Chương 3

    
ừa đi được vài bước trong cái sân gạch tàu rộng thênh thang, Lưu Ly đã bị gọi giật ngược lại vì một giọng đàn ông thô lỗ:
- Ê... ê... ê... đây... vậy?
Còn đang dáo dát tìm xem ai hỏi mình, Lưu Ly đã đỏ mặt vờ nhìn trời khi từ sau hàng kiểng đặt hai bên lối vào, một gã đàn ông vận độc nhất có chiếc quần đùi ướt nhẹp xăm xăm đi tới. Thấy Lưu Ly ngó lơ tận đâu đâu, gã ta cao giọng hách dịch:
- Tui hỏi kiếm ai, sao làm thinh vậy?
Lưu Ly lúng túng thật sự khi phải... "giao thiệp" với người khác phái gần như "tự nhiên chủ nghĩa" như vầy. Cô tiếp tục ngó trời mây và trả lời:
- Tôi muốn gặp anh Tường.
- T...ui... l...à Từ... là Từ nè.
Lưu Ly giật mình lùi lại mấy bước. Quên mắc cỡ, cô ngó chừng chừng vào gã... Quần đùi trong khi gã cũng đang nhìn cô trân trân. Trời đất ạ! Anh ta đây sao? Đúng là... điên nặng rồi. Anh ta không có nét gì giống như cô tưởng tượng. Ngay cả đôi mắt cũng khác. Với đôi mắt cô từng thấy giữa cơn thập tử nhất sinh.
Lưu Ly bẻ bẻ những ngón tay:
- Tôi đến cảm ơn anh.
Trỏ vào ngực mình, anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Ủa! Sao lại cám ơn tui? Tui đâu biết cô là ai.
Lưu Ly dịu giọng:
- Anh quên rồi à! Anh kéo tôi dưới sông lên đó! Nhờ có anh, không thôi tôi chết đuối rồi.
Xua xua hai tay, giọng hốt hoảng, anh chợt kêu lên:
- Hổng phải tui à nha!
Lưu Ly vừa buồn cười vừa tội nghiệp. Cô bất nhẫn khi nghĩ ra gia đình bà Hà nổi tiếng giàu nhưng lại nỡ cho người con bệnh tâm thần ăn mặc tệ quá. Có lẽ suốt ngày anh ta chỉ mặc độc nhất cái xà lỏn này đi rong khắp vườn. Cũng nên... Lưu Ly chớp mắt:
- Hôm trước chính anh cứu tôi mà. Anh quên rồi sao?
Anh ta lắc đầu lia lịa:
- Cậu Út có cứu cô chứ không phải tôi. Tôi là Từ... là Từ... Hồi nãy tôi tưởng cô hỏi tui, ở đâu ai cũng gọi "ổng" là cậu Út, chớ đâu dám kêu đích danh như cô.
Lưu Ly buột miệng:
- Ghê vậy sao? Vậy ổng đâu rồi?
Hất mặt về phía ngôi nhà đồ xộ quét vôi trắng toát, Từ cụt ngủn:
- Trong á!
Rồi anh ta xăng xái gọi to:
- Cậu Út ơi, cậu Út, có khách.
Nhìn Lưu Ly bằng cặp mắt tò mò, Từ hỏi:
- Cô là cháu nội ông Chín từ thiện hả?
Ly gật đầu, cô nhóng nhóng về phía cánh cửa kiếng mở hờ với vẻ sốt ruột. Thấy vậy Từ lại rống lên to:
- Cậu Út ơi...
Một dáng người cao lớn từ trong khệnh khạng bước ra. Chẳng cần nhìn tới Lưu Ly, anh ta văng tục:
- Mẹ... làm gì mày réo dữ vậy? Bộ móc mương hả?
Từ khúm núm:
- Dạ... cháu ông Chín tìm cậu Út.
Lừ đôi mắt đỏ ngầu về phía Lưu Ly, một hồi khá lâu anh ta chợt nhếch môi đểu giả:
- Trong cô cũng ngon lành đó chứ! Nghe kể hôm đó em với thằng Tường tình lắm mà. Bộ mới vài ba hôm, không gặp, đã nhớ hay sao phải qua đây tìm nó vậy?
Lưu Ly ngạc nhiên vì những lời bất ngờ khó nghe này. Cô nhíu mày lắp bắp:
- Anh nói gì? Tôi không hiểu nổi!
Bật cười hô hố nghe thật khả ố, gã đàn ông bỡn cợt:
- Giả bộ ngây thơ hoài. Nói rõ ràng từng chữ mà còn không hiểu. Hay muốn anh Hai đây nhắc lại nghe cho... sưng lỗ tai?
