Một cuộc bể dâu

     y là một tay hảo hán trong đám Gà Chọi - cái loài sống ở trên đời, nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem. Tay ấy oai lắm. Chẳng thể có đủ chữ mà tả cho hết cái oai lẫm liệt của chàng. Ờ, mà có thể gọi chàng là ông Từ Hải. Từ Hải chọc mây khuấy nước, đầu thì đội trời, chân thì đạp đất.
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào...
Đấng anh hào nọ được phong vương - hay tự xưng cũng thế - ở đất này để cai trị một khoảng vườn. Mà trong vườn có một góc gồm một chuồng gà, một chuồng vừa vịt, vừa ngan, vừa ngỗng và một chuồng chim bồ câu. Đại vương chỉ có mỗi một mắt và mang trên mình bộ mã ô miến tía - cái thứ áo có lông đen nháy, điểm dòng dọc đỏ. Chàng bị độc nhãn là bởi trong cuộc lên sới, phải địch thủ đánh một cái đá mé, lòi bật con ngươi. Từ đấy, người ta không cho hắn ra trận nữa. Để nuôi cho đẹp sân.
Chàng Gà Chọi đứng thẳng người, hai cái cẳng chân cứng và lẳn như hai thanh sắt, phủ những vảy lớn sắp vàng bóng. Đôi bắp đùi chắc nịch, gân lên những thịt. Chàng chỉ có lông trổ ra hai cánh, ở trên lưng, ở đuôi và lơ phơ mấy chiếc quăn queo dưới bụng. Lông ấy được xén, cắt thực gọn. Đầu chàng to và hung dữ như dáng một chiếc nắm đấm. Cái cổ bạnh và hai bắp đùi thì để lộ ra. Da chàng đỏ gay, đỏ gắt, đỏ tía, đỏ bóng lên như có quết một nước sơn thắm. Mặt chàng lùi sùi những mào, những tai, những mấy cái ria mép - tím lịm như mặt anh say rượu. Một bên mắt thì lép mịt mờ, còn một bên chóp chớp nháy nháy tròng vàng hoe.
Lúc chàng đi, hai đầu cánh nhô lên thụt xuống, rõ ra điều một anh chàng cuồng võ, lúc nào cũng chỉ ngứa ngáy chân tay.
Buổi sớm, khi cậu Gà Ri te tái chạy ở trong chuồng ra, dẫn đầu ba chị gà, một bác ngan với một lũ con líp nhíp và mấy thím vịt, thì, ở nóc chuồng, Chọi ta cũng nhảy xuống, hai cái chân gieo bịch trên nền đất. Chàng không ngủ trong chuồng với những con gà khác. Chúng làm quẩn chân. Bởi vì chàng cao quá, đầu đụng tới nóc chuồng; nếu phải đứng khom khom cô thì chàng chịu, không thể cúi được.
Chàng đưa mắt nhìn quanh sân một lượt rồi vỗ đồm độp đôi cánh, lấy gân thẳng hai chân, cong bạnh cần cổ, phưỡn ngực ra gáy lên một hồi: côôô... côô... cô... cô... ô... Tiếng gáy mới to khiếp. Nghe ồ ồ như tiếng nước mưa rào chảy vào trong một vành cống hẹp.
Côôô... côô... cô... cô... ô...
Những thim vịt nhút nhát luống cuống đôi chân, nghiêng một bên má để hiếc mắt lên trời, ra điệu nghe ngóng. Có thím hải quá, cạc cạc một hồi ầm ĩ, như muốn kêu: “Ai cứu tôi với! Cạc cạc cạc! Ai cứu tôi với!”. Cậu Gà Ri đương làm bộ làm tịch, đứng diễu võ giương oai ở trên đầu mỏm cọc tre cũng giật nẩy mình, hai mắt nhớn nhác. Hai khoeo chân đã khum xuống, chực lủi, rõ ra bộ anh hùng rơm.
