốc cây bàng cuối sân mà tưới xối xả.
Xui xẻo cho hắn là khi ấy lão gác trường lại đang lúi húi mài dao ở ngay đằng sau phông ten nước gần đó. Nên vào lúc "sở cứu hỏa" đang hoạt động mạnh mẽ nhất thì Hòa bị lão ta lén lại gần, rón rén vừa đủ để cho Hòa không nhận biết, rồi bất thình lình lão giơ một thanh tre lên, khện cho cu cậu một roi vào mông quắn đít. Hòa tá hỏa, la lên một tiếng chói tai rồi vừa ôm vòi rồng vừa bỏ chạy. Báo hại, vòi nước ấm cứ xối vung tàn tán, văng bên này vẩy bên kia, làm nguyên một bên ống quần của Hòa bị ướt như chuột lột.
Hòa căm vụ ấy vô cùng! Hắn vẫn thường đe sẽ cho lão này một vố nhưng chưa có dịp nào thi thố cho đích đáng. Cho nên, lý do thật dễ hiểu khi bài phiếm luận đầu tiên trong số báo ra mắt, kẻ "sâu mọt" trong làng thiếu nhi đầu tiên bị lưỡi kiếm báu của Hòa hạ xuống chính là lão gác trường. Tôi không nhớ Hòa đã viết những gì để mạt sát kẻ sâu mọt ấy, nhưng Hòa đã kết luận bài báo bằng đoạn thơ lục bát dưới đây mà sau này bọn trong lớp chúng tôi đều truyền tụng.
Đoạn thơ mở đầu bằng một câu cũ rích vẫn thấy nhan nhản trên các bài văn, bài báo thời đó:
" Người đời sau mới có thơ rằng", và "thơ" ấy như sau:
Trần gian có một không hai
Da sành, mặt sứa, đôi tai bú dù (bú dù là một loại khỉ nhỏ)
Răng hô, mũi vọ, lưng gù
Chân tay lẻo khoẻo, mắt mù thấy ai
Nho phong nghĩa khí ở đời
Tam tòng, tứ đức (!) ôi thôi biết gì
Sinh ra nào để làm chi
Gươm thiêng một nhát, chặt đi cho rồi!
Hạ địch thủ bằng đoạn thơ ấy, Hòa đắc ý lắm. Hắn đem đọc cho mấy tên khác nghe. Một đứa trong bọn chợt óe lên: "Bú dù! Bú dù!". Thế là lão gác trường được trao tặng cái danh hiệu mỹ miều "Bú dù" kể từ đó.
Nhưng con đường nghệ thuật thật lắm chông gai. Trong trường văn, trận bút không phải cứ vung kiếm báu lên chém thiên hạ vô tội vạ rồi được ngồi cười hả hê. Nhiều phen phù thủy không cao tay ấn, lũ âm binh có khi quay về phản phúc chính mình. Hòa đã học được bài học kinh nghiệm đó ở ngay những bước dò dẫm khởi đầu.
Số là khi bài thơ ngắn của Hòa vừa được truyền đọc, và Hòa đang hiu hiu tự mãn vì "đường gươm trác tuyệt" của mình, thì đùng một cái, có chuyện động trời xẩy ra ở lớp Nhì phòng dưới. Một anh học trò vô danh nào đó, chắc là hận thầy giáo lớp mình dữ đòn (hẳn cũng tương đương với mối hận của Hòa với ông lão gác trường), nên một hôm đã lén vô lớp sớm, dùng phấn trắng viết lên bảng một chữ tổ bố: THẦY H., rồi hai chấm xuống dòng, chép lại hai câu thơ:
Trần gian có một không hai
Da sành mặt sứa, đôi tai bú dù!
Ôi trời đất ơi! Có lẽ khi trời sập thì chắc cũng không thể nào náo loạn hơn là cái lúc thầy H. bước vô lớp học và phát hiện trên bảng đen những hàng chữ ấy.