Lưu Ly đứng sượng trân, cô không tưởng tượng mình lại rơi vào tình huống này. Gã xưng "anh Hai" chắc là Hai Nhân. Tại sao gã lại nói năng kỳ thế? Hình như gã đang say rượu thì phải. Đối cô với người say cầm bằng phần chắc là thua.
Ném tia nhìn đầy ác cảm về Hai Nhân, Lưu Ly bĩu môi rồi quay lưng bước đi. Vừa được hai ba bước, cô đã nghe hắn chửi:
- Mẹ... nhà tao đâu phải chợ để ai muốn vô thì vô, ra thì ra. Con nhỏ kia, đứng lại coi!
Lưu Ly giận nóng bừng cả người, cô dằn gót thật mạnh và chả thèm nhìn lại. Ai ngờ chưa ra tới cổng Ly đã bị nắm vai kéo lại. Đang loạng choạng suýt té, Lưu Ly nghe Hai Nhân nói như gầm vào tai:
- Còn nhỏ mà đã khinh người. Cho mà biết, chỉ có Hai Nhân này mới có quyền trề môi, phỉ nhổ vào mặt kẻ khác. Nhất là hạng như nhà... Chín Trực bọn bây. Về Sai Gon nhớ nhắn vợ chồng Hai Trịnh, Tư Lan. Hai Nhân này còn sống, thì vợ chồng nó đừng hòng trở lại mảnh đất này. Bọn bây từ già tới nhỏ đều là chó ráo. Chó hết ráo! Nghe rõ chưa?
Lưu Ly tái cả mặt, tay chân cô run lẩy bẩy vì tức. Lần đầu tiên cô bị người ta réo tên ông bà, cha mẹ ra chửi. Cô gào to:
- Không được nói động tới ông bà cha mẹ tôi.
Hai Nhân lừ đừ tiến lên làm Lưu Ly phải thụt lùi.
- Tao chửi con mẹ Tư Lan. Mụ ấy là điếm chà! Trông mày giống con gái mẹ lắm. Hừ! chắc cũng rặc ròi đĩ thõa, vờ té sông để làm quen với thằng Tường chớ gì? Mày định... câu thằng ba trợn đó làm chi vậy?
Lưu Ly uất nghẹn, cô giận đến mức không biết giận là gì. Mím môi lại, Ly giáng một bạt tai vào bộ mặt nham nhở đỏ bừng vì rượu của Hai Nhân. Cô tát mạnh đến mức lòng bàn tay buốt rần lên như vừa bị khẽ thước bản.
Cú tát bất ngờ của Ly làm Hai Nhân tỉnh ra. Hắn xoa xoa gò má rồi nghiến răng:
- Con quỷ cái. Phen này tao cho mày lết về nhà.
Lưu Ly hoảng hồn vía vì đôi mắt tóe lửa của Hai Nhân, cô đứng như trời trồng. Chưa biết ứng phó ra sao thì Từ đã ôm cứng hắn ta lại:
- Cô chạy lẹ đi! Ổng say rồi, nguy hiểm lắm!
Hai Nhân vừa vùng ra vừa chửi rủa rân trời. Sau vườn có người nghe ồn túa ra. Họ kéo gã bợm nhậu cô hồn vào, trong lúc Lưu Ly chạy thục mạng về nhà mình.
Vào tới phòng khách, thả phịch người lên salon rồi Ly vẫn chưa hoàn hồn. Tim đập thình thịch. Cô vừa vuốt ngực vừa nghe bên nhà Hai Nhân tiếng la hét, đập đồ y như tiếng đêm đầu về đập cô đã nghe vang lên từng hồi. Lưu Ly rùng mình. Hai Nhân không hề điên mà còn hung hăng, dữ tợn thế kia, thì nói gì tới Út Tường lúc lên cơn. Nhà hắn còn dám đốt, huống hồ người ta. Nhưng tại sao hôm đó gã khùng ấy lại "xả thân cứu mình" nhỉ?
Chưa bớt mệt, Lưu Ly đã nghe tiếng chân chạy vô thình thịch, rồi tiếng bà Tám la hớt hải:
- Trời ơi! "Mấy người" vừa làm trò trống gì ở bển vậy?
Bóp bóp lòng bàn tay còn ửng đỏ, Lưu Ly hả hê trả lời:
- Con vừa tát vào mồm con chó điên ở bển.
- Úi thánh thần ơi! Tại sao lại như thế?
Lưu Ly hất mặt lên:
- Tội gì con phải... khai với dì, trong khi chuyện lớn, chuyện bé trong nhà dì đều giấu con.
Nuốt nước bọt xuống, bà Tám lăng xăng:
- "Mấy người" gây sự với Hai Nhân là rắc rối lắm. Nó là quỷ sống ở miệt này đó.