Loài ngan xưa nay có tiếng là gan góc, lúc nào cũng lỳ lỳ lầm lầm. Thế mà nghe tiếng Gà Chọi gáy, mụ ngan cái cũng vừa kêu kíu kíu, vừa thò ra thụt vào cái cổ, dường như muốn hỏi các bạn cùng sân xem: “Cái gì thế? Cái gì thế? Kíu kíu...”.
Lại đến tình cảnh những nỡm chó con ra ăn vụng cơm của gà mới buồn cười. Nghe tiếng gà ồ ồ gáy, chả biết tiếng người ta chửi, người ta mắng hay tiếng máy móc ghê gớm gì, các ranh cứ nháo mắt lên, đuôi cúp thụt xuống tận bụng, len lét chuồn thẳng.
Cái tiếng gáy mới kinh khủng chứ! Ai mà chả phải sợ ông Từ Hải.
Côôô... côô... cô... cô... ô... ô...

*

Có những buổi trưa.
Những buổi trưa mùa hè, nắng to. Ngoài vườn, cây cối rủ rượi đứng chịu tội trong ánh nắng lửa. Những mảnh lá mướp to bản đều cụp uốn xuống, để lộ ra những cánh hoa màu vàng gắt. Có tiếng vỗ cánh sè sè của vài con ong bò đen bóng, bay rập rờn trong bụi cây chanh.
Nắng dữ quá. Gã Đực nằm đầu hiên, thè dài lưỡi ra thở hực hực. Lũ ngan, lũ ngỗng thì rủ nhau chúi xuống bờ ao, núp bên những tàu lá khoai sơn hà xanh rời rợi. Ở dưới gậm cụm lá sói, hai ba chị mái tơ thi nhau dũi đất. Thỉnh thoảng lại rủ cánh phành phạch.
Ấy vậy mà có hai người bạn vàng kia quên cả nắng, quên cả tròi đất nóng nực. Đó là hai trái tim: một anh Gà Chọi và một chị Gà mái nạ dòng. Nếu mà đối Gà Chọi với chàng Từ Hải thì phải kể chị ta vào cái độ cô Kiều gặp người anh hùng đó, sau mười lăm năm luân lạc, trên vai nàng đã đeo nặng hơn ba mươi cái gánh xuân. Mà chàng Từ Hải thì trải bao trận thư hùng, đã tàn tạ rồi mà vẫn có mã, vẫn đỏm dáng như thường.
Cho nên, trời nắng là thế mà thuyền quyên cũng chịu khó đứng ở dưới gốc cây thầu dầu tía, gần bờ ao. Nàng xù bộ lông vàng, phờ phạc, lốm đốm trắng như mớ rơm rửa bát. Vậy mà nàng cũng chớp chóp đôi mắt, rung rung cái mào xám xịt ngả về một bên má.
Nàng nghển cổ lên, nhìn sang phía gốc cam - chỗ có anh Gà Chọi đứng; hơi he hé đôi mỏ, chị cất một giọng oang oác, rất bổng rồi trầm xuống: “Kééééc... kéééc... kééc... k... éc... k... é... é... é... c...”
Ý như làm duyên mấy câu Kiều lẩy.
Cái tiếng éc cuối câu cứ kéo dài, vang động khắp vườn một cách lâm ly và não nuột khiên cho anh Gà Chọi đứng bên kia dường như phải ngơ ngẩn bồi hồi mà nghếch một bên mắt lên nhìn lơ láo. Và chàng vừa kêu cộôc cộôc vừa đi về phía cô ả.