Thầy là người nổi tiếng vừa thâm vừa nghiêm khắc. Bọn lớp Nhì kể rằng hình cụ của thầy thường có ba món ăn chơi. Trước hết là món "trao đổi văn nghệ" áp dụng khi trong lớp có hai đứa cãi lộn với nhau. Thầy bắt cả hai lên trình diện trước "khán giả". Thầy giới thiệu với mọi người là thầy mới mượn được ở vườn Bách Thú về hai con bú dù. Bú dù hay đánh lộn nhau lắm. Rồi thầy bắt hai đứa đóng vai bú dù tát vào nhau cho mọi người coi chơi. Được xem màn kịch bất ngờ ấy, cả bọn trước còn bò ra cười. Nhưng đến khi thấy hai đứa vả nhau đến đỏ vù cả má lên thì cả lớp đều xanh mặt lại. Tiếng cười trước còn ròn rã, sau thưa dần rồi im phăng phắc. Chỉ còn có mỗi một âm thanh sắc và nhọn của thầy đều đều vang lên: Nữa!...Nữa!...Nữa!....
Món ăn chơi thứ hai của thầy là món "trồng cây chuối" áp dụng cho những đứa không thuộc bài. Nạn nhân bị gọi lên bảng, xây lưng vô tường, rồi biểu diễn một màn chổng mông lên, hai chân ghếch lên tường, đầu chúc xuống, dưới đất để quyển vở bài học, và cứ ở tư thế đó mà học bài cho đến khi thuộc! Thường thì chẳng bao giờ tụi trẻ có thể thi hành được đúng như lệnh của thầy đã ra cả. Tường thì trơn, lúc chúc đầu, máu dồn xuống làm mặt nặng như dưới lớp da có dằm chì nên cứ phải đánh vật với cái tường suốt buổi, lâu lâu lại thấy té cái "huỵch", té xong lại phải lóp ngóp bò lên, làm lại. Họ hàng nhà lười rất sợ cái món ăn kỳ dị, quái ác này mà chỉ có thầy H. thâm trầm mới nghĩ ra nổi. Thầy còn nói: " Ở nhภchăn ấm, nệm êm ngồi học tử tế không chịu, thì cho học kiều này sau mới nhớ!"
Món thứ ba của thầy, tụi lớp Nhì gọi là món "đội đèn", áp dụng cho những tội nhân nói chuyện trong lớp, không nghe giảng bài, bắt nhắc lại lời giảng mà không nhắc được, hay có khi bị bắt quả tang đọc truyện trong lớp….Nạn nhân bị kêu lên bảng, co một chân lên như kiểu cò bợ, người phải đứng thẳng tắp, quyển vở thì đem đội lên đầu, cấm được đánh rơi xuống. Mỗi lần mà quyển vở rơi xuống là thầy lại tiến tới xoắn tai một vòng, giật qua giật lại vài ba "phùa" và nói với giọng chì chiết:
- Ăn hại hả? Đội có quyển vở không xong thì học hành cái gì. Nhặt lên, đội lại!
Tất nhiên là dù có tài Thánh thì quyển vở cũng phải rơi vài ba lần, và những cú xoắn tai, giật qua giật lại vài ba phùa lại tái diễn. Cu cậu nào đã từng trải qua, ắt phải nhớ đời.
Một ông thầy nghiêm khắc và thâm hiểm như vậy mà lại bị gán cho hai câu thơ bất hủ như trên thì thật không còn trời đất nào nữa. Cả buổi học hôm ấy, lớp Nhì B náo loạn cả lên. Thầy không bắt được quả tang thủ phạm nên "hành" cả lớp và đe dọa sẽ còn điều tra thủ phạm trong suốt cả năm học còn lại.
Tin ấy đến tai bọn tôi làm cả hai đứa, tôi và Hòa xanh mặt. Lại có tiếng xì xào:
" Hai câu thơ ấy thằng Hòa khoe là của nó đấy!"
Nghe được, Hòa chỉ muốn độn thổ ngay và ước gì mình chưa bao giờ dính dáng chút xíu gì đến văn nghệ, văn gừng cả. Và sau đó dĩ nhiên, tờ báo Bút Học Trò số ra mắt đang lưu hành trong lớp lập tức được chúng tôi thu hồi ngay về, đem giấu biến. Cũng may, được cái cả bọn học trò lớp Nhất sợ bị liên lụy nên cũng không đứa nào dám hó hé gì với nhân viên trong nhà trường cả.
Cả tháng sau, nghe chừng đã êm ả, chừng đó Hòa mới lại mạnh mồm huyênh hoang:
- Năm ngoái tớ học ông ấy rồi. Tụi nó tặng hai câu thơ ấy thì kể cũng đáng!!!