- Tại con quỷ sống đó chửi cha, mắng mẹ, nói nặng ông nội con?
Bà Tám làm thinh. Lát sau bà nhăn nhó hỏi như than:
- "Mấy người" qua bển làm chi cho rộn?
- Con qua tìm Út Tường chứ có tìm Hai Nhân đâu. Tự nhiên thấy con, hắn róng họng sủa lên từng tràng nghe thật kinh dị.
Lưu Ly lạnh lùng nhấn mạnh:
- Con chưa bỏ qua chuyện này đâu. Phải hỏi Hai Nhân cho ra lẽ mới được. Con phải hỏi tại sao hắn đã nhục mạ cha mẹ con, trong khi mấy chục năm nay hai người chả hề ở đây ngày nào. Hắn nói con giống mẹ là nghĩa gì? Bộ hắn biết mẹ con sao?
Bà Tám cương quyết:
- "Mấy người" không được làm như thế.
Lưu Ly ung dung bảo:
- Vậy thì dì Tám nói đi. Những thắc mắc của con chắc dì Tám biết, nếu không muốn con qua bển... quậy Hai Nhân, dì phải kể mọi việc...
Bà Tám ngắt ngang:
- Tôi già nhưng chưa có lẫn. "Mấy người" đừng khích vào, tôi chả biết gì để kể cả.
Ngần ngừ một chút, bà Tám hạ giọng:
- Lần này ổng sẽ cho "mấy người" về Sai Gon ngay. Tôi dám chắc như vậy.
Lưu Ly vội vàng xuống nước:
- Dì Tám! Đừng mách ông nội nghe.
- Hừ! Ai thèm nhiều chuyện. Chỉ sợ giờ này ổng đủ biết "mấy người" làm trò khỉ gì rồi ấy chứ!
- Làm sao ông nội biết nhanh thế!
Ba Tám nhếch môi:
- Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. "Mấy người" dám đánh Hai Nhân, tiếng tăm chắc lừng lẫy khắp xứ này rồi. Ở đây đâu như đất Sai Gon, ai làm gì mặc ai. Họ sẽ đồn tùm lum, có một nói thành mười, họ sẽ rủ nhau tới coi mắt "mấy người" bây giờ đó!
Lưu Ly trố mắt:
- Trời đất! Có ba cái vụ đó nữa sao?
Ba Tám nhai trầu chóp chép:
- Cách đây mấy hôm tôi ra chợ, thiên hạ cứ hỏi xa hỏi gần về "mấy người" hoài, tôi đến phát bực. Họ dựng chuyện tài hết sức...
Lưu Ly tò mò:
- Họ dựng chuyện gì chứ?
Ba Tám liếc Lưu Ly một cái:
- Họ bảo, họ bảo mấy người với Út Tường hẹn nhau ra ngoài miếu để hú hí, vì chỗ đó vắng. Khi nghe bác Ba đi kiểm tra vườn la lên vì tưởng ăn trộm. Hai người mới nhảy đại xuống sông, diễn tuồng kẻ té ghe, người cứu mạng. Họ còn đồn khi bác Ba thấy hai người dưới bùn thì kẻ nằm trên, người nằm dưới, quần áo... đâu mất hết trơn.
Lưu Ly nhảy dựng như đụng phải lửa. Cô lắp ba lắp bắp:
- Vô lý tột cùng, vô lý quá sức tưởng tượng vậy mà họ cũng nói ra được. Con có biết Út Tường mặt mũi ra sao đâu. Vả lại hắn ta điên. Họ nói coi như thế đúng là sỉ nhục. Con nhất định phải... phải...
Ba TAm bĩu môi:
- Phải làm gì? "Mấy người" định bịt mồm hết dân ở đây à!
Lưu Ly im lặng, cô nhớ tới những lời Hai Nhân nói khi vừa gặp mặt cô. Chả lẽ anh ta cũng tin dư luận? Vô lý! Hai Nhân thừa biết không phải thế, sao anh ta lại nói như thật vậy?
Đưa tay lau mồ hồi rịn trên trán, Ly cau mày suy nghĩ. Có bao giờ vì thù gia đình cô, Hai Nhân lợi dụng thằng em điên khùng của mình để dựng lên một câu chuyện tồi tệ hòng bêu xấu Lưu Ly và ông nội không? Với tính cách của hắn, chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra.
Lưu Ly nhìn bà Tám:
- Dì có hỏi họ coi ai kể câu chuyện dối trá ấy không?
- Đám thợ của Hai Nhân.
Lưu Ly buột miệng:
- Đúng là đê tiện! Hắn lợi dụng cả thằng em khùng của mình để hạ nhục người khác.