Ấy thế là khách biên đình sang chơi. Kiều nhi bèn ra bộ làm gái, thấy tình nhân thì không hát nữa. Muốn tỏ với nàng rằng ta đây cũng là tay thiệp đời, gà Chọi xõa hai cánh, doạng mấy móng chân để bới đất và cúi mỏ xuống, giả cách vừa mổ vừa kêu cộc cộc, làm điệu gọi mái đến ăn chung. Rất tình tứ. Nhưng mà xác anh ta thì nặng, hai cái cẳng chân to lều nghều, khi anh lấy cái dáng đẹp nhất, cái điệu chân dẻo nhất để bới, trông hóa ra ngây ngô và ngượng nghịu, đến hay.
Chị ả còn làm bộ mãi, không chịu đến. Để cho chàng hết rủ rê, tán tỉnh bằng điệu chân, điệu mỏ, lại xòe cánh ra đập phành phạch. Mà cô nàng cứ còn cao giá làm lơ và lại bắt đầu hát kéc kéc ầm ĩ.
Ôn tồn, dịu ngọt mãi không được thì chột ta tức lắm. Chàng ngẩng đầu lên.
Cái tính hung hăng, nóng nảy cố hữu của chàng ở đâu lại kéo đến ầm ầm. Chàng đỏ mặt tía tai, lộc ngộc chạy đến tận nơi. Chị ả cũng ù té chạy biến phía bờ ao.
Nhưng này, ối ai ơi! Chị ả nõn nường đó chỉ giả cách khệnh khạng một chút đấy thôi. Đến chỗ khuất bóng cây chanh, nàng đã nằm khụy hai chân xuống. Để đợi người yêu.
Sáng nào chị mái nạ dòng ấy cũng lên ổ để đẻ. Mỗi lần đẻ xong, chị nhảy choàng từ trong ổ ra đứng giữa sân mà cục te cục tác rồn rã. Chừng muốn khoe với làng xóm rằng mình vừa mới đẻ được một cái trứng, công phu khó nhọc nhiều lắm đây.
Được có chín trứng ả đã thôi và bắt đầu nằm ấp. Ả ấp ham lắm. Suốt buổi. Quên cả ăn. Cứ nằm sù sù cả ngày thâu đêm trong ổ. Ai động đậy ở đâu gần đấy là ả đã kêu cục cục, lông cánh xù ra, chực những sự vừa chửi vừa đánh.
Ả nằm ấp vừa đứng cữ hai mươi mốt ngày. Từ đầu tuần trăng lưỡi liềm cho tới những đêm trăng chỉ còn nhô lên lúc gà gáy sáng là tới thời kỳ những cái thai bắt đầu cựa quậy và mổ vỏ ra để tìm ánh sáng.
Nửa tháng sau, xung quanh chuồng gà đã ríu rít những gà con. Bây giờ cái mảnh sân sau ấy vui lắm. Qua một ít bữa, chín con gà nhỏ vỡ lông, vỡ cánh và lần lần trên người chúng, hiện ra những màu sắc của một bộ mã. Mỗi con một mã: hoa mơ, tía, trứng cuốc, mãn trắng. Cũng có những đứa đeo cái màu vàng bềnh bệch như mẹ. Đây là một đàn gà pha.
Có thêm những một đàn chín con gà nhỏ, sân và vườn bây giờ trở nên âu tri viên. Cả ngày, rối lên những tiếng líp nhíp, líu nhíu. Gà con, chúng kêu luôn mỏ. Nếu không chép chép to tướng thì ít ít be bé trong cuống họng. Xô nhau cũng kêu. Mổ hạt tấm, cũng kêu. Đến cả khi mẹ ngồi xuống, xòe cánh ra cho chúng rúc vào bụng, chui vào nách, nhảy lên lưng, cũng kêu í ới.
Còn mẹ chúng nó? Thật là một người đàn bà giỏi giang, đa tình thì nhất mực mà khi phải vào cái bổn phận dạy dỗ, nuôi nấng con trẻ, lại đáng nên bậc mẹ hiền gương mẫu. Luôn đi cạnh các con, mụ không rời chúng lấy nửa bước ngắn. Mụ cong chòm đuôi, xù vành lông cổ lên, làm điệu nghiêm khắc và ác. Thật ra, với các con thì mụ rất ngọt ngào. Bới được một hạt giền đỏ, mụ cũng gọi chúng đến, cho chúng ăn. Vừa nhìn các con ăn, mụ vừa cúc cúc, nói chuyện vui vẻ. Nhưng hễ động một bà ngan đãng trí - những con ngan hay đãng trí, lúc nào cũng bước đi thanh thản, lơ tơ mơ, ngất ngưởng tới bên cạnh là mụ Gà nhảy lên như choi choi, bao nhiêu lông đuôi lông cánh dựng đứng ngay lên, miệng kêu oang oác, khoéc khoéc, chân thì đập, mỏ thì mổ khiến cho mụ kia mở mắt không kịp, chúi đầu xuống đưa vòng kiềng hai chân mà lạch bạch chạy.
Mụ mê mải chăn nuôi con đến quên cả mình. Chả thế mà trong khi săn sóc trẻ, thân hình mụ gầy xác, gầy xơ. Bây giờ thì không thể bảo mụ là cô gái giang hồ gần bạc tóc mà vẫn ưa lá gió cành chim được nữa. Phải gọi mụ là một bà xã trong làng, một bà xã chỉ biết tảo tần nuôi con cho đi thả chim thả diều và nuôi chồng một ngày hai bữa rượu. Những điều nguyệt nọ hoa kia, giờ tịnh câm, mụ không màng tới, mà lại còn ghét là khác. Mỗi khi có cô mái tơ phớn phở đi qua, mụ đuổi đuổi, mổ mổ, túi bụi.
Còn anh Gà Chọi mã ô miến tía? Thôi thôi thôi, nói làm chi đến cái quân lang chạ, phất phơ.

*

Một ngày cuối tháng năm. Mấy hôm nắng dữ dội như muốn hun héo cả xóm làng. Đến hôm ấy, từ buổi sớm, nắng không loe lên như mọi khi. Trời vần vụ đầy mây trắng. Song không phải là mây trắng đục, báo hiệu cơn mưa. Mây trắng tinh chẳng biết ở đâu trôi lừ đừ đến từng tảng lớn, ngổn ngang cả nền trời xanh ngắt - trời xanh lắm, ở mỗi khoảng không có mây. Mây đến rồi mây đi, mây đến, mây lại đi, mây chuyển vùn vụt. Ấy thế rồi gió nổi lên dạt dào trong các lũy tre. Cái thứ tiếng dạt dào của lá tre rung vào nhau liên miên, tưởng như tiếng heo may cuối thu, mà không bao giờ ngớt, gây nên bởi từng luồng gió rất dài, rập rờn trên sóng lúa, từ ngoài đồng xa về. Người ta gọi gió ấy là gió giải đồng - gió quạt mát cho những người cầy dưới ruộng.
Bữa đó, Gà mái dẫn đàn con lách qua bờ tre, ra ngoài ruộng nhửn nhơ chơi. Bởi vì không có nắng nên cả mẹ, cả con mải bắt nhái, bắt châu chấu, mãi tới xế chiều mới dò về. Về tới chuồng, trời đổ một trận mưa rào. Mưa rào đến đêm thì tạnh. Nhưng còn sập sùi mãi tới lúc sang canh mới dứt hạt.
Sớm hôm sau, khi cửa chuồng đã mở, chỉ thấy chị Gà mái mẹ dẫn có bốn con nhỏ lủi thủi ra. Nhòm vào trong: năm chú gà con kia đã nằm mỗi chú một xó chết còng queo từ bao giờ. Và chỉ từ sáng tới buổi trưa, cả bốn gà còn lại này cũng mỗi con nằm rụi ở một góc vườn. Những cái diều cơm cứng ních lại. Lặc kêu ầm lên rằng:
- Biết ngay mà. Trở gió! Trở gió! Trái gió. Trái gió. Gà bên nhà bác xã Khóm cũng lăn đùng ra thế đấy.