Ba TAm chợt nhếch môi:
- Đó là em nó, nó nói gì người ta chẳng tin. Vì ai mà Út Tường điên tới mức độ này. Anh em nhà nó toàn thứ ma quỷ. Nếu hôm trước biết "mấy người" là con cậu Hai Trịnh, chưa chắc thằng khùng ấy cứu "mấy người" đâu.
Lưu Ly tư lự:
- Khùng mà biết cứu người, số con cũng lớn ấy chứ!
Ba Tám cười nhạt:
- Điên cũng ba bảy thứ điên. Út Tường điên theo cách riêng của nhà nó. Bọn đàn ông bên ấy toàn ba thứ độc địa, nên thằng này điên cũng lạ đời hơn ai.
- Vậy anh ta điên ra sao?
Ba Tám kể một hơi:
- Đốt nhà, gây gổ với anh trai. Nghe nói có lần nó làm sao đó mà ông Sáu Tiến bạn ba nó, té sông suýt chết.
Lưu Ly ngạc nhiên:
- Ủa! Hắn toàn lên cơn với người thân hông vậy?
- Thì tại họ ở gần đó. Bởi vậy mấy năm sau này, Út Tường đâu có ở nhà.
Thấy bà "trầu" tự nhiên thích nói chuyện thiên hạ, Lưu Ly không bỏ lỡ cơ hội tò mò. Cô gật gù ra vẻ chuyện:
- Chắc họ đưa anh ta vô nhà thương Biên Hòa?
- Nghe nói cho nó lên núi ở với thầy. Không biết hết hông mà từ khi về tới nay Út Tường không chịu ở trong nhà mình.
- Vậy anh ta ở đâu?
Bà Tám nhún vai:
- Ở nhà ngoài bờ sông hay trên mấy cái bè nuôi cá ba sa, cá bống tượng của một người làm công trước đây cho nhà nó. Lạ một điều là nó hạp với lão Năm Kha này nên ở đó mà không hề quậy phá. Còn lão ta làm như có người khuất mặt độ, nên tự nhiên trúng số dựng mấy cái bè cá, làm ăn ngày càng phất, thấy mê.
Lưu Ly cười:
- Dì cũng tin mấy chuyện nhảm nhí đó sao? Làm ăn có thời thì phất lên mấy hồi. Qua cách nói của dì thì "Tường khùng"... độ cho lão Năm Kha phải không? Đúng là miệng lưỡi thiên hạ, thêu dệt trăm ngàn chuyện. Ở đây chưa hết một tuần, con đã nổi tiếng vì anh ta. Thật vừa bực mình, vừa tức cười. Chỉ tiếc là con chưa thấy mặt gã ấy để xem có xứng với mình không, mà dân ở đây lại gán ghép như thế!
Ba Tám xua tay:
- Trời ơi! Gặp nó làm chi! Mang tiếng bao nhiêu đó chưa đủ sao?
Nhìn Ly một cái, bà nói tiếp:
- "Mấy người" mẹ cái nước coi thường dư luận, đã muốn gì phải làm cho được mới thôi.
Lưu Ly ngạc nhiên:
- Dì biết gì về mẹ con mà nói?
- Tôi không biết nhiều về bà ấy, nhưng tôi nghe bà chủ nhận xét: "Mẹ con là người thủ đoạn, bất chấp dư luận, cái gì đã muốn sẽ làm cho kỳ được." Nhận xét ấy đã hơn hai mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ như in.
Lưu Ly chợt la lên phẫn nộ:
- Con không hề giống mẹ và cũng không muốn giống mẹ. Dì nói sai rồi!
Quá bất ngờ vì phản ứng của Lưu Ly, bà Tám đứng ngớ ra nhìn cô vùng vằng đi một nước. Chút ác cảm lâu nay đè nặng trái tim bà bỗng tiêu tan đâu mất. Thật lòng bà không ưa Lưu Ly vì ghét mẹ con bé. Thái độ vừa rồi của Ly làm bà hẫng khi biết con bé có mâu thuẫn với mẹ ruột. Người đàn bà ấy không phải mẫu phụ nữ nhân hậu, nhưng hùm dữ không nỡ ăn thịt con. Bà ta đã làm đến nỗi con bé bỏ phố xá, về quê sống với ông nội thế nhỉ? Bà chợt ân hận vì hổm rày đối xử với Ly quá lạnh nhạt, đầy ác cảm. Đúng ra ba mẹ nó làm nhiều chuyện có lỗi, chớ nó có tội tình chi. Phải sửa đổi cách đối xử với Lưu Ly mới được.
Gật đầu như tự hứa với lòng, bà Tám tê tái bước xuống bếp. Hôm nay phải làm món gì đó thật đặc biệt cho Lưu Ly biết tài của Tám Giỏi này!