Sẩm tối, ông ngoại tôi sai Lặc hun một đống bồ kếp ở trước cửa chuồng, chỗ thang gà leo lên leo xuống. Trong sự tĩnh mặc âm thầm của vườn sau, đám khói hoàng hôn sực mùi bồ kếp thơm gây gây càng làm cho cái khu gà vịt ở có một không khí ảm đạm như một xóm nhuốm bệnh thời khí. Thế mà sáng hôm sau, lại có ba chị Gà mái tơ nằm chết chỏng hai cẳng lên trời.
Một sự đổi đời ghê gớm. Tai nạn chỉ bởi có một thoáng thay thời tiết. Mụ Gà mái mẹ và anh Gà Ri sợ không dám ở chuồng nữa. Tối đến, chúng ngủ cao trên bụi tre. Còn ở lại chỉ có lũ nhà ngan, họ nhà vịt - cái tụi ngu ngơ lúc nào cũng đờ đẫn mà khỏe - và anh Gà Chọi đứng ngang nhiên trên nóc chuồng. Dáng hẳn thấy cảnh vật phút chốc bỗng trở nên quạnh hiu, anh không hộc mỏ kêu kộôc kộôc như mọi hôm.
Chẳng những chỉ vắng vẻ thế mà thôi!
Một sớm kia, Gà Chọi không cất tiếng gáy. Tay nhà võ đi có dáng lừ đừ, đầu rúc xuống, mà cổ thì hình như nằng nặng. Loài gà không bao giờ ốm bệnh gì, chỉ có bệnh dây. Khi lử khử, tất chàng mắc bệnh ghê gớm đó. Chàng bị truyền nhiễm bởi bọn gà chết hôm qua, hôm kia. Chắc thế. Bởi chàng khỏe cho nên chàng không quỵ ngay. Song cũng khó lòng qua khỏi được. Có sức khỏe, bệnh chỉ kéo dài. Thể nào, một ngày rất gần đây, cũng sẽ đi đời.
Chàng không ăn được nữa. Chỉ uống nước thôi. Mà uống nước luôn luôn. Cái bìu diều cơm rắn lại. Cho đến chiều thì chắc đanh, sờ tay không bóp chuyển được. Đêm, chỉ nghe tiếng quéc quéc, như vướng cái gì trong cuống họng. Cái tiếng quéc sắc rợn và lạnh. Nghe ghê người.
Sang hôm sau, mào, bắp chân và bụng Gà Chọi đã xám lại. Chàng bước đi; cái cần cổ gục xuống, hai vai cánh so lên, xiêu vẹo như lão kiết đã nghiện nặng lại thiếu cả sái hút. Đôi chân hiên ngang nọ như sắp không khiêng nổi cái mình to lớn nữa. Thảm hại quá. Ôi! Con Gà Chọi, ôi! Con Gà Chọi! Con Gà Chọi chỉ còn mở thao láo một mắt ra nhìn. Không còn hục hặc đạp phành phạch. Không còn gáy cồô... cộộ, không kêu cộô... cộ gì cả.
Ngày hôm sau nữa thì đành chẳng thể nào nhấc chân được. Chàng Gà Chọi nằm gục một chỗ, chỏng đuôi lên, đầu lả rụi. Người tọp lại, như một người thân thể to lớn, bây giờ chỉ còn lần da, ôm một bọc xương. Buổi chiều thì Gà Chọi tắt thở.
Lặc được nhận việc xách một bên cẳng nó, đem ném ra ngoài đồng xa.
Hỡi ôi! Ông Từ Hải về với đất.

*

Cậu Gà Ri không dám bén mảng về đến sân nhà. Trông trước, trông sau chẳng có ai, chỉ còn một mình chị mái già, ra lại vào, ngẩn ngơ.